Our forum runs best with JavaScript enabled !

Đời Công Nhân

View previous topic View next topic Go down

Đời Công Nhân  Empty Đời Công Nhân

Post by LDN Wed Jul 05, 2023 3:20 pm

“Nhật ký” tán gái công nhân: Viên thuốc đắng mang tên “sự thật“

Baophapluat - Thứ Năm 05/06/2014

(PLO) -Sau phóng sự "Đồng ý lên giường sau hai lần gặp mặt" tôi nhận được nhiều phản hồi của độc giả và đồng nghiệp. Đa số ý kiến lên án "nhân vật tôi" và cho rằng các nữ công nhân sống thoáng vì khao khát yêu thương không có tội. Lỗi ở đây thuộc về "đàn ông", những "gã họ Sở" và chính sách chăm sóc đời sống công nhân nữ. Đó cũng chính là một phần sự thật đắng lòng mà tôi ghi nhận được trong những ngày "thâm nhập" thực tế đời sống công nhân KCN Thăng Long.

Đọc kỳ 1 trong loạt bài của tôi, nhiều độc giả và đồng nghiệp nghĩ rằng "cái đêm hôm ây" tôi đã "đi đến Z" với Oanh rồi sau đó còn về viết bài lấy nhuận bút nên dành cho tôi không ít lời "cáo buộc" nặng nề.
Sự thật thì khi Oanh bẽn lẽn im lặng trước đề nghị của tôi, tôi đã chở Oanh tới một quán cà phê sáng sủa và thú nhận mình là phóng viên đi "thực tế" để viết bài phản ảnh đời sống công nhân.
Dĩ nhiên là Oanh rất sốc, rất giận tôi nhưng trước sự chân thành của tôi, Oanh dần nguôi ngoai và đồng ý trở thành "nhân vật" của tôi. Tôi nói với Oanh, tôi muốn cùng em nói lên sự thật, dù rất đắng lòng nhưng sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những chị em còn đang nhẹ dạ, như thiêu thân lao vào các cuộc tình chớp nhoáng, để nhận lại là ê chề, đắng cay, thậm chí mất cả cơ hội làm mẹ.

Oanh tâm sự, khi còn ở dưới quê, em cũng nhút nhát trong chuyện tình cảm, nghĩ rằng chỉ "trao thân" cho người là chồng mình. Thế nhưng sống ở nơi này, giữa hàng trăm bạn gái "hễ yêu là vào nhà nghỉ", em dần thay đổi quan niệm, trở nên dễ dãi từ khi nào chính em cũng không hay.

“Nhật ký” tán gái công nhân: Viên thuốc đắng mang tên “sự thật“ ảnh 1
Bữa cơm nghèo nàn của nữ công nhân
Thanh Hòa, công nhân Công ty Panasonic bạn của Oanh thì ngậm ngùi lý giải: “Lương thấp, mọi thứ đều rất khó khăn, đi chợ chúng em chỉ dám mua rau, đậu, lạc, sang lắm thì mua những con cá nhỏ về kho mặn, ăn dè. Để có thêm thu nhập, chúng em phải tăng ca triền miên, làm thêm tối ngày nên ít được tiếp xúc với bên ngoài xã hội. Thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hầu như là không có, mỗi năm thêm một tuổi, càng ngày càng thấy cơ hội lấy được chồng ngắn lại. Thế là có ai ngỏ lời thì yêu thôi, không yêu thành "bà cô" thui thủi tối ngày trong khi bạn bè còn có một bờ vai để nương tựa".
Nguyễn Tú Uyên, công ty Canon cũng than thở: “Một ngày em làm việc 12 giờ, đi làm về đến phòng, sau khi ăn uống xong chỉ biết đi ngủ, không có quan hệ nhiều với bạn bè và người xung quanh vì có nhiều vấn đề phức tạp. Sách báo thì chẳng bao giờ đọc, xem ti vi, nghe đài rất ít vì muốn xem tivi phải đi xem nhờ nhà chủ. Cuộc sống buồn tẻ thể nên chúng em khao khát yêu đương là bình thường, có điều nhiều chị em không tỉnh táo nên “vội vàng” mang tình cảm khát khao của mình ra để cho “bằng chị bằng em”, sau những cuộc tình chóng vánh, tan vỡ, không ít chị em bẽ bàng nhận về mình hậu quả".

Oanh chia sẻ bạn của em không ít người đã phải nạo, hút thai sau khi bị bạn trai “quất ngựa truy phong”, hoặc sinh con ngoài ý muốn rồi đem vào chùa gần đó nhờ nuôi hộ. Nhiều cô trở thành “gái gọi”, bồ nhí của những người đàn ông đã có gia đình.
Cái nghèo dẫn đến làm liều túng quẫn, khi trót mang thai, vì không có tiền, nhiều nữ công nhân đã chọn cách tự phá thai bằng thuốc. Bác sĩ Đinh Thị Dung, chuyên khoa sản bệnh viện Nam Thăng Long, cơ sở 2 (Bắc Thăng Long) cho biết: “vì ngại và xấu hổ, rất nhiều trường hợp các công nhân lên mạng học cách phá thai bằng thuốc, do không được sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, dẫn đến tai biến sau khi uống thuốc, như mất máu nhiều nếu không kịp thời cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng”.
Vinh- người dẫn tôi lên KCN này cũng ngán ngẩm thốt lên " Ông xem, khu vực này có đến 6 vạn công nhân là nữ, cơ hội tìm bạn trai nào có dễ dàng. Nên khi cơ hội đến, họ yêu chóng vánh, trao thân vội vàng. Nơi đây quả là “miền đất hứa” để những anh chàng họ Sở tha hồ “khai thác”.

Trung tá Nguyễn Văn Ngân, trưởng đồn công an Bắc Thăng Long cũng nhận xét: nữ công nhân thiếu thốn tình cảm dẫn đến nạn yêu đương chóng vánh, không những bị “lừa” tình mà còn bị lừa đảo tài sản. "Mới đây có nữ công nhân quen bạn trai trên mạng, chưa được một tuần đã rủ nhau đi chơi, trong khi ngồi tâm sự với nhau thì bạn trai mượn xe đi đón bạn, sau đó “mất hút” cùng chiếc xe máy mới mua", trung tá Ngân cho biết.

Tìm một giải pháp khả thi
Theo khảo sát của phòng Văn hóa cơ sở, Ban tuyên giáo, Tổng LĐLĐVN thì do việc tiếp cận với những thay đổi của đời sống văn hóa xã hội của các nữ công nhân bị hạn chế, thu hẹp dẫn đến nhu cầu giải trí tinh thần bị giảm sút. Công nhân phần lớn sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm nên tình trạng nam nữ chưa kết hôn cùng sống chung thiếu lành mạnh, đang là vấn đề đáng báo động. Trong đó nổi lên sự sa sút trong đời sống của các nữ công nhân, họ có ít cơ hội giao lưu, tìm hiểu kiến thức sống.
Mang theo lời nhắn gửi của Oanh "khi nào thì công nhân chúng em có ký túc xá đàng hoàng để ở, lương được cải thiện, đời sống tinh thần được nâng cao, nhiều cơ hội giao lưu với bên ngoài, khi nào thì ước mơ có một tấm chồng tử tế không còn là xa xỉ với nữ công nhân", tôi đã gõ cửa các cơ quan có trách nhiệm và nhận được câu trả lời chung: Đã nắm được tình hình, đang tìm giải pháp khắc phục.

Ông Vũ Quang Thọ cho rằng lương công nhân không đủ sống là một điều xót xa...
Về vấn đề lương, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nhân và công đoàn cho biết: Dù được cải thiện khá nhiều, nhưng tiền lương chỉ giúp công nhân giải quyết được gần 60% mức sống tối thiểu. Tiền lương như vậy chỉ để cho người ta tồn tại, để làm việc và sáng tạo thì khó đáp ứng được. Trong khi đó, Hội đồng tiền lương quốc gia của Nhà nước đã đặt ra lộ trình từ nay đến năm 2018, tiền lương công nhân sẽ tiếp cận mức sống tối thiểu.

Mức lương công nhân vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu, trong khi vấn đề nhà ở cho công nhân ở các KCN cũng rất khó khăn. công nhân tại các KCN tự lo chỗ ở là chính. Trong cơ cấu tiền lương của công nhân họ phải chi một khoản không nhỏ cho nhà ở. Để tiết kiệm, nhiều nữ công nhân phải thuê những gian nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp để sống. Hiện Tổng LĐLĐVN đang đẩy nhanh tiến độ trình dự thảo Luật Tiền lương tối thiểu trong năm 2014 nhằm đảm bảo tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu của công nhân lao động.

Bên cạnh đó, hầu hết các KCN chưa có đủ nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần phục vụ công nhân. Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng phòng, Phòng văn hóa cơ sở, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thừa nhận: “Cuộc sống tinh thần của công nhân KCN Thăng Long quá nghèo nàn, nhà ở phải đi thuê, không tivi, không đài, không sách báo, nhà văn hóa dành cho khu công nhân không có. Lương thấp, cường độ làm việc rất cao, không đủ tiền cũng như thời gian cho họ đến những nơi vui chơi giải trí khác, dẫn tới việc các công nhân dễ sa ngã vào những tệ nạn xã hội”.

Theo bà Hà, hiện Tổng LĐLĐVN đã và đang khảo sát các hoạt động, đồng thời kiến nghị đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Bà Lưu Thị Hồng cho rằng cần trang bị kiến thức sinh sản cho nữ công nhân trước khi quá muộn.
Trong lúc chờ sự "vào cuộc" của các cơ quan chức năng, theo bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng vụ Sức Khỏe Bà Mẹ Trẻ Em, Bộ y tế thì cần tìm hiểu kỹ thực trạng đời sống nữ công nhân trong các KCN. Trong đó cần lưu ý rằng ở lứa tuổi các em, khi xa quê lên thành phố làm việc, suy nghĩ và lối sống sẽ có sự thay đổi. Việc xa gia đình, không ai quản lý dễ dẫn các em tới tâm lý thoải mái tự do, nảy sinh lối sống “buông thả”, yêu đương “dễ dãi".

"Quan niệm tự do và “dễ dãi” trong yêu đương sẽ dẫn đến việc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Công nhân nữ lại không có nhiều kiến thức sinh sản nên dễ mắc phải các bệnh lây qua đường tình dục và có thai ngoài ý muốn. Thiếu hiểu biết về kiến thức tránh thai nên sau khi quan hệ các cô mua thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc khi phát hiện mang thai lại có tâm lý sợ mọi người biết nên giấu diếm đi phá thai. Việc tới các phòng khám tư nhân để phá thai hoặc dùng thuốc mà không được tư vấn hay tuân thủ điều trị, biện pháp phòng tránh thai sẽ gây nguy hiểm, thậm chí gây vô sinh sau này. Đây là vòng luẩn quẩn và khi tìm giải pháp khắc phục cần phải "phá" vòng luẩn quẩn đó trước tiên", bà Hồng nhận định.

Một yếu tố quan trọng, theo bà Hồng thì công tác tuyên truyền sức khỏe sinh sản cần được tăng cường. Ngoài việc tuyên truyền tại các khu nhà trọ công nhân và tuyên truyền cho nữ công nhân còn cần tuyên truyền tới đối tượng nam công nhân.
"Không chỉ các cấp công đoàn mà chính các doanh nghiệp sử dụng lao động và ngành y tế địa phương phải ý thức được trách nhiệm của mình và cần sớm nỗ lực vào cuộc. Bản thân nữ công nhân cũng không thể thờ ơ trước cuộc sống của mình. Chính các bạn nữ công nhân phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho mình trước khi quá muộn", bà Hồng chia sẻ.

Thay lời kết
Tôi hứa với Oanh và các bạn của em, sẽ đóng tặng khu nhà trọ của em một giá sách với một ít sách báo. Một chị bạn ở trung tâm tư vấn tình cảm cũng gom được sách và những chuyện tình huống hàng ngày về tình yêu, hôn nhân, gia đình và hứa sẽ chuyển lên KCN tặng cho khu nhà trọ của Oanh. Tôi tin rằng sau những "cái giá phải trả" mà họ nhìn thấy từ bạn bè mình, từ những "bọc ni lon đựng hài nhi" vứt ven đường gây chấn động, những cuốn sách nhỏ bé sẽ "làm người bạn gối đầu giường", góp phần thay đổi nhận thức của nữ công nhân về cuộc sống và tình yêu. Còn một sự chuyển biến tích cực thực sự, sẽ chỉ có khi các cấp công đoàn và chính chủ sử dụng lao động trong KCN "vào cuộc", mong rằng họ không "vô cảm, thờ ơ"...

Nhật Anh


Last edited by LDN on Sat Jul 08, 2023 3:41 am; edited 1 time in total

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Đời Công Nhân  Empty Re: Đời Công Nhân

Post by LDN Sat Jul 08, 2023 3:16 am

Người lao động lớn tuổi khó tìm việc làm mới tại TP.HCM

 07/07/2023 - baolaođong

(LĐTĐ) Hiện nay phần lớn lao động phổ thông trên 40 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vẫn đang loay hoay tìm việc sau khi bị cắt giảm lao động. Phần lớn họ phải quay về quê, do ở TP.HCM không còn nhiều cơ hội việc làm dành cho những người lớn tuổi như họ.

Bà Phạm Thị Dung (53 tuổi, quê An Giang) từ quê lên TP.HCM xin vào Công ty TNHH PouYuen Việt Nam làm việc cách đây 17 năm. Kể từ đó, bà gắn bó với công ty với mức lương ổn định, đủ để đảm bảo cuộc sống hằng ngày. Cho đến tháng 2/2023, bà Dung nhận được tin mình nằm trong danh sách hơn 2.000 công nhân bị cắt giảm do công ty gặp khó khăn. Dù sau đó sẽ nhận được trở cấp, nhưng bà vẫn lo lắng vì ở đuổi tuổi 53, công việc dành cho bà sẽ ít đi.

Thu nhập từ đồng lương công nhân trước đây của bà Dung để lo toan phần lớn chi phí trong nhà, nhưng từ khi mất việc, mọi chi tiêu đều trông vào đồng lương không ổn định của chồng là lao động tự do nên cuộc sống vốn khó khăn thì nay càng chồng chất khó khăn.

Lao động tuổi cao như bà Dung khó tìm được việc làm mới sau khi bị cắt giảm.

Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, bà Dung tính đi bán vé số nhưng do tuổi đã cao, sức khoẻ không còn như trước nên gia đình khuyên bà nên tiếp tục ở nhà. Không có việc làm, không có thu nhập bà Dung cùng chồng buộc phải chi tiêu tiết kiệm, chờ nhận bảo hiểm thất nghiệp xong bà sẽ về quê sinh sống.

Cũng làm tại Công ty PouYuen, chị Nguyễn Thị Hải (41 tuổi, ngụ quận Bình Tân) hiện đang mang thai tháng thứ 8, nên trong nhiều đợt cắt giảm vừa qua, chị không nằm trong danh sách bị cắt giảm. Tuy nhiên, sau thời gian sinh con, chị lo rằng việc mình bị sa thải là điều có thể xảy ra nếu công ty tiếp tục gặp khó khăn như hiện tại.

"Tôi làm ở công ty được 20 năm, nên tiền lương hiện tại cũng rất tốt. Nhưng do công ty khó khăn, khu làm việc của tôi thời gian qua bị giảm giờ làm, giảm công nhân liên tục. Do tôi mang thai nên được công ty giữ lại, nhưng tương lai không biết sẽ ra sao. Tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý, sau này nếu bị cắt giảm thì sẽ về quê nuôi con nhỏ, ổn định rồi vào TP.HCM làm việc tiếp", chị Hải cho hay.

Mặc dù có thâm niên 20 năm làm việc nhưng chị Hải vẫn lo ngại sẽ bị cắt giảm nếu công ty tiếp tục gặp khó khăn.

Theo chị Hải, thời gian qua chị và các công nhân tại Công ty PouYuen được cho nghỉ luân phiên nhưng vẫn có lương, nên cuộc sống cũng không quá khó khăn, dù thu nhập không cao như trước. Vào thời điểm này, việc làm là điều quan trọng nhất với chị vì với độ tuổi ngoài 40 để tìm việc làm mới là điều không dễ.

Thực tế tại TP.HCM hiện nay, hiếm doanh nghiệp sản xuất nào tuyển dụng công nhân trên 40 tuổi, nhất là ở các lĩnh vực cần tốc độ cao và tốn nhiều sức như may mặc, cơ khí, chế biến gỗ... nên những người lớn tuổi như các trường hợp trên khó khăn trăm bề khi đi xin việc mới.

Theo thông báo tuyển dụng của một hệ thống khách sạn đang có nhu cầu tuyển nhiều nhân viên vị trí buồng, phòng, kế toán nội bộ, tiền sảnh - bảo vệ với mức lương cao nhất 8 triệu đồng, nhưng cũng chỉ tuyển dưới 35 tuổi. Tương tự, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ làm đẹp cũng chỉ tuyển lao động từ 18-35 tuổi, có tay nghề.

Trao đổi với Báo Lao động Thủ đô, ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cho rằng, đa số các doanh nghiệp khi tuyển dụng thì đều ưu tiên độ tuổi "vàng", khoảng từ 30 tuổi trở xuống để đảm bảo năng suất làm việc. Đối với người lao động trên 40 tuổi, vẫn còn công việc cho họ, tuy nhiên sẽ khó khăn hơn và ít sự lựa chọn hơn so với độ tuổi "vàng".

Người lao động lớn tuổi ở TP.HCM được tư vấn việc làm miễn phí tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM.

"Xu thế hiện nay đa số người lao động đều muốn về quê để làm việc, vì ở quê có nhiều lợi thế như gần nhà, không tốn tiền trọ, tiền sinh hoạt thấp... Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đã mở rộng ra các tỉnh lân cận để tận dụng lợi thế giá thuê đất rẻ, chi phí nhân công thấp để sản xuất, từ đó cơ hội việc làm cho người lao động cũng nhiều hơn", ông Thắng cho biết.

Theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, tại Công ty Pouyuen hồi cuối tháng 5/2023, có khoảng 50% công nhân bị cắt giảm có nhu cầu trở về quê để làm việc. Trong đó, nhiều nhất là lượng công nhân ở tỉnh Long An, Tiền Giang chiếm tổng gần 70% số lượng công nhân muốn về quê làm việc.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố ghi nhận 82.589 lao động nghỉ việc, làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 5.000 người so với cùng kỳ. Trong đó nguyên nhân chính dẫn đến số người lao động nghỉ việc gia tăng là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn đến giảm giờ làm, thiếu việc, giảm nhân công.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, để hỗ trợ người lao động bị ngừng việc, thất nghiệp, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện để nắm tình hình thông qua các cơ chế kiểm tra, giám sát cũng như thông tin của đoàn thể, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP.HCM cũng như LĐLĐ các địa phương.

"Có những doanh nghiệp khó khăn nhưng cũng có những doanh nghiệp đang có nhiều đơn hàng và có nhu cầu tuyển dụng. Trách nhiệm của Trung tâm dịch vụ việc làm là sẽ nắm nhu cầu lao động của doanh nghiệp có nhu cầu tuyển và nhu cầu giảm để kết nối nguồn lực công nhân với các doanh nghiệp cơ nhu cầu", ông Lê Văn Thinh cho biết.


Last edited by LDN on Sat Jul 08, 2023 3:42 am; edited 1 time in total

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Đời Công Nhân  Empty Re: Đời Công Nhân

Post by LDN Sat Jul 08, 2023 3:29 am

Công nhân tụt huyết áp, trắng đêm chờ… sa thải

Nguyễn Vy

Thứ sáu, 07/07/2023 - dantri

(Dân trí) - Nhìn đồng nghiệp lần lượt dọn đồ về quê do bị cắt giảm biên chế, nhiều công nhân cũng mất ăn mất ngủ. Nếu mất việc lúc này, họ không biết đi đâu, về đâu.

Thấp thỏm chờ... gọi tên

"Sáng hôm qua nghe đồng nghiệp nói công ty thông báo ai muốn nghỉ việc thì lên ký tên, sắp có đợt giảm nhân sự tiếp. Nghe xong… tụt huyết áp, choáng váng luôn, tối về bỏ cơm, ăn gì nổi nữa", chị Bích Tuyền (35 tuổi, quê tại tỉnh An Giang) thở dài tâm sự. 

Bữa cơm 4 miệng ăn theo kiểu "thắt lưng buộc bụng" chỉ đơn sơ 2 món canh và cá (Ảnh: Nguyễn Vy).

Từ đầu năm đến nay, không đêm nào chị Tuyền ngủ ngon khi vài bữa lại nghe tin đồng nghiệp thân thiết nằm trong danh sách giảm biên chế. Đồng nghiệp bị sa thải có người lớn tuổi, có người chỉ ngoài hai mươi, Tuyền không dám chắc mình sẽ được giữ lại.

"Đêm nào cũng nhìn trần nhà thiệt lâu, tự hỏi sao đời công nhân khổ quá. Đi làm mà lúc nào cũng sợ sẽ tới lượt mình bị đuổi", chị Tuyền chua chát nói.

Sống trong khu trọ tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM, chị Tuyền chỉ tay về các phòng bên cạnh, nói: "Đây, phòng này có người đang mang thai nhưng bị giảm giờ làm. Tuần làm có vài buổi thôi. Còn phòng ở cuối, tuần trước không thấy đi làm nên chị ấy về quê cả tuần luôn".

Dãy trọ trong con hẻm treo biển cho thuê phòng liên tục, do công nhân thất nghiệp về quê càng nhiều (Ảnh: Nguyễn Vy).

Như lời chị Tuyền nói, hầu như các công nhân còn trụ lại tại con hẻm nổi tiếng là "thủ phủ" nhà trọ ở Bình Tân, đều bị giảm giờ làm hoặc không được tăng ca. Riêng chị Tuyền, có tháng chị chỉ được đến công ty làm từ 3-4 ngày/tuần. Ngày nhận phiếu lương, nhìn thấy con số chỉ hơn 7 triệu đồng, chị Tuyền không tin nổi vào mắt mình.

Sống tại căn trọ nhỏ cùng chồng và 2 con, chỉ tính riêng tiền học, tiền ăn của 2 đứa con, chị đã phải chi hơn 7 triệu đồng/tháng. Những ngày phải nghỉ việc, chị nhận hành về lột vỏ kiếm tiền, 5.000 đồng/kg. Vì không có kinh nghiệm, chị cố lắm cũng chỉ làm được khoảng 7 kg/ngày.

Không chỉ chị Tuyền, chồng chị cũng thấp thỏm lo sợ khi công ty sắp bước vào đợt giảm biên chế mới (Ảnh: Nguyễn Vy).

Làm công nhân đã 18 năm, số tiền tích cóp của chị chưa đầy 30 triệu đồng. Giờ đây, khi bị giảm giờ làm, giảm lương, chị sợ vợ chồng sẽ không trụ nổi ở Sài Gòn. 

"Chồng tôi cũng vừa nghe thông báo công ty sẽ giảm biên chế trong tháng 10 nên chúng tôi lo lắm. Giờ kiếm việc khó, thất nghiệp không biết sống sao. Giờ nghe ai than đi làm mệt tôi buồn lắm, có được công việc lúc này đã là quý rồi", chị Tuyền nói.

Vỡ mộng "đời công nhân"

Cùng cảnh ngộ với chị Tuyền, chị Lam (công nhân may, 31 tuổi, quê tại tỉnh Tiền Giang) cũng không được tăng ca mấy năm nay. Mức lương cơ bản chỉ giúp chị sống tạm bợ qua ngày. Chồng chị là lao động tự do, thu nhập mấy năm nay cũng bấp bênh nên phải gửi con về quê nhờ nhà nội chăm sóc. 

"Giờ chờ khi nào bị công ty đuổi thì về quê ở với con luôn. Chồng tôi chắc sẽ vẫn ở đây làm tiếp, miễn sao có tiền nuôi con là được", chị Lam nói.

Tốt nghiệp trung cấp ngành dược, chị Lam bỏ nghề do lương thấp. Nghe nói làm công nhân lương cao hơn, chị nộp đơn xin việc ngay khi tốt nghiệp. Thế nhưng, làm nhiều năm, chị chợt "vỡ mộng" vì đồng lương bạc bẽo chỉ vừa đủ sống. Bỏ làm dược sĩ đi làm công nhân, giờ chị Lam mới ngậm ngùi nếm vị "đắng".

Không chỉ chị Lam, chị Bích Tuyền cũng từng rời quê vào năm 15 tuổi lên TPHCM lập nghiệp với bao niềm mơ ước đổi đời. Nhưng giờ đây, lo mỗi bữa ăn hàng ngày đã khó, chị chẳng dám mơ ước thoát khỏi cảnh sống trong căn trọ chưa đầy 20m2.

Nhìn đứa con lớn lên trong sự thiếu thốn, chị Tuyền không khỏi nghẹn ngào (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Tha phương mất chục năm mà không mua nổi cái nhà để ở. Vợ chồng con cái cứ sống cảnh nghèo không biết đến khi nào. Tôi thì không dám về quê, vì sợ người ta nói xa quê mất chục năm mà lại về tay trắng", chị Tuyền nghẹn ngào.

Cách đây vài tuần, chị Hương (29 tuổi, ngụ phường Tân Tạo, Bình Tân) nhận quyết định cho thôi việc sau gần 10 năm gắn bó ở công ty. Chị có hai người con, con nhỏ nay 2 tuổi, con lớn thì sắp vào lớp 2. Chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào đồng lương của chồng.

Chị Hương sau nhiều lần chứng kiến cảnh đồng nghiệp "khăn gói" về quê, nay buồn rầu vì cũng đã đến lượt mình bị sa thải (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Một tháng chị phải chi trả hơn 2 triệu đồng tiền trọ, ăn uống một ngày cũng hơn 200.000 đồng. Tiền học của con cũng hơn 3 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền tã sữa. Nay mất việc rồi không biết phải làm sao, cũng nghĩ tới chuyện về quê rồi", chị chia sẻ.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Đời Công Nhân  Empty Re: Đời Công Nhân

Post by LDN Sat Jul 15, 2023 2:57 pm

Chị Đặng Thị H làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Bảo Hân

Mất việc, lao động lớn tuổi sống bấp bênh

BẢO HÂN LDO  13/04/2023

“Dành cả thanh xuân” làm công nhân tại doanh nghiệp, nhưng ở độ tuổi 35-40, nhiều người lao động không được ký tiếp hợp đồng lao động. Mất việc, nhiều người hoang mang, lo lắng vì khó kiếm được công việc mới. 

Không được ký tiếp hợp đồng 

Vẻ mặt chị Đặng Thị H bất an khi ngồi chờ đến lượt giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang.

Sau nhiều năm làm việc tại một doanh nghiệp điện tử của tỉnh Bắc Ninh, mới đây, khi kết thúc hợp đồng lao động thời hạn 5 năm, chị không được công ty ký tiếp, mặc dù rất mong muốn được làm việc tiếp. Dù rất buồn, nhưng nữ công nhân 40 tuổi này đành chấp nhận. “Nhiều lao động lớn tuổi cũng rơi vào tình cảnh như tôi. Tôi nghĩ công ty không ký tiếp hợp đồng với những lao động già để tiết kiệm chi phí, thay thế bằng những người trẻ hơn, khỏe hơn, trả lương ít hơn, có năng suất cao hơn” - chị H chia sẻ.

Tổng số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của chị H là 125 tháng; mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là 3.768.000 đồng, được trả trong vòng 10 tháng (từ 29.3.2023 đến 28.1.2024).

“Trước mắt, tôi hưởng khoản trợ cấp này để có tiền trang trải cuộc sống. Nếu xin được công việc mới, tôi sẽ tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để sau này được hưởng lương hưu” - cầm quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên tay, nữ công nhân buồn bã nói.

Chị H dự định sẽ cố gắng xin công việc mới để tiếp tục được đóng nối vào 17 năm tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng vẫn rất bi quan về cơ hội kiếm công việc mới. “Rất ít công ty tuyển công nhân đã lớn tuổi như tôi. Hơn nữa, sau rất nhiều năm làm việc với những thao tác đơn giản, tôi không tích lũy được kỹ năng đặc biệt nào để có lợi thế xin việc mới” - chị bày tỏ.

Chị H dự định, nếu không xin được công việc chính thức, chị sẽ đi làm công việc thời vụ. Chị đã tìm hiểu công việc nhặt chỉ may ở quê (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), mỗi ngày làm việc từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối, được trả 150.000 đồng. “Như vậy, mỗi tháng tôi có thu nhập khoảng 4,5-5 triệu đồng, không được đóng bảo hiểm xã hội” - chị nhẩm tính. Chồng chị H làm nghề tự do, thu nhập không ổn định. Phải nuôi 4 người con, những ngày sắp tới của hai vợ chồng này sẽ càng chật vật, khó khăn hơn...

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Đời Công Nhân  Empty Re: Đời Công Nhân

Post by LDN Sat Jul 15, 2023 3:00 pm

Danviet.vn - 08/07/2023

Lao động lớn tuổi chật vật tìm việc

Theo Lao Động

Rời công ty vì môi trường độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe, chị Phạm Thị Nguyệt (49 tuổi, Nam Định) cảm thấy mệt mỏi mỗi khi cầm hồ sơ đi tìm việc mới.

"Hỏi 5 công ty nhưng không ai thuêmột người lớn tuổi về làm việc vì lý do yếu cả sức khỏe lẫn kỹ năng" - chị Nguyệt nói.

Sau khi đến trực tiếp phòng tuyển dụng của 5 công ty, chị Nguyệt đều nhận lại sự từ chối ngay từ lúc xem hồ sơ. Người tuyển dụng nói thẳng ở tuổi của chị, công ty bắt đầu sa thải rồi chứ không nhận thêm người nữa.

Lao động lớn tuổi chật vật tìm việc - Ảnh 1.
Các công ty đều ưu tiên người trẻ vì cho rằng lớp trẻ năng động, tiếp thu cái mới nhanh. Ảnh: Mạnh Cường.

"Các công ty đều cho rằng người lớn tuổi như chúng tôi không còn đủ minh mẫn và nhanh nhẹn để làm việc. Điều này dễ dẫn đến việc hàng hóa bị hư hỏng hoặc ùn hàng ảnh hưởng đến cả dây chuyền. Mặc dù tôi đã cố gắng thuyết phục nhưng không ai dám nhận vào làm" - chị Nguyệt chia sẻ.

Trước mắt vì chưa có công ty nào nhận vào làm nên chị Nguyệt quyết định quay trở lại công việc cũ là đi câu cáy. Mỗi sáng, chị dậy từ 5h, chuẩn bị cơm nước ra đến bãi cáy là gần 6h sáng, câu đến tầm 10h được 1kg cáy thì về. Thu nhập một buổi sáng từ tiền cáy được 100.000 đồng/kg.

Hai con gái lớn đã lấy chồng và hàng xóm đều khuyên chị tuổi này nên nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhàng nhưng chị Nguyệt không cho là vậy. Bởi chị nghĩ bản thân còn khá trẻ và khỏe so với tuổi, không muốn phụ thuộc vào con cái. Thêm nữa, đứa út nhà chị mới lên đại học nên chi phí vẫn khá tốn kém.

Gần đây, chị Nguyệt mang hồ sơ đến một công ty nhỏ đang thiếu nhân sự thì được yêu cầu phải có tay nghề may nhưng chị chưa từng làm công việc này. Nếu có tay nghề, công ty mới nhận đến 50 tuổi.

Chưa đến tuổi 45 nhưng anh Nguyễn Đức Kiên (42 tuổi) ngụ tại quận Đống Đa, Hà Nội cũng cảm thấy bế tắc khi thử tìm kiếm công việc mới vì hơn một tháng nay, dò hỏi ở rất nhiều nơi, ở đâu cũng chỉ tuyển người trẻ. Ngoài ra, các công ty sửa chữa điện lạnh, điện dân dụng yêu cầu cao hơn, cần người có bằng cao đẳng trở lên.

"Bây giờ, các công ty đều ưu tiên người trẻ vì họ cho rằng lớp trẻ năng động, tiếp thu cái mới nhanh hơn chúng tôi. Một số công ty còn yêu cầu phải có bằng cao đẳng để phù hợp với quy định của pháp luật và được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Tuy nhiên, có những lỗi chỉ người kinh nghiệm lâu năm như chúng tôi mới biết để sửa" - anh Kiên cho hay.

Hiện tại, anh Kiên đang làm kỹ thuật viên sửa chữa, lắp đặt điều hòa, bình nóng lạnh. Tuy nhiên, công việc chủ yếu được giao làm ở ngoài trời vô cùng nóng bức, vất vả nên anh mới có ý định chuyển đổi công việc làm ở trong nhà.

Lao động lớn tuổi chật vật tìm việc - Ảnh 2.
Nắng nóng, vất vả khiến anh Kiên muốn chuyển đổi công việc mới. Ảnh: Mạnh Cường.

Hơn nửa năm nay, anh Kiên đã xin công ty cho làm việc trong nhà nhưng nhân lực thiếu nên vẫn chưa sắp xếp được. Làm việc ngoài trời, nếu không có sức khỏe rất dễ say nắng, ngã xuống đất vô cùng nguy hiểm.

Nói về dự định sắp tới, anh Kiên cho biết sẽ cố gắng làm thêm một vài năm nữa đến khi đứa lớn học xong đại học sẽ về quê. Lúc đó, kinh tế đã tạm ổn định, không phải chi tiêu nhiều, anh dự định mở một tiệm sửa chữa nhỏ để có thêm thu nhập.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Đời Công Nhân  Empty Re: Đời Công Nhân

Post by LDN Sat Dec 09, 2023 3:37 am

Công nhân thất nghiệp mong sớm trả được hết nợ để về quê

25/05/2023 - st

Ở tuổi ngoài 50, nhiều người vẫn cố gắng bám trụ từng ngày trên vùng đất được mệnh danh là nơi có thu nhập hàng đầu cả nước với mong cầu có thể trả hết nợ rồi về quê. Nhưng mọi thứ đã thay đổi quá nhanh...

Nhặt măng cụt thuê ở "thủ phủ" Bình Dương, cứu cánh tạm thời cho công nhân thất nghiệp
Hàng loạt dãy trọ ở Bình Dương lâm cảnh đìu hiu vì công nhân mất việc
Công ty PouYuen dự kiến cắt giảm khoảng 5.744 lao động, nữ chiếm hơn 80%

Làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự và giờ làm của các xí nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh Bình Dương buộc nhiều công nhân phải khăn gói về quê kiếm sống. Bình Dương từng là "miền đất hứa" với họ, rời xa nó trong hoàn cảnh hiện tại không phải điều dễ dàng.

"Công ty không có đơn hàng nên cắt giảm, ở lại không có việc tiền đâu trả tiền trọ", một công nhân rưng rưng mắt.

Công nhân trăn trở đường về quê
Cùng chồng từ Cà Mau lên Bình Dương làm thuê đã nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Minh (SN 1969) luôn ấp ủ giấc mơ ngày được trở về nhà. Căn bệnh vảy nến, hở van tim 3 lá đã khiến người phụ nữ này mất khả năng lao động, "chôn chân" trong căn phòng trọ chật hẹp, đúng kiểu dãy trọ khu công nghiệp. Kinh tế chính của gia đình bà hàng chục năm trời phụ thuộc vào đồng lương của chồng - hiện tại chỉ còn khoảng 4-5 triệu mỗi tháng.

Công nhân ở Bình Dương thất nghiệp trăn trở đường về quê

"Mỗi tuần ông ấy làm 2 - 3 ngày công. Ngày trước mỗi ngày ăn 50 ngàn thì nay mình ăn chỉ 20 - 30.000 ngàn.

Khó khăn thì ai cũng khó khăn, lãnh lương ra mình để lại 500.000 phòng thân, lỡ khi bị bệnh còn xoay xở kịp. Nếu tháng đó không bệnh thì xem như mình còn 500.000, còn bệnh thì coi như mất. Ở quê mình còn đi bắt cua bắt ốc được, còn ở đây chỉ đi làm như vậy thôi chứ đâu còn làm gì được nữa", bà Minh tâm sự.

Công nhân ở Bình Dương rơi nước mắt trước đà mất việc: "Phải về quê chứ, đó là xứ sở của mình mà"  - Ảnh 2.
Bà Nguyễn Thị Minh

Như một cách để dần thực hiện hóa ước mơ hồi hương, vợ chồng bà Minh dựng một ngôi nhà nhỏ ở quê (Cà Mau). Ngôi nhà được dựng từ số tiền vợ chồng bà dành dụm sau nhiều năm tha phương cầu thực và vay thêm của người thân. Hai vợ chồng xem như có nơi dưỡng già. Tới giờ, ở tuổi ngoài 50, vợ chồng bà Minh vẫn cố gắng bám trụ từng ngày trên vùng đất mệnh danh thu nhập cao hàng đầu cả nước, mong trả hết nợ để về quê.

"Muốn về quê lắm chứ nhưng khó, xây được cái nhà nhỏ nhỏ không có gì ở trong. Chỉ chờ chồng trả hết nợ để về".

Chẳng thế mà bà Minh xúc động ra mặt khi có người hỏi tới 2 chữ 'về quê'. Mặt bà Minh ửng đỏ, 2 dòng nước mắt bất giác lăn dài. Đưa vạt áo quẹt mắt, bà Minh run giọng:

"Phải về chứ, quê hương xứ sở mình mà. Tôi chứng kiến, ở dưới quê khổ, người ta mới lên đây nhưng lên đây nửa tháng xin đủ thứ việc mà không có, phải bán bông tai để lấy tiền mua vé xe về. Tháng trước người ta lên rồi về nhiều lắm".

Ông Trần Văn Xuân (59 tuổi, quê Bạc Liêu) là hàng xóm cùng dãy trọ với bà Minh nhiều năm nay. Không nhà, không đất, cả gia đình 5 người của ông Xuân cùng lên Bình Dương kiếm sống. Làm công nhân, mỗi người trong gia đình ông đều có thu nhập hiện tại khoảng 4-5 triệu đồng. Cuộc sống hiện tại bấp bênh nhưng đường về quê xem ra cũng khó khăn không kém.

Gia đình ông Xuân

"Tôi ở đây 12 năm, chưa bao giờ thấy cảnh này. Họ đi làm bấp bênh lắm nên phải đi đây đi kia kiếm kế sinh nhai, ở lại không làm được, đưa hồ sơ không ai nhận, người lớn tuổi bị sa thải. Định giữ trẻ nhưng không có trẻ để giữ, đa số đều chọn đi bán vé số. Nhưng bây giờ người bán còn nhiều hơn cả người mua. Lớn tuổi không làm được, ra ngoài mua thiếu (vé số - PV) người ta không bán.

Không có đất ở quê về làm sao sống, người có đất người ta còn bỏ lên này sống, tôi định già làm không nổi thì về luôn, che tạm một cái nhà để ở chứ không lên lại", ông Xuân chạnh lòng nói.

Công nhân ở Bình Dương rơi nước mắt trước đà mất việc: "Phải về quê chứ, đó là xứ sở của mình mà"  - Ảnh 4.
Những khu trọ giờ đây thưa thớt người qua lại.

Để có thêm thu nhập, ông Xuân nhặt ve chai quanh khu trọ rồi đem bán. May thì cũng đủ tiền gạo trong nhà.

"Tôi không có vốn nên không đi thu mua, tôi đặt một cái bao trước hẻm, ai có gì cho đó, cuối tháng tôi gom lại rồi bán, được đồng nào hay đồng đó.

Ngày trước đủ ăn đủ sống, sau này thay đổi từng ngày một. 12 năm qua không năm nào thay đổi như vậy, công nhân hồi xuất nhập khẩu ổn định làm một tháng ít nhất cũng mười mấy triệu, năm nay tháng làm 4 - 5 triệu đã thấy nhiều".

Nói về mơ ước của mình ở thời điểm này, ông Xuân bộc bạch mong muốn có một chiếc xe đạp thồ chở ve chai rồi cùng vợ về quê dựng chòi kiếm sống qua ngày.

Nằm trong diện bị hoãn hợp đồng lao động, bà Bùi Thị Hằng (SN 1969, quê Cà Mau) cũng trong tình cảnh phải chạy đôn chạy đáo đi tìm việc làm suốt 1 tháng nay. Không có xe máy lẫn xe đạp, bà Hằng phải xin đi nhờ xe của hàng xóm. Có hôm không đi nhờ được, bà Hằng phải đi bộ, nhiều ngày như thế tiếp diễn dưới cái nắng oi bức, kiệt sức, người phụ nữ này đã ngất xỉu khi còn chưa xin được việc làm.

Không tìm được việc cộng thêm con dâu vừa sinh, đang trong giai đoạn nghỉ thai sản, bà Hằng thắt chặt chi tiêu từng thứ một trong nhà.

"Ăn uống tiết kiệm, tôi dặn các con cũng phải biết tiết kiệm theo. Các con cũng lớn nên hiểu, chẳng đứa nào phung phí", bà kể.

Nói về những dự định sắp tới, bà Hằng cho biết trong thời gian bị hoãn hợp đồng không lương, bà vẫn sẽ tiếp tục tìm công việc phụ nhằm gánh đỡ phần chi phí sinh hoạt trong gia đình.

"Nếu không có gì làm nữa thì về quê, mình cũng là người nhà quê lên mà lên đây không sống được thì mình về. Ở lại không có tiền đóng tiền trọ", bà Hằng nói.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Đời Công Nhân  Empty Re: Đời Công Nhân

Post by LDN Sat Dec 09, 2023 3:42 am

Thế khó với công nhân khi doanh nghiệp không tuyển lao động ngoài 40 tuổi

Hoa Lê và Sơn Nguyễn - Dân Chí

Thứ ba, 12/09/2023 -

(Dân trí) - Nữ công nhân cảm thấy may mắn khi mất việc lúc 30 tuổi. Bởi, chị vẫn có cơ hội tìm công việc mới, còn ngoài 40 tuổi rất khó có khả năng tìm việc trong khu công nghiệp.

Lo bị lừa, bố đích thân tìm việc cho con gái

10h, người đàn ông gầy gò, da sạm đen, khoảng 50 tuổi dừng xe trước bảng tuyển dụng ngoài Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ông chưa kịp tháo mũ, nhân viên bảo vệ lâu năm đã hô lớn từ xa: "Ở đây không tuyển lao động ngoài 40 tuổi đâu, về đi".

Song, người này vẫn ngoan cố bước đến, ngó nghiêng tìm một vị trí tuyển dụng trong khu công nghiệp.

"Tôi đi tìm việc cho con gái", ông Đoàn Văn Khoa (ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cười trừ giải thích.

Con gái ông vừa học hết THPT, muốn ra Hà Nội làm công nhân. Còn ông đã nhiều năm đi theo các công trình xây dựng ở Hà Nội và đang thuê trọ ở xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).

Ra Hà Nội làm việc, con gái sẽ ở với ông. Hôm nay, ông tự đi tìm việc cho con bởi mấy hôm trước xém chút nữa con gái ông bị lừa.

Ông Khoa đi tìm việc cho con gái (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Mấy hôm trước còn ở quê, bạn trẻ này đã tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội của công nhân. Sau khi liên hệ, có người hứa hẹn sẽ hỗ trợ tìm việc tại một công ty về lĩnh vực điện tử trong khu công nghiệp Thăng Long.

Ngay sau khi ra Hà Nội, con gái ông có mặt tại cổng khu công nghiệp nhưng không thấy ai dẫn đi xin việc như đã hẹn. Trước đó, phía nhận môi giới có yêu cầu đóng phí 300.000 đồng. Nghe thấy phải đóng tiền, ông Khoa đã thấy "mùi" lừa đảo.

"Cháu mới lần đầu tiên đi làm, chỉ muốn tìm một công việc trong khu công nghiệp. Gia đình không kỳ vọng gì về mức lương, miễn là có việc làm", ông Khoa nói.

Quan sát một hồi, ông Khoa thốt lên quá ít doanh nghiệp tuyển dụng. Ông bỏ cuộc ra về, tính phương án tìm việc làm khác.

Sống nhờ trợ cấp thất nghiệp

Sau nghỉ lễ Quốc khánh, chị Nguyễn Thu Trang (ở Thanh Ba, Phú Thọ) trở lại Hà Nội tìm việc làm mới. Cuối tháng 5, chị là một trong số hàng trăm công nhân phải nghỉ việc vì công ty phá sản.

Công ty sản xuất gioăng cao su, công việc của chị không mấy vất vả, chỉ đứng máy ép cao su. Hưởng lương cơ bản 5,2 triệu đồng/tháng, cùng với làm thêm, thu nhập của chị có thể lên đến 9-10 triệu đồng/tháng.

Gắn bó được 4 năm, khi công ty thông báo phá sản, chị cũng như nhiều công nhân khác hụt hẫng, tiếc nuối. "Có những người đã cống hiến hơn chục năm, đóng bảo hiểm xã hội nhiều, nên họ tiếc lắm", chị Trang kể.

Chị Trang đi tìm việc sau 3 tháng công ty phá sản (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Nữ công nhân chua chát khi nói về những công nhân 45, 46 tuổi nghỉ việc thì rất khó xin làm công nhân trở lại. Bởi ở khu công nghiệp này, lao động đến 40-42 tuổi đã "quá già".

Bị đào thải, những lao động "quá lứa" này phải đi tìm những công việc khác ở bên ngoài. Chị Trang thấy mình còn may mắn khi mất việc lúc mới 30 tuổi, vẫn có thể làm công nhân, tìm việc trong khu công nghiệp.

Nữ công nhân kể: "Năm nay hầu hết các công ty trong khu công nghiệp đều ít việc hơn. Mọi năm tầm này các công ty tuyển nhiều cho vụ hàng cuối năm, nhưng giờ chỉ lèo tèo hơn 20 doanh nghiệp dán thông tin tuyển dụng trên bảng".

Làm công nhân lâu năm, chị Trang biết công ty nào sẽ có nhiều đơn hàng, tạo công ăn, việc làm.

"Hôm nay đến tìm việc tôi thấy có 2 công ty khả quan. Ở khu công nghiệp, mức lương các công ty chỉ chênh nhau 100-150 nghìn đồng. Chủ yếu tôi tìm công ty có thể tăng ca".

Hiện, chị đang dùng số tiền trợ cấp thất nghiệp 3,6 triệu đồng/tháng để duy trì cuộc sống, chờ tìm kiếm việc làm mới. 3 tháng qua, đồng lương lái xe tải hơn 10 triệu của chồng chị là nguồn sống của cả gia đình.

Nữ công nhân ra về khi đã "nhắm" được 2 công ty đang tuyển dụng (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Sắp hết thời gian hưởng trợ cấp này, chị buộc lòng phải đi tìm việc. Chị nhớ thời điểm tăng ca nhiều, mỗi tháng vợ chồng chị để dư được 10 triệu đồng, gửi về quê để ông bà nuôi nấng 2 con nhỏ.

Nhưng mất việc, thu nhập của gia đình chị cũng chỉ đủ chi tiêu, sinh hoạt, nuôi con, đóng tiền thuê trọ.

8 tháng đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tiếp nhận và thẩm định 57.351 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, ra quyết định cho hưởng với hơn 56.000 người đủ điều kiện, tổng số tiền hỗ trợ trên 1.500 tỷ đồng. 

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong nửa đầu năm 2023, thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn khiến hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng, bao gồm người mất việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Đáng chú ý, số mất, giảm việc làm này chủ yếu rơi vào những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử và chế biến gỗ, lao động giản đơn, lớn tuổi.

Từ đó, các chuyên gia cho rằng, để giúp nhóm lao động này có cơ hội tái gia nhập thị trường lao động, đảm bảo cuộc sống, bên cạnh các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động.


_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Đời Công Nhân  Empty Re: Đời Công Nhân

Post by Sponsored content



Sponsored content


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum