Our forum runs best with JavaScript enabled !

Sách II

Page 7 of 7 Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7

View previous topic View next topic Go down

Sách II - Page 7 Empty Re: Sách II

Post by LDN Wed Oct 16, 2024 6:58 am

Văn hóa đọc đặc trưng tại các quốc gia

Chủ Nhật 21/04/2024 02:26 (GMT+7) - baophapluat.vn

Hội chợ sách sách lớn nhất thế giới Frankfurt năm 2022. (Ảnh: DW)

(PLVN) - Đã gần 5.000 năm kể từ khi cuốn sách đầu tiên ra đời, cũng là ngần ấy thời gian hình thành nên văn hoá đọc - cầu nối đến kho tàng tri thức quý báu của nhân loại. Tại mỗi quốc gia, văn hoá đọc có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội, luôn được quan tâm đặc biệt và thúc đẩy trong dân chúng.
Những quốc gia “nghiện” đọc sách

468 cuốn sách là con số kỷ lục thế giới cho số lượng sách được đọc nhiều nhất trong một năm của một người, giữ kỷ lục trên là nữ tác giả Tina Konstant đến từ

Scotland. Vậy trung bình mỗi người thường đọc bao nhiêu cuốn sách trong một năm? Để trả lời cho câu hỏi này, đáp án sẽ còn tuỳ thuộc vào sở thích cá nhân, thói quen đọc sách theo quốc gia, tỷ lệ biết đọc, biết viết và cả sự khác biệt về văn hóa.

Theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa, như vậy, trung bình một năm người dân Việt Nam đọc khoảng 1,2 cuốn/người/năm. So sánh với Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, như vậy, có thể thấy việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn Singarpore và các quốc gia khác khá nhiều.

Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia trong danh sách đọc sách nhiều nhất có thể kể đến là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Ở Thái Lan, 81,8% dân số Thái Lan từ 6 tuổi trở lên thường xuyên đọc sách. Đặc biệt, nhóm đọc nhiều nhất là trẻ em từ 6 - 12 tuổi. Còn ở Malaysia, học sinh tiểu học luôn đọc sách 15 phút trước khi vào giờ học. Trung bình một người Malaysia đọc 17 cuốn sách một năm.

Tuy nhiên, để nói về các quốc gia “nghiện” đọc sách nhất thế giới có lẽ đầu tiên phải nhắc đến Ấn Độ, nước này đã được NOP World Culture Score Index xếp hạng nhất trong khảo sát về thời gian đọc sách trung bình của người dân. Theo đó, thời gian đọc sách trung bình một tuần của một người Ấn Độ lên đến gần 11 giờ (10 giờ 42 phút). Mặc dù là quốc gia có trình độ dân trí giữa các tầng lớp rất cách biệt với số người biết chữ chỉ chiếm 27,4% dân số nhưng có đến 25% số người trẻ đọc sách thường xuyên và 49% số người được đi học đọc sách như một cách giải trí.

Tiếp theo, Israel - quê hương của hơn 30% chủ nhân giải Nobel toàn cầu, chiếm 11,6% tỷ phú trên thế giới, 20% giáo sư tại các trường đại học hàng đầu… Nơi đây có hai chỉ số về sách cao nhất thế giới là số lượng sách xuất bản theo đầu người và số người trẻ đọc sách. Ở Israel cứ 4.500 người sẽ có một thư viện với các đầu sách cực kỳ quý giá, trong số đó khoảng hơn 1.000 là thư viện công cộng. Niềm đam mê đọc sách được nuôi dưỡng từ nhỏ có lẽ là câu trả lời cho sự thành công và nổi tiếng của đất nước Trung Đông.

Với truyền thống văn học mạnh mẽ và là cái nôi của báo chí, nước Đức có nền văn hóa đọc được lưu truyền từ xưa đến nay, trung bình 44,6% người Đức đọc ít nhất một cuốn sách mỗi tuần. Hàng năm, quốc gia này có hơn 90.000 cuốn sách mới được xuất bản. Đức cũng là quốc gia có mật độ cửa hàng sách trên đầu người cao nhất thế giới, trung bình 17.000 người Đức thì có một cửa hàng sách. Điểm đặc biệt ở nước Đức đó là đọc sách thường được coi là một hình thức giải trí và được yêu thích như uống bia vậy. Nhiều người Đức tự hào về việc theo đuổi văn hóa và trí tuệ của họ thông qua đọc sách.

Văn hóa đứng đọc “Tachiyomi” độc đáo của người dân Nhật Bản. (Ảnh: baotintuc.vn)
Văn hóa đứng đọc “Tachiyomi” độc đáo của người dân Nhật Bản. (Ảnh: baotintuc.vn)

Với 10-20 cuốn/người/năm, người Nhật dành hơn 4 giờ mỗi tuần để đọc và là một trong những quốc gia có tỷ lệ biết chữ cao nhất thế giới. Xứ sở hoa anh đào cũng là một quốc gia yêu sách với số lượng sách và tạp chí phát hành tại Nhật Bản vẫn gia tăng đều đặn, trên 7% mỗi năm. Ước tính mỗi năm Nhật Bản xuất bản 43.000 đầu sách, đây là con số đáng mơ ước đối với nhiều quốc gia.

Văn hóa đọc đặc trưng

Nhìn vào thực tế, mỗi quốc gia sẽ có một đáp án riêng cho câu hỏi ở đầu bài viết, đây là điều dễ hiểu bởi giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia là khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung đó là quốc gia nào cũng tồn tại văn hoá đọc. Hoạt động văn hóa này bao gồm ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân, cụ thể là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Hay nói một cách khác đơn giản hơn là thái độ của mỗi cá nhân với đối với việc tiếp cận tri thức, sách vở.

Cũng giống như văn hoá, văn hoá đọc tại mỗi quốc gia đều có những đặc trưng riêng biệt. Biết và hiểu văn hoá đọc của các quốc gia không chỉ thấy rõ về lịch sử và văn hoá của mỗi nước, mà còn hiểu rõ hơn về sự thay đổi xã hội và các giá trị của các quốc gia đó.

Nếu có dịp đến Nhật, chắc chắn sẽ bắt gặp hình ảnh người dân đứng đọc sách ở mọi không gian chờ: đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm... Thói quen này đã hình thành văn hóa đứng đọc “Tachiyomi” độc đáo của người dân đất nước mặt trời mọc. Trong xã hội hiện đại hối hả cùng khối công việc lớn thời gian để đọc một cuốn sách không nhiều, vì vậy người Nhật Bản đọc sách ở mọi lúc mọi nơi có thể.

Để dễ dàng cho hoạt động này, người Nhật đã phát minh ra những cuốn sách nhỏ gọn chỉ tương đương kích cỡ một trang bàn tay để bỏ vào túi sách hay túi áo. Không chỉ tồn tại văn hóa đứng đọc, thói quen đứng của người Nhật dường như đã đi sâu vào mọi hoạt động văn hóa xã hội và trở thành một điểm đặc trưng: đứng ăn, đứng uống, đứng bán… Ngoài ra, văn hóa đọc tại Nhật Bản được Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt, đây là một trong số rất ít các quốc gia có một đạo luật riêng dành cho việc khuyến đọc. Năm 2001, Nhật Bản ban hành Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em và năm 2005 ban hành Luật Chấn hưng văn hóa đọc.

Trong thời đại 4.0, nhiều người chọn đọc và nghe sách kỹ thuật số. (Ảnh: CNBC)
Trong thời đại 4.0, nhiều người chọn đọc và nghe sách kỹ thuật số. (Ảnh: CNBC)

Văn hóa đọc là một nét đặc trưng của nước Đức, với nhiều hội chợ sách quanh năm, các thư viện Đức luôn là những nơi tuyệt vời cho những người cần nghiên cứu. Có rất nhiều hiệu sách xung quanh thành phố Berlin với đa dạng các sách thuộc nhiều thể loại khác nhau. Đức cũng nổi tiếng với hội chợ sách lớn nhất thế giới Frankfurt (Frankfurter Buchmesse), được tổ chức hàng năm vào giữa tháng mười.

Frankfurter Buchmesse còn được xem là một trong những sự kiện văn hóa và thương mại quốc tế quan trọng nhất trên thế giới và thường có khoảng 7.300 nhà triển lãm đến từ hơn 100 quốc gia.

Dù là đất nước phát triển về công nghệ nhưng Chính phủ Đức luôn khuyến khích người dân đọc sách in. Thực tế, người Đức thích đọc sách giấy hơn là sử dụng thiết bị đọc sách điện tử. Chính vì yêu thích sách in nên “đọc sách” và “có sách”, “giữ sách”, “bảo tàng sách” là nét đặc thù của đời sống văn hóa Đức truyền thống cũng như hiện đại. Theo thống kê, mỗi gia đình Đức có trung bình một bộ sưu tập gần 300 cuốn sách, bình quân đầu người có hơn 100 cuốn. Điều đặc biệt là người dân Đức đến thư viện nhiều hơn cả rạp chiếu bóng và sân vận động, điều đó cho thấy nhu cầu văn hoá nói chung và nhu cầu đọc rất cao tại quốc gia này.

Khác với Đức, văn hoá đọc sách kỹ thuật số đang là xu hướng nở rộ tại Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát tại đây, một người Trung Quốc trưởng thành đọc trung bình 4 cuốn sách in và 2 cuốn sách kỹ thuật số. Kết quả điều tra này có thể thấy số lượng và thời lượng đọc sách giấy của người thành niên Trung Quốc đều giảm xuống, trong khi thời lượng đọc sách kỹ thuật số tăng lên. Do đó xuất bản kỹ thuật số đang trở thành một trong những phân khúc nổi bật nhất và được chú trọng ở Trung Quốc. Đặc biệt độc giả nơi đây ngày càng bị thu hút bởi dạng sách nói và con số người yêu thích định dạng sách này ngày càng tăng.

Tại nhiều quốc gia khác, văn hoá đọc cũng đang dần chuyển từ mua sách tại các cửa hàng truyền thống sang mua sách trực tuyến. Trong thời đại 4.0, nhiều người chọn đọc và nghe sách bằng thiết bị điện tử vì ưu điểm tiện lợi, nhanh chóng và đa dạng. Đôi khi chỉ cần một thiết bị điện tử, độc giả có thể đọc được hàng nghìn đầu sách, với mọi thể loại, mọi ngôn ngữ và đôi khi còn có giá thành rẻ hơn sách in rất nhiều.

Như vậy, văn hóa đọc luôn đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa của một quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, mỗi cá nhân cần không ngừng hoàn thiện bản thân và việc hình thành văn hóa đọc tích cực là một trong những điều cốt lõi để cá nhân và cộng đồng nói chung phát triển bền vững. Do đó, các quốc gia phát triển đều đã và đang quan tâm đến việc đọc của người dân đặc biệt là trẻ em.

Linh Chi

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách II - Page 7 Empty Re: Sách II

Post by LDN Wed Oct 16, 2024 7:14 am

Muốn giàu có, sống tốt, sống lâu... hãy đọc sách

vnu.edu.vn

Đọc sách có rất nhiều lợi ích, nghiên cứu đã chứng minh. Đây là kết quả của một nghiên cứu từng được thực hiện bởi trường Đại học Yale (Mỹ) năm 2016 đối với 3.635 người ở độ tuổi ngoài 50.
Muốn sống lâu, hãy đọc sách

Theo đó, những người có thói quen đọc sách sẽ sống thọ hơn những người không đọc sách trung bình 2 năm. Thời lượng cần và đủ để được xem là người có thói quen đọc sách, đó là bạn cầm sách lên đọc đều đặn nửa tiếng mỗi ngày. Chỉ cần vậy là đủ để bạn có thể kéo dài tuổi thọ của mình.

Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng những "mọt sách" chăm chỉ nhất là đối tượng phụ nữ, những người đã tốt nghiệp đại học và có thu nhập khá (Ảnh: iStock).

Những người đọc sách với thời lượng hơn nửa tiếng mỗi ngày sẽ giảm 23% khả năng đột tử. Nghiên cứu của trường Đại học Yale đã được tiến hành trong hơn 12 năm với những số liệu thống kê chi tiết.

Với những dạng đọc khác, như đọc báo, tạp chí, chuyên san…, độc giả cũng có được những lợi ích nhất định trong việc kéo dài tuổi thọ, nhưng không hiệu quả bằng việc đọc tiểu thuyết. Nghiên cứu này không phân tích mối liên hệ trực tiếp giữa việc đọc sách và việc kéo dài tuổi thọ.

Thông tin mà đội ngũ nghiên cứu ở trường Đại học Yale đưa ra hoàn toàn dựa trên số liệu thống kê từ nhóm người tham gia thí nghiệm trong vòng hơn một thập kỷ. Đây đều là những cụ già ngoài 50 tuổi với những thói quen đọc đa dạng.

3.635 người tham gia thí nghiệm được phân thành 3 nhóm: nhóm không hề có thói quen đọc sách, nhóm đọc khoảng nửa tiếng mỗi ngày, nhóm đọc nhiều hơn nửa tiếng mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng những "mọt sách" chăm chỉ nhất là đối tượng phụ nữ, những người đã tốt nghiệp đại học và có thu nhập khá.

Nghiên cứu cũng đề cao yếu tố đa dạng về ngành nghề, độ tuổi, chủng tộc, tình trạng sức khỏe, mức độ hài lòng với đời sống cá nhân, tình trạng hôn nhân… Họ nhận thấy rằng dù ở nhóm đối tượng nào, kết quả thống kê cũng vẫn cho thấy có mối liên hệ giữa thói quen đọc sách và việc kéo dài tuổi thọ.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu - Giáo sư Becca Levy của trường Đại học Yale khẳng định: "Số liệu thống kê cho thấy những lợi ích của việc đọc sách thực sự là rất lớn. Trước đây, chúng ta đã được nghe đến nhiều kiểu lợi ích, giờ lại thêm một lợi ích bất ngờ khác nữa, đó là sống thọ hơn nhờ đọc sách".

Muốn giàu có, nên đọc sách

Tác giả người Mỹ Steve Siebold từng gây chú ý đối với độc giả thế giới khi cho ra mắt cuốn sách How Rich People Think (Người giàu nghĩ như thế nào), ông cũng được biết đến là người đã từng phỏng vấn hơn 1.200 người giàu nhất trên thế giới trong vòng 3 thập kỷ qua. Sau những cuộc phỏng vấn của mình, Steve Siebold nhận ra nhiều điều khác biệt giữa người giàu và… người "chưa giàu".

Chủ đề về sự khác biệt này khá thu hút sự quan tâm của độc giả. Trước đây, Steve Siebold đã đưa ra nhiều luận điểm xoay quanh sự khác biệt này, chẳng hạn như người giàu tập trung kiếm tiền, còn người bình thường thì hay tập trung vào việc tiết kiệm tiền.

Với trải nghiệm tiếp xúc và trò chuyện với những người giàu có, Steve Siebold từng chia sẻ một khác biệt nữa giữa người giàu và người bình thường, đó là thú vui khi có thời gian rảnh rỗi của những tỷ phú, triệu phú. Thay vì vui chơi - giải trí, họ chọn cho mình thú vui tự học, tự giáo dục, nâng cao trình độ hiểu biết của mình bằng cách đọc thật nhiều.



Người giàu đánh giá rất cao sức mạnh và tầm quan trọng của việc tự học, tự rèn luyện sau khi đã rời nhà trường (Ảnh: Getty Images).

Đây là một điểm chung phổ biến trong giới những doanh nhân giàu có. Steve Siebold cho biết: "Bước vào ngôi nhà của một người giàu có bạn thường thấy họ có một thư viện tại gia khá đồ sộ, đó không phải là một không gian chỉ để trưng bày, khoe mẽ mà thực sự là nơi để họ tìm đến khi có thời gian rảnh rỗi, để tự giáo dục mình, nâng cao tầm hiểu biết và từ đó biết cách làm thế nào để thành công hơn. Trong khi đó, người bình thường hay rơi vào cảnh lười đọc sách hoặc thường lựa chọn những sách dễ đọc và có tính giải trí cao".

Theo Steve Siebold, người giàu rất chú trọng việc phân bổ thời gian hợp lý để họ làm được những việc quan trọng. Họ có giải trí, tận hưởng, có những cuộc vui, những kỳ nghỉ rất đẳng cấp để thực sự có được những khoảng thời gian tách rời công việc. Nhưng khi phải lựa chọn giữa việc ngồi xuống đọc sách và ra ngoài vui chơi khi có khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày, họ sẽ chọn việc đọc sách, tìm hiểu thông tin, gia tăng kiến thức.

Chẳng hạn như nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ Warren Buffett - một người mà tác giả Steve Siebold đã có cơ hội được tiếp xúc và tìm hiểu khá sâu kỹ về đời sống thường nhật của ông, tác giả nhận ra rằng khoảng 80% thời gian làm việc trong ngày của tỷ phú này gắn liền với hoạt động đọc và phân tích - xử lý thông tin.

Còn theo tác giả Thomas Corley của cuốn Rich Habits: The Daily Success Habits Of Wealthy Individuals (tạm dịch: Những thói quen giàu có - Những thói quen thường ngày của người giàu), 67% người giàu mỗi ngày chỉ xem tivi hoặc các nội dung trên mạng trong khoảng 1 giờ hoặc ít hơn, trong khi người bình thường rất dễ sa đà ngồi trước tivi hoặc mải mê xem các nội dung trên mạng hàng tiếng đồng hồ nếu rảnh.

Tác giả Corley cũng để ý thấy rằng ưu tiên khi xem các chương trình của người giàu là những bản tin thời sự, những chương trình đối thoại - phân tích chuyên sâu… để giúp họ gia tăng kiến thức và sự hiểu biết. Họ không dành thời gian để xem các chương trình giải trí, trong khi đó, phần đông người bình thường lại dành nhiều thời gian để xem những chương trình có tính giải trí cao.

Nhìn chung, người giàu đánh giá rất cao sức mạnh và tầm quan trọng của việc tự học, tự rèn luyện sau khi đã rời nhà trường. Đó chính là cách để người giàu tự giáo dục mình theo nhịp độ và thiên hướng có lợi nhất cho bản thân.

Để tính cách tốt đẹp hơn, càng cần đọc sách

Đó là kết quả của một cuộc nghiên cứu được tiến hành bởi trường Đại học Kingston (Anh). Những người thường xuyên đọc sách có xu hướng hành động theo chuẩn mực đạo đức mà xã hội đề cao. Trong khi đó, những người có sở thích xem tivi lại có vẻ kém thân thiện hơn, họ khó thấu hiểu cảm nhận của người khác.

Nghiên cứu tâm lý của trường Đại học Kingston tiến hành với 123 tình nguyện viên. Những người này được đặt nhiều câu hỏi xoay quanh thói quen đọc sách và xem tivi, để xác định xu hướng giải trí thực sự của từng tình nguyện viên.



Những người thường xuyên đọc sách có xu hướng hành động theo chuẩn mực đạo đức mà xã hội đề cao (Ảnh: Shutterstock).

Sau đó, các tình nguyện viên sẽ được kiểm tra những kỹ năng giao tiếp - ứng xử để đánh giá về khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác, cũng như năng lực hành xử để giúp đỡ đối phương trong những tình huống cần sự hỗ trợ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những người có sở thích đọc sách có nhiều phản ứng tích cực hơn những người thích xem tivi.

Đặc biệt, những người thích đọc tiểu thuyết văn học, tiểu thuyết tình cảm thể hiện khả năng thấu hiểu cao hơn hẳn; trong khi đó, những người yêu thích đọc sách khoa học hay các đầu sách giúp nâng cao tri thức cho thấy khả năng nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ đa dạng một cách thấu đáo.

Nghiên cứu cho rằng thói quen đọc sách cho phép người đọc có thể quan sát các sự việc qua những góc độ khác nhau thông qua góc nhìn của các nhân vật, từ đó người chăm đọc sách có khả năng thấu hiểu người khác tốt hơn.

Nghiên cứu kết luận rằng việc thường xuyên đọc sách giúp gia tăng khả năng cảm thông, khả năng thấu hiểu của một con người. Thói quen đọc sách giúp đưa lại cách nghĩ, cách làm tích cực trong đời sống. Những người có chiều sâu nội tâm, có tính cách tốt đẹp cũng thường có sở thích đọc sách.

Đọc sách để trở thành người yêu hoặc bạn đời lý tưởng hơn

Website hẹn hò nổi tiếng tại Mỹ - eHarmony từng thực hiện khảo sát hồi năm 2017 đối với các ứng viên sử dụng dịch vụ. Kết quả cho thấy rằng những ứng viên có sở thích đọc sách thường nằm trong top những ứng viên được đánh giá là đưa lại những tương tác chất lượng nhất.



Những người yêu thích đọc sách thường có sự tò mò tích cực, mang tính trí tuệ (Ảnh: iStock).

Theo thống kê của website này, sở thích đọc sách có tác động khá lớn tới đời sống tình cảm của một con người. Website hẹn hò này phát hiện ra rằng những ứng viên có liệt kê sở thích đọc sách trong hồ sơ cá nhân thường dễ nhận được thiện cảm từ người khác giới.

Theo thống kê của website, nam giới có sở thích đọc sách giúp gia tăng khả năng nhận được tương tác từ ứng viên nữ thêm 19%; trong khi đó, các ứng viên nữ gia tăng thêm 3% khả năng nhận được tương tác từ các ứng viên nam.

Theo khảo sát, những người yêu thích đọc sách thường có sự tò mò tích cực, mang tính trí tuệ, điều này giúp ích cho việc hình thành một mối quan hệ thú vị trong buổi ban đầu. Ngoài ra, những người ham thích đọc sách cũng thường tạo dựng được nên những mối quan hệ có tính chất cởi mở, thân tình và tin cậy.

Nguồn: Báo Dân trí

Bích Ngọc - Theo Daily Mail/The Independent

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách II - Page 7 Empty Re: Sách II

Post by LDN Sat Oct 26, 2024 2:29 pm

Cách khơi dậy tình yêu đọc sách

Sam Nguyễn – 25 tháng 10, 2024
Saigon Nhỏ

(Hình minh họa: @rw.studios/Unsplash)
Khi các bài đọc trên internet nhanh chóng trở nên dễ dàng tiếp cận, việc đọc sách in ngày nay phải đối mặt với một trở ngại lớn.

Nhiều người phàn nàn rằng họ không thể ngồi lâu để đọc một cuốn sách. Điều này nghe không hay chút nào! Vì vậy, nếu bạn muốn thoát khỏi tình trạng trì trệ, bài viết này mách bảo bạn 10 cách để khơi dậy lại tình yêu đọc sách.

Bắt đầu từ những câu chuyện ngắn và dễ hiểu
Thông thường, đọc tiểu thuyết giống như một cam kết lớn mà nhiều người chưa sẵn sàng. Vì vậy, đừng chọn một cuốn tiểu thuyết dày cộm, mà chỉ cần đọc một cuốn sách ngắn và dễ hiểu, đồng thời giúp bạn phát huy tốc độ đọc của mình.


Đọc lại một cuốn sách yêu thích
Ai cũng đều có cuốn sách mà mình yêu ngay từ lần đọc đầu tiên và chẳng ngại đọc lại. Vì vậy, hãy lấy cuốn sách đó ra khỏi kệ, phủ bụi và đọc thêm lần nữa để trải nghiệm lại niềm vui thuở ban đầu.

Mua sách mới
Thông thường, khi không muốn đọc, đó là vì bạn cảm thấy không có gì ‘mới’ để đọc. Do đó, việc mua một số sách mới sẽ mang lại cho bạn cảm giác hưng phấn và khiến bạn muốn cầm những trang giấy đó lên, trân trọng những trang bìa đẹp và khám phá những câu chuyện mới!

Đọc những gì mình thích
Một cách khác để khơi dậy lại thói quen đọc sách là đọc những gì mình thích. Đừng tập trung vào việc đọc một tác phẩm đang phổ biến chỉ vì nhiều người giới thiệu.

Thay vào đó, hãy đọc những gì bạn cảm thấy phù hợp và xem trí não bạn phản ứng tốt như thế nào.

Tạo ra một không gian đọc sách
Đôi khi, động lực đọc sách cũng đến từ trong không gian. Tạo ra một khu vực trong phòng ngủ hoặc phòng khách, thêm một chiếc đèn cổ điển vào đó và mua một số giấy dán đánh dấu trang và bút dạ quang để làm cho sách thêm lôi cuốn và việc hiểu nội dung được dễ dàng hơn.


sự mất tập trung từ mạng xã hội và tiếng chuông điện thoại thường khiến bạn quá mệt mỏi để cầm một cuốn sách lên. Vì vậy, hãy thử tắt điện thoại, máy tính bảng hoặc tìm một góc nào yên tĩnh trong nhà và ngồi đọc sách.

Đặt mục tiêu đọc sách
Nếu việc khơi dậy đơn thuần không hiệu quả, thì việc ép buộc bản thân thực hiện mục tiêu đó cũng không phải là ý tưởng tồi! Cố gắng ép buộc bản thân đọc khoảng vài trang mỗi ngày và xem tâm trí bạn phản ứng như thế nào với thói quen mới. Sau đó tăng lên thành số chương hoặc một cuốn mỗi ngày!

Câu lạc bộ sách
Nếu việc đọc sách trở nên khó khăn, hãy tham gia một câu lạc bộ sách. Nếu việc đi đâu đó chỉ để đọc sách nghe có vẻ nhàm chán, thì cũng có rất nhiều câu lạc bộ sách trực tuyến trên mạng.

Thử nghe sách nói
Khi bạn cảm thấy việc đọc sách trở nên chậm lại vì mắt quá mệt mỏi vào cuối ngày, hãy thử sách nói và xem liệu nó có tạo ra sự khác biệt không. Nghe một cuốn sách khi đang trên đường đi làm hoặc khi đang nấu bữa tối.

Kết hợp các bài đọc
Giả dụ bạn luôn thuộc tuýp người thích tiểu thuyết, hãy thử chuyển sang thơ hoặc người thích đọc sách, hãy thử đọc qua Kindle! Đôi khi, kết hợp các thứ lại với nhau cũng không phải ý kiến tồi.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách II - Page 7 Empty Re: Sách II

Post by LDN Mon Oct 28, 2024 10:48 am

Nghiên cứu quốc tế

28/12/1973: Cuốn ‘Quần đảo Ngục tù’ được xuất bản

Nguồn: Solzhenitsyn’s The Gulag Archipelago published, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1973, cuốn Quần đảo Ngục tù (The Gulag Archipelago, 1918-1956) của Aleksandr Solzhenitsyn – tác phẩm “điều tra” về nhà nước cảnh sát (police state) Liên Xô – đã được xuất bản tại Paris, bằng tiếng Nga. Đây là tập đầu tiên trong bộ sách ba tập của Solzhenitsyn, mô tả lại những đợt đàn áp chính trị và khủng bố tàn bạo và không khoan nhượng ở Liên Xô. Cuốn sách nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã được xuất bản tại Mỹ chỉ vài tháng sau đó.

Bộ sách đồ sộ của Solzhenitsyn đã ghi lại chi tiết những mưu đồ của nhà nước cảnh sát Xô-viết từ Cách mạng Bolshevik cho đến năm 1956. Tuy nhiên, trong phần lời tựa, tác giả cũng đã cảnh báo những người Nga đang sống trong giai đoạn 1973, rằng việc đọc cuốn sách là “rất nguy hiểm.”

Điểm quan trọng của Quần đảo Ngục tù là nó cho rằng việc đàn áp (hay khủng bố) của cảnh sát là luôn luôn cần thiết đối với sự tồn tại của nhà nước Liên Xô. Điều này đi ngược lại tuyên bố của Liên Xô rằng những đàn áp kiểu như vậy chỉ xuất hiện trong thời kỳ cầm quyền của Stalin và biến mất khi ông qua đời vào năm 1956.

Solzhenitsyn thừa nhận rằng đàn áp chính trị đã giảm bớt trong thời gian Khruschev tại nhiệm – chính tác giả cũng đã được giải thoát khỏi nhà tù chính trị trong thời gian này. Tuy nhiên, Solzhenitsyn tin rằng, kể từ khi Khruschev bị lật đổ vào năm 1964, chính quyền Liên Xô lại phải viện đến đe dọa và khủng bố. Sự thất vọng trước việc đất nước mình quay lại chiến thuật đe dọa này đã ảnh hưởng đến quyết định xuất bản sách của ông.

Quần đảo Ngục tù đã ngay lập tức được đón nhận ở phương Tây, nhưng các quan chức Liên Xô thì vô cùng tức giận. TASS, hãng thông tấn chính thức của Liên Xô, đã tuyên bố rằng cuốn sách là “lời vu khống vô căn cứ” chống lại người Nga. Ngày 12/02/1974, Solzhenitsyn bị bắt, bị tước quyền công dân, và bị trục xuất. Sau này, ông chuyển đến định cư tại Mỹ. Trong thập niên 1980, ông từ chối lời đề nghị phục hồi quyền công dân Liên Xô từ Mikhail Gorbachev, nhưng đã quyết định trở về Nga sinh sống vào năm 1994. Solzhenitsyn qua đời vì suy tim tại Moskva vào ngày 03/08/2008, hưởng thọ 89 tuổi.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách II - Page 7 Empty Re: Sách II

Post by LDN Mon Oct 28, 2024 10:57 am

.Nguyễn Ngọc Chính's
~ Hồi Ức Một Đời Người ~

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

Quần đảo ngục tù - Tầng đầu địa ngục

“Quần đảo ngục tù” (Ngọc Thứ Lang dịch từ “The Gulag Archipelago”, nhà xuất bản Trí Dũng, năm 1971), và hai năm sau lại xuất hiện “Tầng đầu địa ngục” (Hải Triều dịch từ bản tiếng Anh “The first circle”, Nxb Đất Mới, 1973).

Hai tác phẩm mang cùng một chủ đề về những người mang thân phận tù đầy tại nước Nga dưới thời Stalin đã chứng tỏ truyện của nhà văn, Alekxandr Isayevich Solzhenitsyn (1918-2008), rất… “ăn khách”.

Hơn thế nữa, còn rất nhiều truyện của ông được dịch sang tiếng Việt từ trước 1975 tại Sài Gòn, trong đó phải kể đến:

- “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich”, Thạch Chương - Trần Lương Ngọc dịch, Nxb Nguồn Sáng, 1970.

- “Vòng đầu địa ngục”, Thạch Chương - Thanh Tâm Tuyền dịch từ bản tiếng Pháp “Le 1er Cercle”

- “Bất ngờ tại nhà ga Krechetovka”, Lê Vũ dịch, Nxb Hành Trình, 1973

Alekxandr Isayevich Solzhenitsyn (1918-2008)

Những truyện Solzhenitsyn viết đều kể lại cuộc đời của ông tại các trại cải tạo vùng Siberia mà tiếng Việt ngày xưa gọi là Tây Bá Lợi Á. Tháng 7/1945 Solzhenitsyn bị kết án tù 8 năm vì một bức thư viết gửi bạn bày tỏ quan điểm chống lại Chủ nghĩa Stalin, mặc dù thời thanh niên ông đã vào Đoàn thanh niên Cộng sản Komsomol, đã nhập ngũ và được thưởng hai huân chương với quân hàm đại úy.

Năm 1952, Solzhenitsyn bị ung thư, phải mổ trong bệnh viện tại trại giam nhưng đã qua khỏi. Khi Stalin mất, ông được trở về sống ở Moskva để đi dạy học. Trong thời gian này, ông bắt đầu viết “Tầng đầu địa ngục” (1955-1968) và in truyện “Một ngày của Ivan Denisovich” (1958) cùng một số tác phẩm khác.

Những năm tháng trong lao tù, đi qua nhiều nơi trên đất nước Nga đã giúp ông sau này có được chất liệu sống thực cho những tác phẩm của mình về chế độ tù đày của nước Nga. Solzhenitsyn đã nhận được giải thưởng danh giá Nobel Văn học năm 1970.

Trong diễn văn nhận Giải Nobel (được đọc thay) vì ông không đến không đến Thụy Điển nhận lễ trao giải, Solzhenitsyn tuyên bố:

“Một khi dối trá bị lật tẩy, bạo lực trần trụi sẽ lộ nguyên bộ mặt thô bỉ của nó, và rồi bạo lực, khi ấy đã đuối sức, sẽ sụp đổ tan tành”

Solzhenitsyn trong bộ quần áo tù

Truyện “Quần đảo ngục tù” được bắt đầu vào mùa xuân năm 1938 với một chiếc tàu phá băng dẫn đầu, kéo theo một đoàn chở tàu tù, mỗi tàu chứa từ 3 đến 4 ngàn người trực chỉ Tây Bá Lợi Á.

Đến Kolyma mất hơn 1 tuần đường biển nên bánh mì mang đi thường mốc meo, khẩu phần hàng ngày đang trên dưới nửa ký bỗng rút đi còn một phần ba. Có cá khô, có thức nước uống “lờ lợ” nhưng ăn uống bao nhiêu thì say sóng bấy nhiêu khiến họ nôn mửa trên sàn tàu bằng hết!

Có lần đoàn tàu chạy ngang eo biển La Pérouse, chạy sát mấy hòn đảo của Nhật. Lập tức mấy ổ đại liên trên tàu được tháo xuống, lính hộ tống đổi thay thường phục, cửa xuống boong dưới đều khoá cứng. Nếu có chuyện, tàu nào cũng sẵn hồ sơ hải hành và văn kiện lập từ trước, để chứng minh tàu của hãng thầu chở “công nhân” ra công trường xây cất Kolyma.

Cũng năm 1938 ở địa điểm này đã xảy ra chuyện lộn xộn trên tàu Dzhurma. Tù nhân bẻ khoá lọt vô một kho thực phẩm trên tàu để cướp đồ ăn và gây hoả hoạn. Tàu tuần Nhật đề nghị lên tàu chữa cháy giùm nhưng thuyền trưởng tàu Dzhurma đã từ chối thẳng.

Những người bị kẹt dưới kho nằm co quắp chết ngộp vì khói. Sau khi chạy khỏi eo biển, thuyền trưởng điềm nhiên ra lệnh thảy xác người xuống biển. Kho thực phẩm trên tàu cháy rụi nhưng cái gì còn xài được vẫn chất lên đảo cho tù ăn sau.

Đoàn tàu chở tù tới hải phận đảo Magadan thì lâm nạn vì kẹt băng dù chiếc Krasin có bộ phận phá băng! Thời tiết Bắc cực mùa này còn quá sớm, băng chưa tan hết cho dù nhà nước Xô Viết có nôn nóng gởi “nhân công” ra Kolyma khai thác mỏ cũng chẳng chống lại nổi trời!

Thế là đoàn tù được lệnh đổ bộ lên Magadan, một nơi không cây, không cỏ và không một bóng sinh vật! Tất cả chỉ là băng tuyết trắng xoá và đồi đá mấp mô chào đón “những công dân Xô Viết lầm đường lạc lối” được nhà nước cho đi cải tạo để có dịp tự cải hoá bằng lao động sản xuất.

Thảm thương cho đám người dở sống dở chết từ Mạc Tư Khoa lê tấm thân tàn ra đây! Những người tù chính trị trên chiếc tàu đứng co ro ngơ ngác, nhiều người khỏe mạnh phải cõng người tê bại không đứng nổi chứ chưa nói gì đến chuyện đi lại!

Tác phẩm “Quần đảo ngục tù” - Ngọc Thứ Lang dịch

Solzhenitsyn viết về ngày đầu nhập trại:

“Đại khái là sau khi trình diện làm thủ tục xong thì lên xe cam nhông đi cả trăm cây số, xuống đi bộ thêm ít chục cây nữa là vừa đến trại mới. Nhập trại là lãnh công tác tức khắc. Ngủ sẽ ngủ lều vải, ăn thì có cá khô, bánh khô và uống thì trước mặt có cả núi tuyết.



Có thể kể thêm mục khám sức khoẻ trong nhà lều Magadan, cởi trần truồng để khám xem người ngợm có thích ứng với công tác không. Kết quả chẳng thằng tù nào là không đầy đủ sức khỏe! Sau đó đến mục tắm tập thể, tắm trần truồng nên những thứ gì không dính vào da là phải gởi nhà kho để cán bộ phụ trách “định liệu…”

(hết trích)

Chuyện “định liệu” về khoản áo quần, giày dép của tù cũng “thu hoạch” được cả núi những áo vét da, áo khoác da cừu nguyên tấm, áo lạnh dài tay, áo mặc trong nhà bằng nhung nõn, giầy bốt da láng, bốt da bên trong lót nhung tơ…

Xét về phương diện biết “ăn sung mặc sướng” thì đám tù Kolyma đầu xuân 1938 có lẽ vô địch Liên bang Xô Viết. Họ đâu phải bần cố nông “phản động” hay Kulak. Tất cả đã từng là con cưng của chế độ, thành phần có gốc Đảng, nào chủ bút, chủ nhiệm báo, nào giám đốc xí nghiệp, công ty quốc doanh, nào bí thư Đảng ủy Tỉnh, Miền, giáo sư Kinh tế, Chính trị…

Trong đám tù tắm truồng có người thắc mắc, “Này, mấy món đồ của tụi mình để lại đây ai coi nhỉ?”. Hắn lập tức bị cán bộ phụ trách chỉnh: “Cứ vất đại ra đấy, ai mà thèm!”. Có cán bộ hướng dẫn tắm còn bất mãn: “Đi tắm, đi mau! Ở đấy mà thắc mắc!”.

Tắm xong thì hết thắc mắc về quần áo còn hay mất! Lúc được hướng dẫn trở ra họ phải đi một ngả khác để đến nơi phát quần áo. Dĩ nhiên là trang phục nhà tù đúng tiêu chuẩn: quần áo vải đen, sơ mi lao động, áo vét nhồi bông gòn không có túi. Mỗi tên tù còn được phát một đôi giày “tứ thời… da heo”!

Tù giam trong khám đến “thở” và “nhìn” còn muốn quên luôn! Đột nhiên họ bị đẩy ra sân bắt sắp hàng và nhận lệnh: “Đi! Đi một mạch tới Abakan!”. Có 24 cây số đường đất mà 12 người ngã lăn ra chết dọc đường.

Hồi Lêningrad bị bao vây phải đưa tù đi một khoảng đường dài trước khi được nhét lên toa súc vật. Hồi đó chỉ tù đàn bà mới được phép đi gần tù binh Đức, mấy anh tù lớ quớ tới gần là có lưỡi lê xua qua ngay.

Nhưng đàn ông đàn bà bình đẳng ở chỗ mạng nào té gục, không gượng dậy nổi để bắt kịp theo đoàn là được lượm cấp kỳ để thảy lên chiếc cam nhông tà tà chạy đoạn hậu. Sống hay chết chưa cần biết, cứ thảy lên xe và giày dép bị… tịch thu.

Dọc đường đã có những trạm nghỉ tạm, nhà cửa của bọn Kulak bị đi đày bỏ lại... có điều chỉ còn trơ khung nhà. Ngược lại, thực phẩm dọc đường mới là mối lo chính. Có trục trặc dọc đường đành chịu: khẩu phần 2 ngày chia cho 3, hay 5… thiếu thốn là thường trực, thỉnh thoảng còn phải nhịn đói.

Đấy là tình trạng “đoàn công voa người” đi tới Chybyu. Tù đi Izhma tương đối còn dễ chịu hơn: cũng là rừng Taiga nhưng nơi đây thỉnh thoảng còn bắt gặp một vũng nước, một cái đìa có cá. Còn gì sung sướng hơn cho những anh tù chết đói? Những chiếc quần được cởi ra làm lưới và bắt được con cá nào là ăn sống con đó.

Tác phẩm “Tầng đầu địa ngục” - Hải Triều dịch

Solzhenitsyn tả lại trong “Tầng đầu địa ngục”:

“Năn 1948, 1950 còn thấy lác đác “công voa người”. Tôi không sao quên nổi hồi còn bé tí thấy những đoàn tù lặc lè đi dọc các đường phố Rostov. Có một khẩu lệnh thật tức cười nên tôi nhớ mãi: “Tụi bay đi lộn xộn là nổ súng khỏi cảnh cáo!”.

“Khốn nạn, thời ấy lính giải tù đi chỉ có gươm chớ lấy đâu ra súng mà nổ? Tuy nhiên có thằng nào đi lệch lạc, trật ra ngoài hàng lối là bị nạt: “Đi ngay vô, không chém cổ giờ!”. Với tâm hồn thơ dại ngày đó, tôi chỉ nghe dọa đã ớn: nổ súng, chém cổ. Nghe thấy ghê, một nhát gươm vung lên, dám một cái đầu rụng lắm!”

(hết trích)

Áp giải tù nhân

Kỹ sư Ans Bernsthein đang nằm trong một trại Cải tạo mạn Bắc bị trưng tập đặc biệt xuống miền Nam sông Volga để gia nhập phái đoàn… canh nông. Đi dọc đường cũng phải nghiến răng chịu đựng mọi sự hành hạ cực khổ, lính hộ tống chửi mắng đánh đập! Xuống ga xép Zenzevatka bỗng có một ông giám thị ra đón, hắn vừa che miệng ngáp vừa nói:

“Bây giờ tối rồi. Khuya nay ông ở tạm nhà tôi. Ông có thể đi dạo chơi quanh quanh ngoài phố, sáng mai tôi sẽ đưa vô trại.”

Còn gì sung sướng, bất ngờ bằng! Lãnh án đi đày 10 năm, cuộc đời kể như bỏ, suốt ngày chen chúc như chó trong toa xe tù Stolypin, sáng mai sẽ lại nhập trại, ai dám ước ao sẽ được đi dạo phố?

Ans Bernsthein hồi hộp bước ra ngoài mảnh vườn nho nhỏ của xếp ga, lắng nghe đàn gà về chuồng kêu ríu rít, đứng ngó mấy bà bạn hàng nhà quê thu dọn những hũ bơ, những trái dưa còn ế mang về nhà. Hắn ngơ ngẩn thử cất bước coi sao, một bước, hai bước, ba bước… Hắn bước đi tới bước thứ 5 mới dám tin là không bị lính gác kêu giật ngược.

Tổng thống Vladimir Putin gặp gỡ Alexander Solzhenitsyn tại Moscow, 20/9/2000

Trong “Quần đảo ngục tù” Solzhenitsyn viết:

“Anh em nên nghe tôi… Thà mình ăn bánh hẩm với nước lã mà lương tâm vẫn yên ổn hơn là ăn thịt mà hèn hạ”.

Đúng thế. Những cánh rừng hoang ở Tây Bá Lợi Á chờ đón họ, miền Oymyakon lạnh nhất trái đất và những mỏ đồng ở Dzhezkazan chờ đón họ, ở đó họ sẽ đói, sẽ chết. Nhưng trái tim họ được yên ổn. Trái tim họ tràn đầy cảm giác của những kẻ đã mất tất cả, sự vô úy này không tự nhiên mà có, người ta chỉ vô úy khi người ta chịu đựng.

“Quần đảo ngục tù” thuộc hệ thống Gulag trải rộng khắp Liên bang Xô Viết nhưng thưa dân hơn nhiều. Chẳng ai biết con số chắc chắn nhưng cam đoan không lúc nào dưới 12 triệu con người, xét vì một kẻ về với đất là một kẻ sẽ được Bộ Máy đưa vô trạm ngay tức khắc. Trong 12 triệu tù thì tù chính trị tối đa chỉ chiếm một nửa tức 6 triệu người.

Sáu triệu con người bị giam vì chính trị! Thụy Điển, Hy Lạp dân số cũng chỉ ngần ấy là cùng. Lạ một điều dân quần đảo đông thế mà thiếu gì người biết nhau. Nói tên ra là nhận quen liền. Chẳng hạn như trong xà lim khám tạm dọc đường, một anh vừa đặt chân vô thì sau một hồi thăm hỏi gần xa kể như chắc chắn sẽ lòi ra một kẻ từng quen biết một vài người bạn của anh.

Kulak trong tiếng Nga là từ ngữ có từ thế kỷ 19 được dùng để chỉ nông dân giàu có. Sang đến thế kỷ 20 nó trở thành một nghĩa xấu. Cuộc cách mạng Tháng Mười 1917 và trong khung cảnh tập thể hóa nông nghiệp từ 1928 tới 1933 dưới thời Josef Stalin nghĩa "Kulak" trong các cuộc khích động quần chúng của Bolshevik dần dần để chỉ những người nông dân tự lập.

Sau cuộc cách mạng Tháng Mười những người nông dân nghèo được nhận đất đai từ các Kulak. “Địa chủ” bị tước mất đặc quyền đặc lợi, nhiều Kulak phản ứng bằng cách ủng hộ quân Bạch Vệ và quân ngoại quốc can thiệp vào Nga.

Để đáp trả, những Kulak này và các thân nhân bị xem là “kẻ thù của giai cấp”, bị đưa đi các trại lao động hay bị xử bắn. Trong xà lim cũng có những tay dù tù tội nhưng vẫn trung kiên với nhà nước để lớn họng chửi:

“Bọn chó chết phản cách mạng tụi bây phải bị nắm đầu bằng hết là đúng quá còn gì? Thân xác tụi bây lịch sử sẽ nghiền nát làm phân bón!”

Ức quá nhiều người nạt lại: “Còn mày nữa, chính thân xác mày cũng đến phân bón chớ hơn chó gì.”

“Tao khác. Tao đâu có phản cách mạng. Tao oan, nhà nước chắc chắn sẽ xét lại…"

Thế là cả xà lim ồ lên một loạt chửi rủa để một gã tóc muối tiêu vốn là giáo sư Nga ngữ được dịp đứng phắt trên bục, xoạc chân giang tay ra làm như Đấng Christ: “Này, các con cái của ta, hãy thương yêu, hoà thuận cùng nhau, các con!”

Đấng “Cứu thế” vừa rao giảng là cả xà lim lại quay sang phía hắn ó ré om sòm. Một thằng tù hét lớn:

“Con cái mày ở rừng Bryansk kìa! Tụi tao cóc có làm con cái thằng nào hết. Tụi tao là con cái của quần đảo!”.

***

Chúng ta hãy nghe một nhà thơ trẻ trong số những người tù ở đảo tâm sự một cách hùng hồn, bất khuất:

“Ba mươi năm ròng nuôi dưỡng

Tình yêu đất nước quê hương

Thà chết không đòi ân xá

Van xin gì một chút tình thương!”

Solzhenitsyn từ giã cõi đời

“Quần đảo ngục tù” hay “Tầng đầu địa ngục” là thế đó!

***

Nguyễn Ngọc Chính vào lúc 05:42

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách II - Page 7 Empty Re: Sách II

Post by Sponsored content



Sponsored content


Back to top Go down

Page 7 of 7 Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum