Our forum runs best with JavaScript enabled !

Tin VN: Hà Nội đẩy dân Việt vào ô nhiễm, đổi lấy tiền Trung Quốc

Page 18 of 38 Previous  1 ... 10 ... 17, 18, 19 ... 28 ... 38  Next

View previous topic View next topic Go down

New Re: Tin VN: Hà Nội đẩy dân Việt vào ô nhiễm, đổi lấy tiền Trung Quốc

Post by LDN Tue Oct 25, 2022 4:14 pm


Đi Mỹ gây quỹ cho phế binh VNCH, một linh mục bị chính quyền VN cấm xuất cảnh

25 tháng 10 2022 - BBC

Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ (trái) trong một hoạt động trợ giúp thương phế binh VNCH
Chụp lại hình ảnh,
Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ (trái) trong một hoạt động trợ giúp thương phế binh VNCH

Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, tu sỹ Giáo xứ Cần Giờ, Dòng Chúa Cứu Thế, vừa bị chính quyền Việt Nam chặn tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 24/10 khi ông đang trên đường đi Mỹ.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 25/10, Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ cho hay:

"Ngày 24/10, tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất để bay đi Manila, từ đó sẽ lên chuyến bay tiếp theo tới Los Angeles, Mỹ. Nhưng an ninh cửa khẩu tại sân bay đã chặn tôi lại, cấm xuất cảnh, với lý do tôi gây rối an ninh trật tự xã hội."

"Họ không đưa văn bản giấy tờ gì cho tôi, mà chỉ lập biên bản. Trong đó nói tôi bị hoãn xuất cảnh vì lý do trật tự, an toàn xã hội, quy định tại Điều 36, Luật số 49/2019/QH19 quy định về các trường hợp bị cấm xuất cảnh.

Đã có một 'chủ nghĩa cộng hòa' trong chính trị VN

"Họ cũng nói tôi muốn khiếu nại gì thì phải lên Công an TP Hồ Chí Minh để giải quyết. Còn công an cửa khẩu thì chỉ làm theo chỉ đạo cấp trên."

Đây là lần đầu tiên linh lục Giuse Hoàng Vũ bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh.

Sự việc này xảy ra chỉ một tháng sau khi linh mục Lê Xuân Lộc, cũng thuộc Dòng Chúa cứu thế, bị cấm xuất cảnh khi ông dự định bay đến Manila.

Lý do linh mục Lộc bị cấm xuất cảnh là "vì lý do trật tự, an toàn xã hội, quy định tại Điều 36 Luật 49/2019/QH14", theo biên bản của Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh ngày 9/9/2022 mà BBC được tiếp cận.

Như vậy, đã có tổng cộng sáu linh mục bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh trong vòng vài năm qua. Bao gồm linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, Lê Xuân Lộc, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Đinh Hữu Thoại, Lê Ngọc Thanh, Phạm Trung Thành.

Biên bản cấm linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ xuất cảnh hôm 24/10/2022

Tất cả các linh mục này đều là những người nhiều năm nay đồng hành cùng Chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng hòa (VNCH).

"Có thể điều này gây khó chịu cho chính quyền Việt Nam," linh mục Giuse Hoàng Vũ nói với BBC.

"Tôi là người phục vụ Chúa. Tham gia vào chương trình tri ân các thương phế binh là sự dấn thân của một người tu hành. Tôi không tức tối, uất hận gì với chính quyền.

"Tôi chỉ thấy rằng Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trong khi sự việc cấm tôi xuất cảnh là một ví dụ về việc họ lạm dụng tùy tiện các điều luật mơ hồ để tước quyền của công dân.

"Như thế nào là 'vì lý do trật tự, an toàn xã hội'? Tôi không uống rượu, la hét, gây rối. Tôi cũng không có thời gian để lên Công an TP Hồ Chí Minh để nghe họ giải trình vì sao cấm tôi xuất cảnh. Ít ra cơ quan quản lý cũng cần dán một thông báo lên để tôi được biết. Tôi mua vé khứ hồi, dù là loại rẻ nhất thì cũng mất cả ngàn đô. Ai bồi thường thiệt hại cho tôi?" linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ nói với BBC.

Cũng có ý kiến cho rằng sự việc này xảy ra vào thời điểm diễn ra hội nghị thường niên Dòng Chúa Cứu Thế nhằm bầu ra Hội đồng quản trị mới, và rằng chính quyền muốn gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử này.

Tuy nhiên linh mục Vũ nói với BBC rằng ông không nghĩ hai sự việc này có liên quan đến nhau.

Chương trình Tri ân Thương phế binh VNCH
Chương trình Tri ân Thương phế binh VNCH trước đây có trụ sở tại số 3 Kỳ Đồng, Q.3, TP Hồ Chí Minh, có mục đích hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các thương binh từng làm việc và chiến đấu cho chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Hiện có khoảng 6.000 thương phế binh Việt Nam Cộng hòa đang tham gia vào chương trình này. Họ đến từ nhiều vùng miền của Việt Nam, chủ yếu là từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Tuy nhiên, con số thương phế binh VNCH trên toàn Việt Nam được cho là lớn hơn nhiều, hiện khoảng hơn 20.000 người, theo truyền thông Việt Nam.

Do không có bất cứ hỗ trợ nào từ nhà nước, dù thương tật, những thương phế binh này vẫn phải tự mưu sinh, chủ yếu là bán vé số.

"Về mặt tinh thần, họ là những người bị nhà nước Việt Nam miệt thị, nói họ là ngụy quân ngụy quyền, nên mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, tri ân họ. Về mặt vật chất, chúng tôi cung cấp y tế, viện phí, an táng, ma chay, thuốc men cho họ," linh mục Vũ nói.

Theo linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, chuyến đi Mỹ của ông theo dự kiến là nhằm kêu gọi gây quỹ cho chương trình này.

Bốn năm gần đây ngân quỹ cạn kiệt, chương trình không thể tiếp tục chu cấp về thuốc men, ma chay, viện phí như xưa. Hiện toàn bộ hỗ trợ của chương trình cho thương phế binh VNCH chỉ co lại trong một hoạt động duy nhất: Quà xuân. Trị giá 2,5 triệu VND cho mỗi thương phế binh.

"Do số lượng thương phế binh rất lớn, lại nằm rải rác cả nước, nên chương trình của chúng tôi thực hiện từ tháng 12 tới tháng Ba hàng năm.

"Các thương phế binh này đều là phế binh loại ba, rời cuộc chiến trước năm 1975. Họ đều mất tay, mất chân, mù mắt, hoàn cảnh rất đáng thương. Họ là những người bần cùng, nghèo nhất xã hội Việt Nam hiện nay.

"Hầu hết họ đều trong độ tuổi 70, thời gian còn lại cũng không còn nhiều nữa. Chúng tôi mong muốn làm được nhiều hơn nữa cho họ nhưng hiện thời đến khoản hỗ trợ duy nhất là Quà xuân cũng không chắc có thể tiếp tục.

"Có chương trình này, họ được an ủi phần nào. Có người nhờ vậy mà được giao lưu, kết nối với những chiến hữu cũ. Một số người hiện ở nước ngoài thì có cơ hội đóng góp, tri ân cho đồng đội cũ ở Việt Nam," linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ nói.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Tin VN: Hà Nội đẩy dân Việt vào ô nhiễm, đổi lấy tiền Trung Quốc

Post by LDN Thu Oct 27, 2022 4:00 pm


Nơi đáng sống nhất nước’ tiếp tục bị mưa lũ, một học sinh suýt chết đuối trên đường

Tường Vy
26 tháng 10, 2022 - Sài Gòn nhỏ

Người dân kịp thời cứu sống một học sinh bị nước lũ cuốn trôi tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) – Ảnh cắt từ clip
Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là “thành phố đáng sống nhất Việt Nam” tiếp tục bị mưa lớn trong ngày 25 Tháng Mười, khiến nước lũ tràn về bất ngờ, gây nhiều khó khăn cho dân địa phương.

Tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) mưa lớn, nước lũ chảy xiết băng qua nhiều tuyến đường. Có nơi nước ngập, chảy xiết suýt cuốn trôi một học sinh và chiếc xe máy điện khi em đang trên đường đi học về. Rất may mắn em được người dân gần đó chạy lại cứu kịp thời. Nếu chỉ chậm trễ chừng một phút, có thể tính mạng em sẽ bị nguy hiểm.

Hiện địa phương đã giăng dây cảnh báo, không cho người dân qua khu vực ngập sâu tại thôn Quan Nam 1 (xã Hòa Liên, H.Hòa Vang) để bảo đảm an toàn.

Trước đó, trưa cùng ngày, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện clip bốn người đàn ông chật vật kéo chiếc xe bị lũ cuốn trôi. Phải mất một lúc hợp sức mọi người mới có thể kéo được chiếc xe lên bờ an toàn giữa dòng nước đang chảy xiết.

Đoạn clip sau khi đăng tải đã nhận được nhiều bình luận xót xa thương cảm của cư dân mạng, bởi Đà Nẵng phải trải qua trận mưa lịch sử chỉ hơn một tuần trước đó.

Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang cho biết, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu nên một số trường đã cho học sinh nghỉ học.


Giao thông hỗn loạn trên đường phố Đà Nẵng vào thời điểm mưa lớn trưa 25 Tháng Mười – Ảnh: Tuổi Trẻ
Cùng ngày, tại trung tâm thành phố Đà Nẵng, Mưa nặng hạt khiến nhiều đoạn đường thấp trũng bị ngập. Tuy không ngập sâu nhưng đã gợi lại ký ức kẹt xe kinh hoàng trên đường phố Đà Nẵng vào đợt mưa lịch sử vừa qua.

Theo dự báo thời tiết, Đà Nẵng sẽ bị tiếp tục bị mưa lớn cho đến ngày mai.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Tin VN: Hà Nội đẩy dân Việt vào ô nhiễm, đổi lấy tiền Trung Quốc

Post by LDN Fri Oct 28, 2022 6:44 am

Chậc chậc

Nghi hai cơ sở in khiến nước ngập đỏ khu dân cư Sài Gòn, nhưng ‘không kịp lấy mẫu’

Lê Thiệt
27 tháng 10, 2022 - Sài Gòn nhỏ

Nước màu đỏ ngập ở khu vực đường Phan Anh, quận Tân Phú, ngày 23 Tháng Mười – Ảnh: VNExpress
Thông tin trên được Phó chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Thái Hoàng Vũ đưa ra tại họp báo chiều 27 Tháng Mười.

Ông Vũ cho biết (điều mọi người đã biết), nước có màu đỏ tại tuyến đường Tô Hiệu và Phan Anh xảy ra vào ngày 23 Tháng Mười, đến đêm khuya nước đã rút. Dù có nhiều thời gian như thế, nhưng không hiểu sao Sở Tài nguyên và Môi trường lại “không kịp lấy mẫu” như lời tường trình của ông Vũ.

Ông Thái Hoàng Vũ, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trả lời họp báo chiều 27 Tháng Mười – Ảnh: VNExpress
Tối hôm sau, hai tuyến đường trên tiếp tục ngập do mưa lớn nhưng không tái diễn tình trạng nước đỏ. Điều này được hiểu là có cơ sở nào đó được “báo động” nên không dám xả nữa.

Ông Hoàng Vũ cho biết thêm sau sự việc, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất kinh doanh quanh tuyến đường Tô Hiệu, Phan Anh và ghi nhận hai cơ sở hoạt động in bông trên vải có sử dụng màu đỏ.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, cả hai cơ sở trên không hoạt động trong thời gian cơ quan chức năng kiểm tra nên không biết gì thêm. Vẫn theo lời ông Vũ, ở cống xả thải của hai cơ sở này “không phát hiện lượng tồn dư màu đỏ”.

Ông Vũ cũng “hứa” là nếu tái diễn tình trạng nước đỏ sẫm tương tự như hôm 23 Tháng Mười, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu nước phân tích kịp thời để có cơ sở khoanh vùng, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý.

Ở góc độ chuyên môn, TS Võ Thanh Hằng, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhìn nhận màu sắc khác thường trong nước thể hiện nồng độ kim loại hoặc chất gây ô nhiễm. Để xác định cụ thể nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng của dòng nước phải có kết quả phân tích mẫu. Bà Hằng nói:

“Những điểm bất thường trong nguồn nước sẽ gây mùi khó chịu và khiến người tiếp xúc trực tiếp cay mắt, khó thở. Nếu nồng độ hóa chất gây hại cao có thể gây nên những biểu hiện nghiêm trọng hơn đến sức khỏe người dân, tùy theo cơ địa”.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Tin VN: Hà Nội đẩy dân Việt vào ô nhiễm, đổi lấy tiền Trung Quốc

Post by LDN Fri Oct 28, 2022 7:44 am

Rùng mình 

Việt Nam: Dạy thêm, học thêm là lý do cốt lõi của yếu kém, tiêu cực giáo dục?

28 tháng 10 2022

Trần Mai

Gửi tới BBC từ TP HCM

Học sinh tiểu học được cha mẹ chở đến trường

Một số trường học tại TP HCM đang tính toán kế hoạch lùi giờ vào lớp từ 7h 30 so với trước kia là 7h -7h 15.

Một số trường tiếp tục giữ nguyên-những trường hoặc ý kiến đồng tình việc cho trẻ đến trường từ 6h30 hầu hết đều bị phản đối.

Tuy nhiên, đọc xong hầu hết các lý do phản đối, tôi thấy dường như cả phụ huynh, nhà trường và xã hội đều đang bị mắc vào chỉ vài nguyên nhân trước mắt.

Còn câu trả lời cho tổng thể, nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì vẫn núp lùm nằm yên, không thấy ai đả động đến.

Lý do của phụ huynh

-Con tôi đi học thêm bảy tám giờ tối mới về, mới ăn tối làm bài, làm sao dậy sớm nổi?

Phần lớn lý do phản đối việc giữ nguyên giờ học sớm hơn là từ phụ huynh ở thành thị.

Chủ yếu đều dẫn ra việc con đi học thêm đến bảy tám giờ tối cha mẹ mới đón về. Tắm rửa, ăn tối xong, trẻ tiếp tục làm bài tập về nhà.

Bài rất nhiều và nặng nên sớm nhất 10 h đêm trẻ mới được đi ngủ. Nếu phải vào lớp từ 6h 30 thì cả nhà phải dậy từ 5h sáng.

Trẻ không được ngủ sớm vì phải đi học thêm và thức làm bài tập về nhà.

Suy ra nếu không phải đi học thêm và giảm thời gian làm bài tập về nhà thì trẻ có thể ngủ sớm. Sáng hôm sau có thể dậy sớm khỏe mạnh và minh mẫn để vào lớp lúc 6h 30.

Vậy tại sao trẻ phải đi học thêm?

Tại sao vào lớp Một mà chưa biết chữ?

'Phụ huynh nào cũng biết rằng không nên bắt con học thêm hoặc học thêm quá sớm, nhưng không mấy người thoát được nó' (Hình minh họa)

Sáng thứ bảy, cặp vợ chồng trẻ hàng xóm nhà tôi dậy sớm, chở con đi. Tưởng ngày nghỉ cả nhà đi ăn sáng xong đưa con ra công viên chơi.

Cơ mà không phải. Ông nhóc 5 tuổi, sang năm mới vào lớp Một, nhưng năm nay cha mẹ đã cho ông đi học thêm.

Tuần hai buổi thứ bảy chủ nhật, ông nhỏ đến nhà cô giáo học a bờ cờ, ò ó o, viết nét sổ nét móc.... Học xong cha mẹ đón về chứ không bán trú.

Học phí?

Một triệu đồng/tháng.

Lớp học tiền tiểu học của các cô giáo tiểu học đều rất đông học trò.

Cả thầy cô và cha mẹ đều không vô can trong việc đó.

Có một số (ít) cha mẹ dứt khoát không cho con đi học thêm trước khi vào lớp Một để tránh gây áp lực quá sớm cho con.

Nhưng chẳng may, bé lại ngồi vào lớp mà hầu hết các bạn đều đã đi học thêm, nên viết chữ viết số vanh vách trước khi đi học chính thức cả.

Số trẻ đã biết chữ trước khi học nhiều hơn số trẻ “tờ giấy trắng”, nên trẻ bị ngơ ngác và lạc lõng.

Cô giáo cũng dạy lướt hoặc tỏ ra khó chịu với việc phải uốn nắn từng nét chữ đầu đời cho trẻ. Bé chán lớp và sợ học.

Càng chán và sợ, bé càng học không tốt, thường bị cô mắng và nhắc cha mẹ kèm thêm cho con.

Thậm chí có thầy cô tiểu học phàn nàn thẳng với cha mẹ tại sao bé đi học lớp Một mà chưa biết chữ (!).

Cha mẹ bấy giờ đâm ra hối hận. Khi bé sau đi học, dứt khoát phải cho đi học chữ ngay từ khi mới đẻ, tránh lặp lại vết xe đổ của anh/chị nó.

Việc học thêm giống như con quái vật có ngoại hình bà tiên, phụ huynh nào cũng biết rằng không nên bắt con học thêm hoặc học thêm quá sớm, nhưng không mấy người thoát được nó.

‘Nếu cô không nâng điểm thì em tự tử’

Bạn tôi dạy môn chính ở trung học phổ thông. Có lần chị cho một học sinh lớp 12 điểm 4 vì bài làm không đạt yêu cầu tối thiểu.

Tối đó, anh học sinh này cùng với bạn gái đến nhà chị, vừa khóc vừa dọa nếu cô không nâng điểm lên cho em thì em tự tử.

Chị bạn tôi không đồng ý và tìm cách khuyên can.

Một bài thi học kỳ chưa là gì cả, em có thể sửa chữa nó trong học kỳ sau, còn nếu em chết thì lý do này rất buồn cười và người thiệt thòi nhất là em, sau đó đến cha mẹ em… v v.

Nhưng đến khi về, anh cu vẫn đòi tự tử, cô bạn gái thì mếu máo vừa khóc vừa xin giúp người yêu.

Sáng hôm sau, anh học trò vẫn đi học, nói cười bình thường, mặt tươi hơn hớn.

Bạn tôi mặt tỉnh bơ nhưng bụng mừng gần chết. Nói gì nói, nhỡ nó tự tử thật thì tránh sao khỏi tự trách!

Nhưng tối đó, đến lượt mẹ anh tìm đến nhà chị.

-Cô thông cảm, em cũng có chức vụ ở công ty, mà cháu nó học rất giỏi, giờ điểm môn cô thế này cháu không đạt học sinh tiên tiến em nhục với đồng nghiệp ở công ty lắm. Cô vẫn không đồng ý.

Vì sao vấn nạn học thêm dạy thêm vẫn tiếp diễn?

Phụ huynh muốn cho con đi học thêm thường thì vì mấy lý do: một, sợ con học không bằng bạn bè, điểm thi học kỳ không tốt, sẽ ảnh hưởng đến học bạ khi xét tốt nghiệp.

Một số sợ nếu con không đi học thêm ở thầy cô giáo bộ môn sẽ bị trù dập. Một số không ít như mẹ của anh học trò nói trên - sợ con không có thành tích cao để khoe, nở mày nở mặt với người thân.

Thành thử có những đứa trẻ phải đi học thêm cùng lúc hai giáo viên cho một môn học: một giáo viên bộ môn đang dạy trực tiếp ở trường (để không bị trù dập, hoặc được cho biết đề trước mỗi kỳ thi), và một là thầy cô giáo thật sự dạy giỏi môn học đó mà em rất thích, em học để có kiến thức thật sự.

Thậm chí, có những đơn vị Nhà nước, tổ chức Công đoàn còn đặt ra quy định cuối mỗi học kỳ hay năm năm học, phụ huynh có con đạt thành tích học sinh tiên tiến trở lên sẽ được xét Công đoàn viên tiên tiến, có giấy chứng nhận + tiền thưởng.

Nếu con không đạt học sinh tiên tiến trở lên thì cha mẹ bị cắt danh hiệu thi đua này. Tuy nó không ảnh hưởng lắm đến đường thăng tiến nhưng trong các cơ quan Nhà nước, đó cũng là một tiêu chí xét đánh giá.

Học sinh bé cũng thích đi học thêm để được gặp và chơi với bạn, nhất là những em ở thành phố (Hình minh họa)

Học sinh bé cũng thích đi học thêm để được gặp và chơi với bạn. Nhất là những đứa trẻ ở thành phố, nhà khá giả đôi chút.

Ngoài giờ học ở trường, chúng gần như hoàn toàn bị nhốt trong biệt thự, chung cư, hoặc nhà riêng, cha mẹ trăm phần trăm đưa đón, không dám thả con ra ngoài vì sợ bị bắt cóc hay gặp tai nạn.

Còn với giáo viên, dạy thêm để cách để mưu sinh tốt nhất, vì tuy vất vả, bán cháo phổi nhưng vẫn giữ được đôi chút phẩm giá của nghề. 

Tuy xã hội đã vùi dập nghề giáo không thương tiếc nhưng hai chữ người thầy vẫn luôn tồn tại sự đáng trọng của nó.

Dạy thêm tốt hơn rất rất nhiều so với việc phải làm yaourt và thức ăn vặt mang đến bán cho học trò ngay tại lớp học, bán hàng online, chạy xe ôm công nghệ…

Bởi vậy ngay trong làng giáo chức cũng có sự phân biệt đẳng cấp rõ rệt. Giáo viên các môn chính như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, hay Anh văn dạy thêm đến khàn hơi.

Ngược lại, giáo viên các môn “phụ” như Sử, Địa, Công dân, Thể dục… chỉ có thể nhìn đồng nghiệp chạy show bạc mặt mà thèm thuồng.

Mặt trái của dạy thêm

Mặt ngược lại cũng rất rõ ràng. Với phụ huynh là tốn tiền, tốn thời gian công sức đưa đón con đi học, cực kỳ mệt nhọc vất vả.

Với giáo viên cũng vậy. Những giáo viên trẻ miệt mài dạy thêm đến mức không còn thời gian dành cho gia đình và bản thân.

Có người trong cùng một ca dạy 2 nhóm trong nhà, nhóm này học lý thuyết thì nhóm kia làm bài tập.

Trẻ học ca cuối ra về đã 9, 10 h đêm, thầy cô ù té ăn vài miếng cơm giữa hai ca rồi ra dạy tiếp.

Gần như chỉ còn đồng tiền làm động lực trợ sức cho họ vượt qua một ngày bốn năm ca dạy chính lẫn phụ.

Họ chỉ còn đủ sức theo đúng những điểm chính trong sách giáo khoa chứ chẳng có thời gian để mở rộng - đào sâu kiến thức hay thậm chí tương tác với học trò, tận hưởng được niềm vui tuyệt vời của sự giáo dục.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lương của giáo viên Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng châu Á (hình minh họa)

Lương của giáo viên Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực

Giáo viên mầm non mới ra trường lương từ gần 2,8 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng.

Giáo viên tiểu học từ gần 2,8 triệu đến gần 3,9 triệu đồng/tháng.

Giáo viên trung học cơ sở từ 3,2 triệu đến gần 6 triệu đồng/tháng. Giáo viên trung học phổ thông từ gần 3,5 triệu đến 6,5 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của chính phủ).

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lương của giáo viên Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng (gồm Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Philipines, New Zealand, Australia, Macao, Hong Kong, Indonesia, Đài, Loan, Mỹ, Pháp, Singapore, Trung Quốc và Việt Nam) trong một nghiên cứu về lương trung bình của nghề này so với GDP bình quân.

Học sinh Việt Nam sẽ phải thức khuya làm bài cho đến … đời sau

Do vậy, tuy bên ngoài thì thể hiện thái độ không khuyến khích học thêm/dạy thêm, nhưng bên trong thì Bộ Giáo dục luôn luôn ngầm cho phép, hoặc ít nhất là mắt nhắm mắt mở.

Vì đó là cách thức tốt nhất để giáo viên tự lo liệu được đời sống của họ ngoài đồng lương rẻ mạt của Nhà nước.

Là cách họ tự xoay sở trong bão tố cơm áo gạo tiền để trụ lại với nghề, mà Nhà nước không phải bỏ ngân sách ra giải quyết.

Vì là phương kế mưu sinh nên có những giáo viên đã hành xử phi giáo dục để đạt được mục đích hút học sinh học thêm: trù dập, cho điểm thấp, thái độ cư xử xấu với học sinh không đi học thêm với mình; gợi ý thẳng thắn học sinh đi học thêm sẽ được cho biết đề thi trước, trên lớp thì được ưu ái chấm điểm cao…

Chương trình học thì quá nặng chiếm hết thời gian giảng trên lớp nên giáo viên không thể sửa lỗi cho từng học sinh. Điều đó trực tiếp ảnh hưởng đến việc hiểu bài và làm bài thi cuối năm, chưa nói đến hậu quả xa hơn.

Cuối cùng, trong suốt 12 năm học phổ thông gần như trăm phần trăm học sinh đều phải đi học thêm và thức khuya làm bài tập về nhà. Không năm này thì năm khác, không cấp này thì cấp khác, không môn này thì môn khác.

Vì thế câu chuyện lùi hay không lùi giờ đi học của học sinh đâu phải chỉ là chuyện nhà tôi cho con đi ngủ sớm được, nhà chị thì không. Hay thói quen hợp lý của người thành thị là ngày càng thức khuya, do đó không nên ép trẻ dậy sớm… như có “học giả” nào đó nói.

Nguyên nhân cốt lõi là cái mớ bòng bong thu nhập quá thấp-dạy thêm-học thêm-bệnh thành tích-giảm tải chương trình học … mà nhiều đời bộ trưởng Giáo dục vừa qua không giải quyết được.

Cái gốc bệnh tật còn nguyên, lẽ nào những thứ mụn nhọt không nối nhau mọc lên. Xã hội cứ vui như hội vì chẳng khi nào hết chuyện bàn cãi, cứ nay rú lên một chuyện, mai rít lên vì một chuyện khác.

Cứ thế… cho đến muôn đời sau.

*Bài thể hiện quan điểm riêng của bạn đọc Trần Mai, hiện sống ở TP HCM

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Tin VN: Hà Nội đẩy dân Việt vào ô nhiễm, đổi lấy tiền Trung Quốc

Post by LDN Sat Oct 29, 2022 4:52 pm



Vấn Đề Hôm Nay

Vì sao người Việt cứ bỏ ra đi?


Tuấn Khanh
29 tháng 10, 2022 - Sài Gòn nhỏ

Không có lời giải thích nào về việc những công dân hôm nay cứ lặng lẽ tìm cách rời bỏ Việt Nam, ra đi và sống tạm thời hoặc mãi mãi ở đất khách. Những dòng tin miệt thị dòng người này trên báo chí nhà nước thì cứ xoay quanh luận đề “những kẻ mê vật chất, ảo tưởng” cho đến “ham việc nhẹ, lương cao”… Nhưng thực sự không có một nghiên cứu khoa học nào hoặc những sự tìm hiểu, phân tích lý lẽ và những tác động xã hội vì sao những thanh niên đó lại cứ ra đi, bất chấp trên bản đồ thế giới Việt Nam luôn là một quốc gia được coi là đang phát triển rực rỡ.

Tin tức mới nhất của Tháng Mười, 2022 cho biết có khoảng 100 người Việt Nam đã mất liên lạc sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc trong chuyến đi du lịch qua phi trường quốc tế Yangyang tỉnh Gangwon. Sau khi sự việc xảy ra, những hãng bay và các công ty du lịch có liên quan phải tạm cho dừng đưa khách du lịch đến đảo Yangyang, tỉnh Gangwon đến hết Tháng Mười.

Dù không chính thức thú nhận, nhưng ngôn ngữ thông cáo của Tòa Đại sứ nhà nước Việt Nam tại Hàn Quốc nói đã liên hệ với nhà chức trách sở tại để điều tra và tìm hiểu sự việc. Đồng thời, cơ quan ngoại giao này cho biết sẽ phối hợp với cơ quan địa phương trong nước, và công ty du lịch tại Việt Nam để tìm hiểu thông tin về những công dân mất liên lạc, và thực hiện các biện pháp giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng người Việt lợi dụng hình thức du lịch để tìm cách ở lại Hàn Quốc một cách bất hợp pháp.

Trước đó, tình trạng công nhân đến Hàn Quốc làm việc rồi trốn ở lại cư trú bất hợp pháp ngày càng nhiều. Đầu Tháng Chín năm nay, tờ Korea Herald dẫn nguồn từ Cơ quan Nhập cư Hàn Quốc (Korea Immigration Service) công bố con số thống kê cho thấy, tính đến Tháng Bảy, có tổng cộng 395,068 người nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp, chiếm 19% tổng dân số nước ngoài trên 2 triệu người của đất nước. Con số này, tăng 4,655 so với một năm trước đó, là con số cao nhất kể từ Tháng Chín 2020, khi quốc gia này ước tính tổng số người nhập cư bất hợp pháp là 396,728 người.

Hàn Quốc không công bố con số chính thức về người Việt Nam ở lại và làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc – có thể là vì vấn đề tế nhị ngoại giao – tuy nhiên nhưng trên 10,000 người là con số đáng tin cậy. Đáng nói, hầu hết những người trốn ở lại Hàn Quốc phần lớn là người Bắc hoặc Bắc Trung Bộ của Việt Nam.

Từ năm 2016, Hàn Quốc chuyển giao cho Việt Nam lý do họ tạm ngưng visa cho người Việt, bởi Nghệ An là tỉnh Bắc Trung Bộ đứng đầu danh sách các tỉnh có lao động Việt Nam được sang Hàn Quốc làm việc với 1,454 lao động ở lại không về khi hết hạn hợp đồng. Hà Nội đứng thứ hai với 948 người hiện đang lẩn trốn danh sách. Hải Dương (853), Thanh Hóa (823) và Nam Định (733), tất cả đều là các tỉnh phía Bắc, và đây là danh sách lọt vào top 5 địa phương Việt Nam có nhiều người cư trú bất hợp pháp nhất tại Hàn Quốc.

Nhiều đường dây ở Hàn Quốc hợp tác đưa người lao động bất hợp pháp đến những nơi mà người ta đang cần thuê mướn. “Người ta vẫn nhận lao động nước ngoài bất hợp pháp trên thị trường việc làm địa phương vì quá cần, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi nông dân bị thiếu người làm việc lao động. Nhiều nông dân địa phương buộc phải thuê những người nhập cư bất hợp pháp này”, Kim Do-kyun, giáo sư tại Đại học Cheju Halla chuyên về chính sách nhập cư cho biết. Và đó là lý do vì sao có rất nhiều người Việt Nam, Thái Lan, Philippines… đi đến Hàn Quốc, vừa xuống máy bay đã đột ngột mất liên lạc: Họ đã mua chỗ làm việc từ trước và được đón đi ngay khi mới bước ra khỏi cửa hải quan.

Trên tờ Vnexpress bản tiếng Anh có bài nói chuyện ra đi của người phía Bắc lúc này. Sự giải thích đơn giản là “một cuộc sống mới ổn định lâu dài và tiền lương có thể dành dụm cho cuộc đời của mình và giúp đỡ cho cả gia đình”.

Bài viết có tên Why Vietnamese students end up working illegally in South Korea tiết lộ việc chuẩn đi, làm việc ở Hàn Quốc như vậy, một người phải chuẩn bị từ đầu với khoảng 200 triệu VND (khoảng $8,000). Do kiếm được nhiều tiền hơn ở Việt Nam, nhiều người chọn cách ở lại quá hạn visa – thậm chí là kéo dài vô hạn định thời gian sống ở Hàn Quốc. Chẳng hạn với Tùng, một nhân vật được mô tả trong bài viết, đã kiếm được $2,500-$4.000 một tháng, gấp 10 lần thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động ở Việt Nam. Với tấm bằng trung học phổ thông, Tùng không thể mơ kiếm được nhiều như vậy ở Việt Nam, nơi mức lương của sinh viên mới tốt nghiệp đại học chỉ khoảng $250.

Bất chấp những chỉ số rực rỡ mà Hà Nội vẫn giới thiệu với thế giới, thực tế có khoảng trên 10% trong số 95 triệu người Việt Nam sống trong nghèo đói, đôi khi trong cảnh “nghèo cùng cực”, Chuyên gia kinh tế trưởng Rajiv Biswas của IHS Markit châu Á – Thái Bình Dương cho biết. Ông Biswas cũng bày tỏ sự bất lực khi nói đến sự nghèo khó của của các khu vực miền núi và xa đô thị, bởi căn bệnh tập trung phát triển đô thị theo cái nhìn thiếu chiến lược đã quá lớn.

Mức lương của một người công nhân Việt Nam hiện nay chỉ trên dưới $200 mỗi tháng, vì vậy, khi biết rõ, thật khó mà có thể cao giọng miệt thị những người Việt Nam khốn khổ đó là việc tại sao chọn cách bỏ ra đi, tìm một cơ hội “việc nhẹ lương cao” ở xứ người. Không chỉ vậy các đường dây đưa người Việt Nam đi lao động bên ngoài – bao gồm có sự tham gia âm thầm của các quan chức nhà nước – vẫn gọi mời các chỗ làm việc trong các nhà máy ở Nga, làm công việc xây dựng ở Libya và được thuê tại các trang trại của Anh.

Và với niềm hy vọng cho cuộc đời sau sáng sủa hơn, họ ra đi.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Tin VN: Hà Nội đẩy dân Việt vào ô nhiễm, đổi lấy tiền Trung Quốc

Post by LDN Mon Oct 31, 2022 1:59 pm

Du khách Việt liên tục 'mất tích' ở nước ngoài để 'cứu thân'?

31.10.2022

Song May

Gửi tới BBC từ TP.HCM

NGUỒN HÌNH ẢNH,SONG MAY
Chụp lại hình ảnh,
Du khách Việt chờ nhân viên an ninh của Israel phỏng vấn tại phi trường của Thái Lan cuối năm 2016

Dựa theo phát biểu của nữ phát ngôn viên ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, báo chí Việt Nam giờ có chữ mới để nói về việc du khách Việt Nam trốn ở lại nước ngoài là “mất liên lạc” (lost contact), trong khi báo chí nước ngoài dùng chữ “mất tích” (missing).

Những du khách Việt “mất tích” đang trở thành phổ biến, khi họ tự nguyện gia nhập đội ngũ illegal (bất hợp pháp) ở xứ người, một kiểu “tìm đường ra đi cứu thân và cứu cả gia đình”.

Trong tuần qua, mạng xã hội Việt Nam bàn tán về việc 100 du khách Việt đến tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) theo chương trình miễn visa đã bỏ trốn. Tuy nhiên, lần “mất liên lạc” này của du khách Việt đã trở thành “chuyện thường ngày” và không gây sốc như lần 152 du khách Việt mất tích ở Đài Loan hồi tháng 12/2018.

Trang Korea Times ngày 27/10 đưa tin: “Khoảng 100 công dân Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc với tư cách khách du lịch qua sân bay quốc tế Yangyang đã mất liên lạc, làm cơ quan quản lý xuất nhập cảnh dấy lên nghi ngờ rằng họ muốn lưu trú lâu dài để làm việc bất hợp pháp. Công dân Việt Nam, cũng như Philippines và Indonesia, đã được miễn visa tối đa trong 15 ngày khi nhập cảnh tỉnh Gangwon, với điều kiện đăng ký tour du lịch theo nhóm thuộc một công ty du lịch được Hàn chỉ định kể từ tháng 6/2022. Các công ty du lịch Việt Nam chịu trách nhiệm về các tour du lịch theo đoàn đã đình chỉ việc đưa du khách đến Yangyang. Theo thông báo trên trang web, hãng hàng không giá rẻ của Hàn Quốc Fly Gangwon cũng quyết định tạm dừng các chuyến bay đến Việt Nam…”.

Hồi năm 2016, 56 khách du lịch Việt khác đến đảo Jeju của Hàn Quốc cũng “biến mất”. Nhưng “mất mặt” nhất lại là vụ 9 người đi cùng chuyên cơ của đoàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang Hàn Quốc hồi tháng 12/2018 rồi trốn ở lại, mãi đến cuối tháng 9/2019 Đài truyền hình MBC (Hàn Quốc) phanh phui có 2 người trong nhóm 9 kẻ đi cùng chuyên cơ bà chủ tịch quốc hội trốn ở lại bị Hàn trục xuất thì dân Việt mới hay.

Mất lòng tin với du khách Việt, hôm 28/10, Zing đưa tin Hàn Quốc miễn visa cho hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Thái Lan, Singapore, Malaysia có cùng thời gian lưu trú tối đa miễn visa là 90 ngày, còn Brunei sẽ được lưu trú tối đa miễn visa 30 ngày.

Du khách Việt Nam đến Hàn Quốc chỉ được miễn visa khi đến đảo Jeju và tỉnh Gangwon. Tại Jeju, khách Việt được miễn visa không được rời khỏi đảo trong thời gian lưu trú tối đa 30 ngày. Riêng tỉnh Gangwon đang tạm dừng chương trình miễn visa cho du khách Việt, trừ khi họ di chuyển bằng chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến).

Trước đó, hồi tháng 12/2018, cả nước chấn động trước thông tin 152 du khách Việt mất tích tại Đài Loan, khi họ đăng ký tour du lịch của 4 công ty được thực hiện chương trình Quan Hồng.

Thời gian đó, Việt Nam là một trong những quốc gia phía Nam được Đài Loan áp dụng chương trình Quan Hồng, cho phép các nhóm du khách từ 5 người trở lên có thể xin visa điện tử thông qua các công ty du lịch được Đài Bắc chỉ định và không cần phải chứng minh tài chính. Tại Việt Nam có 84 công ty du lịch, đại lý được Đài Loan cho phép thực hiện chương trình Quan Hồng. Và lợi dụng chương trình này, 152 du khách Việt từ bốn đoàn khác nhau đến Đài Loan vào tuần cuối của tháng 12 biến mất đồng loạt, gây chấn động.

Cả năm sau sự kiện đó, Taiwan News của Đài Loan thường xuyên cập nhật tin tức cảnh sát đã bắt được những du khách Việt “missing” khi họ đang hành nghề bất hợp pháp ở xứ này, kể cả nghề… bán dâm. Hiện nay, du khách Việt xin visa nhập cảnh xứ Đài phải thỏa nhiều điều kiện về tài chánh, công việc hiện tại, nói chung là khắt khe, trừ những người đã từng có visa Hàn, Nhật, Mỹ, Anh, Canada, Úc, Newzealand, khối Schengen châu Âu… mới có thể xin visa qua mạng và không cần chứng minh gì cả.

Cứ mỗi năm, nhìn bảng xếp hạng quyền lực passport toàn cầu (Passport Index), du khách Việt ngậm ngùi tự biết “thân phận”. Năm 2022, passport Việt Nam đứng thứ 73/97, tức gần cuối bảng, chỉ trên Lào (79) và Myamar (85). Trong 22 quốc gia miễn visa cho Việt Nam thì có đến 9 quốc gia thuộc khối Asean, còn lại là Kyrgyzstan, Panama, Ecuador, Saint Vincent and the Grenadines, Haiti, Turks and Caicos, Cộng hòa Dominica, Liên bang Micronesia…- những quốc gia nằm ngoài danh sách mơ ước của du khách Việt. Danh sách các quốc gia buộc du khách Việt phải xin visa dài đến 130, trong đó có Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đòi hỏi nhiều giấy tờ chứng minh.

Không so sánh với những nước phát triển như Hàn, Nhật hay Đài Loan, hãy tự hỏi vì sao những công dân tại các quốc gia cùng khối Asean như Singapore (5), Malaysia (9), Brunei (15), Thái Lan (53), Indonesia (58) lại có passport quyền lực cách xa công dân Việt đến vậy?

Đó chính là sự hoài nghi của thế giới về tư cách của du khách Việt.

NGUỒN HÌNH ẢNH,SONG MAY
Chụp lại hình ảnh,
Kinh doanh dịch vụ dẫn khách du lịch nước ngoài sẽ ngày càng khó khăn hơn với các công ty Việt

Hệ lụy lâu dài cho các công ty du lịch lẫn du khách Việt khác
Sự việc 100 du khách Việt mất tích ở Hàn chắc chắn ảnh hưởng xấu đến việc kinh doanh tour outbound của các công ty du lịch lữ hành Việt Nam, khi các điểm đến được người Việt ưa chuộng như Hàn, Đài, Nhật, Mỹ, Canada, Úc, châu Âu… đều ngày càng khó xin visa bằng cách tăng thêm điều kiện và kéo dài thời gian xét duyệt.

Một đứa em chuyên bán tour đi Israel 9 năm nay nói với tôi: “Mỗi năm em đưa 25 đoàn khách Việt sang Israel hành hương, mỗi đoàn 40 người. Đã xem xét hồ sơ cẩn thận nhưng kết thúc tour, đưa họ về tới sân bay Sài Gòn rồi mới hết hồi hộp chị ạ. Việc này hên xui lắm, không nói trước được đâu. May mà trong 9 năm, em chỉ bị có một du khách trốn ở lại! Nếu nhiều hơn chắc họ cấm công ty em nộp hồ sơ xin visa luôn ấy”.

Do đặc thù của tour hành hương, du khách đi Israel thường là dân Công giáo, trong đó có các linh mục và nữ tu, nên độ rủi ro của các công ty bán tour hành hương Israel chắc chắn thấp hơn những tour châu Âu, Hàn, Nhật, Đài, Mỹ, Úc…

Tôi nhớ lại chuyến du lịch Israel của mình hồi cuối năm 2016. Ngoài việc phải nộp nhiều loại giấy tờ chứng minh tài chính, chứng minh thu nhập, chứng minh công việc hiện hữu…., tôi còn phải nộp tất cả passport cũ lẫn mới để chứng minh mình từng đi nhiều nước và đã trở về.

Khi đoàn bay sang Thái Lan, nhân viên an ninh của tòa đại sứ Israel ở Thái phỏng vấn từng người một. Nếu họ đánh rớt ai đó vì nghi ngờ thì người đó phải quay trở lại Việt Nam, công ty du lịch sẽ hoàn phần tiền còn lại. May mà cuối cùng đoàn của tôi không có ai bị rớt nhưng qua cổng an ninh phi trường Ben Gurion ở Tel Aviv, chúng tôi phải đưa passport cho hướng dẫn viên du lịch. Bạn ấy giải thích: “Ngoài việc giữ an toàn cho passport của các anh chị, chúng tôi cần phải đề phòng khi có ai đó bỏ trốn”.

Khi sang Nhật hồi năm 2018, bạn hướng dẫn viên du lịch (tức trưởng đoàn) cũng giữ passport của tất cả thành viên.

Vì đã quen với điều này, tôi không còn ngạc nhiên, nhưng tôi không bao giờ quên chuyến du lịch đầu tiên của mình ở Hong Kong, Macau hồi đầu năm 1996, lúc hai nơi này vẫn thuộc Vương quốc Anh và Bồ Đào Nha. Người hướng dẫn viên phía công ty du lịch Hong Kong – đối tác của công ty du lịch Việt Nam, nơi tôi đăng ký tour – có vẻ mặt lầm lỳ, căng thẳng. Mỗi khi đưa đoàn du khách Việt đến một điểm tham quan và quay lại xe, anh ta giơ tay đếm từng người và luôn là người sau cùng lên xe. May mắn thay, các chuyến du lịch nước ngoài theo tour của tôi đều không có ai trốn ở lại nên khi trở về ai cũng vui mà vui nhất là bạn trưởng đoàn.

Kỷ niệm khác của tôi là hai lần phỏng vấn xin visa ở Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn. Khi đi phỏng vấn, tôi rất tự tin mang theo đầy đủ giấy tờ… nhưng lại không mang theo các passport cũ. Khi nhân viên phỏng vấn hỏi tôi: - Bà đã từng đi du lịch ở đâu chưa? - Đã từng đi nhiều nước. – Passport cũ của bà đâu? Vì trong passport này không thấy điều đó.

Thế là tôi bị rớt. Cách mấy tháng sau, trong lần phỏng vấn thứ hai, tôi mang theo toàn bộ passport cũ và “pass” dễ dàng. Việc một người từng đi du lịch nhiều nơi và trở về chứng tỏ cá nhân đó đáng tin cậy để được cấp visa.

Tất nhiên, điều rõ ràng là những du khách Việt bỏ trốn đều có sự tính toán từ trước, rằng họ đã có “đường dây” liên lạc hứa hẹn tạo việc làm ở xứ người, chứ nếu không, chả ai dám ở lại xứ người để sống bất hợp pháp.

Làm một công dân hợp pháp thì việc kiếm sống cũng không dễ dàng gì, huống hồ từ bỏ nhân thân, trở thành một kẻ vô danh trốn chui trốn nhủi ở xứ người.

Chỉ khốn khổ là vì những cá nhân bỏ trốn đó, con đường du lịch xứ người mở mang tầm mắt sẽ khép lại với nhiều người Việt.

Bài thể hiện quan điểm riêng của cây bút tự do Song May, hiện sống ở Sài Gòn.

NGUỒN HÌNH ẢNH,SONG MAY
Chụp lại hình ảnh,
Làm hướng dẫn viên các đoàn du khách Việt đi nước ngoài phải có thêm nhiệm vụ giám sát họ bỏ trốn.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Tin VN: Hà Nội đẩy dân Việt vào ô nhiễm, đổi lấy tiền Trung Quốc

Post by Sponsored content



Sponsored content


Back to top Go down

Page 18 of 38 Previous  1 ... 10 ... 17, 18, 19 ... 28 ... 38  Next

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You can reply to topics in this forum