Our forum runs best with JavaScript enabled !

The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt

View previous topic View next topic Go down

The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt  Empty The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt

Post by LDN Sun Apr 14, 2024 10:20 am

BBC News, Tiếng Việt

The Sympathizer: Tiểu thuyết về Chiến tranh Việt Nam có được chuyển thể ‘táo bạo’ dưới bàn tay HBO?

Tác giả Nguyễn Thanh Việt đã đoạt giải thưởng cao quý Pulitzer của Mỹ với cuốn tiểu thuyết The Sympathizer
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Tác giả Nguyễn Thanh Việt đã đoạt giải thưởng cao quý Pulitzer của Mỹ với cuốn tiểu thuyết The Sympathizer
17 tháng 2 2024
Báo chí Mỹ vừa đồng loạt đưa tin nhân sự kiện hãng HBO ấn định thời điểm ra mắt của dự án phim The Sympathizer (Cảm tình viên), được chuyển thể từ tác phẩm văn chương cùng tên đoạt giải Pulitzer của tác giả Nguyễn Thanh Việt.

Series gồm bảy tập với sự tham gia của ngôi sao hạng A Robert Downey Jr. và hàng loạt diễn viên gốc Việt như Kiều Chinh, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Hoa Xuande, Fred Nguyen Khan, Toan Le, Vy Le, Alan Tong… sẽ lên sóng màn ảnh nhỏ vào 21 giờ ngày 14/4/2024 (giờ Mỹ, tức buổi trưa ngày 15/4 tại Việt Nam).

Dự án cũng trở thành tâm điểm chú ý khi được nhào nặn dưới bàn tay của đạo diễn bậc thầy người Hàn Quốc Park Chan-wook, người đứng sau nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Oldboy (Báo thù), The Handmaiden (Người hầu gái)…, theo Hollywood Reporter.

Vai Đại úy - nhân vật chính của loạt phim - sẽ do diễn viên người Úc gốc Việt Hoa Xuande thủ vai. Anh là một cái tên mới và chưa được biết đến nhiều tại Hollywood với chỉ một vài vai phụ trong các dự án nhỏ.

QUẢNG CÁO
“Một cuốn sách đoạt giải Pulitzer, một nhà làm phim quái kiệt, một tài tử điện ảnh được yêu mến và một diễn viên trẻ đột phá sẽ gặp nhau trong loạt phim mới của HBO,” tạp chí về văn hóa đại chúng Vanity Fair nhận định về bộ phim.

Nguyễn Thanh Việt: 'Giữa hai thế giới'
Chuyện tình báo trong The Sympathizer
Người Mỹ 'phải nhìn khác về chiến tranh VN'
Cuốn tiểu thuyết 'không thể làm thành phim'
Dù được giới thiệu là tác phẩm văn chương hư cấu nhưng The Sympathizer lấy chất liệu từ cuộc chiến tranh Việt Nam vào những năm 1970. Đây là thời điểm lịch sử hết sức nhạy cảm mà có lẽ, chỉ những nhà sản xuất tâm huyết mới đủ dũng khí chạm vào, theo tạp chí L’Officiel.

Bộ phim kể về cuộc đời thăng trầm của một điệp viên hai mang mang hai dòng máu Pháp-Việt, từ một đứa con lai bị ghét bỏ, trở thành đại úy quân đội, điệp viên hai mang, cuối cùng làm một thuyền nhân mang theo trọng trách của một cảm tình viên.

Một số người đánh giá cuốn thiểu thuyết này là “không thể làm thành phim được”.

Vanity Fair dẫn lời Don McKellar, đạo diễn thứ hai của bộ phim, cho biết tiểu thuyết của nhà văn gốc Việt “giận dữ, châm biếm, rất thông minh và cũng không ngại giải quyết các chủ đề lớn - nhưng cũng vui tươi một cách đáng ngạc nhiên khi nói đến những chủ đề nặng nề”, đồng thời tiết lộ bộ phim bám khá chặt chẽ vào cấu trúc của cuốn sách.

“Chiến lược chính của chúng tôi là tái tạo giọng điệu của cuốn sách qua ngôn ngữ điện ảnh bằng cách đưa Park Chan-wook vào, bởi vì ông ấy thực sự đồng cảm với điều đó. Đấy là lợi thế của ông ấy. Ông ấy có thể châm biếm, có thể tàn bạo, nhưng ông ấy cũng có sự vui tươi và hóm hỉnh này.”

Nhà làm phim Hàn Quốc Park Chan-wook đảm nhiệm vị trí đạo diễn cho 3 tập đầu của series phim
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Nhà làm phim Hàn Quốc Park Chan-wook đảm nhiệm vị trí đạo diễn cho 3 tập đầu của series phim
Phim về Việt Nam nhưng không được quay ở Việt Nam
Khi thông tin The Sympathizer được chuyển thể lên màn ảnh được công bố vào tháng 7/2021, nhiều khán giả đã mong chờ những khía cạnh đời sống - văn hóa Việt Nam, cuộc sống người Việt tại Mỹ sẽ có cơ hội được tái hiện bởi các nhà sản xuất uy tín như HBO, A24, Rhombus Media kết hợp với Cinetic Media và Moho Film.

Điều đáng chú ý là khâu sản xuất của bộ phim không hề dễ dàng, đặc biệt khi có nội dung về Việt Nam nhưng lại được bấm máy tại Mỹ và Thái Lan trong khoảng thời gian từ tháng 9/2022 đến tháng 3/2023.

Tác giả Nguyễn Thanh Việt từng chia sẻ tại trường Đại học San Jose, California về việc Việt Nam từ chối cho phim bấm máy.

Năm 2023, vài hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều phân đoạn của bộ phim được quay ở khu vực Hua Lamphong của Bangkok, Thái Lan. Nhiều ý kiến cho rằng bộ phim không tái hiện lại được bối cảnh Sài Gòn trước năm 1975 và những ngày cuối tháng 4/1975.

Chẳng hạn, có người chỉ ra rằng bảng chỉ hướng các con đường Phạm Ngũ Lão, Gia Long và Nguyễn Phi Khanh lại cùng một hướng qua các hình ảnh trên mạng là không đúng sự thật.

Tuy nhiên, đấy chỉ là vài hình ảnh được chia sẻ "không chính thức", thực tế thế nào phải chờ đến khi phim ra mắt mới đánh giá được.

Bối cảnh Sài Gòn xưa được dựng tại phim trường Thái Lan
NGUỒN HÌNH ẢNH,UGC
Chụp lại hình ảnh,Bối cảnh Sài Gòn xưa được dựng tại phim trường Thái Lan
Dàn diễn viên gốc Việt
Tuy không được quay tại Việt Nam để lấy cảnh thật, nhưng hơn một nửa diễn viên của The Sympathizer đều là diễn viên gốc Việt. Đây là tiền lệ hiếm hoi bởi hầu như không có bất kì loạt phim nào do Hollywood sản xuất lại quy tụ nhiều gương mặt gốc Việt đến thế.

Có lẽ tác giả Nguyễn Thanh Việt đã cố gắng để Hollywood không "da trắng hóa" nhân vật từ tác phẩm của ông.

Từ trái qua: Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Hoa Xuande, Kiều Chinh là những diễn viên đóng trong The Sympathizer
Chụp lại hình ảnh,Từ trái qua: Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Hoa Xuande, Kiều Chinh là những diễn viên đóng trong The Sympathizer
Nam diễn viên chính Hoa Xuande không thông thạo tiếng Việt như nhân vật mà mình thủ vai. Do đó, anh đã phải trải qua “khóa học cấp tốc kéo dài hai tuần”, đưa anh trở lại trường mẫu giáo, học bảng chữ cái, nguyên âm và cách phát âm.

Nhờ có có cha mẹ là người Việt, anh có thời gian để tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện.

“Tôi cố gắng có được cái nhìn tổng thể về tất cả những người có liên quan, đặc biệt là người dân Việt Nam, bởi vì câu chuyện chiến tranh của họ không phải lúc nào cũng được kể. Và tôi đã nghe những câu chuyện từ cha mẹ tôi thời đó, về những điều họ đã chứng kiến, đã đối mặt và đã phải chạy trốn,” anh chia sẻ với Vanity Fair.


_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt  Empty Re: The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt

Post by LDN Sun Apr 14, 2024 10:23 am

|
VIỆT BÁO›Văn Hóa›Điểm Sách

Nguyễn Thanh Việt: The Sympathizer

09/04/2024
Trịnh Y Thư
LTS: Bài điểm sách này được viết khi cuốn tiểu thuyết The Sympathizer mới xuất bản và được ca ngợi nồng nhiệt từ giới phê bình, độc giả Bắc Mỹ. Nhân cuốn tiểu thuyết được chuyển thể sang bộ phim 7 tập do kênh truyền hình HBO thực hiện, Việt Báo xin đăng lại nơi đây cùng với những bài liên quan khác.

diemsach
Con người mắc kẹt trong lịch sử và lịch sử mắc kẹt trong con người. Nhà văn Mỹ James Balwin nói vậy trong tập tiểu luận Những ghi chú của đứa con bản xứ (Notes of a Native Son). Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên, Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, Kẻ nội tuyến) xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào.
Năm 2016, cuốn The Sympathizer đi vào lịch sử với giải thưởng Pulitzer bộ môn văn học, giải thưởng cao quý nhất của Hoa Kỳ, trao tặng hằng năm cho những tác giả xuất sắc nhất thuộc các ngành văn chương, báo chí. Trước đó cuốn sách đã được văn giới Bắc Mỹ không tiếc lời ca ngợi như một tác phẩm tiểu thuyết sâu sắc, có chiều kích lịch sử và chính trị cao rộng; là tiếng nói mới đầy khích động trong văn học Mỹ; là cuốn tiểu thuyết bắt người ta phải đánh giá lại chẳng những chiến tranh Việt Nam mà cả cặp phạm trù chính trị-văn hóa; là một tác phẩm văn học đúng nghĩa nhất bởi nó “mở rộng ý thức con người ra khỏi giới hạn của thân xác và những cảnh huống cá nhân.” Vân vân và vân vân. Đâu đó người ta còn so sánh Nguyễn Thanh Việt với Joseph Conrad, Graham Greene, Denis Johnson và George Orwell, những tác giả của văn học kinh điển phương Tây.
Dưới đây tôi chỉ xin trích dẫn câu nói của ông Robert Olen Butler, một nhà văn viết nhiều về Việt Nam, cũng đoạt giải Pulitzer với cuốn Bửu Sơn Kỳ Hương (A Good Scent from a Strange Mountain). Ông nói về Nguyễn Thanh Việt như sau, súc tích gọn gàng nhưng đầy đủ:
"Nguyễn Thanh Việt chẳng những đã đem lại tiếng nói hiếm hoi và trung thực cho khối tác phẩm văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, với cuốn sách, anh còn vượt qua những đường biên lịch sử, chính trị, quốc gia, và nói lên được chủ đề muôn thuở trong văn học: cuộc kiếm tìm bản ngã và bản nguyên ở tầm mức phổ quát. The Sympathizer là một tác phẩm đầu tay sáng chói của một nhà văn có chiều sâu và tài năng."
Hiển nhiên, với những lời ca ngợi như thế, đây quả là một thành tựu to tát của một tác giả di dân da màu, với tác phẩm đầu tay, đã có khả năng và tài năng đi thẳng vào “dòng chính” của văn học nghệ thuật Bắc Mỹ, vốn là một môi trường đa dạng và cực kỳ khó khăn chen chân vào. Nếu không có thực tâm và thực tài, cộng thêm chút may mắn, chuyện đó chẳng bao giờ có thể xảy ra. Bởi thế, có lẽ tôi chẳng nên nói gì thêm về tác phẩm của Nguyễn Thanh Việt, có ca ngợi cũng bằng thừa, và bài viết này giản dị chỉ là những cảm nhận và suy nghĩ cá nhân về một tác phẩm tầm vóc trong mắt nhìn lịch sử.

***

Hoa Kỳ là quốc gia yêu chuộng sách vở và quan tâm nhiều đến lịch sử. Do những tương quan và hệ quả trực tiếp của Hoa Kỳ đối với lịch sử Việt Nam thời cận-hiện-đại, đã có một số lượng khổng lồ sách vở viết về chiến tranh Việt Nam, cả phi hư cấu lẫn hư cấu, nhưng từ lâu có sự khô hạn trầm trọng những tác phẩm tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam mà tiếng nói chính là người Việt. Những tiểu thuyết gia lừng lẫy có chỗ đứng vững vàng trên văn đàn Mỹ hiện nay như Tim O’Brien, Philip Caputo, Larry Heinemann viết nhiều về chiến tranh Việt Nam, nhưng do kinh nghiệm bản thân, họ viết dưới con mắt một chiến binh Hoa Kỳ. Đọc tác phẩm của họ, chúng ta thấy hình ảnh người Việt chỉ là những bóng mờ, không, những bóng ma chập chờn ẩn hiện thì đúng hơn. Người Việt không có tiếng nói nào trong đó, hoặc nếu có thì cũng chẳng ai thèm nghe họ nói gì. Cuốn Bửu Sơn Kỳ Hương của Robert Olen Butler có lẽ là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi. Bản dịch cuốn Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War) của Bảo Ninh, và một số tác phẩm khác của các tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt, tuy có gây một vài tiếng vang, nhưng phần lớn chỉ được nhắc đến trong phạm vi đại học và các buổi hội thảo chuyên ngành. (Còn các sản phẩm phim ảnh của Hollywood thì khỏi cần nói ra, thú thật, tôi ít xem vì thấy buồn cười, thậm chí xấu hổ, mỗi khi trông thấy một nhân vật Việt Nam nào xuất hiện trên màn ảnh.) Bởi thế sự ra đời của một tác phẩm như cuốn The Sympathizer là cần thiết và quan hệ, nó lấp được lỗ hổng to tướng này trong văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam.
Đọc The Sympathizer tôi có cảm giác sự phẫn nộ của nhân vật chủ thể ngôi thứ nhất, và ở chừng mực nào đó, của chính tác giả, tràn ứ trên mỗi trang viết. Với nhiều dụng ý có tính ám dụ, Nguyễn Thanh Việt đã xây dựng một nhân vật hư cấu không điển hình – nếu không muốn nói là phản anh hùng sử thi – một nhân vật vừa chính diện vừa phản diện, đen trắng không rạch ròi, phân minh, một kẻ hai mặt, hai mang, chính tà lẫn lộn.

Không nhạc nhiên chút nào, đôi khi tôi mơ thấy mình giơ tay kéo cái mặt nạ ra khỏi mặt, và chợt thấy cái mặt nạ ấy chính là khuôn mặt tôi.

Hắn tự thú nhận như thế.

Hắn (nếu tôi có thể gọi nhân vật không tên tuổi ấy như thế) là một đứa con đẻ hoang. Mẹ hắn là người giúp việc cho một linh mục người Pháp và có lẽ trong một cảnh huống nào đó bà bị ông cha hiếp dâm, đẻ ra hắn. Hắn thương mẹ nhưng thù ghét cha mình khôn tả và chỉ mong cha mình chết. Tuổi thơ hắn sống trong tủi nhục và mặc cảm, mặc cảm của đứa con vô thừa nhận. Nhưng lớn lên nhờ thông minh hắn được ăn học đàng hoàng, thậm chí còn sang Mỹ du học, và khi về nước hắn trở thành người làm việc cho cả hai phe lâm chiến. Hắn đeo lon đại úy, làm sĩ quan tùy viên cho một ông tướng, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, nhưng đồng thời là một gián điệp được cục R gài vào; hắn đều đặn báo cáo mọi bí mật quân sự của phe miền Nam cho tổ trưởng Mẫn trong tổ gián điệp phe Cộng sản. Thực ra, hắn, Mẫn và Bốn là ba người bạn chí thiết từ thuở nhỏ. Ba cậu bé “cắt máu ăn thề” xem nhau như ruột thịt và quyết chí bảo vệ lẫn nhau trong mọi trường hợp. Câu chuyện “Tam Quốc Chí vườn đào kết nghĩa thời đại” này lại chính là xung lực đối nghịch giữa các nhân vật trong cuốn sách. Mẫn theo cách mạng, hành tung bí mật và tuyệt đối trung thành với cách mạng. Bốn, ngược lại, đi lính Quốc gia thứ dữ, từng là sát thủ trong chiến dịch Phượng Hoàng chuyên ám sát Việt Cộng. Cha của Bốn bị Cộng sản giết hại nên hắn đi lính để giết Việt Cộng trả thù cho cha chứ chẳng có lý tưởng gì. Trong bộ ba, Bốn là người mờ nhạt nhất.
Xây dựng các nhân vật như thế, chúng ta nhìn thấy ngay dụng ý của tác giả: Lịch sử và định mệnh khốc liệt đã đẩy anh em vào chỗ chém giết nhau. Và nguyên do cho thảm kịch ấy bắt nguồn từ sự việc một quốc gia bị hãm hiếp.
Một linh mục Pháp hiếp dâm một người đàn bà Việt Nam, sinh ra hắn. Tôi đồ đây là một ám dụ. Ông linh mục chính là nước Pháp và bà mẹ là nước Việt Nam khốn khổ. Ông Cha miệng nhân danh sứ mệnh cao cả đi rao giảng ánh sáng Thiên Chúa nhưng thực tế thì hiếp dâm một phụ nữ, cũng như nước Pháp nhân danh “sứ mệnh đi khai hóa các dân tộc kém văn minh” để biện minh cho hành động xâm lăng chiếm nước, như lời ông thủ tướng Pháp Jules Ferry hùng hồn tuyên bố lúc Pháp đem quân vào đánh chiếm Việt Nam. Hắn thương mẹ nhưng căm thù cha và chỉ mong cha mình chết! Đạo lý đi chỗ khác chơi. Ở đây chỉ có lòng phẫn nộ và căm thù.
Hắn theo cách mạng một phần vì hắn nhìn thấy bộ mặt thối nát, đạo đức giả của đám lãnh đạo miền Nam lúc đó mà đại diện chính là ông tướng, sếp của hắn. Ông tướng thuở trước đi lính cho Pháp, kẻ thù của dân tộc, bây giờ lại tiếp tục nghe lệnh Mỹ quay súng giết hại dân mình. Đại diện cho quyền lực tối cao của nước Mỹ là Claude, một anh CIA, và hành tung của anh ta thì bí mật khôn lường. Trong mắt hắn thì cả Pháp lẫn Mỹ đều là đế quốc. Đế quốc đi chiếm nước, chiếm bằng vũ lực hay bằng những thủ đoạn gian manh nhưng cực kỳ tinh vi đều đáng ghét và đáng bị đánh đuổi như nhau.
Sau khi Sài Gòn thất thủ, quốc gia thống nhất, mặc dù muốn ở lại xây dựng đất nước thời hậu chiến, nhưng theo lệnh của Mẫn, hắn theo gia đình ông tướng chạy sang Mỹ để tiếp tục nằm vùng ở hải ngoại. Từ đây, câu chuyện trở nên bi hài. Hắn đều đặn gửi thông tin những hoạt động của ông tướng về cho Mẫn, nhưng đồng thời hắn cũng lao đầu vào những cuộc phiêu lưu mới trên đất Mỹ. Hắn dính líu vào chuyện tình với cô thư ký người Mỹ gốc Nhật làm việc chung. Thậm chí hắn còn tán tỉnh cả cô con gái cưng của ông tướng. Có dạo hắn sang Philippines phụ trách phần vụ hướng dẫn các diễn viên phụ người Việt tuyển từ trại tị nạn trong một cuốn phim về chiến tranh Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất hắn vẫn theo dõi hoạt động kháng chiến phục quốc do ông tướng và thủ hạ của ông âm thầm bàn tính kế hoạch. Ông tướng nghi có nội gián, hắn bảo ông kẻ ấy chính là gã thiếu tá say trong bọn. Để đánh lạc hướng và lấy lòng tin của ông, hắn đồng lõa với Bốn đi ám sát gã thiếu tá say. Bốn bắn gã thiếu tá say chết tươi ngay trước cửa căn hộ của gã. Chưa hết, sau đó ít lâu sau khi ở Philippines về, hắn tự tay giết luôn một anh nhà báo tên Sonny, bạn học cũ của hắn, vì anh này viết những bài báo bất lợi cho công cuộc kháng chiến của ông tướng. Hắn giết hai mạng người vô tội và cái giá rất đắt hắn phải trả là lương tâm hắn không ngừng cắn rứt.
Ở phần này cuốn sách được viết như một cuốn tiểu thuyết trinh thám gián điệp với những tình tiết hồi hộp và lôi cuốn. Tâm lý đầy phức tạp của nhân vật, sự xâu xé trong tâm tư kẻ sát nhân, cũng được tác giả mổ xẻ với ngòi bút sắc sảo.
Cuối cùng với sự yểm trợ tài chính của Claude CIA và một chính trị gia hữu khuynh người Mỹ, ông tướng gửi người về biên giới Thái Lan để mưu đồ việc kháng chiến. Dĩ nhiên Bốn là người đầu tiên xung phong. Cả vợ lẫn đứa con trai duy nhất của Bốn bị lạc đạn chết tại phi trường Tân Sơn Nhất trong lúc chạy lên phi cơ di tản. (Hết cha rồi đến vợ con đều chết do đạn Việt Cộng, nhân vật Bốn này của tác giả có vẻ như bị tô mầu, sơn phết hơi đậm.) Bốn từ đó sống như cái máy, không thiết tha với cuộc sống nữa mà chỉ chờ đợi cơ hội phục thù, dù biết trở về là đi vào cõi chết. Hắn gửi báo cáo về cho Mẫn và Mẫn ra lệnh cho hắn không được về. Nhưng hắn cãi lệnh vì hắn cảm thấy phải đi theo để bảo vệ tính mạng cho Bốn. Hắn biết đây là một cuộc mạo hiểm tự sát. “Làm sao tôi có thể cùng lúc vừa phản bội vừa cứu mạng Bốn đây?” Lòng hắn rên rỉ lời than thở như thế.
Bị giằng xé khủng khiếp nhưng cuối cùng hắn chọn con đường ra đi. Kết quả không tránh khỏi là cả bọn bị phục kích chết hết, ngoại trừ hắn và Bốn bị bắt về giam tại trại cải tạo. Tại đây suốt một năm trời hắn phải viết lời khai thú tội và lời khai báo ấy chính là cuốn tiểu thuyết The Sympathizer. (Cuốn sách được viết dưới dạng lời khai báo của một tù nhân với người Chỉ huy trưởng trại tù.) Điều bất ngờ nhất cho hắn là viên Chính ủy của trại tù, người nắm toàn quyền sinh sát trong tay, lại chính là Mẫn! Mẫn sau khi nghe tin hắn cãi lệnh, nhất định theo toán lính kháng chiến về biên giới, đã tìm mọi cách xin về làm Chính ủy trại tù mà Mẫn biết chắc hắn sẽ bị đưa về giam giữ. Đây là phần ba của cuốn tiểu thuyết, được viết như kịch bản một cuốn phim kinh dị, đôi chỗ khiến người đọc liên tưởng đến đoạn cuối cuốn 1984 của nhà văn George Orwell, lúc nhân vật Winston bị đưa vào phòng 101 để tẩy não. Hắn bị tra tấn tàn bạo và có lúc thần trí như điên dại. Cuối cùng hắn đối mặt Mẫn. Vào những ngày cuối của cuộc chiến, Mẫn bị bom napalm đốt cháy khuôn mặt, mặt mũi biến dạng như quỷ sống.
Chính vào lúc thần trí như rơi vào cõi sa mù ấy, hắn bỗng nhận thức ra một điều là hắn và những người như hắn, những kẻ hy sinh quá nhiều cho một lý tưởng cao cả, tất cả đều bị phản bội! Chính Mẫn cũng phải thú nhận như thế sau khi tranh luận với hắn. Có lúc Mẫn lạnh lùng bảo hắn: “Now that we are the powerful, we don’t need the French or the Americans to fuck us over. We can fuck ourselves just fine.”
Câu nói của Mẫn có lẽ là lời thú nhận đau xót nhất cho những kẻ hy sinh cả đời người cho lý tưởng cách mạng để cuối cùng nhìn ra sự thật là sự hy sinh đó của mình bị người ta ném đi như ném một món đồ phế thải. “Giờ đây chúng ta có quyền lực trong tay, chúng ta chẳng cần bọn Pháp bọn Mỹ đào mả nhà chúng ta. Chúng ta tự đào mả nhà mình cũng ra trò không kém.” Thật là trò hề, “một cuộc cách mạng đấu tranh cho độc lập và tự do lại có thể biến những thứ ấy thành cái gì vô giá trị hơn cả một con số zero.”
Cuối cùng Mẫn sắp xếp đưa hắn và Bốn về Sài Gòn, và còn lo cho hai người tìm đường vượt biên. Nhưng sau những trải nghiệm bầm giập, cay đắng ê chề như thế, lý tưởng của hắn, cái lý tưởng đặt không đúng chỗ và không đúng thời, có bị tiêu tan hay sứt mẻ đi không? Hoàn toàn không! Hắn vẫn tự xem mình là người chiến sĩ cách mạng, đang đi tìm một cuộc cách mạng khác, vẫn hy vọng dù đôi lúc tự nhận là kẻ mơ mộng hão huyền, vẫn chờ đợi một cơ hội đúng lúc và một chính nghĩa sáng ngời. Hắn là kẻ không bao giờ bỏ cuộc! Cuốn sách chấm dứt bằng câu: “Chúng tôi sẽ sống!” như một lời hứa hẹn tương lai.
Chúng tôi sẽ sống và sẽ tiếp tục chiến đấu cho dù bị phản bội. The Sympathizer là cuốn tiểu thuyết nói về sự phản bội.
Nhưng phải chăng cuộc cách mạng nào từ trước đến giờ cũng bị phản bội. Phản bội lại chính những lý tưởng cách mạng cao cả tưởng chừng không bao giờ có thể lay chuyển. Lịch sử nhân loại chứng minh điều đó. Phản bội nối tiếp phản bội dẫn đến tình trạng con người ngày nay sống trong chân không lý tưởng. Lý tưởng cạn kiệt trong một môi trường sống tù túng, ngột ngạt. Không có lý tưởng người ta sống như những thây ma biết đi, những zombie trong loạt phim kinh dị The Walking Dead. Ngày nay chúng ta đừng nên trách các thanh thiếu niên chỉ biết suốt ngày ngồi lê la ngoài hàng quán hay chúi đầu vào những trò chơi video vô nghĩa và vô bổ. Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi thấy hàng triệu thanh thiếu niên nước Mỹ đổ xô đi ủng hộ ông Bernie Sanders tranh cử Tổng thống. Họ đều là những người thiếu lý tưởng và khao khát lý tưởng. Họ là những người đáng thương, đáng thương vì bị phản bội.
The Sympathizer là cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều chủ đề phức tạp, đa chiều kích, và có tham vọng giải mã và giải tỏa một số những ngột ngạt ấm ức bấy lâu trong lòng những người thuộc thế hệ hậu chiến. Họ không trực tiếp tham gia cuộc chiến, không bị những đau thương và thù hận chi phối nhận thức nên cái nhìn của họ là tương đối khách quan. Do sự phi lý của cuộc chiến ấy, họ có cái nhìn gay gắt, có lẽ không đồng quan điểm với đa số những thành phần thủ cựu thuộc cả hai bên thắng và thua trận. Quan trọng hơn cả, cái nhìn của họ sẽ góp phần vào việc thẩm định đúng đắn lịch sử sau này.
Công tâm mà nói thì không nên nhìn một tác phẩm tiểu thuyết từ góc độ chính trị, nhưng The Sympathizer là một cuốn tiểu thuyết chính trị từ những dòng chữ đầu tiên, chính trị xã hội và chính trị lịch sử đan xen nhau, khó tìm được một chương nào của cuốn sách không liên quan đến các vấn đề chính trị. Từ lịch sử chính trị của cuộc chiến Việt Nam ba mươi năm cho đến chính trị nước Mỹ. Và đấy là một quan điểm chính trị nặng phần tả khuynh. Tác giả phê phán gay gắt việc lâm chiến của nước Mỹ vào Việt Nam đã đành mà còn tỏ ra không chút cảm tình với văn hóa và đời sống nước Mỹ. Biểu tượng của nước Mỹ là anh Claude CIA, thông minh, tài năng xuất chúng nhưng cũng cực kỳ lưu manh và xảo quyệt. Còn phía miền Nam thì sao? Đại biểu cho phe lãnh đạo miền Nam trong thời chiến là ông tướng, kẻ liếm gót thực dân và đế quốc. Còn tiêu biểu cho phe chống Cộng là Bốn, một kẻ giết Việt Cộng vì căm thù cá nhân chứ chẳng có lý tưởng gì. Vì là tiểu thuyết nên tác giả sử dụng các biểu tượng và ẩn dụ cho quan điểm lịch sử của mình. Trong mắt tác giả đấy là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, anh em mỗi người một chiến tuyến. Mặc dù người Mỹ là thủ phạm chính nhưng người Việt đã chẳng những không thương xót nhau mà còn quay ra thẳng tay giết hại lẫn nhau. Quan điểm này đúng hay sai có lẽ sẽ còn được tranh cãi dài lâu và tùy vị trí cá nhân, không một quan điểm nào là chân lý. Điểm đáng nói là cái lý tưởng cao cả cho cuộc chiến tranh ấy, cái lý tưởng chống Mỹ cứu nước, ở đây đã bị giải thiêng.

***

Sự Thật lịch sử có lẽ không đơn giản, không trắng đen rành rọt như tác giả vẽ ra trong cuốn tiểu thuyết dày gần 400 trang được viết với ngòi bút nghệ thuật hiếm có. Lịch sử là một con voi và tất cả chúng ta đều là những thầy mù xem voi. Hơn nữa, “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia.” Nhà văn Milan Kundera có lần nói như thế. Rất tiếc ở đây tiểu thuyết gia Nguyễn Thanh Việt đã theo hầu sử gia một cách khá tận tình, thậm chí có lúc ông đội chiếc mũ sử gia, lúc khác mũ chính trị gia. Theo tôi, đấy là nhược điểm của cuốn tiểu thuyết The Sympathizer.

– Trịnh Y Thư
(2017)


_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt  Empty Re: The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt

Post by LDN Sun Apr 14, 2024 10:28 am

Viendongonline

Về tác phẩm Cảm Tình Viên (The Sympathizer) của Nguyễn Thanh Việt

Monday, 18/04/2016 - 10:50:48

Ngay cả những người chỉ huy cũng phải thừa nhận rằng thành quả của chiến thắng đã bị thối rữa và đến lượt mình, người kể chuyện phải nhận ra “câu chuyện đùa này, về việc làm sao mà một cuộc cách mạng chiến đấu vì độc lập tự do lại có thể làm ra những điều còn ít giá trị hơn cả số không.”
Kể từ khi The Sympathizer được xuất bản năm 2015, nhiều bài phê bình văn học đã ngợi khen nội dung cũng như cách hành văn của tác phẩm này của ông Nguyễn Thanh Việt, một giáo sư kiêm nhà văn vừa thắng giải Pulitzer được công bố hôm thứ Hai vừa qua.
Sau đây là một bài phê bình của Philip Caputo, được Phạm Nguyên Trường dịch và đăng trên mạng Vanviet.info. Bài viết này cho thấy nội dung của cuốn tiểu thuyết.



Bìa cuốn Cảm Tình Viên


Đất nước càng mạnh thì người dân càng có xu hướng xem nước mình là nhân vật chính trong những hoạt cảnh đôi khi nhốn nháo, nhưng thường là đầy bi thảm của lịch sử. Chúng ta là như thế, những công dân của một siêu cường quốc, đã xem cuộc chiến Việt Nam là một bi kịch của riêng nước Mỹ, trong đó, những vùng đất hừng hực của voi và cọp chỉ là bối cảnh, còn người Việt Nam thì chỉ những diễn viên phụ.

Quan điểm đó được phản ánh trong văn học - và Việt Nam từng là một cuộc chiến văn chương, nó đã tạo ra một thư viện khổng lồ các tác phẩm hư cấu và phi hư cấu. Trong tất cả những tác phẩm đó, bạn sẽ chỉ tìm thấy một ít (tác phẩm A Good Scent From a Strange Mountain của Robert Olen Butler xuất hiện trong đầu (VĐ - tựa tác phẩm này lấy từ từ ngữ Bửu Sơn Kỳ Hương và cũng đoạt giải Pulitzer văn chương năm 1993)) với các nhân vật nói tiếng Việt.

Hollywood còn dĩ Mỹ vi trung (coi Mỹ là trung tâm) hơn nữa. Trong những phim như “Apocalypse Now” và “Platoon,” người Việt Nam (thường thì những người châu Á khác đóng vai người Việt) chỉ là những vai phụ, nhiệm vụ chính dường như chỉ là chết hoặc than khóc giữa những đống tro tàn của ngôi làng đã bị thiêu rụi.

Điều đó đã đưa tôi đến với cuốn tiểu thuyết đầu tay tuyệt vời – The Sympathizer của Nguyễn Thanh Việt. Nguyễn, sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Hoa Kỳ, mang tới cho ta bức tranh đặc biệt về chiến tranh và hậu quả của nó. Cuốn sách của ông lấp đầy khoảng trống trong văn học, cho những người trước đây chưa có tiếng nói lên tiếng, trong khi buộc những người còn lại trong chúng ta nhìn vào các sự kiện cách đây 40 năm với ánh sáng mới.

Nhưng cuốn tiểu thuyết bi hài kịch này vượt ra ngoài bối cảnh lịch sử, đủ sức rọi sáng chủ đề phổ quát hơn: quan niệm sai lầm và sự hiểu lầm liên tục giữa Đông và Tây, và tình trạng tiến thoái lưỡng nan về đạo đức mà người ta buộc phải lựa chọn không phải giữa đúng và sai, mà giữa hai cái đúng. Nhân vật chính là một người vô danh - người kể chuyện, một nhân vật đáng nhớ dù nặc danh, là một người Việt đã Mỹ hóa với một trái tim và tâm trí bị phân chia. Tài khéo của Nguyễn trong việc mô tả tính cách nước đôi này có thể sánh với các bậc thầy văn chương như Conrad, Greene và Le Carré.

Tính nước đôi, theo nghĩa đen, nằm ngay trong máu của nhân vật chính, vì đấy là một người con lai, con trai ngoài giá thú của một bà mẹ người Việt, tuổi teen (người mà anh ta yêu thương) và một linh mục Công giáo người Pháp (người mà anh ta ghét). Việc anh được giáo dục ở Hoa Kỳ, nơi anh ta học nói tiếng Anh đúng điệu và có thêm một mối quan hệ yêu-ghét khác, đấy là đất nước mà anh ta cảm thấy đã đặt ra quá nhiều từ “siêu” (siêu thị, siêu cao tốc, Super Bow, v.v.) “từ ngân hàng liên bang của tính tự đại của mình” – càng mở rộng thêm sự chia rẽ trong tính cách của anh ta.

Khả năng làm xiếc của người kể chuyện nhằm tạo ra sự cân bằng giữa hai thế giới là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của tác giả, như ông đã làm cho rõ trong dòng mở đầu:

“Tôi là gián điệp, một người đang ngủ, một con quỷ, một người có hai bộ mặt. Có lẽ, không có gì ngạc nhiên, tôi còn là một người có hai bộ óc, … có thể nhìn thấy mọi vấn đề từ cả hai phía. Đôi khi tôi tâng bốc mình rằng đây là một tài năng,” anh ta tiếp tục, nhưng “tôi tự hỏi, tôi có cái gì để được gọi là tài năng. Nói cho cùng, tài năng là cái mà bạn sử dụng, chứ không phải cái sử dụng bạn. Bạn không thể không sử dụng tài năng, tài năng sở hữu bạn – đó là một mối nguy.”

Câu chuyện của nhân vật chính, dưới hình thức một lời thú tội được viết cho một người đàn ông bí ẩn, được gọi là “người chỉ huy,” bắt đầu vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, khi lực lượng Cộng Sản đã tiến sát Sài Gòn. Người kể chuyện là sĩ quan phụ tá cho “viên tướng,” (một trong mấy nhân vật, tương tự như người kể chuyện, không bao giờ được nhắc đến tên), giám đốc cảnh sát quốc gia của Nam Việt Nam và cùng với nó, Lực Lượng Đặc Nhiệm, tức là cảnh sát mật.

Nhưng người kể chuyện còn là một gián điệp hai mang, một điệp viên bí mật của Cộng Sản, có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của viên tướng và Lực Lượng Đặc Nhiệm. Người bạn thân nhất của anh ta là Bon, một sát thủ hoạt động trong chương trình Phượng Hoàng (Phoenix) của CIA, “một người yêu nước chân chính,” tình nguyện tham gia chiến đấu sau khi Cộng Sản giết bố của anh ta vì tội làm trưởng thôn.
Người chỉ huy của người kể chuyện là người miền Bắc, tên là Man, cũng là một người bạn cũ. Thật vậy, cả ba gồm người kể chuyện, Bon và Man là bạn cùng trường từ thời trung học, đã từng thề thốt trung thành với nhau bằng cách trích máu ăn thề. Mối quan hệ phức tạp này, với người kể chuyện đứng ở giữa, bị giằng xé bởi lòng trung thành đầy xung đột, là thực đơn cho những vụ phản bội bi thảm, hết lần này đến lần khác.

Thông qua một nhân viên C.I.A., tên Claude, người kể chuyện đã hối lộ để chuẩn bị cho viên tướng, vợ của ông và đại gia đình của họ di tản sang Mỹ bằng đường hàng không. Bon và vợ con cũng sẽ được đưa đi. Người kể chuyện muốn ở lại và giữ địa vị của mình trong nước Việt Nam thống nhất, nhưng Man, tin rằng viên tướng và nhóm của ông ta sẽ tiến hành cuộc phản cách mạng từ nước ngoài, đã giao cho anh ta nhiệm vụ mới, thực ra là tiếp tục nhiệm vụ cũ: “Viên tướng không phải là người duy nhất có kế hoạch tiếp tục chiến đấu,” Man giải thích. “Chiến tranh đã diễn ra quá lâu, họ không thể dừng lại một cách đơn giản như thế được. Chúng ta cần phải có người theo dõi chúng.”

Nguyễn cho ta thấy hình ảnh cực kỳ hấp dẫn về sự sụp đổ của Sài Gòn, hỗn loạn, lộn xộn và khủng bố, khi người kể chuyện cùng với những người khác chạy trốn dưới cơn bão hỏa lực của Việt Cộng và quân đội Bắc Việt. Vợ và con của Bon bị giết trước khi máy bay cất cánh, thêm hai cái chết nữa để anh ta phải báo thù.

Món hổ lốn nhiều tình tiết của câu chuyện được trình bày trong 50 trang đầu của cuốn tiểu thuyết, sau đó thì diễn ra chậm hơn. Từ khởi đầu ngắn gọn, dữ dội như thế, chúng ta sẽ chuyển sang trải nghiệm của người kể chuyện trong vai của người tị nạn kiêm điệp viên ở Los Angeles. Anh ta làm công việc văn phòng với vị giáo sư cũ của mình, có tình cảm với một phụ nữ Mỹ gốc Nhật đã lớn tuổi và gửi thư cho Man (viết bằng mực hóa học), qua trung gian ở Paris. Ở đây, cuốn tiểu thuyết trở thành vừa kinh dị vừa có tính châm biếm xã hội. Nếu bạn thích tác phẩm khôi hài được vẽ bằng than củi, thì đây là phần vui nhất của cuốn sách, mặc dù nó đôi khi bị mất giá vì những nhận xét đáng lẽ nên dành cho những show diễn trên truyền hình chứ không phải dành cho một cuốn tiểu thuyết nghiêm túc.

Hoạt động gián điệp của người kể chuyện dẫn anh ta đến một bước đột phá vào ngành công nghiệp điện ảnh. Anh ta được một đạo diễn thuê, (ông đạo diễn này có nét giống Francis Ford Coppola), để tìm người Việt trong một trại tị nạn ở Philippines đóng những vai phụ trong bộ phim (gần giống với Apocalypse Now). Nguyễn khéo léo xử lý âm thanh luôn biến đổi của các trường đoạn, lúc vui, lúc buồn, trong quá trình người kể chuyện tìm cách làm những việc mà Nguyễn đã làm: phi Mỹ hóa bức tranh về chiến tranh. Nhưng, khác Nguyễn, anh ta đã thất bại.

Sau đó, không khí trở nên buồn bã hơn. Người kể chuyện rơi vào mạng lưới của sự lừa dối và phản bội, do vai trò kép và sự phân li trong tâm hồn anh ta giăng ra. Sự nghi ngờ của Man chứng tỏ là chính xác: Viên tướng và một số người cứng rắn khác, cảm thấy có tội vì đã không chiến đấu cho đến chết, kéo lê cuộc đời nhàm chán của họ ở Mỹ (viên tướng là chủ một cửa hàng bán rượu), lập kế hoạch cho một cuộc đổ bộ phản cách mạng, với sự giúp đỡ của một nghị sĩ cánh hữu.

Người kể chuyện giúp lập kế hoạch, nhưng lại gửi báo cáo cho Man. Tuy nhiên, để tránh bị lộ, anh ta buộc phải tham gia vào hai vụ ám sát. Một nạn nhân là “thiếu tá nhậu nhẹt,” sĩ quan cũ của Lực Lượng Đặc Nhiệm trước đây, người kia là một nhà báo người Việt, làm cho một tờ báo ở California. Những đoạn mô tả các vụ giết người căng thẳng, phức tạp về mặt tâm lý, đầy mê hoặc. Lương tâm của người kể chuyện trở nên rách nát như toàn bộ con người của anh ta. “Sự ăn năn về cái chết của viên thiếu tá nhậu nhẹt rung lên trong tôi vài lần một ngày, kiên trì như người đòi nợ,” ông nghĩ.

Cuối cùng, viên tướng cũng tập hợp một đội quân xuất thân từ những cựu chiến binh của Nam Việt Nam, được người Mỹ vũ trang và tài trợ. Man, biết rõ kế hoạch, ông ta ra lệnh cho người kể chuyện ở lại Mỹ, ngay cả khi đội quân này quay trở lại châu Á, nhưng, một lần nữa, anh ta lại bị lòng trung thành đã bị chia đôi vò xé. Anh ta cảm thấy phải đi để cứu Bon, người anh em kết nghĩa của mình, khỏi chết trong một nhiệm vụ mà anh ta tin chắc là một nhiệm vụ có tính tự sát. Anh ta thấy mình rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan quen thuộc, “Không biết làm sao tôi có thể phản bội Bon, đồng thời lại có thể cứu anh.”

Tình anh em kết nghĩa mạnh hơn hệ tư tưởng. Người kể chuyện tham gia đội quân của viên tướng. Có thể đoán trước được những chuyện sẽ xảy ra; mọi chuyện đều có thể xảy ra với người kể chuyện và Bon, nhưng tôi không muốn đưa ra bất cứ điều gì, trừ việc nói rằng trong chương cuối cùng, cuốn Cảm Tình Viên là một thành công của thể loại phi lý, có thể đã được viết bởi Kafka hay Genet.

Khi câu chuyện dần được hé mở, nhân vật chính đưa ra nhiều khám phá đáng ngạc nhiên, trong đó có bản sắc của ông chủ của chính viên chỉ huy – chính ủy. Trong những cuộc thẩm vấn, người kể chuyện tạm thời bị mất trí; nhưng trong cơn điên loạn tâm trí của anh ta lại trở nên rõ ràng. Anh ta thấy rằng cuộc cách mạng mà anh ta đã hy sinh quá nhiều đã phản bội lại anh và phản bội tất cả những người đã chiến đấu vì nó – như tất cả các cuộc cách mạng vẫn thường làm.

Ngay cả những người chỉ huy cũng phải thừa nhận rằng thành quả của chiến thắng đã bị thối rữa và đến lượt mình, người kể chuyện phải nhận ra “câu chuyện đùa này, về việc làm sao mà một cuộc cách mạng chiến đấu vì độc lập tự do lại có thể làm ra những điều còn ít giá trị hơn cả số không.”

Nhưng mặc khải đã tạo được một sự hiểu biết sâu sắc, nó đã cứu anh ta khỏi tuyệt vọng hoàn toàn: “Bất chấp tất cả – vâng, bất chấp tất cả mọi thứ, khi đối mặt với không có gì,” anh ta viết ở cuối lời “thú nhận” – cũng là cuối tác phẩm này, “chúng tôi vẫn coi mình là người cách mạng. Chúng tôi vẫn là những người hy vọng nhất, người cách mạng tìm kiếm cuộc cách mạng, mặc dù chúng tôi sẽ không cãi khi được gọi là người mơ mộng bị bỏ bùa mê… Chúng tôi không thể là những người đơn độc! Hàng ngàn người khác phải nhìn chằm chằm vào bóng tối như chúng tôi, bị những ý nghĩ đầy tai tiếng, những hy vọng ngông cuồng và kế hoạch bị cấm đoán kẹp chặt. Chúng tôi nằm đợi thời điểm thích hợp và sự nghiệp chính nghĩa, mà ở thời điểm này, chỉ đơn giản là muốn sống.”

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt  Empty Re: The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt

Post by LDN Thu Apr 18, 2024 2:56 pm

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Tôi chỉ quan tâm đến những cuốn sách vĩ đại (Đào Lê Na)

Nhà văn Việt Thanh Nguyễn sinh năm 1971 tại Buôn Ma Thuột. Ông đến Mỹ cùng gia đình vào năm 1975 và sinh sống tại Pennsylvania, sau đó chuyển đến California. Hiện tại, ông đang là giáo sư tại Đại học Nam California, đồng thời là học giả, nhà văn, diễn giả và tác giả của nhiều tờ báo nổi tiếng tại Mỹ như: Time, The Guardian, The Atlantic, The Los Angeles Times, The New York Times. Ông cũng sáng lập và đồng điều hành The Diasporic Vietnamese Artists Network (Mạng lưới nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại). Ngoài ra, ông cũng là thành viên Hội đồng giải thưởng Pulitzer và là giám khảo của các giải thưởng văn học quan trọng khác tại Mỹ.

Tác phẩm tiểu thuyết đầu tay The Sympathizer (2015) của ông đã trở thành tiểu thuyết bán chạy của New York Times, thắng giải Pulitzer cho hạng mục tác phẩm hư cấu xuất sắc nhất năm 2016 cùng nhiều giải thưởng khác như: Dayton Literary Peace Prize, Edgar Award cho tiểu thuyết đầu tay, giải thưởng tiểu thuyết đầu tay của Center for Fiction… ngoài ra, ông còn là tác giả của các công trình học thuật, tác phẩm hư cấu và phi hư cấu quan trọng khác như: Race and Resistance: Literature and Politics in Asian America (2002, Nxb. Đại học Oxford), Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War (2016, Nxb. Đại học Harvard), The Refugees (2017, Nxb. Grove) (bản dịch tiếng Việt là Người tị nạn), The Committed (2021, phần tiếp theo của The Sympathizer)

Tôi đã gặp nhà văn Nguyễn Thanh Việt vài lần trong chuyến công tác tại Mỹ nhưng lần nào anh cũng bận rộn với các buổi nói chuyện và các sự kiện văn học nên chúng tôi chưa thể trò chuyện nhiều hơn. Trong các buổi nói chuyện của anh mà tôi có dịp tham gia, tôi biết anh rất quan tâm hỗ trợ các nhà văn người Mỹ gốc Việt và các nhà văn Việt Nam xuất bản sách bằng tiếng Anh tại Mỹ. Do đó, để hiểu rõ hơn tình hình văn học Việt Nam tại Mỹ, tôi đã hẹn anh một buổi trò chuyện trực tuyến với những trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề liên quan đến văn học và Việt Nam.

- Việt Nam quan trọng với anh như thế nào?

Tôi sinh ra ở Việt Nam và rời đi lúc 4 tuổi. Tôi lớn lên trong cộng đồng người Việt tị nạn. Tôi nghĩ rằng việc sinh ra ở Việt Nam giúp cho tôi có sự gắn bó với đất nước này. Và bởi vì tôi lớn lên giữa cộng đồng người Việt nên tôi đã hấp thụ cảm xúc và thái độ của người Việt Nam. Tôi có rất nhiều sự đồng cảm với người Việt Nam, cả ở Việt Nam, ở Mỹ và cộng đồng người Việt hải ngoại. Tôi nghĩ rằng văn hóa và lịch sử Việt Nam là một phần của tôi. Và tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải viết về điều đó. Tuy nhiên, điều rất quan trọng mà tôi cần nhấn mạnh là tôi thấy người Việt Nam có xu hướng nghĩ văn hóa Việt Nam bằng một thuật ngữ thể hiện tính xác thực (authenticity). Họ có quan niệm rất cứng nhắc về những gì tạo nên người Việt Nam, cho dù ở Việt Nam, hay trong cộng đồng người tị nạn. Tôi hoàn toàn không đồng ý với định nghĩa của họ, tôi nằm ngoài định nghĩa đó. Mặc dù tôi nói rằng tôi rất kết nối với Việt Nam, và Việt Nam rất quan trọng đối với tôi, văn hóa rất quan trọng đối với tôi nhưng tôi không phải là nhà văn Việt Nam. Tôi là nhà văn Mỹ. Tôi không biết có bao nhiêu người Việt Nam hiểu được điều đó. Khi họ thấy ai đó là người Việt Nam, họ sẽ hỏi anh là người Việt phải không? Tôi nói đúng vậy. Nhưng tôi là một nhà văn Mỹ. Và cách tôi nói về Việt Nam, văn hóa Việt Nam và lịch sử Việt Nam là thông qua lịch sử và quan điểm của tôi về Hoa Kỳ. Và tôi cảm thấy rằng sự tranh đấu của tôi với tư cách là một nhà văn diễn ra trước hết là ở Mỹ, và sau đó là ở thế giới phương Tây. Nhưng tôi rất hy vọng người Việt Nam sẽ đọc tác phẩm của tôi. Thách thức ở đây là nhà nước Việt Nam có những cảm xúc khá lẫn lộn về tác phẩm của tôi. Điều đó cũng làm tăng thêm khó khăn khi được coi là một nhà văn Việt Nam. Bởi vì tôi không biết liệu người Việt Nam có coi tôi là một nhà văn Việt Nam hay không. Nếu có thì thật tuyệt còn nếu không cũng không sao cả. Nhưng dù nhà nước Việt Nam và những người Việt Nam có thích tôi hay không, tôi vẫn coi mình là người Việt Nam. Và tôi vẫn coi tất cả những điều này rất quan trọng đối với tôi.

- Anh xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay khi đã 44 tuổi và có rất nhiều thành tựu trong công việc nghiên cứu, giảng dạy văn chương, do đó không tránh khỏi sự chú ý của rất nhiều nhà phê bình. Anh có cảm thấy áp lực khi cuốn sách được xuất bản không?

Tôi nghĩ có lẽ tất cả các nhà văn đều cảm thấy lo sợ mọi người sẽ đánh giá tác phẩm của họ. Trong trường hợp của tôi, cuốn The Sympathizer (tạm dịch: Cảm tình viên) dù là tiểu thuyết đầu tay nhưng đã là cuốn sách thứ ba của tôi được xuất bản. Cuốn sách đầu tiên là sách học thuật. Cuốn sách thứ hai của tôi là Người tị nạn đã được dịch sang tiếng Việt. Tôi viết cuốn Người tị nạn cách đây hơn 17 năm rồi và khi viết cuốn sách đó, tôi rất lo lắng không biết mọi người sẽ nghĩ gì về nó. Đến lúc viết tiểu thuyết, tôi không còn quan tâm người khác nghĩ gì về công việc của mình, cả người Mỹ lẫn người Việt. Vì vậy, tiểu thuyết của tôi được viết từ một nơi tôi gần như hoàn toàn tự do, tự do khỏi sợ hãi, tự do khỏi lo lắng, tự do khỏi những bận tâm về kỳ vọng của người khác, đó là lý do tại sao tôi nghĩ đây là một cuốn sách rất chân thực đối với tôi. Tôi nghĩ rằng nó chân thực vì không phải được viết ra từ không gian của nỗi sợ hãi nên đã tác động đến nhiều người ở cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Nhưng, điều đó không sao cả. Tôi nghĩ điều quan trọng cần nhấn mạnh, đó là một cuốn sách rất trung thực, một cuốn sách đầy sự tức giận. Và sẽ có những đánh giá và phản ứng của riêng độc giả trước sự trung thực và sự tức giận đó.

- Khi đọc các tác phẩm của anh, tôi luôn nhận thấy có sự lưỡng phân giữa rất nhiều vấn đề: chẳng hạn như nhân tính và phi nhân tính, giọng điệu riêng và giọng điệu tập thể, nhân vật đứng ở điểm nhìn bên này và bên kia… và điều đó dẫn đến việc có rất nhiều người cực kỳ thích tác phẩm của anh nhưng cũng có những người không thích. Đây có phải là phong cách mà anh theo đuổi trong các tác phẩm tiểu thuyết của mình?

Tôi không nghĩ rằng tất cả các cuốn sách đều dành cho tất cả mọi người. Khi cầm một cuốn sách lên, tôi đọc trang đầu tiên trước và nếu tôi không thích trang đầu tiên, tôi không dành thời gian để tiếp tục đọc cuốn sách đó. Và nếu có người nào đó không thích sách của tôi, có lẽ họ đã đưa ra quyết định đúng đắn. Tôi nghĩ rằng bất kỳ cuốn sách nào mà tác giả thực sự chân thực và cam kết với một phong cách rất riêng, sẽ tìm thấy những người yêu và ghét tác phẩm của họ. Tôi thà để mọi người yêu và ghét tác phẩm của tôi hơn là chỉ thích nó. Tập truyện ngắn Người tị nạn có lẽ dễ tiếp cận hơn với nhiều người vì lối viết của nó. Còn The Sympathizer là tác phẩm mang phong cách đặc biệt hơn nhiều, và phần tiếp theo của nó là The Committed (tạm dịch: Kẻ tận tụy) cũng vậy. Tôi đã viết những cuốn tiểu thuyết theo cách đó, bởi vì văn phong không thể tách rời khỏi nhân vật, người kể chuyện, vấn đề chính trị và thẩm mỹ. Tôi viết những cuốn tiểu thuyết này bởi vì tôi muốn đọc những cuốn tiểu thuyết như vậy. Tôi đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những nhà văn, những người có phong cách rất đặc biệt. Và khi tôi đọc những tác phẩm đó, chúng để lại dấu ấn lớn trong tôi, không phải chỉ vì câu chuyện, mà còn là văn phong. Tôi cũng muốn độc giả của tôi tiếp cận ở những cấp độ như thế này. Nếu tôi mất độc giả trên đường thì cũng dễ hiểu thôi.

- Vậy độc giả của anh thường ở những độ tuổi nào? Anh có thấy các tác phẩm của mình rất khó để độc giả trẻ tiếp cận không?

Tuổi tác có liên quan gì không nhỉ? Ý tôi là, tôi có những độc giả ở độ tuổi 70 và 80, những người đủ lớn để nhớ về cuộc chiến ở Việt Nam và những người đã ở Việt Nam, với tư cách là người Việt Nam hoặc người Mỹ. Và tôi đã có những độc giả trẻ chỉ mới 13 tuổi. Điều vui mừng đối với tôi là được nhìn thấy những độc giả nhỏ tuổi, những độc giả ở trường trung học. So với những độc giả lớn tuổi, những độc giả ở trường trung học và đại học thực sự phản hồi tiểu thuyết của tôi khá tốt. Tôi thấy điều đó đáng khích lệ khi những độc giả trẻ tuổi có tư duy cởi mở hơn. Và điều tôi muốn nhấn mạnh là dù bạn viết một cuốn sách thách thức đến đâu, bạn cũng sẽ tìm được nhiều độc giả. Tôi muốn nâng tầm bằng tiểu thuyết của mình và chứng minh rằng độc giả có thể đi cùng mình nếu bản thân cuốn tiểu thuyết hấp dẫn. Và điều này đúng với The Sympathizer nhưng đúng một phần vì nó đã nhận được một cú hích lớn từ giải thưởng Pulitzer nên có nhiều độc giả đến với nó hơn. Nhưng tất cả những gì tôi muốn nói là luôn có độc giả cho những cuốn tiểu thuyết nghiêm túc và đầy thú vị.

- Nhân đề cập đến giải Pulitzer, tôi được biết anh hiện là thành viên hội đồng Pulitzer người Mỹ gốc châu Á đầu tiên, là giám khảo giải thưởng văn học The Dayton Literary Peace Prize… Vậy tiêu chí để tuyển chọn một tác phẩm văn học hay của các giải thưởng này nói chung và của bản thân anh nói riêng là gì?

Tôi đã giành được những giải thưởng này và hiện tôi cũng làm việc trong hội đồng và ban giám khảo để trao giải. Vì vậy, tất cả những gì tôi có thể nói là các tiêu chí rất linh hoạt. Và việc xác định ai đoạt giải thưởng văn học chỉ đơn giản là nhóm người nào sẽ đánh giá giải thưởng đó? Tôi đã từng tham gia các giải thưởng, các ủy ban giải thưởng, nơi tôi cho rằng mọi cuốn sách được giải thưởng đều xứng đáng. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có những cuốn sách xứng đáng khác cùng thể loại đó trong cùng năm đó. Tôi không thể cung cấp bất kỳ tiêu chí nào, bởi vì không có khuôn mẫu để xác định cuốn sách nào sẽ được trao giải.

Còn riêng tôi thì tôi không quan tâm lắm thế nào là một tác phẩm hay (good book). Tôi nói điều này ở Mỹ chứ không phải ở Việt Nam vì ở Mỹ chúng tôi có các chương trình viết sáng tạo có thể dạy mọi người viết. Vậy nên tiêu chí cho những cuốn sách hay nằm ở đó. Những cuốn sách hay nên có những nhân vật tốt, cốt truyện tốt, chủ đề thú vị, lối viết tinh tế. Tất cả những điều này có thể được dạy. Nhưng chẳng có gì trong số các điều đó tạo ra được một cuốn sách vĩ đại (great book). Tôi chỉ quan tâm đến những cuốn sách vĩ đại. Chẳng ai có thể dạy làm thế nào để đọc được những cuốn sách vĩ đại và viết được những cuốn sách vĩ đại cả. Và đó là lý do tại sao tôi rất ngưỡng mộ những tác phẩm đó. Bởi vì thông thường, những cuốn sách vĩ đại là những cuốn sách chứa đựng tham vọng. Còn một cuốn sách hay thì bạn có thể không mắc bất kỳ sai lầm nào nhưng cũng có thể bị lãng quên hoàn toàn. Có rất nhiều sách hay ngoài kia. Còn những cuốn sách vĩ đại đôi khi mắc lỗi, đôi khi khiến mọi người thấy yêu và thấy ghét. Những cuốn sách vĩ đại thường khó hiểu. Những cuốn sách vĩ đại sẽ có nhiều tham vọng, những cuốn sách vĩ đại có thể mắc sai lầm nhưng những cuốn sách vĩ đại khiến tôi tập trung chú ý cao độ và có thể ghi nhớ trong quá trình đọc. Đó là điều tôi quan tâm.

- Được biết anh đã thực hiện nhiều chương trình, dự án ủng hộ các nhà văn Việt Nam và các nhà văn người Mỹ gốc Việt. Vậy vị trí của văn học Việt Nam trên thế giới hiện nay ra sao?

Việt Nam vẫn là một nước nhỏ. Và khi bạn là một đất nước nhỏ, thông thường văn học của bạn có phạm vi tiếp cận nhỏ. Tôi không phán xét Việt Nam. Tôi chỉ đơn giản nói những gì tôi nghĩ về việc mô tả vị trí của Việt Nam trên thế giới, so với một quốc gia như Mỹ. Mọi người trên khắp thế giới đọc văn học Mỹ, không phải vì văn học Mỹ nhất thiết phải tuyệt vời nhưng vì Mỹ hùng mạnh về mặt chính trị và kinh tế. Đó là một đất nước rộng lớn, và nó có thể xuất khẩu văn học của mình ra khắp thế giới giống như cách nó xuất khẩu vũ khí. Vì vậy, đối với tôi, sự nuôi dưỡng không thể tách rời văn học. Văn học là nghệ thuật, nhưng văn học không chỉ là nghệ thuật mà còn là một bộ phận của xã hội mà nó hình thành. Vì vậy trong trường hợp của Việt Nam, vấn đề của văn học Việt Nam không thể tách rời thực trạng đất nước, xã hội và vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Riêng tôi, tôi không chọn trở thành một nhà văn Mỹ, tôi không chọn viết tiếng Anh, đơn giản là tôi không có sự lựa chọn. Nhưng có một thực tế, khi tôi là một nhà văn Mỹ viết bằng tiếng Anh, khi Cảm tình viên thành công thì cuốn sách đó đã được tiếp cận rộng rãi trên toàn thế giới hơn nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đã làm. Không hẳn vì bất cứ điều gì vốn có trong tôi hay cuốn sách, mà bởi vì nó là một cuốn tiểu thuyết Mỹ, được giải thưởng của Mỹ. Sức mạnh của Mỹ khiến cho mọi người trên toàn thế giới quan tâm đến nó. Vì vậy, khi bạn hỏi tôi điều gì đang xảy ra với văn học Việt Nam, tôi đưa ra lập luận này. Tôi đang nói rằng văn học Việt Nam phải được xem xét trong mối quan hệ với tất cả các động lực mạnh mẽ này, đó là lý do vì sao việc quảng bá cho các nhà văn Việt Nam quan trọng đối với tôi vì chúng ta cần làm mọi thứ có thể để giúp đỡ lẫn nhau. Và bạn biết đấy, trong bối cảnh của Hoa Kỳ, những nhà văn Mỹ gốc Việt là thiểu số (minority). Do đó chúng tôi không phải là một phần của cơ chế của văn học Mỹ. Bạn phải làm điều gì đó như giành được giải thưởng Pulitzer, trước khi bạn trở thành một nhà văn, một công việc mà mọi người cạnh tranh với bạn ở Mỹ vì là một nhà văn người Mỹ gốc Việt, bạn thuộc bộ phận thiểu số.

Bây giờ, trong trường hợp của Việt Nam, nếu bạn là một nhà văn Việt Nam, bạn không phải là một thành phần thiểu số. Nếu tôi ở Việt Nam, và tôi là một nhà văn Việt Nam, tôi sẽ là đa số (majority), phải không? Vì tôi là người Kinh. Nhưng tôi sẽ là một nhà văn đa số của một đất nước nhỏ, và do đó, tác phẩm của tôi vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn để vươn ra thế giới. Vì vậy, nếu tôi có thể giúp các nhà văn Việt Nam ở Việt Nam, tôi cũng sẽ làm. Đúng, bởi vì chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức khi trở thành một phần của một quốc gia nhỏ, hoặc là một bộ phận thiểu số ở một quốc gia hùng mạnh. Như tôi sẽ được gọi là bộ phận thiểu số. Tôi nhận ra rằng ở Mỹ, giá trị của văn học được hiểu là một giá trị cá nhân. Nói cách khác, ở Mỹ, các nhà văn viết cho chính họ, điều đó cũng tốt thôi nếu bạn là người da trắng. Nhưng nếu bạn là một thành phần được cho là thiểu số, như là người Việt Nam hay người châu Á, và nếu bạn chỉ tham gia công việc viết lách này cho chính mình thì chúng ta sẽ không giúp đỡ được ai cả.

Vì vậy các bạn của tôi và tôi đã thành lập Mạng lưới văn nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại (the Diasporic Vietnamese Artists Network), bởi vì chúng tôi bác bỏ quan niệm chủ nghĩa cá nhân trong văn học. Chúng tôi tin rằng chúng ta phải đoàn kết với nhau để hỗ trợ lẫn nhau. Trước hết, chúng tôi cam kết hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam hải ngoại, nhưng chúng tôi cũng quan tâm đến Việt Nam vì chúng tôi có sự kết nối ở đó và chúng tôi đến từ đó. Chúng tôi cũng cố gắng hết sức để quảng bá văn học Việt Nam. Chúng tôi đang cố gắng để xây dựng mối quan hệ với văn học Việt Nam, đọc nhiều tác phẩm văn học Việt Nam vì chúng tôi có thể dịch nó sang tiếng Anh.

- Mọi người thường nói rằng: Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến vì đã có quá nhiều tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam rồi. Anh có nghĩ rằng, thực tế các tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam vẫn chưa đầy đủ và chúng ta nên có thêm các tác phẩm viết về đề tài này hay chúng ta nên khai thác nhiều chủ đề khác?

Cả hai. Bởi vì, chúng ta nên để các nhà văn cho dù họ ở Việt Nam, ở Hoa Kỳ hay ở bất cứ đâu được tự do viết về bất cứ điều gì họ muốn. Tôi thấy những nhà văn Mỹ gốc Việt trẻ viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, kỳ ảo, lãng mạn… không liên quan gì đến Việt Nam và cũng không liên quan gì đến chiến tranh. Cùng lúc đó, khi người đại diện của tôi gửi The Sympathizer đi thì một bộ phận của ngành xuất bản New York nói là chúng tôi không muốn có thêm tiểu thuyết Chiến tranh Việt Nam nữa, chúng tôi đã có nhiều lắm rồi. Không ai muốn đọc tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam nữa. Và cảm giác của tôi là không ai muốn đọc đi đọc lại những cuốn tiểu thuyết về Chiến tranh Việt Nam của những người đàn ông da trắng kể về cùng một câu chuyện. Điều đó không có nghĩa là câu chuyện về Chiến tranh Việt Nam đã cạn kiệt, nó chỉ có nghĩa là một loại câu chuyện kiểu như vậy đã cạn kiệt. Vì vậy The Sympathizer theo quan điểm của tôi, là một cuộc tấn công trực tiếp vào Hoa Kỳ và vào tiêu chuẩn của văn học Mỹ về chiến tranh Việt Nam, giữa những thứ khác. Trong trường hợp của văn học Việt Nam, tôi nghĩ rằng có rất nhiều tài liệu về chiến tranh ở Việt Nam, chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, điều đó không có nghĩa là không có chỗ cho nhiều hơn, bởi vì có thể còn rất nhiều điều để nói, cho dù mọi người có thể nói những câu chuyện này hay không, họ nghĩ ra những câu chuyện khác hoặc xuất bản chúng như một vấn đề khác.

Nhưng nếu xem The Sympathizer là tiểu thuyết Việt Nam theo nghĩa rộng viết về chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, tôi nghĩ nó thực sự nói lên điều gì đó khác với những gì đã thấy trong văn học Việt Nam. Vì vậy, chỉ vì chiến tranh là một chủ đề cạn kiệt ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ không có nghĩa là những câu chuyện mới không thể được kể và những câu chuyện mới không nên được kể. Nó có nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ về những gì chưa được kể với những gì chưa được phép kể. Ở Hoa Kỳ, chúng tôi có sự thuyết phục thụ động (passive persuation). Nói cách khác, tại sao The Sympathizer lại là một cuốn tiểu thuyết nguyên bản (original novel)? Không phải vì người Mỹ gốc Việt không được phép viết mà là chúng tôi bị thuyết phục không viết về những thứ nhất định, như chiến tranh, với tư cách là người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi được phép viết về những người tị nạn, viết về những người thiểu số nhưng chúng tôi không được trông đợi sẽ viết về chiến tranh theo cách của những người lính Mỹ da trắng. Và đó là một kiểu thuyết phục thụ động mà chúng tôi không chấp thuận. Chúng tôi là người Mỹ gốc Việt không chấp thuận. Từ việc viết về đất nước nói chung, The Sympathizer là một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam nhưng tôi nghĩ nó cũng nói rất nhiều về Mỹ, và có thể nói rộng ra là về Việt Nam. Tôi thực sự không biết những độc giả Việt Nam nghĩ gì về cách miêu tả Việt Nam trong cuốn tiểu thuyết này, nhưng tôi rất tự tin khi nói về những gì cuốn tiểu thuyết viết về nước Mỹ.

- Là một người rất bận rộn với nhiều vai trò như giáo sư, nhà nghiên cứu, diễn giả, tác giả báo chí và các dự án cá nhân, làm sao anh sắp xếp được thời gian để sáng tác?

Tôi có 4 trợ lý, họ đã giúp tôi quản lý tất cả các khía cạnh khác trong cuộc sống của mình, và như thế tôi mới có thời gian để viết nhiều thứ. Tôi đã mất 2 năm để viết tiểu thuyết đầu tay và mất 4 năm để viết phần tiếp theo. Và sau đó tôi cũng mất vài năm để hoàn thành bản thảo đầu tiên của một cuốn sách phi hư cấu. Khi viết tiểu thuyết đầu tay, tôi đã viết mỗi ngày, vì lúc đó không ai biết tôi là ai nên không ai làm phiền tôi. Bây giờ, tôi bị làm phiền rất nhiều, có rất nhiều thứ khiến tôi mất tập trung nên tôi đọc bất cứ khi nào có thể. Và tôi nghĩ bài học quan trọng cho các nhà văn là nếu bạn có thể viết mỗi ngày thì thật tuyệt, còn nếu bạn không thể viết mỗi ngày, đừng trừng phạt bản thân, điều quan trọng là bạn phải tiếp tục viết.

Tôi đã nói với mọi người rằng tôi đã mất 10.000 giờ viết lách để trở thành một nhà văn. Nếu viết 4 tiếng mỗi ngày, tôi sẽ trở thành một nhà văn nhanh hơn nhiều. Nhưng tôi đã mất 20 năm. Vấn đề là tôi đã dành 10.000 giờ cho viết lách. Vì vậy, để trở thành nhà văn, hãy dành 10.000 giờ cho công việc đó. Bạn có thể làm điều đó trong 4 năm, 10 năm, 20 năm hay thậm chí là 40 năm. Nhưng nếu bạn không thể dành ra 10.000 giờ, bạn không thể trở thành nhà văn. Tương tự như vậy, sau khi tôi đã hoàn thành 10.000 giờ của mình, tôi tiếp tục làm thêm nhiều giờ nữa. Điều duy nhất để trở thành một nhà văn là tiếp tục quay trở lại công việc viết lách cho dù bạn làm điều đó hàng ngày hay bất kỳ thời gian nào. Với một cuốn sách phi hư cấu, tôi viết 2 hoặc 3 tháng một lần. Và sau đó tôi phải nghỉ ngơi, giảng dạy, đi nói chuyện và tất cả những thứ khác. Vì vậy, nó chán đấy, nhưng, hầu hết các tác phẩm viết lách là về sự chán nản.

- Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ người Mỹ gốc Việt chia sẻ rằng họ cảm thấy khó khăn khi kết nối với Việt Nam vì những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Theo anh, có cách nào để kết nối hoặc tìm kiếm những vấn đề chung để chia sẻ với nhau không? Văn học có phải là cách tốt nhất để kết nối với Việt Nam hay có những cách nào khác?
Tôi không thích những câu hỏi về căn tính (identity) vì chúng buộc mọi người phải chọn căn tính. Tôi có nhiều căn tính. Vì vậy, tôi ổn khi là một nhà văn Mỹ gốc Việt, một nhà văn Mỹ, một nhà văn quốc tế, và một nhà văn. Tôi không gọi mình là nhà văn Việt Nam vì nếu tôi nói vậy sẽ có ngàn người Việt Nam nói rằng ông ấy không phải là nhà văn Việt Nam. Khi bạn bắt đầu hỏi mọi người về căn tính của họ, sẽ rất phức tạp vì mọi người áp đặt căn tính của họ lên những người khác. Tôi yêu người Việt Nam nhưng người Việt Nam rất hay phán xét (judgmental). Và họ rất hay phán xét khi nói đến văn hóa và căn tính. Rất nhanh chóng để họ nói rằng: anh chị là người Việt Nam hay không phải người Việt Nam.

Người Mỹ lúc nào cũng gọi tôi là nhà văn Mỹ gốc Việt. Tôi không có vấn đề với điều đó. Họ nói nhà văn người Mỹ gốc Việt – Việt Thanh Nguyễn nhưng khi nói về người khác, họ chỉ nói tên của nhà văn. Rất nhiều người như vậy. Khi được hỏi câu hỏi về căn tính, mọi người nói rằng họ gặp nhiều trở ngại để trở thành người Việt Nam, họ không biết cái này, họ không biết cái kia, họ tự nhận lỗi, giống như họ là người có lỗi. Điều này là sai. Nếu là ở Mỹ, cách thể hiện của người Mỹ sẽ kiểu như là: Ôi, tội nghiệp cho anh quá! Anh đang bị giằng xé giữa Đông và Tây, anh bị giằng xé giữa người Việt Nam và người Mỹ. Còn người Việt Nam sẽ nói: Ồ, anh bị lạc đường rồi! Tệ quá, anh không phải là người Việt Nam, anh đã bị tẩy trắng ở phương Tây rồi. Điều đó là đổ lỗi cho cá nhân nhưng lỗi không phải ở cá nhân, lỗi là ở chủ nghĩa thực dân, là sự phân biệt chủng tộc, là những người hay phán xét, dù họ là người Mỹ hay người Việt Nam đưa ra những nhận định này.

Và rồi những người trẻ hoặc các cá nhân tội nghiệp cảm thấy như họ có lỗi, vì họ không biết đủ tiếng Việt hay bất cứ điều gì. Tôi cố gắng nói với mọi người rằng: Đừng như vậy. Đừng tự trách mình. Thay vào đó, hãy hiểu lịch sử. Hãy hiểu rằng lý do tại sao người Mỹ gốc Việt ở Mỹ không phải ngẫu nhiên. Chúng tôi không bị khủng hoảng căn tính đơn giản chỉ vì chúng tôi là người Việt Nam sống ở Mỹ. Nếu chúng tôi có những cuộc khủng hoảng về căn tính, thì đó là do chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa đế quốc đã tạo ra các cuộc chiến tranh, tạo ra những người tị nạn, tạo ra chúng tôi. Hãy đổ lỗi cho các tiến trình lịch sử đó. Và nếu bạn làm thế, thì bạn không nên cảm thấy bối rối nữa. Bạn nên cảm thấy tức giận. Những gì tôi nói với mọi người là hãy tức giận chứ đừng bối rối. Nếu bạn bối rối, bạn sẽ tự trách mình, vì sự thiếu sót bên trong bạn. Bạn nên giận dữ trước những thế lực lịch sử đã giết hàng triệu người và sản sinh ra bạn. Tôi đổ lỗi cho người Mỹ, chắc chắn rồi bởi vì tôi biết lịch sử nước Mỹ rất sâu sắc. Nhưng người Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm. Đó là những gì The Sympathizer đã viết. The Sympathizer đổ lỗi cho người Mỹ và người Pháp vì đã đô hộ chúng ta. Mọi người đều phải chịu trách nhiệm. Đó là câu trả lời của tôi, một câu trả lời phức tạp. Tôi từ chối những thuật ngữ về khủng hoảng căn tính, tôi từ chối cảm thấy buồn, tôi từ chối cảm thấy bối rối. Thay vào đó phản ứng của tôi là tức giận, là nhận thức lịch sử, là ý thức về mặt chính trị.

(Cuộc trao đổi thể hiện quan điểm riêng của nhà văn)

Đào Lê Na

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 37, ngày 20.08.2022

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt  Empty Re: The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt

Post by LDN Thu Apr 18, 2024 3:29 pm

TẠP CHÍ VĂN HÓA - RfiRfi

The Sympathizer : Kẻ phẫn nộ với lịch sử (I)

Đăng ngày: 19/08/2016 - 11:43

Với tác phẩm đầu tay The Sympathizer, nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã đạt được một thành tựu to lớn của một tác giả di dân da màu : đi thẳng vào “dòng chính” của văn học nghệ thuật Bắc Mỹ. Đã có nhiều sách vở viết về chiến tranh Việt Nam, nhưng “từ lâu có sự khô hạn trầm trọng những tác phẩm (...) mà tiếng nói chính là người Việt”. Nguyễn Thanh Việt khắc phục được thiếu sót đó. Trên đây là nhận định của nhà thơ Trịnh Y Thư về cuốn Cảm Tình Viên - The Sympathizer, giải Pulitzer 2016.

Tháng 04/2016, giải Pulitzer, một trong những phần thưởng cao quý nhất của văn học Hoa Kỳ, đã được trao tặng cho một cây bút Mỹ gốc Việt : Nguyễn Thanh Việt với cuốn tiểu thuyết đầu tay The Sympathizer (Cảm tình Viên), Nhà xuất bản Grove Press, 2015. Trước đó, The Sympathizer được báo New York Times bình chọn là một trong số 100 cuốn sách độc đáo của năm 2015.

Trong khuôn khổ chương trình hôm nay, nhà thơ Trịnh Y Thư từ Hoa Kỳ phân tích về tác phẩm được ca ngợi như “là một cuốn tiểu thuyết sâu sắc, có chiều kích lịch sử và chính trị cao rộng”, và ông giới thiệu qua về tác giả Nguyễn Thanh Việt, người đã chen chân vào câu lạc bộ khép kín của những văn sĩ bậc thầy trong dòng văn học phương Tây.

"Tiểu thuyết bắt người ta phải đánh giá lại chiến tranh Việt Nam"

RFI : Xin kính chào nhà thơ Trịnh Y Thư. Nhà văn Mỹ gốc Việt, Nguyễn Thanh Việt, trước khi nhận được giải thưởng Pulitzer ngày 18/04/2016, đã được giới phê bình xem là hiện tượng mới trong làng văn học Hoa Kỳ. Thưa ông đánh giá thế nào về những lời khen tặng đó và vì sao công luận lại chú ý nhiều như vậy đến tác phẩm đầu tay của một nhà văn Mỹ gốc Việt ?

Trịnh Y Thư : “Con người mắc kẹt trong lịch sử và lịch sử mắc kẹt trong con người”. Nhà văn Mỹ James Balwin nói vậy trong tập tiểu luận Những ghi chú của đứa con bản xứ (Notes of a Native Son) xuất bản năm 1955. Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên), Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào.

Năm 2016, cuốn The Sympathizer đi vào lịch sử với giải thưởng Pulitzer bộ môn văn học, giải thưởng cao quý nhất của quốc gia Mỹ, trao tặng hằng năm cho những tác giả xuất sắc thuộc các ngành văn chương, báo chí.

Trước đó, cuốn sách đã được văn giới Bắc Mỹ không tiếc lời ca ngợi như một tác phẩm tiểu thuyết sâu sắc, có chiều kích lịch sử và chính trị cao rộng ; là tiếng nói mới đầy khích động trong văn học Mỹ ; là cuốn tiểu thuyết bắt người ta phải đánh giá lại chẳng những chiến tranh Việt Nam mà cả cặp phạm trù chính trị - văn hóa Mỹ ; là một tác phẩm văn học đúng nghĩa nhất bởi nó “mở rộng ý thức con người ra khỏi giới hạn của thân xác và những cảnh huống cá nhân”.

Đâu đó người ta còn so sánh Nguyễn Thanh Việt với Joseph Conrad, Graham Greene, Denis Johnson và George Orwell, những tác giả thuộc loại kinh điển của văn học phương Tây.

Tôi xin mượn câu nói của nhà văn Robert Olen Butler tuyên bố về tác phẩm này như sau : “Nguyễn Thanh Việt chẳng những đã đem lại tiếng nói hiếm hoi và trung thực cho khối tác phẩm văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, với cuốn sách, anh còn vượt qua những đường biên lịch sử, chính trị, quốc gia và nói lên được chủ đề muôn thuở trong văn học : cuộc kiếm tìm bản ngã và bản nguyên ở tầm mức phổ quát. The Sympathizer là một tác phẩm đầu tay sáng chói của một nhà văn có chiều sâu và tài năng”.

Nguyễn Thanh Việt "viết về chiến tranh Việt Nam mà tiếng nói chính là người Việt"

RFI : Nhưng không dễ để gây tiếng vang lớn trong giới phê bình, chinh phục được cả văn đàn Mỹ cũng lẫn độc giả một tác giả, ngay tác phẩm đầu tay. Đặc biệt hơn nữa là Nguyễn Thanh Việt đã viết về chiến tranh Việt Nam, một đề tài còn nhạy cảm đối với một phần công luận ?

Trịnh Y Thư : Vâng, đúng vậy. Đây quả là một thành tựu to tát của một tác giả di dân da màu, với tác phẩm đầu tay, đã có khả năng và tài năng đi thẳng vào “dòng chính” của văn học nghệ thuật Bắc Mỹ, vốn là một môi trường đa dạng và cực kỳ khó chen chân vào. Nếu không có thực tâm và thực tài, cộng thêm chút may mắn, chuyện đó chẳng bao giờ có thể xảy ra.

Mỹ là quốc gia yêu chuộng sách vở và quan tâm nhiều đến lịch sử. Có một số lượng khổng lồ sách vở viết về chiến tranh Việt Nam, cả hư cấu lẫn phi hư cấu, nhưng từ lâu có sự khô hạn trầm trọng những tác phẩm tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam mà tiếng nói chính là người Việt.

Những tiểu thuyết gia lừng lẫy có chỗ đứng vững vàng trên văn đàn hiện nay như Tim O’Brien, Philip Caputo, Larry Heinemann viết nhiều về chiến tranh Việt Nam, nhưng họ viết dưới con mắt một chiến binh Mỹ. Đọc tác phẩm của họ, chúng ta thấy hình ảnh người Việt chỉ là những bóng mờ, những bóng ma chập chờn ẩn hiện thì đúng hơn. Họ không có tiếng nói nào trong đó, hoặc nếu có thì cũng chẳng ai thèm nghe họ nói gì.

Cuốn Bửu Sơn Kì Hương (A Good Scent from a Strange Mountain) của Robert Olen Butler có lẽ là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi.

Bản dịch cuốn Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War) của Bảo Ninh và nhiều tác phẩm khác của các tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt, tuy có gây một vài tiếng vang, nhưng phần lớn chỉ được nhắc đến trong phạm vi đại học và các buổi hội thảo chuyên ngành. Bởi thế sự ra đời của một tác phẩm như cuốn The Sympathizer là cần thiết và quan hệ, nó lấp được lỗ hổng to tướng này trong văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam.

"Sự phẫn nộ tràn ứ trên mỗi trang viết"

RFI : Nội dung và cảm nghĩ của ông sau khi đọc xong The Sympathizer ?

Trịnh Y Thư : Đọc The Sympathizer tôi có cảm giác sự phẫn nộ của nhân vật chủ thể ngôi thứ nhất, và ở chừng mực nào đó là của chính tác giả, tràn ứ trên mỗi trang viết. Với nhiều dụng ý có tính ám dụ, Nguyễn Thanh Việt đã xây dựng một nhân vật hư cấu không điển hình - nếu không muốn nói là phản anh hùng sử thi - một nhân vật vừa chính diện vừa phản diện, đen trắng không rạch ròi, phân minh, một kẻ hai mặt, hai mang, chính tà lẫn lộn.

Hắn (nếu tôi có thể gọi nhân vật không tên tuổi ấy như thế) là một đứa con đẻ hoang. Mẹ hắn là người giúp việc cho một linh mục người Pháp và có lẽ trong một cảnh huống nào đó bà bị ông cha hiếp dâm, đẻ ra hắn. Hắn thương mẹ nhưng thù ghét cha mình khôn tả và chỉ mong cha mình chết. Tuổi thơ hắn sống trong tủi nhục và mặc cảm, mặc cảm của đứa con vô thừa nhận.

Nhưng lớn lên nhờ thông minh hắn được ăn học đàng hoàng, thậm chí còn sang Mỹ du học, và khi về nước hắn trở thành người làm việc cho cả hai phe lâm chiến. Hắn đeo lon đại úy, làm sĩ quan tùy viên cho một ông tướng, Tổng giám đốc Cảnh Sát Quốc gia, nhưng đồng thời là một gián điệp được cục R cài vào. Hắn đều đặn báo cáo mọi bí mật quân sự của phe miền Nam cho tổ trưởng Man (Mân hay Mẫn?) trong tổ gián điệp phe Cộng sản.

Thực ra, hắn, Man và Bon (Bôn hay Bốn?) là ba người bạn chí thiết từ thuở nhỏ. Ba cậu bé “cắt máu ăn thề” xem nhau như ruột thịt và quyết chí bảo vệ lẫn nhau trong mọi trường hợp. Câu chuyện “Tam Quốc Chí thời đại” này lại chính là xung lực đối nghịch giữa các nhân vật trong cuốn sách. Man theo cách mạng, hành tung bí mật và tuyệt đối trung thành với cách mạng. Bon, ngược lại, đi lính quốc gia thứ dữ, từng là sát thủ trong chiến dịch Phượng Hoàng chuyên ám sát Việt Cộng. Cha của Bon bị Cộng sản giết hại nên hắn đi lính để giết Việt Cộng trả thù cho cha chứ chẳng có lí tưởng gì.

Trong bộ ba, Bon là người mờ nhạt nhất.

RFI : Do chương trình có hạn, xin phép được tạm dừng buổi nói chuyện với nhà thơ Trịnh Y Thư tại đây. Xin hẹn lại ông và quý vị vào tuần tới. Trong phần hai giới thiệu về cuốn tiểu thuyết The Sympathizer chúng ta cũng sẽ cùng đề cập đến cách Nguyễn Thanh Việt đã xây dựng các nhân vật trong truyện, những ẩn dụ trong tác phẩm văn học có "chiều kích lịch sử và chính trị này", đến cay đắng ê chề của những kẻ đã hy sinh cả cuộc đời cho một lý tưởng để rồi nhận ra rằng họ đã bị phản bội.

Mời quý thính giả nhớ đón nghe phần hai cuộc phỏng vấn nhà thờ Trịnh Y Thư và những chia sẻ của ông về một cuốn tiểu thuyết gần 400 trang, được viết như một cuốn truyện trinh thám mà Nguyễn Thanh Việt đã "viết với ngòi bút nghệ thuật hiếm có".

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt  Empty Re: The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt

Post by LDN Thu Apr 18, 2024 3:33 pm

TẠP CHÍ VĂN HÓA


The Sympathizer : Kẻ phẫn nộ với lịch sử (II)

Đăng ngày: 26/08/2016 - 17:54


Nhà thơ Trịnh Y Thư : The Sympathizer của Nguyễn Thanh Việt là cuốn tiểu thuyết được viết với ngòi bút nghệ thuật hiếm có. Với tác phẩm này, tác giả đã "giải thiêng" các lý tưởng cao cả về một cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng " sự thật lịch sử có lẽ không giản đơn, không trắng đen rành rọt như tác giả vẽ ra trong cuốn tiểu thuyết dày gần 400 trang" này.


Nhà văn Nguyễn Thanh Việt và The Sympathizer - @BebeJacobs
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt và The Sympathizer - @BebeJacobs Nguồn : livreshebdo.fr
QUẢNG CÁO
Trong tạp chí tuần trước, giới thiệu về cuốn tiểu thuyết The Sympathizer của Nguyễn Thanh Việt, vừa được trao tặng giải Pulitzer văn học 2016 vào tháng 4 vừa qua, RFI Việt ngữ đã mời nhà Thơ Trịnh Y Thư hiện đang sống tại Hoa Kỳ, giới thiệu qua về tác giả người Mỹ gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer.


Vị khách mời của chúng ta đã giới thiệu qua về nội dung của một cuốn tiểu thuyết đa chiều, mà ở đó nhân vật chính là « hắn » : Một đứa con hoang, lớn lên trong sự tủi nhục và mặc cảm. Nhờ thông minh hơn người hắn được ăn học đến nơi đến chốn, sang Mỹ du học.


Về nước hắn làm việc cho cả hai phe lâm chiến : báo cáo những bí mật quân sự của miền Nam cho phe Cộng sản miền Bắc. Hai người bạn nối khố của hắn là Man và Bon, một người căm thù Cộng sản đến tột cùng và một đi theo Cách Mạng.


Lòng phẫn nộ và căm thù


Hôm nay chúng tôi hân hạnh được gặp lại nhà thơ Trịnh Y Thư và xin được cùng ông tiếp tục câu chuyện về nhân vật « hắn » trong The Sympathizer của Nguyễn Thanh Việt.


RFI : Thưa ông lần trước chúng ta đã nói đến một bộ ba Hắn-Man và Bon, ba thằng bạn xem nhau như ruột thịt nhưng rồi thời cuộc đẩy họ về những phương trời khác nhau, dù thế, định mệnh vẫn đan kết họ lại với nhau. Đằng sau những nhân vật của Nguyễn Thanh Việt trong The Sympathizer, còn có những ẩn dụ. Thông điệp chính tác giả muốn chuyển tải đến người đọc là gì ?


Trịnh Y Thư : Xây dựng các nhân vật như thế, chúng ta nhìn thấy ngay dụng ý của tác giả : Lịch sử và định mệnh khốc liệt đã đẩy anh em vào chỗ chém giết nhau. Và nguyên cho thảm kịch ấy bắt nguồn từ sự việc một quốc gia bị hiếp dâm.


Một linh mục Pháp hiếp mẹ hắn, sinh ra hắn. Tôi đồ đây là một ám dụ : Ông cha chính là nước Pháp và bà mẹ là nước Việt Nam khốn khổ. Ông cha nhân danh sứ mệnh cao cả đi rao giảng ánh sáng Thiên Chúa nhưng thực ra chỉ rắp tâm hiếp dâm một phụ nữ. Cũng như nước Pháp nhân đanh “sứ mệnh đi khai hóa các dân tộc kém văn minh” để biện minh cho hành động xâm lăng chiếm nước, như lời ông thủ tướng Pháp Jules Ferry hùng hồn tuyên bố lúc đó. Hắn thương mẹ nhưng căm thù cha và chỉ mong cha mình chết ! Đạo lý đi chỗ khác chơi. Ở đây chỉ có lòng phẫn nộ và căm thù.


Hắn theo cách mạng một phần vì hắn nhìn thấy bộ mặt thối nát của đám lãnh đạo miền Nam lúc đó mà đại diện chính là ông tướng, sếp của hắn. Ông tướng thuở trước đi lính cho Pháp, kẻ thù của dân tộc, bây giờ lại tiếp tục nghe lệnh Mỹ quay súng giết hại dân mình.


Đại diện cho quyền lực tối cao của nước Mỹ là Claude, một anh CIA và hành tung của anh ta thì bí mật khôn lường.Trong mắt hắn thì cả Pháp lẫn Mỹ đều là đế quốc. Đế quốc đi chiếm nước, chiếm bằng vũ khí bạo lực hay bằng những thủ đoạn gian manh nhưng cực kì tinh vi đều đáng ghét và đáng bị đánh đuổi như nhau.


Sau khi Sài Gòn thất thủ, quốc gia thống nhất, mặc dù muốn ở lại xây dựng đất nước thời hậu chiến, nhưng theo lệnh của Man, hắn theo gia đình ông tướng chạy sang Mỹ để tiếp tục nằm vùng ở hải ngoại. Từ đây, câu chuyện trở nên bi hài.


Hắn đều đặn gửi thông tin những hoạt động của ông tướng về cho Man, nhưng đồng thời hắn cũng lao đầu vào những cuộc phiêu lưu mới trên nước Mỹ. Hắn dính líu vào chuyện tình với cô thư kí người Mỹ gốc Nhật làm việc chung. Thậm chí hắn còn tán tỉnh cả cô con gái cưng của ông tướng.


Có dạo hắn sang Philipinnes phụ trách phần vụ hướng dẫn các diễn viên phụ người Việt tuyển từ trại tị nạn trong một cuốn phim về chiến tranh Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất hắn vẫn theo dõi hoạt động kháng chiến phục quốc do ông tướng và thủ hạ của ông âm thầm bàn tính kế hoạch.


Ông tướng nghi có nội gián, hắn bảo ông kẻ ấy chính là gã thiếu tá say và để lấy lòng tin của ông, hắn đồng lõa với Bon đi ám sát gã thiếu tá say. Bon bắn gã thiếu tá say chết tươi ngay trước cửa căn hộ của gã. Chưa hết, sau đó hắn tự tay giết luôn một anh nhà báo tên Sonny, bạn học cũ của hắn, vì anh này viết những bài báo bất lợi cho công cuộc kháng chiến của ông tướng. Hắn giết hai mạng người vô tội và cái giá quá đắt phải trả là lương tâm hắn không ngừng cắn rứt.


Ở phần này cuốn sách được viết như một cuốn tiểu thuyết trinh thám với những tình tiết hồi hộp và lôi cuốn. Tâm lý đầy phức tạp của nhân vật, sự xâu xé trong tâm tư kẻ sát nhân, cũng được tác giả mổ xẻ với ngòi bút sắc sảo.


Cuối cùng với sự yểm trợ tài chính của Claude CIA và một chính trị gia hữu khuynh người Mỹ, ông tướng gửi người về biên giới Thái Lan để mưu đồ việc kháng chiến. Dĩ nhiên Bon là người đầu tiên xung phong. Cả vợ lẫn đứa con trai duy nhất của Bon bị đạn lạc chết tại phi trường Tân Sơn Nhất trong lúc chạy lên phi cơ di tản. Bon từ đó sống như cái máy, không thiết tha với cuộc sống nữa mà chỉ chờ đợi cơ hội phục thù, dù biết trở về là đi vào cõi chết.


Hắn gửi báo cáo về cho Man và Man ra lệnh cho hắn không được về. Nhưng hắn cãi lệnh vì cảm thấy hắn phải đi theo để bảo vệ tính mạng cho Bon. Hắn biết đây là một cuộc mạo hiểm tự sát. “Làm sao tôi có thể cùng lúc vừa phản bội vừa cứu mạng Bon đây?” Lòng hắn rên rỉ lời than thở như thế.


Bị giằng xé khủng khiếp nhưng cuối cùng hắn chọn con đường ra đi. Kết quả không tránh khỏi là cả bọn bị phục kích chết hết, ngoại trừ hắn và Bon bị bắt về giam tại trại cải tạo. Tại đây suốt một năm trời hắn phải viết lời khai thú tội và lời khai báo ấy chính là cuốn tiểu thuyết The Sympathizer. Cuốn sách được viết dưới dạng lời khai báo của một tù nhân với người chỉ huy trưởng trại tù.


Điều bất ngờ nhất cho hắn là viên Chính ủy của trại tù, người nắm toàn quyền sinh sát trong tay, lại chính là Man! Man sau khi nghe tin hắn cãi lệnh nhất định theo toán lính kháng chiến về biên giới đã tìm mọi cách xin về làm Chính ủy trại tù mà Man biết chắc hắn sẽ bị đưa về giam giữ.


Đây là phần ba của cuốn tiểu thuyết, được viết như kịch bản một cuốn phim kinh dị, đôi chỗ khiến người đọc liên tưởng đến đoạn cuối cuốn 1984 của nhà văn George Orwell, lúc nhân vật Winston bị đưa vào phòng 101 để tẩy não. Hắn bị tra tấn tàn bạo và có lúc thần trí như điên dại. Cuối cùng hắn đối mặt Man. Vào những ngày cuối của cuộc chiến, Man bị bom napalm đốt cháy khuôn mặt, mặt mũi biến dạng như quỷ sống.
 


Giải thưởng Pulitzer. AFP
Đáng thương vì bị phản bội


RFI : Vậy phải chăng, The Sympathizer là tiểu thuyết nói về sự phản bội ?


Trịnh Y Thư : Vâng đúng như vậy. Chính vào lúc thần trí như rơi vào cõi sa mù ấy, hắn bỗng nhận thức ra một điều là hắn và những người như hắn, những kẻ hy sinh quá nhiều cho một lý tưởng cao cả, tất cả đều bị phản bội! Chính Man cũng phải thú nhận như thế sau khi tranh luận với hắn.


Có lúc Man lạnh lùng bảo hắn : “Giờ đây chúng ta có quyền lực trong tay, chúng ta chẳng cần bọn Pháp bọn Mỹ đào mả nhà chúng ta. Chúng ta tự đào mả nhà mình cũng ra trò không kém.” Câu nói của Man có lẽ là lời thú tội đau xót nhất cho những kẻ hi sinh cả đời người cho lý tưởng cách mạng để cuối cùng nhìn ra sự thật là sự hy sinh đó của mình bị người ta ném đi như ném một món đố phế thải. Thật là trò hề, “một cuộc cách mạng đấu tranh cho độc lập và tự do lại có thể biến những thứ ấy thành cái gì vô giá trị hơn cả một con số zero.”


Cuối cùng Man sắp xếp đưa hắn và Bon về Sài Gòn và còn lo cho hai người tìm đường vượt biên. Nhưng sau những trải nghiệm bầm giập, cay đắng ê chề như thế, lý tưởng của hắn, cái lý tưởng đặt không đúng chỗ và không đúng thời, có bị sứt mẻ hay thui chột đi không ? Hoàn toàn không !


Hắn vẫn tự xem mình là người chiến sĩ cách mạng, đang đi tìm một cuộc cách mạng khác, vẫn hy vọng dù đôi lúc tự nhận là kẻ mơ mộng hão huyền, vẫn chờ đợi một cơ hội đúng lúc và một chính nghĩa sáng ngời. Hắn là kẻ không bao giờ bỏ cuộc ! Cuốn sách chấm dứt bằng câu: “Chúng tôi sẽ sống !” như một lời hứa hẹn tương lai.


Chúng tôi sẽ sống cho dù bị phản bội. The Sympathizer là cuốn tiểu thuyết nói về sự phản bội.


Nhưng phải chăng cuộc cách mạng nào cũng đưa đến chỗ phản bội. Phản bội lại chính những lý tưởng cách mạng cao cả tưởng chừng không bao giờ có thể lay chuyển. Lịch sử nhân loại chứng minh điều đó. Phản bội nối tiếp phản bội dẫn đến tình trạng con người ngày nay sống trong khoảng chân không lý tưởng.


Lý tưởng cạn kiệt trong một môi trường sống tù túng, ngột ngạt. Không có lý tưởng người ta sống như những thây ma biết đi, những zombie trong loạt phim kinh dị Walking Dead. Ngày nay chúng ta đừng nên trách các thanh thiếu niên chỉ biết suốt ngày ngồi lê la ngoài hàng quán hay chúi đầu vào những trò chơi video vô nghĩa và vô bổ.


Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi thấy hàng triệu thanh thiếu niên nước Mỹ đổ xô đi ủng hộ ông Bernie Sanders trong kỳ tranh cử Tổng thống năm 2016. Họ đều là những người thiếu lý tưởng và khao khát lý tưởng. Họ là những người đáng thương, đáng thương vì bị phản bội.


Lý tưởng cao cả "chống Mỹ cứu nước đã bị giải thiêng"


RFI : The Sympathizer là một cuốn tiểu thuyết mang nặng màu sắc chính trị, vậy ẩn ý chính trị trong tác phẩm văn học này theo ông là gì ?


Trịnh Y Thư : The Sympathizer là cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều chủ đề phức tạp, đa chiều kích, có tham vọng giải tỏa một số những ngột ngạt ấm ức bấy lâu trong lòng những người thuộc thế hệ hậu chiến. Họ không trực tiếp tham gia cuộc chiến, không bị những đau thương và thù hận chi phối nhận thức nên cái nhìn của họ là tương đối khách quan.


Do sự phi lý của cuộc chiến ấy, họ có cái nhìn gay gắt, có lẽ không đồng quan điểm với đa số những thành phần thủ cựu thuộc cả hai bên thắng và thua cuộc. Quan trọng hơn cả, cái nhìn của họ sẽ góp phần vào việc thẩm định đúng đắn của lịch sử sau này.


Công bằng mà nói thì không nên nhìn một tác phẩm tiểu thuyết từ góc độ chính trị, nhưng The Sympathizer là một cuốn tiểu thuyết chính trị từ đầu đến cuối, chính trị xã hội và chính trị lịch sử đan xen nhau. Khó tìm được một chương nào của cuốn sách không liên quan đến các vấn đề chính trị. Từ lịch sử chính trị của cuộc chiến Việt Nam ba mươi năm cho đến chính trị nước Mỹ. Và đấy là một quan điểm chính trị nặng phần tả khuynh. Tác giả phê phán gay gắt việc lâm chiến của nước Mỹ vào Việt Nam đã đành, mà còn tỏ ra không chút cảm tình với văn hóa và đời sống nước Mỹ.


Biểu tượng của nước Mỹ là anh Claude CIA, cực kỳ thông minh, tài năng xuất chúng nhưng cũng cực kỳ lưu manh và xảo quyệt. Còn phía miền Nam thì sao ? Đại biểu cho phe lãnh đạo miền Nam trong thời chiến là ông tướng, kẻ liếm gót thực dân và đế quốc. Tiêu biểu cho phe chống Cộng là Bon, một kẻ giết Việt Cộng vì căm thù cá nhân chứ chẳng có lý tưởng gì.


Vì là tiểu thuyết nên tác giả sử dụng các biểu tượng và ẩn dụ cho quan điểm lịch sử của mình. Trong mắt tác giả đấy là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, anh em mỗi người một chiến tuyến.


Mặc dù người Mỹ là thủ phạm chính nhưng người Việt đã chẳng những không thương xót nhau mà còn quay ra thẳng tay giết hại lẫn nhau. Quan điểm này đúng hay sai có lẽ sẽ còn được tranh nghị dài lâu và tùy vị trí cá nhân, không một quan điểm nào là chân lý.


Điểm đáng nói là cái lý tưởng cao cả cho cuộc chiến tranh ấy, cái lý tưởng chống Mỹ cứu nước, ở đây đã bị giải thiêng. Sự thật lịch sử có lẽ không giản đơn, không trắng đen rành rọt như tác giả vẽ ra trong cuốn tiểu thuyết dày gần 400 trang được viết với ngòi bút nghệ thuật hiếm có.


Lịch sử là một con voi và tất cả chúng ta đều là những thầy mù xem voi. Hơn nữa, “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu hạ sử gia.” Nhà văn Milan Kundera có lần nói như thế. Rất tiếc ở đây tiểu thuyết gia Nguyễn Thanh Việt đã theo hầu sử gia một cách khá tận tình. Theo tôi, đấy là nhược điểm duy nhất của cuốn sách.


Thanh Hà

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt  Empty Re: The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt

Post by LDN Fri Apr 19, 2024 12:33 pm

INTERVIEWS

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt nói gì về giải Pulitzer và các cuốn tiểu thuyết của mình?

September 12, 2020 - vietnguyen

Giang Nguyễn interviews Viet Thanh about being selected for the Pulitzer Prize board and the reception of The Sympathizer in Vietnam for Radio Free America.

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt
Giải Pulitzer là giải thưởng hàng năm của Đại Học Columbia trao cho những tác phẩm được xem là có giá trị nhất trong lãnh vực báo chí, văn học.

Hội đồng giám khảo giải Pulitzer hôm 8/9/2020 cho biết, đã chọn Nhà văn Nguyễn Thanh Việt vào hội đồng. Như vậy nhà văn Nguyễn Thanh Việt là người Mỹ gốc Châu Á đầu tiên trong hội đồng. Năm 2016, ông đã nhận giải Pulitzer cho tiểu thuyết đầu tay, The Sympathizer, dịch tiếng Việt là Cảm tình viên. Ông hiện giảng dạy tại Đại học USC ở Nam California.

Giang Nguyễn đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Việt.

Giang Nguyễn: Trước hết, xin chúc mừng Gs. Việt đã được bầu vào hội đồng giám khảo giải thưởng Pulitzer. Gs Việt biết được tin tức như thế nào, nó có là một bất ngờ đối với ông?

Nguyễn Thanh Việt: Không, họ đã yêu cầu tôi phục vụ trong hội đồng này vài năm nay, nhưng tôi đã quá bận rộn vì như tôi đã nói với họ, tôi đang cố gắng hoàn thành cuốn tiểu thuyết tiếp theo của mình. Khi tôi hoàn thành, tôi cảm thấy mình đã không còn bao biện được nữa và tôi phải chấp nhận. Đó không phải là một bất ngờ, nhưng vẫn là một vinh dự khi được nhận vào vị trí này.

Giang Nguyễn: Gs Việt là người Mỹ gốc Châu Á và là người Mỹ gốc Việt đầu tiên trong hội đồng. Điều này có ý nghĩa gì đối với Giáo sư nói riêng?

Nguyễn Thanh Việt: Tôi đã giành được giải thưởng Pulitzer. Chính điều đó đã tạo nên sự khác biệt lớn về danh tiếng của một tác giả và doanh số bán sách. v.v. Rõ ràng giải Pulitzer được đánh giá cao tại Mỹ, và cả ở ngoài nước Mỹ. Giải thưởng này nặng cân về giá trị văn hóa. Tôi biết điều này vì sau khi tiểu thuyết Cảm tình viên giành được giải thưởng Pulitzer, đột nhiên rất nhiều người liên lạc với tôi, những người chưa từng đọc cuốn sách, và có thể sẽ không bao giờ đọc cuốn sách, nhưng rất tự hào khi có một người Việt Nam đoạt giải. Tôi đã được nghe từ rất nhiều người ở Việt Nam cũng như người Việt ở hải ngoại.

Vì vậy, mặc dù họ có thể không đọc được tiếng Anh, dù họ có thể không ở Hoa Kỳ, họ biết về danh tiếng của giải thưởng. Điều đó thực sự quan trọng. Và việc trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên trong hội đồng chấm giải cũng rất quan trọng. Bởi vì chúng ta đều biết rằng các giải thưởng thường không chỉ được trao trong một môi trường trung lập mà trong một môi trường, nơi đó các giám khảo với những thành kiến ​​của họ, nguồn gốc của họ, quan điểm của họ sẽ định hình quyết định của họ. Vì vậy, nếu chúng ta muốn có giải thưởng ghi nhận những tiếng nói đa dạng và những trải nghiệm đa dạng, chúng ta cần có những ban giám khảo và hội đồng giải thưởng đa dạng. Thật đáng buồn khi hội đồng giám khảo giải Pulitzer không có một thành viên người Mỹ gốc Á nào trước tôi. Tôi không nghĩ mình xứng đáng với vinh dự đó, nhưng tôi rất vui để nhận vai trò đó nhằm mang lại thêm sự chú ý đến nhu cầu cần thiết của sự đa dạng trong các hội đồng và các ban giám khảo.

Giang Nguyễn: Nhắc đến điều này, thời gian qua có rất nhiều thảo luận về nhu cầu đa dạng hóa trong truyền thông và trong những mẫu chuyện được kể hoặc không được kể. Vậy Giáo sư nhận xét thế nào về vai trò của mình trong hội đồng, trong bối cảnh cần mang lại nhiều tiếng nói đa dạng hơn cho nhiều độc giả hơn không?

Nguyễn Thanh Việt: Hội đồng Pulitzer đưa ra quyết định cuối cùng về các khuyến nghị mà các ban giám khảo đề xuất cho họ. Vì vậy, tôi nghĩ nơi can thiệp hoặc cuộc trò chuyện đầu tiên phải là ai sẽ có mặt trong các ban giám khảo giải thưởng, cả về giới tính, các nguồn gốc khác nhau, v.v. Và sau đó sẽ đến cuộc thảo luận về cuốn sách hoặc bài báo hoặc bộ truyện nào sẽ nhận được giải thưởng, đó là lúc hội đồng giám khảo quyết định dựa trên các đề xuất này. Và ở đó, tôi nghĩ rằng, có những tiếng nói có thể giải thích được vì sao phải nhận thức được các loại câu chuyện khác nhau, các loại kinh nghiệm khác nhau, là điều quan trọng.

Tôi nghĩ đó, một phần, là vai trò mà tôi sẽ mang đến cho hội đồng giám khảo. Nhưng cũng có những thành viên hội đồng khác, xuất thân từ những hoàn cảnh đa dạng, và tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều nhận thức được nghĩa vụ này, là nhắc nhở nhau và cho chính bản thân là thế giới này đầy những con người khác nhau với những trải nghiệm khác nhau. Điều đó cần được phản ảnh và thể hiện trong truyền thông báo chí, và kể cả trong nghệ thuật.

Giang Nguyễn: Bây giờ đã là năm 2020 nhưng chúng ta, những người da màu hoặc những người có những trải nghiệm khác với xu hướng chính thống, vẫn phải phấn đấu để giải thích hay “thông dịch” những câu chuyện của mình cho các biên tập viên chính thống hoặc những người không hiểu nó. Gs Việt có lời khuyên gì cho những nhà văn da màu hoặc những nhà văn với những hoàn cảnh khác dòng chính? Giáo sư nói với họ những gì?

Nguyễn Thanh Việt: Có nhiều thay đổi từ khi tôi là một nhà văn đầy khát vọng và là một người trẻ tuổi. Mọi thứ tốt hơn một chút, chúng tôi có nhiều hình mẫu hơn, chúng tôi có nhiều tác giả xuất bản hơn với các nguồn gốc khác nhau. Nhưng tôi vẫn nghe những câu chuyện các bạn gặp phải: nào là những rào cản, người gác cổng, và sự thiếu hiểu biết từ các biên tập viên, nhà xuất bản, đại lý, nhà phê bình, v.v… về những câu chuyện độc đáo mà những nhà văn này muốn kể. Vẫn còn nhiều vấn đề nghiêm trọng. Bạn hãy lấy cảm hứng là đã có những người từ cộng đồng của bạn đã xuất bản, hoặc từ các cộng đồng khác, mà bạn có thể cảm thông. Cá nhân tôi chẳng hạn, tôi đã lấy nguồn cảm hứng lớn từ các nhà văn người Mỹ gốc Phi và tôi nghĩ về sự cam kết lâu nay của nền văn học Mỹ gốc Phi, trong việc kể những câu chuyện của người da đen.

Vì vậy, các mô hình đã có, cánh cửa đã được mở. Đã có nhiều người phải phấn đấu trước đây, và bạn không đơn độc trong việc này. Bạn có thể tiếp cận và tìm kiếm các cộng đồng văn học đó, giống hệt như bạn hoặc gần giống như bạn để hình thành một sự đoàn kết hỗ trợ cho bạn, và cho bạn biết rằng bạn không điên khi muốn kể câu chuyện của bạn. Thật sự bạn không điên, khi bạn kể về trải nghiệm độc đáo của bạn!

Vấn đề không phải ở bạn. Đúng là bạn sẽ phải trở thành nghệ sĩ hoặc nhà văn giỏi nhất có thể. Nhưng đôi khi vấn đề là ở những người khác. Khi họ gặp một câu chuyện, cho dù được viết hay đến mấy đi nữa, khi nó xuất phát từ trải nghiệm mà họ chưa từng nghe trước đây, họ có thể quay lại với một số định kiến ​​cơ bản của con người và sự thiếu hiểu biết. Thật không may, tất cả chúng ta đều gặp phải điều đó. Đối với mỗi một người, mỗi một công đồng có được bước đột phá, nó cũng sẽ giúp những người khác đột phá.

Giang Nguyễn: Tôi muốn hỏi về cuốn tiểu thuyết đầu tay, Cảm tình viên, của Giáo sư. Nó đã được đón nhận ở Việt Nam như thế nào?

Nguyễn Thanh Việt:Khi tôi bắt đầu viết cuốn Cảm tình viên, tôi biết tôi sẽ làm tổn thương rất nhiều người. Đó là điều tôi cân nhắc trước. Bởi vì nội dung của tiểu thuyết rất nhạy cảm đối với nhiều cộng đồng, cộng đồng người Mỹ, người Việt, người Mỹ gốc Việt. Cái mà tôi muốn là viết một tiểu thuyết không đứng về một bên và nói, bên này đúng, bên kia sai. Lý do vì sao cuộc chiến này là một thảm kịch là vì rất nhiều người đã cam kết làm điều chính nghĩa. Nhưng nếu chính nghĩa của bạn hoàn toàn trái ngược với chính nghĩa của người khác, thì bạn sẽ giải quyết như thế nào? Thực tế của vấn đề là nó không thể giải quyết được, ngoại trừ bằng chiến tranh.

Đối với chúng tôi, những người Việt Nam thuộc bất kỳ phía nào, tôi nghĩ rằng chúng tôi cảm thấy điều này một cách rất mật thiết. Nhiều lúc, chính gia đình của chúng ta bị phân chia, và hiển nhiên, đất nước bị chia cắt. Sự chia rẽ này vẫn còn tồn tại đối với rất nhiều người ở cả Việt Nam và hải ngoại. Vì vậy hy vọng của tôi là tôi sẽ không viết một cuốn tiểu thuyết chỉ đơn giản cho rằng quan điểm của người Mỹ gốc Việt đúng và người Cộng sản sai, hoặc ngược lại. Tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết cho người Việt Nam, nhưng là một tiểu thuyết nói lên sự thật theo quan điểm của tôi, ngay cả khi sự thật đó làm đau lòng. Và điều này đã xảy ra. Rất nhiều người Mỹ gốc Việt đã từ chối đọc cuốn sách vì nó được viết dưới góc nhìn của một điệp viên Cộng sản, mặc dù anh ta là một điệp viên bất nhất.

Ở Việt Nam thì tiểu thuyết này đã phải đi chặng đường rất khó khăn để dịch và xuất bản, bởi vì có rất nhiều phần trong đó chỉ trích chủ nghĩa cộng sản, Đảng Cộng Sản, và chính sách sau chiến tranh. Đó là ý nghĩa của việc nói sự thật. Bạn sẽ làm tổn thương mọi người từ mọi phía.

Đối với những người Việt từ những nguồn gốc khác nhau đã đọc cuốn sách, phần lớn, ít nhất là những người đã liên hệ với tôi, đều nói rằng họ hoan nghênh những gì cuốn sách nói lên. Bởi vì cuốn sách là sự tái hiện lịch sử này từ một góc nhìn của người Việt Nam, bất chấp những ý thức hệ mà chính quyền Việt Nam và cộng đồng hải ngoại đã cố gắng áp đặt. Tôi nghĩ rằng những câu chuyện đã được kể ở Việt Nam, bởi những người chiến thắng và những câu chuyện được kể ở hải ngoại bởi những người chiến bại, tất cả đều quan trọng. Nhưng họ có một điểm chung là từ chối lắng nghe phía đối phương.

Tiểu thuyết này cố gắng lắng nghe và nói về cả hai phía và những độc giả đã liên hệ với tôi đều chia sẻ họ rất xúc động vì điều đó. Một điều nữa cũng gây xúc động cho tôi là gặp gỡ những độc giả đã trải nghiệm qua thời đại này. Một số người đã liên lạc với tôi và nói rằng, bạn đã nắm được đúng chi tiết, như về Ngày Sài Gòn sụp đổ.Vì vậy tôi nghĩ rằng nếu độc giả sẵn sàng tiếp cận nó với một tâm hồn cởi mở, gạt bỏ một số giả định về ý thức hệ và định kiến, thì họ sẽ thấu hiểu được tiểu thuyết này.

Nào, ở Việt Nam, thì phản ứng dĩ nhiên là rất phức tạp, vì vấn đề chính trị, nhà nước và đảng. Chúng tôi đang trong giai đoạn cuối cùng để nó được chấp thuận xuất bản tại Việt Nam.

Giang Nguyễn: Vậy Giáo sư đã hài lòng với bản dịch…?

Nguyễn Thanh Việt: Quá trình dịch thuật đã tốn nhiều năm. Rất nhiều năm. Vấn đề là một cuốn sách xuất bản ở Việt Nam không như một cuốn sách xuất bản ở Mỹ hay ở Pháp. Cần phải có nhiều lớp phê duyệt và việc cố gắng đưa cuốn sách đến đúng tay người có quyền phê duyệt và chịu phê duyệt nó, là một thử thách. Tôi chỉ muốn nói như vậy thôi trong giờ phút này. Chúng tôi có bản dịch, chúng tôi có bìa, chúng tôi cần sự phê duyệt cuối cùng. Mong rằng điều này sẽ sớm xảy ra.

Giang Nguyễn: Được biết là Giáo sư đang hoàn thiện tiểu thuyết tiếp theo. Giáo sư có thể cho biết thêm?

Nguyễn Thanh Việt: Tiểu thuyết đã hoàn thành và sẵn sàng để tung ra. Nó có tên là The Committed. Dự tính ban đầu là sẽ ra mắt vào tháng 10, nhưng vì COVID, thời hạn xuất bản đã bị lùi sang tháng 3. Về cơ bản, trong phần kết thúc của The Sympathizer, nhân vật cảm tình viên vẫn sống. Khi nói như vậy, chắc hẳn tôi không “bật mí” điều gì mới ở đây. Anh ta trở thành cái mà chúng ta gọi là Thuyền nhân. Anh ta lại bỏ trốn khỏi đất nước, và anh ta đi đâu? Chúng ta không biết.

Tôi không có ý định viết phần tiếp theo, đó không phải là kế hoạch từ ban đầu. Nhưng khi tôi viết xong Cảm tình viên, tôi nghĩ rằng câu chuyện của nhân vật này chưa hết. Vẫn còn nhiều điều để nói về anh ấy, vẫn còn nhiều điều để nói về nền chính trị và lịch sử mà anh ấy tham gia. Và tôi không muốn anh ấy trở về Hoa Kỳ, anh ấy đã đến đó rồi. Vì vậy, cuốn tiếp theo đưa anh đến Paris của năm 1982, và đề cập đến một di sản thuộc địa khác của người Việt chúng ta, mà người Pháp đã để lại ở Việt Nam. Thêm vào đó, có cộng đồng người Việt Nam rất lớn và sôi động ở Paris.

Tôi muốn đặt bối cảnh cuốn sách ở đây để điều tra về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Pháp, chủ nghĩa thực dân Pháp. Nhưng cũng có một nền văn hóa rất khác ở đây mà người Pháp gốc Việt đã xây dựng. Rất khác so với những gì chúng ta thấy ở Hoa Kỳ, khác biệt trong chính trị, khác biệt về ý tưởng. Tôi thấy điều này tuyệt vời. Với The Sympathizer, tôi đã thành công trong việc làm tổn thương rất nhiều người Mỹ, và bây giờ trong The Committed, tôi đang cố gắng làm tổn thương người Pháp, bằng cách nói những gì tôi cho là sự thật về chủng tộc, chủ nghĩa thực dân và nước Pháp. Những di sản vẫn tồn tại cho đến ngày nay ở nước Pháp, bất kể bao nhiêu người Pháp muốn từ chối nó.

Giang Nguyễn: Tôi rất mong được đọc nó và tôi mong được nghe thêm những tin vui từ Giáo sư. Tôi nghĩ mọi người đang đặt rất nhiều hy vọng và nhận được rất nhiều cảm hứng từ Giáo sư. Tôi nghĩ đây là một việc làm rất quan trọng. Cảm ơn Giáo sư Việt.

Nguyễn Thanh Việt: Cảm ơn Giang, rất vui được nói chuyện với bạn.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt  Empty Re: The Sympathizer - Nguyễn Thanh Việt

Post by Sponsored content



Sponsored content


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum