Our forum runs best with JavaScript enabled !

Thảm họa môi trường Formosa VN

View previous topic View next topic Go down

Confused Thảm họa môi trường Formosa VN

Post by LDN Wed Feb 09, 2022 10:32 am

RFA

Hơn năm năm sau thảm họa môi trường Formosa dân vẫn còn chịu tác động

Năm năm sau khi thảm họa Formosa xảy ra ở bốn tỉnh miền Trung, người dân cho biết họ vẫn không thấy môi trường cải thiện theo như lời hứa của các viên chức địa phương và lãnh đạo Formosa. Một số người không nhận được tiền đền bù. Họ chỉ nuôi một chút hy vọng qua vụ kiện tại Đài Loan nơi có trụ sở công ty mẹ của nhà máy gây ra thảm họa nhiễm độc biển.
Giang Nguyễn - 2021.05.21

Hơn năm năm sau thảm họa môi trường Formosa dân vẫn còn chịu tác động
Hình minh hoạ. Người dân biểu tình ở Hà Nội hôm 1/5/2016 phản đối công ty Formosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung Việt Nam.
AFP
00:00/09:29Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
“Thứ nhất là về mặt tâm lý thì thực sự bản thân cha từ khi về đây cũng cảm thấy đây là một môi trường rất khắc nghiệt và một tương lai rất là mờ mịt. Bởi vì cứ mở mắt ra là mình thấy cảnh khói bụi. Mở mắt ra mà thì mình ngửi được cái mùi hôi thối từ Formosa thải ra. Rồi cộng với những lời hứa của chính quyền cũng như Formosa từ tháng 4/2016 đến nay vẫn chưa được thực hiện. Cộng thêm những cái vấn đề nó lại tiếp tục xảy ra như là vấn đề xỉ thải tiếp tục đưa đến các vùng quê để san lấp mặt bằng các công trình và đường”.

Đó là trình bày của Linh mục Nguyễn Hồng Lĩnh, người về quản nhiệm Giáo xứ Đông Sơn, xã Kỳ nam, Hà Tĩnh ba năm về trước. Giáo xứ Đông Sơn nằm cách địa giới hành chính Nhà máy Gang thép Hưng nghiệp Formosa chỉ 3 km. Nhà máy này vào tháng tư năm 2016 đã gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường khi xả thải hóa chất trực tiếp ra biển phá hủy môi trường sinh sống và mưu sinh của hàng trăm nghìn người dân ven biển bốn tỉnh miền Trung.

Năm năm trước, cả nước và nhiều nơi trên thế giới sửng sốt trước hình ảnh hàng tấn cá chết trôi trên bờ biển. Đến nay, theo Linh mục Nguyễn Hồng Lĩnh, người dân tiếp tục phải sống trong một môi trường không ai có thể yên tâm và cảm thấy bình an được. Ông trình bày tiếp:

“Hơn thế nữa là từ khi cha về đây đến giờ, tỷ lệ người ung thư, ở các vùng khác Ccha chưa nói, nhưng ở trong giáo xứ của cha cũng kiếm lên đến tầm khoảng 60% những người chết mà nguyên nhân dẫn đến cái chết là ung thư. Chắc chắn cũng chưa thể có một cái bằng chứng khoa học nào hoặc ai có thể chứng minh được rằng là vấn đề của Formosa là nguyên nhân dẫn đến việc ung thư. Nhưng mà nhìn thấy cảnh người chết vì ung thư nhiều như thế thì chính bản thân cha và nhiều người cũng đặt lại vấn đề là môi trường chúng ta đang sống này nó như thế nào mà khiến cho bệnh ung thư trong những năm gần đây, mà tỷ lệ người mắc dẫn đến cái chết nhiều như thế”.

Người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh biểu tình hôm 12/12/2016 yêu cầu chính quyền trả tiền đền bù do thảm họa Formosa.
Người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh biểu tình hôm 12/12/2016 yêu cầu chính quyền trả tiền đền bù do thảm họa Formosa.
Hình thính giả gửi RFA

Nhiều người dân, cho dù đã được Formosa và chính quyền địa phương hứa hẹn bồi thường nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào.

Một cư dân (giấu tên vì lý do an toàn) ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, làm nghề pha chế mắm ruốc và nước mắm truyền thống vào ngày 23 tháng 3 chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do:

“Sau nhiều năm đi đòi hỏi từ các cấp bộ, ngành ra tới Trung ương, bây giờ cũng đã gần năm năm thì kết quả là tháng ba năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có đối thoại với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và đã ra Quyết Định số 92, cho thêm hàng hải sản tẩm ướp vào danh mục được đền bù vì sự cố môi trường biển. Hiện tại bây giờ là 23/3/2021 rồi mà chúng tôi chưa nhận được thông tin gì từ chính quyền. Chúng tôi mỗi tháng một lần đi lên chỗ tiếp dân thì đều nghe là chưa làm kịp, chưa điều tra kịp, chưa hoàn tất thủ tục pháp lý”.

Đối với những ngư dân đã vượt qua được thời gian bi thảm nhất sau khủng hoảng ảnh hưởng đến kinh tế khu vực, sản lượng hải sản đánh bắt được cũng không còn như trước.

Giám mục Nguyễn Thái Hợp, chủ chăn Giáo Phận Vinh và Giáo Phận Hà Tĩnh trước đây, nhận xét:

“Khi biển không còn là nguồn lợi thiên nhiên, không còn là nơi sinh sống, không còn là tương lai của họ mà trở nên thảm họa thì chính vì vậy những đứa con của họ bắt đầu học hết lớp 9 hay là có nhiều đứa khá hơn đến lớp 12, phải gồng gánh đi vào Nam ra Bắc. Nhất là đi ra nước ngoài. Có những trường hợp đi ra nước ngoài bằng bất cứ giá nào, đa số là đi chui.”

Bà Nancy Bùi, Phó Chủ tịch Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa là người trực tiếp liên hệ với hàng nghìn nạn nhân vụ thảm họa môi trường năm 2016. Bà nói, chính quyền Việt Nam hô hào hỗ trợ công ăn việc làm nhưng thực chất không như lời nói:

“Họ nói họ giúp đỡ những người này đi lao động nước ngoài. Nhưng tất cả những người mà lao động nước ngoài ở vùng đó, theo chính con số của nhà nước là trên 14.000 người được giúp đỡ ra nước ngoài. Hỏi những người đó thì họ nói là họ không được giúp đỡ một đồng nào. Hay là bất kỳ một phương tiện nào. Tất cả chỉ là lời hứa. Họ không nhận được gì hết”.

Nhiều người cho biết họ đã bị lâm vào nợ nần vì sau thảm họa môi trường họ mất kế sinh nhai. Một người dân giấu tên vì lý do an toàn nói với RFA:

“Còn có người vay tiền rồi đi làm lao động mà họ không trả được nợ, họ mất nhà mất cửa. Họ nói: ‘Hồi trước tôi đâu có phải như vậy, bây giờ tôi không trả được nợ, bây giờ phải đi trốn ở đâu đó để đỡ cái cảnh người ta đến nhà người ta đòi nợ, người ta chửi bới’. Đau thương lắm, nói không hết”.

Sau nhiều năm đi đòi công lý từ địa phương đến Trung Ương, một số nạn nhân của Formosa gần đây có được một chút hy vọng khi Tòa Thượng Thẩm của Đài Loan hôm 9 tháng 4 đưa ra phán quyết rằng trong vụ kiện Công ty Cổ phần Thép Formosa Hà Tĩnh, 13 trong 24 bị đơn phải chịu trách nhiệm đền bù cho nạn nhân thảm họa do công ty gây ra.

Giám mục Hợp nhận định:

“Đây là một bước đầu, một bước đầu chưa như chúng tôi muốn, cũng như chưa làm hài lòng các nạn nhân vì nhiều điều kiện nữa nhưng mà dù sao đã bắt đầu công lý, đã thực hiện và trả lại quyền lợi cũng như danh dự cho các nạn nhân. Thì đó là một niềm vui”.

Một trong mối quan tâm là làm sao khôi phục môi trường thiên nhiên. Giám mục Hợp nói, đối với người dân ở đây phán quyết là một bước đầu khích lệ nhưng còn quá sớm để ăn mừng:

“Trong phán quyết của tòa nói là phải trả lại cái môi trường trong sạch cho Việt Nam. Nhưng rồi cũng không có một cái cụ thể làm sao trả lại môi trường như đã có trước đây. Và cơ quan nào thực hiện việc trả lại môi trường đó. Thì chúng tôi rất có thể đang suy nghĩ để yêu cầu Tòa án phải có một công ty hay là một cơ quan độc lập để thi hành chuyện đó, và tất nhiên các Công ty Formosa phải trả tiền cho công ty độc lập này.  Đây là một vấn đề nổi cộm và chúng tôi chắc chắn sẽ phải yêu cầu tòa án nói rõ hơn làm sao để thực hiện điều này, nếu không mọi sự sẽ đâu vào đó”.

Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa hỗ trợ 7.875 nguyên đơn trong vụ kiện Formosa tại Đài Loan. Bà Nancy Bùi giải thích đây chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ của hàng trăm nghìn nạn nhân bốn tỉnh, nhưng vì không đủ thời gian thu thập hồ sơ nên phải giới hạn.

Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa đã hội ý với đoàn luật sư và quyết định kháng cáo tiếp để buộc toàn bộ 24 bị đơn, bao gồm 18 công ty và sáu cá nhân, tổng giám đốc, phải chịu trách nhiệm đền bù, không chỉ 13 bị đơn như Tòa Thương Thẩm đã phán quyết. Bà Nancy giải thích:

“Trong vụ này số tiền đền bù rất lớn, cho gần 8.000 người và thiệt hại của mỗi người cũng rất lớn. Khi mình tính ra thì cũng vài trăm triệu là ít. Nên mình muốn có mặt đủ bên bị đơn để đảm bảo cho tiền đền bù của người dân. Đó là thứ nhất. Thứ hai là những công tý đó phải có mặt đầy đủ để họ lo việc, thứ nhất là ngừng việc xả thải, thứ hai là làm sạch vùng biển và theo dõi để không tiếp tục xả thải ở đó nữa. Tất cả những điều kiện này mà chỉ có 13 bị đơn thôi thì theo luật sư tính toán phần đền bù sẽ không được bảo đảm”.

Reuters-Formosa-steel-factory-2017-04-04-Hà-Tĩnh.JPG
Nhà máy Gang thép Hưng nghiệp Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh hôm 31/3/2017. Ảnh: Reuters
Vụ kiện có thể còn kéo dài vài năm nữa và dù biết rằng các nạn nhân đã phải chờ rất lâu cho đến tuyệt vọng nhưng người hỗ trợ công lý cho các nạn nhân cho biết vì sao các nạn nhân Formosa quyết tâm:

“Họ là những người mình phải nói là rất can đảm. Họ quá uất ức. Mình đặt mình vào cái thể của họ: tự nhiên mình bị mất hết, rồi gia đình cũng tan hoang hết, mọi chuyện thay đổi cuộc đời mình mà công ty không đền bù. Trong khi công ty làm cho thảm họa xảy ra càng ngày lại càng lớn mạnh hơn, lại càng to lớn hơn. Nên tất cả điều đó mình uất ức chứ. Nên họ quyết tâm họ làm, dù là bị điều tra, bị gọi lên, nhiều người giúp làm đơn cũng có một số đã bị bắt, còn một số đang đi trốn”.


Last edited by LDN on Wed Feb 16, 2022 6:11 am; edited 1 time in total

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Confused Re: Thảm họa môi trường Formosa VN

Post by LDN Wed Feb 16, 2022 6:06 am

Thấy gì sau hai năm thảm họa Formosa ở VN'?
Quốc Phương

BBC Tiếng Việt - 8 tháng 4 2018

Nhà xã hội học Paul Jobin từng nghiên cứu các thảm họa sinh thái, môi trường và công nghiệp tại Nhật Bản (Fukushima, Minimata), tại Đài Loan (Formosa Plastic) và nhiều vụ khác (ảnh do Paul Jobin cung cấp)

Tin xấu là nhiều ngư dân đánh được 'rất ít cá so với trước đây' khiến đời sống của nhiều ngư dân và gia đình của họ còn rất khó khăn, nhưng tin tốt là ở một số nơi 'một lượng cá nhỏ đã trở lại biển', một nhà nghiên cứu độc lập người Pháp từ Viện Xã hội học, Academia Sinica, Đài Loan, nói với BBC Tiếng Việt từ Paris về kết quả khảo sát về hậu thảm họa môi trường do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra ở miền Trung Việt Nam sau hai năm.

Hạ tuần tháng Ba 2018, tại Đại học Paris 7 - Diderot của Pháp đã diễn ra một tọa đàm khoa học với diễn giả chính là nhà xã hội học, PGS. TS. Paul Jobin, trình bày công trình nghiên cứu độc lập của ông sau một điều tra ngắn ở một số địa phương trực tiếp chịu ảnh hưởng của thảm họa môi trường cho đề tài mà ông theo đuổi là vụ thảm họa Formosa ở VN qua hai năm.

Dưới đây là nội dung chính cuộc trao đổi được thực hiện hôm 30/3 giữa BBC Tiếng Việt và PGS. TS. Paul Jobin, ngay sau tọa đàm:

BBC Tiếng Việt: Ông có thể tóm lược cho biết trọng tâm nội dung của nghiên cứu, khảo sát mà ông đã thực hiện?

PGS. TS. Paul Jobin: Nghiên cứu do tôi độc lập tiến hành và tự tài trợ, nó được thực hiện trong một thời gian ngắn (các phỏng vấn từ 29/11 tới 04/2/2018) tại các địa phương bị ảnh hưởng là Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An. Tôi đã trình bày chi tiết tại tọa đàm bàn tròn do Đại học Paris 7 - Diderot và Viện Ngôn ngữ và Văn minh Á Đông tổ chức hôm 29/3/2018 tại Paris.

Một xóm chài nằm không xa Formosa Hà Tĩnh (hình do Paul Jobin cung cấp)

Khi tiến hành khảo sát này, tôi muốn điều nghiên xem sau hai năm xảy ra vụ thảm họa do Công ty TNHH Gang Thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra (2016-2018) thì các cộng đồng đánh cá bị ảnh hưởng ở Việt Nam từ Huế tới tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An có hiện trạng kinh tế thế nào? Tôi cũng muốn tìm hiểu mức độ đền bù mà đã được tuyên bố chi trả tới nay bởi chính phủ Việt Nam, và cũng muốn nghiên cứu xem các ngư thuyền ra biển bây giờ đi đâu và họ mang được thủy, hải sản nào lên bờ? Tôi chưa có được hết câu trả lời cho tất cả các câu hỏi của tôi, nhưng tôi nghĩ tôi đã có một số hiểu biết nét chính về tình trạng.

Một vấn đề quan trọng khác mà tôi muốn biết là người dân cảm thấy như thế nào về mức độ nhiễm độc của thủy, hải sản, liệu họ có quan ngại về nhiễm độc hay không, họ có quan tâm về vấn đề này hay không và tôi cũng muốn điều nghiên về hậu quả có thể có với sức khỏe của cộng đồng, có bệnh tật gì không? Hồi tháng 11/2017, chúng tôi có một số thông tin là có các trường hợp báo cáo về bệnh ung thư, trường hợp thợ lặn bị tử vong sau khi xuống nước, tức là điều tra về vấn đề sức khỏe, bệnh tật.

BBC Tiếng Việt: Kết quả và tìm hiểu quan trọng và nổi bật nhất từ nghiên cứu này là gì, thưa ông?

PGS. TS. Paul Jobin: Trước hết phải nói là nghiên cứu của tôi về mặt phạm vi, quy mô là khiêm tốn, nó không thể giống như một cuộc khảo sát xã hội học với đầy đủ quy mô nghiên cứu như tôi có thể làm ở Đài Loan hay Nhật Bản, bởi vì các cộng sự của tôi quan ngại họ có thể bị công an bắt, việc phỏng vấn mọi người ở đó rất khó khăn, điều này giải thích vì sao tôi chỉ có thể tiến hành hai chục phỏng vấn sâu với mọi người tại đó, trong bối cảnh là mọi người khá bất an. Nhưng từ những phỏng vấn mà tôi tiến hành được, có thể kết luận rằng chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người bị ảnh hưởng có thể nhận được bồi thường từ chính phủ Việt Nam...

Có địa phương, trong khi ở những xóm gần biển, trong khi các hộ gia đình nói là họ chưa thể nhận được bất cứ khoản tiền bồi thường nào, thì có một điều ngạc nhiên là cá bắt đầu quay trở lại, ít một, ít một, đó là những con cá nhỏ, dù đó là cá nhỏ, người dân có thể ra biến và đánh bắt một chút, sau một thời gian dài không có cá; nhưng sau cả năm dài, bây giờ họ có thể bắt được một số lượng...

Nhưng sản lượng thấp hơn rất nhiều so với trước đây, như một ngư dân nói với tôi trước đây một ngày trung bình họ đánh được 300-400 kg hải sản, bây giờ chỉ có thể được 60 kg một ngày và anh ta chỉ có thể bán được với giá khoảng một đô-la cho một kilogram. Do vậy thật khó mà sinh sống với một thu nhập ít ỏi như thế. Như vậy tin tốt là người dân đã đánh bắt được cá, nhưng điều làm tôi kinh ngạc là họ đã đánh cá và họ đã ăn cá, dù họ quan ngại về độ nhiễm độc đối với cá. Đó là điều tôi nhận thấy rõ ràng từ người dân và đặc biệt là họ lo ngại cho con cái của họ về cá nhiễm độc, họ thường đông con nhỏ.

Người dân lo ngại vì họ chẳng biết thông tin gì cả, chính phủ có thể đã làm một số đo đạc, khảo sát về nhiễm độc, nhưng người dân nói họ không được cung cấp các thông tin, kết quả, do đó người dân lo ngại là trong dài hạn những thủy, hải sản đó sẽ gây ra độc hại cho sức khỏe của con cái họ.

BBC Tiếng Việt: Vì sao ông quan tâm tới Việt Nam và vụ việc này?

PGS. TS. Paul Jobin: Tôi không phải là chuyên gia về Việt Nam, tôi là một nhà xã hội học chuyên về các vấn đề môi trường, đặc biệt ở Nhật Bản và Đài Loan. Từ đầu năm 2016 tôi quan tâm tới vấn đề nhiễm độc không khí do tập đoàn công nghiệp Formosa Plastic ở miền Trung Đài Loan gây ra, đó là một khu phức hợp công nghiệp hóa dầu mà đã gây ra ô nhiễm không khí và ô nhiễm biển. Và ở đó, người ta bắt đầu đã tiến hành các vụ kiện đòi bồi thường nhắm vào Formosa Plastic. Và tôi quan tâm tới nguyên nhân, diễn biến của các vụ việc này.

Do đó khi Formosa ở Hà Tĩnh gây ra thảm họa môi trường biển vào tháng 4/2016, tôi bắt đầu cuộc nghiên cứu mới ở Đài Loan và tôi hoàn toàn bị sốc với những gì xảy ra ở Việt Nam, và nó nhắc tôi nhớ lại những vụ việc mà tôi đã từng nghiên cứu, khảo sát ở Nhật Bản từ trước. Do đó, tôi bắt đầu tiến trình quan sát có hệ thống các tin tức từ Việt Nam về vụ việc và những vấn đề này.

BBC Tiếng Việt: Ông đã khảo sát và tiến hành giao tiếp với đối tượng nghiên cứu như thế nào? Ông đã trực tiếp hiện diện ở các nơi khảo sát đó ở Việt Nam?

PGS. TS. Paul Jobin: Vâng, tất nhiên là trực tiếp (tuy ngắn thôi chỉ hơn một tuần một chút) và tôi cần sự hỗ trợ phiên dịch do tôi không nói được tiếng Việt. Tôi đã đi xe hơi từ Huế tới Đồng Hới (Quảng Bình), rồi từ Đồng Hới tới Vinh, Nghệ An, tới Hà Tĩnh để tới các địa bàn khảo sát...

BBC Tiếng Việt: Ông được tiếp đón ra sao ở các địa phương? Ông có gửi đề nghị chính thức tới chính quyền Việt Nam trước khi ông tới nước này để tiến hành khảo sát hay là không?

PGS. TS. Paul Jobin: Không, bởi vì giả sử tôi có gửi yêu cầu và được chấp nhận cho khảo sát ở đó, thì trên đường đi ở Việt Nam, tôi biết là tôi sẽ có một ai đó theo dõi, quan sát tôi trong suốt thời gian, và người dân sẽ sợ khi phải nói với tôi sự thật về tình hình của họ. Tôi muốn nghe thực sự những gì mà người dân thật lòng quan tâm, quan ngại, tôi muốn biết những khó khăn thực sự của họ là gì. Tôi không muốn nghe tuyên truyền của truyền thông nhà nước, muốn làm xã hội học, đôi khi buộc phải như thế thôi.

Tôi sẽ rất vui sướng được bàn luận với chính quyền, nhưng phải trên cơ sở những tìm tòi, hiểu biết của tôi, chứ không phải là dựa trên những kết luận mà họ đưa ra, tôi muốn có thông tin do chính tôi kiếm được và sự tiếp cận trực tiếp tới người dân ở đó...

BBC Tiếng Việt: Ông có bị ai đó theo dõi trong quá trình khảo sát không?

PGS. TS. Paul Jobin: Nói thật là tôi đã đến Việt Nam bằng một hộ chiếu du lịch. Có thể tôi bị theo dõi nhưng tôi không biết điều đó, tôi không có kinh nghiệm để phát hiện xem tôi có bị người ta đi theo hay không. Tôi không bị theo dõi bởi công an mặc quân phục, nhưng có thể bởi những nhân viên mặc thường phục. Có thời điểm tôi được báo là phải rời đi nhanh chóng bởi có những ai đó đến tìm kiếm ở xung quanh và tôi đã phải rời đi mau lẹ.

BBC Tiếng Việt: Ông có nghĩ là thiếu sự tiếp xúc, phỏng vấn điều tra với các bên khác, giới khác, (trong đó có chính quyền, giới hữu trách hay với doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh), để ít nhất nghe quan điểm của các phía đó (hoặc kiểm chứng các 'bằng chứng' và những điều ông đã được nghe), thì có thể ảnh hưởng tới tính khách quan, tính toàn diện của kết quả nghiên cứu và liệu đó có thể là một thiếu sót, hạn chế nào đó?

PGS. TS. Paul Jobin: Công trình nghiên cứu nào cũng có thể có thiếu sót và quý vị đã đúng khi đặt câu hỏi này. Thậm chí bên Đài Loan, nếu quý vị muốn phỏng vấn lãnh đạo, quản lý của tập đoàn Formosa Plastic ở đó, thông thường là họ lờ đi vì họ không thích các nhà xã hội học, họ là những nhà công nghiệp lớn và họ thường lảng tránh, lờ đi báo chí và giới nghiên cứu, bất luận là xã hội học hay là ai khác. Thậm chí một Trưởng Khoa Y tế Công cộng ở một đại học lớn của Đài Loan đã bị họ từ chối cho phỏng vấn, nhưng vị đó vẫn công bố được các kết quả nghiên cứu khoa học như về bệnh học môi trường, dịch bệnh v.v...

Tôi sẵn sàng trả lời các câu hỏi thách thức về mặt khoa học với các kết luận của tôi, nhưng tôi nhận thấy không thể tiến hành nghiên cứu khoa học trong trường hợp đề tài này, trong môi trường như ở Việt Nam. Tôi đã so sánh về vụ Fukushima ở Nhật Bản về con số hàng nghìn bài báo khoa học tại Nhật về thảm họa này sau hai năm xảy ra ở đó, với việc chỉ có vỏn vẹn một bài báo tạp chí khoa học sau hai năm vụ Formosa gây hải sản chết hàng loạt ở VN. Đấy là một điều rất lạ có phải không? Tôi cảm giác rằng rất nhiều người muốn tiến hành nghiên cứu khoa học vụ Formosa ở Việt Nam, nhưng có thể họ sợ hãi về các hành động của chính quyền, nên họ không thử sức chỗ đó.

Báo chí chính thống Việt Nam từng đưa hình ảnh lãnh đạo một số địa phương ở miền Trung vẫn 'tắm biển' và 'ăn cá' không lâu sau khi thảm họa Formosa xảy ra

Quý vị đã hỏi tôi ở đầu cuộc phỏng vấn này về kết luận và kết quả chính của công trình, và tôi đã nói ngay từ đầu rằng nó rất khiêm tốn, nhưng mặt khác tôi nghĩ các kết luận khoa học là vững chắc vì tôi đến tận nơi, nhìn tận mắt thực trạng, hỏi những câu hỏi mà tôi muốn hỏi với chính những người dân đáng phỏng vấn, do đó dù là những học hỏi, tìm tòi khiêm tốn, các nhận thức này đủ vững chắc để có thể chia sẻ với mọi người.

BBC Tiếng Việt: Ông có suy nghĩ gì về khía cạnh chuẩn mực đạo đức và tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh ở Việt Nam qua nghiên cứu này?

PGS. TS. Paul Jobin: Tới nay, chính quyền Việt Nam nói là Formosa đã chi trả 500 triệu đô-la tiền đền bù, một điều có vẻ như là một khoản tiền lớn. Nhưng trong khảo sát của tôi, nhiều người chưa nhận được đền bù gì cả, và với những người nhận được thì cho là khoản đền bù chẳng có nghĩa lý gì cả, khiến cho tôi phải đặt ra câu hỏi có phải Formosa đã thực sự trả đền bù 500 triệu đô-la qua chính phủ Việt Nam hay chưa? Tôi muốn nói là liệu chúng ta đã có bằng chứng gì hay chưa về giao dịch trả tiền này? Chúng ta có bằng chứng hóa đơn giao dịch Formosa trả tiền này chưa? Quý vị nhìn thấy chưa? Tôi thì chưa nhìn thấy.

Formosa Plastic nói vì họ đã trả một khoản tiền đền bù nào đó, họ đã hoàn tất việc chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ là trách nhiệm của họ phải vượt quá rất nhiều số tiền này, nếu hải sản, cá vẫn còn nhiễm độc, tôi nghĩ rằng những thiệt hại kinh tế của Việt Nam còn lớn hơn rất nhiều số tiền 500 triệu đô-la này. Tôi không phải là một luật sư để nói về các khía cạnh pháp lý, nhưng nếu quý vị hỏi tôi về khía cạnh đạo đức và từ quan điểm này, tôi có thể nói là về mặt đạo đức mà nói, Formosa vẫn còn phải chịu trách nhiệm rất nhiều nữa vì gây ra thảm họa này.

BBC Tiếng Việt: Về phía chính quyền Việt Nam, ông suy bình luận thế nào về cách mà họ phản ứng, ứng phó, rồi xử lý, giải quyết vụ thảm họa này?

PGS. TS. Paul Jobin: Rất là tồi trong những tuần lễ đầu tiên xảy ra thảm họa vào đầu tháng 4/2016, nhưng sau đó rất tốt khi họ bắt đầu khảo sát. Đối với tôi, lúc đầu chính quyền chỉ chối bỏ những gì xảy ra, họ cố gắng bảo vệ Formosa, nói rằng không phải quan ngại gì, mọi người không có lý do gì phải sợ, chúng tôi hiểu đây là những phản ứng rất 'ngu dại' vì chúng tôi đã nghiên cứu và hiểu ở các vụ thảm họa khác như Fukushima, Minimata ở Nhật hay Formosa Plastic ở Đài Loan, nhưng sau đó họ làm được điều rất tốt khi họ đã tiến hành các khảo sát khoa học, như mời các nhà khoa học từ nước ngoài, huy động các nhà khoa học ở Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam công bố việc Formosa nhận lỗi về vụ cá chết hàng loạt năm 2016

Tuy tôi chưa nhìn thấy việc Formosa chi trả tiền bồi thường cho chính phủ Việt Nam, nhưng ít nhất điểm tốt là các động thái đó buộc doanh nghiệp Formosa ở Việt Nam phải thừa nhận sai phạm và công ty này phải chịu trách nhiệm. Bước đi đó là rất hay, nhưng sau đó mọi việc lại trở lại kém đi, tôi muốn nói là tới nay, chúng ta chưa nhìn thấy công khai các kết quả khảo sát, nghiên cứu khoa học từ tháng Năm, tháng Sáu năm 2016, chúng ta không biết thực sự liệu Formosa Plastic có thực sự trả số tiền 500 triệu đô-la, hay đây chỉ là sự 'dàn xếp'?

Và cuối cùng, điều tệ nhất là giai đoạn hại, về yêu cầu của người dân bị ảnh hưởng ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An, người dân bắt đầu biểu tình, phản đối để đòi hỏi đền bù thiệt hại thực sự để họ có thể lo toan những nhu cầu cấp thiết của đời sống của họ, thì đã có sự đàn áp 'rất dã man' với nhiều người biểu tình. Tôi đã gặp một người đàn ông ngoài 50 tuổi, ông đi biểu tình và bị đánh trọng thương vào đầu và bây giờ không thể làm việc được, ông ấy là người kiếm ăn nuôi cả nhà, bây giờ ông không thể làm được bất cứ việc gì để giúp gia đình. Đó là điều tồi tệ nhất mà chính quyền đã làm và để xảy ra, đáp lại yêu cầu hỗ trợ nhu cầu tối thiểu của các nạn nhân thảm họa.

BBC Tiếng Việt: Có so sánh gì đáng nói nhất về cách thức mà chính quyền ở các nơi khác, chẳng hạn Nhật Bản, Đài Loan, ứng phó với các thảm họa so với chính quyền ở Việt Nam và bài học đáng nói nhất nếu có thể rút ra là gì?

PGS. TS. Paul Jobin: Thật là một câu hỏi khó! Một lần nữa, vì tôi không phải là chuyên gia về Việt Nam, nhưng có thể nói với cấp độ, quy mô của thảm họa Formosa gây ra ở Việt Nam, chúng ta phải nghĩ tới những thảm họa ở cấp độ lớn như Chernobyl hay Fukushima. Trong thảm họa Fukushima ở Nhật Bản, chính quyền Nhật cũng bị chỉ trích vì phản ứng chậm, phản ứng không đủ v.v..., nhưng ít nhất, họ đã không đàn áp tàn nhẫn những nạn nhân của vụ thảm họa. Đã có những cuộc biểu tình lớn, rất lớn ở Nhật Bản, sau vụ Fukushima, đòi chấm dứt sử dụng các lò phản ứng điện hạt nhân, cảnh sát Nhật đã không tàn ác đối với người dân Nhật biểu tình, đúng không?

Nhưng trong trường hợp này với thảm họa do Formosa gây ra ở Việt Nam, tôi thấy nhà cầm quyền đã có hành xử 'tàn nhẫn' với các nạn nhân và người biểu tình. Kết tội, xét xử nhiều bloggers và nhà báo, tới nay 13 người đã bị bắt và kết tội và có những bản án nặng nề vì họ đã cố gắng nêu thông tin về tình hình của ngư dân. Lý do vì sao chính quyền hành xử thù nghịch như vậy ư, tôi có nghe phản ánh nói nhiều giáo dân nằm trong số những nạn nhân và người biểu tình và chính quyền sợ Nhà thờ Công giáo và có thể chính quyền 'phân biệt đối xử' với Nhà thờ Công giáo hoặc sợ rằng Nhà thờ lợi dụng vụ thảm họa để chỉ trích, công kích chính quyền.

Formosa Hà Tĩnh đã đền bù 500 triệu đo-la cho vụ thảm họa làm hải sản chết hàng loạt ở các vùng biển miền Trung, theo Chính phủ Việt Nam

Nhưng từ những gì tôi thấy, tôi thấy rằng Nhà thờ ở nhiều địa phương, như ở Vinh, Nghệ An chẳng hạn, chỉ cố gắng giúp đỡ, hậu thuẫn người dân, vì Nhà thờ gần dân, họ sống bên cạnh dân, và họ cảm thấy bị sốc do tình hình sau thảm họa, về mặt kinh tế, hay bị sốc khi có những người làm nghề lặn biển bị thiệt mạng, hay vì nhiều nạn nhân không thể nhận được bồi thường cho tới nay v.v... Còn chính quyền có khôn ngoan khi ứng xử như thế hay không ư? Tôi nghĩ tất nhiên là không, dù tôi nghĩ có thể họ quan ngại và sợ về tính chính danh của chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ họ không nên sợ hãi vì điều này, tôi nghĩ trái lại - nếu chính quyền càng đàn áp, thì người dân lại càng thách thức tính chính danh của chính quyền, của Đảng Cộng sản.

Nếu chính quyền và đảng thực sự quan tâm tới dân, thì họ cần cố gắng hết sức để bù đắp, bồi thường cho dân và nếu khoản tiền Formosa bồi thường là chưa đủ, thì chính quyền phải yêu cầu Formosa bồi thường nữa. Năm ngoái tập đoàn Đài Loan này đã thu lãi lớn và họ có đủ tiền nong và tài sản để bồi thường và đáp ứng cuộc khủng hoảng. Do đó chính quyền và Đảng Cộng sản không nên sợ hãi việc đi tới với người dân, đặt các câu hỏi, hỏi người dân liệu họ có thỏa mãn hay không.

Chính quyền có thể đặt các câu hỏi như mọi người cảm thấy như thế nào về cách thức chính quyền đáp ứng khủng hoảng, người dân có thỏa mãn không? Ở Đài Loan người ta làm các khảo sát như vậy và nếu chẳng hạn 70% người trả lời bảo rằng không, họ không thỏa mãn, họ muốn được bồi thường thỏa đáng, thì khi đó dân chủ đã phát huy và chính quyền phải quan tâm và cố gắng hơn nữa để giúp dân.

BBC Tiếng Việt: Trở lại với khảo sát mà ông thực hiện với các phỏng vấn từ 29/1 tới 4/2/2018 vừa qua, ông có thể cho biết ai tài trợ cho dự án này hay là ông tự tài trợ?

Các nhà hoạt động môi trường Việt Nam biểu tình phản đối vụ Formosa Hà Tĩnh tại Đài Loan

PGS. TS. Paul Jobin: Tôi tự tài trợ, bởi vì tôi chỉ muốn [tạo ra] thông tin tối thiểu trước khi tôi rời Đài Loan để không ai chú ý tới nghiên cứu của tôi, nên tôi đã tự tài trợ chuyến đi và nghiên cứu.

BBC Tiếng Việt: Ông sẽ làm gì với kết quả khảo sát, nghiên cứu này của ông?

PGS. TS. Paul Jobin: Hiện tại tôi và các cộng sự nghiên cứu đang chuẩn bị để xuất bản một bài báo bằng tiếng Hoa ở Đài Loan và sau đó là một bài báo khoa học bằng tiếng Anh ở tạp chí quốc tế. Lý do chúng tôi chọn xuất bản trước bằng tiếng Hoa là vì chúng tôi muốn người Đài Loan quan tâm hơn tới vấn đề này. Tôi nghĩ rằng cấp độ thông tin và ra quyết định ở Đài Loan còn chưa tốt, chúng tôi muốn người Đài Loan có trách nhiệm hơn với vấn đề này.

BBC Tiếng Việt: Ông có ngại gặp vấn đề gì khi lần sau muốn trở lại Việt Nam?

PGS. TS. Paul Jobin: Tôi không rõ, tôi sẽ cố gắng trung thực nhất thế này, đây không phải là quan ngại cho tôi, nếu chính quyền không cho tôi vào lại Việt Nam, tôi sẽ lấy làm tiếc về điều đó bởi vì tôi đã từng rất vui được gặp gỡ nhiều người và đó là một đất nước rất xinh đẹp... Tôi nghĩ là chúng tôi cần thông tin cho người dân ở Việt Nam và ở hải ngoại về điều gì đang xảy ra. Và chúng ta cần tạo áp lực để chính phủ Việt Nam phải quan tâm, lo lắng cho người dân của chính họ.

Một cuộc biểu tình yêu cầu chính quyền VN thả các bloggers và các nhà hoạt động trong vụ Formosa Hà Tĩnh

Lý do vì sao tôi lo lắng cho người dân ở Việt Nam đang phải chịu các loại ô nhiễm môi trường là vì tôi đã có rất nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm ở những nơi khác, chẳng hạn ở Nhật Bản, cũng như ở Đài Loan, do đó tôi biết đó là một vấn đề khó khăn, thậm chí ở các quốc gia có nền dân chủ như Nhật Bản, Đài Loan. Đây là lần đầu tiên tôi tiến hành một nghiên cứu ở một quốc gia như Việt Nam, và tôi đã bị sốc biết bao khi cảm nhận được sự khó khăn to lớn dù chỉ muốn tìm kiếm những thông tin rất cơ bản về sự thật. Tôi không hy vọng là các bài báo khoa học sẽ làm thay đổi gì lớn lao, nhưng tôi vẫn muốn tiến hành và cố gắng xem sao.

Hệ quả Formosa 'dài cả thập kỷ'

Khói vẫn bốc lên từ ống khói của khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh, hai năm sau thảm họa gây ô nhiễm nghiêm trọng ở các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam (Hình do Paul Jobin cung cấp)

Paul Jobin là Tiến sỹ xã hội học, hiện làm việc tại Viện xã hội học, Academia Sinica, ở Đài Loan, ông cũng là Phó Giáo sư thuộc Đại học Paris Diderot Pháp, giảng dạy các chuyên ngành xã hội học và nhân học, Nhật Bản và đông phương học. Ông từng là Giám đốc Trung tâm của Pháp nghiên cứu về Trung Quốc đương đại, chi nhánh tại Đài Loan. Ông từng nghiên cứu về thảm họa và ô nhiễm môi trường và môi trường công nghiệp ở nhiều nơi, trong đó có Nhật Bản, Đài Loan v.v...

Trên đây là cuộc phỏng vấn của BBC Tiếng Việt với nhà nghiên cứu, trong đó ông Paul Jobin đưa ra các thông tin và nhận định từ quan điểm, góc nhìn riêng của ông. Vụ 'cá chết hàng loạt' ở Việt Nam 2016 hay còn gọi là thảm họa môi trường Formosa xảy ra bắt đầu từ Vũng Áng, Hà Tĩnh, phát hiện xảy ra từ ngày 6/4/2016 và sau đó lan ra hàng loạt các tỉnh miền Trung Việt Nam, trong đó có Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Chính phủ Việt Nam trong suốt thời gian hai năm qua luôn khẳng định đã có các nỗ lực liên tục để giúp đỡ, hỗ trợ người dân chịu hậu quả của thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam, khẳng định không chỉ giúp người dân được bồi thường mà còn hỗ trợ họ tái thiết cuộc sống và sinh hoạt trên nhiều mặt.

Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam cũng khẳng định 'luôn có chính sách đoàn kết dân tộc, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡn'g, những người bị bắt và xét xử, theo chính quyền là những 'đối tượng vi phạm luật hình sự, pháp luật' của Việt Nam, trong đó có nhiều 'đối tượng lợi dụng tự do, dân chủ và nhân quyền' để 'tuyên truyền, chống phá' Đảng và nhà nước. Mới đây, trong đầu tháng 4/2018, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tái khẳng định ở Việt Nam không có 'cái gọi là tù nhân lương tâm'.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Confused Re: Thảm họa môi trường Formosa VN

Post by LDN Fri Apr 08, 2022 4:11 pm


_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Confused Re: Thảm họa môi trường Formosa VN

Post by LDN Wed May 04, 2022 9:47 am

LM Nguyễn Văn Hùng: “Dân kiện Formosa khó khăn, vì quan chức CSVN có phần hùn trong đó”

Ghi nhớ 6 năm ngày Formosa gây thảm họa miền Trung Việt Nam.
Tuấn Khanh
6 tháng 4, 2022 - Sài Gòn nhỏ

Linh mục Nguyễn Văn Hùng, tại Đài Bắc.
Tháng Tư là thời điểm để nhớ rất nhiều việc trong lịch sử Việt Nam. Nhưng gần nhất đó là sự kiện nhà máy Formosa xả chất độc ra biển, gây hại cho hàng triệu con người Việt Nam tại bốn tỉnh miền Trung, nhưng tội ác này, lại được chính quyền Việt Nam bao che.

Đã sáu năm, kể từ khi những con cá chết đầu tiên xuất hiện ở bờ biển Hà Tĩnh, Nghệ An… Cuộc đời của những người ngư dân quanh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế…  vẫn kéo dài sự cơ cực của mình mà không tìm thấy được hỗ trợ vật chất cần thiết, cũng như tinh thần mang tình đồng bào của chính quyền đối với những nạn nhân. Nhiều người cố gắng sống lây lất vì không còn biết cách nào khác để tồn tại. Còn những người khác thì kẻ buộc phải bỏ nghề, người phải bỏ quê cha đất tổ để đi làm lao động thuê mướn ở phương trời xa nào đó, nhằm thoát cảnh nghèo đói do thảm họa này gây ra.  

Vài năm nay, vẫn có nhiều nạn nhân của thảm họa Formosa kiên trì đệ đơn lên Tòa án tối cao ở Đài Loan, để đòi công bằng. Nhưng chuyện yêu cầu thực thi luật pháp ấy, không hề đơn giản ở Đài Loan cũng như ở Việt Nam, mà qua cuộc trò chuyện với linh mục Nguyễn Văn Hùng – người đang ở Đài Bắc, Đài Loan trực tiếp trợ giúp cho các nạn nhân của Formosa, đã cho biết thêm nhiều chi tiết.

LM Nguyễn Văn Hùng: Công việc kiện công ty mẹ của Formosa tại Đài Loan đến giai đoạn quan trọng, đó là Tòa án ở Đài Loan đòi hỏi là phải có nhân chứng đứng đối chất ở tòa trực tiếp, hoặc là phải công chứng đơn ủy quyền từ Việt Nam, cho luật sư ở Đài Loan. Điều này có nghĩa những người đang đứng đơn kiện phải ra mặt ngay tại địa phương họ cư ngụ, công chứng ủy quyền cho luật sư và có đóng dấu của cơ quan hành chính địa phương và nhiều cơ quan khác nữa – nhưng rõ ràng đây là điều khó khăn, vì chuyện kiện thẳng công ty mẹ ở Formosa là điều mà chính quyền không thích. Thậm chí những người đi kiện ra mặt cũng bị nguy hiểm.

Hơn nữa, những việc kỳ lạ khác cũng xảy ra trùng hợp, là những người có thể trợ giúp cho các nạn nhân hay người lên tiếng cho Formosa như cô Phạm Đoan Trang (Hà Nội), anh Nguyễn Đức Hùng (Hà Tĩnh)… đều bị bắt.

Điều đáng nói là Tòa án ở Đài Loan hình như có sự tác động nào đó, nên họ vẫn kéo dài thời gian về chuyện cần nhân chứng và công chứng, chứ không tuyên bố hết hạn, nên vẫn có hy vọng trong chuyện kiện này. Hiện phía chúng tôi (Linh mục Nguyễn Văn Hùng và các luật sư, tổ chức đang tham gia vụ kiện) đang có thêm một cách làm khác. Nhưng chúng tôi xin lỗi là lúc này chưa thể tiết lộ vì muốn tránh các bất trắc không cần thiết.

Tuấn Khanh: Thưa linh mục, nhưng nói về nhân chứng, thì vẫn có những người từ các địa phương đi kiện đã đào thoát ra nước ngoài vì bị đàn áp, đi lao động ở ngay chính Đài Loan như báo chí đưa tin, vậy mình có thể tận dụng các nhân chứng này được không?

LM Nguyễn Văn Hùng: Chúng tôi cũng đã nghĩ đến điều đó, và may mắn là chúng tôi tìm thấy một số người đã chạy qua Thái Lan, Âu châu và chính ngay Đài Loan, nhưng bản thân vấn đề hành chính khiến họ cũng cần có một thủ tục ở Việt Nam. Vì vậy cũng có cái khó của nó.

Tuấn Khanh: Đài Loan và Việt Nam là hai quốc gia có mối quan hệ ngoại giao khá mong manh, với cái bóng của Trung Quốc luôn đứng giữa. Liệu vụ kiện Formosa này, với tầm mức lớn lao của nó cũng ảnh hưởng đến bộ mặt của  Hà Nội, thì tòa án của Đài Loan có e ngại trong việc xử thẳng tay và sẽ làm bẽ mặt nhiều quan chức Hà Nội?

LM Nguyễn Văn Hùng: Dù tòa án ở Đài Loan là độc lập, nhưng nếu nhìn rõ khung cảnh hiện nay, thì rõ là có nhiều quan hệ và quyền lợi đan chéo nhau, nên riêng tôi nghĩ, tòa án chỉ có thể đáp ứng ở mức 70% hay 80% mà thôi. Tôi đoán như vậy.

Tuy nhiên, Đài Loan đang là điểm nóng trong tầm nhìn của thế giới, nên đảng cầm quyền vẫn muốn hành động với những giá trị mang tính biểu trưng về một đất nước Đài Loan đang tiến bộ và văn minh trong nền dân chủ pháp trị. Nên trong sự cầm quyền của Đảng Dân Tiến, tôi nghĩ vụ kiện của người Việt Nam lúc này cũng có những phần lợi thế nhất định.

Tuấn Khanh: Đã hơn 3 năm theo đuổi vụ kiện này, thưa, linh mục có nhận xét ra sao về thái độ của chính quyền Việt Nam. Cụ thể như Đại sứ quán Việt Nam ở Đài Loan chẳng hạn. Đã có đề nghị nào về việc ngừng vụ kiện hay cao hơn, là đe dọa chẳng hạn?

LM Nguyễn Văn Hùng: Phải nói rằng họ rất kín đáo trong các biểu hiện. Bởi họ biết rằng bất kỳ hành động lộ liễu nào cũng sẽ phát động các sự phản đối của các tổ chức nhân quyền hay môi trường ở Đài Loan. Nhưng tôi tin rằng họ theo dõi, luôn theo dõi rất kỹ. Sở dĩ có nhiều khó khăn trong việc người Việt phản ứng hay đi kiện Formosa, tôi nghĩ đó là chuyện ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp, do tôi tin rằng có các quan chức CSVN đầu tư hay có phần hùn trong hoạt động của Formosa ở Việt Nam. Do đó họ luôn để ý đến các tiến triển của vụ kiện này.

Tuấn Khanh: Về phần báo giới ở Đài Loan thì sao? Họ có hoàn toàn đứng về những nạn nhân?

LM Nguyễn Văn Hùng: Những tờ báo trung thực và độc lập ở Đài Loan thì họ rất giới hạn về tài chánh. Còn lại là phần lớn là báo sống với sự tài trợ kinh tế. Như năm ngoái, Formosa có lợi nhuận đến 8 tỷ Mỹ kim, nên chuyện đó cũng là một thế lực. Báo chí sống và không cần đến sự trợ giúp kinh tế của giới doanh thương không nhiều nên tiếng nói vì nạn nhân cũng ít. Ngay tại Đài Loan, cũng có một làng ung thư liên quan đến Formosa nhưng kiện tụng cũng kéo dài và khó khăn, tiếng nói yểm trợ cũng ít. Bằng tiền và quyền, Formosa đang thao túng mọi thứ, độc đoán, không khác gì nhà nước Cộng sản Việt Nam cả. Dùng tiền của mình, Formosa tác động đến truyền thông nên bài vở về các nạn nhân của họ cũng bị giới hạn.

Tuấn Khanh: Nhiều nhà bình luận cũng như tranh đấu cho sự kiện thảm họa môi trường Formosa ở Việt Nam nói rằng đây không chỉ là câu chuyện môi trường, mà còn là chuyện về nhân quyền. Trong cuộc theo đuổi vụ kiện ở Đài Loan, linh mục đã có bao giờ nhờ đến sự trợ lực của các tổ chức quốc tế như  Human Rights Watch, Amnesty… ?

LM Nguyễn Văn Hùng: Chúng tôi gần đây cũng liên hệ với các tổ chức như Green Peace, Amnesty… và gần đây thì có thêm vài tổ chức để nhờ cậy họ đưa thông tin về vụ kiện này lên các diễn đàn quốc tế. Chúng tôi biết rõ mọi việc không thể nhanh chóng được, mà đó là một cuộc đấu tranh rất dài lâu. Chúng tôi sẽ vẫn phải tiếp tục không ngừng để cố gắng đạt đến một phần nào công lý cho các nạn nhân ở Việt Nam. Khó khăn thì còn nhiều, nhưng nhìn vào những mất mát của người dân trước thảm họa này, chúng tôi biết là mình phải tiếp tục, bất luận như thế nào.

Xin cám ơn linh mục.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Confused Re: Thảm họa môi trường Formosa VN

Post by Sponsored content



Sponsored content


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You can reply to topics in this forum