Our forum runs best with JavaScript enabled !

Người Việt đánh cược cả cuộc đời khi vượt hàng rào biên giới vào Mỹ từ Mexico

View previous topic View next topic Go down

Người Việt đánh cược cả cuộc đời khi vượt hàng rào biên giới vào Mỹ từ Mexico Empty Người Việt đánh cược cả cuộc đời khi vượt hàng rào biên giới vào Mỹ từ Mexico

Post by LDN Fri Aug 23, 2024 5:50 pm

https://www.rfa.org/vietnamese/special-reports/vn-crossing-border/index.html

Người Việt đánh cược cả cuộc đời khi vượt hàng rào biên giới vào Mỹ từ Mexico

Gần 6.000 người Việt đã luồn lách qua những cánh rừng, những hoang mạc đầy bất trắc gần biên giới đường bộ Mexico để leo rào vào Mỹ một cách bất hợp pháp. Họ đánh cược tài sản, tuổi thanh xuân và cả tính mạng của mình với hy vọng mơ hồ rằng sẽ định cư tại xứ cờ hoa.

Ngày 5/7/2024

Tác giả: Cao Nguyên

Anh Minh, chị Trúc và anh Ngữ là những người Việt Nam đã vượt hàng rào biên giới giữa San Diego (California - Mỹ) và Tijuana (Mexico) hồi mùa hè năm 2023.

Ba người này, dù cùng xuất phát từ Nghệ An - một tỉnh nghèo thuộc miền Trung Việt Nam - nhưng hành trình đến Mỹ, những gian nan, rủi ro mà họ phải đối mặt của mỗi người là rất khác nhau.

Con đường vào Mỹ
Số liệu từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) của Mỹ gửi cho RFA cho thấy từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023, có gần 3.300 người Việt Nam vượt biên bằng đường bộ dọc biên giới phía Tây Nam nước Mỹ. Từ tháng 10/2023 cho đến hết tháng 2/2024, con số này là 2.400 người.

Hầu hết những người di dân Việt Nam hàng rào biên giới vào Mỹ đều tìm cách nhập cảnh vào Mexico. Từ đây, đường dây đưa người đi (đường dây - PV) sẽ hướng dẫn họ vào Mỹ bằng cách vượt hàng rào biên giới giữa Mexico và các tiểu bang phía Tây Nam nước Mỹ.

Ba giờ sáng một ngày tháng 4/2023, anh Minh, cùng với 13 người Việt Nam khác ngồi trên một chiếc xe van chín chỗ, xuất phát từ một khách sạn gần biên giới Tijuana. Đây là nơi tập trung cả trăm khách trọ mà theo lời anh Minh thì đều là những người chờ đợi vượt biên.

Tài xế người Mexico lái xe qua một đoạn đường rừng lối hẹp, rồi chạy băng băng qua đường đồi núi dốc. Tầm 45 phút sau thì tới hàng rào biên giới với San Diego, cũng là lúc trời tờ mờ sáng.

Mọi người đi bộ dọc theo hàng rào biên giới. Ở cuối hàng rào có một tảng đá dựng đứng cao tầm 1 mét rưỡi. Chỉ cần trèo qua tảng đá này đã là địa phận nước Mỹ.

Người di cư đi bộ dọc biên giới San Diego vào tháng 4/2023. (Photo: Người tị nạn Việt Nam)

Người tị nạn tại trại tạm gần biên giới Mỹ - Mexico qua đường Nam Mỹ. (Photo: Người tị nạn Việt Nam)

"Rồi nó bảo là ngồi sát xuống. Có thêm 3 - 4 xe khác nữa, tập trung ở đó gần 100 người. Nó bảo khi nào chạy là chạy; chạy đến cái biên giới, ở có có một cục đá to to, xong leo qua cục đá đó là sang bên Mỹ."

"Cảnh sát của Mỹ biết, họ biểu mình tập trung thành một hàng, cởi dây giày rồi đưa cái giấy chụp hình hộ chiếu. Họ cho mình mặc một cái áo rồi nó đưa mình vào trại.” Anh Minh nhớ lại

Cũng từ Tijuana, chị Trúc cùng với ba người nữ khác đi cùng nhóm được hai người Mexico chở tới biên giới với San Diego của Mỹ.

Sau đó, hai người dẫn đường đưa cả nhóm tới một gò đất cao sát hàng rào biên giới, bắc thang cho cả bốn người leo qua.

"Đêm đó, đường dây đưa bốn chị em gái tụi em thôi. Lên tới cái cổng để mình vào trại là 12 giờ đêm. Bọn em tới đầu tiên chưa có ai hết. Sau khoảng 30 phút, một tiếng đồng hồ thì bắt đầu thấy người đi lên từ nhiều nước lắm, có cả trẻ con, gia đình. Cho tới sáng là người ta ầm ầm đi lên cả mấy trăm người.”

Nhóm chị Trúc ngồi đợi cho đến 6 giờ chiều ngày hôm sau thì đến lượt mình được đưa đến một cơ sở tạm giữ người nhập cư ở San Diego:

Người tị nạn Việt nam chờ đợi ở biên giới tại San Diego vào tháng 12/2023 (Photo: Nick Ut)

“Thanh niên như tụi em là nó bắt chờ ở ngoài một đêm rồi thêm một ngày nữa. Nằm ngồi ở ngoài nắng, tụ em nhịn đói luôn, chỉ có nước mang theo thôi.

Lúc đó cũng lo chứ bởi vì đêm thấy người ta đi tuần tra em cứ tưởng là người ta rước nên cứ chập chờn không dám ngủ; cứ một chút nghe tiếng xe là thấy mừng tưởng là người ta sẽ đón.”

Khi đã đến được Mỹ, chị Trúc hướng dẫn lại đường đi nước bước cho người yêu của mình là anh Ngữ. Một tháng sau, anh cũng đã vượt biên thành công vào đêm 25/5/2023:

“Khi tôi vào trại là có khoảng 30 - 40 người Việt Nam cũng đang ở đó. Lúc mới vào họ lăn dấu vân tay, họ làm mỗi người một hồ sơ rồi trước khi mình ra trại thì nó đưa cho mình một bộ hồ sơ và hẹn ra toà ở tiểu bang mà mình sẽ ở.”

Những người di cư sau khi vào đất Mỹ sẽ bị cảnh sát biên giới đưa vào cơ sở giam giữ gần San Diego. Ở đây, nhân viên thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (US Department of Homeland security) sẽ kiểm tra lý lịch và phỏng vấn người di cư. Quá trình làm thủ tục này mất từ 2 đến 7 ngày. Sau đó, người di cư sẽ được ra khỏi trại tạm giam và bắt đầu quá trình nộp đơn xin tị nạn.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Những di dân từ Việt Nam cho biết tổng chi phí mà họ phải trả cho đường dây đưa người đi vào khoảng từ 60 đến 75 ngàn USD tuỳ theo con đường mà mỗi người tới được Mexico.

Thông thường, người vượt biên sẽ phải ứng trước khoảng 5 - 10 ngàn USD để nhận được thẻ thường trú nhân giả của Nhật Bản. Với thẻ này, người Việt có thể nhập cảnh Mexico mà không cần visa. Qua được hải quan Mexico, họ tiếp tục đóng thêm 30 ngàn USD, và khi đã trả hết số tiền còn lại, tầm khoảng hơn 30 ngàn USD nữa, họ sẽ được dẫn đường qua Mỹ:

“Nhập cảnh vô Mexico một cái là tụi nó bắt em phải đóng 30 ngàn trước, nghỉ ngơi ở đó 1-2 đêm gì đó là nó cho bay xuống biên giới rồi khi nào mình đóng ổn thoả hết là người ta sẽ cho mình vượt biên, vượt hàng rào qua Mỹ.” - chị Trúc cho biết.

Tuy nhiên, con đường này cũng tiểm ẩn rủi ro rất cao. Nếu hải quan các nước mà họ đi qua, đặc biệt là Mexico phát hiện ra giấy tờ giả và từ chối cho nhập cảnh thì những người nhập cư lậu sẽ phải quay trở về Việt Nam và mất tất cả số tiền cọc đã đưa cho đường dây.

Chị Trúc kể rằng phải cọc trước cho đường dây 2 ngàn USD để được nhận thẻ cư trú giả của Nhật, sau đó đóng thêm gần 4 ngàn USD để bắt đầu hành trình.

Ngày 10/4/2023, chị Trúc cùng nhóm 3 người nữ khác bay từ TPHCM sang Singapore, tới Tây Ban Nha rồi bay qua Chile; dự tính từ đây sẽ bay sang Mexico. Tuy nhiên, khi cả nhóm đến Chile thì nhận được thông báo của đường dây buôn người rằng “đang bị kẹt” chưa đi được.

Mọi người có 3 lựa chọn: một là tiếp tục ở Chile chờ đợi, hai là đi đường bộ qua một số nước Nam Mỹ để vào Mexico và thứ ba là về Việt Nam đợi. Cuối cùng, chị Trúc liên hệ được với một đường dây khác sau 7 ngày chờ đợi ở Chile:

“Lúc đó mình hụt hẫng không còn tin tưởng gì với người ta nữa. Sau đó, em tìm một con đường khác và trong đêm hôm đó, 3 giờ sáng là mấy chị em rời khỏi tòa nhà ở Chile.

Đường dây mới tiếp tục mua vé cho em bay về Brazil, từ đó tụi em bay qua Mexico, nhập cảnh vô Mexico là tụi em phải đóng thêm 30 ngàn. Đường dây mới nói là đưa tụi em từ Chile qua Mỹ mất 62 ngàn.”

Chuyến đi của anh Ngữ dài 16 ngày với tổng chi phí là 65 ngàn USD. Ngày 10/5/2023, anh bay từ Đà Nẵng qua Thái Lan, rồi từ đó bay đi Oman thì bị từ chối nhập cảnh buộc phải bay lại về Philippines.

Hải quan Philippines cũng không cho vào nên anh phải ở khách sạn sân bay ở Philippines hai ngày rồi bay về lại Sài Gòn chờ cơ hội đi lại lần thứ hai:

“Từ Sài Gòn, tôi bay qua Thổ Nhĩ Kỳ rồi tới Brazil, từ đó bay được qua Mexico rồi tới biên giới Mexico với Mỹ.”

Ngoài ra, còn có một số người dự tính xin visa du lịch Canada, rồi từ đó vượt biên giới vào Mỹ như trường hợp của anh Minh. Anh này đậu visa du lịch Canada vào đầu năm 2023.

Tuy nhiên, khi đáp chuyến bay đến Toronto, sau một vài tiếng tra hỏi, hải quan Canada từ chối cho anh Minh nhập cảnh nên phải quay trở về Việt Nam.

Vào tháng 4/2023, đường dây hướng dẫn anh Minh bay qua Singapore, rồi nhập cảnh vào Mexico bằng visa Canada.

Theo lời anh Minh, có rất nhiều người đã bị lừa bởi đường dây đưa người đi. Anh không được cảnh báo trước những rủi ro có thể sẽ gặp phải trên hành trình vượt biên, bao gồm khả năng bị từ chối nhập cảnh hay con đường vượt biên vào Mỹ phải băng rừng, lội suối rất nguy hiểm:

“Có rất nhiều trường hợp bị lừa. Đường dây người ta lừa cứ bay đi bay lại bay nước này nước khác. Cứ mỗi lần bay là phải chồng thêm tiền cho người ta. Người ta cứ hứa hẹn rồi bắt mình chồng tiền thêm cuối cùng bị trả về. Nếu không đi được thì làm chi có trả tiền lại đâu.”

Anh Minh và chị Trúc đều nói với RFA rằng chừng hơn một năm nay, quê nhà của họ truyền tai nhau lời đồn về con đường vượt biên qua Mỹ để làm việc và có thể được ở lại lâu dài.

Không rõ những tin đồn này bắt nguồn từ đâu và có phải do đường dây đưa người đi tung ra hay không, nhưng các video giới thiệu về dịch vụ đưa người qua Mỹ làn tràn trên một số nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, trong gần 2 năm qua.

Các video ghi lại hình ảnh đoàn người vượt biên đang đi bộ trong rừng hoặc dọc hàng rào biên giới. Thậm chí, trong một video, một người đàn ông hét to “giấc mơ Mỹ” khi vừa vượt qua được hàng rào biên giới.

Sau khi hỏi thăm người quen đã đi trước, anh Minh được giới thiệu một đường dây đưa người đi. Họ vẽ ra một viễn cảnh màu hồng về cuộc sống trên đất Mỹ, rằng cứ qua đó làm việc, dù không có giấy tờ thì cũng được ở lại ít nhất là hơn chục năm trong khi chờ thủ tục xét duyệt tị nạn.

Người tị nạn Việt Nam Vo Thi Hien và Nguyen Xuan Huyen đang đợi lực lượng Tuần duyên Biên giới Mỹ đón sau khi vượt biên giới vào Mỹ ở Jacumba Hot Springs ngày 28/4/2024 (Go Nakamura/Reuters)
Vì sao tới Mỹ xin tị nạn?
Những người di dân mà RFA phỏng vấn đều đã nộp hồ sơ xin tị nạn và đang trong thời hạn nộp bằng chứng để toà xem xét.

Nói về nguyên do khiến họ phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam, có người thừa nhận do cuộc sống ở Việt Nam quá khó khăn nên chỉ muốn tìm cơ hội đổi đời ở xứ Mỹ; nhưng cũng có người cho biết do chính quyền địa phương thường xuyên gây khó khăn, cản trở công việc mưu sinh của họ.

Cả 3 đều là lao động phổ thông khi ở Việt Nam, có người mở quán ăn nhỏ, người làm nông, công nhân, giúp việc nhà…

Để có được 75 ngàn USD, tương đương giá trị một căn nhà phố ở Nghệ An hiện nay, họ thậm chí phải đi vay nóng số tiền trên để đổi lấy cơ hội được vào Mỹ, dù bằng con đường bất hợp pháp.


Người bán hoa đang tưới hoa tại cửa hàng ở Hà Nội ngày 5/12/2023. Mặc dù nền kinh tế mạnh, một số người vẫn đang chật vật kiếm sống và họ cho rằng có cơ hội làm việc tốt hơn ở nước ngoài. (Nhac Nguyen/AFP)
Chị Trúc năm nay 20 tuổi. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị vào Sài Gòn kiếm sống bằng đủ thứ nghề, từ phụ quán nước cho đến giúp việc nhà… dự tính dành dụm tiền để đi lao động ở nước ngoài.

“Trước khi đi thì em bán nước ép, làm nail, phụ việc nhà… Làm vậy thôi chứ em chỉ nhắm đường mà đi thôi. Sau này cứ nghe nói là do Tổng thống Joe Biden lên cho nên việc đi dễ hơn, người ta cứ truyền tai nhau như vậy cho nên em cứ đâm đầu vào đi.”

Anh Ngữ tiếp lời người yêu của mình cho biết, sở dĩ họ bất chấp rủi ro để đến Mỹ với hy vọng đơn xin tị nạn của họ sẽ được chấp thuận, họ sẽ được sinh sống hợp pháp ở Mỹ trong tương lai:

“Theo em nghĩ là qua Đài Loan, Hàn và Nhật Bản thì sau này không có giấy tờ để ở lại. Còn em đi qua đây xác định là ở lâu dài, sau này có con cái thì con cái được học hành ở lại bên này. Em nghĩ vậy.”

Anh Minh cho biết mình đã bị chính quyền gây khó khăn, cản trở công việc làm ăn khi anh mở một quán ăn nhỏ để mưu sinh:

“Cuộc sống của mình ở Việt Nam thì mình không hài lòng với cách làm của chính quyền. Việc làm của mình bị chèn ép nhiều quá, khó phát triển. Nếu mình làm việc tay chân, đi làm thuê, phụ hồ thì thôi chứ còn như mình mở hàng ăn, quán xá là người ta cứ đến vòi tiền, phạt rồi đủ thứ, giống chèn ép mình.”


Người tị nạn Việt Nam tập trung sưởi ấm quanh đống lửa sau khi vượt biên từ Mexico Jacumba Hot Spring vào ngày 28/4/2024. (Go Nakamura/Reuters)
Khả năng được ở lại
Ông Hoàng Duyên, một luật sư di trú ở bang California, người đang đại diện cho một số di dân Việt Nam xin tị nạn ở Mỹ nhận định sở dĩ hàng ngàn người vẫn bất chấp mọi rủi ro để đến Mỹ theo con đường này là vì tổng thời gian của quá trình xét duyệt hồ sơ tị nạn là khoảng 5 - 6 năm.

Trong trường hợp tệ nhất là người di dân bị bác đơn tị nạn thì còn được kháng cáo và có thêm 2-3 năm ở Mỹ cho đến khi có phán quyết sau cùng. Trong thời gian đó, người xin tị nạn được cấp giấy làm việc và được học lấy bằng lái xe:

“Chuyện những người xin tị nạn cho tới lúc có lệnh tòa để trục xuất họ là cũng đã kéo dài tới 5-6 năm rồi. Nhưng mà khi đã có lệnh tòa họ cũng đâu có đi về đâu, bởi vì không có đủ người để lại bắt từng người bỏ lên máy bay, thành ra họ lại tiếp tục ở đây bất hợp pháp. Thủ tục chung nó là như vậy.”

Tuy nhiên, luật sư này đánh giá khả năng những người vượt hàng rào từ Mexico vào Mỹ được chấp thuận là người tị nạn là rất thấp:

“Phải nói là thấp, trừ những trường hợp mà những nhà tranh đấu mới có đủ những những cái bằng chứng để thuyết phục được Sở di trú rằng họ bị bách hại. Còn những người dân thường họ khó chịu, họ bị đe dọa, dù rất là sợ nhưng mà không tới cái mức để đủ tiêu chuẩn để được chấp thuận tị nạn.”

Trả lời yêu cầu bình luận của RFA về thực trạng này, người phát ngôn CBP cho biết hiện có rất nhiều lý do khiến mọi người chọn di cư đến Hoa Kỳ, bao gồm những biến động về kinh tế, chính trị cũng như thiên tai… Những kẻ buôn người tiếp tục truyền bá những thông tin sai lệch và thể hiện sự coi thường đối với sự an toàn và phúc lợi của những người di cư vốn dễ bị tổn thương.

CBP ra tuyên bố “Hoa Kỳ tiếp tục thực thi Luật di trú. Biên giới của chúng tôi không mở cửa cho những người không có cơ sở pháp lý để được vào Hoa Kỳ. Những người di cư cố gắng nhập cảnh mà không được phép sẽ phải chịu các hậu quả theo quy định, bao gồm bị trục xuất, cấm tái nhập cảnh tối thiểu 5 năm và bị truy tố.”

Lực lượng Tuần duyên Mỹ chứng kiến người di cư bước xuống xe buýt ở San Diego, California hôm 10/10/2023. (Frederic J. Brown/AFP)
Có đáng để đánh đổi?
Hiện nay, chị Trúc và anh Ngữ đã chuyển về tiểu bang Maryland. Sống cùng nhà với họ còn có khoảng hơn 10 người Việt cũng qua Mỹ theo ngả này. Tất cả đều đang làm những công việc tay chân như làm nail, phụ bếp trong nhà hàng Việt Nam hoặc sửa chữa nhà cửa cho người Việt trong vùng.

Chị Trúc vui mừng khoe rằng chỉ sau sáu tháng làm việc ở Mỹ, chị đã gửi về Việt Nam trả nợ được gần 400 triệu đồng tiền vay nóng để vượt biên qua Mỹ, còn anh Ngữ thì để dành được hơn 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi được hỏi nếu biết trước tất cả những gì sẽ xảy ra và được lựa chọn lại thì họ có đi không. Câu trả lời của cả hai là “không”. Anh Ngữ nói:

“Không. Bởi vì đường đi thì nó bình thường nhưng qua đây thì khó khăn quá, mình không được thoải mái. Ở đây không có giấy tờ và mình cũng không tự tin. Nếu có giấy tờ thì mình sẽ thi bằng lái.”

Chị Trúc chia sẻ thêm:

“Nếu là em thì cũng không. Bởi vì giấy tờ khó khăn và không mong chờ gì ngày về Việt Nam. Đi đường này nó cũng nhiều tiền thật nhưng mà cũng hên xui.”

Từ New York, anh Minh cho biết mình đang làm nail trong tiệm của một người bà con ở đây. Dù thu nhập mỗi tháng hiện nay trung bình được khoảng 5 ngàn USD. Tuy nhiên, anh Minh cũng sẽ không đi con đường này nếu được lựa chọn lại:

“Với số tiền đấy thì mình sẽ không đi con đường này, vì số tiền mình bỏ ra nhiều với lại cũng nguy hiểm chứ không phải như người ta nói là cứ ngồi đi máy bay. Mình nghĩ lại thấy có nhiều cái nguy hiểm.

Mình tìm hiểu thì với số tiền mình bỏ ra thì mình có nhiều cái để sang Mỹ một cách chính đáng hơn.” *
____

* RFA thay đổi tên của các nhân vật được phỏng vấn trong bài vì lý do an toàn của họ.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You can reply to topics in this forum