Our forum runs best with JavaScript enabled !

NGƯỜI TÌNH VÀ SỢI DÂY THÒNG LÒNG

View previous topic View next topic Go down

NGƯỜI TÌNH VÀ SỢI DÂY THÒNG LÒNG  Empty NGƯỜI TÌNH VÀ SỢI DÂY THÒNG LÒNG

Post by Skyy Tue May 02, 2017 11:15 pm

Liễu Huệ đứng lấp ló mãi mà vẫn chưa dám gọi trong khi lòng dạ cô nóng ran, không thể chờ được nữa. Bên trong, anh chàng Thanh An đang say sưa giảng bài các học sinh đang chăm chú lắng nghe... Chính điều đó đã khiến cho Huệ không dám lên tiếng.

Chợt An từ trong đưa mắt nhìn ra, Huệ cố gọi vừa đủ nghe:

- Cậu An! Cậu...

Thanh An đã nhìn thấy, anh vội chạy ra, tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Em đi đâu giờ này mà lại ở đây?

Liễu Huệ đưa nhanh cho An cuốn sổ nhỏ:

- Có lời nhắn của cô Trúc Quỳnh trong đó. Và cậu phải mau theo em, kẻo không kịp nữa!

Xưa nay An và Quỳnh vẫn thường liên lạc với nhau qua quyển sổ này, và dĩ nhiên người làm cầu nối là Liễu Huệ. Thấy thái độ của Huệ, Thanh An hiểu là có chuyện hệ trọng, anh hỏi nhanh:

- Chuyện gì vậy, Huệ?

Huệ không đáp, kéo mạnh tay anh lôi đi:

- Đi nhanh kẻo không còn kịp nữa!

An khựng lại:

- Làm sao tôi đi được lúc này. Lớp học đang còn...

- Lớp gì cũng bỏ! Nếu không, cậu hối hận không kịp đó.

Huệ vùng bỏ chạy, còn An đang lúng túng chưa biết phải làm sao thì may sao có một thầy giáo khác từ ngoài bước vào, An mừng rỡ:

- Anh Phùng, dạy giùm tôi tiết học sau với. Tôi có việc nhà quá gấp!

Thầy Phùng gật đầu:

- Cũng được. Nhưng ngày mai thầy lại phải bù cho tôi đấy nhé.

Thoát ra được, An phóng nhanh theo Liễu Huệ. Phải hơn nửa đường anh mới bắt kịp.

- Chuyện gì, nói cho tôi nghe đi Huệ?

Huệ càng chạy nhanh hơn, vừa giục:

- Lẹ lên, cái cậu này chậm như rùa!

Thấy không khai thác được gì thêm, Thanh An cố bước nhanh hơn. Lát sau đã tới trước ngôi nhà to nhất vùng: Nhà Đốc phủ Vệ. Từ ngoài, An đã nghe tiếng huyên náo hơi lạ bên trong, nên có ý rụt rè, chưa dám bước vào. Liễu Huệ lại giục:

- Nhanh lên cậu!

Bằng cửa hông, An theo Huệ vào nhà trong. Đây là nhà mà từ gần ba năm qua An đã trọ học, nhưng bởi kiếp ăn nhờ ở đậu, nên lúc nào vào ra anh cũng khép nép. Mặc dù có một người trong nhà này, thân thiết còn hơn ruột thịt.

An nghe tiếng gào lên của bà Phủ:

- Cũng tại ông hết! Ép nó làm gì để bây giờ nó đóng cửa phòng trốn biệt, không ra mà cũng chẳng màng đến ăn uống. Bộ ông muốn hại con mình đến chết hay sao?

Không nghe tiếng ông đáp lại, An hơi yên tâm. Bởi thật lòng mà nói, mỗi khi phải giáp mặt ông là An thấy lo lo.

Nhìn thấy An về, bà Phủ như chết đuối vớ được phao:

- Con Quỳnh trong đó. Con gọi nó giùm bác coi!

An chưa hiểu đầu đuôi chuyện ra sao, nhưng cũng gọi to:

- Quỳnh ơi! Quỳnh!

Bấy giờ mới có tiếng của ông Phủ Vệ:

- Để đó tao!

Ông ta vốn không có cảm tình với An, ai trong nhà cũng hiểu điều đó, nên vừa nghe ông nói vậy thì cả bà Phủ và Liễu Huệ đều liếc nhìn An, ngầm bảo An lui ra, nhưng trong lòng anh chàng đang sôi lên nỗi lo, nên anh quên sự có mặt của khắc tinh bên cạnh, vẫn cất tiếng gọi:

- Quỳnh ơi!

Vẫn không nghe tiếng đáp lại từ bên trong, nên lúc này bà Phủ mới là người sốt vó, bà gào to:

- Tông cửa vào đi!

An chưa dám làm thì đã có tiếng ông Phủ:

- Mấy đứa kia đâu, đạp bung cửa ra!

Có lệnh của ông, hai tên lính vệ dùng hết sức đạp bung cánh cửa gỗ kiên cố. Cửa vừa bật ra thì cùng lúc có mấy tiếng thét kinh hoàng lên:

- Trời ơi!

Trong phòng, xác Trúc Quỳnh treo lơ lửng giữa trần nhà. An là người nhào vô trước, anh chụp lấy chân nàng đỡ lên. Nhưng lúc ấy anh đã cảm nhận được rằng mình tới đã quá trễ. Trúc Quỳnh đã chết!

Bà Phủ như điên loạn, ôm xác con, bà xỉa xói về phía chồng:

- Ông là người giết con! Chính ông, ông Phủ Vệ ơi, chỉ vì ông bắt ép nó.

Có lẽ sợ vợ nói ra điều ông không muốn ai biết, nhưng trong lúc này lòng ông cũng đang rối bời, sửng sốt, nên lời ngăn cản chỉ mang tiếng chiếu lệ:

- Chuyện đó mà cũng nói.

Bà Phủ được nước lại càng gào to:

- Tôi nói rồi, chuyện gì cũng để từ từ tính, ông lại quyết liệt bắt ép nó! Cũng chỉ vì bên chỗ khốn nạn đó, nó nói gì cũng nghe, để đến nông nổi này, vừa lòng ông chưa! Ông ở lại đó mà sống, tôi chết theo con tôi.

- Quỳnh ơi!

Thi thể Trúc Quỳnh còn chưa lạnh, chứng tỏ nàng mới tắt thở chưa lâu, lúc này Liễu Huệ mới vừa khóc vừa nói khẽ.

- Em đã giục cậu đi mau lên mà cũng không kịp.

An giờ mới hiểu ra, Liễu Huệ tới gọi anh đi gấp là lúc Trúc Quỳnh đã vào phòng đóng cửa để tránh mặt đám người của nhà đại phú gia họ Đoàn, những người mà ông Phủ Vệ quyết tâm kết làm thông gia, mặc dù Quỳnh nhiều lần cương quyết chối từ. Cách đây mấy hôm, chính Quỳnh đã báo cho An biết tin này và nàng còn quả quyết với anh rằng nếu gia đình ép quá đáng thì nàng sẽ bỏ nhà trốn đi chớ quyết không chấp nhận.

- Ông vừa lòng chưa? Ông đem xác con ông đi mà gả cho họ!

Bà vừa gào vừa lao tới ông Phủ Vệ như muốn xé xác ông ta ra. Tranh thủ lúc đó, Liễu Huệ lại nói khẽ với An:

- Cô Quỳnh còn gửi vật này cho cậu đây.

Đó là chiếc quạt giấy, vật mà trước đây An đã tặng cho nàng. Và đây là vật mà ít khi nào Quỳnh chịu rời ra, ngoại trừ...

Liễu Huệ nói thêm:

- Cô Quỳnh dặn đưa ngay cho anh một lượt với cuốn sổ. Nhưng vì quá vội nên lúc nãy em quên. Không biết cô có ý gì...

An nhìn thấy ở đầu cây quạt có một dòng chữ viết tháo: ''Dù thế nào cũng ở bên em, anh nhé!''

- Quỳnh ơi!

Thì ra đó là những lời trối trăng của nàng. Có nghĩa là Quỳnh biết trước kết cuộc này. Vậy mà An thì vẫn vô tình.

Liễu Huệ đưa sơ đồ địa điểm nhà cho An, vừa dặn:

- Chính bà chủ đã dặn em đưa cho cậu. Bà không nói điều này cho ông biết.

Trong tờ sơ đồ vẽ một ngôi nhà nằm trong một điền trang lớn ở một vùng núi khá rộng. Huệ giải thích thêm:

- Đây là điền trang riêng của ông bà, cách nơi này khoảng ba mươi dặm. Nơi đó có sẵn một ngôi nhà khang trang, trước đây xây dựng dành để cho gia đình nghỉ dưỡng vào mùa hè, nhưng từ nhiều năm rồi do ông bận việc quan trường nên rất ít về đó. Nửa năm trở lại đây thì ông lại bị đau nặng một bên chân, nên chắc chắn là sẽ không còn cơ hội về nơi ấy. Đường đi hơi khó, nhưng là nơi có khung cảnh bình yên, thơ mộng. Bà quyết định đưa cô Trúc Quỳnh về đó mai táng là có ý để cho cô cậu có điều kiện gần gũi bên nhau, bởi bà biết ý cô và cậu nữa, dẫu âm dương đôi đường nhưng chắc không muốn rời xa nhau!

An cầm tờ sơ đồ lên tay mà chua xót trong lòng. Anh chép miệng:

- Sống không cho gần nhau, thì chết rồi còn nghĩa lý gì đâu!

Liễu Huệ là người hầu của Trúc Quỳnh từ hơn chục năm, được cô chủ thương và tin tưởng, mà cả bà Phủ cũng mến, nên cô nàng biết khá nhiều chuyện:

- Cậu không biết chớ đã nhiều lần bà bênh vực cậu quyết liệt, không để cho ông đuổi cậu đi. Bà thương cậu, nhưng trước uy quyền quá lớn của ông nên đành phải bất lực.

Anh đâu còn ai để tâm sự nên phải nói với Huệ:

- Tôi biết chớ. Chỉ vì làm theo lời mẹ tôi dặn lúc lâm chung, nên tôi mới cắn răng tới ở đây để đi học, rồi khi đi ra trường tôi đã có ý đi tìm chỗ trọ khác, nhưng Trúc Quỳnh không cho.

Huệ thêm vào:

- Cô đời nào để cậu đi! Cô Quỳnh đã nhiều lần kể cho em nghe chuyện gia đình cậu và ông bà Phủ hứa với nhau kết thông gia khi cậu và cô Quỳnh lớn lên. Cho đến khi thấy cảnh nhà cậu sa sút thì ông đổi ý, muốn hủy hôn. Chính cái ngày ông Phủ tuyên bố hủy hôn thì đã một lần cô Quỳnh khóc hết nước mắt, đòi bỏ nhà đi, làm cho ông phải cho người canh giữ cô ấy rất kỹ. Lần đó là lúc cậu gần thi tốt nghiệp, cậu nhớ không?

An gật đầu:

- Đó là lần ông ấy đuổi tôi ra khỏi nhà. Cũng nhờ bà Phủ ngăn lại và cũng vì lo cho Quỳnh nên tôi bấm bụng, chịu nhục ở lại đây...

Vừa giúp An chuẩn bị hành lý, Huệ lại dặn:

- Bà dặn em đừng để cho ông biết chuyện này. Hình như ông cũng không thích cậu dính líu bất cứ chuyện gì trong nhà này. Mà này, cậu...

Liễu Huệ định hỏi gì đó thì vừa lúc có tiếng quát tháo của Phủ Vệ bên ngoài, nên cô ngưng ngay, vừa đi ra vừa dặn:

- Khi nào sửa soạn xong cậu cứ đem đồ ra bờ sông, có chiếc ghe nhỏ đợi sẵn ở đó, chừng hai mươi phút sau thì em sẽ ra tới. Em đích thân đưa cậu đi.

An ái ngại:

- Đường xa, cô đi đâu có tiện?

Huệ cười:

- Đâu có sao. Em vốn là dân sông nước, lại quen địa hình vùng này như lòng bàn tay, cậu An không phải lo.

An vừa hồi hộp, vừa mừng vui. Bởi đây là lần đầu tiên sau hơn một tháng anh mới có dịp tới chỗ chôn cất Trúc Quỳnh. Hôm di quan Quỳnh đi, chẳng hiểu có ý gì mà Phủ Vệ đã quyết liệt ngăn cản không cho An đi theo. An đã tính liều mạng chống lại quyết định ấy, nhưng bà Phủ đã ngầm bảo An cố chịu đựng, và hôm nay An mới hiểu ý của bà mẹ tốt bụng đó. Bà đã ngầm bố trí cho An chuyển tới sống hẳn ở điền trang, và như thế là bất cứ phút giây nào anh cũng ở bên cạnh Quỳnh mà chẳng làm phiền lòng ai. Cũng chính bà đã ngầm vận động cho An chuyển về dạy ở ngôi trường gần điền trang, để anh không phải vất vả đi về trường cũ quá xa xôi. Dẫu sao thì An cũng cảm ơn và được an ủi là trong gia đình Phủ Vệ vẫn còn có những người không tệ bạc.

- Cậu An ơi!

Nghe tiếng gọi khẽ của Liễu Huệ ngoài cửa sổ, An bước ra và hiểu là có chuyện, An hỏi nhanh:

- Có gì trục trặc chăng?

Huệ đưa một gói giấy nhỏ, bảo:

- Ai gửi cái này cho cậu mà để ở ngoài cửa phòng, em sợ ông thấy nên cầm ra đây cho cậu, vừa tiện báo cho cậu nên đi ra ngay, trong lúc ông đang có khách ở nhà trên.

An cầm gói giấy dán kín trên tay ngạc nhiên hỏi:

- Cái này của ai vậy?

Huệ gấp rút chạy đi trước, An đành phải xách va li chạy theo mà vẫn còn thắc mắc về vật cầm trên tay.

Mãi đến khi ghe đã rời bến rồi, anh mới hỏi:

- Cô nói ai gửi cho tôi cái này?

- Em không biết, hỏi bà thì bà cũng không biết. Cậu mở ra xem là cái gì?

An nhẹ tay mở ra và kinh ngạc:

- Cái áo cánh lụa màu vàng này là của... của Trúc Quỳnh.

Liễu Huệ xác nhận:

- Đúng là của cô Quỳnh! Nhưng lạ quá cậu An...

Huệ ngừng tay chèo, cầm lấy chiếc áo lụa nhìn kỹ:

- Chính tay em giúp bà mặc chiếc áo này cho cô Quỳnh hôm tẩm liệm cô ấy, mà sao bây giờ nó lại ở đây?

An run lên vì xúc động:

- Đúng là áo của Quỳnh rồi. Nó có hơi của cô ấy đây.

Liễu Huệ đưa trả chiếc áo lụa cho An vừa lẩm bẩm:

- Không lẽ...

An hỏi lại:

- Cô vừa nói gì?

- Dạ... không có gì.

Thật ra Huệ đang nghĩ đến điều mà cô cảm thấy nổi gai ốc cả người. Vốn người rất nhạy cảm, nên Huệ có lẽ cảm nhận được điều lạ trước hơn An. Cô lén nhìn An, đưa mắt dò xét... Thấy An ngây người ra, cô im lặng để không phá vỡ dòng suy tư của anh. Mãi khi ghe tới ngay một khúc sông rộng thì Huệ nhắc:

- Cậu An có nhớ lần mình đi về quê ngoại cô Quỳnh không? Khi đi ngang qua đây, cô Quỳnh đã đố cậu cái cây gie ra sông kia là cây gì, khi cậu trả lời đúng tên thì cô ấy giận cậu.

An cười gượng:

- Nhớ chớ. Đó là cây bần. Khi tôi nói tên cây và ví nó như mình thì Quỳnh giận ra mặt, cấm không cho tôi nói như vậy nữa. Mà cũng lạ, tôi nghèo, ví mình như cái cây mọc bơ vơ ven sông đó, sao Quỳnh lại cho tôi yếm thế, mỉa mai.

Liễu Huệ vẫn còn bênh cô chủ mình:

- Lúc nào cô cũng không muốn cậu mang mặc cảm giàu nghèo. Bởi dưới mắt cô, cậu đâu phải thầy giáo nghèo, đâu phải là người bị rẻ rúng.

An nhẹ lắc đầu:

- Thực tế là vậy rồi, chối bỏ làm gì!

Thấy An không vui, Liễu Huệ thôi không nói chuyện đó nữa, cô chuyển sang chuyện khác:

- Em hỏi thật liệu về sống ở điền trang này cậu chịu được bao lâu?

- Sống mãi ở đó.

- Đấy là cậu nói đó nhé! Không ai ép...

An sa sầm ngay nét mặt:

- Từ Iâu nay cô Huệ biết tính tôi. Đâu bao giờ tôi đùa giỡn với tình cảm dành cho Quỳnh. Xin cô tôn trọng cho.

Liễu Huệ hoảng hốt:

- Dạ không, em không có ý đó! Xin cậu...

An nghiêm giọng:

- Tôi sẽ ở với Quỳnh, kể cả khi cha mẹ cô ấy không cho nữa thì tôi vẫn tìm cách ở lại điền trang đó. Làm người quét lá, dọn vườn cũng được!

Huệ pha trò cho nhẹ bầu không khí:

- Em đang tính xin với ông bà về điền trang để ngày ngày được hầu hạ cô Quỳnh như khi cô còn sống, vậy chắc là không có việc làm rồi! Cậu An giành mất còn đâu!

An mải lý sự mà quên chiếc áo cánh còn trong tay, khi nhớ ra, anh đột nhiên hỏi:

- Huệ nhớ lại xem, có phải chiếc áo này đã cho vào áo quan?

Huệ gật đầu quả quyết:

- Chính tay em đưa cho bà và bà bảo em đặt lên ngực của cô Quỳnh, bởi khi sống cô ấy thích chiếc áo màu vàng này nhất, trong số bốn năm chiếc khác màu. Chẳng biết lý do gì... Em không thể lầm!

An muốn tiết lộ chính anh là người đã mua tặng cho Quỳnh chiếc áo này, và cũng là chiếc áo mà cô nàng luôn mặc mỗi sáng khi đứng nép bên rào tiễn anh đi dạy học.

- Thưa cậu...

Liễu Huệ định nói gì đó, nhưng lúc ấy An đang thẫn thờ đưa mắt nhìn ra xa, nên cô chỉ nhẹ thở dài im lặng...

Đến xế trưa hôm đó thì họ tới nơi. Khu điền trang này An mới đến lần đầu, nên khi vừa bước lên bờ, anh đã hỏi:

- Mộ của Quỳnh chôn ở đâu?

- Ngay cạnh ngôi nhà kia. Tuy nhiên vừa đi đường xa đến, cậu không nên ra mộ ngay. Vả lại cậu còn ở đây lâu dài mà, lo gì...

An rất nôn nóng muốn gặp lại người yêu, nên mặc cho Huệ nói, anh hấp tấp đưa hành lý vào nhà rồi bảo Huệ:

- Cô giúp tôi thu xếp chỗ. Tôi ra ngoài một chút.

Không cần hỏi thêm, An bước đi như chạy, nhầm hướng sau nhà. Và anh tìm được khu nghĩa trang gia đình, gồm bốn ngôi mộ nằm quây quần nhau. Trong số đó, mộ của Trúc Quỳnh mới xây nổi bật giữa thảm cỏ xanh rì.

Hôm đi an táng Quỳnh, An bị cấm không cho theo, nhưng sao lạ quá, trên mộ bia của nàng có đôi dòng chữ màu đỏ được viết khác hẳn với những chữ chạm khắc thông thường. Mà những chữ này lại chính là câu thơ của chính An tặng cho Quỳnh cách nay đã lâu! Chẳng lẽ cha mẹ Quỳnh cho viết lên đây?

An đưa tay sờ lên hai dòng chữ thì... từng chữ một dính theo tay anh xóa mất mấy chữ.

- Không!

An rụt tay về và cảm giác như tay mình buốt lạnh, và màu đỏ kia chẳng khác màu máu!

- Có ai đó vừa viết những chữ này?

An chưa biết hỏi ai thì đã có giọng của Liễu Huệ:

- Đã nói rồi, cậu chưa khoẻ mà...

An quay lại hỏi ngay:

- Ai đã viết những dòng này lên bia?

Huệ ngạc nhiên:

- Chữ nào?

An quay lại chỉ, dòng chữ bị ngón tay anh xóa vừa rồi đã... hiện trở lại như trước đó, không thiếu một nét!

Không tin vào mắt mình, anh ghé sát mắt vào nhìn, vừa định gí tay vào lần nữa, nhưng lại sợ chữ bị biến đi.

Huệ thấy lạ liền hỏi:

- Chuyện gì vậy cậu An?

- Cô có biết ai viết hai dòng chữ màu đỏ này lên bia không?

Liễu Huệ bước đến gần xem kỹ, rồi lắc đầu:

- Hôm dựng bia có mặt em, đâu có thấy những dòng này đâu.

Cô vô tình đưa tay chạm vào và rụt ngay tay về, kêu lên:

- Lạnh quá!

Huệ có cảm giác lạnh buốt cả đầu ngón tay. Vừa lúc An la lên:

- Cô đừng chạm vào đó!

Lần này những dòng chữ cũng bị xóa đi ngay chỗ Huệ vừa chạm vào. Tuy nhiên màu đỏ không bám theo tay của Huệ, mà chảy dài xuống mặt đá phẳng bóng. Chẳng khác gì những giọt máu đang tuôn trào!

Trong lúc An lặng người đi thì Huệ bỗng hốt hoảng, lùi lại:

- Cậu An!

An ra dấu cho Huệ đứng yên, còn anh thì lại đặt tay vào đúng chỗ những chữ vừa mất. Như một điều kỳ diệu, dòng chữ lại y nguyên như trước! An nói, như chỉ muốn mình Quỳnh nghe:

- Anh hiểu rồi, bây giờ anh đã có mặt và mãi mãi sẽ ở bên em!

Anh quay lại bảo Huệ:

- Cô có thể về được rồi đó. Tôi sẽ ở lại đây, không cần phải làm quen chỗ đâu.

- Nhưng bà Phủ dặn em là phải chờ cho cậu sắp xếp mọi việc xong rồi mới về, nhất là việc dẫn cậu đến trường học gần đây để cậu nhận việc đã.

An trấn an:

- Không sao đâu. Tôi tự lo liệu được.

Liễu Huệ vẫn không chịu:

- Vậy thì cậu cũng phải vào nhà để em dặn mấy điều quan trọng này. Bà sẽ rất buồn nếu cậu không làm theo.

Dẫu đang rất muốn một mình ở lại bên mộ, nhưng nghe vậy, An đành miễn cưỡng đứng lên theo vào nhà. Căn phòng chính trong nhà dành riêng cho An, cửa vẫn khóa. Huệ bảo:

- Bà dặn khi tới đây phải chính cậu với lên trên cao lấy chìa khóa phòng. Ở trên đầu hồi, em không với tới được.

An rất khó khăn mới lấy được xâu chìa khoá bám đầy bụi, chứng tỏ từ lúc để đến giờ chưa một lần lấy xuống. Huệ dặn:

- Cậu mở cửa phòng rồi đưa hành lý vào, để em đi làm mấy món ăn cho bữa cơm chiều giúp cậu rồi về cũng không muộn.

An vừa đẩy cửa phòng vào đã khá ngạc nhiên thấy trên giường ngủ chăn, nệm, gối được xếp ngay ngắn, gọn gàng và còn có mùi hương nhẹ thoảng khắp cả phòng. Dấu hiệu căn phòng mới chớ không phải bỏ lâu ngày!

Bật diêm tìm cây đèn dầu hay nến, nhưng vừa khi ấy tự dưng toàn gian phòng sáng trưng. Bóng đèn điện đang cháy khiến An ngỡ ngàng. Anh không nghĩ chốn sơn trang này lại có đủ tiện nghi thế này. Nhưng ai đã bật điện, trong khi anh chưa hề chạm vào công tắc điện?

Nhìn một lượt khắp gian phòng An càng ngạc nhiên hơn, bởi bốn bên tường đều có treo những bức thư pháp toàn những câu thơ của An và Quỳnh. Kể cả những đoạn hai người viết cho nhau một cách kín đáo cũng được chép lại ở đây. Mà chữ thì rõ ràng là của chính Trúc Quỳnh!

- Sao lại thế này?

An còn đang hoang mang thì đã nghe tiếng la thất thanh của Liễu Huệ:

- Cậu An ơi, ra xem nè!

An chưa kịp bước ra thì Huệ đã đứng bên ngoài cửa phòng, sắc mặt hớt hải:

- Ai... ai đã... dọn cơm sẵn rồi.

An bước xuống nhà bếp, anh nhìn thấy trên bàn ăn một mâm cơm còn bốc khói, ai đó đã dọn sẵn.

- Cô làm phải không Huệ?

Liễu Huệ giọng vẫn còn run:

- Em mới xuống là đã nhìn thấy rồi.

Nhìn kỹ hơn, An nhận ra toàn những món ăn khoái khẩu của mình. Tuy chưa một ngày chung sống với nhau, nhưng ngoài Quỳnh ra thì chưa một ai rành sở thích của An như vậy. Bởi đã đôi lần Quỳnh hỏi An thích ăn gì, mặn lạt ra sao. Quỳnh bảo phải biết rõ sở thích của anh, để sau này thành vợ chồng còn biết đường mà phục vụ. Đứng im một lúc, An lẩm bẩm:

- Chính Quỳnh đã làm chuyện này.

Nghe không rõ, Liễu Huệ hỏi lại:

- Cậu An nói sao?

An nhẹ lắc đầu:

- Không có gì.

Trong lòng An đang lóe lên một điều gì mà ngay lúc đó anh cười một mình. Ngại Huệ hỏi thêm lôi thôi, An mời:

- Huệ cùng tôi ăn bữa cơm này rồi về kẻo muộn. Chẳng biết ai nấu, nhưng chắc là ai đó có ý tốt, nên mình cũng chẳng ngại.

Liễu Huệ tìm cách về ngay:

- Thôi, để em về cho kịp con nước xuôi dễ đi. Cậu cứ ăn đi.

Khi Huệ ra tới ngoài rồi, An chợt nhớ nên chạy theo dặn:

- Cô chớ nên kể cho ai nghe những gì thấy nãy giờ. Kể cả với bà Phủ.

- Nhưng bà có lòng với cậu mà!

An phải giải thích:

- Biết là vậy. Nhưng chuyện hôm nay còn chưa rõ ràng, nói e bà sẽ lo lắng. Để vài hôm tôi theo dõi kỹ rồi sẽ báo sau.

Huệ vốn tính thật thà, cô hứa liền:

- Cậu An không phải lo, em lúc nào cũng kín miệng. Miễn sao cậu sống được yên ổn là tốt rồi. Thôi, em về đây.

An ra bờ sông đứng, chờ cho Huệ đi thật xa rồi mới quay vào nhà. Chỉ còn lại một mình, lúc này An mới ngửa mặt lên trời nói thật to:

- Trúc Quỳnh của anh! Đừng hù doạ anh nữa!

Mặc cho An la, gào, bốn bề chung quanh anh vẫn lặng như tờ. Trời bên ngoài bắt đầu tố
Skyy

Skyy


Back to top Go down

NGƯỜI TÌNH VÀ SỢI DÂY THÒNG LÒNG  Empty Re: NGƯỜI TÌNH VÀ SỢI DÂY THÒNG LÒNG

Post by Skyy Tue May 02, 2017 11:16 pm

An được trường phân công dạy lớp Đệ Tam và Đệ Nhị. Đây là lớp học mà học sinh đều ở tuổi lớn, sắp trưởng thành, nên với một thầy giáo trẻ như An rất khó khi đứng lớp. Biết anh là giáo viên mới chuyển tới, nên hầu hết học sinh lớp Đệ Nhị đều cứ nhìn thầy mà mỉm cười.

Đặc biệt là các nữ sinh. Suốt trong buổi dạy đầu, An cố gắng nói cười vừa phải, nhưng cũng không quá nghiêm, bởi anh cũng muốn lấy cảm tình với đám học sinh mới của mình. Lúc ra về, anh đi bộ ra chỗ bến xe thổ mộ, khi vừa leo lên xe thì một chị buôn gánh bước lên sau đã nhắc An:

- Cậu có cái gì dính sau quần kìa!

An đưa tay gỡ và nhìn vào tờ giấy cỡ bàn tay có dòng chữ viết khá nắn nót nét đẹp của con gái: "Thầy đẹp trai quá, thầy An ơi!''

Đoán là cô nữ sinh nào đó trong lớp phá mình, An không bực mình, chỉ nhẹ mỉm cười. Anh định vứt mảnh giấy xuống đường, nhưng thấy mọi người trên xe đang nhìn mình, nên An vội nhét đại vào túi quần, định về nhà sẽ vứt đi.

Từ trường về điền trang cũng khá xa, lại phải qua đò, nên phải hơn nửa giờ sau An mới về tới nhà. Thường thì anh phải tự lo bữa ăn, nếu hôm nào về trễ. Cái lạ là ở chỗ này: Lúc nào An dạy về đúng giờ thì có một mâm cơm dọn sẵn. Còn về trễ thì chẳng thấy! Vài lần An thắc mắc, nhưng sau đó thì anh hiểu: Về trễ là bị phạt!

Như hôm nay, chẳng có mâm cơm, trái lại trên bàn ăn còn có một cái chén không và đôi đũa nằm chỏng chơ.

Như thường lệ, An nói rất khẽ:

- Anh xin lỗi.

An lại đi nhóm lửa, nấu cơm và ăn qua loa. Tối đó anh có nhiều bài phải chấm điểm, nên anh phải thức khá khuya. Và cũng như những đêm trước, ngồi làm việc thỉnh thoảng anh lại nhìn qua cửa sổ để chờ đợi...

Cái mà anh chờ là một đóa hoa tươi, chẳng biết từ đâu mà luôn rơi đúng trước mặt An khi anh ngồi trên bàn. Chẳng cần nghĩ ngợi xa xôi, An cứ cho tác giả của hành động đó là... Trúc Quỳnh.

An thường hướng ra mộ mỗi khi nhận được hoa và luôn khấn:

- Em hãy yên nghỉ. Anh luôn chờ em!

Những lúc như vậy, An luôn có cảm giác như một bên má của mình được ai đó hôn phớt qua.

Tối nay, An đợi khá lâu mà chưa thấy bông hoa bay qua cửa sổ, rơi lên trang vở. Anh thầm nghĩ chắc là nàng giận...

Và có lẽ quá mệt, nên trong lúc chấm bài An đã gục xuống ngủ ngon lành. Đến khi choàng tỉnh, anh càu nhàu:

- Lại gục rồi..

Chợt An nhìn thấy đóa hoa tươi nằm đó. Và ngoài ra, anh còn phát hiện trên trang vở còn có một dấu chân rất lạ. Không phải dấu chân người, mà giống như Chân một con vật.

Điều này lần đầu An nhận ra, anh giật mình tự hỏi:

- Con vật gì lại vào đây?

Dấu chân lớn hơn chân mèo, cũng lớn hơn chân của những con chó thông thường... Mà ở vùng này ngoài những con vật đó ra đâu còn loài nào nữa. Chồn cáo thì chân cũng cỡ chân chó. Chỉ có cọp, beo? Nhưng từ ngày về đây ở đến nay đã mấy tháng rồi, An có nghe ai nói chốn này có những loài mãnh thú đó. Mà ví dụ có thì lúc anh ngủ, một khi chúng đã vào đây rồi thì mạng sống của anh làm sao còn giữ được!

Dấu chân còn khá mới, lại hơi ươn ướt, chứng tỏ bên ngoài sương đêm đã khá nhiều...

Hơi rờn rợn người nên An xếp sách, đóng cửa sổ và đi nghỉ. Anh cứ thắc mắc mãi chuyện lạ đó cho đến khi ngủ say trở lại.

Sáng dậy, việc đầu tiên của An là đi ngay ra mộ người yêu làm cái việc mà gần ba tháng nay sáng nào anh cũng làm là đốt nén nhang cắm trước đầu mộ, nhìn nhang cháy đến gần phân nửa mới vào sửa soạn đi dạy.

Hôm nay vừa ra tới nơi, anh đã ngạc nhiên khi nhìn thấy ngay ở đầu mộ có một mảnh giấy nhỏ, trông quen quen. Anh chụp vội đưa lên xem thì lại càng ngạc nhiên hơn, bởi đó chính là mảnh giấy mà các nữ sinh viết chọc phá anh!

- Mình bỏ nó trong túi mà...

Vừa lẩm bẩm, An vừa cho tay vào túi quần thì không còn gặp. Anh lại ngẩn ngơ hồi lâu. Chẳng lẽ Trúc Quỳnh lấy đưa ra đây.

Thay vì chỉ chờ nhang cháy nửa cây là An đi dạy như thường khi. Bữa nay anh mắc lo suy nghĩ chuyện khó hiểu kia, nên đến khi nhang tàn anh mới chợt nhớ, hốt hoảng chạy vào sửa soạn vội rồi đi thật nhanh cho kịp giờ.

Vào lớp trễ gần mười phút, Cũng may, An không bị Ban giám hiệu phát hiện và đám học sinh cũng ngoan ngoãn ngồi yên trong lớp đợi thầy.

Điều làm An ngạc nhiên hơn là thấy một nữ sinh đang đứng cạnh bàn, trong tư thế khoanh tay. Mặt cô bé đỏ bừng, nước mắt ràn rụa.

- Ủa, em bị sao vậy?

Cô bé nói trong sợ sệt:

- Em xin lỗi thầy. Chính em...

Cô ta ngập ngừng mãi khiến An phải nhìn xuống lớp hỏi:

- Thanh Thủy có chuyện gì vậy mấy em?

Có một bạn nữ đứng lên thưa?

- Dạ thưa thầy, lúc nãy Thủy cùng đi với em tới trường, bỗng dọc đường nó lảo đảo như bị ai đó xô. Sau đó, nó ôm lấy mặt kêu oai oái! Em chẳng biết chuyện gì, nhưng khi nhìn lại thì thấy hai bên má nó đã sưng vù!

- Bị ai đánh?

An hỏi và nhìn Thủy. Cô bé lắc đầu:

- Dạ, em cũng không biết.

Bạn kia nói thêm:

- Lúc ấy chỉ có hai chúng em, không có ai khác cả!

An hỏi lại:

- Vậy em xin lỗi thầy mà lỗi gì?

Thủy ngập ngừng một lúc nữa rồi mới nói được:

- Dạ... hôm qua em đã... thất lễ với thầy, em viết...

- Viết mà viết cái gì?

Ở dưới lớp, nhiều học sinh la to:

- Dạ, bạn ấy viết rồi gắn phía sau túi quần của thầy.

Chợt nhớ ra mảnh giấy, An trố mắt:

- Em là tác giả?

Thanh Thủy sợ điếng hồn, bởi nghĩ thầy nổi giận:

- Dạ. Em biết lỗi. Em xin thầy tha cho.

An kịp bình tĩnh, anh nhẹ giọng bảo:

- Thôi không sao, em về chỗ ngồi đi.

Anh hướng về lớp:

- Các em im lặng và chúng ta bắt đầu tiết học. Thầy cũng xin lỗi vì đi trễ gần mười phút.

Buổi đứng lớp hôm đó chính An cũng có cảm giác bất an. Cũng chẳng biết là điều gì. Đứng trên bục giảng mà thỉnh thoảng anh như nhột nhạt sau gáy. Lúc bất chợt nhìn lại thì lần nào An cũng thấy ánh mắt cô nữ sinh Thanh Thủy nhìn mình. Cô bé vội cúi gằm mặt tránh đi.

Trong giờ ra chơi buổi học chiều, thầy giám thị tới phòng giáo viên báo cho An biết có một học sinh bị choáng vừa được đưa đi cấp cứu. Khi hỏi ra thì đó chính là Thanh Thủy. Hỏi các bạn thân của cô bé thì An được họ cung cấp thêm thông tin:

- Thầy không biết chớ Thanh Thủy lớn hơn bọn em đến hai tuổi. Bạn ấy là con nhà giàu, đáng lý ra đã nghỉ học hồi năm rồi để lấy chồng theo ý của cha mẹ, nhưng Thủy từ chối, quyết phải học cho hết năm Tú tài rồi mới thôi. Bạn ấy hiền và dễ thương nên trong lớp ai cũng mến. Hồi sáng khi chuyện xảy ra chính Thủy cũng không ngờ. Giờ ra chơi sáng, Thủy mới nói riêng với em là chẳng hiểu sao từ lúc đó trở đi, bên tai Thủy lúc nào cũng như có tiếng nói của ai đó khiến cho Thủy bất an và sinh bệnh.

An tính hết giờ sẽ đi thăm cô học trò, nhưng khi tan học thì bạn bè Thủy báo tin rằng cô bé đã được người nhà đón về.

An dặn các học trò:

- Sáng mai nếu Thủy vẫn chưa đi học thì em nào biết nhà dẫn thầy đi thăm Thủy nhé.

Anh ra về với lòng nặng trĩu về cô học trò. Chuyện Thủy bị những hiện tượng lạ khiến An ngờ ngợ điều gì đó. Mà chính xác là điều gì thì An cũng không rõ...

Vừa về đến nhà, việc đầu tiên là An đi thẳng ra mộ của Trúc Quỳnh.

- Thanh Thủy!

An sững lại, kinh ngạc khi thấy người đang phủ phục trước mộ là... Thanh Thủy.

Cô gái chừng như không nhìn thấy An, vẫn quỳ và chắp tay, mắt nhắm nghiền.

An lại gọi:

- Thanh Thủy! Sao em...

Chợt một cơn gió rất mạnh thổi tung bụi mịt mù, khiến An phải bịt mắt mũi lại. Đến khi nghe hết gió, mở mắt ra anh vô cùng ngạc nhiên khi không còn thấy cô gái đâu nữa.

- Thanh Thủy!

An gọi to và quay bốn hướng tìm kiếm. Chẳng thấy bóng dáng cô ta đâu. Vừa định bước đi xa hơn để tìm, thì một chân của An vướng vào một cục đá, ngã nhoài về phía trước. Vô tình mặt An gần như chạm vào chỗ để đồ cúng trước ngôi mộ. Và... anh lại thấy một mảnh giấy khác, nức mùi hương quen thuộc.

Hương của Trúc Quỳnh!

Cầm mảnh giấy lên, An giật mình đọc:

"Có còn thương em không? Nếu hết thì đi theo hướng Tây, ắt sẽ gặp được người con gái khác và đó là lương duyên của anh. Còn bằng không thì trở vào nhà ngủ một giấc cho đến sáng mai, khi thức dậy ắt sẽ biết phải làm gì.

Đừng thắc mắc uổng công.

Trúc Quỳnh".

An vui quá, không kiềm chế được, anh ôm mộ bia và kêu lên:

- Quỳnh ơi!

Mảnh giấy theo gió cuốn tung lên rồi biến mất. Vẫn muốn lưu lại đó thêm, nhưng hình như Quỳnh không muốn, nên trong phút chốc chung quanh ngôi mộ đã đầy những cành lá, bụi bặm, không có một chỗ trống nào để ngồi. An đành thất thểu bước về nhà.

Đêm đó, An biết chắc là mình sẽ chẳng thể nào an giấc được. Tuy nhiên, rất lạ vì chỉ vừa nằm xuống là An đã ngủ say...

Lúc An tỉnh dậy, anh nhìn thấy ngay dòng chữ bằng phấn viết trên tấm bảng treo ở tường: "Đến ngay làng Đông Hà, ấp Hạ, tìm nhà ông bá hộ Sang. Đến ngay kẻo không kịp''.

Dưới dòng chữ không ký tên. Nhưng giọng văn và nét chữ An đã biết là của Trúc Quỳnh! Đêm đó, trong phòng còn vương lại hương thơm quen thuộc... An định không nghe theo, nhưng chẳng hiểu sao như có ai thúc giục, khiến anh phải thay quần áo và đi ngay. Cũng may hôm ấy là ngày nghỉ cuối tuần.

Chưa quen vùng này, nhưng An cũng không khó để tìm ra xã Đông Hà. Đó là xã giáp ranh với nơi An đang dạy học. Khi anh hỏi thăm nhà bá hộ Sang thì ai cũng biết. Họ chỉ ngay:

- Cậu đi tới chỗ đầu cầu đúc, nhìn thấy ngôi nhà ngói lớn nhất thì chính là nhà ông ta. Bộ cậu đi đám ma hả?

An ngạc nhiên, chùng bước:

- Nhà đó có đám ma sao? Vậy thì...

Người nọ nói thêm:

- Khách đến viếng đông lắm rồi. Cậu tới là vừa đó. Tội nghiệp con nhỏ, mới lấy chồng mà đã yểu mạng.

Nghĩ mình là người lạ, tới trong lúc nhà họ có ma chay e không tiện, nên sau khi chào cám ơn người nọ, anh định bước tháo lui, thì chợt có tiếng gọi:

- Thưa thầy!

An nhìn lại thì thấy ba cô cậu học trò của lớp Đệ Nhị của mình đang đi tới, trên tay cầm vòng hoa tang.

Bọn chúng reo lên:

- May quá, có thầy cùng đi thì tụi em đỡ lúng túng. Đi nhanh lên thầy.

An lưỡng lự:

- Nhưng mà... đám tang nhà ai?

Một cô bé tên Lan nói ngay:

- Đến nơi thầy sẽ ngạc nhiên! Đi nhanh lên thầy!

Cô bé tên Sương thì nói:

- Nhà bá hộ Sang chớ nhà ai! Vả lại nhà con...

Cậu học sinh còn lại chặn lời:

- Đừng nói. Để tới nơi thầy sẽ ngạc nhiên!

Thấy mấy cô cậu học trò cứ úp mở, An định hỏi thêm thì chúng đã kéo tay anh đi. Từ chỗ đó tới cầu đúc không xa, nên chỉ năm phút sau là họ đã đến. Cô bé tên Lan liến thoắng:

- Có thầy tới nó mừng lắm!

- Ai mừng?

- Ủa, vậy ra trước khi tới đây thầy chưa biết đám tang nhà ai sao?

An lắc đầu:

- Không?

- Nhà của...

Cậu nam sinh lại chặn lời:

- Để chút nữa thầy sẽ biết!

Vừa khi ấy từ trong nhà có một người chạy ra, mừng:

- Thầy ơi, thầy cứu chị con!

An sững sờ khi thấy người đó là Thanh Thủy. Anh ngơ ngác:

- Em... tại sao em ở đây?

Lan nói nhanh:

- Đây là nhà của nó mà thầy! Hôm nay...

Thủy không e ngại nữa, cô chụp tay An lôi đi nhanh vào nhà:

- Thầy vào mau đi!

Lúc thấy An bước vào thì một người phụ nữ lớn tuổi hỏi ngay:

- Ai đây con?

Thủy đáp liền:

- Thầy An đó má! Thầy giáo mà suốt đêm rồi chị Hai con trong lúc mê sảng đã gọi tên!

Bà bá hộ Sang cũng reo lên:

- Cậu tới đây giúp con gái tôi với!

Lúc ấy, có giọng người đàn ông:

- Giúp cái gì nữa khi xác con Hai đã lạnh ngắt, ngưng thở từ hồi khuya rồi!

Đó là ông bá hộ Sang. Mọi người vừa nhìn thấy ông đã im thin thít, không dám khóc. Chỉ có bà là tiếp tục gào lên:

- Ông để con nó chết thảm như vậy mà đành lòng sao?

An nhìn thấy một xác người đã liệm vào quan tài mà chưa đóng nắp. Một cô gái còn khá trẻ, trông hao hao giống với Thanh Thủy. Lúc ấy Thủy cũng kịp lên tiếng:

- Chị Hai em tên là Diệu Hoa, lớn hơn em hai tuổi. Ngày hôm qua lúc đang tiến hành lễ cưới thì bỗng lăn đùng ra chết mà chẳng có bệnh tật gì!

Bà bá hộ nắm tay An van lơn:

- Cứu con tôi với thầy ơi.

Thủy lại phải nói rõ hơn:

- Lúc ngã lăn ra hôn mê thì miệng chị Diệu Hoa luôn kêu tên thầy giáo An, bảo phải đi tìm thầy tới đây cho chị ấy. Em chưa kịp đi thì chị ấy đã tắt thở.

An ngạc nhiên:

- Sao cô ấy lại biết thầy? Có khi nào có sự nhầm lẫn?

Thủy lắc đầu:

- Em nghĩ là không lầm. Bởi khi gọi tên thầy thì chị Diệu Hoa lay tay em. Em hiểu đó chính là thầy. Mặc dù chị ấy chưa biết thầy bao giờ.

Bà bá hộ cũng nói:

- Nó còn bảo phải tìm cho được thầy để thầy chạm vào người nó thì nó sẽ tỉnh lại. Nhưng đó là lúc nó đang hôn mê, chớ bây giờ ngừng thở rồi thì còn hy vọng gì nữa?

Rồi bà hướng về phía những người đang đứng chung quanh quan tài:

- Cũng tại thằng chồng nó. Lúc con Diệu Hoa vừa kêu tên thầy An thì nó nổi máu ghen hét toáng lên, hỏi An là thằng nào? Nó cho rằng An chắc là người yêu cũ của con Hoa. Cũng tại tiếng hét quá lớn của nó nên con Hoa mới tắt thở luôn!

Có giọng của ai đó, có lẽ là thân nhân bên nhà chú rể:

- Ai mà không ghen khi đang giữa đám cưới mà vợ mình kêu tên người đàn ông khác!

Thủy nói khẽ với An:

- Thầy đừng chấp những lời của họ. Em xin thầy hãy đốt cho chị em nén nhang.

An làm theo lời. Anh thành tâm chấp tay khấn:

- Tôi là thầy giáo An. Nghe chuyện, tôi quá đỗi ngạc nhiên, bởi cô chưa bao giờ biết tôi! Nếu có sự nhầm lẫn thì xin hiểu rằng, tôi tới đây với tấm lòng thành...

Chợt An giật mình!

Lời khấn của An vừa dứt thì đôi mắt của xác chết khẽ động đậy. Chẳng riêng An thấy, mà Thanh Thủy đứng cạnh cũng thấy, cô kêu lên:

- Chị Hoa! Chị đã...

Bằng một phản xạ tự nhiên, An chợt đưa tay chạm vào thành quan tài. Vừa khi ấy bàn tay của xác chết chụp lấy anh và siết chặt!

An vốn đã nghe người ta kể về trường hợp hồi sinh của xác chết, nên thay vì hoảng hốt anh lại bình tĩnh, đưa bàn tay còn lại vịn lên bàn tay kia. Đó là tư thế vừa để gở bàn tay đang bị siết chặt, vừa có tác dụng vận dụng sức lực tự vệ. Tuy nhiên, thật bất ngờ, cả thân thể người chết bỗng ngồi bật dậy, đôi mắt Diệu Hoa mở to ra và kêu lên mừng rỡ.

- Anh đến với em rồi!

Lần này thì An hoảng hốt thật sự. Bản chất một nhà giáo khiến An không thể tay trong tay với một cô gái khác không phải là người yêu của mình. Anh định rút tay về thì cả hai tay của Diệu Hoa lại càng siết chặt hơn.

- Cô... cô...

Bà Bá hộ thấy con mình sống lại thì mừng quá.

- Hoa ơi!

Trong khi đó thì những người khác do quá sợ hãi đã ù té chạy. Có người còn gào lên:

- Ma! Ma đội mồ!

An thì lúng túng quay sang cầu cứu với Thanh Thủy:

- Giúp thầy với!

Bỗng anh nghe giọng nói từ miệng của người sống lại:

- Đỡ em xuống!

An bỗng ngoan ngoãn làm theo. Anh đỡ Diệu Hoa ra khỏi quan tài, dìu ra ngoài. Bà bá hộ định nhào tới ôm con thì Diệu Hoa đã nghiêm giọng nói:

- Chỉ thầy An được chạm vào người tôi thôi. Bất cứ ai khác chạm vào là tôi... chết trở lại liền!

Trong âm thanh của cô nàng có gì đó khiến bà bá hộ và cả Thanh Thủy nữa nghe kỳ kỳ. Bởi nó không giống với tiếng nói quen thuộc của Diệu Hoa bình thường!

Bà quay sang Thủyỷ hỏi khẽ:

- Con Hoa bị sao vậy?

Thủy đưa mắt nhìn vào chị mình, thì bất chợt bị Diệu Hoa chỉ thẳng tay vào mặt:

- Không được đứng gần thầy An như thế?

- Kìa, chị Diệu Hoa!

- Lui ra ngay! Nếu không thì đừng có trách!

Bỗng Thanh Thủy lui ra sau mấy bước, vừa lắp bắp nói:

- Cô... cô ấy! Chính cô ấy đã đánh em! Cô... cô...

An còn chưa biết phải làm gì thì đã bị cô nàng nắm tay kéo đi:

- Anh vào đây giúp em cởi mấy thứ quần áo lỉnh kỉnh này ra ngay với. Ai lại mặc hai ba lớp, nóng muốn chết!

An trì lại, ngượng đỏ mặt:

- Đâu được. Cứ để tôi...

Lúc này, nàng ta trừng mắt nhìn thẳng vào An:

- Đến lúc này mà anh chưa nhận ra em nữa sao?

Giọng nói thật là quen. An kêu lên:

- Trúc Quỳnh!

- Dữ hôn! Mới vắng có mấy ngày đã sinh tâm rồi!

An càng bối rối hơn:

- Nhưng mà... tại sao...

Thấy mọi người chăm chú nhìn mình, cô nàng gắt lên:

- Bộ chưa từng thấy phụ nữ sao, nhìn gì nhìn dữ vậy? Đi hết đi!

Đến lúc này thì một số người còn nán lại vì tò mò đã phải rút lui hết. Chỉ còn vợ chồng bá hộ Sang và con cái trong nhà. Ông bá hộ giờ mới lên tiếng:

- Đứa nào chạy đi kêu thầy Tư Núi tới coi! Sao có chuyện kỳ lạ thế này?

Diệu Hoa nghe nói vậy đã quay sang trừng mắt:

- Với bất cứ ai bước ra đi kêu thì phải bước qua xác chết của tôi!

Ông bá hộ Sang xưa nay chỉ quen quát nạt và ra lệnh cho thiên hạ, chớ ít khi phục tùng ai. Vậy mà trước cái quắc mắt đó, khiến ông sợ thất thần, câm như hến ngay! Kể cả bà cũng vậy.

Diệu Hoa nói như ra lệnh:

- Những gì liên quan tới sính lễ của Diệu Hoa đều không còn ý nghĩa gì nữa, hãy đem trả lại hết cho nhà trai!

Nói vừa xong thì cô ta lôi An đi vào nhà trong, trước sự sợ hãi của An và sự kinh ngạc tột độ của gia đình bá hộ Sang. Thậm chí mấy cô cậu học trò bạn Thanh Thủy cũng lo ngại. Họ bàn với nhau:

- Phải làm gì để cứu thầy An đi chớ, Thủy?

Thanh Thủy vẫn còn chưa hết bàng hoàng, cô lẩm bẩm nói:

- Hình như đâu phải chị Diệu Hoa?

Ở ngoài cổng rào có tiếng huyên náo. Cha mẹ chú rể và cả chú rể Tấn Đạt cùng chạy vào một lượt. Họ được tin báo cô dâu sống lại thì mừng rỡ chạy sang ngay. Đạt lên tiếng trước:

- Đâu? Vợ con đâu?

Bà bá hộ lúng túng:

- Nó... nó...

Nhà trai nhìn thấy Diệu Hoa đang nắm tay An kéo vào phòng thì sững sờ! Bà chủ Tự vốn là người mồm miệng nhanh hơn chân tay, nên la lớn cả xóm cùng nghe:

- Mấy người gả con gái chưa đưa dâu về nhà chồng mà đã rước trai về nhà cho nó rồi! Bớ làng xóm tới mà coi!

Trong lúc mọi người chưa kéo tới xem thì bỗng nhiên bà ta ngã lăn ra, miệng hộc máu tươi như bị ai cắt cổ! Tấn Đạt thấy mẹ bị như vậy thì hốt hoảng:

- Má ơi, má làm sao vậy? Má tôi...

Anh ta cũng đang sôi máu ghen, nên gào lên:

- Con dâm phụ, mày đã sinh tâm mà còn hại má tao nữa à.

Lời anh ta vừa dứt thì cùng lúc ngã theo mẹ. Tình trạng y như vậy. Ông chủ Tự còn đang bàng hoàng thì từ trong nhà Diệu Hoa đi ra. Cô lột hết đồ nữ trang sính lễ trao lại:

- Bác hãy cầm những thứ này về. Còn hai người kia nếu họ đừng nói bậy nữa thì lát nữa họ sẽ khỏe lại, tự đi về được. Không chết chóc gì đâu! Nhưng nên nhớ, Diệu Hoa mà ông bà coi là dâu đã chết rồi!

Nói xong, cô không đợi xem phản ứng đã bước nhanh vào nhà. Đi ngang qua chỗ Thanh Thủy đứng, cô ta nói:

- Cô cho thu xếp tang lễ lại đi. Ai có hỏi thì nói Diệu Hoa không còn là con nhà này nữa!

Và một lần nữa, cô ta nắm tay dẫn An đi thẳng vào phòng riêng. Thanh Thủy nhìn mấy người bạn học, hội ý:

- Mấy bạn có cách nào cứu thầy An không? Tội nghiệp thầy quá...

Lan nhanh nhảu:

- Tại sao mình không gõ cửa phòng để phá không cho chị bạn làm hại thầy An!

Họ làm ngay. Trong lúc gõ cửa, Lan đẩy hơi mạnh tay làm cho cánh cửa bật vào trong.

- Em xin lỗl! Em chỉ muốn gặp thầy An...

Nhưng khi nhìn vào trong thì chẳng có một ai! Căn phòng trống không. Thanh Thủy phải nói to lên:

- Chị đâu rồi Diệu Hoa?

Không có tiếng trả lời:

- Rõ ràng, họ mới vào đây mà?

Họ chạy khắp nơi tìm kiếm vẫn chẳng thấy bóng dáng Diệu Hoa và An đâu...

Vừa xách giỏ thức ăn bước từ bến đò lên, Liễu Huệ đã nghe ai đó gọi mình. Cô quay lại thì không thấy ai, nhưng khi bước đi thêm mấy bước nữa thì Huệ cảm thấy chiếc giỏ như bị ai đó nắm ghì xuống.

Nhìn lại thì Huệ vô cùng ngạc nhiên khi không còn thấy món đồ ăn nào trong giỏ.

- Ủa?

Liễu Huệ không tin vào mắt mình, nên cố xốc tìm. Vẫn là chiếc giỏ không. Những vật trong giỏ gồm quần áo sạch, thức ăn khô và một số giấy bút... Những thứ mà chính tay bà Phủ Vệ chuẩn bị và sai Huệ mang tới điền trang cho An. Hôm qua chính bà đã bảo rằng Trúc Quỳnh về trong giấc mộng bảo bà mang những món cần thiết đó. Bà nói với Huệ:

- Nó dặn mày tới đó đặt giỏ đó rồi đi về ngay, đừng la cà ở lại!

Liễu Huệ không tin điều đó, bởi lúc còn sống thì cô Quỳnh đối với nó khác nào chị em ruột. Sao lại có chuyện cấm đoán này? Huệ định bụng khi gặp An rồi cô sẽ tìm cách ra mộ thăm cô chủ rồi mới về...

Nhưng bây giờ mất hết đồ trong giỏ thì biết ăn nói sao với An. Huệ một lần nữa nhìn quanh xem có ai lấy cắp đồ của mình. Tuyệt nhiên không một ai. Con đường rẽ về phía điền trang là đường riêng, nên khách sau khi lên đến đã rẽ về hướng khác.

Mải suy nghĩ miên man mà đã tới điền trang lúc nào Liễu Huệ không hay. Khi thấy cổng rào không chốt, Huệ bước thẳng vào mà không lên tiếng hỏi.

- Kìa! Sao lại...

Liễu Huệ sững sờ khi thấy đang bày trên bàn là những món đồ của mình vừa bị mất. Không thiếu một món nào...

Còn đang ngơ ngác thì chợt Huệ giật mình quay lại, bởi có tiếng bước chân bước sau lưng mình.

- Cô là...?

Lúc ấy, Diệu Hoa đang mỉm cười nhìn thẳng vào Huệ:

- Con nhỏ thật vô tình. Mới có mấy tháng mà đã quên rồi!

Nghe giọng nói quen thuộc của Trúc Quỳnh, Liễu Huệ đảo mắt nhìn, tìm kiếm. Nhưng rõ ràng âm thanh vừa phát ra là từ miệng của cô gái này.

- Con quỷ thật là vô tâm. Đem đồ cho cậu chủ mà hớ hênh như thế, nếu không có ta thì còn gì!

Bấy giờ Huệ mới kịp trấn tĩnh:

- Cô là... chính cô...

Vừa khi ấy An từ trong bước ra, anh thật tự nhiên bước tới ôm vai Diệu Hoa.

- Sao cô cháu gặp nhau mà cứ trơ mắt nhìn như vậy? Trúc Quỳnh, em hãy...

Huệ kêu lên:

- Kìa, cậu An!

- Sao không chào ta, con quỷ!

Đúng kiểu nói đùa của Trúc Quỳnh lúc sinh thời!

Huệ không tin vào tai mình, cô hỏi lại:

- Cô vừa nói gì?

Diệu Hoa bất chợt chộp lấy cánh tay của Huệ siết chặt. Huệ đờ người ra, miệng lắp bắp:

- Cô cô là...

- Tao là Trúc Quỳnh đây, con khỉ!

An giải thích:

- Huệ ở lại đây chơi rồi tôi và Quỳnh sẽ giải thích thêm. Người này chính là Quỳnh đó!

Huệ cứ nghĩ nếu là Trúc Quỳnh hiện thân thì cơ thể phải lạnh buốt như xưa nay người ta vẫn nói, đã là ma thì người phải lạnh, không có sinh khí. Nhưng tay của Diệu Hoa thì bình thường như mọi người khác.

Biết là Huệ đang hoài nghi, Diệu Hoa kéo tay cô bé ra ngoài vừa nói:

- Đi ra đây rồi sẽ hiểu.

Cô ta dẫn Huệ đi thẳng ra chỗ phần mộ của Trúc Quỳnh. Huệ vô cùng kinh ngạc khi tên ghi trên bia không còn là Trúc Quỳnh như trước, mà đã thay vào đó là: Diệu Hoa!

- Sao lại thế này?

- Đừng ngạc nhiên. Thay hồn đổi xác là chuyện đã từng xảy ra. Cái xác trong phần mộ là của ta. Nhưng hồn là của cô Diệu Hoa, như vậy mộ này vừa là của Trúc Quỳnh vừa của Diệu Hoa. Nhưng ta thì không muốn chết, không muốn xa chàng, nên giờ đây vẫn là... Trúc Quỳnh!

Liễu Huệ vốn tính thật thà, cô đâu dễ chấp nhận:

- Làm sao như vậy được? Cô Quỳnh chết rồi! Cô Quỳnh nằm trong mộ này, không thể nào...

An kịp bước ra, giải thích:

- Ban đầu tôi cũng không tin, nhưng khi đi dự đám tang cô chị của một học trò, tôi đã chứng kiến tận mắt việc này, nên không thể phủ nhận được. Đây chính là hồn của Trúc Quỳnh. Cô ấy thác oan nên hồn phách không siêu thoát được, may gặp người con gái có cùng hoàn cảnh bị ép duyên tự tử, nên hồn của Quỳnh đã kịp thời mượn xác của người ấy mà sống lại!

Anh thuật lại chi tiết hơn chuyện đã xảy ra cho Huệ.

- Cô về thuật lại cho bà Phủ nghe, nhưng nhớ là không được đồn ra ngoài. Bởi chúng tôi chỉ muốn được yên ổn sống ở đây.

Dẫu không tin, nhưng trước lời xác nhận của An, Liễu Huệ đành im lặng đứng hết nhìn ngôi mộ rồi lại nhìn Diệu Hoa. Chốc chốc, Diệu Hoa lại nắm tay Huệ, giống như cử chỉ ngày xưa. Giọng trìu mến:

- Huệ hãy tin cô. Xưa nay cô không bao giờ nói dối Huệ.

Qua giọng nói, Huệ xác nhận chắc chắn là Quỳnh. Tuy nhiên cô làm sao quen được chuyện cô chủ mình. Trúc Quỳnh củng cố thêm niềm tin cho Huệ:

- Em ở lại đi, trưa nay cô sẽ nấu món canh rau tôm thịt mà thường khi cô vẫn nấu cho cả nhà ăn!

Đúng đó là món canh độc nhất vô nhị, bởi chỉ có Trúc Quỳnh mới nêm nếm đạt độ thơm, ngọt mà không một ai khác nấu được.

Do vậy, trưa hôm đó Liễu Huệ ở lại để dùng bữa trưa.

Ngoài món canh ngon tuyệt, còn có những món khác mà đã hơn chục năm ở chung trong nhà, Huệ đã được Trúc Quỳnh cho ăn. Hương vị không thể lẫn lộn với ai được. Thậm chí lúc ăn, tuy là trong lốt Diệu Hoa, nhưng từ cách ăn, cách cười nói đều giống y như Trúc Quỳnh!

Thấy Huệ cứ nhìn mình mãi, Diệu Hoa phải nhắc:

- Em phải ăn cho nhanh và no rồi còn về cho bà hay mọi việc chớ. Nhớ là chỉ mình mẹ ta biết thôi. Còn cha ta thì ta đã có cách cho ông hay sau.

Khỏi nói thì cũng biết sự kinh ngạc của bà Phủ Vệ lên tới mức nào! Khi nghe Liễu Huệ thuật chuyện, lúc đó dù... trời đã tối, nhưng bà cũng đòi phải đi tới điền trang ngay! Huệ phải khuyên bà:

- Tối quá đã hết đò. Mà tự chèo thuyền thì đang là mùa nước lũ, một mình con không thể nào chèo được.

Tuy biết là lời khuyên đúng, nhưng bà Phủ vẫn đứng ngồi không yên. Đêm đó bà gần như thức trắng đêm, khiến cho ông Phủ phải gạn hỏi:

- Có chuyện gì làm bà như vậy? Hay là nhớ con Trúc Quỳnh...

Ông hỏi mà không đợi vợ trả lời, liền đó ông lại tiếp:

- Chẳng hiểu sao hai đêm rồi tôi đều nằm mơ thấy một đứa con gái lạ đứng ngay đầu giường cất tiếng gọi. Vừa gọi nó vừa khóc!

Bà bị kích động ngay bởi tiết lộ đó:

- Nó nói gì?

- Nó bảo là nếu tôi đừng khắt khe thì một ngày nào đó nó sẽ là... con gái của nhà mình!

Mọi chuyện hầu như trùng hợp với những gì Liễu Huệ kể cho nên bà Phú không thể giấu được, phải kể cho ông nghe. Bà hỏi:

- Ông có tin chuyện này không?

Ông Phủ sau vài giây suy nghĩ đã nhẹ gật đầu.

Thế là ngay sáng sớm hôm sau, vợ chồng Phủ Vệ cùng với Liễu Huệ đi chuyến đò đầu tiên lên khu điền trang.

Họ cũng giống như Liễu Huệ lúc đầu nhìn thấy Diệu Hoa. Tuy nhiên, khi nghe cô lên tiếng thì họ ngơ ngác:

- Con đây mà, ba má không nhận ra hình hài con, nhưng giọng nói cũng không biết nữa sao con là Trúc Quỳnh đây! Để ba má tin, con sẽ nói ra các thói quen của ba, của má, và những vết thẹo, nốt ruồi riêng trong người mà người ngoài không thể nào biết rõ được!

Cô kể vanh vách mọi chi tiết, đến đỗi ông Phủ Vệ phải lên tiếng.

- Quá đúng rồi!

An quỳ trước mặt họ, lễ phép nói:

- Thưa hai bác, nếu được phép thì từ lúc này con xin gọi là ba má.

Bà Phủ vốn dễ tính và thương An nên gật đầu ngay:

Riêng ông Phủ thì chỉ im lặng. Ông cứ dán mắt nhìn. Liễu Huệ giục:

- Mình ra ngoài mộ đi ông bà!

Họ cùng kéo ra phần mộ. Khi thấy tên trên bia đổi khác thì bà Phủ không hài lòng.

- Sao lại tên là Diệu Hoa?

Bấy giờ chính Diệu Hoa giải thích:

- Hồn con bây giờ đã trở lại dương thế rồi, thì sao lại có mộ bia mang tên mình được? Bộ ba má muốn con gái mình chết trở lại hay sao?

Hai ông bà hốt hoảng:

- Không! Không...

Bà nói:

- Thôi, xác của ai cũng được miễn là con trở về nhà với ba má là được rồi ba má sẽ giải thích sau với mọi người.

An muốn nói nhưng Diệu Hoa đã chặn lời:

- Tuy con đã mượn xác sống lại, nhưng đời con đã trót gắn liền với người con gái tên Diệu Hoa, cho nên mãi mãi con và An phải ở lại đây.

Ông Phủ ngạc nhiên, gặng hỏi:

- Sao lại ở chốn này? Con nên nhớ là ba má chỉ có mình con...

Diệu Hoa vội đáp:

- Nằm dưới mộ là thân xác của con. Hồn nhập vào Diệu Hoa có điều kiện: Con không thể sống xa phần mộ lâu quá một tuần. Do vậy, con và An sẽ sống ở đây, thỉnh thoảng tụi con về thăm ba má một lần. Cho đến khi nào con sinh con...

An nói rõ hơn:

- Theo điềm báo trước mà lúc nhập hồn vào Diệu Hoa, Quỳnh đã được biết: cô ấy sẽ sinh đôi ở lần sinh đầu tiên. Sẽ là hai đứa con gái. Và đến lúc đó thì một đứa sẽ ở bên nhà Diệu Hoa, còn đứa kia thì về sống ở nhà với ba má.

Bà Phủ la lớn:

- Sao có chuyện đó được? Nó sẽ là con cháu tôi mà!

Diệu Hoa nghiêm giọng:

- Cái gì cũng có cái giá của nó. Con hồi dương được là qua xác người khác, vậy nên cũng phải trả nghĩa cho người ta một giọt máu chớ! Như vậy vong hồn Diệu Hoa nằm trong xác con dưới mồ mới yên ổn, tiêu diêu được. Vả lại, tụi con đã thề nguyền với nhau trước ngôi mả này rằng: từ nay về sau xem đây là ngôi mộ chung. Ngôi mộ tình. Ngày sau khi tụi con chết thì cũng xin ba má cho mai táng chung ngôi mộ này.

Không thật sự hài lòng, nhưng ông bà Phủ cũng phải chấp nhận. Riêng Liễu Huệ thì tình nguyện:

- Ông bà cho phép con từ hôm nay được ở lại chốn này. Con sẽ sống với cô Trúc Quỳnh như xưa.
Skyy

Skyy


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum