Our forum runs best with JavaScript enabled !

Ông Ngô Đình Quỳnh: "Tôi luôn giữ hình ảnh rực rỡ về cha tôi, Ngô Đình Nhu

View previous topic View next topic Go down

Ông Ngô Đình Quỳnh: "Tôi luôn giữ hình ảnh rực rỡ về cha tôi, Ngô Đình Nhu Empty Ông Ngô Đình Quỳnh: "Tôi luôn giữ hình ảnh rực rỡ về cha tôi, Ngô Đình Nhu

Post by LDN Tue Mar 21, 2023 2:09 pm

Ông Ngô Đình Quỳnh kể về cha mẹ ông và cuộc đảo chính tháng 11/1963 ở VNCH

Phạm Cao PhongNhà báo tự do ở Paris, Pháp

21.03.2023

NGUỒN HÌNH ẢNH,CAO PHONG PHAM FOR BBC

Chụp lại hình ảnh,

Kể từ khi được đưa sang Rome tháng 11/1063, ông Ngô Đình Quỳnh chưa vào giờ trở về Việt Nam

Trong một buổi chiều ở Brussels, khi nhưng giọt nước mưa mùa đông vẽ những đường kỷ hà bên ngoài cửa kính khách sạn Amigo, tôi có dịp gặp ông Ngô Đình Quỳnh, con trai út của bà Trần Lệ Xuân và ông Ngô Đình Nhu.

Ông kể cho tôi bằng tiếng Pháp câu chuyện thoát hiểm kỳ lạ mấy anh em sau ngày 1/11/1963, khi quân đảo chính sát hại Tổng thống Diệm và cha ông:

"Có một câu chuyện nhỏ thế này. Cha của chúng tôi đã bố trí dự phòng một kế hoạch khi có biến. Một vị đại tá được giao trách nhiệm coi sóc chúng tôi, anh tôi là Ngô Đình Trác, tôi và em gái tôi Ngô Đình Lệ Quyên ở Đà Lạt, thành phố nơi chúng tôi sinh sống.

Phòng nếu khi cuộc đảo chính xảy ra, vị đại tá với số ít người thân tín và những cận vệ được ba tôi cắt cử trông nom được dặn phải lập tức đưa chúng tôi vào rừng. Mục đích là để tránh cho phe đảo chính bắt cóc chúng tôi làm con tin, dùng chúng tôi làm áp lực lên bác tôi và cha tôi, dồn họ vào tình thế khó xử. Để bác tôi và cha tôi không phải lo lắng, bận tâm về số phận của mấy anh em tôi trong trường hợp phe đảo chính xử dụng thủ đoạn này. Đó là một kế hoạch nhằm bảo đảm sinh mạng cho chúng tôi. Cha tôi đã dự phòng một kế hoạch như thế.

Chúng tôi lẩn trốn vào rừng, di chuyển trong ba ngày. Chúng tôi mang theo một máy thu thanh để hóng tin tức, để biết chuyện gì đã xẩy ra, để biết cuộc đảo chính diễn biến ra sao. Khi được tin bác tôi và cha tôi đã bị sát hại, vị đại tá dẫn chúng tôi ra khỏi rừng trở lại gặp viên tư lệnh Đà Lạt, người mà cha tôi tin cậy. Ông Tư lệnh sẽ coi sóc chúng tôi. Chẳng may, ông đã bị phe đảo chính bắt giữ. Khi chúng tôi đến nơi, ông đã bị cầm tù."

Ông Ngô Đình Quỳnh, trong trang phục sang trọng, nét nhìn u buồn, quý phái kể tiếp:

"Tôi nhớ là họ đưa chúng tôi vào một góc phòng khách và bàn tán với nhau. Chúng tôi hiểu là họ đang hỏi nhau, có phải giết chúng nó đi không ?

Không biết bằng cách nào mẹ tôi đã liên lạc được với họ trên điện thoại đúng vào thời điểm đó.

Tôi thấy một vị tướng đứng dậy, ra nhấc máy và trả lời. Ông ta chỉ nói" dạ, dạ, dạ " rồi dập máy. Có thế thôi.

Về sau mẹ tôi bảo lần ấy có nói "Các ông mà đụng đến con tôi, sẽ biết tay tôi." Không biết một người phụ nữ còn ở ngoài nước, đã mất hết quyền thế, chồng và anh rể vừa bị sát hại, còn có thể làm gì cho người ta sợ?

Tôi nghĩ có thể lương tâm họ không được yên vì đã phản bội rồi giết bác tôi, giết cha tôi. Như thế đủ lắm rồi."

Sau cuộc đảo chính chớp nhoáng, lật đổ một chế độ có những năm mà sử sách ca ngợi là Vàng Son, người ta đưa anh em ông Ngô Đình Quỳnh ra khỏi Nam Việt Nam. Ông kể tiếp:

"Sau đó họ cho chúng tôi lên một máy bay. Một chiếc phi cơ Boeing. Chỉ có chúng tôi trên chiếc máy bay đó, anh Trác tôi, em gái tôi Lệ Quyên, tôi và thêm một người Mỹ, có thể nghĩ rằng đó là một người của CIA.

Thời bấy giờ máy bay không bay thẳng một mạch được, phải đỗ lại giữa đường. Tôi nhớ nơi đỗ lại là Karachi. Sau đó là Rome."

"Sao lại Rome ? Vì bác tôi, Giám mục Ngô Đình Thục ở đó. Mẹ tôi và chị tôi Ngô Đình Lệ Thủy từ Mỹ sang, đến đoàn tụ với chúng tôi. Ba anh em chúng tôi, anh cả tôi, tôi, và em gái, đến Rome là như thế."

Không thể tin được

Ông Quỳnh kể tiếp, sau đó cả mấy tháng, dù báo chí và những bức ảnh tràn lan về cuộc đảo chính lan tỏa khắp thế giới, mẹ ông và cả cá nhân ông đều không tin là ông Nhu đã bị giết (ngày 02/11/1963):

"Ba tôi nhiều khi biến mất cả tháng, không để lại tin tức gì. Tôi tin rằng ba tôi đang trong một sứ mệnh bí mật nào đó. Mẹ tôi cũng thế, bà không tin là họ có thể thủ tiêu chồng mình."

Câu chuyện thoát hiểm của ba anh em ông Quỳnh ám ảnh tôi rất lâu. Có những điều không lý giải được về Định mệnh chăng? Nếu không phải vào giờ ấy, phút ấy, ngày ấy và cú điện thoại của người mẹ gọi từ Mỹ hẳn cả ba đứa trẻ vô tội đã bị giết? Các toán biệt kích và cả máy bay đã được gửi để săn đuổi.

Câu chuyện ly kỳ như sự tích chòm sao Aries, tinh vân gắn với thân phận những người di tản buồn lấp lánh trên giải Thiên hà. Đây là chòm sao thứ nhất trong cung Hoàng Đạo có hình chiếc sừng dê.

Định mệnh của bà Trần Lệ Xuân ẩn dưới tinh cầu Aries. Chú giải về chòm sao này có phần đúng với tính cách của bà với cái đầu đầy ý tưởng muốn thay đổi thế giới.

Aries Trần Lệ Xuân cũng đã một lần cứu thoát ông Diệm và ông Nhu trong cuộc đảo chính hụt ngày tháng 11/1960.

30/04: Những xui xẻo định mệnh của VNCH

Tháng định mệnh 11/1963: dòng họ Ngô Đình và Kennedy

'Lực lượng thứ Ba mong có hòa bình cho Việt Nam'

Ghi chép xúc động của đại úy Đỗ Thọ, tùy viên của Tổng thống Diệm kể câu chuyện sau :

"Khi Tổng thống Diệm tuyên bố từ chức giao quyền lại cho phe phái quân nhân đảo chánh, tình hình trong dinh Độc Lập bệ rạc, sửa soạn rẽ sang con đường mới.

Tổng thống Diệm ngồi thừ trên ghế xa-lông, ông Ngô Đình Nhu vầng trán nhăn lại. Đại tá Nguyễn Khánh đưa ra kế hoạch chống đảo chánh và đợi lệnh. Bà Nhu ngồi cạnh ông Nhu vẻ mặt đanh thép. Tổng thống Diệm nhìn thẳng về phía ông Nhu hỏi:

- Chú định thế nào?

Ông Nhu đáp:

- Anh làm Tổng thống thì anh định đoạt chứ tôi đâu có làm Tổng thống.

Tổng thống Diệm yên lặng, ông Nhu đăm chiêu thêm. Thế là chẳng có ý kiến định đoạt nào cả. Một khắc thời gian trôi qua cũng đủ làm thay đổi, suy sụp chính thể.

Bà Nhu giận dữ đứng dậy gỡ khúc rối trên bước đường chính trị của Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu, bằng thái độ hùng hổ :

- Tại sao chúng ta lại thất bại một cách dễ dàng như thế ?

Thái độ bà Nhu như gáo nước lạnh thức tỉnh Tổng thống Diệm, ông Nhu và Đại tá Nguyễn Khánh. Ba đôi mắt chính trị, lãnh tụ và quân sự đổ dồn vào bà Nhu.

Bà Nhu lạnh lùng hướng về phía ông Nhu hùng hổ nói :

-Anh nói vậy sao được, phải giúp Tổng thống!

Quay qua Tổng thống Diệm, bà Nhu nói :

- Tổng thống cương quyết dẹp đảo chánh hay hàng ? Bây giờ chúng ta phải làm như thế này… Như thế này…

Trong lúc đó Đại tá Khánh tròn cặp mắt ốc nhồi nhận lệnh. Bà Nhu nói thật nhiều, thật dữ…Kết quả cuộc đảo chánh ngày 11/11/1960 thất bại.

Hành động của bà Nhu thúc đẩy Tổng thống Diệm trở bại thành thắng…"

Ông Quỳnh kể thêm về biến cố này :

"Trong cuộc đảo chính hụt, mẹ tôi là người duy nhất đã hiểu tình thế. Khi lính nhảy dù tấn công Dinh Tổng thống, các tướng đều hoảng hốt, không hiểu việc gì đang diễn ra. Tổng thống và các tướng lĩnh không hiểu, tại sao binh chủng tinh nhuệ lại quay ra tạo phản. Mọi người đều nghĩ là cần phải thương lượng với nhóm đảo chính.

Mẹ tôi nói, thương lượng là giải pháp sai. Chỉ cần ra đài phát thanh tuyên bố, Tổng thống đang được an toàn tuyệt đối. Chỉ cần giải thích là một số tướng lĩnh chỉ huy đã dối trá, lừa dối quân lính. Không có chuyện quân đội làm phản. Giải pháp chỉ đơn giản thế thôi !!!

Ngoài mẹ tôi ra, chẳng ai hiểu việc gì đang xẩy ra, chẳng ai thấy nhìn nhận được tình thế và biết phải xử lý thế nào.

NGUỒN HÌNH ẢNH,AFP

Chụp lại hình ảnh,

Bà Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy thăm Mỹ khi xảy ra vụ đảo chánh tháng 11/1963

NGUỒN HÌNH ẢNH,YOUTUBE

Chụp lại hình ảnh,

Cố vấn Ngô Đình Nhu, người bị sát hại cùng anh ông, Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa năm 1963

Lý giải làm sao, một người đàn bà 36 tuổi làm được điều ấy?

Mấy câu "phải thế này, phải thế này "của bà Nhu đã đẩy lui Lữ đoàn thiện chiến mũ đỏ do Trung tá Vương Văn Đông, Đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Nguyễn Triệu Hồng chỉ huy.

Các sĩ quan đảo chính thất bại, ôm đầu máu chuồn vội lên chiếc máy bay khu trục Douglas Skyraider trốn chạy qua Campuchia.

Bà Nhu sinh năm Giáp Tý 1924. Năm Canh Tý 1960 là năm tuổi của bà, thời điểm mà các thầy chiêm tinh khuyên ''ốc không mang nổi mình ốc, đừng mang cọc cho rêu''.

Song bà Nhu lại bướng. Bà không muốn để quân đảo chính trói tay, đâm đến 15 nhát dao và bắn vào đầu như chồng bà ba năm sau. Như thế là có tội?

Vì thế, người đời ghét bà Nhu chăng? Bà là con chuột Lửa, như con chuột trong câu chuyện ngụ ngôn của Jean de La Fontaine dùng những chiếc răng nhỏ cắn nát những mắt lưới đang chụp lên sinh mệnh Đệ Nhất VNCH, giải thoát cho ông Diệm và ông Nhu.

Bà giỏi hơn cả con cừu Aries. Bà không ôm con chạy khi Dinh Gia Long bị nã đại bác. Bà ra những mệnh lệnh quân sự, điều binh khiển tướng. Ngày 11/11/1960, nếu không có "bóng hồng trong cung " Trần Lệ Xuân công Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu hẳn không toàn mạng sống và Đệ nhất VNCH không sống thêm 1000 ngày ?

Trả lời câu hỏi của tôi về hai biến cố đảo chính 1960, 1963, cựu đại tá Hoàng Cơ Lân của lực lượng tinh nhuệ này, người trực tiếp chứng kiến cái chết của em ông là Trung Tá Nguyễn Triệu Hồng nói :

"Nếu mà nói, hồi 1963 bà Ngô Đình Nhu ở nhà, tình hình sẽ khác, thì nhiều người nói, mà tôi cũng tin như vậy. Bà có linh tính của người đàn bà rất thông minh. "

Thời khắc Định mệnh đó, lẽ ra cần có những quyết định cứng rắn và kịp thời. Nếu năng động, với lực lượng sẵn có trong tay đang bảo vệ Dinh Gia Long, ông Diệm và ông Nhu có cơ hội lật ngược thế cờ.

"Qua Đài Phát Thanh lúc 4 giờ Tổng Thống Diệm nghe rõ giọng nói của 22 vị tướng tá xướng danh để áp đảo tinh thần Dinh Gia Long.

NGUỒN HÌNH ẢNH,CAO PHONG PHAM FOR BBC

Chụp lại hình ảnh,

Ông Ngô Đình Quỳnh trả lời phỏng vấn của nhà báo Phạm Cao Phong cuối năm 2022 ở Brussels, Bỉ

Tổng Thống Diệm bảo Đại Úy Bằng và các sĩ quan tùy viên:

-Các Tướng bị bọn nó bắt cóc làm con tin đấy thôi.

Cũng vì vậy khi Thiếu Tá Nguyễn Hữu Duệ xin Tổng Thống cho đem quân lên Bộ Tổng Tham Mưu để "giải thoát" các tướng Tá thì Tổng Thống khước từ với lý do:

-Mình đem quân lên giải cứu, bọn nó sẽ giết hết các tướng để từ từ coi.

Cũng vào lúc 4h30 Trung Tướng Đôn có điện đàm với Tổng Thống Diệm yêu cầu Tổng Thống Diệm và ông Nhu từ bỏ quyền hành và xuất ngoại, vì quân đội đã đứng lên đảo chánh và đã vây chặt thành Cộng Hòa, Dinh Gia Long.

Tổng Thống Diệm nói như quát:

-Quân mô? Vây ở mô?

Sự thực, lực lượng đảo chánh không đáng kể… Quân của Sư Đoàn 5 vẫn còn ở bên ngoài Đô Thành. Phía Phú Lâm, Chợ Lớn, cầu Chữ Y, Khánh hội, Thị Nghè còn bỏ trống.

Theo Thiếu Tướng Lâm Văn Phát thì vào giờ đó, Hội Đồng Tướng Lãnh chưa biết phải làm gì và hoàn toàn giao động vì vị nào cũng tưởng rằng, khi đọc hiệu triệu trên đài phát thanh thì các cánh quân của Quân đoàn III (trong đó có Sư Đoàn 5) đã vây chặt thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long cũng như đã làm chủ tình hình Saigon Gia Định Chợ Lớn, nhưng ngược lại, các cánh quân chủ lực của cuộc đảo chánh vẫn còn rời rạc lẻ tẻ và chưa vượt qua cầu Phan Thanh Giản và cầu Thị Nghè thì đã bị Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống chặn đứng tại Đa Kao và Sở Thú.

4h30, một cú điện thoại từ Bộ Tổng tham mưu gọi cho Thiếu Tá Duệ:

-Kéo thẳng lên đây đánh thốc vào Bộ Tổng tham mưu, ở đây chỉ lèo tèo vài đại đội tân binh và lính truyền tin.

Thiếu Tá Duệ hỏi:

-Tướng lãnh làm gì trên đó?

Ông Duệ được trả lời:

-Cha con mấy trự đang xanh mặt "té đái…"

Sự thực Chiến Đoàn Vạn Kiếp của Trung Tá Vĩnh Lộc cho đến lúc ấy vẫn còn án binh phía bên kia cầu Phan Thanh Giản.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Ngô Đình Diệm của VNCH trong một lần thăm Đài Loan và được Thống chế Tưởng Giới Thạch đón tiếp

Khoảng 4h30, khi Đại Tá Phát đến một căn nhà ngay ngã tư Phan Thanh Giản- Đinh Tiên Hoàng được coi như bản doanh tiền phương của Sư Đoàn 5 và chiến đoàn Vạn Kiếp thì lúc ấy Trung Tá Vĩnh Lộc đang say ngất ngư và cũng như chưa biết phải tiến quân như thế nào…

Sĩ quan cũng như binh sĩ vẫn còn ngơ ngác không biết phải làm gì… chỉ thị của thượng cấp hết sức mơ hồ.

Tướng Lâm Văn Phát cũng tiết lộ, vào giờ phút đó, các Tướng tá tại Bộ TTM gần như tuyệt vọng, ai nấy xanh mặt và chuẩn bị valise để lên đường tẩu thoát.

Trung Tá Nguyễn Cao Kỳ trách nhiệm phần vụ "nếu thất bại sẽ dùng mấy chiếc Dakota của Liên đoàn Vận Tải để đưa các tướng tá qua Thái Lan" .

Các Tướng Tá hồi hộp từng phút giây theo dõi cuộc tiến quân của Quân Đoàn III nhưng chỉ nghe thấy tiếng nổ xa xăm… 4h30, Trung Tá Kỳ dẫn 2 phi công vào trình diện Hội Đồng Tướng Lãnh. Hai phi công này lái AD nhào lộn oanh kích khu vực thành Cộng Hòa và sự hiện diện của 3 chàng Không Quân này tựa hồ như cơn gió mát giữa cơn nồng nặc nghẹt thở trong phòng Hội Đồng.

Trung Úy Niên thấy tình hình rất lâm nguy. Bỗng nhiên, ông nhận được tin từ Hội Đồng Tướng Lãnh cho biết: Đại Tá Lâm Văn Phát tạm thay Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, thống lãnh Sư Đoàn 5 để thanh toán Dinh Gia Long và thành Cộng Hòa. Được tin này, Trung Tướng Dương Văn Minh biến sắc.

Một số Tướng Lãnh gỉ tai nhau: "Thôi hỏng rồi… tại sao Đính lại giao cho Phát như thế tụi nó quật ngược lại bọn mình rồi". Không khí nghẹt thở."

(Trích theo cuốn: Làm sao giết một Tổng thống-Lương Khải Minh)

Cơ đồ của ông Diệm, ông Nhu chìm biển sâu như thế. Lịch sử sẽ khác đi, nếu bà Nhu có mặt tại Sài Gòn vào ngày 1/11/1963?

Tôi lật những trang ảnh của tạp chí Life giai đoạn đó, nhìn vào tấm hình bà Trần Lệ Xuân trong chiếc áo dài mầu rêu xanh pha ánh vàng và suy nghĩ về thân phận con người Việt Nam, nhất là một phụ nữ ở đỉnh cao chính trị.

Còn về con người xương thịt của bà Ngô Đình Nhu. Cũng tương tự như Aries, bà Nhu chẳng có một cơ hội đặt một cành hoa nhỏ, nơi anh rể và chồng mình nằm xuống, nơi vĩnh viễn trở thành bến đợi hiu hắt. Bà mất vào một ngày tháng Tư ở Rome năm 2011.

Tôi đặt câu hỏi cho ông Ngô Đình Quỳnh :

-Nhiều tướng lĩnh Sài Gòn, thậm chí một đại tá trong binh chủng nhảy dù nói với tôi rằng : Nếu người mẹ của ông, bà Trần Lệ Xuân có mặt tại thời điểm xẩy ra cuộc đảo chính năm 1963, thì chưa chắc sự phản bội của nhóm tướng lĩnh có cơ may thành công.

NGUỒN HÌNH ẢNH,CAO PHONG PHAM FOR BBC

Chụp lại hình ảnh,

Nhà báo Phạm Cao Phong (bìa phải) nói về ông Ngô Đình Quỳnh (giữa hình): 'Tôi như thấy cả bà Trần Lệ Xuân và ông Ngô Đình Nhu trong nét mặt, ánh mắt của người con út họ, sống sót gần 60 năm trước sau cuộc đảo chính làm thay đổi số phận VN"

Ông có nghĩ rằng, có một âm mưu tách mẹ ông ra khỏi biến cố đó ?

Ông Ngô Đình Quỳnh trả lời :

-Có. Có một cơ mưu để đẩy xa bố tôi và mẹ tôi. Chúng tôi có biết là chính phủ Mỹ đã làm ám lực rất mạnh để bác tôi lìa khỏi cả bố tôi lẫn mẹ tôi, vì họ sợ ảnh hưởng của hai người. Nhất là của mẹ tôi, vì trong cuộc đảo chính hụt mới qua, họ đã thấy mẹ tôi là người duy nhất đã hiểu tình thế.

Khi thấy mẹ tôi sáng suốt như thế, họ âm mưu với nhau là phải làm sao đẩy mẹ tôi đi xa, nếu muốn tiến hành đảo chính một lần nữa. Và họ đã thành công.

Họ không thành công với cha tôi. Cha tôi không chịu rời bác tôi. Không đời nào. Bác tôi cũng nhất quyết không rời cha tôi.

Đã 60 năm xa rời đất nước, ông Ngô Đình Quỳnh cũng chưa một lần trở về Việt Nam. Đến bao giờ, ông mới có dịp nghiêng mình trước mộ phần người cha đã mất, khi ông mới 11 tuổi? Đất nước nơi bác ông, cha mẹ ông gây dựng lên một chính thể - có người gọi là 'triều đại' - đã mấy lần đổi thay chế độ, và chỉ muốn quên hết họ đi, đẩy hết họ vào các trang sử mờ mịt.

Ấy thế mà ông Ngô Đình cứ ngồi đây, nói chuyện với tôi. Ông là ai, từ đâu tới?

Bài viết cho BBC News Tiếng Việt dựa trên cuộc phỏng vấn video của nhà báo Phạm Cao Phong thực hiện tại Brussels, Vương quốc Bỉ với ông Ngô Đình Quỳnh, tháng 12/2022.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Ông Ngô Đình Quỳnh: "Tôi luôn giữ hình ảnh rực rỡ về cha tôi, Ngô Đình Nhu Empty Re: Ông Ngô Đình Quỳnh: "Tôi luôn giữ hình ảnh rực rỡ về cha tôi, Ngô Đình Nhu

Post by LDN Wed Mar 29, 2023 12:20 pm

1 đại gia đình khoa bảng và yêu nước, thương dân. Lịch sử mãi ghi công 🌹

Ông Ngô Đình Quỳnh: "Tôi luôn giữ hình ảnh rực rỡ về cha tôi, Ngô Đình Nhu"

Phạm Cao Phong
Gửi bài cho BBC từ Paris, Pháp
một giờ trước
Ngô Đình QuỳnhNGUỒN HÌNH ẢNH,CAO PHONG PHAM
Chụp lại hình ảnh,
Ông Ngô Đình Quỳnh trong ảnh chụp tháng 12/2022 ở Bỉ

Những câu chuyện về thời thơ ấu ông Ngô Đình Quỳnh kể cho tôi mang âm hưởng trầm buồn.

Câu chuyện thời thơ ấu của ông làm tôi không cười nổi. Lần đầu đến trường ở Paris, giờ ra chơi, ông trố mắt nhìn những bạn cùng lớp:

-Khi đám bạn tổ chức trò 'cút bắt' thì tôi ngớ cả người, trò gì vậy ? Tôi như một một nhà bác học ngây người khám phá cuộc sống sinh hoạt của những chú kiến!

-Lần đầu thấy tuyết rơi, tôi ngạc nhiên lắm, tại sao lại có một đất nước như vậy!

-Khi ở Sài Gòn, trong Dinh Tổng thống, tôi gần như không bao giờ được nhìn thấy cha tôi. Phòng của gia đình chúng tôi ở liền bên nhau. Nhưng dù không ai bảo, chúng tôi luôn luôn không muốn quấy rầy cha mẹ. Vì hiểu rằng, cha mẹ chúng tôi bận nhiều công việc. Ngay cả trong những bữa ăn chung của cả gia đình, chúng tôi vẫn giữ nề nếp cổ truyền. Yên lặng tuyệt đối trong khi dùng cơm. Trẻ con chỉ có quyền nghe lời cha mẹ. Gia đình chúng tôi ít trao đổi trong những dịp như thế."

Sài Gòn những năm ông Quỳnh vừa chào đời chìm trong hỗn loạn.

Vương quốc trù phú phương Nam mà thủ đô lại do tướng cướp Bảy Viễn cầm đầu ngành an ninh, kẻ điều hành khu ăn chơi Đại Thế Giới.

Đường phố Sài Gòn tràn ngập thiết giáp, xe quân sự, các binh đoàn lính viễn chinh của Pháp thất trận từ miền Bắc rút về. Cộng thêm các nhóm giáo phái vũ trang Cao Đài, Hòa Hảo lộng hành. Thêm nữa, con số 1, 2 triệu người di cư chạy xuống phía Nam làm xáo trộn cuộc sống của 14 triệu người dân bản địa. Một bài toán ngay cả các quốc gia châu Âu lành lặn, ít tật nguyền còn phải xính vính thời nay.

Miền Bắc cài cắm những tình báo chiến lược như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo vào đến tận bộ máy hành chính, quân sự cao cấp nhất. Đại tá Thảo góp phần không nhỏ trong những bất ổn gây ra cho VNCH.

Cuộc sống của gia tộc Ngô Đình không tránh khỏi lo chung cái lo của nước, sợ chung cái sợ của dân ? Liệu có một ốc đảo bình yên trong bão cát sa mạc ?

Đoàn Thêm, một người gần gũi gia đình ông Diệm, trong cuốn sách 'Bên dòng lịch sử' kể lại:

"Tháng 4/-1955 khi Saigon đang ngút ngàn khói lửa, Bình Xuyên quyết ăn thua đủ với chính quyền, gia đình bà Nhu vẫn còn ở tại căn nhà của bác sĩ Cao Xuân Cẩm, trước dưỡng đường Saint Pierre Saigon.

Khi trận chiến giữa Bình Xuyên và chính quyền bùng nổ, Đại úy Huỳnh Văn Cao bàn tính với Thiếu tá Vinh làm thế nào để di tản gia đình bà Nhu vào trong Dinh, nếu không Bình Xuyên có thể làm "hoảng" giết ông bà Nhu hoặc bắt cóc mấy đứa con của bà để làm điều kiện thương thuyết. Ý kiến này mọi người đều cho là phải.

Trước đó Tổng thống Diệm cũng tỏ ý băn khoăn ngỏ ý với ông Bằng "Mi bàn với Vinh và Cao làm sao che chở cho gia đình ông Nhu ở Saint Pierre… Bình Xuyên nó làm dữ quá…" Mấy hôm sau, gia đình bà Nhu di tản vào Dinh Độc Lập, ở trong một gian phòng phía góc trái. Lúc đầu ông Nhu nằm ghế bố vì không có giường. "

Sinh hoạt trong gia đình ông Nhu cũng không khá giả gì, phải nói là vất vả. Ông Đoàn Thêm mô tả:

"Gia đình bà Nhu ở trong Dinh Tổng Thống với hai phòng không được rộng rãi lắm.

Bà nổi tiếng là người "keo kẹt", chi tiền chợ hàng ngày. Ông Nhu thì vợ cho ăn uống như thế nào thì ăn uống như vậy, không đòi hỏi. Những người hầu cận cho biết, nhiều khi ông Nhu đi săn mang về theo ít thịt nai hoặc thịt mấy con chim thì bà Nhu lại bớt tiền chợ và dùng đồ săn đó bắt ông chồng ăn cả hai ba bữa. Hai căn phòng của ông Nhu trang hoàng không có gì xa hoa lộng lẫy trái lại có vẻ bình thường trung lưu."

Cuộc sống gia đình eo hẹp, nhưng bà Trần Lệ Xuân vẫn giữ nguyên sự hào hoa, tử tế với người dưới. Đại úy Đỗ Mậu kể lại trong hồi ký mang tên ông:

"Đối với gia nhân phục dịch với gia đình, bà Nhu tỏ thái độ mến thương. Nếu không muốn nói là một cử chỉ bình dân, đại chúng. Hằng tháng những người bồi, người bếp lo tròn công việc tươm tất, bà Nhu thưởng thêm tiền bằng cách bỏ vào một chiếc phong bì dán kín rất lịch sự.

Đối với chồng con, bà Nhu hết lòng săn sóc."

Sự đùm bọc giữa Tổng thống Diệm và gia đình ông Nhu gắn kết bởi sự có mặt của mấy anh em ông Quỳnh. Ông Trần Kim Tuyến nhận xét :

"Ông Diệm rất yêu mến đám con trai của bà Nhu. Đó cũng là lý do dễ hiểu, khi cha con ông Khôi qua đời (1945) thì mấy chú con trai của ông Nhu trở thành kẻ nối dõi tông đường của Dòng họ Ngô Đình. Ngô Đình Trác đứng vào hàng đích tôn thừa tự và là bực trưởng của gia tộc Ngô Đình sau này.

Mấy chú con trai của ông Nhu trở thành nhịp cầu nối tiếp giữa TT Diệm và vợ chồng ông Nhu mặc dầu bản chất giữa TT Diệm và ông Nhu rất khác biệt nhau. Anh em không mấy khi gần nhau qua những phút tâm tình hàn huyên. Nhưng mấy đứa cháu trai lại trở thành nguồn sinh thú tinh thần của TT Diệm và đó cũng là hy vọng của ông Tổng Thống còn nặng lòng với nho giáo… trong tình tự gia đình." (trích Lương Khải Minh trong cuốn 'Làm sao giết một tổng thống').

Tóm tắt sinh hoạt của Tổng thống Diệm, đại úy Đỗ Mậu viết trong cuốn Hồi ký Đỗ Mậu:

"Buổi sáng Tổng thống Diệm dậy rất sớm. Ít sai vặt những người thân cận. Và tự tay làm lấy như pha trà vào bình, lấy thuốc hút, cởi quần áo và mặc quần áo. Ngủ giường không nệm. Trong phòng ngủ bài trí đơn sơ. Ăn uống không lấy gì sang trọng, thích ăn món Huế và nhiều rau muống, rau cải, khoai luộc chín.

Thỉnh thoảng đổi món Tây. Uống nước suối Vĩnh Hảo cùng với rượu vang đỏ hoặc rượu lễ. Áo quần ba bộ complet, giầy ba đôi, hai đen, một nâu. Áo quần may ở hiệu Chua. Hớt tóc do một người bồi. Ít đọc báo, nhưng thích đọc sách về máy ảnh, đồng hồ.

Tất cả những chi tiết riêng, cá nhân sau giờ làm việc, Tổng thống Diệm không chung đụng với gia đình ông Ngô Đình Nhu. Nghĩa là chưa bao giờ tôi thấy Tổng thống Diệm ngồi ăn cơm với gia đình ông Nhu, ngoại trừ sự có mặt của Đức cha Ngô Đình Thục.

Trong phạm vi của một sĩ quan tùy viên, tôi hiểu Tổng thống Ngô Đình Diệm ngần ấy "

"Ông Diệm thích đánh cờ, nhưng chơi không giỏi, nên thường rủ ông già Ẩn đánh cờ với đứa cháu Ngô Đình Trác, con ông Nhu và ông đứng ngoài coi."

Tôi hỏi ông Ngô Đình Quỳnh về mấy anh chị em ông. Ông kể :

"Chị Ngô Đình Lệ Thủy lớn nhất, nhưng hay bị em sinh sau Ngô Đình Trác ăn hiếp. Vì anh Trác là cháu đích tôn của bác tôi, Tổng thống Ngô Đình Diệm. Anh Trác được cưng lắm. Anh Trác biết lắp ráp các mô hình máy bay thu nhỏ. Tôi ham, nhưng một lần ngịch của anh Trác làm hư món đồ đó. Anh Trác rầy tôi rất nặng lời "

Ký ức về tuổi thơ của ông Quỳnh cũng thu hẹp trong ngày cuối tuần đi mua sách, ăn kem:

"Kỷ niệm của tôi là Dinh Độc Lập và biệt thự của gia đình chúng tôi ở Đà Lạt, và phong cảnh Việt Nam, rừng rú. Khi ra biển chúng tôi đi đến Long Hải. Ở Saigon, chúng tôi quen được dẫn đi dạo chơi một vòng nhỏ vào dịp cuối tuần. Ham thích của của tôi là được qua hiệu sách Pháp, nơi có bán những cuốn truyện tranh về Mickey và Donald. Không hiểu sao những quyển sách này họ lại để trên giá sách rất cao. Anh vệ sĩ phải nhấc tôi lên bằng hai tay như thế này. (Ông Quỳnh làm cử chỉ như nâng một đứa trẻ).

Sau đó tôi chỉ cho anh, lấy cho tôi quyển này, quyển này và quyển này. Rồi đến quầy trả tiền. Sau đó chúng tôi đến tiệm God dard, một quán bar có bán kem làm theo kiểu Pháp. Chúng tôi mua kem và bánh mì làm theo kiểu Paris. Tôi rất thích bánh mì baguette (bánh mỳ dài, kiểu Pháp). Tôi chỉ có dịp đi chơi quanh quẩn như vậy. Chỉ có thế thôi "

Tôi đau lòng nghĩ những vạt nắng hiếm hoi, đẹp đẽ ấy của Sài Gòn trong sâu thẳm của ông Quỳnh hẳn chìm dưới bức tranh nặng nề được ông Lương Khải Minh viết dưới đây trong cuốn 'Làm sao giết một tổng thống':

"Đêm 30/11, Trung Úy Sung thuật lại: ông Nhu bảo gọi Đại Úy Hạp vào ngay để ông biểu. Khi nhân chứng gọi điện thoại cho ông Hạp, ông này còn lừng khừng "Cơm đã chứ, tôi ăn xong vào được không?" Hỏi lại ý ông Nhu, ông bảo phải vào ngay, khỏi cần ăn cơm nhà.

Khi Hạp cùng mấy anh em vào phòng riêng của ông Nhu thì ông chỉ ghế mời ngồi rồi gọi ông già Tường, quản gia:

NGUỒN HÌNH ẢNH,CAOPHONGPHAM@YMAIL.COM
Chụp lại hình ảnh,
Một trong những ham thích của Tổng thống Ngô Đình Diệm là chụp ảnh. Tấm hình năm 1961, khi ông đang chụp cho cháu gái Ngô Đình Lệ Quyên

- Làm hai ly Martell cho các chú ấy uống đi.

Tay ông Nhu vẫn cầm ly rượu. Trán ông thỉnh thoảng nhăn lại, cằm ông bạnh ra.

Đây là lần thứ nhất, nhân chứng cũng như Đại Úy Hạp được cái hân hạnh cụ Nhu chỉ ghế mời ngồi và cùng "cụng ly". Chưa ai dám lên tiếng. Ông Nhu đã than thở: "Quyết định đi thì ông Cụ không cho đi. Giữ ở lại thì ông cũng không chịu nghe…"

Rồi ông Nhu yên lặng một lúc lâu. Đại Úy Hạp lên tiếng: "Ông cố vấn kêu chúng cháu vô đây có việc gì?"

Ông Nhu khẽ thở dài rồi yên lặng nhìn hai người một lúc lâu, mới nói: "Sáng mai, các anh đưa mấy đứa nhỏ lên Đà Lạt dùm tôi."

Hạp hỏi: "Ông Cố vấn không đi?"

Suy nghĩ một lát rồi ông Nhu trả lời: "Chắc là không đi được".

Rồi lại yên lặng hàng 10 phút ông Nhu mới lên tiếng, bảo Đại Úy Hạp: "Lấy hết quần áo về chưa? Cứ sắp xếp sẵn… khi nào cần thì bảo"

Đại Úy Hạp hỏi: "Bao giờ chúng cháu đưa hai cậu và em Quyên về?"

Ông Nhu thủng thẳng đáp nhát gừng: "Bao giờ gọi điện thoại thì về"

Rồi lại yên lặng… lát sau ông nói một mình vu vơ: "Nghe thì không nghe, đi thì không cho đi. Tụi nó làm tới bây giờ rồi tính sao. Khó cho tao quá đi".

Đại Úy Hạp ngồi yên lặng vì không biết phải nói gì hơn.

Ông Nhu ngồi lặng thinh khoảng 30 phút như một pho tượng. Tay vẫn cầm ly Martell. Ông Nhu nằm ngả người ra ghế tựa, uống đến ly Martell thứ ba, ông ngồi như thế lặng lẽ từng giờ.

Bỗng ông Nhu ngồi nhổm dậy, nét mặt chảy dài nói vu vơ: "Chà… mẹ con nó đi hết rồi". Ông Nhu quay lại hỏi Đại Úy Hạp:

- Mười ngàn tôi đưa Đại Úy còn không? Hạp đáp: "Thưa ông Cố vấn đã hết từ lâu rồi".

Ông Nhu biết, linh cảm được bất hạnh đang đến. Lẽ ra, ông có thể thoát cái chết tức tưởi. Nếu không cả nể, thương ông Diệm, ông Nhu đã ra nước ngoài vào ngày 28/11/1963.

Tôn Thất Đính vừa nhận 1 triệu đô la của Đại sứ quán Mỹ để làm phản. Tướng Đính sẽ không thể nhìn thẳng vào mắt hai anh em ông Diệm, ông Nhu. Ân tình quá nặng mà quay ngoắt vậy thì đành khép mắt họ lại thôi.

Cuốn 'Làm sao giết một tổng thống' viết tiếp:

Đại Úy Hạp vẫn thường tâm sự với ông già Tường, Trung Úy Sung: "Ông cố vấn tiêu xài kỹ quá đi. Từ khi bà đi ngoại quốc thì ông ở nhà lo việc chi tiêu. Đưa cho ai đồng nào, ông Cố Vấn bắt ghi từng mục". Đưa cho Hạp mười ngàn. Hạp tiêu xong lại phải trình bản kết toán đầy đủ chi tiết.

Ông Nhu hỏi Hạp:

- Bây giờ đưa bọn nhỏ lên Đà Lạt thì cần bao nhiêu mới đủ chi dùng? Hỏi rồi ông Nhu đáp liền: "Thôi đưa Đại Úy 15 ngàn đủ chứ?"

Hạp hỏi ông Nhu: "Thưa ông các cậu đi bằng máy bay nào? Đi Air Vietnam cho tiện được không?"

Ông Nhu trầm ngâm rồi lắc đầu: "Đi Air Vietnam nguy hiểm lắm. Nó đi thẳng, bắt mấy đứa nhỏ làm con tin thì sao?"

Ông Nhu bảo Hạp liên lạc với Đại Tá Hiển để lấy máy bay của Không quân Việt Nam cho chắc chắn.

Lặng thinh một lúc lâu bỗng ông Nhu đứng lên lấy hai khẩu súng kiểu 22 loại không gây tiếng nổ trao cho Hạp, ông Nhu khoe: "Họ mới biếu moa. Cho Hạp một khẩu. Loại súng này đặc biệt lắm. Để ở nhà sợ thằng Trác nó bắn bậy bạ." Rồi ông Nhu lại con cà con kê một lúc lâu.

Mẩu đối thoại 'gà trống trông con' của ông Nhu đượm buồn, hoang vắng. Đó là những khoảng khắc cuối cùng của cuộc đời ông Nhu.

NGUỒN HÌNH ẢNH,CAOPHONGPHAM@YMAIL.COM
Chụp lại hình ảnh,
Bà Trần Lệ Xuân và ông Ngô Đình Nhu

Hai ngày sau, ông Nhu sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy mặt mấy đứa con.

"Tình hình Đà Lạt vào ngày 1-11 vẫn như vô sự. Đại Úy Hạp và Hữu vẫn đi phố xem xét tình hình như thường lệ. Ông Hạp cho 4 chiếc Thiết Giáp đi tuần tiễu quanh phố. Tình hình biến chuyển đột ngột. Sáng ngày 2, Trường Võ Bị Đà Lạt trở thành Tổng Hành Dinh của phe đảo chánh gồm Trung Tá Trần Ngọc Huyến và Thiếu Tá Ngô Như Bích. Ông Trần Văn Phước vẫn trung thành với chế độ Ngô Đình Diệm. "

"Rút kinh nghiệm vụ đảo chính hụt 11/11/1960, ông Huyến chỉ "ra tay" khi được tin thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long thất thủ. Ngay sau đó, ông Trần Văn Phước, Thị Trưởng Đà Lạt bị phe Trung Tá Trần Ngọc Huyến bắt giữ tại trưởng Võ Bị. Điều quan trọng đối với phe ông Huyến là làm thế nào bắt được ba đứa con của ông Nhu. Một vài người khác thì có máu tham thì lại đặc biệt lưu ý đến chiếc valise mà Đại Úy Hạp mang từ Saigon lên từ ngày 30.

Phía đầu giây bên kia ông Phước gọi cho Đại Úy Hạp: "Anh mang Quỳnh, Trác, Quyên vào đây cho tôi".

Ông Hạp quay lại nói với Đại Úy Hữu: "Không hiểu như thế nào, giọng ông Phước lại hơi run run, ngắt quãng. Có lẽ đã bị bắt".

Tuy vậy, ông Hạp cũng hứa sẽ đưa ba đứa nhỏ vào ngay. Mặt khác, ông Hạp lại cho người lên trường Võ Bị do thám và xin gặp ông Phước thì ở đây cho biết không thể gặp ông Phước được. Đại Úy Hạp bắt đầu nao núng.

Đại Úy Hạp và Hữu cùng quyết định đem 3 đứa nhỏ con ông Nhu đi trốn. Để làm kế nghi binh, nhân chứng cho xe Mercedes chạy vòng quanh thành phố cứ làm như trên xe có ba đứa nhỏ. Trong khi đó, Hạp, Hữu cùng đoàn cận vệ đem 3 đứa nhỏ con ông Nhu tẩu thoát, lẩn trong rừng thông đi từ Dinh số 1 về Dinh số 2 rồi men theo đường rừng xuống Đơn Dương. Đại Úy Hạp định tâm xuống Phan Rang tìm đến Trung Tá Khánh Tỉnh Trưởng tỉnh này.

Lặn lội trong rừng suốt buổi chiều cho đến đêm, nhân chứng và đoàn tùy tùng mới đến vùng Danhim. Phần thì đói, khát… lại mệt mỏi vì đường trường.

Đoàn lữ hành cả bọn phải dừng lại cho dựng lều và phân phối lo cận vệ lo việc bố phòng.

Lúc ấy, Đại Úy Hạp lo ngại nhất là đám người chung quanh và Việt Cộng trong vùng. Nhưng biết làm thế nào hơn. Các con ông Nhu vẫn chưa được tin báo về cha mình bị giết.

Đi mỗi ngày đường lại trải qua một đêm nằm giữa rừng nên con bé Quyên chịu không nổi, bắt đầu đau. Đại Úy Hạp cố tìm cách bắt liên lạc với Saigon nhưng đều bặt tin.

Phe đảo chánh cũng đang xua quân đi lùng bắt đám con ông Nhu.

Trưa ngày mùng 3, máy bay của quân đoàn II lượn quanh vùng Danhim phát thành kêu gọi Đại Úy Hạp đem theo 3 đứa bé về trình diện Hội đồng Quân nhân Cách mạng (nhóm tưởng đảo chính)

Đại Úy Hạp và Hữu đều lo ngại. Tổng Thống Diệm và ông Nhu còn bị giết huống chi 3 đứa nhỏ.

Đại Úy Hạp đề nghị đoàn lữ hành sẽ băng qua rừng xuống Phan Rang rồi một là tìm cách về Xuân Lộc ấn náu, nếu thuận tiện thì về thẳng Saigon nếu không sẽ qua Phước Long và rồi sang Cao Miên.

Nhưng cuối cùng, đoàn lữ hành phải khoanh tay vì hết tiền. Mấy bữa liền, bọn con ông Nhu phải ăn đồ hộp và uống nước lạnh. Con bé Quyên đã đuối sức. Quyên cũng như Quỳnh bước đường lưu lạc. Cận vệ thì anh nào cũng tay cầm súng, sẵn sàng đối phó. Hai ông Hạp và Hữu không dám rời bọn nhỏ một phút.

Mãi đến ngày 3, Đại Úy Hạp mới cho Trác biết tin bác và ba của Trác đã chết. Lúc đầu Trác không tin. Sau cho Trác theo dõi radio, bấy giờ Trác mới tin. Đôi mắt chú bé rưng rưng nhưng không nói một lời nào.

Phi cơ vẫn bay lượn trên nền trời Danhim, phát thanh kêu gọi Hạp và Hữu đưa bọn nhỏ trở về Đà Lạt. Trác nói với Đại Úy Hạp: "Đại Úy đưa các em tôi về"

Trác lại nói: "Hai em tôi nó mệt quá, ở trong rừng lạnh chết mất. Đi làm sao được nữa…"

Đại Úy Hữu đáp: "Nếu ý cậu muốn như vậy cũng được. Đại Úy Hạp sẽ tìm cách thu xếp để cậu về".

Sau đó "đoàn lữ hành" kéo nhau băng rừng trở về thành phố. Cho chắc hơn, ông Hạp vẫn để bọn nhỏ ở trong rừng thông. Ông cho người về phố quan sát đồng thời gọi cho phe đảo chánh báo tin với một điều kiện ông Hạp chỉ nộp 3 đứa nhỏ cho Tướng Khánh. Gọi máy xong, ông Hạp lại cho di chuyển 3 đứa nhỏ đến một địa điểm khác sợ bị lộ mục tiêu.

Phe đảo chánh vẫn xua quân đi tìm rất ráo riết.

Ngày 3/11, Tướng Khánh đã có mặt ở Đà Lạt nhận lãnh 3 đứa con ông Nhu. Tướng Khánh nắm tay Đại Úy Hạp, giọng buồn: "Tụi nó làm không có ra cái gì hết. Giết người ta, thảm hại quá! " (Trích "Làm sao giết một tổng thống")

Đó là những chi tiết về những ngày cuối cùng ở Việt Nam của ba anh em ông Ngô Đình Quỳnh mà trong bài viết trước tôi có nhắc tới (Ông Ngô Đình Quỳnh kể về cha mẹ ông và cuộc đảo chính tháng 11/1963).

Tôi đặt câu hỏi cho ông Ngô Đình Quỳnh:

-Cha và mẹ của ông ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của ông?

-Tôi đi khỏi Đà Lạt hồi mười một tuổi. Ảnh hưởng của cha tôi không được lâu dài lắm. Nhưng chính cũng nhờ cha mà tôi được biết hơn về đất nước. Cha tôi rất ưa săn bắn. Tôi hay được đi cùng. Hai anh em trai đều được đi cùng với cha tôi, khi ông đi săn trong rừng. Ông đi săn bắn loại thú lớn, như đi săn hươu nai ở Long Hải.

Trong những dịp đi săn cùng với ông, tôi được biết cha tôi dưới dạng một người vui tính. Khi ở Sài Gòn, trong Dinh Tổng thống, tôi gần như không bao giờ được nhìn thấy cha tôi. Nhưng tôi luôn vẫn giữ một hình ảnh rực rỡ về cha tôi.

Tất nhiên, tôi chịu ảnh hưởng mẹ nhiều hơn. Ảnh hưởng này đối với tôi cho mãi đến khi mẹ tôi qua đời.

Tôi tiếp thu được của mẹ tôi chủ yếu là lòng tin và sức mạnh tinh thần. Một sức mạnh giúp tôi vượt lên.

NGUỒN HÌNH ẢNH,CAOPHONGPHAM@YMAIL.COM
Chụp lại hình ảnh,
Dòng họ Ngô Đình khi ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống VNCH

Mẹ tôi nói không có gì là không thể làm được. Đúng vậy. Nhưng nếu luật pháp ngăn cấm? Thế thì phải thay luật pháp. Đối với mẹ tôi, không có gì thành vấn đề, không có gì làm bó chân, bó tay. Khi mình hợp với lẽ phải, khi hành vi của mình chính đáng thì cứ thẳng tiến.

Tôi học nhiều ở mẹ, tin được mình cũng có sức mạnh tinh thần. Được sức mạnh này dẫn dắt mình."

Chia tay ông để lên tàu về Paris, tôi suy nghĩ không nguôi về những câu chuyện thời thơ ấu ông kể, và về dòng họ Ngô Đình danh tiếng, sự kết thúc của họ.

Bài viết cho BBC News Tiếng Việt dựa trên cuộc phỏng vấn video của nhà báo Phạm Cao Phong thực hiện tại Brussels, Vương quốc Bỉ với ông Ngô Đình Quỳnh, tháng 12/2022.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You can reply to topics in this forum