Our forum runs best with JavaScript enabled !

Nguyễn Thế Anh: Sử gia đi trên lằn ranh

View previous topic View next topic Go down

Nguyễn Thế Anh: Sử gia đi trên lằn ranh Empty Nguyễn Thế Anh: Sử gia đi trên lằn ranh

Post by LDN Tue Mar 28, 2023 8:21 am

Nghiên cứu quốc tế

Nguyễn Thế Anh: Sử gia đi trên lằn ranh

Nguồn: Louis Raymond, “Nguyễn Thế Anh, l’historien sur le fil”, Les Cahiers du Nem, 19/07/2021

Biên dịch: Phản Tư

Nguyễn Thế Anh là sử gia chuyên về Việt Nam và Đông Nam Á, sinh năm 1936, tác giả của hơn 120 ấn phẩm gồm sách và bài viết. Nhà làm phim tài liệu Florence Tran, sau khi lên kế hoạch quay một loạt phỏng vấn với ông trong tháng Sáu và tháng Bảy năm 2021, đã đề nghị tôi dẫn chương trình cho một trong số đó. Tôi nhận lời với tất cả nhiệt tình vì đây là lần đầu tiên tôi được gặp một tác giả mà các tác phẩm của ông chưa bao giờ thôi cuốn hút tôi. Nguyễn Thế Anh là một nhà trí thức đi trên lằn ranh, luôn cố gắng làm công việc của mình và không dính dáng tới chính trị, ngay cả khi bị kẹt giữa hai làn đạn.

Lúc đó là sáng sớm, tôi và Florence Tran bắt tàu đến ngoại ô Toulouse nơi Nguyễn Thế Anh sống kể từ khi thôi chức giám đốc nghiên cứu tại Trường Cao học Thực hành (École Pratique des Hautes Études, EPHE).[1] Ông hẹn chúng tôi lúc 8h sáng nhưng ông đã gần như hoàn thành một ngày làm việc: ông thường dậy lúc 2, 3h sáng và đi ngủ rất sớm vào buổi tối, điều độ như một cái máy, theo giờ Việt Nam. “Khi người ta già đi, người ta tìm thấy lại đồng hồ sinh học thời thơ ấu,” ông nói khi chúng tôi hỏi liệu nhịp độ làm việc này có khiến ông mệt mỏi quá không. Đó là thói quen sinh hoạt, hay là hoài nhớ quê hương mà ông đã rời bỏ ngày 26 tháng Tư năm 1975, bốn ngày trước khi quân đội Bắc Việt tràn vào Sài Gòn? Việt Nam rõ ràng cách xa xứ Occitanie này lắm. Sự náo nhiệt vĩnh hằng của các thành phố quê hương dường như đối lập với miền ngoại ô êm đềm của ông, nơi những người ở tuổi sáu mươi thường trầm lặng tưới cây và chăm chút bãi cỏ. Nhưng nhà sử học có một trí nhớ sắc sảo; ông nhớ những gì đã bỏ lại cũng như ông biết những gì sẽ tiếp tục đồng hành với ông 46 năm sau.

Một số tác phẩm của Nguyễn Thế Anh
Nguyễn Thế Anh sinh năm 1936 tại Lào. Sau khi học trung học ở Vientiane rồi Sài Gòn vào những năm 1950, ông sang Pháp, trước tiên là Toulouse, để theo học đại học. Ông trở về với bằng tiến sĩ sử học[2] và được bổ làm Viện trưởng Viện Đại học Huế năm 1966 cho đến năm 1969. Sau đó, ông trở lại Sài Gòn, làm Trưởng ban Sử, thuộc Đại học Văn khoa [Sài Gòn], cho đến ngày định mệnh tháng Tư khi bom nổ ở ngoại ô thành phố: đó là khởi điểm của cuộc lưu vong. Sau đảo Guam, nơi ông và gia đình phải sơ tán vì hộ chiếu Mỹ của vợ, ông xin được quy chế tị nạn và trở về Toulouse, được những người bạn cũ chào đón. Sự nghiệp của ông lại thăng hoa: ông vào CNRS,[3] bảo vệ luận án cấp nhà nước[4] và được bầu vào École Pratique des Hautes Études,[5] nơi ông đã đào tạo nhiều nhà nghiên cứu hiện đang giữ vai trò quan trọng trong ngành sử học Việt Nam, cho đến khi ông hồi hưu giữa những năm 2000.

Đây là những nét chính của một cuộc đời vừa khổ hạnh vừa biến động, bị giằng xé giữa những đòi hỏi của công việc học thuật và những hậu quả của một chương sử hoảng loạn. Tuy nhiên, tiểu sử không nên chỉ là những dòng tóm gọn vừa đủ hấp dẫn ấy; danh tiếng của một con người thường được trui rèn nhiều hơn trong những khoảng trống. Phẩm chất Nguyễn Thế Anh có thể tóm lược như sau: một vị quan chức, vừa uyên bác vừa khắt khe, như không còn nữa. Ông ngồi trên ghế bành trong phòng khách, ông kể chuyện, xen giữa sự nghiêm cẩn của một nhà khoa học là niềm vui thú được truyền tải kiến thức.

Nguyễn Thế Anh, năm 1967
Một nghề rủi ro

Huế, những ngày cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai năm 1968. Suốt một năm trời ở Hà Nội người ta đã âm thầm chuẩn bị một cuộc tiến công nhằm chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài quá lâu. Giáo sư Anh đã sống ở cố đô của triều Nguyễn từ khi ông về nước, và hàng xóm của ông là triết gia Công giáo và chuyên gia về Marx, Trần Văn Toàn [1931-2014]. Với tư cách là viện trưởng, ông không muốn tham gia vào bất kỳ một âm mưu nào và cấm mọi hoạt động chính trị diễn ra trong khuôn viên trường, điều khiến ông bị cả hai bên thù ghét. Vợ ông, người gốc Phi Luật Tân, gặp ông năm 1954 khi bà đến chăm sóc cho người Bắc Việt chạy nạn vào Nam. Bà là người Công giáo. Ông thì không, nhưng điều đó không quan trọng đối với những người gièm pha ông: họ coi ông là “thân Diệm” (Diêmiste), một người ủng hộ Ngô Đình Diệm, vị tổng thống theo đạo Công giáo và chuyên quyền của Việt Nam Cộng hòa bị ám sát sau cuộc đảo chính ngày 2 tháng Mười một năm 1963. Cuộc nổi dậy đẫm máu, nổ ra sát Tết, vào đêm 30 rạng sáng 31 tháng Giêng. Mồng hai Tết, cán bộ cộng sản Bắc Việt vào nhà ông để đàm phán. Họ yêu cầu ông về phe họ nhưng ông từ chối. Vợ ông muốn đuổi họ đi: “Đi, đi, cút!” Nguyễn Thế Anh cố gắng xoa dịu tình hình: “Cô ấy là người nước ngoài, cô ấy không hiểu chuyện gì đang diễn ra.” Mãi sau này ông mới nói với bà, nhưng ngày hôm đó ông và gia đình được bảo toàn mạng sống là nhờ sự can thiệp của người anh họ, một viên chỉ huy trong quân đội Bắc Việt.

“Họ cũng gọi tôi là Việt gian (kẻ phản bội),” ông giải thích. Trở lại Sài Gòn, ông gặp các đồng nghiệp ở [Đại học] Văn khoa vốn là những trí thức nổi bật nhất thời bấy giờ, như Nguyễn Văn Trung [1930-2022], người mà ông đánh giá cao trí tuệ nhưng không bao giờ đồng thuận. Ông thấy sự phát triển của phe “cánh tả” đối lập với quân đội, nhất là với tờ “Đối diện” của linh mục Nguyễn Ngọc Lan [1930-2007] mà ông cho là người “gần giống cộng sản”. Ông cũng nói chuyện với các ký giả ngoại quốc đưa tin về chiến tranh: Jean-Claude Pomonti [1940-], chủ nhân giải thưởng Albert Londres sau này hay Jean Lartéguy [1920-2011], người ông gặp gỡ ở trụ sở Viện Viễn Đông Bác cổ. Ông đã chỉ cho Pomonti thấy những sách nhiễu của quân đội miền Bắc và cho Lartéguy thấy sự bợ đỡ của miền Nam, đó chính là nguồn cơn của một chế độ thối nát. Hiệp định Paris đã ký, người Mỹ đã rút, thảm cảnh 1975 dần hé lộ. Ở một chừng mực nào đó, Nguyễn Thế Anh hoàn toàn đối lập với điệp viên hai mang nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn [1927-2006], cựu ký giả, giám đốc văn phòng tạp chí Time tại Sài Gòn, trước khi tiết lộ mình là gián điệp của miền Bắc: trong bầu không khí lừa dối khắp nơi, sự hai lòng của người này lại được mọi người đánh giá cao và sự trung thực của người kia lại bị dán một cái nhãn sai lầm.

Vài năm sau khi qua Pháp với tư cách tị nạn, năm 1978, Nguyễn Thế Anh làm Giáo sư thỉnh giảng sáu tháng tại Harvard. Kết thúc khóa giảng, ông được mời làm việc trong trường đại học rất danh tiếng gần Boston này [tức trường Harvard]. Ông từ chối, đặc biệt tức giận trước sự ngộ nhận của người Mỹ đối với người Việt Nam. Ông nhớ lại, và chúng tôi cảm thấy rằng cơn giận của ông vẫn chưa nguôi ngoai, rằng sau đó khi được hỏi: “Tại sao ông rời bỏ quê hương?” Ông đã trả lời thật gay gắt: “Chính vì các người mà tôi phải bỏ quê hương.” Do đó ông đã chọn Pháp, nơi mà theo ông, có “sự đón nhận và hiểu biết về người tị nạn tốt hơn,” ngay cả khi cuộc luận chiến của các sử gia về Việt Nam ở đây vẫn mang bóng dáng của tranh cãi chính trị.

Về cơ bản, ở Pháp, cánh tả của những năm 1960-1970 ủng hộ miền Bắc và cánh hữu đứng về phía miền Nam; dẫu sao, đây cũng là điều dễ hiểu đối với phần lớn cộng đồng người Việt đến sau năm 1975. Tại Saint-Germain des Prés và Sorbonne, nhiều người đã làm tiểu luận về cuộc xung đột này, và Paris vào đầu những năm 1980 vẫn còn xôn xao về nó. Sau khi gia nhập CNRS, Nguyễn Thế Anh nhớ lại sự ngờ vực nhắm vào ông. Vẫn là cái ngờ vực “thân Diệm” của một giáo sư theo cánh tả và đồng thời, cái nhãn “cực tả” bị dán trên tư cách của một nhà nghiên cứu, khi một số người Việt tị nạn tìm thấy đồng minh trong phái hữu “cứng rắn” của Pháp, ví dụ như hành trình của Trần Văn Bá [1945-1985]. Được bầu vào École Pratique des Hautes Études sau khi bảo vệ luận án cấp nhà nước, Giáo sư Anh nói rằng ông “ẩn náu trong giảng dạy” để tránh những xung đột không ngừng và mệt mỏi này. Tuy nhiên, ông vẫn nhớ một vài tình bạn đẹp, như với Charles Fourniau [1921-2010], Daniel Hémery [1932-] hay nhà báo Olivier Todd [1929-]. Trên thực tế, Olivier Todd từng là một người ủng hộ nhiệt thành Mặt trận Dân tộc Giải phóng (Front National de Libération, FNL) [miền Nam Việt Nam] (được biết đến nhiều hơn với tên gọi Việt Cộng), trước khi thay đổi hoàn toàn quan điểm và bị đuổi khỏi tạp chí Nouvel Observateur vì đã muốn viết rằng Việt Cộng là “cánh tay thế tục mang ý thức hệ của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội ở miền Nam.” Đặc biệt, Todd sau này tham gia vào cuộc phiêu lưu của một tạp chí do Nguyễn Thế Anh chủ trương vào những năm 1980 tại Paris, tạp chí Đường Mới (La Voie Nouvelle).

Nguyễn Thế Anh tại Toulouse, 1977
Những sợi chỉ rối rắm của lịch sử

Là một giáo sư kiêm nhà nghiên cứu ưu tú, với mỗi một nghiên cứu sinh của ông sau này trở thành nhà khoa học được công nhận, ông đều có một giai thoại để lại cho họ. Nhưng ông cũng nhấn mạnh “trí tuệ của mỗi người là ở cách tiếp cận lịch sử phù hợp,” đó là một vài nguyên tắc mà ông muốn truyền lại cho họ và bản thân ông đã thừa hưởng từ những bậc thầy của mình. Vậy phương pháp tiếp cận này là gì? Đó có phải là hướng tới “tính khách quan” (objectivité), điều mà, trong khoa học xã hội và nhân văn, nghĩa là bước đi trên một ranh giới nguy hiểm như đứng giữa hai làn đạn của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn? Có thể nào gạt chính trị sang một bên khi nhập cuộc làm một nhà sử học?

“Đó là một mục tiêu khó đạt được. Ký ức chiến tranh vẫn còn dai dẳng. Dù người ta có nói gì đi nữa, thì vẫn còn hai nước Việt Nam, một miền Bắc và một miền Nam cùng tồn tại. Để đạt được mức độ khách quan hợp lý, tôi e rằng phải đợi thế hệ cũ chết đi và một thế hệ mới xuất hiện.” Chính Florence Tran là người phản ứng đầu tiên trước nhận xét khắt khe: “Cái gì nên được tách biệt? Ký ức, hay là cảm xúc đau thương gắn với ký ức?” Nhà sử học nở một nụ cười ngượng nghịu, hàm chứa rất nhiều sự khiêm tốn: “Thật tiếc là không thể tách rời. Bản thân tôi đã sống phần lớn cuộc đời ở nước ngoài, nhưng tôi vẫn còn ký ức, và những ký ức thực sự đau buồn. Mặc dù tôi ở miền Nam Việt Nam, nhưng những ký ức này lại liên quan đến miền Bắc.” Khó khăn trong việc nhìn thẳng vào mọi thứ cũng cho thấy sự chia rẽ rất sâu sắc tồn tại trong chính miền Nam. Ký ức là một vết bỏng dai dẳng, và chính vì lý do này mà ông không muốn viết tự truyện. Ông nói thêm: “Vâng, để có một cái nhìn chân thật của sử gia, tức là một cái nhìn tách rời với lập trường, chúng ta sẽ phải đợi rất lâu.”

Nhiệm vụ khó khăn nhất đối với bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử đương đại của Việt Nam là phải phân biệt được thật giả, trong một cuộc chiến đã sản sinh ra vô số “quan điểm”. Tuy nhiên, Nguyễn Thế Anh nhấn mạnh, nguồn gốc của sự thật biến thiên và liên tục tái cấu trúc này cần được tìm kiếm xa hơn trong lịch sử cận đại, trước rạn nứt năm 1945. “Tôi rất quan tâm đến cuộc đời của một số vị vua nhà Nguyễn [1802-1945]. Trong những gì mà Hàm Nghi, Duy Tân hay Bảo Đại viết, dù là về mình hay về xung quanh, đều có những điều ngụy tạo theo quan điểm của sử gia.” Đây là một di sản của truyền thống văn học Trung Quốc: “Có vô số điều sai sự thật về một số nhân vật, vì vậy chúng ta thường đắm chìm trong dã sử.” Nhà sử học không có nhu cầu thần thánh hóa mà phải đánh vào lòng kiêu hãnh yêu nước mong manh nhất: “Chúng ta đã bịa ra truyền thuyết để không thừa nhận rằng giữa người Hoa và người Việt vẫn còn một cộng đồng tổ tiên.”

Vào thế kỷ 20 có một “phát minh” gọi là tiểu thuyết dân tộc của Việt Nam, theo nghĩa như Jules Michelet [1798-1874] đã phát minh ra tiểu thuyết dân tộc[6] Pháp vào thế kỷ 19: theo đó quyền lực chính trị đảm bảo rằng lịch sử phải đáp ứng nhu cầu của hiện tại, nghĩa là, lịch sử phải hợp pháp hóa hiện tại. Phát minh này là một phần của quá trình “Marx hóa” (marxisation), đôi khi thô thiển, về quá khứ của đất nước. “Ngay cả những nhà sử học như Phan Huy Lê [1934-2018] hay Hà Văn Tấn [1937-2019], hai trong những nhà sử học khách quan nhất của miền Bắc và là bạn bè của tôi, cũng không thoát khỏi điều đó: họ phải theo đường lối của Đảng.” Ví dụ điển hình nhất, theo ông, là việc sử dụng từ “phong kiến” (féodal): “Các sử gia cộng sản luôn dùng chữ ‘thời đại phong kiến’ để chỉ chế độ cũ trước năm 1945, nhưng đó không phải là một khái niệm đúng đắn. Đó là một chế độ quân chủ với một nhà nước, và không được chia thành các thái ấp với các lãnh chúa cai trị.” Nhưng mọi thứ đã vang dậy với câu đầu tiên trong bản tuyên ngôn nổi tiếng do Marx và Engels ký tên: “Lịch sử của bất kỳ xã hội nào cho đến ngày nay cũng chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và nô lệ, quý tộc và bình dân, nam tước và nông nô, thủ lĩnh phường hội và bạn đồng hành, tóm lại là những kẻ áp bức và những kẻ bị áp bức […].”

Vẫn còn nhiều điều cần làm sáng tỏ trong lịch sử của đất nước này mà các nhà nghiên cứu trẻ, những người muốn nghiêm túc tìm tòi giải quyết, phải làm. Đó là một cuộc phiêu lưu nguy hiểm, đòi hỏi phải duy trì sự cân bằng. Để đạt được điều này, một số người có thể noi gương bậc thầy cả đời đã đi trên dây và tiếp tục làm như vậy ở tuổi 86 này.[7] Và hãy cẩn thận để không bị choáng váng, vì dưới chân họ đầy những điều không trung thực và dối trá, là một vực thẳm.

Louis Raymond là một nhà báo người Pháp gốc Việt, anh hiện sinh sống và làm việc tại Nantes. (Các chú thích là của người dịch).

————————–

[1] Hiện nay, một số chỗ dịch EPHE là Viện Khảo cứu cao cấp.

[2] Dịch theo nguyên văn, trong một số tác phẩm của Nguyễn Thế Anh, xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975, như Việt Nam thời Pháp đô hộ (Lửa Thiêng, 1970), Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn (Lửa Thiêng, 1971)…, ghi là Thạc sĩ sử học.

[3] Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (Centre National de la Recherche Scientifique).

[4] Đề tài La monarchie des Nguyễn de la mort de Tự Đức à 1925 (Chế độ quân chủ nhà Nguyễn từ khi Tự Đức tạ thế đến năm 1925), bảo vệ năm 1987. Luận án này sau đó được phát triển và in thành sách dưới nhan đề Monarchie et fait colonial au Viêt-Nam (1875-1925): Le crépuscule d’un ordre traditionnel (Chế độ quân chủ và yếu tố thuộc địa tại Việt Nam (1875-1925): Buổi hoàng hôn của một trật tự truyền thống; nhà xuất bản L’Harmattan, Paris, 1992).

[5] Ông được đề cử làm Giáo sư, tại đây ông đảm nhiệm vai trò Giám đốc Trung tâm Lịch sử và Văn minh bán đảo Đông Dương (Centre d’Histoire et Civilisations de la Peninsule Indochinoise), chính thức hồi hưu vào năm 2005.

[6] Tiểu thuyết dân tộc là kết quả của sự đan xen ít nhiều những tình tiết lịch sử hào hùng hoặc huyền thoại, làm nổi bật những giá trị được coi là cốt yếu của dân tộc.

[7] Sử gia Nguyễn Thế Anh vừa vừa tạ thế tại Toulouse (Pháp) ngày 19.3.2023, hưởng thọ 87 tuổi.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You can reply to topics in this forum