Our forum runs best with JavaScript enabled !

Tập ở Moscow, Kishida ở Kyiv: Trung – Nhật tăng cường cạnh tranh ngoại giao

View previous topic View next topic Go down

Tập ở Moscow, Kishida ở Kyiv: Trung – Nhật tăng cường cạnh tranh ngoại giao Empty Tập ở Moscow, Kishida ở Kyiv: Trung – Nhật tăng cường cạnh tranh ngoại giao

Post by LDN Wed Apr 05, 2023 4:17 pm

Nghiên cứu quốc tế

Tập ở Moscow, Kishida ở Kyiv: Trung – Nhật tăng cường cạnh tranh ngoại giao

Nguồn: William Figueroa, “China in Russia, Japan in Ukraine: Asian Powers Enter International Diplomacy, The Diplomat, 22/03/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Để hiểu được ý nghĩa của các chuyến thăm vừa qua, chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng bối cảnh rộng hơn của những nỗ lực ngoại giao quốc tế gần đây của Trung Quốc và Nhật Bản.

Hai tuần vừa qua quả là một quãng thời gian vô cùng bất ngờ đối với những ai theo dõi hoạt động ngoại giao ở Đông Á. Ngay sau tuyên bố bất ngờ của Trung Quốc, về một thỏa thuận hòa bình do Bắc Kinh làm trung gian giữa Iran và Ả Rập Saudi, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp cao tới Moscow vào ngày 20/03, để theo đuổi những gì có thể là một thành tựu ngoại giao mới: một lệnh ngừng bắn và một lộ trình cho hòa bình ở Ukraine.

Ngày hôm sau, giữa chuyến thăm ba ngày của Tập, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv, Ukraine, theo đó làm suy yếu các nỗ lực của Tập và làm gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á khi họ tranh giành ảnh hưởng trên trường quốc tế. Để hiểu được ý nghĩa của những diễn biến này, chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng bối cảnh rộng hơn của những nỗ lực ngoại giao quốc tế gần đây của hai nước.

Trung Quốc dường như đang tiến hành một chiến dịch ngoại giao. Sau khi giành được chiến thắng lớn ở Trung Đông, Bắc Kinh ngay lập tức chuyển sự chú ý sang vấn đề quốc tế chính hiện nay: cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Tập muốn Trung Quốc được xem là một cường quốc đang trỗi dậy có trách nhiệm, với khả năng gây ảnh hưởng lên hòa bình thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh chính sách cạnh tranh và ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ. Cam kết của Trung Quốc với trật tự đa cực như một chiến lược thực tế nhằm phá vỡ sự thống trị của Mỹ trong các mạng lưới chính trị và kinh tế toàn cầu có nghĩa là các cuộc tấn công ngoại giao kiểu này vẫn sẽ tiếp tục, vì chính sách ngoại giao quốc tế của Tập là một phần quan trọng trong chính sách đối nội của ông và trong hình ảnh mà ông muốn thể hiện ở cả trong và ngoài nước. Cùng lúc đó, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Đài Loan, xung đột Mỹ-Trung, và các yêu sách trên biển của Trung Quốc đều trở nên quyết đoán hơn trong những năm gần đây.

Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước ngoài đã khiến Tokyo lo lắng. Lo sợ xung đột xảy ra tại Đài Loan hoặc các điểm nóng khác, gồm cả nơi mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền: quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư), Nhật Bản đã ưu tiên tăng chi tiêu quân sự và tăng cường hợp tác quân sự với Hàn Quốc cũng như với các đối tác khu vực và quốc tế. Các chuyên gia tin rằng thái độ này dựa trên đánh giá của người Nhật, rằng chiến tranh với Trung Quốc có thể xảy ra sớm hơn dự kiến, và Mỹ có lẽ không phải là một đối tác đáng tin cậy. Kishida, từng là người giữ chức Ngoại trưởng Nhật lâu nhất (2012-2017), đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý định của Trung Quốc và hứa hẹn sẽ đưa đất nước mình bước vào một kỷ nguyên ngoại giao hiện thực mới. Với dự định đó, ông thường nhắc đến cuộc chiến ở Ukraine, rằng “Đông Á là Ukraine của ngày mai.”

Tập ở Moscow, Kishida ở Kyiv

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tập Cận Bình diễn ra rất ấm cúng và riêng tư, trong đó Putin gọi Tập là “người bạn thân lâu năm,” còn Tập đáp lại bằng cách nhấn mạnh đến quan hệ cá nhân và “liên hệ chặt chẽ với Tổng thống Putin”. Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của một quan hệ bền chặt với Nga, “một lựa chọn chiến lược của Trung Quốc dựa trên lợi ích cơ bản của chính chúng tôi” và dựa trên lợi ích chung trong việc “đa cực hóa thế giới” và “dân chủ hóa các quan hệ quốc tế”.

Ukraine là một trong những chủ đề thảo luận chính, bao gồm đề xuất của Trung Quốc về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, được chính phủ nước này chính thức công bố vào tháng trước. Bản đề xuất đưa ra một loạt các tuyên bố mơ hồ như “từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh” và “tôn trọng chủ quyền,” cũng như một số hành động cụ thể nhằm giảm bớt sự thù địch và mở đường cho đối thoại, từ “tạo thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc” đến “bảo vệ tù binh chiến tranh.” Không có gì bất ngờ, đề xuất này hoàn toàn không nhắc đến các điều khoản cụ thể cho một giải pháp cuối cùng, và vì vậy, nó là một lộ trình cho đàm phán hòa bình hơn là một đề xuất giải pháp.

Các quan chức Nga, những người tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình, nói rằng họ đã “nghiên cứu kỹ lưỡng lập trường của Trung Quốc” và rằng Nga “hoan nghênh Trung Quốc đóng một vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này.”

Dù một số báo cáo cho rằng Trung Quốc đang trong quá trình thay thế Mỹ trong việc định hình cân bằng quyền lực toàn cầu, hoặc chuẩn bị hỗ trợ sâu rộng hơn cho các mục tiêu quân sự của Nga, các mục tiêu thực sự của Trung Quốc có lẽ sẽ bị giới hạn và mang tính thực tế. Trung Quốc không có khả năng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga, thứ nhất là vì cái giá ngoại giao, và thứ hai là vì các quan chức Trung Quốc coi cuộc chiến là một gánh nặng hơn là một cơ hội, và họ sợ nó vượt khỏi tầm kiểm soát. Yu Jie, nghiên cứu viên cấp cao tại Chatham House, chỉ ra việc không có quan chức quân sự cấp cao nào trong phái đoàn tháp tùng Tập đến Moscow, qua đó cho thấy rằng đàm phán hòa bình và hợp tác kinh tế là những mục chính trong chương trình nghị sự.

Nhiều khả năng, Trung Quốc đang cố gắng đóng vai trò bình ổn và đảm bảo rằng Nga sẽ không bại trận hoàn toàn. Tầm nhìn của Bắc Kinh về một thế giới đa cực phụ thuộc vào việc Nga đóng vai trò là một đối trọng hiệu quả với Mỹ. Họ có thể không ủng hộ chiến tranh, nhưng chắc chắn phản đối việc để Nga bị hủy diệt về kinh tế và chính trị.

Một ngày sau khi Tập bắt tay với Putin, phía Nhật Bản thông báo rằng Kishida, ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Ấn Độ, đã lên một chuyến tàu hướng tới Kyiv, thủ đô Ukraine. Kishida có lịch sử ủng hộ chính nghĩa của người Ukraine. Mới tháng trước, Thủ tướng Nhật đã công bố gói viện trợ tài chính trị giá 5,5 tỷ USD cho Ukraine, đồng thời cam kết tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cùng một số nhà lãnh đạo quốc gia có thiện cảm khác. Chính phủ Ukraine đã gửi lời mời Kishida đến thăm đất nước từ hồi tháng 1, nhưng thời điểm chuyến đi của ông vẫn là một bất ngờ.

Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Kishida sẽ “trực tiếp truyền đạt tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ vững chắc của chúng tôi đối với Ukraine” và “kiên quyết phản đối hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine”, trái ngược hoàn toàn với lập trường trung lập của Bắc Kinh.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Nhật Bản đang háo hức tận dụng thời điểm hoàn hảo này để tạo ra sự tương phản rõ rệt giữa chính sách ngoại giao của họ và của Trung Quốc, qua đó tự đưa mình vào câu chuyện về vai trò ngày càng lớn của châu Á trong ngoại giao quốc tế.

Dù các quan chức Nhật Bản đã thận trọng hoan nghênh tuyên bố hòa bình giữa Ả Rập Saudi và Iran, nhưng Tokyo dường như không mấy hài lòng khi Trung Quốc nắm giữ vai trò chủ chốt. Nhật Bản có lịch sử quan hệ ngoại giao và kinh tế tích cực với Iran, và mới đây đã ký kết một thỏa thuận đầu tư lớn với Ả Rập Saudi. Nhìn rộng hơn, người Nhật ngày càng quan tâm đến khu vực Trung Đông trong những năm gần đây, đặc biệt là khi sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ ở Trung Đông tăng lên mức cao kỷ lục. Dù không có dấu hiệu nào cho thấy Nhật Bản tìm cách làm trung gian hòa giải giữa Ả Rập Saudi và Iran, nhưng nước này đã từng cố gắng làm trung gian hòa giải trong quan hệ Iran-Mỹ trong quá khứ, và thành công của Trung Quốc trong khu vực có thể sẽ khiến người Nhật chia sẻ cảm xúc của giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ, rằng họ đã bị gạt sang bên lề.

Những trở ngại đối với chính sách ngoại giao do châu Á dẫn đầu

Dù các chuyến thăm ngoại giao song phương có thể tạo ra ấn tượng về tầm ảnh hưởng, vẫn còn nhiều trở ngại đối với sự thành công của các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc và Nhật Bản. Những nỗ lực trước đây nhằm làm trung gian hòa giải trong các vấn đề ngoại giao lớn ở Trung Đông của cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đã thất bại hoặc chết yểu, và chẳng có gì đảm bảo rằng thỏa thuận Iran-Ả Rập Saudi sẽ được thực hiện thành công.

Động lực cơ bản của ngoại giao Nhật Bản rõ ràng vẫn là các quan hệ với Mỹ và quan hệ đối tác ngoại giao và an ninh với phương Tây, ngay cả khi nước này đa dạng hóa và mở rộng quan hệ với các đồng minh khác trong khu vực. Cũng có thể xem thời điểm chuyến thăm của Nhật Bản là một phần trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, bởi nó phù hợp với các mục tiêu và mong muốn của Mỹ nhằm chống lại các động thái trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Mỹ, một bên đóng vai trò quan trọng trong xung đột Ukraine và là một nhân tố cần thiết của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, đã bác bỏ đề xuất hòa giải của Trung Quốc là “không hợp lý” và cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào vào thời điểm này cũng chỉ là chiến thuật câu giờ của Nga, được thiết kế để củng cố lợi ích lãnh thổ.

Trong khi Nhật Bản và Trung Quốc rất sẵn lòng tận dụng các cơ hội ngoại giao mới xuất hiện, động lực và quá trình thực hiện những nhiệm vụ này vẫn nằm trong tay các chủ thể khu vực. Bằng chứng có thể được tìm thấy trong cả thỏa thuận Iran-Ả Rập Saudi và chuyến thăm của Nhật Bản tới Ukraine, cả hai đều bắt nguồn từ yêu cầu của các chính phủ trong khu vực.

Zelenskyy tuyên bố cởi mở với kế hoạch của Trung Quốc, nhưng ông cũng kiên định rằng sẽ không có sự thỏa hiệp với Nga về biên giới lãnh thổ Ukraine, vốn là điều kiện tiên quyết cần thiết cho lộ trình của Trung Quốc. Ông cũng đã đồng ý tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản vào thời điểm có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc, cho thấy ông không quan tâm đến câu chuyện hòa giải của Bắc Kinh.

Cách Trung Quốc tiếp cận Zelenskyy cuối cùng có lẽ sẽ tập trung vào mục cuối trong bản đề xuất của nước này, nhấn mạnh hỗ trợ tái thiết sau chiến tranh. Đây chắc chắn là điều mà cả Zelenskyy và Tập tin rằng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò thiết yếu.

William Figueroa là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Địa chính trị của Đại học Cambridge. Ông có bằng Tiến sĩ về Lịch sử và bằng Thạc sĩ Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Pennsylvania.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You can reply to topics in this forum