Bà Hermet - Guy de Maupassant
Page 1 of 1 • Share
Bà Hermet - Guy de Maupassant
Bà Hermet
Tác giả: Guy de Maupassant
Những người điên thường hấp dẫn tôi. Những kẻ do sống trong thế giới bí ẩn của những giấc mơ kỳ quặc, trong áng mây mù dày đặc của sự rồ dại, tại nơi đây, mọi thứ họ đã thấy trên đời, mọi cái họ đã yêu quý, họ đã làm tái diễn trong một cuộc sống tưởng tượng, vượt ra ngoài mọi quy luật điều khiển sự vật và chi phối tư duy con người.
Đối với họ, cái không thể có không tồn tại nữa, cái huyền hoặc khó tin biến mất, cái thần tiên huyền ảo trở thành thường xuyên và cái dị thường thành thân thuộc. Logic, tấm rào chắn cũ kỹ, lý trí, bức tường lương tri, hàng lan can cũ kỹ của tư tưởng đều tan tành, ngã gục, đổ sụp dưới trí tưởng tượng được buông thả phóng khoáng, thoát vào xứ sở vô cùng tận của sự tùy hứng, nhảy nhót những bước kỳ ảo chẳng có gì ngăn trở. Đối với họ, tất cả mọi điều đều xảy ra và có thể xảy ra. Họ chẳng hề gắng gỏi để chiến thắng các biến cố, để chế ngự những kháng cự, để san bằng các trở ngại. Chỉ cần một thích thú bất thường của ý chí gây ảo giác, là họ thành vua chúa hoặc thánh thần, là họ có mọi của cải trên thế gian, có mọi điều ngon ngọt trên đời, là họ được hưởng mọi thú vui, là họ mãi mãi khỏe, đẹp, trẻ, mãi mãi được yêu dấu! Chỉ riêng họ mới hạnh phúc được trên trái đất, vì đối với họ hiện thực không tồn tại nữa. Tôi ưa nghiêng mình xuống tâm trí lang thang vớ vẩn của họ, như người ta nghiêng mình xuống một vực thẳm, tận đáy vực sục sôi một dòng thác lạ, ở đâu đều không ai biết và chảy đi đâu không ai hay.
Nhưng nghiêng mình xuống những khe sâu ấy nào có ích gì, vì chẳng bao giờ ta biết được nước ấy ở đâu đến, nước ấy chảy đi đâu. Cho đến cùng, đó cũng chỉ là nước giống như nước chảy giữa thanh thiên bạch nhật, và nhìn nó cũng chẳng giúp cho ta hiểu thêm được mấy điều.
Nghiêng mình xuống tâm trí người điên cũng chẳng ích gì, vì những ý nghĩ kỳ quặc nhất của họ chẳng qua cũng là những ý nghĩ bình thường, chỉ lạ lùng bởi chúng không bị ràng buộc bởi lý trí. Cái ngọn nguồn khó hiểu bất thường của chúng khiến ta sững sờ kinh ngạc, bởi ta không nhìn thấy nó phun ra. Có lẽ chỉ cần một hòn đá nhỏ rơi vào dòng nước đang chảy của nó là đủ gây nên những xúc động sôi sục. Tuy nhiên, những người điên vẫn luôn hấp dẫn tôi, và tôi luôn quay về với họ, bị thu hút ngoài ý muốn của mình vì sự bí ẩn tầm thường của chứng rồ dại. Vậy, một hôm, khi tôi đến thăm một bệnh xá của người điên, viên thầy thuốc hướng dẫn tôi, bảo rằng:
- À, tôi sẽ đưa ông đi xem một trường hợp lý thú.
Và ông ta mở một ngăn, trong đó một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi, hãy còn đẹp, ngồi trên ghế bành, cứ soi mãi mặt vào một tấm gương nhỏ cầm tay. Vừa nhìn thấy chúng tôi, bà đứng phắt dậy, chạy đến cuối phòng, tìm một tấm mạng vắt trên ghế, bịt mặt hết sức cẩn thận, rồi trở lại, gật đầu đáp lễ chúng tôi. Bác sĩ nói:
- Thế nào, sáng nay bà thấy trong người ra sao?
Bà ta thở dài não ruột:
- Ôi, khó chịu, khó chịu lắm, thưa ông, ngày nào các vết sẹo cũng tăng lên.
Bác sĩ trả lời một cách tin tưởng:
- Không, không! Tôi cam đoan với bà là bà lầm đấy.
Bà ta xích lại gần ông, thì thào:
- Không, tôi chắc chắn như vậy. Tôi đã đếm thêm được chín vết, ba vết ở má bên phải, bốn vết ở má bên trái và ba vết ở trên trán. Thật gớm ghiếc! Gớm ghiếc! Tôi không dám để ai nhìn thấy nữa, cả cho đến con tôi, không, cả đến con tôi nữa! Tôi bị nguy mất rồi, mặt mày tôi bị xấu xí suốt đời rồi!
Bà ta lại để mình rơi xuống ghế và khóc nức nở. Người thầy thuốc kéo ghế, ngồi cạnh bà ta, và bằng một giọng dịu dàng, an ủi:
- Nào, bà cho tôi xem nào, tôi cam đoan với bà là chẳng sao đâu. Chỉ xoa cứu chút ít là tôi làm biến đi tất cả.
Bà ta lắc đầu, không nói một lời. Người thầy thuốc muốn sờ vào tấm mạng, nhưng bà ta tay nắm lấy nó chặt đến mức ngón tay xuyên cả vào trong mạng. Ông lại khuyến khích và dỗ dành cho bà yên lòng:
- Bà biết rõ là lần nào tôi cũng làm cho những vết sẹo xấu xí ấy biến đi mất hộ bà, và khi tôi điều trị chúng xong thì người ta không hề nhìn thấy chúng nữa. Nếu bà không cho tôi xem, thì tôi không thể chữa cho bà khỏi được.
Bà ta thì thào:
- Với ông thì còn được, nhưng tôi không quen ông khách đi cùng ông.
- Đây cũng là một thầy thuốc, ông ấy sẽ điều trị cho bà còn tốt hơn tôi nhiều.
Bấy giờ bà ta mới cho hở mặt ra, nhưng sự hoảng sợ, nỗi xúc động, niềm hổ thẹn vì bị mọi người nhìn thấy khiến cả da thịt ở cổ bà ta, nơi lút sâu trong áo, cũng đỏ ửng lên. Bà nhìn xuống, quay mặt đi, lúc sang phải, lúc sang trái, để tránh những cái nhìn của chúng tôi và ấp úng:
- Ôi! Để thấy mặt mình như thế này là tôi đau đớn ghê gớm. Kinh khủng lắm, phải không các ông? Kinh khủng lắm phải không?
Tôi hết sức kinh ngạc ngắm nhìn bà ta, bởi vì bà chẳng có cái gì trên mặt hết, không có một vết, không có một điểm, không có một dấu, cũng không có một cái sẹo nào. Bà ta quay sang tôi, mắt vẫn nhìn xuống và bảo tôi:
- Thưa ông, đó là do chăm nom con mà tôi bị lây cái bệnh ghê gớm này. Tôi đã cứu được cháu, nhưng mặt mày tôi bị xấu xí. Tôi đã cho cháu nhan sắc của tôi, cho đứa con tội nghiệp của tôi. Rốt cuộc, tôi đã làm phận sự của tôi, lương tâm tôi được yên ổn. Nếu tôi đau khổ, chỉ có Chúa biết.
Bác sĩ đã rút trong túi ra một cây bút vẽ nhỏ. Ông nói:
- Bà để tôi làm, tôi sẽ sửa cho bà tất cả những cái đó.
Bà ta chìa má bên phải ra, và ông bắt đầu lướt nhẹ vào má, như thể ông điểm những chấm màu nho nhỏ trên đó. Ông cũng làm như vậ bên má trái, rồi trên trán, rồi ông reo:
- Bà nhìn xem, không còn gì, không còn gì nữa nhé!
Bà ta cầm gương, ngắm bóng mình rất lâu, hết sức chăm chú, một sự chăm chú gay go căng thẳng, gắng gỏi cực kỳ toàn tâm trí để tìm ra một vết gì, rồi bà thở dài:
- Không, không nhìn thấy rõ nữa. Đa tạ ông vô cùng.
Người thầy thuốc đứng dậy. Ông chào bà ta, dẫn tôi ra rồi đi theo tôi, và, khi cánh cửa vừa đóng lại, ông nói:
- Đây là câu chuyện khốc liệt của người đàn bà bất hạnh ấy.
Bà ta tên là Hermet. Bà rất đẹp, rất làm dáng, rất được yêu chiều và lấy làm sung sướng được sống. Đó là một trong những người đàn bà mà trên đời chỉ có nhan sắc và niềm ham muốn làm duyên cho người ưa là nguồn nâng đỡ, chi phối hoặc an ủi trong cuộc sống. Mối quan tâm thường xuyên đến vẻ tươi tắn của mình, sự chăm sóc cho bộ mặt, cho bàn tay, cho hàm răng, cho hết thảy các bộ phận nhỏ của cơ thể mà bà có thể phô bày ra thu hút toàn bộ thì giờ và toàn bộ sự chú ý của bà.
Bà góa chồng, có một con trai. Bà ta có nhìn thấy trước khủng hoảng định mệnh đang đến hay chăng, tôi không hề biết. Chẳng hiểu bà có như bao người đàn bà khác, mỗi sáng lại nhìn ngắm hàng giờ làn da xưa kia hết sức mịn màng, trong suốt và tươi sáng, giờ đây hơi nheo lại dưới đuôi mắt, hơi nhăn đi vì hàng ngàn vết hãy còn lờ mờ khó thấy, nhưng cứ sâu dần xuống, từng ngày, từng tháng? Chẳng hiểu bà có thấy lớn lên không ngừng, một cách chậm rãi và chắc chắn, những vết nhăn dài trên trán, những con rắn mỏng mảnh không gì ngăn lại được? Chẳng hiểu bà có bị giày vò day dứt, nỗi giày vò day dứt tác hại của tấm gương, tấm gương nhỏ có tay cầm bằng bạc mà người ta không thể quyết tâm đặt lên bàn, rồi người ta giận dữ hẩy đi và người ta lại cầm ngay lấy, để nhìn lại, thật gần hơn nữa, cái sự tàn phá khả ố và bình thản của tuổi già đang xích lại? Chẳng hiểu bà có náu mình ngày mươi, hai mươi lần, vô duyên cớ rời phòng khách nơi bạn bè đang trò chuyện, để lên phòng riêng và nhờ cửa đóng then cài che chở, lại ngắm nhìn công trình phá hoại của da thịt hết xuân đang tàn úa, để kiểm chứng một cách tuyệt vọng bước tiến triển nhẹ nhàng của căn bệnh dường như chưa ai nhìn thấy, nhưng bà thì hiểu rất rõ? Bà biết, đâu là chỗ bệnh tấn công mạnh nhất, đâu là những vết cắn xé sâu nhất của tuổi tác. Và tấm gương tròn nhỏ xoay trong cái khung bạc chạm, bảo với bà những điều tệ hại, bởi vì nó nói, nó như cười cợt, nó nhạo báng và báo cho bà tất cả những gì sắp đến, tất cả những nỗi khốn khổ của cơ thể, và cực hình tàn khốc của tư tưởng cho đến ngày bà chết đi, đó là ngày bà được giải thoát.
Chẳng hiểu bà có bàng hoàng, khóc lóc, quỳ gối, đập đầu xuống đất, và cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện Đấng đã giết người ta như vậy và chỉ cho người ta sự trẻ trung để làm cho tuổi già thêm cay cực, và chỉ cho người ta mượn sắc đẹp để rồi lấy lại ngay tức khắc, bà có cầu xin, van nài Người hãy làm cho bà ta điều mà Người không bao giờ làm cho ai hết, hãy để lại cho bà, đến mãi ngày tận số, vẻ hấp dẫn, sự tươi thắm và duyên sắc mỹ lệ? Rồi hiểu là mình đã khẩn cầu vô hiệu Đấng vô danh khắc nghiệt cứ đẩy năm tháng qua, năm này kế tiếp năm khác, chẳng hiểu bà có vặn tay, lăn mình trên thảm trải phòng, có đập đầu vào đồ đạc và ghìm trong họng những tiếng la thét tuyệt vọng khủng khiếp?
Chắc hẳn bà đã chịu đựng những sự giày vò hành hạ ấy. Bởi vì đây là chuyện đã xảy ra.
Một hôm, bấy giờ bà ta ba mươi nhăm tuổi, cậu con trai mười lăm tuổi của bà bị ốm. Em nằm trên giường bệnh mà chưa xác định được em đau chứng gì. Một linh mục là gia sư của em, trông nom em và không mấy khi rời em, trong khi bà Hermet sớm, tối đến hỏi thăm tin tức.
Buổi sáng, bà vào, mặc áo choàng đen, tươi cười, người đã thơm phưng phức, và vừa đến cửa đã hỏi ngay:
- Thế nào, George, có đỡ không con?
Đứa trẻ đã lớn, mặt đỏ, sưng mọng và hao mòn vì sốt, trả lời:
- Có, thưa mẹ, hơi đỡ.
Bà ở lại trong phòng chốc lát, nhìn các chai thuốc, chúm môi kêu khẽ: “Khiếp! ”, rồi đột nhiên kêu lên: “À! Quên mất một việc rất cần” và bà chạy ra ngoài, để lại sau mùi phấn hương trang điểm thơm tho.
Buổi tối, bà xuất hiện, mặc áo dài hở cổ hở ngực, còn vội vã hơn nữa, vì bao giờ bà cũng bị muộn, và bà chỉ vừa kịp đủ thì giờ để hỏi:
- Thế nào, thấy thuốc bảo sao?
Linh mục trả lời:
- Thưa bà, ông ấy còn chưa chắc là bệnh gì.
Thế rồi, một buổi tối, linh mục trả lời: “Thưa bà, cậu nhà mắc bệnh đậu mùa”.
Bà hét lên hoảng sợ và bỏ chạy. Sáng hôm sau, khi cô hầu phòng vào buồng bà, thoạt tiên cô ngửi thấy mùi đường cháy khét lẹt, và cô thấy bà chủ nằm trong giường, mắt mở, mặt xanh xao vì mất ngủ và run lẩy bẩy vì lo âu hoảng hốt. Khi các cánh cửa đã mở, bà Hermet hỏi:
- George ra sao?
- Ồ, thưa bà, hôm nay sức khỏe cậu không khá tí nào.
Mãi tới trưa bà mới dậy, ăn hai quả trứng, uống một cốc nước chè, như thể chính bà bị ốm, rồi bà ra đi, đến một dược sĩ hỏi các biện pháp phòng lây bệnh đậu mùa. Mãi đến giờ ăn chiều bà mới về, mang theo nào chai nào lọ, và đóng cửa ở luôn trong phòng, tẩm đầy người các chất sát trùng tẩy uế.
Linh mục đợi bà ở phòng ăn. Vừa thấy ông, bà ta kêu lên, giọng rất xúc động: “Thế nào? ”. Bà khóc, và không ăn uống được gì hết, vì băn khoăn dằn vặt. Ngày hôm sau, trời vừa rạng, bà đã cho hỏi tin tức, những tin tức này không hay gì hơn, và suốt ngày bà ở trong phòng riêng nghi ngút những lò than nhỏ tỏa mùi khét. Ngoài ra, cô gái ở còn quả quyết là nghe thấy bà rền rĩ suốt buổi tối. Cả một tuần trôi qua như vậy, bà không làm việc gì khác ngoài việc đi dạo một hoặc hai tiếng đồng hồ cho thoáng khí, vào khoảng giữa buổi chiều. Bây giờ thì bà cho hỏi tin tức từng giờ một, và khóc nức nở khi tin xấu đi.
Buổi sáng ngày thứ mười một, linh mục xin gặp, vào phòng bà, mặt nghiêm trang và xanh tái, ông nói mà không ngồi xuống chiếc ghế bà đưa mời:
- Thưa bà, cậu nhà mệt nặng, và cậu muốn gặp bà.
Bà ta quỳ sụp xuống mà kêu:
- Ôi! Lạy Chúa! Ôi! Lạy Chúa! Tôi không bao giờ dám đâu! Lạy Chúa! Hãy cứu vớt lấy con!
Ông linh mục nhắc lại:
- Thưa bà, bác sĩ còn tí thy vọng. George đang đợi bà.
Và ông bước ra. Hai giờ đồng hồ sau, cậu thiếu niên cảm thấy mình sắp chết, lại hỏi mẹ, linh mục bèn trở vào phòng bà ta và thấy bà vẫn quỳ, vẫn khóc và lặp đi lặp lại:
- Tôi không muốn…tôi không muốn…tôi sợ quá lắm…tôi không muốn…
Linh mục cố khuyên bà quyết định, động viên bà, lôi kéo bà. Ông chỉ làm cho bà lên một cơn thần kinh kéo dài và khiến bà la hét.
Buổi chiều, viên thầy thuốc trở lại, được biết sự hèn nhát đó, và tuyên bố rằng ông sẽ dẫn bà tới, hoặc tự ý, hoặc cưỡng ép. Nhưng sau khi đã dùng thử mọi lập luận, ông bèn nhấc bà ta lên để đem đến gần con, thì bà nắm lấy cánh cửa và bám chắc đến mức không sao lôi ra được. Rồi khi người ta buông bà ra, bà sụp xuống chân ông thầy thuốc mà xin lỗi, mà tự buộc tội mình là kẻ khốn nạn. Và bà kêu lên: “Ôi! Cháu không chết đâu, ông hãy bảo với cháu là tôi yêu cháu, tôi quý cháu…”
Cậu thiếu niên hấp hối. Biết mình sắp đến lúc lâm chung, cậu khẩn khoản xin mọi người khuyên mẹ quyết định đến vĩnh biệt mình. Với thứ linh tính đôi khi có ở những người sắp qua đời, cậu đã hiểu, đoán được hết, và cậu nói: “Nếu mẹ tôi không dám vào, hãy xin mẹ tôi chỉ đi ngoài bao lơn đến cửa sổ phòng tôi để ít ra tôi được trông thấy mẹ, để tôi nhìn và vĩnh biệt mẹ vì không được ôm hôn mẹ”.
Viên thầy thuốc và vị linh mục lại trở vào gặp người đàn bà đó lần nữa. Họ cả quyết: “Bà không cần ngại điều gì cả vì có một tấm kính giữa bà và cậu ấy”. Bà ta nhận lời, choàng kín đầu, cầm một lọ thuốc ngửi, bước ba bước trên bao lơn, rồi đột nhiên ôm mặt, rền rĩ: “Không…không… tôi hổ thẹn quá… tôi sợ quá lắm… không… tôi không thể…”. Người ta muốn kéo bà đi, nhưng bà túm chặt lấy lan can và than vãn rên la đến nỗi khách đi đường bên dưới phải ngẩng lên xem.
Và người sắp chết vẫn chờ đợi, mắt hướng về khung cửa sổ ấy, chờ đợi, để chết đi còn được trông thấy lần cuối cùng khuôn mặt dịu hiền yêu dấu, khuôn mặt thiêng liêng của mẹ.
Cậu chờ đợi rất lâu, và đêm xuống. Cậu bèn quay mặt vào tường và không nói một lời nào nữa.
Khi trời sáng, cậu đã chết. Ngày hôm sau, bà ta phát điên.
Tác giả: Guy de Maupassant
Những người điên thường hấp dẫn tôi. Những kẻ do sống trong thế giới bí ẩn của những giấc mơ kỳ quặc, trong áng mây mù dày đặc của sự rồ dại, tại nơi đây, mọi thứ họ đã thấy trên đời, mọi cái họ đã yêu quý, họ đã làm tái diễn trong một cuộc sống tưởng tượng, vượt ra ngoài mọi quy luật điều khiển sự vật và chi phối tư duy con người.
Đối với họ, cái không thể có không tồn tại nữa, cái huyền hoặc khó tin biến mất, cái thần tiên huyền ảo trở thành thường xuyên và cái dị thường thành thân thuộc. Logic, tấm rào chắn cũ kỹ, lý trí, bức tường lương tri, hàng lan can cũ kỹ của tư tưởng đều tan tành, ngã gục, đổ sụp dưới trí tưởng tượng được buông thả phóng khoáng, thoát vào xứ sở vô cùng tận của sự tùy hứng, nhảy nhót những bước kỳ ảo chẳng có gì ngăn trở. Đối với họ, tất cả mọi điều đều xảy ra và có thể xảy ra. Họ chẳng hề gắng gỏi để chiến thắng các biến cố, để chế ngự những kháng cự, để san bằng các trở ngại. Chỉ cần một thích thú bất thường của ý chí gây ảo giác, là họ thành vua chúa hoặc thánh thần, là họ có mọi của cải trên thế gian, có mọi điều ngon ngọt trên đời, là họ được hưởng mọi thú vui, là họ mãi mãi khỏe, đẹp, trẻ, mãi mãi được yêu dấu! Chỉ riêng họ mới hạnh phúc được trên trái đất, vì đối với họ hiện thực không tồn tại nữa. Tôi ưa nghiêng mình xuống tâm trí lang thang vớ vẩn của họ, như người ta nghiêng mình xuống một vực thẳm, tận đáy vực sục sôi một dòng thác lạ, ở đâu đều không ai biết và chảy đi đâu không ai hay.
Nhưng nghiêng mình xuống những khe sâu ấy nào có ích gì, vì chẳng bao giờ ta biết được nước ấy ở đâu đến, nước ấy chảy đi đâu. Cho đến cùng, đó cũng chỉ là nước giống như nước chảy giữa thanh thiên bạch nhật, và nhìn nó cũng chẳng giúp cho ta hiểu thêm được mấy điều.
Nghiêng mình xuống tâm trí người điên cũng chẳng ích gì, vì những ý nghĩ kỳ quặc nhất của họ chẳng qua cũng là những ý nghĩ bình thường, chỉ lạ lùng bởi chúng không bị ràng buộc bởi lý trí. Cái ngọn nguồn khó hiểu bất thường của chúng khiến ta sững sờ kinh ngạc, bởi ta không nhìn thấy nó phun ra. Có lẽ chỉ cần một hòn đá nhỏ rơi vào dòng nước đang chảy của nó là đủ gây nên những xúc động sôi sục. Tuy nhiên, những người điên vẫn luôn hấp dẫn tôi, và tôi luôn quay về với họ, bị thu hút ngoài ý muốn của mình vì sự bí ẩn tầm thường của chứng rồ dại. Vậy, một hôm, khi tôi đến thăm một bệnh xá của người điên, viên thầy thuốc hướng dẫn tôi, bảo rằng:
- À, tôi sẽ đưa ông đi xem một trường hợp lý thú.
Và ông ta mở một ngăn, trong đó một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi, hãy còn đẹp, ngồi trên ghế bành, cứ soi mãi mặt vào một tấm gương nhỏ cầm tay. Vừa nhìn thấy chúng tôi, bà đứng phắt dậy, chạy đến cuối phòng, tìm một tấm mạng vắt trên ghế, bịt mặt hết sức cẩn thận, rồi trở lại, gật đầu đáp lễ chúng tôi. Bác sĩ nói:
- Thế nào, sáng nay bà thấy trong người ra sao?
Bà ta thở dài não ruột:
- Ôi, khó chịu, khó chịu lắm, thưa ông, ngày nào các vết sẹo cũng tăng lên.
Bác sĩ trả lời một cách tin tưởng:
- Không, không! Tôi cam đoan với bà là bà lầm đấy.
Bà ta xích lại gần ông, thì thào:
- Không, tôi chắc chắn như vậy. Tôi đã đếm thêm được chín vết, ba vết ở má bên phải, bốn vết ở má bên trái và ba vết ở trên trán. Thật gớm ghiếc! Gớm ghiếc! Tôi không dám để ai nhìn thấy nữa, cả cho đến con tôi, không, cả đến con tôi nữa! Tôi bị nguy mất rồi, mặt mày tôi bị xấu xí suốt đời rồi!
Bà ta lại để mình rơi xuống ghế và khóc nức nở. Người thầy thuốc kéo ghế, ngồi cạnh bà ta, và bằng một giọng dịu dàng, an ủi:
- Nào, bà cho tôi xem nào, tôi cam đoan với bà là chẳng sao đâu. Chỉ xoa cứu chút ít là tôi làm biến đi tất cả.
Bà ta lắc đầu, không nói một lời. Người thầy thuốc muốn sờ vào tấm mạng, nhưng bà ta tay nắm lấy nó chặt đến mức ngón tay xuyên cả vào trong mạng. Ông lại khuyến khích và dỗ dành cho bà yên lòng:
- Bà biết rõ là lần nào tôi cũng làm cho những vết sẹo xấu xí ấy biến đi mất hộ bà, và khi tôi điều trị chúng xong thì người ta không hề nhìn thấy chúng nữa. Nếu bà không cho tôi xem, thì tôi không thể chữa cho bà khỏi được.
Bà ta thì thào:
- Với ông thì còn được, nhưng tôi không quen ông khách đi cùng ông.
- Đây cũng là một thầy thuốc, ông ấy sẽ điều trị cho bà còn tốt hơn tôi nhiều.
Bấy giờ bà ta mới cho hở mặt ra, nhưng sự hoảng sợ, nỗi xúc động, niềm hổ thẹn vì bị mọi người nhìn thấy khiến cả da thịt ở cổ bà ta, nơi lút sâu trong áo, cũng đỏ ửng lên. Bà nhìn xuống, quay mặt đi, lúc sang phải, lúc sang trái, để tránh những cái nhìn của chúng tôi và ấp úng:
- Ôi! Để thấy mặt mình như thế này là tôi đau đớn ghê gớm. Kinh khủng lắm, phải không các ông? Kinh khủng lắm phải không?
Tôi hết sức kinh ngạc ngắm nhìn bà ta, bởi vì bà chẳng có cái gì trên mặt hết, không có một vết, không có một điểm, không có một dấu, cũng không có một cái sẹo nào. Bà ta quay sang tôi, mắt vẫn nhìn xuống và bảo tôi:
- Thưa ông, đó là do chăm nom con mà tôi bị lây cái bệnh ghê gớm này. Tôi đã cứu được cháu, nhưng mặt mày tôi bị xấu xí. Tôi đã cho cháu nhan sắc của tôi, cho đứa con tội nghiệp của tôi. Rốt cuộc, tôi đã làm phận sự của tôi, lương tâm tôi được yên ổn. Nếu tôi đau khổ, chỉ có Chúa biết.
Bác sĩ đã rút trong túi ra một cây bút vẽ nhỏ. Ông nói:
- Bà để tôi làm, tôi sẽ sửa cho bà tất cả những cái đó.
Bà ta chìa má bên phải ra, và ông bắt đầu lướt nhẹ vào má, như thể ông điểm những chấm màu nho nhỏ trên đó. Ông cũng làm như vậ bên má trái, rồi trên trán, rồi ông reo:
- Bà nhìn xem, không còn gì, không còn gì nữa nhé!
Bà ta cầm gương, ngắm bóng mình rất lâu, hết sức chăm chú, một sự chăm chú gay go căng thẳng, gắng gỏi cực kỳ toàn tâm trí để tìm ra một vết gì, rồi bà thở dài:
- Không, không nhìn thấy rõ nữa. Đa tạ ông vô cùng.
Người thầy thuốc đứng dậy. Ông chào bà ta, dẫn tôi ra rồi đi theo tôi, và, khi cánh cửa vừa đóng lại, ông nói:
- Đây là câu chuyện khốc liệt của người đàn bà bất hạnh ấy.
Bà ta tên là Hermet. Bà rất đẹp, rất làm dáng, rất được yêu chiều và lấy làm sung sướng được sống. Đó là một trong những người đàn bà mà trên đời chỉ có nhan sắc và niềm ham muốn làm duyên cho người ưa là nguồn nâng đỡ, chi phối hoặc an ủi trong cuộc sống. Mối quan tâm thường xuyên đến vẻ tươi tắn của mình, sự chăm sóc cho bộ mặt, cho bàn tay, cho hàm răng, cho hết thảy các bộ phận nhỏ của cơ thể mà bà có thể phô bày ra thu hút toàn bộ thì giờ và toàn bộ sự chú ý của bà.
Bà góa chồng, có một con trai. Bà ta có nhìn thấy trước khủng hoảng định mệnh đang đến hay chăng, tôi không hề biết. Chẳng hiểu bà có như bao người đàn bà khác, mỗi sáng lại nhìn ngắm hàng giờ làn da xưa kia hết sức mịn màng, trong suốt và tươi sáng, giờ đây hơi nheo lại dưới đuôi mắt, hơi nhăn đi vì hàng ngàn vết hãy còn lờ mờ khó thấy, nhưng cứ sâu dần xuống, từng ngày, từng tháng? Chẳng hiểu bà có thấy lớn lên không ngừng, một cách chậm rãi và chắc chắn, những vết nhăn dài trên trán, những con rắn mỏng mảnh không gì ngăn lại được? Chẳng hiểu bà có bị giày vò day dứt, nỗi giày vò day dứt tác hại của tấm gương, tấm gương nhỏ có tay cầm bằng bạc mà người ta không thể quyết tâm đặt lên bàn, rồi người ta giận dữ hẩy đi và người ta lại cầm ngay lấy, để nhìn lại, thật gần hơn nữa, cái sự tàn phá khả ố và bình thản của tuổi già đang xích lại? Chẳng hiểu bà có náu mình ngày mươi, hai mươi lần, vô duyên cớ rời phòng khách nơi bạn bè đang trò chuyện, để lên phòng riêng và nhờ cửa đóng then cài che chở, lại ngắm nhìn công trình phá hoại của da thịt hết xuân đang tàn úa, để kiểm chứng một cách tuyệt vọng bước tiến triển nhẹ nhàng của căn bệnh dường như chưa ai nhìn thấy, nhưng bà thì hiểu rất rõ? Bà biết, đâu là chỗ bệnh tấn công mạnh nhất, đâu là những vết cắn xé sâu nhất của tuổi tác. Và tấm gương tròn nhỏ xoay trong cái khung bạc chạm, bảo với bà những điều tệ hại, bởi vì nó nói, nó như cười cợt, nó nhạo báng và báo cho bà tất cả những gì sắp đến, tất cả những nỗi khốn khổ của cơ thể, và cực hình tàn khốc của tư tưởng cho đến ngày bà chết đi, đó là ngày bà được giải thoát.
Chẳng hiểu bà có bàng hoàng, khóc lóc, quỳ gối, đập đầu xuống đất, và cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện Đấng đã giết người ta như vậy và chỉ cho người ta sự trẻ trung để làm cho tuổi già thêm cay cực, và chỉ cho người ta mượn sắc đẹp để rồi lấy lại ngay tức khắc, bà có cầu xin, van nài Người hãy làm cho bà ta điều mà Người không bao giờ làm cho ai hết, hãy để lại cho bà, đến mãi ngày tận số, vẻ hấp dẫn, sự tươi thắm và duyên sắc mỹ lệ? Rồi hiểu là mình đã khẩn cầu vô hiệu Đấng vô danh khắc nghiệt cứ đẩy năm tháng qua, năm này kế tiếp năm khác, chẳng hiểu bà có vặn tay, lăn mình trên thảm trải phòng, có đập đầu vào đồ đạc và ghìm trong họng những tiếng la thét tuyệt vọng khủng khiếp?
Chắc hẳn bà đã chịu đựng những sự giày vò hành hạ ấy. Bởi vì đây là chuyện đã xảy ra.
Một hôm, bấy giờ bà ta ba mươi nhăm tuổi, cậu con trai mười lăm tuổi của bà bị ốm. Em nằm trên giường bệnh mà chưa xác định được em đau chứng gì. Một linh mục là gia sư của em, trông nom em và không mấy khi rời em, trong khi bà Hermet sớm, tối đến hỏi thăm tin tức.
Buổi sáng, bà vào, mặc áo choàng đen, tươi cười, người đã thơm phưng phức, và vừa đến cửa đã hỏi ngay:
- Thế nào, George, có đỡ không con?
Đứa trẻ đã lớn, mặt đỏ, sưng mọng và hao mòn vì sốt, trả lời:
- Có, thưa mẹ, hơi đỡ.
Bà ở lại trong phòng chốc lát, nhìn các chai thuốc, chúm môi kêu khẽ: “Khiếp! ”, rồi đột nhiên kêu lên: “À! Quên mất một việc rất cần” và bà chạy ra ngoài, để lại sau mùi phấn hương trang điểm thơm tho.
Buổi tối, bà xuất hiện, mặc áo dài hở cổ hở ngực, còn vội vã hơn nữa, vì bao giờ bà cũng bị muộn, và bà chỉ vừa kịp đủ thì giờ để hỏi:
- Thế nào, thấy thuốc bảo sao?
Linh mục trả lời:
- Thưa bà, ông ấy còn chưa chắc là bệnh gì.
Thế rồi, một buổi tối, linh mục trả lời: “Thưa bà, cậu nhà mắc bệnh đậu mùa”.
Bà hét lên hoảng sợ và bỏ chạy. Sáng hôm sau, khi cô hầu phòng vào buồng bà, thoạt tiên cô ngửi thấy mùi đường cháy khét lẹt, và cô thấy bà chủ nằm trong giường, mắt mở, mặt xanh xao vì mất ngủ và run lẩy bẩy vì lo âu hoảng hốt. Khi các cánh cửa đã mở, bà Hermet hỏi:
- George ra sao?
- Ồ, thưa bà, hôm nay sức khỏe cậu không khá tí nào.
Mãi tới trưa bà mới dậy, ăn hai quả trứng, uống một cốc nước chè, như thể chính bà bị ốm, rồi bà ra đi, đến một dược sĩ hỏi các biện pháp phòng lây bệnh đậu mùa. Mãi đến giờ ăn chiều bà mới về, mang theo nào chai nào lọ, và đóng cửa ở luôn trong phòng, tẩm đầy người các chất sát trùng tẩy uế.
Linh mục đợi bà ở phòng ăn. Vừa thấy ông, bà ta kêu lên, giọng rất xúc động: “Thế nào? ”. Bà khóc, và không ăn uống được gì hết, vì băn khoăn dằn vặt. Ngày hôm sau, trời vừa rạng, bà đã cho hỏi tin tức, những tin tức này không hay gì hơn, và suốt ngày bà ở trong phòng riêng nghi ngút những lò than nhỏ tỏa mùi khét. Ngoài ra, cô gái ở còn quả quyết là nghe thấy bà rền rĩ suốt buổi tối. Cả một tuần trôi qua như vậy, bà không làm việc gì khác ngoài việc đi dạo một hoặc hai tiếng đồng hồ cho thoáng khí, vào khoảng giữa buổi chiều. Bây giờ thì bà cho hỏi tin tức từng giờ một, và khóc nức nở khi tin xấu đi.
Buổi sáng ngày thứ mười một, linh mục xin gặp, vào phòng bà, mặt nghiêm trang và xanh tái, ông nói mà không ngồi xuống chiếc ghế bà đưa mời:
- Thưa bà, cậu nhà mệt nặng, và cậu muốn gặp bà.
Bà ta quỳ sụp xuống mà kêu:
- Ôi! Lạy Chúa! Ôi! Lạy Chúa! Tôi không bao giờ dám đâu! Lạy Chúa! Hãy cứu vớt lấy con!
Ông linh mục nhắc lại:
- Thưa bà, bác sĩ còn tí thy vọng. George đang đợi bà.
Và ông bước ra. Hai giờ đồng hồ sau, cậu thiếu niên cảm thấy mình sắp chết, lại hỏi mẹ, linh mục bèn trở vào phòng bà ta và thấy bà vẫn quỳ, vẫn khóc và lặp đi lặp lại:
- Tôi không muốn…tôi không muốn…tôi sợ quá lắm…tôi không muốn…
Linh mục cố khuyên bà quyết định, động viên bà, lôi kéo bà. Ông chỉ làm cho bà lên một cơn thần kinh kéo dài và khiến bà la hét.
Buổi chiều, viên thầy thuốc trở lại, được biết sự hèn nhát đó, và tuyên bố rằng ông sẽ dẫn bà tới, hoặc tự ý, hoặc cưỡng ép. Nhưng sau khi đã dùng thử mọi lập luận, ông bèn nhấc bà ta lên để đem đến gần con, thì bà nắm lấy cánh cửa và bám chắc đến mức không sao lôi ra được. Rồi khi người ta buông bà ra, bà sụp xuống chân ông thầy thuốc mà xin lỗi, mà tự buộc tội mình là kẻ khốn nạn. Và bà kêu lên: “Ôi! Cháu không chết đâu, ông hãy bảo với cháu là tôi yêu cháu, tôi quý cháu…”
Cậu thiếu niên hấp hối. Biết mình sắp đến lúc lâm chung, cậu khẩn khoản xin mọi người khuyên mẹ quyết định đến vĩnh biệt mình. Với thứ linh tính đôi khi có ở những người sắp qua đời, cậu đã hiểu, đoán được hết, và cậu nói: “Nếu mẹ tôi không dám vào, hãy xin mẹ tôi chỉ đi ngoài bao lơn đến cửa sổ phòng tôi để ít ra tôi được trông thấy mẹ, để tôi nhìn và vĩnh biệt mẹ vì không được ôm hôn mẹ”.
Viên thầy thuốc và vị linh mục lại trở vào gặp người đàn bà đó lần nữa. Họ cả quyết: “Bà không cần ngại điều gì cả vì có một tấm kính giữa bà và cậu ấy”. Bà ta nhận lời, choàng kín đầu, cầm một lọ thuốc ngửi, bước ba bước trên bao lơn, rồi đột nhiên ôm mặt, rền rĩ: “Không…không… tôi hổ thẹn quá… tôi sợ quá lắm… không… tôi không thể…”. Người ta muốn kéo bà đi, nhưng bà túm chặt lấy lan can và than vãn rên la đến nỗi khách đi đường bên dưới phải ngẩng lên xem.
Và người sắp chết vẫn chờ đợi, mắt hướng về khung cửa sổ ấy, chờ đợi, để chết đi còn được trông thấy lần cuối cùng khuôn mặt dịu hiền yêu dấu, khuôn mặt thiêng liêng của mẹ.
Cậu chờ đợi rất lâu, và đêm xuống. Cậu bèn quay mặt vào tường và không nói một lời nào nữa.
Khi trời sáng, cậu đã chết. Ngày hôm sau, bà ta phát điên.
_________________
~ bài viết về Sách:
https://www.nhomcho.com/t25736-sach
Người ăn chay - Han Kang
https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN
Similar topics
» Món gia tài - Guy De Maupassant
» Con Quỷ - Guy de Maupassant
» Cái Thùng Con - Guy de Maupassant
» Đi Ngựa - Guy de Maupassant
» Bố Của Simon - Guy de Maupassant
» Con Quỷ - Guy de Maupassant
» Cái Thùng Con - Guy de Maupassant
» Đi Ngựa - Guy de Maupassant
» Bố Của Simon - Guy de Maupassant
Page 1 of 1
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum