Our forum runs best with JavaScript enabled !

Chuyến thăm Nga của Tập thực sự có ý nghĩa gì?

View previous topic View next topic Go down

Chuyến thăm Nga của Tập thực sự có ý nghĩa gì? Empty Chuyến thăm Nga của Tập thực sự có ý nghĩa gì?

Post by LDN Fri Mar 17, 2023 1:42 pm

BBC News, Tiếng Việt

Ông Tập Cận Bình sắp thăm Moscow, gặp ông Putin

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

17.03.2023

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Moscow tuần sau để họp bàn cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin, giới chức Trung Quốc cho biết.

Điện Kremlin nói hai bên sẽ bàn về “một quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược”.

Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh, một đồng minh của Nga, đã đưa ra đề xuất để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, các nước phương Tây lạnh nhạt với các đề xuất này.

Các nước phương Tây đã cảnh báo Bắc Kinh không nên cung cấp vũ khí cho Moscow.

Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tập sẽ đi thăm Nga từ ngày 20 đến 22/3 theo lời mời của Tổng thống Putin.

Một số “tài liệu song phương quan trọng” được trông đợi sẽ được ký trong chuyến thăm này.

Trong một thông điệp đăng trên Twitter hôm thứ Sáu, người phát ngôn bộ ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói đây sẽ là một chuyến thăm “vì tình hữu nghị và hòa bình”.

“Trên cơ sở không liên kết, không đối đầu và không nhắm vào một bên thứ ba nào, Trung Quốc và Nga đã thúc đẩy dân chủ lớn hơn trong quan hệ quốc tế,” bà nói.

Bà Hoa Xuân Oánh nói thêm Trung Quốc sẽ giữ “vị trí khách quan và công bằng” về cuộc chiến ở Ukraine và “đóng vai trò xây dựng trong việc khuyến khích đàm phán vì hòa bình”.

Hồi tháng Hai, Tổng tống Ukraine Volodymyr Zelensky nói ông muốn gặp ông Tập Cận Bình để thảo luận đề xuất của Bắc Kinh.

“Tôi thực sự muốn tin rằng Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga,” ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đây từng nói Bắc Kinh đang xem xét việc cung cấp vũ khí, khí tài cho Nga – điều mà Trung Quốc phủ nhận.

Truyền thông Mỹ đưa tin hôm thứ Sáu rằng ông Tập sẽ nói chuyện qua mạng với ông Zelensky sau khi đi thăm Nga, nhưng điều này chưa được xác nhận.

Cho tới nay Trung Quốc đã không đón nhận các nỗ lực vận động của Ukraine cho một cuộc gặp giữa ông Tập và ông Zelensky, phóng viên ngoại giao BBC James Landale từ Kyiv cho biết.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói Tổng thống Zelensky sẵn sàng có cuộc điện đàm với ông Tập, và nói thêm: “Tôi không nghĩ Trung Quốc lúc này đã tới thời điểm …mà họ sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Nga.”

Khi hỏi về tin rằng ông Zelensky có thể sẽ nói chuyện với ông Tập lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết sẽ là “điều rất tốt nếu hai bên nói chuyện.”

“Chúng tôi ủng hộ và đã ủng hộ” điều đó, ông John Kirby nói.

Trong khi đó, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm thứ Sáu kêu gọi Kyiv và Moscow bắt đầu lại đàm phán hòa bình “sớm nhất có thể”.

Trong một cuộc điện đàm, ông Tần Cương nói với ông Kuleba rằng Bắc Kinh hy vọng “các bên sẽ giữ bình tĩnh, thực hiện kiềm chế, nối lại đàm phán hòa bình sớm nhất có thể và trở lại con đường hòa giải chính trị.”

Ông Kuleba nói hai người bà về “tầm quan trọng của nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ” và “Công thức Hòa bình của ông Zelensky để chấm dứt xâm lược và khôi phục hòa bình chính đáng ở Ukraine”.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Chuyến thăm Nga của Tập thực sự có ý nghĩa gì? Empty Re: Chuyến thăm Nga của Tập thực sự có ý nghĩa gì?

Post by LDN Mon Mar 20, 2023 4:06 am

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin muốn gì trước cuộc gặp tại Moscow?

Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại Uzbekistan vào tháng 09/2022 NGUỒN HÌNH ẢNH,SERGEI BOBYLEV/SPUTNIK/KREMLIN POOL/EPA-EFE
Chụp lại hình ảnh,
Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại Uzbekistan vào tháng 09/2022

20.03.2023 - BBC

Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên đường đến Nga, chuyến công du đầu tiên của ông đến Moscow kể từ khi cuộc chiến tranh Ukraine bùng phát vào năm ngoái. Dự kiến ông Tập sẽ có các cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Biên tập viên tiếng Nga, Steve Rosenberg và phóng viên thường trú tại Trung Quốc, Stephen McDonell đưa ra phân tích mỗi bên đang muốn đạt được gì qua các cuộc hội đàm, và chúng ta biết gì từ mối quan hệ Nga-Trung.

Putin tìm trợ giúp từ người bạn
Phân tích của Steven Rosenberg, Biên tập viên chuyên về Nga của BBC

Hãy tưởng tượng bạn là Vladimir Putin.

QUẢNG CÁO

Bạn đã khởi động một cuộc chiến tranh và nó diễn ra không theo kế hoạch; bạn rất bận bịu với các lệnh trừng phạt; và giờ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) lại phát lệnh bắt giữ nhằm vào bạn với cáo buộc tội ác chiến tranh.

Đôi khi chính vào những lúc như thế này bạn cần một người bạn.

Tập Cận Bình bước vào.

Chủ tịch Tập từng gọi Tổng thống Putin là "người bạn thân" của mình. Hai nhà lãnh đạo có rất nhiều điểm chung; họ đều là những nhà trị vì độc tài, và cả hai đều theo ý tưởng "một thế giới đa cực" không có sự thống trị của Mỹ.

Tại Moscow, hai nhà lãnh đạo được cho sẽ ký kết một thỏa thuận về "làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác toàn diện" giữa hai quốc gia.

Chuyến thăm cấp nhà nước của vị chủ tịch Trung Quốc là một chỉ dấu rõ ràng về sự hậu thuẫn dành cho Nga và vị tổng thống của nước này, vào thời điểm Điện Kremlin đang chịu sức ép nặng nề từ quốc tế.

Và mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc giữ vai trò mang tính nền tảng để vượt qua thời gian này.

"Putin đang dựng nên thành trì riêng của chính mình. Ông ta không còn tin vào Phương Tây nữa - và ông ta sẽ không bao giờ tin một lần nữa," nhà báo Dmitry Muratov, người được trao giải Nobel Hòa Bình 2021 nhận định.

"Vì vậy, Putin đang tìm kiếm các đồng minh và ra sức biến nước Nga trở thành một phần trong thành trì chung với Trung Quốc, cũng như Ấn Độ, một số nước ở Mỹ Latin và châu Phi. Putin đang dựng nên một thế giới chống Phương Tây của ông ta."

Trong "thế giới chống Phương Tây" này, Moscow phụ thuộc Bắc Kinh nặng nề - hơn bao giờ hết trong bối cảnh cuộc chiến tranh Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

"Chiến tranh đã trở thành một nguyên tắc tổ chức của nền chính trị trong nước, chính sách ngoại giao và chính sách kinh tế của Nga. Có một sự ám ảnh về việc phá hủy Ukraine," Alexander Gabuev, một nhà nghiên cứu cấp cao từ Carnegie Endowment for International Peace kết luận.

"Để đạt được điều đó bạn cần vũ khí, tiền bạc và nguồn sống cho nền kinh tế. Trung Quốc cung cấp cho Nga, tối thiểu là các phụ tùng vũ khí, và công nghệ dân sự có thể được dùng cho những mục đích quân sự. Trung Quốc chắc chắn cung cấp tiền."

Để chống lại các lệnh trừng phạt từ Phương Tây và tìm cách trụ đỡ cho nền kinh tế, Nga đã gia tăng giao thương với Trung Quốc, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng. Dự kiến các đường ống dẫn dầu, khí đốt và năng lượng sẽ nằm trong chương trình nghị sự trong các cuộc hội đàm giữa ông Tập và ông Putin.

Nhưng một lần nữa, hãy tưởng tượng bạn là Putin. Một năm trước, bạn và Tập đã tuyên bố quan hệ hợp tác "không giới hạn". Nếu như vậy, thì liệu bạn có thể lúc này đây mong chờ Trung Quốc giúp bạn trong cuộc chiến Ukraine, bằng cách cung cấp vũ khí sát thương và mang lại một chiến thắng quân sự cho Moscow? Mỹ tuyên bố Trung Quốc đang cân nhắc thực hiện điều đó. Bắc Kinh đã bác bỏ.

Người Nga có câu, "cứ đòi hỏi cũng chẳng hại gì" - nhưng điều này không có nghĩ là mong muốn đó sẽ đạt được. Năm ngoái đã cho thấy "quan hệ hợp tác không có giới hạn" đó đã có giới hạn. Cho tới thời điểm này, Bắc Kinh rõ ràng đã chần chừ trong việc hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Moscow, với lo sợ có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt phụ từ Phương Tây nhằm vào những công ty Trung Quốc. Theo như Bắc Kinh quan ngại: xin lỗi Nga... Trung Quốc là trên hết.

Đây là một luận điểm đã được nêu thẳng thừng gần đây trong một chương trình trao đổi phát trên truyền hình nhà nước Nga.

"Trước chuyến công du của ông Tập đến Moscow, một số chuyên gia đã thậm chí hào hứng quá mức," chuyên gia về quân sự Mikhail Khodarenok nói.

"Nhưng Trung Quốc có thể chỉ có một đồng minh: đó là chính Trung Quốc. Trung Quốc chỉ có một loạt các lợi ích: đó là phục vụ cho Trung Quốc. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc hoàn toàn không có chủ nghĩa vị tha."

Trung Quốc: Thế ngoại giao khó khăn của Chủ tịch Tập Cận Bình khi công du Nga

Tín hiệu của Tập dành cho Putin chỉ có thể đi theo ba hướng
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Phân tích của Stephen McDonnell, Phóng viên thường trú tại Trung Quốc của BBC

Về chính thức, chuyến công du của Tập Cận Bình đến Nga là nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia láng giềng và chắc chắn hai chính phủ tuyên bố họ đang trở nên gắn kết hơn bao giờ hết.

Sẽ có những thỏa thuận được ký kết, bữa ăn chung, và hai nhà lãnh đạo cùng đứng chung khung hình.

Tất cả các chính phủ đều có những chuyến đi như vậy, thế nhưng tại sao chuyến công du này lại thu hút mọi sự quan tâm?

Vâng, vì một lý do, đây là nhà lãnh đạo của một trong hai siêu cường thế giới vào năm 2023 đã đi thăm đồng minh - vốn là người đã phát động một cuộc xâm lược đẫm máu nhằm vào quốc gia châu Âu khác.

Nhiều nhà phân tích đã suy ngẫm về việc Trung Quốc có thể làm gì nếu như Nga đang đối mặt với một thất bại rõ ràng và nhục nhã trên chiến trường.

Chính phủ Trung Quốc nói mình trung lập. Liệu Bắc Kinh có lùi bước và để chuyện đó xảy ra, hay bắt đầu bơm vũ khí để giúp quân đội Nga đạt được lợi thế tốt hơn?

Sau khi Tập đến Moscow, ông ấy và người đồng cấp Nga có thể trao đổi về những vấn đề khác, nhưng tất cả sự quan tâm sẽ về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Những tín hiệu của ông Tập dành cho Vladimir Putin có thể chỉ đi theo ba hướng sau:

1. Thời gian cân nhắc để rút lui với một sự dàn xếp nào đó giúp giữ được thể diện

2. Bật đèn xanh để tiếp tục đi tiếp hoặc tiến tới thậm chí mạnh mẽ hơn

3. Đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc, cả hai hướng này đều không xảy ra

Trung Quốc đã gây ấn tượng khi đóng vai trò trung gian trong một thỏa thuận thiết lập lại mối hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia. Quốc gia này ngày càng trở nên sẵn sàng hơn bao giờ hết trong việc đặt mình tham gia những vấn đề vượt khỏi bờ cõi quốc gia. Điều này dường như sẽ khiến lựa chọn số ba trở nên không khả thi.

Với phương án số một, nếu liên quan đến việc Bắc Kinh một lần nữa giành được vị thế của một nhà kiến tạo hòa bình thế giới, theo sau thỏa thuận Iran-Saudi, thì đây sẽ được coi là một thành tựu với Tập Cận Bình.

Vấn đề chính với các lựa chọn là Trung Quốc sẽ đạt được lợi ích đến mức độ nào.

Lựa chọn kém hấp dẫn nhất là số hai, nhưng cuộc chiến tranh Ukraine cũng đóng vai trò trong chiến lược địa chính trị của Bắc Kinh.

Điện Kremlin đang chống lại Phương Tây, vét cạn nguồn lực của Nato và cuộc chiến Ukraine càng kéo dài, thì đây cũng là phép thử đối với công chúng Phương Tây về việc xảy ra thêm cuộc xung đột khác nếu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa tiến vào chiếm lấy Đài Loan bằng vũ lực.

Tính toán từ Bắc Kinh có thể là, nếu cuộc chiến tranh Ukraine này càng kéo dài, thì ít người sẽ muốn can dự vào một cuộc chiến tranh khác.

Tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về tính trung lập không tương thích với cách đưa tin từ truyền thông do nhà nước kiểm soát. Các bản tin tối trên truyền hình đưa tin về lập trường của Điện Kremlin và dành phần lớn thời lượng để lên án "Phương Tây" cho "cuộc xung đột". Các bản tin không nói về "một cuộc chiến tranh" và không thể nào mơ đến chuyện đề cập một "cuộc xâm lược" nhằm vào Ukraine.

Về mặt công khai, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của tất cả các quốc gia nên được tôn trọng (ví dụ như của Ukraine), nhưng cũng nói đến "những quan ngại an ninh chính đáng" của các quốc gia khác (như Nga) cũng nên được tôn trọng như vậy.

Thế mà ông Tập không phải thăm Kyiv. Mà chính là Moscow.

Vì vậy, khi ông Tập rời Moscow trong vài ngày tới, ông Putin hoặc sẽ lo lắng về sự hỗ trợ từ Trung Quốc bị giảm bớt hoặc phấn chấn hơn với sự hỗ trợ từ một trong hai siêu cường mạnh nhất trên hành tinh.

Khả năng thứ hai dường như sẽ có khả năng xảy ra hơn.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Chuyến thăm Nga của Tập thực sự có ý nghĩa gì? Empty Re: Chuyến thăm Nga của Tập thực sự có ý nghĩa gì?

Post by LDN Tue Mar 21, 2023 3:07 am

Làm ăn 😄

Tập Cận Bình đến Moscow gặp Putin để làm gì?

Hiếu Chân
20 tháng 3, 2023

Saigon Nhỏ

Tập Cận Bình và Vladimir Putin – ngưu tầm ngưu ,mã tầm mã. Ảnh chịp tại Samarkand, Uzbekistan ngày 15/09/2022 khi hai nhà lãnh đạo bàn về quan hệ Nga-Trung và trật tự quốc tế. Ảnh Ju Peng/Xinhua via Getty Images

Như truyền thông quốc tế đã đưa liên tục mấy hôm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thủ đô Nga Moscow trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài ba ngày và hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga- Ukraine càng ngày càng khốc liệt, chuyến thăm của Tập có ý nghĩa gì, và liệu Trung Quốc có hoàn thành được vai trò nhà kiến tạo hòa bình, kết thúc xung đột như kỳ vọng của Bắc Kinh?

Nga – Trung Quốc: Vị thế đảo ngược

Điểm đáng chú ý đầu tiên là Tập đến gặp Putin trong tư thế “bề trên”: Ông ta vừa giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa có tiền lệ trong chức vụ chủ tịch Trung Quốc và cũng như lần đầu tiên lên nhậm chức năm 2012, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông ta là đến Moscow, đồng minh thân thiết nhất trong mặt trận chống Mỹ và Phương Tây. Trong khi đó, Putin vừa bị Tòa án Hình sự Quốc tế (International Court of Crime – ICC) phát lệnh bắt giữ trên toàn cầu với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. 

Nhìn rộng ra, Trung Quốc là một thế lực đang lên cả về kinh tế, công nghệ và ngoại giao quốc tế với thành tích mới nhất là môi giới thành công một thỏa thuận nối lại quan hệ giữa hai quốc gia thù địch ở Trung Đông là Cộng hòa Hồi giáo Iran và Arabia Saudi. Trong khi đó, từ khi phát động chiến tranh xâm lược Ukraine, Nga càng ngày càng bị cô lập, bị xa lánh trên trường quốc tế; không chỉ bị các nước công nghiệp pháp triển trừng phạt về kinh tế mà còn bị đa số – hơn 140 nước – thành viên Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu lên án, đòi Nga phải ngừng bắn và rút quân ngay lập tức.

Trước đây, trong phe xã hội chủ nghĩa, Nga luôn được coi là “anh cả”, còn Trung Quốc là “anh hai”, mỗi lần sang Moscow, nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông luôn phải khúm núm để được lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin tiếp đón và viện trợ những thứ mà Bắc Kinh rất cần, chẳng hạn như giúp chế tạo bom nguyên tử. Bây giờ vị thế đã hoàn toàn đảo ngược, nước Nga của ông Putin chỉ còn là một thứ “tiểu quốc” trong quan hệ với Trung Quốc, đang bị cuốn dần vào quỹ đạo “chư hầu” của Bắc Kinh.

Vladimir Putin đang nguy ngập và đang mong Tập cứu bồ. Trung Quốc đã thay thế Châu Âu làm khách hàng lớn nhất tiêu thụ dầu và khí đốt của Nga, cung cấp nguồn tiền để ổn định kinh tế Nga và duy trì cỗ máy chiến tranh. Khi Moscow bị cấm vận, Trung Quốc trở thành nhà cung cấp hàng hóa tiêu dùng và công nghệ, từ xe hơi đến chip bán dẫn và hàng hóa lấp đầy các siêu thị Nga.

Tại thời điểm này, Nga rất cần vũ khí và đạn dược – Moscow đã mua máy bay không người lái (UAV) của Iran, đạn đại bác của Bắc Hàn nhưng hai nước nhỏ này không đáp ứng được nhu cầu khổng lồ của quân Nga trên chiến trường Ukraine. Chỉ còn Trung Quốc là dư thừa năng lực. Nhưng Washington đã cảnh báo Bắc Kinh chớ dại…

Cái bánh vẽ kế hoạch hòa bình

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chơi những nước cờ bí hiểm, dựa trên tính toán lợi ích của chính họ. Một mặt, Trung Quốc có vẻ như đứng về phía Nga, không lên án cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine, bảo vệ Nga trước Liên Hiệp Quốc nhưng không tích cực giúp Putin giành chiến thắng, không cung cấp vũ khí cho Nga như NATO đang làm cho Ukraine.

Bắc Kinh vẫn nhại lại những luận điểm của Nga về cuộc chiến tranh, đổ lỗi cho Mỹ và NATO o ép đến mức Moscow phải “tự vệ”, nhưng có lúc lại tỏ ra “khách quan” như đòi hỏi các bên phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Mới đây Trung Quốc lại nỗ lực sắm vai nhà trung gian hòa giải, đưa ra kế hoạch hòa bình 12 điểm cho cuộc chiến Nga – Ukraine và chuyến thăm Moscow của ông Tập được cho là để thúc đẩy kế hoạch đó.

Trong cuộc hội đàm kéo dài bốn tiếng đồng hồ vào chiều thứ Hai 20 tháng Ba 2023, giờ địa phương, Tập đã ca ngợi hai quốc gia là “láng giềng tốt và đối tác đáng tin cậy” và khẳng định Trung Quốc “sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine”, theo tường thuật của hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã.

Dẫn lại khuôn khổ đàm phán hòa bình mà Trung Quốc đưa ra vào tháng trước, Tập nói với Putin rằng đàm phán là cách khả thi duy nhất để chấm dứt cuộc chiến. “Phần lớn các quốc gia đều ủng hộ giảm căng thẳng, ủng hộ đàm phán hòa bình và phản đối đổ dầu vào lửa… Trong lịch sử, xung đột cuối cùng phải được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán,” Tập nói với Putin, theo bản tóm tắt của Trung Quốc. 

Nội dung chính trong kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc là hai bên Nga và Ukraine ngừng bắn, mở đàm phán để chấm dứt xung đột, bảo vệ thường dân. Nhưng đề nghị của Trung Quốc không có điều khoản nào đề cập tới tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đang bị xâm hại của Ukraine cho nên nó không thể được các bên xem xét nghiêm chỉnh. 

Trái với đề nghị của Trung Quốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra “Công thức Hòa bình” (Peace Formula), gồm 10 điểm với nội dung chính là khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, rút toàn bộ quân Nga, chấm dứt mọi hành động thù địch và thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử tội ác chiến tranh của Nga.

Các quan chức cao cấp của Kyiv hôm thứ Hai nhắc lại rằng họ coi ý tưởng về các cuộc đàm phán hòa bình vào lúc này là phi lý. “Điểm đầu tiên và điểm chính là quân chiếm đóng của Nga phải đầu hàng hoặc rút ra khỏi Ukraine”, Oleksiy Danilov, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết. 

Bị Nga vô cớ tấn công và tàn phá, Ukraine đòi quân Nga phải rút lui, trả lại các cùng đất bị chiếm đóng mới nói chuyện đàm phán hòa bình. Ảnh một đứa trẻ chơi xích đu trước một tòa nhà bị phi pháo Nga làm hư hại ở Kyiv hôm 25 tháng Hai 2023. Ảnh Pierre Crom/Getty Images

Theo Tân Hoa Xã, ông Putin nói ông ta đã nghiên cứu tài liệu của Trung Quốc và sẵn sàng đàm phán. Nhưng ông ta không tỏ dấu hiệu cho thấy Nga sẽ có bất kỳ nhượng bộ nào trong khi Ukraine loại trừ khả năng từ bỏ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Hai nhấn mạnh bất kỳ kế hoạch nào không bao gồm việc rút hết các lực lượng Nga khỏi Ukraine “sẽ công nhận những nỗ lực của Nga nhằm chiếm lãnh thổ của một nước láng giềng có chủ quyền bằng vũ lực”. Theo ông Blinken, chuyến thăm của ông Tập đến Moscow chỉ có thể là nhằm tạo “vỏ bọc ngoại giao” cho các tội ác chiến tranh của Nga. 

Củng cố liên minh chống Mỹ?

Vậy thì chuyến du thuyết ở Moscow của ông Tập không có triển vọng thành công hoặc ông ta có mục đích khác. Có thể bằng thủ đoạn ngưu tầm ngưu mã tầm mã, Tập muốn tạo cơ hội để Nga chứng tỏ với thế giới rằng Moscow không hoàn toàn bị cô lập và cho thấy, tình đoàn kết Nga và Trung Quốc, càng bị thế giới bên ngoài phản đối, thì càng bền chặt.

Chúng tôi cho rằng, dù quảng bá rùm beng rằng Trung Quốc muốn là một cường quốc có trách nhiệm, có ý định kiến tạo hòa bình cho các cuộc xung đột, nhưng trong thâm tâm ông Tập không muốn chiến tranh Nga-Ukraine sớm chấm dứt, vì chiến tranh càng kéo dài thì Trung Quốc càng có lợi.

Chiến tranh không chỉ gây đau thương tang tóc cho người dân Ukraine mà còn làm suy yếu đáng kể thế lực của cả Nga, Hoa Kỳ và Châu Âu. Như đã nói trên, vì chiến tranh mà vị thế giữa Moscow và Bắc Kinh bị đảo ngược, Nga phụ thuộc ngày càng sâu vào Trung Quốc. 

Cuộc chiến tạo cơ hội để Trung Quốc thọc gậy bánh xe chia rẽ Mỹ với các đồng minh Châu Âu và quan trọng hơn, cuộc chiến đã hút phần lớn nguồn lực của Mỹ, làm giảm sự tập trung của Washington vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang cố mở rộng ảnh hưởng và thách thức cái trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo. 

Cuộc hội đàm Tập – Putin hôm nay ở Moscow là một trong 40 lần gặp nhau giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc kể từ khi Tập lên nắm quyền năm 2012, và là cuộc hội đàm thứ năm kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra cuối tháng Hai năm ngoái.

Trước chiến tranh, hai ông Tập-Putin đã cam kết một tình hữu nghị “không giới hạn”, rồi bất chấp hành vi tội phạm của Putin, Tập vẫn cam kết xây dựng quan hệ vững chắc với Nga – và với cá nhân ông Putin – coi đó như một đối tác vô giá trong công cuộc đấu tranh chống sự thống trị của Hoa Kỳ và cái trật tự thế giới do Phương Tây cầm trịch. “Củng cố và phát triển quan hệ Nga – Trung Quốc là một sự lựa chọn chiến lược mà Trung Quốc đã thực hiện phù hợp với lợi ích căn bản của mình và với xu thế rộng rãi của sự phát triển toàn cầu,” Tập nói với Putin về quan điểm của Trung Quốc.

Vài hôm trước, lần đầu tiên ông Tập tố cáo đích danh Washington “bao vây, kiềm chế và đàn áp Trung Quốc”. Kết hợp với Putin để chống lại thế bao vây đó, xác lập vị thế nhà lãnh đạo một trật tự thế giới mới, đồng thời tự thể hiện mình như một chính khách toàn cầu có tầm ảnh hưởng không thua kém các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phải chăng mới là mục đích thật sự của chuyến vi hành tới Moscow của Tập Cận Bình?

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Chuyến thăm Nga của Tập thực sự có ý nghĩa gì? Empty Re: Chuyến thăm Nga của Tập thực sự có ý nghĩa gì?

Post by LDN Thu Mar 23, 2023 12:33 pm

Chuyến thăm Nga của Tập thực sự có ý nghĩa gì?

Nghiencuuquocte

Nguồn: Gideon Rachman, “The real meaning of Xi’s visit to Putin,” Financial Times, 20/03/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Những cuộc thảo luận về một kế hoạch hòa bình cho Ukraine sẽ làm che khuất mối quan hệ đang được thắt chặt giữa Trung Quốc và Nga.

“Tình hình quốc tế hiện đã bước sang một bước ngoặt mới. Ngày nay, trên thế giới có hai luồng gió, gió đông và gió tây… Tôi tin rằng, gió đông đang thổi bạt gió tây.”

Những bình luận như vậy giống như một lời tiên đoán về phát biểu mà Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Moscow tuần này. Nhưng thực ra, chúng được lấy từ bài phát biểu của một nhà lãnh đạo Trung Quốc khác, Mao Trạch Đông – khi ông đến thăm Moscow năm 1957.

Qua những câu nói gợi nhớ đến Mao, Tập thường tuyên bố rằng, “Phương đông đang trỗi dậy, còn phương tây đang suy tàn.” Giống như Mao và Putin, Tập tin rằng Nga và Trung Quốc có chung lợi ích trong việc đẩy nhanh sự suy yếu của các cường quốc phương Tây. Hai tuần trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang theo đuổi chính sách “ngăn chặn, bao vây, và đàn áp” nhắm vào Trung Quốc.

Một lần nữa, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc lại gặp nhau giữa bối cảnh lo ngại chiến tranh hạt nhân. Tại Moscow năm 1957, Mao đã kêu gọi mọi người cân nhắc đến “lợi ích” của xung đột hạt nhân: “Nếu điều tồi tệ nhất xảy đến và một nửa nhân loại chết đi, thì nửa còn lại sẽ được sống, trong khi chủ nghĩa đế quốc bị tiêu diệt và cả thế giới trở thành xã hội chủ nghĩa.” Ngay cả đối với những vị chủ nhà Liên Xô của ông, đây cũng là một điều quá sức tưởng tượng.

Ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ xuất hiện tại Moscow với tư cách là một người yêu chuộng hòa bình. Ông sẽ đến trong ánh hào quang của một thành tựu ngoại giao thực sự: việc Iran và Ả Rập Saudi bình thường hóa quan hệ do Trung Quốc làm trung gian hòa giải. Gần đây, Trung Quốc cũng đã đưa ra một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm để giải quyết cuộc chiến ở Ukraine. Nhiều khả năng, khi ở Moscow, Tập sẽ đề xuất một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Sau hội nghị thượng đỉnh với Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ gọi điện cho Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine.

Zelensky chắc chắn sẽ nhận cuộc gọi đó. Tập nắm giữ đòn bẩy lớn đối với Putin nếu ông muốn sử dụng chúng.

Tuy nhiên, Zelensky và liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine cũng sẽ hoài nghi về các đề xuất hòa bình của Trung Quốc. Thực tế thì rất khó để Tập Cận Bình sẵn lòng hoặc đủ khả năng làm trung gian chấm dứt chiến tranh Ukraine.

Không giống như trường hợp Ả Rập Saudi và Iran, tại Ukraine, Trung Quốc không làm trung gian giữa hai bên đã sẵn sàng đi đến một thỏa thuận. Bắc Kinh cũng không phải là bên trung lập trong cuộc xung đột này. Dù Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc nhằm lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, họ đã liên tục sử dụng những thuật ngữ của người Nga để mô tả cuộc xung đột. Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương mới đây còn ca ngợi mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là một “động lực” trong các vấn đề quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể sẽ bác bỏ bản cáo trạng của Tòa án Hình sự Quốc tế chống lại Putin.

“Kế hoạch hòa bình” hiện tại của Trung Quốc không đề cập đến việc Nga rút quân khỏi những vùng đất mà họ chiếm từ Ukraine. Nếu Tập đề xuất một lệnh ngừng bắn, người Nga có thể giả vờ nhiệt tình – bởi họ biết rằng Ukraine sẽ từ chối ý tưởng này, vì lãnh thổ của họ vẫn bị chiếm đóng. Ngay cả khi lệnh ngừng bắn được tuyên bố, Nga luôn có thể vi phạm – như đã từng xảy ra trong quá khứ.

Tuy nhiên, đối với Tập Cận Bình, sẽ hữu ích nếu thể hiện Trung Quốc như một nhà kiến tạo hòa bình thực dụng, quan tâm đến trên hết là thương mại và thịnh vượng chung. Ngược lại, Mỹ được Trung Quốc miêu tả như một kẻ hiếu chiến về ý thức hệ, phân chia thế giới thành bạn và thù – đồng thời cố gắng duy trì quyền bá chủ của chính mình. Quan điểm đó sẽ giúp Trung Quốc ghi điểm trong trận chiến tại “các nước phương Nam” – và điều đó khiến người Mỹ lo lắng.

Nhưng đằng sau cuộc nói chuyện về hòa bình, bản chất của thượng đỉnh Tập-Putin sẽ đi theo hướng ngược lại, vì nó sẽ liên quan đến việc Trung Quốc gia tăng hỗ trợ cho Nga, trong lúc nước này tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược. Alexander Gabuev, một trong những nhà quan sát Trung Quốc hàng đầu tại Nga, hiện đang sống lưu vong, nhận xét rằng: “Đừng nhầm lẫn: chuyến đi sẽ nhằm thắt chặt quan hệ với Nga để mang về lợi ích cho Bắc Kinh, chứ không phải vì bất kỳ hoạt động trung gian hòa giải thực sự nào.”

Câu hỏi lớn sẽ là: Tập xem những mối quan hệ nào là có lợi cho Trung Quốc? Về mặt kinh tế, câu trả lời rất dễ dàng. Khi phương Tây ngừng sử dụng năng lượng của Nga, Trung Quốc có thể mua dầu và khí đốt với mức giá thấp hơn. Putin và Tập nhiều khả năng đồng ý đẩy nhanh tiến độ xây dựng một đường ống dẫn khí đốt khác giữa hai nước. Cung cấp cho Nga những hàng hóa mà nước này không còn có thể mua được từ phương Tây, đặc biệt là chất bán dẫn, cũng là món hời cho Bắc Kinh – dù một số công ty Trung Quốc sẽ cảnh giác để tránh vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây. Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc có lẽ cũng sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các lựa chọn thay thế cho đồng đô la trong vai trò tiền tệ toàn cầu.

Câu hỏi thực sự nhạy cảm sẽ là yêu cầu của Putin đối với vũ khí Trung Quốc, đặc biệt là đạn pháo và tên lửa, để bù đắp cho sự thiếu hụt đang làm suy yếu nỗ lực chiến tranh của Nga. Tháng trước, người Mỹ đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang xem xét thực hiện động thái này. Nhưng những gì mà Putin và Tập đồng ý vẫn sẽ là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ.

Tương tự, bất kỳ căng thẳng nào giữa Nga và Trung Quốc cũng sẽ bị giấu kín. Một số chiến lược gia người Mỹ hy vọng rằng một ngày nào đó họ có thể tạo ra một cuộc chia rẽ thứ hai giữa Moscow và Bắc Kinh, giống như cuộc chia rẽ đã dẫn đến việc nối lại quan hệ Mỹ-Trung vào thập niên 1970. Nhưng ở thời điểm hiện tại, điều đó là một viễn cảnh còn xa vời hơn cả một sáng kiến hòa bình thành công của Trung Quốc dành cho Ukraine.

Hình ảnh Tập và Putin ngồi cùng nhau ở Moscow sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng. Nga và Trung Quốc vẫn là đối tác thân thiết – được liên kết bởi sự đối đầu chung của họ với Mỹ và các đồng minh của nước này.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Chuyến thăm Nga của Tập thực sự có ý nghĩa gì? Empty Re: Chuyến thăm Nga của Tập thực sự có ý nghĩa gì?

Post by Sponsored content



Sponsored content


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You can reply to topics in this forum