Our forum runs best with JavaScript enabled !

THỰC VÀ GIẢ - Somerset Maugham

View previous topic View next topic Go down

THỰC VÀ GIẢ - Somerset Maugham Empty THỰC VÀ GIẢ - Somerset Maugham

Post by LDN Sat May 13, 2023 2:04 am

THỰC VÀ GIẢ - Somerset Maugham

Tôi không bảo đảm câu chuyện này có thật. Nhưng đây là câu chuyện mà vị giáo sư văn chương người Pháp tại Đại học đường Anh quốc đã kể cho tôi. Ông ta là một nhân vật có tiếng tăm lớn nên tôi nghĩ nếu không có thực, ông không kể cho tôi nghe làm gì. Phương pháp thông thường của ông là làm cho sinh viên phải chú ý đặc biệt đến ba văn hào Pháp mà, theo ông, đã gồm thâu đầy đủ tánh tình căn bản của người Pháp. Đọc ba nhà văn ấy, ông nói, bạn có thể hiểu biết rất nhiều về dân tộc Pháp; và nếu ông có quyền hành thì ông sẽ không tín nhiệm và giao phó cho những viên chức cái nhiệm vụ giao dịch với nước Pháp trước khi hạch hỏi họ về những tác phẩm của ba văn hào Pháp đó. Văn hào thứ nhất là Rabelais, với cái “gauloiserie” của ông, mà chúng ta có thể dịch là cái lối ăn thô nói tục, chẳng hạn như gọi cái xẻng bằng một danh từ còn tục hơn là cái mu rùa. Văn hào thứ hai là La Fontaine, với cái “bon sens” của ông ta, hay cái lương tri giống như năng khiếu tìm đường chẳng bao giờ lầm lẫn của giống ngựa. Văn hào thứ ba là Corneille với cái “panache”. Panache nghĩa đen theo tự điển, là cái lông vũ, loại lông dài mà các hiệp sĩ thường cắm trên mũ, nghĩa bóng là phẩm cách và can đảm, dũng lực và hùng khí, hư danh và kiêu hãnh. Chính cái panache đã làm cho những dũng sĩ Pháp ở trận Fontenoy nói với tướng lãnh của vua Geoge đệ nhị: “Mời quý vi hãy bắn trước đi”; chính cái panache đã khiến cho Cambronne thốt ra từ đôi môi đày dục tính câu nói bất hủ ở trận Waterloo: “Vệ quốc quân chết chứ không đầu hàng”. Và cũng chính cái panache đã thúc đẩy một thi sĩ nghèo Pháp làm một cử chỉ rất ngoạn mục là không thèm nhận giải thưởng Nobel. Vị giáo sư của tôi không phải là người nông nổi, và theo quan niệm của ông, thì câu chuyện, tôi sắp kể cho bạn sau đây, mang đầy đủ tánh chất căn bản của người Pháp nên có một giá trị giảo dục rất cao.

Tôi đặt cho câu chuyện ấy cái nhan đề là “Thực và giả”. Đó là nhan đề tôi mượn ở một tác phẩm triết học tôi xem như là một tác phẩm quan trọng bậc nhất mà nước tôi - đúng hay sai - đã sản xuất trong thế kỷ thứ XIX. Đó là một tập luận thuyết chắc nịch nhưng đầy khích lệ, viết với một thứ Anh văn điêu luyện, nhuốm đầy màu sắc châm biếm diễu cợt; và dù một độc giả không chuyên về triết lý có thể không nhận ra được những lý luận quá tế nhị của tác phẩm cũng vẫn có cảm giác rợn ngợp như đang đi trên dây tư tưởng qua một vực thẳm siêu hình, và khi đọc xong xếp sách lại, ông ta có cảm tưởng yên lành vô sự rằng đi dây cũng chả ghê gớm cóc khô gì cả. Mượn nhan đề của một tác phẩm tiếng tăm như vậy, tôi không viện dẫn lý lo gì để tự bào chữa, ngoài lý do là nhan đề ấy thích hợp lạ lùng cho câu chuyện của tôi.

o O o

Tuy bạn chỉ có thể liệt cô Lisetle vào hạng triết gia trong cái nghĩa thông thường là tất cả mỗi chúng ta đều là triết gia, nhưng cô đã xử dụng tư tưởng trong những vấn đề sinh sống hàng ngày một cách lão luyện; trực giác của cô về thực tại quá mạnh mẽ và sự yêu chuộng của cô về hiện tượng, hay nói một cách nôm na, về hình thức, quá thuần thục đến nỗi cô có thể tự hào đã thiết lập được sự dung hòa giữa những điều không thể dung hòa mà các triết gia từ bao thế kỷ nay đều làm mục tiêu hướng tiến. Lisette là một cô gái Pháp. Mỗi ngày cô bỏ ra nhiều thì giờ để làm cái việc mặc vào, cởi ra những bộ y phục kiểu mẫu ở một tiệm may sang trọng nhất Paris, một công việc thích thú đối với một thiếu nữ ý thức rõ ràng mình có một hình dáng yêu kiều đẹp đẽ. Nói một cách vắn tắt hơn, nàng là một cô gái làm kiểu mẫu ở tiệm may. Thàn hình nàng cao lớn đủ để có thể mặc áo lễ có vạt sau dài phết đất một cách thanh thoát, và cái eo ếch nàng thon nhỏ đến nỗi khi mặc y phục thể thao người ta có cảm tưởng như đang ngửi thấy hoa đồng cỏ nội. Hai đùi nàng dài, nên khi mặc đồ ngủ trông rất quý phái; và ngực nàng gọn, hông nàng nhỏ, nên bộ áo tắm tầm thường nhất khi được nàng mặc vào cũng trở thành kỳ ảo. Nghĩa là nàng mặc gì cũng đẹp. Nàng có cách khoác lên mình cái áo choàng bằng lông sóc Nam Mỹ khiến cho những kẻ sành ăn mặc nhất cũng phải công nhận rằng áo lông sóc Nam Mỹ thực xứng tiền. Các bà mập, các bà vai u thịt bắp, các bà lùn, các bà ốm dơ xương, các bà không có “co”, các bà già, các bà ăn mặc xuềnh xoàng, ngồi trong những chiếc ghế bành đồ sộ để xem nàng biểu diễn, và sau đó, hỏi mua những bộ y phục mà nàng đã mặc một cách vừa vặn xinh xắn quá sức tưởng tượng. Nàng có đôi mắt lớn màu nâu, đôi môi mọng đỏ và làn da trắng mịn với những nốt ruồi hồng lăn tăn. Nàng giữ cái dáng điệu cao cả, xa vời và thản nhiên lạnh lùng mà người mẫu cần phải có, khi nàng lượn qua trước mặt khán giả với những bước đi thong thả nhẹ nhàng, quay tròn, quay tròn chầm chậm, rồi với cái vẻ khinh thường luôn cả trời đất rnà chỉ có con lạc đà mới sánh kịp, nàng lượn vào, biến mất. Đôi mắt màu nâu tuyệt đẹp và mở rộng, có những cái chớp nhanh, nửa quyến rũ, nửa lạnh lùng, đôi môi đỏ mấp máy rung động nửa như sắp mỉm cười, nữa như muốn làm nghiêm. Chính cái chớp mắt ấy đã khiến cho ông Raymond le Sueur để ý đến nàng.

Ông ngồi trong chiếc ghế bành đóng theo kiểu đời vua Louis XVI, bên cạnh bà vợ. Bà rủ ông đến đây với bà để xem trình diễn những bộ áo thời trang mùa xuân. Đó là bằng chứng cụ thể về thiện chí của ông đối với vợ, vì ông là người rất bận rộn với bao nhiêu công việc quan trọng phải làm, hơn là ngồi hàng giờ để nhìn ngắm một tá các thiếu phụ xinh đẹp phô trương những bộ y phục đủ kiểu. Ông không tin rằng một thiếu phụ nào trong số các cô kiểu mẫu ấy có thể thay hình đổi dạng được bà vợ ông, một người đàn bà cao lớn, dềnh dàng vào khoảng ngủ tuần, với khuôn mặt quá rộng rãi to lớn hơn kích thước người thường. Tất nhiên ông cưới bà không phải vì hình dáng của bà. Và bà, dù trong những ngày thơ mộng nhất của tuần trăng mật, cũng không tưởng lầm như vậy. Ông cưới bà vì mục đích muốn tổng hộp những xưởng luyện thép đang hồi thịnh vượng mà bà là người thừa kế, với những hãng chế tạo đầu máy xe lửa cũng đang hồi phồn thịnh của ông. Cuộc hôn phối ấy đã thành công. Bà đã cho ông một cậu con trai có thể chơi quần vợt giỏi bằng những tay nhà nghề, khiêu vũ hay không thua gì vũ sư, và đánh bridge ngang ngửa với những tay chơi lão luyện. Bà cũng cho ông thêm một cô tiểu thư mà ông dự định sẽ cấp cho một số hồi môn đủ để cưới một ông hoàng chính cống. Đúng là ông có đủ lý do để tự hào về hai cô cậu con ông. Nhờ tánh cần mẫn và liêm khiết vừa phải, sự kinh doanh của ông mỗi ngày mỗi phát đạt và đặt ông vào địa vị then chốt của một hãng lọc đường, một công ty điện ảnh, một xưởng ráp xe hơi và một nhật báo. Cuối cùng, khi có thừa phương tiện tài chánh, ông đã xuất tiền ra thuyết phục những cử tri độc lập, không thuộc đảng phái nào ở một quận để bầu ông vào Thượng viện, ông là người có diện mạo uy nghi, có hình thù béo tốt, có nước da hồng hào, với bộ râu hoa râm cắt rất vuông vắn, cái đầu hói và một khoanh mỡ ở phía sau cổ. Bạn không cần phải nhìn cái chấm đỏ chưng diện ở ngực áo “vét” đen của ông cũng có thể đoán biết ông là một nhân vật có thế lực.

Là người nhanh trí, nên khi bà vợ ông rời tiệm may để đi đánh bridge, ông từ giã bà, viện cớ ông muốn đi bộ cho giãn gân cốt đến Thượng viện, nơi nhiệm vụ nặng nề đối với dân với nước đang chờ đợi ông. Nhưng thực ra, ông thấy không cần phải đi xa đến thế để được giãn gân giãn cốt mà chỉ đi tới đi lui trên con đường nhỏ mà ông đoán chắc các thiếu phụ trẻ đẹp ở tiệm may có thể đi ra sau giờ bãi sở. Ông chỉ đợi trong khoảng 15 phút thì những người đàn bà xuất hiện từng nhóm nhỏ có người trẻ đẹp, có người chẳng trẻ cũng chẳng đẹp, báo hiệu cho ông biết giây phút chờ đợi đã đến. Vài phút sau, cô Lisette bước xuống đường. Vị thượng nghị sĩ ý thức rõ ràng rằng hình dáng và tuổi các của ông có thể không quyến rũ được các thiếu phụ trẻ đẹp lúc mới nhìn lần đầu tiên, nhưng sự giàu có và địa vị của ông bù lại những điểm bất lợi nói trên, cô Lisette đi với một cô bạn; điều ấy có thể làm bối rối một người kém bản lãnh, nhưng đối với ông thì ông chẳng e dè một chút nào. Ông tiến thẳng đến trước mặt cô, lễ phép cất nón, nhưng không quá cao để khỏi lộ cái đầu hói, và chào cô với một nụ cười duyên:

- Bonsoir, Mademoiselle.

Cô liếc nhanh một cái về phía ông, đôi mắt đỏ mấp máy một nụ cười, nhưng nụ cười vừa thoáng hiện đã biến mất. Cô xoay mặt về phía khác, trò chuyện lại với cô bạn và tiếp tục bước đi với vẻ hoàn toàn thản nhiên lãnh đạm được nghiên cứu rất kỹ. Không một chút bối rối, vị nghị sĩ quay trở lại và đi theo hai cô gái cách mấy bước ở phía sau. Hai cô đi dọc theo con đường nhỏ, quẹo ra đại lộ và khi đến công trường Madeleine, leo lên xe buýt.

Vị nghị sĩ rất lấy làm hài lòng. Ông đã rút ra được một số kết luận khá đúng: Cô đi về nhà với một bạn gái chứng tỏ cô ta chưa có ý trung nhân; cô ta xây mặt phía khác liền sau khi chào ông chứng tỏ cô ta người kin đáo, nhu mì và đứng đắn, một đức tính ông rất ưa chuộng ở người đàn bà, nhứt là người đàn bà đẹp; và cái áo ngoài và sơ-mi tầm thường, cái nón màu đen đơn giản và đôi vớ sọc, nói lên sự nghèo nàn, và từ đó mà suy ra đức hạnh của cô. Trong bộ y phục đơn sơ ấy, cô cũng vẫn không kém phần hấp dẫn như trong những bộ y phục lộng lẫy mà ông đã thấy cô mặc hồi nãy. Một cảm tưởng kỳ lạ dấy lên trong tim ông. Từ bao năm nay ông không có cảm giác đặc biệt đó, một cảm giác vừa thích thú, vừa xót xa, nhưng ông nhận ra nó ngay.

- Đó là tình yêu, tình yêu thơ mộng. - Ông lẩm bẩm.

Ông không bao giờ chờ đợi một thứ tình cảm như vậy trở lại trong lòng ông. Nhưng ông vươn vai, ưỡn ngực, tiếp tục bước chắc chắn, đầy tự tin. Ông đi thẳng lên phòng làm việc của một thám tử tư và đưa những chỉ dẫn để yêu cầu điều tra về một thiếu nữ có tên là Lisette, làm kiểu mẫu cho một tiệm may, số mấy, đường nào v.v... và v.v... Rồi sực nhớ ở Thượng viện đang có cuộc thảo luận về vay tiền Mỹ quốc, ông gọi tắc xi đến tòa nhà đồ sộ ấy, đi thẳng vào thư viện, đánh một giấc trong chiếc ghế bành êm dịu mà thường ngày ông rất thích ngồi.

Ba ngày sau, cuộc điều tra hoàn tất và được gởi đến cho ông, với một giá thù lao quá rẻ. Cô Lisette Larion hiện ở với một bà cô góa chồng trong một căn phố hai phòng tại một quận ở Paris, thường được gọi là Batignolles. Ông thân cô, một thương phế binh trong trận thế chiến vừa qua hiện có sạp bán thuốc lá tại một thị trấn nhỏ ở Tây nam nước Pháp. Tiền thuê căn phố là hai ngàn quan một năm. Cô sống một cuộc sống lương thiện, thích đi xem triển lãm tranh ảnh, được biết là chưa có tình nhân và chỉ mới 19 tuổi. Cô được người gác dan của dãy phố cô ở khen là người tốt và được bạn bè trong tiệm may yêu mến. Như vậy chắc chắn cô là một thiếu nữ rất đàng hoàng. Vị nghị sĩ của chúng ta giờ đây không còn nghĩ gì khác hơn là cô ta rất thích hợp để, trong những giờ nhàn rỗi, an ủi và săn sóc ông ta, một người luôn luôn mong muốn đươc nghỉ ngơi sau những giờ lo nghĩ về quốc kế dân sinh và bị thúc bách bận bịu bởi một cuộc kinh doanh vĩ đại.

Tưởng không cần phải kể dài dòng từng chi tiết những bước tiến của ông Le Suear để đạt mục tiêu mong muốn, ông là nhân vật quá quan trọng và bận bịu vì nhiều công chuyện nên không thể tự mình đứng ra lo liệu sắp xếp câu chuyện này, nhưng ông có một viên bí thư rất thành thạo trong việc vận động và hướng dẫn các cử tri về vấn đề bầu bán, và chắc chắn với tài nghệ đó, anh ta có thể trình bày cho cô gái lương thiện nhưng nghèo nàn ấy thấy những lợi lộc mà cô có thể hưởng thụ, nếu cô được may mắn làm quen với một nhân vật có thế lực như ông chủ của mình. Anh ta đến thăm bà quả phụ Saladin, cô của Lisette và cho bà biết rằng ông Le Sueur một người luôn luôn nhìn xa thấy rộng và gần đây đang đặc biệt quan tâm đến phim ảnh và dự định bỏ vốn để sản xuất một cuốn phim. (Điều này chứng tỏ cho thấy là một đầu óc khôn ngoan lanh lợi có thể xử dụng hữu ích đến thế nào một sự việc mà người thường cho là vô nghĩa). Anh ta bảo rằng ông Le Sueur rất thán phục dung nhan của cô Lisette và điệu bộ đặc biệt của cô trong lúc trình bày mẫu áo ở tiệm may và do đó, ông nảy ra sáng kiến là cô có thể rất thích hợp cho một vai trò trong cuốn phim của ông. (Như bao nhiêu người thông minh lanh lợi khác, nghị sĩ của chúng ta luôn luôn cố gắng xích lại gần sự thật).

Viên bí thư, vì vậy, mời bà Saladin và cô Lisette dùng cơm với ông Le Sueur để hai bên làm quen với nhau, và để ông có cơ hội xét lại xem cô Lisette thật có năng khiếu về màn ảnh như ông mong đợi không. Bà Saladin trả lời là bà sẽ hỏi ý kiến của cháu bà; về phần bà thì bà nhận thấy đề nghị ấy rất hợp lý.

Khi bà Saladin trình bày đề nghị ấy với cô Lisette và giải thích cho cô rõ địa vị, danh giá và tầm quan trọng của người đứng mời, cô nhún đôi vai xinh xắn một cách khinh bỉ, nói:

- Cette vieille carpe!

Câu này có thể phiên dịch sang nghĩa đen là: “Cái con cá chép già ấy”.

- Con cá chép già thì đã sao, nếu ông ta thuận cho mày đóng một vai trò? - Bà Saladin hỏi vặn lại.

- Et ta sueur. - Cô Lisette trả lời.

Câu này dịch nôm là “Và chị Bà” nghe thì không có gì là xúc phạm và vô nghĩa nữa, nhưng thực ra là hơi tục và tôi nghĩ, chỉ những cô gái không đứng đắn mới dùng đến khi muốn đả kích ai. Nó diễn tả cái nghi ngờ cùng tột, và sự phiên dịch chính xác ra tiếng bình dân thực quả tục tỉu đối với ngòi bút trong trắng của tôi.

- Dù sao chúng ta cũng sẽ được một bữa ăn thịnh soạn - Bà Saladin nói - Vả lại mày đâu phải là con nít nữa?

- Hắn ta bảo ăn ở tiệm nào?

- Ở Château de Madrid. Ai cũng thừa biết đó làm tiệm ăn sang nhất thế giới.

Vậy thì không có lý do gì lại từ chối. Món ăn ngon, phòng sang trọng, địa điểm ngồi ăn vào những đêm hè tốt trời thật lý tưởng. Một núm đồng tiền hiện lên đôi má cô Lisette và đôi môi mọng đỏ nở một nụ cười để lộ hai hàm răng thật đều dặn.

- Tôi có thể mượn được một bộ y phục ở tiệm. - Nàng thì thầm với mình.

Mấy ngày sau viên bí thư của ông nghị đến rước bà Saladin và cô cháu duyên dáng của bà trên chiếc taxi và đưa họ đến vườn Boulogne.

Cô Liselte trông thực quyến rũ trong bộ y phục mẫu thành công nhất của tiệm may, còn bà Saladin thực đoan trang trong bộ áo xa tanh đen và chiếc mũ mà cô Lisette vừa mới chế biến cho cái dịp này. Viên bí thư giới thiệu hai người phụ nữ với ông Le Soeur; ông này chào hỏi họ với cái cung cách vừa thân mật vừa trang trọng của một chính trị gia đối với bà vợ và cô cháu một cử tri danh giá của mình. Và đó chính là xảo thuật mà ông hy vọng những người quen biết ở những bàn ăn lân cận tưởng lầm như vậy về hai người khách của ông.

Bữa cơm đã thành công mỹ mãn, và chưa đầy một tháng sau, cô Lisette dọn về một căn phố xinh xắn ở một địa điểm thuận tiện cả cho sự đi về của cô ở tiệm may và của ông nghị ở thượng viện. Căn phố được trang trí theo kiểu tân thời bởi một trang trí gia chuyên về thời trang. Ông Le Sueur muốn để cho cô Lisette tiếp tục đi làm. Ông thích cô có việc để làm trong những giờ ông phải vùi đầu trong công việc đa đoan, vì điều đó có thể giữ gìn cho cô khỏi rơi vào lầm lỗi, và ông cũng hiểu rõ rằng một người đàn bà nhàn rỗi tiêu tiền nhiều hơn người có công việc. Người đàn ông thông minh bao giờ cũng nghĩ đến điều đó.

Nhưng sự phung phí tiền bạc là một tánh xấu mà cô Lisette không hề biết đến. Ông nghị là người tốt bụng và rộng rãi. Ông rất hài lòng về tánh tiện tặn của cô. Cô ăn tiêu cần kiệm và may sắm cũng rất vừa phải, và mỗi tháng cô gởi về nhà một số tiền cho ông thân sinh để tạo mãi một ít đất ruộng. Ông nghị rất bằng lòng được biết từ miệng bà gác dan (bà này có cậu con trai mà bà đang mong ước được xin vào làm việc nhà nước) rằng: Cô Lisette chỉ có mấy người khách thường đến thăm, là bà Saladin và vài cô bạn gái ở tiệm may.

Ông nghị chưa bao giờ có được hạnh phúc như bây giờ. Ông rất hài lòng nghĩ rằng, ngay trong cõi đời nay một việc thiện vẫn được đền bù xứng đáng. Phải chăng không vì lòng tốt, hoàn toàn bất vụ lợi mà ông nghị đã bỏ buổi họp bàn cãi về vấn đề cho vay của Mỹ quốc ở thượng viện để đi với bà vợ ông đến tiệm may chiều hôm ấy, nên mới được may mắn gặp cô Lisetle lần đầu tiên đó sao? Càng hiểu rõ cô bao nhiêu, ông lại càng say mê cô bấy nhiêu, cô thực là một người bạn đường tuyệt diệu. Luôn luôn vui vẻ và dễ dãi, nàng có trí thông minh đáng nể và có thể nghe kịp những điều ông bàn cãi về việc nước hay việc kinh doanh. Nàng săn sóc nâng niu ông khi ông mệt mỏi, an ủi vỗ về ông khi ông chán nản. Nàng mừng rỡ khi thấy ông đến - ông đến rất thường vào lúc năm giờ đến bảy giờ chiều, và buồn rầu khi tiễn ông đi. Nàng cho ông cái cảm tưởng ông không chỉ là người tình mà còn là người bạn của nàng. Thỉnh thoảng họ dùng cơm với nhau tại căn phố nàng ở; và bữa ăn với bát đĩa sạch sẽ tươm tất, với tiện nghi linh động, cho ông hưởng thụ trọn vẹn thú sống gia đình. Bạn bè bảo ông trẻ lại đến hai mươi tuổi, ông cũng cảm thấy như vậy và ý thức được diễm phúc của mình. Nhưng ông cho đó chỉ là phần thưởng mà ông có quyền được hưởng sau một cuộc sống lương thiện, nhọc nhằn trong công việc kinh danh và chính trị của ông.

Nhưng, sau gần hai năm mọi sự đều tiến triển êm xuôi và tốt đẹp, bỗng một hôm ông phải chạm trán với một sự việc quả bất ngờ làm ông choáng vảng như bị đụng đầu vào tường. Hôm ấy là sáng sớm chủ nhật, sau khi đi về tỉnh thăm cử tri đoàn và định ở lại cho đến hết cuối tuần, ông đã bất thần trở về Paris, đều căn phố của Lisetle ở, lấy chìa khóa riêng, mở cửa phòng với ý nghĩ sẽ gặp nàng còn ở trong giường ngủ vì là ngày nghỉ việc, ông đã bắt gặp quả tang nàng đang ngồi ăn sáng với một thanh niên mặc bộ đồ ngủ mới toanh của ông, một thanh niên ông chưa hề quen biết bao giờ. Lisette rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ông đi vào. Nhưng nàng vẫn hỏi ông, vẻ tỉnh bơ:

- Kìa! Anh ở đâu hiện về đó? Em tưởng ít ra ngày mai anh mới trở về.

- Nội các đổ, - Ông trả lời như cái máy - tôi được mời về gấp để nhận chức Tổng trưởng Nội Vụ.

Nhưng đó không phải là điều ông muốn nói lúc này. Ông ném một cái nhìn giận dữ vào gã thanh niên đang mặc bộ đồ ngủ của ông, thét hỏi:

- Thằng cha nào vậy?

Đôi môi đỏ của Lisette nở một nụ cười vô cùng quyến rũ.

- Tình nhân của em.

Vị nghị sĩ thét lớn:

- Cô cho tôi là một thằng ngốc không biết hắn là tình nhân của cô sao?

- Vậy sao còn hỏi?

Ông Le Sueur là người hoạt động, ông tiến thẳng đến trước mặt cô Lisette, tát cho cô một cái tát nảy đom đóm vào má phải với bàn tay trái của ông, tát thêm một tát nảy đom đóm vào má trái của cô với bàn tay phải của ông. Cô Lisette khóc và thét:

- Đồ vũ phu!

Ông nghị xây qua phía anh chàng thanh niên trong khi hắn đang bối rối nhìn cảnh trình diễn phũ phàng ấy, rồi ông đứng ưỡn thẳng người, phóng cánh tay dài và ngón tay trỏ ra phía cửa một cách rất là kịch sĩ, truyền lịnh:

- Cút ngay lập tức!

Trước dáng điệu nặng phần chỉ huy của một nhân vật đã quen điều khiển một đám quần chúng nổi giận vì sưu cao thuế nặng, đã từng áp đảo với vẻ mặt nghiêm nghị của mình một đại hội thường niên của những hội viên bất mãn vì chia lời ít, người ta tưởng rằng anh chàng thanh niên kia sẽ chuồn ngay ra cửa nhưng không, hắn vẫn giữ yên thế đứng - mặc dù có đôi chút lưỡng lự, nhưng vẫn giữ nguyên thế đứng - Hắn phóng về phía cô Lisette một cái nhìn cầu cứu, và hơi nhún đôi vai. Ông nghị quát:

- Mày còn đợi gì nữa? Muốn tao dùng vũ lực hay sao!

- Ảnh không thể đi về trong bộ đồ ngủ của ảnh. - Cô Lisette giải thích.

- Đâu phải bộ độ ngủ của hắn? Bộ đồ ngủ của tôi!

Ông nghị nhìn quanh và thấy trên chiếc ghế sau lưng ông, vắt bừa bãi bộ quần áo đàn ông. Ông giận dữ nhìn chàng thanh niên, nói vẻ khinh bỉ:

- Đến lấy đi!

Người thanh niên lấy bộ áo quần vắt lên cánh tay, xách đôi giày lên, lẹ làng ra khỏi phòng. Ông Le Sueur là người có tài diễn thuyết. Chưa bao giờ ông xử dụng cái tài ấy đặc sắc như hôm nay. Ông nói cho cô Lisette biết những ý nghĩ của ông về cô. Dĩ nhiên nhũng ý nghĩ ấy không đẹp đẽ gì. Ông tô đi tô lại cái vô ân bạc nghĩa của cô với những màu sắc thực đen tối. Ông moi móc trong mớ từ ngữ dồi dào của ông những danh từ thực tồi tệ để nhiếc mắng cô. Ông kêu gọi trời đất thánh thần chứng giám cho lòng tốt và sự tin cậy của ông đối với cô, thế mà bây giờ bị cô đối xử phũ phàng tệ bạc như thế đó. Tóm lại, ông nói lên những điều mà sự giận dữ, nỗi thất vọng và lòng kiêu mạn bị tổn thương đã gợi lên cho ông. Cô Lisette không tìm cách tự bào chữa. Cô im lặng ngồi nghe, mắt nhìn xuống và mồm tiếp tục nhai một cách máy móc miếng bánh mì croissant mà cô bỏ dở từ lúc ông nghị bước vào phòng. Ông tức tối phóng một cái liếc xuống chiếc đĩa của cô.

- Thế mà tôi lại muốn cho cô là người đầu tiên được biết cái tin trọng đại ấy, nên đã đi thẳng từ nhà ga về đây. Tôi định bụng sẽ dùng “petit déjeuner” với cô ở đầu giường...

- Kìa, khổ chưa! Anh chưa dùng sáng sao? Em gọi đem ngay cho anh nhé!

- Thôi đừng!

- Vô lý! Với nhiệm vụ nặng nề anh sắp gánh vác, anh phải ăn để có đủ sức khỏe để mà làm việc chứ!

Nàng bấm chuông. Khi chị làm công vào, nàng bảo đem cà phê nóng vào. Cà phê được đem lên, nàng rót ra chiếc tách. Nhưng chắc ông nghị sẽ không đụng đến đâu. Nàng quẹt bơ lên hai miếng bánh croissant, ông nghị nhún vai, rồi bắt đầu ăn. Trong khi ăn, ông vẫn còn «tiểu ri» về cái lòng dạ phản trắc của đàn bà. Nàng vẫn im lặng ngồi nghe. Ông nói:

- Dù sao cô cũng không thể trân tráo tìm cách chống chế cho cô được, cô nên biết rằng tôi không phải là người để cho ai muốn lợi dụng gì cũng được. Tôi là hiện thân của lòng quảng đại đối với những ai xử sự tốt đẹp với tôi, nhưng cũng rất nhỏ nhen đối với những kẻ có tâm địa xấu xa. Ngay sau khi tôi uống xong tách cà phê này, tôi sẽ vĩnh viễn rời khỏi căn nhà này.

Lisette thở dài.

- Cô biết không, tôi đã định bụng dành cho cô một sự bất ngờ lý thú: Tôi dự định trong lễ kỷ niệm năm thứ hai ngày chúng ta sum họp, sẽ tặng cho cô một số vốn đủ để cô sống tự lập nếu lỡ tôi có bề nào...

- Bao nhiêu? - Nàng hỏi một các buồn bã.

- Một triệu quan.

Nàng lại thở dài. Bỗng một vật gì mềm mềm đập vào phía sau cái đầu hói của ông nghị làm ông giật mình.

- Cái gì vậy?

- Ảnh trả lại bộ đồ ngủ.

Chàng thanh niên, sau khi mở cửa phòng, liệng bộ đồ ngủ lên đầu ông nghị, lẹ làng đóng cửa lại. Ông nghị loay hoay tháo gỡ bộ đồ lụa đang quấn quanh cổ ông.

- Một cách trả áo quần thật lạ lùng! Rõ ràng thằng tình nhân của cô là đồ mất dạy, là đồ...

- Dĩ nhiêu ảnh không có đủ cái lỗi lạc xuất chúng như anh. - Nnàng nói nhỏ nhẹ.

- Thế hắn có được thông minh như tôi không?

- Càng không!

- Hắn có tiền không?

- Không có lấy một đồng xu nhỏ!

- Trời ơi, vậy thì cô thấy có gì hấp dẫn ở nơi hắn?

- Anh ta trẻ. - Nnàng nhoẻn miệng cười.

Ông nghị nhìn xuống chiếc đĩa của ông, rồi một giọt nước mắt đọng trên mí mắt ông, lăn tròn trên má ông và rơi vào tách cà phê, Lisette nhìn ông, thương hại. Nàng an ủi:

- Anh ơi, không ai có thể hoàn toàn trên đời này cả.

- Tôi biết tôi không còn trẻ. Nhưng địa vị tôi, tài sản tôi, sức sống của tôi, tôi nghĩ cũng có thể bù đắp vào đó. Có nhiều người đàn bà chỉ thích những người đàn ông lớn tuổi... Có nhiều cô đào hát cho là một vinh dự được làm bé một ông bộ trưởng. Tôi là một người quá lễ độ, quá nhã nhặn, nên không muốn nhắc cho cô nhớ cái gốc gác của cô, nhưng điều hiển nhiên không thể chối cãi được là cô, một cô gái làm mẫu cho một tiệm may mà tôi đã đưa ra khỏi căn phố tồi tàn với tiền thuê hàng năm chỉ có hai ngàn quan. Đó là một bước tiến dài đối với cô.

- Tôi là con gái nhà nghèo, nhưng lương thiện! Không có lý do gì tôi phải xấu hổ về gốc gác của tôi, và không phải vì tôi làm ăn sinh sống trong một hoàn cảnh hèn mọn mà anh có quyền nhục mạ tôi.

- Cô yêu thằng đó thực sao?

- Thực!

- Còn tôi?

- Cũng yêu anh nữa! Yêu cả hai anh. Nhưng mỗi người một cách. Em yêu anh vì anh là một người tài ba xuất chúng ăn nói hay ho và rất bổ ích cho người nghe. Em yêu anh vì anh tốt bụng và rộng rãi. Còn anh kia, vì ảnh có đôi mắt đẹp, có đầu tóc gợn sóng và khiêu vũ đẹp một cây. Điều ấy không có gì là lạ lùng.

- Cô cũng nên hiểu rằng với địa vị của tôi, tôi không thể đưa cô đi nhảy chỗ này chỗ nọ như người ta được, và tôi dám nói rằng khi thằng cha mắc dịch ấy già bằng tuổi tôi bây giờ, chưa chắc hắn có đủ tóc như tôi.

- Cũng có thể như vây. - Nàng công nhận nhưng cũng không cho đó là điều quan trọng.

- Bà Saladin, cô của cô, sẽ nghĩ thế nào, sẽ ăn nói ra sao, khi bã biết được việc này?

- Việc này cũng chẳng lạ lùng gì với bà.

- Cô nói sao? Bà cô đứng đắn ấy cũng đồng lõa trong hành động tồi bại của cô sao? O tempora! O mores! [1] Việc này xảy ra từ bao lâu rồi?

- Từ khi em mới vào làm ở tiệm may. Anh ấy đem hàng đi làm quảng cáo cho một hãng dệt lụa ở Lyon. Ảnh đem hàng mẫu đến tiệm may của em rồi... hai bên bắt đầu mến nhau.

- Đáng lẽ bà Saladin phải ngăn ngừa những cám dỗ mà một thiếu nữ có thể rơi vào ở giữa một đô thị như Paris này chứ? Đáng lẽ bã không nên cho phép cô giao du với hắn ta mới phải.

- Em không xin phép bã.

- Cô có biết việc làm của cô có thể khiến cho ông già cô rầu rĩ đến chết được không? Cô có biết chính phủ cấp cho ông cái môn bài bán thuốc điếu là để đền đáp công lao của một chiến sĩ đối với tổ quốc không? Và cô cũng đừng quên rằng, với quyền hạn của một ông Tổng trưởng Nội vụ, tôi có thể thâu hồi cái môn bài ấy lại, vì hành động vô luân của cô đấy.

- Em biết anh là người lớn, là người quân tử, nên không bao giờ anh có thể làm một việc đê tiện như vậy.

Ông nghị hoa tay làm một cử chỉ thực cảm động, mặc dù hơi nặng phần trình diễn:

- Cô đừng lo. Tôi sẽ không bao giớ tự hạ mình để trả thù một chiến sĩ đã phục vụ đắc lực cho tổ quốc, vì những hành động bất chính của cô con gái mà bản chất cao quý của tôi bắt buộc tôi phải kinh tởm.

Ông lại tiếp tục bữa ăn sáng còn bỏ dở. Cô Lisette lặng lẽ ngồi nhìn ông ăn. Bầu không khí im lặng bao trùm lấy họ. Nhưng sau khi ăn uống no nê, tánh khí ông bắt đầu thay đổi. Ông cảm thấy buồn thương cho mình nhiều hơn là giận hờn cô nhân tình trẻ. Vì hoàn toàn xa lạ với tâm lý đàn bà, ông hy vọng sẽ làm cho cô hối hận bằng cách tự than thân trách phận và trình bày cho cô thấy mình là một nạn nhân thực tội nghiệp, thực đáng thương hại.

- Thực là khó khăn khi phải từ bỏ một tập quán quen thuộc. Đối với tôi, đây là nơi yên nghỉ, là nguồn an ủi quý báu sau những giờ làm việc lao khổ nhọc nhằn.

- Cô có tiếc thương tôi chút nào không, Lisetste?

- Không làm sao được, anh?

Ông nghị thở ra một tiếng thực dài:

- Tôi không bao giờ ngờ cô có thể làm cho tôi thất vọng đến thế này.

Nàng phát biểu một ý nghĩ rất có vẻ triết lý:

- Em thấy anh đang bị sự thất vọng đầu độc đấy. Bọn đàn ông các anh đều kỳ cục như vậy cả. Họ không thể tha thứ cho những ai dối gạt họ; và như vậy là vì họ quá tự phụ và không thực tế. Họ chú trọng vào những cái không có gì là quan trọng.

- Cô cho là không quan trọng cái việc tôi bắt gặp cô đang ngồi ăn sáng trong phòng với một thằng cha mặc bộ đồ ngủ của tôi?

- Nếu hắn là chồng em và anh là tình nhân của em, có lẽ anh sẽ cho đó là một điều rất tự nhiên.

- Dĩ nhiên là vậv! Bởi vì khi ấy tôi là người cho hắn cặp sừng, và danh dự của tôi sẽ không bị tổn thương.

- Vậy thì dễ quá! Em chỉ cần làm lễ cưới với hắn để hợp thức hóa tình trạng này.

Lúc mới nghe, ông nghị không hiểu nàng muốn nói gì. Nhưng rồi cái ý nghĩa của câu nói bừng sáng trong đầu óc thông minh của ông. Ông nhìn nàng một cái nhìn chóp nhoáng. Trên đôi mắt đẹp của nàng, khóe thu ba vẫn gợn sóng khuynh thành, và trên đôi môi mọng đỏ vẫn còn thoáng hiện nụ cười tình tứ của mọi ngày.

- Cô quên rằng với tư cách thượng nghị sĩ, với truyền thống của nền cộng hòa Pháp quốc, tôi đường đường là một trụ cột trong việc gìn giữ luân thường đạo lý, trong sự bảo vệ thuần phong rnỹ tục hay sao?

Òng nghị vừa nói vứa vuốt bộ râu quai nón của ông với một dáng điệu oai nghi chững chạc.

- Có thực anh xem trọng những thứ ấy đến thế không?

Biết mình bị lật tẩy ông thú nhận:

- Không bằng một cọng rau!

Câu trả lời ngắn ngủi có mấy chữ, nhưng từ ngữ ông dùng, cũng như cách diễn tả của ông, có một tác dụng mạnh mẽ có thể làm cho những cử tri bảo thủ thường ủng hộ ông, nếu nghe được, sẽ cảm thấy như bị một cái tát vào mặt.

- Hắn có muốn cưới cô không? - Ông hỏi.

- Anh mê em như chét. Chắc thế nào ảnh cũng cưới em. Nếu em cho ảnh hay là em sẽ có một triệu quan làm của hồi môn, thì ảnh không còn đòi hỏi gì hơn nữa.

Ông nghị lại tư lự nhìn nàng. Hồi nãy, trong cơn nóng giận ông có nói là ông dự định cho nàng một triệu quan làm của riêng, ông đã phóng đại số tiền ông định cho với cái dụng ý để cho nàng phải tiếc rẻ là đã mất một số tiền lớn vì sự phản bội của mình. Nhưng ông không phải là hạng người rút lui dễ dàng lời hứa, khi danh dự có thể bị tổn thương. Ông nói:

- Vói hoàn cảnh sinh sống của hắn ta, được như vậy là quá mức rồi, còn mong ước gì hơn nữa. Nhưng khi hắn đã mê say cô như vậy, thì chắc chắn sẽ luôn luôn đi theo bên đít cô.

- Em chưa nói với anh là anh ta phải đi các tỉnh để giới thiệu hàng mẫu sao? Ảnh chỉ trở về Paris mỗi cuối tuần thôi.

- Như vậy thì cũng dễ tính. Chắc hắn sẽ vui mừng lắm khi được biết những lúc hắn đi vắng, anh sẽ đến đây săn sóc cô dùm hắn.

- Vâng, chắc ảnh sẽ mừng lắm.

Để cuộc thảo luận tiến triển dễ dàng hơn, nàng rời chiếc ghế của nàng đến ngồi gọn trong lòng ông nghị. Ông âu yếm siết tay nàng, nói:

- Anh yêu thương em lắm, Lisette ạ. Anh không muốn Lisette làm một điều nhầm lẫn. Em có chắc là hắn ta sẽ đem lại hạnh phúc cho em không?

- Chắc lắm.

- Dù sao anh cũng phải cho điều tra thật kỹ. Anh không cho em lấy một thằng chồng không có tánh tình mẫu mực, đạo đức hoàn toàn. Vì hạnh phúc của chúng ta, chúng ta cần biết rõ về hắn trước khi cho hắn nhập vào cuộc sống của chúng ta.

Lisette không nêu lên một ý kiến nào khác. Nàng biết rõ tánh ông nghị thường làm việc gì cũng có thứ lớp và phương pháp... Ông sắp rời nàng để báo tin quan trọng cho bà nghị biết, và để tiếp xúc với những nhân vật quan trọng của đảng ông trong nghị trường. Ông nói, trước khi từ giã nàng:

- Còn một chuyện này, anh cần nói cho em biết, là sau khi làm lễ thành hôn, anh sẽ bắt em nghỉ việc. Địa vị của người vợ là ở trong nhà. Và cái nguyên tắt bất di bất dịch của anh là: người đàn bà có chồng phải để cho chồng nuôi.

Nàng không muốn cải lại cái nguyên tắc của ông; nhưng nàng không khỏi thấy là kỳ cục một thanh niên khỏe mạnh, bô trai, hằng ngày lại cứ đi lòng dòng hết tiệm này đến tiệm khác, uốn éo cái đít để ca tụng những mẫu hàng mới ra. Nàng nói, trong khi đưa ông ra cửa:

- Em sẽ chìu theo ý cục cưng của em.

Ông nghị rất vừa ý về kết quả cuộc điều tra, và lễ cưới cử hành vào sáng chủ nhật ngay sau khi các giấy tờ hợp lệ đã đầy đủ. Ông Le Sueur, Tổng trưởng bộ Nội vụ và bà Saladin là hai nhân chứng, chú rể là một thanh niên có thân hình cao thon, cái mũi thẳng, hai mắt xinh và đầu tóc dợn sóng chải vuốt ra phía sau. Chàng có dáng dấp một nhà quần vợt hơn là một quảng cáo viên hàng lụa. Ông thị trưởng, kích thích bởi sự hiện diện trọng thể của ông Tổng trưởng Nội vụ, và đúng theo thủ tục nước Pháp, đã đọc một bài diễn văn thực hùng hồn. Ông mở đầu bằng cách nói với cặp tân hôn những điều mà họ đã biết quá rõ. Ông cho chú rể biết chú là con một gia đình lương thiện và có nghề nghiệp đứng đắn. Ông khen chú đã biết lo lập gia đình vào cái tuổi mà những thanh niên khác chỉ nghĩ đến ăn chơi.

Ông nhắc cho cô dâu nhớ cô là con gái của một vị anh hùng chiến sĩ của trận đại chiến, mà những vết thương hiển hách đã được đền bù xứng đáng bằng việc cấp cho ông khai thác một sạp bán thuốc hút, ông cũng nói cho cô biết cô có nghề nghiệp đứng đắn từ khi cô mới bước chân đến Paris, làm ở một tiệm may nổi tiếng sang trọng và có thẩm mỹ nhất nước Pháp. Ông Thị trưởng là người sính văn chương, nên đem những cặp tình nhân nổi tiếng trong các tiểu thuyết ra dẫn chứng. Roméo và Juliet, mà cuộc tình duyên ngắn ngủi đã bị tan vỡ vì một sự hiểu lầm đáng tiếc. Paul và Virginie, người thiếu nữ này đã cam chịu chết chìm dưới biển hơn là hy sinh cái nết na thùy mị của mình bằng cách cởi bỏ áo quần khi người ta đến cứu trong cuộc đắm thuyền. Và cuối cùng, Daphnis và Chloe chỉ chung chăn gối sau khi đã hoàn thành hôn lễ một cách chính thức, ông nói với một vẻ cảm động làm cho cô dâu không cầm được mấy giọt nước mắt. Ông không quên ca tụng bà Saladin mà đời sống gương mẫu và những lời giáo huấn khôn ngoan đã ngăn ngừa cô cháu trẻ đẹp của bà khỏi rơi vào những cạm bẫy nguy hiểm ở giữa một đô thị lớn như Paris. Cuối cùng ông khen ngợi cặp tân hôn đã có diễm phúc và vinh dự được ông Tổng trưởng Nội vụ vui lòng quang lâm đến dự buổi lễ thành hôn. Đây là một bằng chứng hùng hồn về bản chất ngay thật hiền lương của hai người nên mới được vị đại kỹ nghệ gia, đại chính trị gia bỏ thì giờ vàng ngọc để chiếu cố đến họ là những người sống trong hoàn cảnh tối tăm, hèn mọn. Và điều ấy, không những chứng tỏ lòng ưu ái của ông Tổng trưởng đối với đôi tân hôn, mà còn nói lên cái tinh thần trách nhiệm rất cao của ông nữa. Cử chỉ đẹp đẽ của ông chứng minh một cách cụ thể rằng ông đề cao tầm quan trọng của vấn đề hôn nhân của từng lớp trẻ, củng cố nền móng gia đình và khuyến khích sự gia tăng sinh sản để bành trướng thế lực, ảnh hưởng và tầm quan trọng của đất tổ Pháp-lăng-sa. Thực là một bài diễn văn xuất sắc!

Tiệc cưới được tổ chức vào buổi trưa lại khách sạn Château de Madrid, nơi ông Le Sueur đã có nhiều kỷ niệm tình cảm như bạn đã biết. Ông Tổng trưởng, (bây giờ chúng ta phải gọi ông như vậy), ông Tổng trưởng có nhiều cổ phần trong các công ty kỹ nghệ, trong số đó có công ty sản xuất xe hơi. Quà đám cưới má ông tặng chú rễ là một chiếc xe hơi hai chỗ ngồi rất xinh xắn, do hãng ông chế tạo. Sau tiệc cưới, cặp tân hôn dự định đi hưởng tuần trăng mật trên chiếc xe hơi mới tặng ấy. Cuộc du lịch của họ chỉ ngắn ngủi cho đến hết ngày chủ nhật, vì ngày thứ hai chú rể phải trở về đi công tác tại Marseilles, Toulon và Nice. Cô dâu ôm hôn bà Saladin và ông Le Sueur khi từ giã họ.

- Em sẽ đợi anh, năm giờ chiều ngày thứ hai. - Nàng nói nhỏ bên tai ông Tổng trưởng.

- Anh sẽ có mặt ở đấy.

Cặp tân hôn lên xe ra đi. Ông Tổng trưởng và bà Saladin đứng nhìn một lúc theo chiếc xe màu vàng bóng nhoáng, Bà Saladin không quen uống sâm banh trong bữa ăn trưa, cảm thấy buồn buồn vô cớ. Bà nói sau tiếng thở dài:

- Mong sao thằng ấy đem lại hạnh phúc lâu dài cho con nhỏ.

- Nếu hắn không gây được hạnh phúc lâu dài cho cô ta, hắn sẽ biết tay tôi. - Ông Le Sueur nói giọng cảm động.

Chiếc xe hơi của ông dừng lại trước thềm đón ông.

- Xin cáo từ bà! Bà đến Avenue de Neuilly đón xe buýt mà về nhé!

Ông bước vào xe, trở về Bộ, nơi những quốc tế dân sinh đang chờ đợi sự quyết định của ông. Ông thở ra khoan khoái. Từ giờ phút này cô tình nhân của ông không phải là một cô gái làm mẫu trong tiệm may nữa, mà là một thiếu phụ đứng đắn, có chồng đàng hoàng. Ông rất bằng lòng, vì đó là điều rất thích họp với địa vị mới của ông.

Chú thích:

[1] Ôi thời thế! Ôi phong tục!

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum