Our forum runs best with JavaScript enabled !

Trung Quốc: Thiên biến vạn hóa trò rình rập nước Mỹ

View previous topic View next topic Go down

Trung Quốc: Thiên biến vạn hóa trò rình rập nước Mỹ Empty Trung Quốc: Thiên biến vạn hóa trò rình rập nước Mỹ

Post by LDN Mon Feb 06, 2023 12:11 pm

Trung Quốc: Thiên biến vạn hóa trò rình rập nước Mỹ 

Lê Tây Sơn
6 tháng 2, 2023
Saigon Nhỏ 

Ảnh: Budrul Chukrut/SOPA Images/LightRocket via Getty Images
Khí cầu do thám của Trung Quốc (TQ) xâm phạm không phận Mỹ vài ngày qua đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao với việc hoãn chuyến đi dự kiến của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Bắc Kinh. Khi khí cầu bị bắn hạ và rơi xuống biển, căng thẳng leo thang lên một bước mới. Bắc Kinh cho mình cái quyền “làm tương tự trong tương lai”. Trong thực tế, TQ đã có một lịch sử dài rình mò do thám nước Mỹ.

Do thám bằng khí cầu và vệ tinh

Hoa Kỳ đã và đang tìm cách thu thập thông tin tình báo liên quan đến TQ trong nhiều năm qua, khi sử dụng từ máy bay giám sát trên các đảo tranh chấp bị Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, đến qui mô lực lượng quân sự chuyên nghe lén. Mỹ phân biệt rạch ròi các “hành động do thám bình thường” với “hoạt động gián điệp trắng trợn” mang tính xâm lấn mà TQ đang làm. Một quan chức Mỹ giải thích: “Bắc Kinh sử dụng mọi công cụ có sẵn để đạt được lợi thế chiến lược trước một đối thủ địa chính trị hàng đầu của họ”.

Như thông lệ, TQ tự đánh giá là quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và phủ nhận khí cầu bị phát hiện có liên quan đến bất kỳ loại hoạt động gián điệp nào, mà chỉ là “khí cầu dân sự nghiên cứu khí tượng bị gió thổi đi chệch hướng”.

Dù khí cầu của TQ được phát hiện trên bầu trời nhiều bang của Mỹ đã khiến các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ phản ứng dữ dội, nhưng đây không phải là lần đầu tiên TQ làm như thế. Ngày 4 Tháng Hai, một quan chức Mỹ cho biết cũng có những vụ tương tự xảy ra ở Hawaii và Guam trong những năm gần đây, trong khi ngày trước đó, một quan chức khác nói (tuy không đưa ra bằng chứng) “khí cầu TQ từng thấy trên bầu trời Mỹ trong vài năm qua, kể cả trước chính quyền này”.

Tuy nhiên, đường bay của khí cầu mới nhất, được phát hiện đầu tiên ở tiểu bang Montana ngày 3 Tháng Một nằm trên “một số địa điểm nhạy cảm” như căn cứ hạt nhân, khiến quân đội Mỹ phải “thực hiện các bước cần thiết để chống lại việc thu thập thông tin tình báo nước ngoài”.

Điều chưa rõ là tại sao TQ lại sử dụng khí cầu tầm thấp thay vì vệ tinh tầm cao để thu thập thông tin tình báo. Thực ra, sử dụng khí cầu làm phương tiện do thám đã có từ những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh. Peter Layton thuộc Viện Châu Á Griffith (Griffith Asia Institute) ở Úc và là cựu sĩ quan Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc, cho biết: “Hoa Kỳ đã sử dụng hàng trăm phương tiện bay này để theo dõi các đối thủ của mình”. Với sự ra đời của công nghệ vệ tinh hiện đại cho phép thu thập dữ liệu tình báo từ không gian nên việc sử dụng khí cầu do thám trở nên lỗi thời, ít nhất là đến thời điểm này. Nhưng đến khi có thêm những tiến bộ gần đây trong việc thu nhỏ thiết bị điện tử, khí cầu luôn có thể trở lại để được sử dụng như một công cụ gián điệp hiện đại.

Sử dụng các cột phát sóng điện thoại di động

Bên ngoài Căn cứ Không quân Malmstrom ở khu vực trung tâm Montana, trải rộng trên 13,800 dặm vuông đồng bằng bát ngát là hơn 100 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III trong tình trạng sẵn sàng, được chôn sâu dưới lòng đất trong các hầm chứa an toàn. Những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân này bay xa ít nhất 6,000 dặm và thuộc sự quản lý của Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (US Strategic Command), cơ quan giám sát kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Mỹ.

Nằm không xa những hầm chứa là các cột phát sóng điện thoại di động (cellphone tower) được vận hành bởi một nhà cung cấp dịch vụ không dây cho khu vực nông thôn. Theo hồ sơ của Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission), những tháp di động đó sử dụng công nghệ TQ mà các chuyên gia bảo mật đã cảnh báo trong những năm gần đây là chúng có thể giúp TQ bí mật thu thập thông tin tình báo đồng thời giúp tiến hành các cuộc tấn công mạng ở các khu vực xung quanh cột điện thoại và các cơ sở quân sự nhạy cảm khác.

Huawei, công ty TQ sản xuất thiết bị công nghệ cho cột điện thoại, đã bị các nhà mạng không dây lớn của Mỹ và chính phủ liên bang tẩy chay vì những lo ngại an ninh quốc gia. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn được một số nhà mạng không dây nhỏ triển khai rộng rãi (chính phủ liên bang có khoản trợ cấp mua phần cứng rẻ hơn do TQ sản xuất để lắp đặt trên đỉnh cột phát sóng di động nông thôn).

Trong một số trường hợp, các mạng di động nhỏ được độc quyền phủ sóng tại các vùng nông thôn gần các căn cứ quân sự Mỹ. Trước tình hình này, năm 2018, người đứng đầu các cơ quan tình báo Mỹ, gồm cả FBI và CIA, tiếp tục cảnh báo các công ty Mỹ hãy ngưng sử dụng các thiết bị và sản phẩm Huawei. Một chuyên gia bảo mật giải thích: “Lắp đặt công nghệ của TQ quá gần các kho vũ khí liên lục địa ICBM có thể gây ra mối đe dọa rất lớn”.

Đầu tư vào đất đai

Năm 2017, chính phủ TQ đề nghị hỗ trợ $100 triệu để xây dựng “Khu vườn TQ” (Chinese garden) hoành tráng trong Vườn ươm Quốc gia (National Arboretum) ở thủ đô Washington DC. Điểm xuyết những ngôi đền, cửa hàng và một ngôi chùa lớn màu trắng cao 21 mét, dự án gây ấn tượng mạnh cho các quan chức địa phương và họ hy vọng khi hoàn thành “Khu vườn TQ” sẽ thu hút hàng ngàn du khách.

Nhưng khi các nhân viên phản gián Mỹ bắt đầu tìm hiểu vấn đề, họ đã tìm thấy rất nhiều dấu hiệu “báo động đỏ”. Trước nhất, họ lưu ý ngôi chùa được đặt ở vị trí chiến lược trên một trong những điểm cao nhất của Washington, chỉ cách Tòa nhà Quốc hội… hai dặm (một địa điểm hoàn hảo để thu thập tín hiệu tình báo).

Điều đáng nói hơn là phía TQ muốn xây dựng ngôi chùa bằng các vật liệu được vận chuyển đến Mỹ trong các “túi ngoại giao” (diplomatic pouches), có nghĩa là Hải quan Mỹ không được phép kiểm tra. Hiểu được sự nguy hiểm, chính phủ liên bang lặng lẽ “giết chết” dự án trước khi khởi công.

Khu vườn bị hủy bỏ này chỉ là một trong những dự án lọt vào tầm ngắm của FBI và các cơ quan liên bang khác trong thời gian họ cảnh báo về sự leo thang đáng kể của hoạt động gián điệp TQ trên đất Mỹ trong thập niên qua. Từ năm 2017, chính phủ liên bang bắt đầu điều tra các vụ mua bán đất của TQ gần các cơ sở hạ tầng quan trọng và cho đóng cửa một lãnh sự quán khu vực mà chính phủ xem là điểm nóng chứa các điệp viên TQ đồng thời ngăn chặn những gì họ gọi là “nỗ lực cài đặt thiết bị nghe lén gần các cơ sở quân sự và chính phủ nhạy cảm”.

FBI phát hiện ra “lỗ hổng an ninh nghiêm trọng” liên quan đến một thiết bị do Huawei sản xuất đặt trên đỉnh các tháp di động gần các căn cứ quân sự Mỹ ở vùng nông thôn Trung Tây. Theo nhiều nguồn tin, FBI xác định thiết bị này có khả năng can thiệp và làm gián đoạn thông tin liên lạc mật của Bộ Quốc phòng gồm cả thông tin được sử dụng bởi Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ.

Đội lốt sinh viên, doanh nhân và nhà khoa học

Theo các quan chức tình báo đương nhiệm và trước đây, các nhà lập pháp và một số chuyên gia TQ của Mỹ, Bắc Kinh đã dựa vào các nhà khoa học, doanh nhân và thậm chí cả sinh viên TQ đang học ở Mỹ để tiến hành các hoạt động tình báo. Đã có một số vụ bắt giữ “cộm cán”. Tháng Một qua, Ji Chaoqun, 31 tuổi, một cựu sinh viên sống ở thành phố Chicago đã bị kết án tù 8 năm vì làm gián điệp cho chính phủ TQ bằng cách thu thập thông tin về các kỹ sư và nhà khoa học Mỹ.

Năm 2013, Ji từ TQ đến Mỹ học ngành kỹ thuật điện tại Học viện Công nghệ Illinois và sau đó gia nhập Lực lượng Dự bị của Quân đội Hoa Kỳ. Đến 2018 y bị bắt. Ji bị tuyên bố có tội vào Tháng Chín năm ngoái với tư cách đặc vụ của Bộ An ninh Nhà nước TQ (MSS) hoạt động bất hợp pháp trên đất Mỹ và đưa ra tuyên bố sai sự thật về Quân đội Mỹ. Theo Bộ Tư pháp, Ji được giao nhiệm vụ cung cấp cho một sĩ quan tình báo cấp trên thông tin tiểu sử của các cá nhân gốc TQ có thể tuyển dụng làm gián điệp, kể cả kỹ sư, nhà khoa học và một số người làm việc cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.

Bộ Tư pháp cho biết hoạt động gián điệp của Ji là một phần trong nỗ lực của tình báo TQ nhằm tiếp cận các công nghệ vệ tinh và hàng không vũ trụ tiên tiến đang được phát triển bởi các công ty Mỹ. “Ji làm việc theo chỉ đạo của Xu Yanjun, phó giám đốc bộ phận tại cục MMS tỉnh Giang Tô” – thông báo của DOJ viết. Năm ngoái, Xu, một sĩ quan tình báo TQ chuyên nghiệp cũng bị kết án 20 năm tù vì âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ một số công ty hàng không và vũ trụ Mỹ. Xu là điệp viên TQ đầu tiên bị dẫn độ sang Mỹ xét xử, sau khi bị bắt ở Bỉ vào năm 2018 theo yêu cầu của FBI – CNN cho biết.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You can reply to topics in this forum