Our forum runs best with JavaScript enabled !

Sách

Page 46 of 50 Previous  1 ... 24 ... 45, 46, 47, 48, 49, 50  Next

View previous topic View next topic Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Sun Feb 26, 2023 9:31 pm

Mai - obook

Mrs Dalloway (Collins Classics) - Virginia Woolf

Cuốn này mình mua lâu rồi mà đến hình như mấy tháng sau mới cầm lên và quyết định đọc. Ban đầu mình không có mong đợi gì. Khác với nhiều người, khi mua sách xong mình không thích google ngay để tìm hiểu về nó, mình cảm thấy nó spoil mất vài (chục) phần trăm của cuốn sách. Vì vậy lúc bắt đầu đọc mình không biết mong đợi gì, và tất nhiên là không mong đợi nó sẽ trở thành một trong những cuốn hay nhất mình từng đọc. Mrs. Dalloway kể về một ngày của bà Clarissa Dalloway, từ sáng đến 3 giờ khuya. Mấy trăm trang sách chỉ diễn ra trong vòng một ngày. Điều này làm cho Mrs. Dalloway rất đúng với thời gian thật. Nếu bạn đọc cuốn này trong vòng một ngày, nếu trong sách 11 giờ thì thực tế cũng đang 11 giờ, nếu trong sáng 11 giờ 30 thì thực tế cũng đang 11 giờ 30, nếu trong sách 3 giờ sáng thì thực tế cũng đang 3 giờ sáng. Mình thấy cái đó rất thú vị. Tuy nhiên mình không đọc quyển này trong một ngày mà là 1 - 2 tuần gì đó. Và theo mình nghĩ, những cuốn thế này đọc từ từ mới thấm. Cái ấn tượng nhất về quyển này chính là cách viết của Virginia Woolf. Bà viết Mrs. Dalloway sau khi đọc Ulysses của James Joyce nên ta dễ dàng thấy điểm tương đồng giữa hai tác phẩm. Đó là 'dòng ý thức', bằng cách viết này tác giả mô phỏng quá trình suy nghĩ trong đầu mỗi người và vì thế chạm được đến tim độc giả. Để dễ hiểu hơn: - Trong nhiều tiểu thuyết: Nhân vật bước ra đường và suy nghĩ trong đầu bằng những ngôn từ bóng loáng, những ý định để đưa đến những sự kiện sắp diễn ra. - Mrs. Dalloway: Nhân vật bước ra đường, suy nghĩ vớ va vớ vẩn, nhìn cây cỏ trời mây, nhớ về quá khứ, suy nghĩ, nghe tiếng xe cộ, rùng mình vì trời lạnh, nhìn đường, nghe tiếng một chiếc xe chạy vụt qua, hết hồn, nghĩ về kẻ lái xe ẩu, nhìn đèn đường, nghĩ vớ vẩn, rồi lại suy nghĩ trong khi vô thức đi đến một nơi nào đó. Đây chính là những gì thực sự diễn ra trong đầu chúng ta và Virginia Woolf đã tái hiện lại trong Mrs. Dalloway. Đó là lý do vì sao khi đọc quyển này ta cảm giác rất thật và quen thuộc. Quyển sách dù lấy tên của bà Dalloway nhưng nó không chỉ nói về bà Dalloway. Người kể chuyện đi theo từng nhân vật và mỗi khi họ băng qua nhau, vô tình hay có định sẵn, lời kể chuyện nhảy từ suy nghĩ của nhân vật này sang nhân vật kia. Do đó, nhiều lần trong tác phẩm, chúng ta có thể thấy quan điểm của nhiều nhân vật về cùng một sự việc. Phân tích nhân vật là điều bắt buộc khi đọc Mrs. Dalloway và tiểu thuyết của Woolf. Chỉ cần để ý một tí là có thể thấy sự giống hoặc khác nhau giữa các nhóm nhân vật. Từ đó ta sẽ dễ dàng đánh giá nhân vật và học được nhiều điều từ họ. Mình cảm thấy mình không thể viết review đàng hoàng về cuốn này, có lẽ đọc đến đây cũng chả ai hiểu quyển này hay cỡ nào. Nhưng nói thật là rất đáng đọc, nếu không thích nhân vật thì cũng sẽ thích cách viết. Ở ngoài nhà sách hình như có bản dịch tiếng Việt, nhưng nếu được mình nghĩ nên đọc bản gốc tiếng Anh vì mình thấy ngôn ngữ của Woolf rất hay nhưng lại khó dịch. Cho nên nếu đọc bản dịch không ít thì nhiều sẽ bỏ qua những đoạn hay, vậy thì hơi đáng tiếc.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Sun Feb 26, 2023 9:37 pm

Điểm sách: “Bà Dalloway”- một London của nữ giới

Bởi Zét Nguyễn

Virginia Woolf từng khệnh khạng tuyên bố trong bài luận năm 1923 “Ông Bennet và Bà Brown” rằng, “Vào khoảng tháng 12 năm 1910, nhân vật đã thay đổi.” Tham vọng muốn ném bỏ những tuýp người điển hình của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ thứ 19, nơi ngoại hình tới nơi ở đều được miêu tả chi tiết nhưng riêng tâm trí hay ý thức thì lại bỏ mặc, Woolf, cùng nhiều nhà văn khác như James Joyce, Marcel Proust, William Faulkner, tạo ra một cuộc cách mạng văn chương, một “cuộc xoay chuyển vào bên trong,” nơi những suy nghĩ và hồi ức của nhân vật được đặt lên hàng đầu. Người đọc không còn tiếp xúc với một hiện thực như là nó vốn có, mà là liên tiếp những sóng suy nghĩ tràn qua tâm trí nhân vật, nơi tất cả sự ổn định và duy nhất về không gian cũng như thời gian đều bị phá vỡ. “Bà Dalloway” của Virginia Woolf là một minh chứng cho lối viết trên.
 
[…] tháp Big Ben đổ chuông… Kia rồi! Nó đã trầm trầm vang dội (trang 17)
 
Phát triển từ hai truyện ngắn “Bà Dalloway trên phố Bond” và “Ngài thủ tướng”, tiểu thuyết ra đời năm 1925 này không chỉ là minh họa cho những lập ngôn của Woolf mà còn là sản phẩm giúp nữ tác gia cạnh tranh với các nhà văn nam lớn nơi bà triển khai những chủ đề lớn và những nỗi ám ảnh thuộc chủ nghĩa hiện đại: thành phố và tiểu thuyết đô thị như một hình thức sáng tác; phụ nữ với tư cách một “flaneur”; chiến tranh và việc hiểu nó trong bối cảnh hậu chiến, (một đề tài phổ biến của Woolf, ở cả “Jacob’s Room” và “Tới ngọn hải đăng,”); thời gian và cái chết; thế giới ý thức và vô thức của con người. Ảnh hưởng mạnh mẽ bởi “Ulysses” của James Joyce, nơi các nhân vật lang thang một ngày tháng Sáu ấm áp ở thành phố Dublin, Woolf cho Clarissa Dalloway, Peter Walsh, Septimus Smith cùng một loạt các nhân vật khác đi bộ trong thành phố London vào một ngày thứ Tư tháng Sáu năm năm sau khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 1 kết thúc. London, thành phố văn chương từng được khai thác đậm nét ở những trang viết của Charles Dickens, đã trở thành sàn diễn, và còn hơn thế nữa, cho các luồng hồi ức tuôn trào, không chỉ ở nhân vật chính, mà còn ở tất cả các nhân vật, từ người hàng xóm của Clarissa, tới người dạy học cho con gái bà cô Kilman, những nhân vật cỏn con thường bị lờ đi trong các tiểu thuyết hiện thực. “Bà Dalloway” được coi là tiểu thuyết dòng ý thức điển hình, nơi Woolf xóa nhòa giữa tường thuật ý nghĩ một cách trực tiếp và gián tiếp, nơi thành phố liên tục cung cấp các điểm kích thích để suy nghĩ của nhân vật được thúc đẩy, nơi câu chuyện trong một ngày của một tiểu thuyết gần như không có cốt truyện mà chỉ là những dòng hồi ức xa xăm, những ám ảnh hiện tại, những dằn vặt về tương lai.
 
bà đã mơ gì khi nhìn vào cửa sổ tiệm sách của Hatchard? (trang 25)
 
Câu mở đầu của “Bà Dalloway” trở thành một trong những câu nổi tiếng bậc nhất trong thế giới văn chương với người phụ nữ nghĩ mình sẽ tự đi mua hoa trang trí cho bữa tiệc tối hôm đó mà có cả thủ tướng Anh đến dự. Là một người vợ của một nhân vật chính trị trong nội các, Clarissa nổi tiếng là người tổ chức các bữa tiệc hoàn hảo, và lần theo bước chân bà, người đọc lần lượt được chiêm ngưỡng cả London hiện tại và đồng thời với nó, những nét đổ đầy câu chuyện cũng dần dần xuất hiện: một thanh tân Clarissa từng từ chối không lấy Peter Walsh dù chàng yêu nàng say sắm, cũng nàng thiếu nữ ấy từng có một nụ hôn đồng tính với một Sally nổi loạn, hào sảng, đầy nhiệt huyết, nhưng rồi lại quyết định chọn Richard Dalloway làm chồng vì tính cách ổn định của ông và ông cho bà khoảng cách. Quá khứ hiện ra từng lớp một, đặt song song với hiện tại, nơi bà Dalloway khó chịu với cô gia sư ở tầng lớp dưới và sự xa lánh của đứa con gái Elizabeth, nơi bệnh tình của bà, cũng như cuộc đời của những người quen trong giới thượng lưu điểm nét trong tâm trí. Trên cái nền London ấy, Woolf dàn xếp cho các nhân vật xa lạ gặp gỡ và cùng chung nhau những trải nghiệm trong một không gian đô thị của thời hiện đại giai đoạn hậu chiến nhưng đồng thời cũng tạo lập những dấu ấn riêng của từng nhân vật. London trở thành không gian nơi nhân vật nam Peter Walsh, vừa trở về từ Ấn Độ, chán nản với hiện tại và những mối tình thất bại, tiến hành một cuộc săn đuổi cái đẹp, suốt nửa tiếng đồng hồ, khi ông bám đuôi một cô gái trên phố. Một mô típ rất phổ biến trong văn học phương tây: nơi đàn ông biến đàn bà thành cái đẹp, thành vật thể được tính dục hóa qua cái nhìn. Một London khác trở thành địa bàn cho cô gái trẻ Elizabeth thám hiểm, nơi cô bước ra khỏi vùng an toàn mà khám phá những điều mới mẻ xung quanh, nơi cô âm mưu theo đuổi những suy nghĩ riêng dưới sự chỉ dẫn của cô gia sư đầy tinh thần đấu tranh giai cấp. London lại hóa mình thành những dồn dập hiểm nguy cho người lính giải ngũ Septimus, là nơi anh bị bủa vây với các tiếng ồn và con người và ảo ảnh từ cõi chết trở về, và chính là nơi anh kết liễu đời mình.
 
Khi viết “Bà Dalloway,” Woolf dự tính tác phẩm sẽ là một “nghiên cứu về sự mất trí và tự sát; thế giới lần lượt được kẻ tỉnh và người điên nhìn nhận.” Tiểu thuyết của bà vì thế tập trung vào hai câu chuyện lớn, tưởng chừng không liên quan gì tới nhau, một của Clarissa, một của Septimus. Mối dây thực tế duy nhất liên hệ họ là London, nơi họ cùng sải những bước chân trong một buổi sáng mùa hè dễ chịu, là chữ toffee được máy bay vẽ trên nền trời. Nhưng nhìn kỹ hơn sẽ thấy cả hai chia sẻ nhiều hơn ta tưởng: một Clarissa bề ngoài tươi vui, xã giao, hòa đồng, là người tổ chức các bữa tiệc để đem mọi người lại với nhau, nhưng thẳm sâu bên trong thì cô độc và cảm thấy bị xa lánh với chồng và con, nơi một cá nhân bị ám ảnh bởi thời gian, cái chết, quá khứ, những lựa chọn thời thanh xuân. Còn Septimus, một người lính sót sót sau chiến tranh, một người được các bác sĩ chẩn đoán là hoàn toàn bình thường, lại luôn nghe thấy các giọng nói, và thấy ảo ảnh: anh nhìn thấy Evans đồng đội cũ đã chết nay lại quay về. Bị rối loạn stress sau sang chấn, Septimus như một người điên đi giữa kinh thành London, hoàn toàn tách biệt với tất cả mọi người và trở thành kẻ kỳ dị trong mắt người khác, kể cả vợ mình. Hai câu chuyện chạy song song với nhau, đặt bên cạnh nhau, hé lộ cho người đọc lằn ranh mong manh giữa nhận định của chúng ta, về sự điên. Chỉ đến giây phút gần cuối truyện, khi Clarissa nghe được tin cái chết của Septimus, thì dường như hai dòng tự sự này mới trở nên hợp nhất. Nhưng ngay cả chi tiết này cũng đem lại đầy rẫy những lý giải không hồi đáp: liệu có phải Woolf đã đặt ra đối lập giữa một cái chết tàn khốc của thân phận con người nhỏ bé phục vụ cho chiến tranh, với một xã hội xa hoa giả dối nơi những con người ở tầng lớp trên được vui chơi vui vẻ còn người chiến đấu vì hòa bình thì lại lao qua cửa sổ vào hàng rào mà chết? liệu cái chết của anh có phải là vì đấu tranh cho một nền văn minh nơi những con người kia là đại diện. Pericles Lewis, một chuyên gia về chủ nghĩa hiện đại, rất đúng đắn khi cho rằng Woolf đã đặt ra một cái nhìn nghi ngờ về cái nền văn minh ấy, khi để cho những con người tinh hoa được tiếp tục ăn chơi tiệc tùng, còn lại để cho những số phận thấp cổ bé họng kia phải lìa đời. Là người đã phải chịu căn bệnh thần kinh trong suốt nhiều năm và kết thúc bằng một cuộc tự sát bằng cách nhồi đá vào túi, từng đi gặp rất nhiều bác sĩ, Woolf đã nào nhặn chính kinh nghiệm cá nhân thực tế của mình để mô tả người điên Septimus, để chất vất những chẩn đoán lạnh lùng và tàn nhẫn như “suy sụp tinh thần,” những quyết định dễ dàng và nhanh chóng của y học mà bỏ lỡ những chấn thương nặng nề không dễ gì bắt nghĩa được đang tàn phá con người giai đoạn hậu chiến. Ý nghĩ về cái chết ở Clarissa dường như được thực hiện bởi Septimus, nơi bà đột nhiên đồng cảm và ca ngợi anh đã lắng đọng hạnh phúc lại trong chính tay mình bằng hành động tự sát.
 
nhưng lạ lùng biết bao, khi bước vào công viên; sự thinh lặng; màn sương mù; tiếng lao xao; những con vịt hạnh phúc đang bơi chậm rãi (trang 19)
 
Người đọc lần theo bước chân Clarissa trong một cuộc đi dạo ngắn từ nhà bà qua phố Victoria Street to Big Ben, qua công viên St. James Park, tới Piccadilly, tới Arlington Street & Piccadilly, qua tiệm sách Hatchard’s Bookstore, và cuối cùng tới tiệm hoa trên phố Bond Street. London xuất hiện như một thành phố thực với những địa điểm nổi tiếng, cụ thể (và chính ở đây Woolf đã học tập Joyce ở kỹ thuật liệt kê các danh từ riêng chỉ nơi chốn để tạo lập đường đi của nhân vật). Trong “Bà Dalloway”, người đọc không chỉ bắt gặp một nhân vật đang lang thang trên các con phố ở London, mà còn biết đích xác nhân vật ấy đang vào cửa hàng nào, đang đi qua công viên nào, đang băng qua con phố nào. London được đặt liền kề với những suy nghĩ trong tâm trí Clarissa: Chuông đồng hồ Big Ben không đổ một cách khách quan mà nó đổ với một cú khựng đứng trong cơ thể bà. Công viên St. James được phóng chiếu trong tâm trí độc giả bằng những danh từ tên riêng có thật nhưng đi liền với chúng là cảm xúc của nhân vật: về cái tĩnh lặng, cái tiếng âm âm vang vang, sự lạ kỳ. Woolf hòa trộn một cách nhịp nhàng không gian bên ngoài và bên trong. Trong tâm trí Clarissa, buổi sáng ở London và buổi sáng của Bourton đặt song song nhau và bà đã bóp méo chúng khiến chúng trở nên đồng điệu, nhịp nhàng, giống nhau: cả hai đều tinh khiết, lặng im. Buổi sáng ở London vì vậy mà đầy rẫy những hình ảnh của quá khứ: là cảnh miền quê nơi khói cuộn lên từ những ngọn cây còn bọn quạ thì uốn lượn. Toàn bộ thành phố như được bọc trong một lớp lụa không khí buổi sáng xanh nhờ xam xám của những ngày xưa cũ. Thành phố trở thành mảnh đất nơi Clarissa đi đi về về giữa hiện tại và quá khứ, giữa một chữ chủ nhân hoàn hảo nơi đô thị bà Dalloway với một thiếu nữ Clarissa của thời thanh tân nơi Bourton quê mùa.
 
Phố Bond mê mặc bà; phố Bond vào buổi sớm mai của mùa này; những lá cờ đang tung bay; những cửa hiệu (trang 27)
 
London trở thành một không gian chứa đầy nhựa sống cung cấp hơi thở nồng nhiệt cho bà Dalloway, là nơi biến đổi bà thành một nhân vật nữ đầu tiên trong thế giới văn học được dạo chơi không gian đô thị. Thoát ra khỏi không gian riêng tư và nội trợ nơi bà là một bà vợ nội trợ dù của giới thượng lưu, Clarissa biến mình thành một cá nhân độc lập trong cuộc đi dạo nơi công cộng: London trở thành một địa bàn của nữ giới nơi bà trở thành chủ nhân của cái nhìn, cái thành phố có khả năng biến bà thành một kẻ bộ hành khỏe mạnh, tạo cho bà một tâm trạng hứng khởi và lành mạnh, một đối lập tương đối rõ ràng với Clarissa nội trợ với cơ thể bệnh tật yếu đuối ở nhà luôn cần sự chú ý của chồng cũng như người khác để cảm thấy tự tin. Không còn là vật thể của cái nhìn nam giới, bà trở thành chủ thể, giành lại London và đô thị cho giới nữ. Sở dĩ được như vậy, là vốn bởi London là nguồn cảm hứng bất tận, là nỗi ám ảnh cho văn chương của Woolf, là địa bàn cho các nhân vật của bà phiêu lưu và phát triển.Trong một lá thư gửi cho người bạn Ethel Smyth vào năm 1941, Woolf tâm sự London trong tâm trí bà Chaucer, Shakespeare và Dickens. Bằng tác phẩm “Bà Dalloway,” Woolf đã đưa phụ nữ vào không gian thành phố, giành lại cho phụ nữ một vị trí trong đô thị nơi vốn bị lấn át bởi các nhà văn nam. London không chỉ là góc của các nhân vật và tác giả nam giới, mà còn là lối đi về của Clarissa Dalloway.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Sun Feb 26, 2023 9:57 pm

TRANG TRINH THÁM - By PHAN BA

CÔNG TY RỬA TIỀN - Tác giả: John Grisham. Dịch giả: Đức Hải

Mitchell McDeere là một chàng luật sư 24 tuổi vừa tốt nghiệp Harvard, tuy có vài công ty lớn ở Phố Wall đang ngấp nghé chàng nhưng cuối cùng Mitch đã đầu quân cho công tư Tư vấn Pháp luật Bendini ở Memphis. Với mức lương cao ngất ngưỡng và chế độ đãi ngộ quá mức hào phóng (nhà mới, xe sang), Mitch Mc Deere cùng vợ là Abby tưởng họ đã gặp được cơ hội đổi đời. Điều gì cũng có giá của nó, lương 100USD/giờ khiến Mitch ngày nào cũng có mặt ở công ty khoảng 5h sáng và về nhà sau nửa đêm. Abby là giáo viên toán bậc tiểu học, cô thường xuyên phải chờ đợi bên bàn cơm nguội lạnh đến tận khuya nhưng chồng vẫn chưa về. Cuộc sống xa hoa với vòng giao tiếp thượng lưu không xóa đi được sự trống vắng nhớ nhung của đôi vợ chồng trẻ dành cho nhau. Ngày nọ, có hai luật sư trong công ty Bendini thiệt mạng do nổ tàu ngoài khơi gần đảo Cayman. Sau đó, FBI tìm cách tiếp cận Mitch và cho chàng biết rằng những cái chết ấy không phải do tai nạn.

Sau khi đọc phần một của “Luật sư nhí”, Biển có ấn tượng sâu với truyện của John Grisham nên thường ca ngợi truyện của tác giả này, có người nghe được nên đem sách của tác giả này cho Biển mượn. Phần tóm tắt trên của Biển khiến “The Firm” nghe có vẻ ngôn tình như những tiểu thuyết của Nora Roberts hay Linda Howard, nhưng không, những ai từng mê mẩn dòng trinh thám pháp lý của John Grisham sẽ biết được cốt truyện và lối viết đặc sắc của ông ấy. Trong “The Firm”, độc giả sẽ hồi hộp theo dõi quãng thời gian đấu trí của Mitch McDeere với Hội đồng quản trị của công ty Bendini và với cả FBI. Phần phỏng vấn và phổ biến nội quy công ty ở đầu truyện hơi dài và chậm nhưng nó đã kết thúc kịp lúc để nhường chỗ cho những diễn biến nhanh và gây cấn hơn. Vì tựa truyện được dịch là “Công ty rửa tiền” nên Biển không ngần ngại khi viết trong review rằng công ty Bendini thực chất là vỏ bọc để rửa tiền của mafia. Ai đã trở thành nhân viên của công ty này thì chỉ có “theo” hoặc “chết”. Trong bối cảnh nguy hiểm đó, Mitch McDeere đã chứng tỏ trí thông minh vượt trội, sự điềm tĩnh khi xử lý tình huống và biết nắm bắt mọi cơ hội thoát thân. Cuốn này khiến Biển nghĩ đến series về Jack Reacher của Lee Child. Tuy thích đọc thể loại siêu anh hùng nhưng phần thực tế tỉnh táo trong não Biển vẫn hiểu rằng vì là nhân vật chính nên họ mới thoát hiểm cách ngoạn mục như vậy, chứ nếu tác giả muốn họ chết thì họ không thể sống nổi!

Nhân vật người vợ Abby trong truyện tuy được miêu tả rất xinh đẹp nhưng cô không phải kiểu bình hoa di động, cô cũng là trợ thủ đắc lực cho chồng trong quá trình đối đầu với bọn mafia. Thế nhưng, nhân vật mà Biển thích nhất trong truyện này là Tammy: một phụ nữ hút thuốc như ống khói tàu, thân hình toàn những đường cong bốc lửa, dũng cảm và làm việc vô cùng hiệu quả. Đoạn đối thoại gần cuối truyện giữa Tammy và nhân viên FBI Tarrance khiến Biển phải dừng đọc để cười. Biển mà là Tarrance và còn độc thân thì Biển sẽ làm mọi cách để theo đuổi Tammy, bất kể gã chồng cô ấy quái dị đến mức nào.

“The Firm” được tác giả John Grisham viết vào năm 1991, ý kiến cá nhân thì Biển thấy cuốn này tương tự như “Điều lệnh thứ 11” của Jeffrey Archer và hay hơn nhiều so với “Không hơn không kém một xu”. Tuy được xếp vào thể loại trinh thám pháp lý nhưng truyện hầu như không có đoạn nào đề cập đến luật, cũng không có cảnh tranh cãi trước tòa, nhưng tổng thể vẫn rất lôi cuốn. Những chương cuối cao trào kịch tính khiến độc giả đọc quên cả thời gian. Năm 1993, truyện được chuyển thể thành phim cùng tên do Tom Cruise đóng. Biển xem trailer thì thấy phim không hấp dẫn như sách. Vì đã quen với ngôn ngữ văn viết trong những cuốn sách của năm 2020 nên khi đọc phần dịch thuật nhiều từ văn nói của năm 1998, Biển có cảm giác lạ lạ và thú vị. Thời đó chưa có Google Translate nên có thể tưởng tượng ra cảnh dịch giả cặm cụi ngồi giở từ điển giấy để dịch từng câu chữ. Cách tùy biến đại từ nhân xưng trong truyện (từ “em và cưng” chuyển sang “tôi và anh” trong vòng một nốt nhạc) khiến truyện thêm phần hài hước, đỡ phần khô khan. Trong lúc đọc và sau khi đọc, Biển cứ liên tục mỉm cười vì 1) truyện dày và hay, 2) được ưu ái cho mượn sách còn kèm một ly trà hoa. Xin cảm ơn một vị tiền bối trong hội trinh thám đã cho Biển có cơ hội đọc những cuốn sách đúng sở thích và quý hiếm vì không còn được xuất bản.

Camillia Phoenix

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Sun Feb 26, 2023 10:07 pm

TRANG TRINH THÁM - By PHAN BA

Đồng đạo - JOHN GRISHAM

Dịch giả: Nguyễn Bá Long

Ấn tượng với tiểu thuyết của John Grisham sau quyển “Luật sư nhí” phần 1 nên Biển tìm đọc thêm truyện “Đồng đạo” của ông. Câu chuyện lôi cuốn từ những dòng đầu tiên đến những câu cuối cùng.

Gã luật sư Patrick Lanigan do chán chường với người vợ ngoại tình và bất mãn do bị gạt ra khỏi một vụ làm ăn lớn ở hãng luật nơi gã là cổ đông nên quyết định giả chết để mai danh ẩn tích, đồng thời cuỗm luôn số tiền 90 triệu dollars. Chủ số tiền và các bên liên quan phải bỏ ra thêm nhiều triệu dollars khác để tìm kiếm Patrick. Trong lúc đó, hắn học thêm nhiều ngoại ngữ khác, chu du khắp thế giới rồi lẩn trốn ở một thị trấn nhỏ bé thuộc Brazil, gặp được tình yêu của đời mình là Eva Miranda. Bốn năm rưỡi sau, một số manh mối được cung cấp cho công ty thám tử ở Washington và FBI, họ tìm ra Patrick Lanigan, bắt và tra tấn gã nhưng vẫn không moi được thông tin về số tiền – lúc này đã sinh lợi thêm nhiều chục triệu nữa. Trudy Lanigan – vợ góa của Patrick – bị hãng bảo hiểm đòi lại hai triệu rưỡi dollars trước đây đã trả cho cái chết của chồng cô. Bạn cũ của Patrick là Sandy McDemortt – năm xưa học chung trường Luật – được Eva nhờ giúp Patrick thoát khỏi mớ bòng bong này. Cả Patrick, Sandy và Eva đều là những luật sư thượng thừa nên họ lao vào giải quyết lần lượt từng vấn đề với tinh thần thép, tư duy hết sức khôn khéo và khả năng đáng nể trong ngành luật.

Lúc đọc “Căn hầm tối” của Robert Dugoni, Biển thích thú những đoạn tranh cãi trước tòa của anh Daniel O’Leary như thế nào thì khi đọc “Đồng đạo” của John Grisham, Biển càng thán phục khả năng của cả Patrick lẫn Sandy. Câu chuyện khắc họa một thế giới tội phạm + quyền lực tin tưởng 130% vào các luật sư của mình, đụng chuyện gì cũng giữ im lặng và muốn gặp luật sư. Có lẽ Biển quá ngây ngô khi không hiểu làm thế nào người ta có thể đánh cắp rất nhiều tiền ngay trong những thao tác chuyển tiền của ngân hàng, hoặc làm thế nào giả mạo danh tính để lên máy bay. Đồng ý là phải phục khả năng của con người có thể làm giả hộ chiếu một cách quá cao siêu, nhưng hành vi phạm tội như thế liệu có đáng ngưỡng mộ không? Biển cũng không hiểu rõ về tài chính / kinh tế / kinh doanh nên không mường tượng được những khoản tiền lên đến chục triệu dollars được đề cập trong truyện, tuy vậy khi đọc vẫn thấy rất hấp dẫn, thuyết phục, không hề buồn chán, còn có cảm giác học hỏi được nhiều thứ!

Truyện có nhiều nhân vật được đề cập với tần suất hợp lý, vừa đủ nhấn mạnh các nhân vật chính đồng thời không thiếu đất diễn cho các nhân vật phụ. Toàn bộ quá trình phạm tội của Patrick Lanigan phải nói là rất khôn ngoan, tài trí xuất chúng. Gã cũng là một người không thiếu lòng nhân đạo, tuy những hành động của gã bị đặt trên lằn ranh mong manh giữa thông minh và tàn nhẫn. Tuy vậy, Biển không thể ghét gã, thậm chí còn đồng cảm và có chút thương cảm. Quan hệ giữa Patrick với bạn cũ–luật sư Sandy McDemortt, với người tình Eva Miranda, với bạn cũ–thẩm phán Karl Huskey đều là những mối nhân duyên kỳ lạ. Mỗi người họ đều là một cá thể riêng biệt, có người thì thân thiết từ thời trẻ, có người vừa gặp hai ngày đã yêu, nhưng họ đều gắn bó với nhau bằng tình người và lòng tin, cố gắng hết sức để giúp Patrick thoát khỏi giai đoạn đen tối trong đời gã. Đọc mà phải tấm tắc tán thưởng những tình cảm chân thành đó.

Các nhân vật trong “Đồng đạo” không phân rõ chính diện hay phản diện, ai cũng cố gắng vật lộn giữa sóng gió cuộc đời để đạt được những mục tiêu mình muốn, dù phải bất chấp thủ đoạn. Tác giả John Grisham cũng đưa vào truyện những mong mỏi, mơ ước thông thường của con người là được biến mất để bắt đầu một cuộc đời mới: “Ai cũng muốn chạy trốn, Karl ạ. Vào một lúc nào đó trong cuộc đời, ai cũng đã từng có lần tính đến chuyện chạy trốn. Cuộc sống ở vùng biển hay vùng núi luôn luôn dễ chịu hơn. Những rắc rối có thể được bỏ lại đằng sau. Điều đó nằm sẵn trong mỗi con người chúng ta. Chúng ta là con cháu của những người nhập cư, những người đã bỏ lại đằng sau những hoàn cảnh khốn khổ và tới mảnh đất này để tìm kiếm một cuộc đời tốt đẹp hơn”.

Những đoạn đối thoại trong truyện “Đồng đạo” gợi liên tưởng đến các quyển trinh thám của Harry Dolan, có cảm tưởng từng lời thoại được viết và biên tập rất kỹ, vừa thể hiện cá tính của nhân vật vừa tạo sức hấp dẫn cho câu truyện. Nội dung truyện vô cùng cuốn hút, kết thúc khá bất ngờ nhưng Biển có thể đoán được. Sau khi đọc, Biển cảm nhận một sự thỏa mãn đáng kể (vì truyện quá hay) và một thoáng buồn + bàng hoàng trước sự đổi trắng thay đen của lòng người. Phần dịch thuật rất tốt, dùng từ ngữ giang hồ vừa đủ để tạo kịch tính, không quá thô thiển gây phản cảm. Gọn lại là một câu truyện RẤT đáng đọc.

Tiểu thuyết “Đồng đạo” đã hết hàng sách giấy, chỉ có thể đọc online.

Camellia Phoenix‎

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Sun Feb 26, 2023 11:46 pm

Sach86 

Hãng Luật – John Grisham

Khi luật sư trẻ Mitch McDeere ký hợp đồng với Hãng Luật Bendini, Lambert & Locke của Memphis, anh đã nghĩ mình đang chạm đến một giấc mơ tươi đẹp. Công ty hoàn hảo, tiền tài và danh vọng đều trong tầm tay. Lẽ ra, anh phải nhớ nằm lòng một điều: chẳng có gì là miễn phí. Hạnh phúc không bao giờ từ trên trời rơi xuống mà luôn có một cái giá rất đắt.

Và bây giờ, FBI đang đề nghị Mitch McDeere giúp đỡ điều tra. Nếu muốn sống, anh chỉ có một lựa chọn duy nhất…

The Firm – Hãng Luật là một siêu phẩm của John Grisham. Ngay khi ra mắt lần đầu vào năm 1991, tác phẩm đã nhanh chóng trở thành bestseller, đứng trong danh sách bán chạy của The New York Times 47 tuần và bán ra hơn bảy triệu bản. Cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim cùng tên ra mắt vào năm 1993 với sự tham gia diễn xuất của ngôi sao Tom Cruise, cũng như một loạt phim truyền hình vào năm 2012 với nội dung là “tiếp tục câu chuyện của luật sư Mitchell McDeere và gia đình anh 10 năm sau.”

John Grisham là một tác giả người Mỹ nổi tiếng với những tiểu thuyết trinh thám hình sự. Nhà văn từng đoạt giải Galaxy British Book Awards này là tác giả của 25 tiểu thuyết, nhiều truyện ngắn và loạt truyện dành cho trẻ em. Sách của ông đã được dịch sang 42 thứ tiếng và xuất bản trên toàn thế giới, nhiều tác phẩm trong số đó đã được chuyển thể thành phim điện ảnh và phim truyền hình. Ông cũng là một trong số ba tác giả ít ỏi bán được hai triệu cuốn trong bản in đầu tiên (hai tác giả kia là Tom Clancy và J. K. Rowling).

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Sun Feb 26, 2023 11:56 pm

PHÍA SAU TRANG SÁCH: Phúc lành của đất: Cõi người hồn nhiên như cây cỏ

By minh - bookish 

Là một trong những tác phẩm quan trọng giúp nhà văn Na Uy Knut Hamsun đoạt giải Nobel Văn Chương 1920, Phúc lành của đất mang người đọc đến những điều kỳ diệu thật sự, khi nhận ra thiên nhiên có thể tuyệt đẹp thế nào, con người hiền lành ra sao, cũng như những chuyện khinh suất có thể nhỏ nhặt đến mức độ nào. Với tác phẩm này, tuổi trẻ, tình yêu đã được Knut Hamsun bơm vào trong mạch máu già cỗi, để người đọc lại một phần nữa thêm yêu quãng đời hiện tại.

Kể về người nông dân Isak và hành trình làm nên điền trang Sellarnaa trên núi cao của mình, Phúc lành của đất lướt qua hành trình từ hai bàn tay trắng đến khi thành đạt của người lao động cần cù, chăm chỉ và hết lòng với việc điền nông. Ở mảnh đất được thiên nhiên ban tặng, sự giao hòa giữa con người và tự nhiên đã cộng hưởng để tạo nên được những xung động lớn, mà như Thoreau hay Rachel Carson, ta như dạo bước trong những ân điển của Knut Hamsun.

Nội dung dưới đây tiết lộ các tình tiết quan trọng trong tác phẩm Phúc lành của đất.

Phúc lành của đất

Có thể nói xuyên suốt Phúc lành của đất đều là vẻ đẹp, hy vọng và sự thứ tha hướng theo những điều tích cực. Từ không có gì, Isak kết đôi cùng Inger – một người phụ nữ sứt môi, để xây dựng nên thế giới của mình, như Adam và Eva từ Vườn địa đàng rơi xuống mặt đất đầu tiên. Hai con người ấy như sự giao hòa âm dương, cùng sở hữu những mất mát và khiếm khuyết, nhưng họ dựa dẫm vào nhau, làm thành một thể để tạo nên mái ấm tròn đầy. Knut Hamsun ca ngợi sự bất toàn, chúng hoàn toàn có thể khớp nối để thành hoàn hảo, và cặp vợ chồng Isak – Inger là một ví dụ như thế. Nhưng hẳn nhiên, chuyện không dễ dàng.

Từng bước họ dựng nên nhà bằng việc Isak đốn gỗ, lột vỏ bạch dương, bán máng nước… để đổi lấy thú chăn thả, các loại dụng cụ cũng như những đồ vật khác làm nên cuộc sống; trong khi Inger nghiêng về thêu thùa, khung cửi cũng như một hôm dắt về chú bò cái đầu tiên của lãnh địa Sellarnaa. Nếu Isak khù khờ như gã khổng lồ một tay làm nên cơ đồ, thì Inger hoàn toàn ngược lại, là tiếng nói của văn minh, khi mọi thứ ùa vào hoang dã, và dĩ nhiên, là cả bản án đến 8 năm tù.

Trong lần vượt cạn sinh ra bé gái không may cũng bị sứt môi, Inger đã giết con mình. Knut Hamsun không mô tả rõ ràng hành động đó, nhưng ông cho độc giả một ngõ hầu để đồng cảm với nhân vật này, những điều tiếng và đàm tiếu mà một người khiếm khuyết phải chịu đựng. Gần như hoang dã, Inger với bộ óc hướng vào hoang dã đã làm nên ngôi mộ nhỏ cho con gái mình, với những nghĩ suy đơn giản đúc kết từ những trải nghiệm đã qua.

Oline – người đàn bà đánh hơi mọi chuyện trên đời, đã đoán và gián tiếp tạo nên bản án có phần khắc nghiệt đó. Chính tính ích kỷ sản sinh từ sự đói ăn của bầy con đông đúc đã đẩy người đàn bà ấy vào con đường sâu bọ, khi bất cứ nơi nào cũng đánh hơi thấy một mối lợi nào đó. Nhưng một mặt khác, Isak và Inger dường như phớt lờ bà. Trong họ chưa từng tồn tại một sự căm phẫn, họ hiền như đất của mình, có thể đấu tranh nhưng liền sau đó vẫn là những cư xử rất người. Isak chấp nhận Oline vào nhà như người giúp việc để chăm nom hai cậu con trai và làm việc nhà đổi lấy cái ăn, trong khi Inger sau cơn điên loạn chấp nhận những gì mình đã phạm phải.

Chính trong tám năm Inger tiếp xúc với thành thị, cũng là khi Sellarnaa đón nhận những sự đổi khác. Giờ đây thị dân nối nhau lên đồi, dựng trại, chăn gia súc và sinh sống ổn định. Với vỉa đồng phong phú, vị quan chức bị phế truất Geissler đã sớm nhìn thấy tiềm năng, và mua lại được từ Isak trong hành động rút ngắn thời gian ngồi khám của Inger bằng sự tình cờ may rủi nhìn thấy sai trái. Ngay cả trong cuộc đổi chác kim tiền này, Knut Hamsun cũng cho thấy được cái sâu xa hơn ngoài những mưu mô giới tư bản, bởi nhẽ như người hành hương không màng sự đời, vị Geissler với vỉa đồng ấy chỉ như một màn phản pháo cho những gì ông phải chịu đựng bởi chính quyền quan liêu có phần ngu dốt. Ông không qua mặt Isak, ông chỉ đơn thuần trở về nguyên bản như một trao đổi ngang giá.

Cùng lúc Geissler thương lượng mua những mỏ đồng, cũng là khi Inger học được lề thói thành thị. Về vùng đồi núi vắng vẻ, cô độc; cô liền lập tức thay đổi tâm tính. Ngay cả ở đây, là một người chất phác có phần khù khờ, Isak hiền lành như đất vẫn chịu đựng vợ. Khi văn minh ùa vào, những người khai mỏ đến, mặc cho Inger có thể rung động trước những chàng thợ mỏ đẹp mã biết thổi khẩu cầm, Isak cũng coi đó như một sự chếnh choáng thoáng qua. Trong anh có sự phân tích, nhưng không hẳn là cơn ghen, anh im lặng và tìm hiểu những gì vợ mình đang thiếu và muốn trải qua. Ở Inger, từ khi nổi loạn cho đến lúc nhận thức được thực tại, Knut Hamsun cũng coi đó như một điều tự nhiên, khi chỉ bằng một cái nhẫn hay cái ôm ghì siết, cũng có thể khiến người ta nhận ra bản chất thật sự.

Và đó cũng là khi đứa con trai lớn Eleseus, người sớm nhiễm những lề thói của xã hội đương thời, có cơ hội được vào thị trấn giúp việc. Thay vì công việc nặng nhọc cần đến sức người làm nông như cậu em Sivert, cậu ta chểnh mảng kinh doanh và lo bảo vệ danh tiếng, sợ rằng mang danh nhỏ nhen, ích kỷ; cậu thà bán chịu, buôn bán thua lỗ thay vì tìm cách cải thiện. Cuối cùng cậu trai rời bỏ Staburg và chuyển sang Mỹ, không thấy đường về.

Ở đây Knut Hamsun cũng họa được nên tình yêu vô cùng thầm kín của Isak với con trai mình, dẫu biết đứa bé sẽ không khởi sự thành công hay có ngày trở về; nhưng cũng thuần khiết như đất, ông cho cậu hết những thứ cậu muốn, vì ông hiểu những đứa con là những mảnh đất có biên giới riêng biệt, không thể thúc ép hay bắt giam chúng.

Những kẻ coi khinh đất đai, coi đó chỉ như nền móng cho những món lợi cũng được Knut Hamsun khắc họa, và hẳn nhiên, hậu vị mặn chát là những thứ mà họ được hưởng. Brede – kẻ coi khinh đất đai, chạy theo đường dây điện thoại và những mỏ đồng đến cuối cùng thì vẫn phải ở nhờ gia sản của Axel; trong khi Aronsen – tên thương gia thức thời chạy theo doanh thu của những lao động ở nơi khai mỏ, cuối cùng cũng đã tan hoang khi việc khai thác không thành hiện thực và nơi chốn ấy không ai sinh sống.

Mỗi người sống với đất đai dường như hình thành một nguồn rễ rắn chắc, và bất cứ ai coi đất chỉ như một món hời to, đều sẽ tan tác giữa cơn bão cuộc đời, nhưng ngay cả khi ấy Knut Hamsun cũng làm dịu bớt bi kịch đời họ, khi Brede giờ đây đủ sống với món kinh doanh nhà trọ, Oline được chết trên giường đàng hoàng còn Eleseus thì không đề cập đến cái kết thành bại sau cùng.

Việc chia tác phẩm thành ra hai phần có sự tương đồng nhất định trong nội dung cũng cho thấy một sự so sánh của Knut Hamsun với những cư dân đất đai. Nếu Isak và Inger gắn liền với đất như cặp vợ chồng có chung tình yêu với nhau, với đất; thì Axel và Barbro hoàn toàn ngược lại – bị ngăn cách bởi vai trò riêng biệt, là cỗ máy rút tiền hay người giúp việc? Cũng như giờ đây với văn minh ùa vào, việc giết con không còn mục đích chính đáng mà rủi thay đó là bỏ đi đứa trẻ vô tội trong những trò ma mãnh của chính con người, để rồi không bị ám ảnh bởi bất cứ điều gì, dẫu cho là dằn vặt hay chỉ một chút khổ đau. Phiên tòa xử án Barbro như chính thực tại của nền văn minh đánh mất nhân tính, với sự trá hình, khai man; cũng như dứt bỏ con người khỏi gốc rễ của mình, với sự chất phác, đất đai khi họ hồn nhiên như cây như cỏ.

Tác giả Knut Hamsun

Knut Hamsun viết nên Phúc lành của đất bằng sự ngây thơ, trong sáng và cái thuần khiết đến vô cùng tận. Dễ thấy trong bất cứ một bi kịch cá nhân nào, độc giả cũng thấy được cái nhìn bao dung, dễ chịu; cũng như là sự hy vọng vào tương lai gần. Knut Hamsun như mạch suối nguồn của thông tuệ, tốt đẹp và minh triết; chảy suốt mảnh đất văn minh khô cạn, bị đầu độc và đã không còn gốc rễ vững chắc. Một tác phẩm hay, dịu nhẹ, đưa con người về lại chính mình.

Hết.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Mon Feb 27, 2023 12:00 am

"Phúc lành của đất": Bản chất của thiện lương

Vannghequandoi 

Phúc lành của đất ra đời vào năm 1917, cũng là cuốn tiểu thuyết lớn góp phần giúp Knut Hamsun được Viện Hàm lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương cho những đóng góp không ngừng nghỉ của mình. Trong tác phẩm này, bằng giọng văn đẹp đẽ cũng như sự hồn nhiên mê đắm, ông đã nêu bật được sự gắn kết giữa con người với tự nhiên, cũng như vẻ đẹp từ những điều giản dị.

*

Kết cấu tác phẩm thành hai phần riêng biệt nhưng cốt truyện có phần tương đồng, Knut Hamsun đã làm rõ mối tương quan của con người thuần nguyên cũng như pha lẫn khi văn minh ào vào đời sống. Hình tượng “đất” trong tác phẩm của ông hàm chứa nhiều nghĩa: đó có thể là môi trường gồm những chất lành giúp cây phát triển, nhưng cũng phần nào là nơi ẩn giấu cho loài chuột bọ gặm nhấm.

Đi theo nhân vật Isak và Inger trong lãnh thổ Sellanraa giàu có, Knut Hamsun bao quát cuốn tiểu thuyết của mình bằng một cộng đồng người mới đến, như một bản cải biên Kinh Thánh mới mẻ. Ở đó Isak như người đầu tiên khai phá vùng đất phía bắc, để càng dần về sau người đoc càng thấy những yếu tố làm nên một cộng đồng người, trong cái đẹp dâng hiến của ngây thơ và sự giao hòa tự nhiên.

VÙNG ĐẤT PHÚC

Vùng Almenning với những truông hoang mở đầu Phúc lành của đất cũng như một câu nói nổi tiếng của Lỗ Tấn: "Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi". Và đúng như vậy. Một ngày kia trên sườn đồi cao của Na Uy, người ta bắt gặp một người đàn ông cao lớn kì lạ, có thể mới từ khám ra, hoặc là triết gia theo kiểu Thoreau quanh quẩn trên đường; nhưng không ai ngờ đó cũng chính là kẻ sẽ làm nên một vùng lãnh thổ giàu có. Y là Isak, và chính những bước chân ấy sẽ làm nên một câu chuyện không có đoạn kết.

Cũng như những nhân vật khác, Knut Hamsun khắc họa Isak với tất cả tinh thần giao hòa, một người cảm nhận được rừng, yêu lao động cũng như cuộc sống. Y hướng về Chúa với một tấm lòng mộc mạc, y kính sợ tội lỗi, và biết mình cần gì. Từ việc lột vỏ bạch dương cho đến làm máng nước, bán đồ dùng… giờ đây y có từ sớm những con dê đầu tiên bằng cách trao đổi với thị trấn bên dưới, để sau đó lần lượt cừu, bò và những con thú, công cụ khác đến với điền trang.

Nhưng hẳn nhiên, y cũng thiếu một người phụ nữ. Một ngày kia - Inger, người phụ nữ sứt môi đến gặp y, và như kì vọng, người phụ nữ chính là phúc lành, là điều kì diệu. Knut Hamsun cho cả hai nhân vật của ông đều đau đớn và thiếu hoàn thiện theo một kiểu nào đó, để họ gắn liền với nhau và hợp thành hai nửa trọn vẹn. Ông không tuyệt đối hóa các cá tính, mà thay vào đó chú trọng vào đường khớp nối của sự hòa quyện, để độc giả thấy được cái mộc mạc giản đơn, cũng như những mô tả thực chất.

Tác phẩm Phúc lành của đất.
Từ khi có Inger, văn minh cũng dần dần du nhập vào căn nhà, với lược là, vải sợi, quần áo… và ti tỉ những thức khác. Isak giờ đây không còn thỏa mãn với thế giới của riêng mình, anh không còn có thể “tự huỷ hoại” chính mình bằng việc xây nhà một mình, khi sớm bị gắn chặt vào con cái, điền sản và khu rừng. Nếu Isak lo việc bán hàng đưa xuống làng để lấy thực phẩm, thì Inger lo việc làm pho mát từ sữa bò và dê cũng như khung cửi.

Những đứa con của họ lần lượt ra đời, cũng như là những phúc lành. Như một câu chuyện cổ tích dân gian, hai người con trai đầu ra đời đơn giản như thế, nhưng đến đứa thứ 3, một cô con gái mà rủi thay bị sứt môi ngay như chính mẹ mình, đã dẫn Inger đến hành động giết con. Cái hay của Knut Hamsun là trong bất cứ thứ tối tăm hay tàn bạo nào, ông cũng mang đến được một góc nhìn đầy hy vọng mà cũng nhẹ nhõm. Vì sao Inger bỏ đứa con đó, vì cô biết rằng giờ đây nó sẽ phải sống đời chịu nhiều đàm tiếu như mình đã từng.

Nhưng nếu cứ thế mà không có luật lệ, thì liệu con người có thực sự sống? Dĩ nhiên là không. Knut Hamsun từng bước mang văn minh vào trong câu chuyện, và đó là bản án 8 năm ngồi khám cho hành vi có thể thông cảm. Isak và Inger là những cư dân thiện lành. Họ e ngại chính sự đánh cắp, chưa nói chi là đến giết người. Isak ban đầu e ngại Inger ăn cắp con bò cái màu hung mà cô dẫn về, liền sau đó là cái chết không báo trước. Họ lành như mảnh đất mà họ cố gắng xây nên, và dẫu trong cái tối tăm nhất, Knut Hamsun cũng giảm nhẹ nó, để khơi gợi lên bản tính tốt đẹp của con người với cảm thông và những thay đổi.

VĂN MINH HIỆN DIỆN

Khi Sellanraa dần dần giàu có cũng là khi vị Geissler xuất hiện và mua lại vỉa đồng. Là người chịu trách nhiệm hành chính cho một khu rộng lớn, y sớm nhận ra tiềm năng của những vỉa khoáng chất này, và giúp Inger trong hành trình về lại tự do, để mua một phần lãnh thổ mà Isak sở hữu. Là người đơn giản, Isak đồng ý, nhưng liền sau đó, Geissler lại vẫn tiếp tục như một người hành hương kì lạ, lơ đãng ra đi rồi lại trở vềvới những quyết định không đi đến đâu như màn trả thù đời sống đã truất phế mình. Mối quan hệ giữa Geissler cùng Isak và Inger dễ thấy là có chủ đích, nhưng chính những lần trở về của vị quan chức nhà nước, Knut Hamsun cho người đọc thấy dù cho có ý định từ đầu, nhưng đó chỉ là mục đích phản pháo lớn hơn, không nhằm vào mối lợi cá nhân hay là cướp của của một người nào.

Khi mỏ đồng được phát hiện, nhà nước đòi tiền mua những khoảnh đất hoang; cũng là khi văn minh ùa vào. Giờ đây vùng đồi mà Isak đầu tiên đặt chân đến đã có khoảng mười hộ gia đình, cùng đó là những toán kỹ sư đến khai mỏ, làm việc và làm thay đổi một cách sâu sắc vùng đồi núi đó. Inger mang trong mình một cơn chán nản, khi cô trong thời gian ngồi khám đã biết rõ cái hiện đại thành thị, giờ phải về nhà và chui rúc ở nơi đồng không mông quạnh với các công việc không có hồi kết. Khi những anh chàng kĩ sư mang văn minh đến với vùng đất, cô cũng không ngại ùa mình vào họ, dẫu cho có nghĩa là phản bội người đàn ông của mình.

Văn minh làm thay đổi sâu sắc Inger, nhưng cũng là Eleseus - cậu con trai, người từ sớm được gửi vào thị trấn giúp việc như viên thư ký cho vị kỹ sư trưởng; làm nên một phe đối đầu với cái trung dung của Isak. Là kẻ lơ là, hời hợt; Isak không biết gì hơn là đứng nhìn vợ và con trai đầu dần dần xa mình. Anh yêu Inger bằng tình yêu thuần khiết, và cũng chỉ cần điều đó thì cô cũng đã tự biết quay đầu về nhà. Isak chấp nhận cho Eleseus những khoản tiền để mua bán, nhưng thất bại rồi sang Mỹ; từ đó có thể thấy được tấm lòng của một người cha trong sạch, bao dung và chưa khi nào ngừng yêu thương.

Xây dựng nhân vật Alex Strom cũng như một Isak thứ hai và Barbro như Inger tương tự; Knut Hamsun đặt cặp đôi trẻ vào câu chuyện cách quãng khi văn minh giờ đây đã chiếm ưu thế. Cũng là sự không hài lòng ở nơi đồng quê của người quan thành thị, cũng là bản án giết con… thế nhưng giờ đây mọi thứ đã khác. Alex không yêu Barbro thuần khiết như đất, nhiều lần anh ám chỉ mình cần cô chỉ như một người giúp việc, khiến mối quan hệ giữa họ một mặt nào đó không còn đẹp đẽ như phút giây ban đầu.

Nhà văn Na Uy Knut Hamsun. Nguồn Nobel Prize
Hành vi giết con của Barbro không mang lí do xác đáng, nhưng lại được bao bọc một cách hoàn hảo trong những tân tiến thời đại. Như lời biện minh ở tòa dành cho Barbro vì một đứa con vô thừa nhận: “Chính xã hội là kẻ có lỗi trong chuyện đó, lỗi của một xã hội vô hy vọng, nhẫn tâm, buôn bán chuyện tức giận, xấu xa và ích kỷ, luôn theo dõi để nghiền nát một người mẹ chưa kết hôn bằng mọi phương tiện trong quyền hành của nó”. Hành vi của Barbro như cô tự thừa nhận là lặp lại đến hai lần, và không hoàn toàn có một lí do xác đáng. Đó là khi con người đã nhiễm thói dửng dưng, không coi trọng sinh mạng và không còn tự dằn vặt bởi những ám ảnh tự mình gây ra.

Văn minh còn kéo theo Brede - tên nhu nhược, yếm thế, bất tài làm việc ở đường dây điện thoại, hay Aronsen - tên thương lái bán hàng ăn theo việc khai mỏ, bán những món hàng không cần thiêt cho những người lao động dẫu họ không cần đến, rồi bỏ quên mảnh đất mình đã bỏ tiền ra mua. Đó cũng là Eleseus với vẻ trưởng giả của những cây gậy, cái dù, mũ lông; hào phóng làm ăn thua lỗ rồi một đi không trở lại. Knut Hamsun đối với văn minh không đố kị hay ghen ghét, mà bằng một cách nhẹ nhàng thông qua các nhân vật, ông cho đời sống đó một phản ứng, là sự thất bại, bị coi thường và vô phương định trong một xã hội xoay chuyển càng khôn.

*

Phúc lành của đất là một tiểu thuyết trong sáng và đầy tươi trẻ một cách khó tin. Bằng hình tượng nhân vật giao hòa một cách hài hòa với thiên nhiên, Knut Hamsun đã nêu bật được bản chất của người thiện lành như một phúc lành của đất, cũng như những cuộc đấu tranh ngấm ngầm khi văn minh ùa vào. Ở đó con người có thể phạm tội, khinh suất; nhưng bằng suy nghĩ và những mối quan hệ đúng lối, giờ đây họ sẽ ở lại và thay vào đó bằng sự bền chặt. Knut Hamsun viết nên câu chuyện dẫu có bi kịch bằng sự giản dị, tinh khôi nhưng cũng đầy hi vọng. Ngòi bút của ông mang đến ánh sáng cho những vùng đất dù tối tâm nhất.

Trong diễn từ nhận giải Nobel, ông viết “Hôm nay tiền tài và hạnh phúc đã trút xuống người tôi, nhưng còn thiếu một món quà, thứ quan trọng nhất trong tất cả, thứ duy nhất có ý nghĩa, món quà của tuổi trẻ”. Và Phúc lành của đất là một tuổi trẻ như thế, đẹp đẽ, trẻ con, giản dị và vô cùng trong sáng. Một giọng văn bừng nở trong đời sống ô tạp.

NGÔ THUẬN PHÁT

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Tue Feb 28, 2023 4:47 am

LOAN - 15minutegirl

"Tôi như là người lạc trong đô thị một hôm đi về biển khơi…[

Tên tác phẩm: Phúc lành của đất – Growth of the soil - Tác giả: Knut Hamsun

Nobel văn học Nauy 1920

Một cách vô tình cuốn sách trở thành khởi đầu đầy hài lòng cho book list 2018 của mình. Xuất phát điểm với suy nghĩ nho nhỏ là để hiểu thêm về Nauy khi mình vừa đặt chân đến đất nước này, nhưng mình đã gặp được nhiều điều hơn thế: một niềm đồng cảm lớn lao, một triết lý về cội nguồn sự sống, hạnh phúc của con người trong mối tương quan giao hòa với thiên nhiên, vũ trụ, điều mà có thể bạn đã thấy thấp thoáng đâu đó khi đọc “Cuộc cách mạng một cọng rơm” hay “Gieo mầm trên sa mạc”.

Mình thích tên tiếng Việt mà dịch giả trao cho tác phẩm “Phúc lành của đất”. Cái tên gợi lên cảm giác dịu dàng, nhẹ nhàng như chính mạch truyện xuyên suốt 2 quyển của bộ tiểu thuyết. Câu chuyện theo chân những người nông dân đầu tiên khai phá những mảnh rừng hoang, biến chúng thành đồng ruộng, làng mạc. Hình ảnh họ được khắc họa thật đẹp đẽ giữa thiên nhiên kỳ vĩ:

“Isak đang gieo lúa. Ánh nắng ban chiều đáp lên trên những hạt lúa đang tỏa ra thành hình rẻ quạt từ bàn tay của anh và rơi xuống mặt đất như những giọt vàng. Sivert vừa ra tới để bừa đất; sau đó là cái trục lăn, rồi lại cái bừa. Cánh rừng và đồng lúa nhìn theo. Tất cả đều tráng lệ và tràn trề sinh lực – một chuỗi các sự kiện và mục đích của vạn vật.”

Mình đã đọc cuốn sách trong sự thấp thỏm lo sợ rằng những người nông dân chân chất ấy rồi sẽ theo cách nào đó kết thúc ở một điểm cách rất xa cái tính từ kia ở cuối tác phẩm. Nhưng không phải tất cả họ. Người đàn ông đầu tiên, người phụ nữ đầu tiên, và những đứa trẻ của họ, bằng những dấu chân miệt mài qua ngày tháng giữa rừng hoang đã làm nên những con lộ để những người sau nối gót tới với rừng, với đất, dù mục đích của họ là gì. Những con người vô cùng khác biệt về tính cách, đạo đức, giá trị, sự chuyên cần, họ đến – đi giữa chốn rừng hoang cũng như xuất hiện và biến mất trên sân khấu mà tác phẩm dựng lên. Người ở lại sau cùng, cái hạt bụi sáng lấp lánh giữa vũ trụ trong muôn vàn hạt bụi li ti không dấu vết, là người chưa khi nào quên đi gốc rễ của mình:

“Một người nông dân gắn bó với đất đai, cả thân thể lẫn tâm hồn; một kẻ cần lao không hề ngơi nghỉ. Một hồn ma xuất hiện từ quá khứ để chỉ ra tương lai, một con người từ những ngày tháng nguyên sơ nhất của việc canh tác vun trồng, một cư dân trong chốn rừng hoang, già chín trăm tuổi, và đồng thời, một con người của hiện tại.”

Không chỉ dừng lại ở việc phác họa nên hình ảnh con người lao động, bối cảnh làng quê Nauy đầu thế kỷ 20 với những biến động về lối sống, tham vọng, đạo đức… Knut Hamsun, bằng cách kể chuyện hết sức tự nhiên của mình, còn dẫn dắt ta đến sự thấu hiểu cái hành trình xa rời cội nguồn và lãng quên “phúc lành của đất” ra sao khi “đô thị hóa”, “hiện đại hóa” dần lăn bánh đến những vùng xa xôi hẻo lánh nhất.  Cái tiến trình ấy hẳn không chỉ riêng Nauy mà có thể bắt gặp ở bất cứ đâu: từ nông nghiệp đến khai khoáng đến giao thương; từ niềm vui giản đơn khi một con dê non ra đời dần thay thế bằng những đồ trang trí hiếm khi dùng đến, những chiếc gậy, những chiếc giương lộng lẫy mạ vàng…để giúp người sở hữu trông hào hoa phong nhã.

“Phải, biến phương tiện thành chính bản thân cứu cánh và tự hào về điều đó! Họ thật điên rồ, bệnh hoạn; họ không làm việc, họ không biết gì về cái cày mà chỉ biết về hạt súc sắc. Hãy nhìn họ xem – đang đánh cược mọi thứ, có phải không?”

Knut Hamsun còn gửi gắm vào tác phẩm của mình những suy nghĩ của ông về “thế nào là hiện đại và phát triển” – một câu hỏi mà ngày nay có lẽ chúng ta vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng:

“Phải, con trai của ta, nó là kiểu người hiện đại, một người thuộc thời đại của chúng ta; nó chân thành tin tưởng vào tất cả những gì thời đại đã dạy bảo nó, tất cả những người Do Thái và Hoa Kỳ đã dạy bảo nó; ta lắc đầu với tất cả những thứ đó.

Thiên nhiên trong tác phẩm hiện lên như một bà mẹ hào phóng luôn ban phước lành cho những con người bé nhỏ chuyên cần. Và cội nguồn niềm vui, sự giàu có và hạnh phúc là thứ không thể có được khi con người tự tách rời mình khỏi thiên nhiên.:

“Nhìn xem, Thiên nhiên ở đó, mang lại cho cháu và những người nhà của cháu của cải và những niềm vui. Con người và Thiên nhiên không xung đột với nhau, mà thống nhất với nhau; chúng không cạnh tranh nhau, chạy đua với nhau, mà cùng đồng hành với nhau. Những người nhà của cháu ở Sellanraa đang sống ở đó, trong tất cả những thứ này. Cao nguyên và rừng rậm, những truông hoang và đồng cỏ, bầu trời và những vì sao. Ồ, đó không phải là sự nghèo nàn, mà là nằm ngoài mọi sự đo lường.”

Nhưng dù con người có nỗ lực tỏ ra mình kỳ vĩ và lớn lao ra sao, hành trình của họ giữa đời sống này có thăng, trầm những quãng nào thì giữa vũ trụ này chúng ta vẫn thật bé nhỏ, như những hạt bụi. Hình ảnh hạt bụi ấy đã khép lại tác phẩm trong một buổi chiều tà tĩnh yên, để lại trên môi người đọc một nụ cười mỉm dịu dàng: Uhm, chúng ta đến và đi vô thường như những hạt bụi, nhưng trong kiếp sống ngắn ngủi của mình ta có thể sống cho thật ý nghĩa và tròn đầy bằng sự chuyên tâm vào những điều ta cần làm, vào những dự định tốt lành và không khi nào thôi biết ơn những phúc lành ta nhận được.

“Inger, nàng ở trong nhà để chuẩn bị bữa cơm chiều. Cao lớn, nghiêm trang, nàng đi lại quanh nhà, một bà Táo quân chăm nom cho ngọn lửa bếp lò. Inger đã thực hiện chuyến hành trình bão táp của nàng, điều đó đúng, đã sống trong một thành phố một thời gian, nhưng giờ nàng đang ở tại nhà mình; thế giới rộng lớn, nhung nhúc những hạt bụi li ti – Inger là một trong số chúng. Chẳng là gì trong toàn thể nhân loại, chỉ là một hạt bụi thôi.

Chiều đã buông rồi.”

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Tue Feb 28, 2023 4:56 am

[Review] – Nhật Ký Một Năm Xấu (Diary of A Bad Year) – J.M.Coetzee

Quidinh

Phải mất gần mấy tháng mới đọc xong cuốn “Nhật Ký Một Năm Xấu” của J. M. Coetzee này và có lẽ đây là cuốn “mệt óc” mình đọc từ trước tới giờ vì những vấn đề của cuốn sách khá là cao siêu so với tầm hiểu biết của mình. Có lẽ mà cũng rất ít người biết đến cuốn sách này và cũng rất mau nản khi đọc những phần đầu tiên. Đặc biệt là khi đọc một cuốn viết bằng tiếng Anh hoàn toàn thì càng “mệt” hơn nhưng cũng vô cùng thú vị.

Cuốn sách, như cái tên của chính nó, là những mẩu văn nho nhỏ nói lên những suy nghĩ, tâm tư của nhân vật Señor C – cũng là đại diện cho chính tác giả. Nhà văn 72 tuổi này sống ở Australia trong một khu nhà nhỏ và ở đây ông cảm nhận được mối lương duyên đặc biệt với cô hàng xóm Anya 29 tuổi. Sau đó, ông đã đề nghị cô gái là người đánh máy cho ông trong quá trình hoàn thành tác phẩm sắp tới.

Phần đầu chủ yếu thể hiện sự quan tâm và ý kiến cá nhân tác giả vào những sự kiến, biến cố về mọi lĩnh vực đang diễn ra trên thế giới lúc bấy giờ. Với sự hiện thân là lão C, tác giả cũng thể hiện kha khá thái độ của mình với một số vấn đề như về số phần con người, nguồn gốc Nhà nước…. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng những ý kiến của tác giả cũng có rất nhiều sắc thái khác nhau: khi thì khá sắc bén, cứng rắn và có phần tiêu cực khi thì có phần lửng lơ, bấp bênh và không rõ ràng cho lắm; có khi thì lại là vấn đề khiến tác giả phải suy nghĩ và tự vấn rất nhiều.

Phần thứ hai của cuốn sách là tự thuật của lão C. một nhân vật ngồi nhìm ngắm cuộc đời thì bỗng để mắt tới một người phụ nữ đang mang đồ đi giặt. Cuộc gặp gỡ bất ngờ cùng với sự hứng thú của lão C với người phụ nữ tên Anya này đã thôi thúc lão C bắt chuyện và ngỏ lời mời cô làm phụ tá cho cuốn sách sắp tới của mình (tức là cuốn sách này đấy). Không chỉ là công việc đánh máy mà Anya còn giúp lão C đưa ra những ý kiến đóng góp để lão nhanh chóng hoàn thành cuốn sách của mình.

Phần thứ ba của cuốn sách lại là lời kể của chính Anya và có thêm sự xuất hiện của người chồng. Ban đầu là những hoài nghi và băn khoăn về lão C và công việc sắp tới của mình. Sau một quá trình làm việc, những nội dung của cuốn sách mà cô đánh máy thực sự khiến cô không kiềm được sự tò mò và đem kể mọi thứ với người chồng Alan.

Bất ngờ thay, những ý kiến trái ngược của người chồng đã biến cô trở thành người trung gian trong cuộc xung đột tư duy giữa hai nhà tri thức này. Tất nhiên ban đầu cô cũng khá hoang mang nhưng sau lại trở nên lý thú hơn với cuộc tranh luận này. Những trang cuối phần kể chuyện của cô là cuộc gặp gỡ giữa hai vợ chồng với lão C, tạo nên sự kết nối mạch lạc cho toàn bộ cuốn sách tưởng chừng như rời rạc này.

Ban đầu, chắc chắn ai cũng như mình sẽ bất ngờ trước sự phân đoạn rõ rệt của cuốn sách với đường ngăn cách các phần. Không rõ đây sự đổi mới phong cách viết của J.M Coetzee hay chỉ đơn thuần là phân cách các tuyến truyện ra thôi.

Những nội dung xoay quanh về chính trị – xã hội lẫn những quan điểm của Señor C thực sự khiến Anya cảm thấy chán nản và nhạt nhẽo vô cùng và cô chia sẻ nỗi niềm ấy với Alan – một chuyên viên tư vấn đầu tư và cũng là người yêu của cô ấy. Alan lại có những phản ứng khá nặng nề và tiêu cực về Señor C cũng như tác phẩm của ông thông qua những lời kể lại của Anya. Chính điều này đã đẩy Anya vào một cuộc tranh cãi không đối mặt giữa hai người đàn ông và phần nào khiến cô hứng thú hơn một chút.

Tác giả xây dựng nhân vật lão C, môt hình ảnh ẩn dụ cho chính bản thân, cho chính những suy nghĩ, tâm tư của mình. Lão C lại tuổi cao, mắc bệnh và cái chết đang đến gần khiến lão nghĩ nhiều hơn đến thời cuộc. Từ đó, lão không ngần ngại đưa ra những ý kiến và đặt ra những băn khoăn về cuộc đời khiến lão không thể nào hiểu được hoặc không rõ chúng đã đúng hay chưa. Có nhiều vấn đề lão đặt ra khá bi quan, tiêu cực nhưng cũng có những câu hỏi mà chính chúng ta cũng đôi lúc tự hỏi thế.

.
Điểm đặc biệt của cuốn sách này khiến mình thấy ấn tượng so với cuốn “Disgrace” (Ruồng Bỏ) cùng nhiều tác phẩm khác đó chính là phần thể hiện ý kiến cá nhân của chính tác giả. Dù là những ý kiến cá nhân nhưng J.M Coetzee lại khéo léo chuyển hướng thành một tiểu thuyết hư cấu có chút hài hước, thú vị, có chút tranh luận, suy tư này. Những tưởng bạn sẽ phải chịu đựng hàng loạt những kiến thức, ý kiến khô khan nhất trần đời này nhưng tác giả sẽ khiến bạn hào hứng hơn với sự kết nối với người đọc thông qua nhân vật Anya – đại diện cho những con người thông thường, đại diện cho những ý kiến bình thường nhất.

Khi đọc phần đầu của cuốn sách mình cảm thấy như là tập hợp những bài luận về nhiều chủ đề khác nhau. Nhưng qua câu chuyện kể của chính tác giả lẫn Anya đã khiến cuốn sách là một cuộc tranh luận hai chiều để đào sâu vấn đề một chút nhưng phần nhiều lại là về cách suy nghĩ và tư duy của hai thái cực. Giữa ý kiến tác giả và độc giả, J. M. Coetzee đều phản ánh đầy đủ và trực quan nhất và ông khiến người đọc cảm giác không biết đang đọc tiểu thuyết hay sách triết học đi nữa. Tất cả cùng hiện lên một trang sách tuy có chút khó đọc nhưng lại vô cùng thú vị hơn bạn tưởng.

Sau khi đọc xong “Nhật ký một năm xấu” của J.M. Coetzee, cần phải đọc thêm tác phẩm này thêm một vài lần nữa, và có lẽ ở là những độ tuổi khác nhau. Tác phẩm đề cập rất nhiều đến vấn đề tư tưởng, xã hội, chính trị… mà cần sự trải nghiệm lẫn kiến thức rất nhiều.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Tue Feb 28, 2023 5:01 am

'Ô nhục': Phản tư về một thế giới bị ruồng bỏ

Vannghequandoi

Là một trong những nhà văn hiếm hoi chiến thắng 2 lần giải Booker, được Nobel vinh danh và đã “sưu tập” hầu hết các giải thưởng ở khu vực nói tiếng Anh; J.M.Coetzee thành công nhưng khá kín tiếng về đời tư của mình. Tuy nhiên, bằng tính tự thuật cũng như tự đặt mình vào trung tâm, các motif nhân vật trải suốt các tiểu thuyết của ông ít nhiều cho thấy một chân dung tự họa. Ô nhục là tiểu thuyết giúp ông đạt kì tích 2 lần chiến thắng Booker vào năm 1999, và cũng là tác phẩm được đánh giá là thành công nhất của ông.

Một trong những chức năng của văn chương là thức tỉnh, và để rạch ròi với những chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa rẻ tiền hay chủ nghĩa giả hiệu; thứ cần thiết nhất là một cú đánh thức tỉnh. Nếu Toni Morrison triệt tiêu hoàn toàn nhân tính trong Mắt nào xanh nhất, thì J.M.Coetzee đặt chính điều này vào trong tiêu đề tiểu thuyết. Tựa gốc Disgrace khi chuyển thể lần đầu sang tiếng Việt (2002, Nxb Phụ nữ Việt Nam ấn hành, Thanh Vân dịch) mang tên Ruồng bỏ, nhưng chỉ đến gần đây, với lần tái bản thứ hai, nó mới được chuyển thành Ô nhục (Bách Việt và Nxb Lao động ấn hành, Nguyễn Quang Huy dịch). Hai sắc thái hoàn toàn trái ngược dẫu cho có thể tồn tại điểm chung, nhưng chỉ Ô nhục mới thể hiện được những gì J.M.Coetzee muốn truyền tải trong tác phẩm này.

Ô nhục vừa mới trở lại với độc giả sau hơn 2 thập kỷ vắng bóng.
Vẫn theo motif một người đàn ông trung tuần bị quăng vào những sự kiện làm thay đổi cuộc sống, tương tự Người chậm, Đợi bọn mọi… Ô nhục kể về giáo sư David Lurie, 52 tuổi, người được mô tả hệt như chân dung Coetzee, với dáng gầy gò và chiều cao khác biệt. Như Diêm Liên Khoa từng nói, dục tình là thứ cứu con người ta ra bể tuyệt vọng, Lurie cũng đang chìm trong những khao khát này, với Soraya - một phụ nữ trung tuần đã có gia đình, và đến với Lurie như một trải nghiệm ngoài hôn nhân. Tuy nhiên mọi thứ chỉ bị vỡ lỡ khi ông gặp Melanie, một cô nữ sinh và một ổ rắn lôi luôn ông xuống vũng bùn.

Trong cuốn tiểu thuyết Bạn đồng hành, nữ văn sĩ Sigrid Nunez đã không ngần ngại gọi nhân vật chính của mình là một phiên bản khác của David Lurie, và đưa đến kết cục là chuyện tự tử. Thế nhưng nếu như nhà văn của Nunez chìm trong một cơn ủ ê về sự phản tư chính bản thân mình, thì Lurie của Coetzee vẫn đầy khát khao, vẫn giữ trong mình những lần đam mê biến thành “ốc đảo” từ những “sa mạc” trong các cơn giao hòa thể xác. Những thời khắc ấy giữ cho ông tráng kiện, minh mẫn, uyên bác và có phần nào thật sự hạnh phúc.

PHIÊN TÒA SOCRATE HIỆN ĐẠI

Mệnh đề đạo đức đánh giá hành động Lurie ngủ cùng cô sinh viên 19 tuổi dường như không thể tồn tại kết luận chung nào. Có lẽ do là môn đệ của nhà thơ tự nhiên Woodworth, mà David Lurie với vẻ kiêu hãnh không thể thừa nhận là mình đã sai. Ông coi những gì mình đang mắc phải là thứ hiển nhiên bản thân phải chịu, tuyệt nhiên không có đúng sai. Ông là một người đã sang bên kia bờ dốc kia cuộc đời, là giáo sư ngành ngôn ngữ cổ, là tác giả của 3 cuốn sách nhưng không ai biết, và hơn hết, là chấp nhận sự lãnh đạm ấy, và tự hướng mình đi vào ốc đảo xoa dịu.

Có phần hài hước nhưng không ít lần ông tự xem mình là phiên bản nam của bà Bovary, với những vụ ngoại tình và phiêu lưu ái tình không thể cấm cản. Ông coi đó là một điều tự nhiên, không bởi chỉ vì suốt cả đời mình ông đã sống cùng phụ nữ; mà bởi cô sinh viên 19 tuổi ấy cũng đầy ham muốn có phần chủ động. Cuộc tình của hai người họ luôn là thuận tình, nơi cả tình yêu cùng với thi ca đã hòa thành một. Sắc dục với Lurie là thứ cây trái của niềm đắm say, và tuổi tác không thành vấn đề, bởi nhẽ “sắc đẹp của một người đàn bà không chỉ thuộc về mình cô ta. Đó là một phần món quà cô ta mang đến thế giới này. Cô ta có bổn phận phải chia sẻ nó”.

Có thể thấy rằng xuyên suốt tiểu thuyết Coetzee đã xây dựng Lurie như một bản ngã của thiên thần sa ngã vì tình, và hẳn nhiên nó là tự nhiên. Ông ôm ấp một cô gái trẻ như là ý tưởng thuần khiết của việc mở lòng và trải nghiệm giác quan. Ông coi chính mình là người phụng sự cho Thần Ái tình, và khi vụ việc bị vỡ lỡ ra, ông xem nó như là sự đúng đắn của niềm khao khát, mà không phải ai cũng có thể hiểu.

Ở phiên tòa kín xét xử tội trạng, Coetzee họa nên mẫu người kiêu ngạo, tự cao. Lurie trong bản thân mình luôn tin vấn đề của mình không hề sai trái, nó chỉ sai khác đối với những người không thuận theo được tự nhiên. Lurie đứng đó giữa một vòng vây những người lí trí bất tuân bản năng, hệt như Socrate đứng trước tòa án đại hình cổ xưa bị vu cho tội làm hỏng thanh niên. Sự thuần phục ấy, sự kiên cố ấy, sự thủy chung ấy… cũng không khác mấy loài chó mà Coetzee liên kết sau đây, để cuối cùng thì xóa mờ lằn ranh, ông đưa chúng ta đến một câu hỏi có phần lưỡng nan hơn, về lí trí hay tình cảm, về bản năng hay kiểm soát, về tự nhiên hay luật lệ...

PHẢN ẢNH

3 tháng hòa nhập ở nơi thôn dã sống cùng con gái Lucy sau khi vụ việc phanh phui hết cả, Lurie được thả vào bể tự nhiên cũng là nhà mình. Tại đây ông đã chăm sóc những con chó bị ruồng bỏ, chăm sóc vườn tược, cũng như tiếp tục với những vấn đề tiếp sau vụ việc lôi ông xuống bùn, và biến ông thành một kẻ ô nhục đến độ thô bỉ.

Ở nơi East Cape, ông và con gái mình đối mặt với việc phân biệt chủng tộc ngược, khi giờ đây sau chế độ Aparthied, những người da màu mới là lực lượng chiếm quyền sinh sát. Sau vụ cướp bóc cũng như cưỡng hiếp hoàn toàn là có chủ ý của ba thanh niên da màu, khi Lucy dường như câm lặng không thể chịu nổi, ông rốt cuộc cũng nhận ra được một nỗi ô nhục rất khác, đó là bí mật của con gái mình. Sự tàn bạo ấy đã khiến Lucy chìm sâu dưới sự im lặng, trong khi cả hai người họ thật ra đều là những chú cừu được nuôi để rồi làm thịt trước mắt người sẽ ăn chúng, như người da trắng trước người châu Phi bản địa.


Nhà văn J.M.Coetzee.
Cả ông và con gái mình giờ đây khác nào chú chó đang ở trong lồng, khi xung quanh họ là sự ruồng rẫy không được bảo vệ. Nhiều nhà phê bình cho rằng Ô nhục của Coetzee ít nhiều mang theo tư tưởng về quyền động vật, nhưng thật ra, chúng ta có nào khác biệt so với những loài thú ấy. Làm việc trong cơ sở “hóa hơi” những loài thú không ai nhận nuôi, trong Lurie là sự đồng cảm cũng như cảm nhận cuộc sống con người. Khi bao nỗi ô nhục giáng xuống đời ông, ông đã cảm thấy mình như con vật bị bịt đường sống. Và dù có muốn gắn bó, có muốn trì hoãn; thì cuộc sống này, cơn trêu ngươi này, sẽ phải chấm dứt trên đoạn đầu đài.

“Con đực phải được cho phép thỏa mãn những bản năng của nó mà không bị kiểm soát ư? Như thế là đạo đức ư? […] Không, như thế là vô đạo đức. Điều nhục nhã là con chó tội nghiệp bắt đầu căm ghét chính tập tính của nó. Nó không cần ai đánh đập nữa. Nó đã sẵn sàng tự trừng phạt chính nó. Nó có thể thích điều này hơn những lựa chọn trước mắt: một mặt phủ nhận tập tính của nó, mặt khác dành toàn bộ thời gian còn lại dạo quanh phòng khách, thở dài, ngửi đít mèo và càng ngày càng béo ú lên”.

Coetzee đưa ra hai mạch tương phản, khi Lurie là “kẻ dẫn dắt” Melanie Isaacs và khi Lurie là “bọn phục tùng” chủ nghĩa màu da ngược. Vấn đề kiểm soát và không kiểm soát những tập tính ấy cuối cùng không được giải quyết, chỉ biết rốt cuộc sau đó là những phản ánh, từ nỗi đau của Lucy chuyển sang tâm thức hối lỗi với gia đình Isaacs. Coetzee ở đây cho thấy một nghịch lí khác, đó là khi phải trải qua ta mới biết được.

Cứu vớt một chút nhân tính sau cùng, ông cho David Lurie ẩn chìm dưới vở nhạc kịch tái hiện Byron cùng những khao khát ngoại tình không thể kìm nén, nhưng chắc chắn rằng nó sẽ thất bại và bị lãng quên; để nội bật hơn là buổi tối ở nhà Isaacs không được chào đón, để dập đầu xin lỗi và để tự nhìn lại mình trong vai trò khác. Để biết rốt cuộc tự nhiên không thể khuất phục được đời sống này, và góc nhìn thấu suốt 2 phía hoàn toàn khác nhau.

Ô nhục là một thách thức, là sự phản tư đối với câu hỏi muôn đời không thể giải quyết: lí trí hay tình cảm, bản năng hay kiểm soát và tự nhiên hay con người. Ở dưới đáy cùng xã hội, ta không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận chính thế giới này, và Coetzee đã tạo ra được chuyến “du hành” đó, bằng những hoàn cảnh ông đã tạo ra. Bằng sự chồng lớp khéo léo hình tượng trong giọng văn có phần trung tính đặc trưng, Ô nhục đưa ra một câu hỏi lớn, và trả lời nó một cách sáng rõ.

NGÔ THUẬN PHÁT

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Tue Feb 28, 2023 5:09 am

Nguvan

Nỗi ô nhục của một con người

Không chỉ là một tác phẩm mang tính thời đại, “Ô nhục” của J.M Coetzee đi sâu khai thác những ẩn ức trong con người giữa xã hội nhiễu nhương.

David Lurie đã trải qua 2 cuộc ly hôn, là một giáo sư vật lộn với trở ngại trước những tiêu chuẩn xã hội đặt ra; cho rằng chúng cản trở ông thực hiện ham muốn tình dục chính đáng của mình. Đã trải qua 2 cuộc ly hôn, thường xuyên có trao đổi tình dục với một cô gái điếm, Lurie “vượt ranh giới” khi ngủ với một học sinh của mình. Sau khi nữ sinh nọ tố cáo ông tội quấy rối tình dục, ông bị sa thải, phải rời thành phố và về nông thôn ở với con gái, Lucy.

Vùng nông thôn Nam Phi nơi con gái ông ở khác nhiều so với quang cảnh đô thị được mô tả đầu cuốn sách. Nơi đây chìm trong cảnh nghèo đói, tội phạm, cướp bóc ở khắp nơi. Chính ông cũng bị một nhóm côn đồ hành hung, Lucy bị hãm hiếp. Sự vụ này để lại chấn động lớn tới Lurie, khiến ông thay đổi cái nhìn về thế giới.

Nỗi nhục của sự bất lực
Nỗi ô nhục hay sự mất mặt có lẽ đã xuất hiện từ đầu cuốn sách, nhưng không xuất hiện trong tâm trí nhân vật.

Khi Lurie làm tình với cô nữ sinh. Ông khăng khăng rằng đó không phải là hành vi cưỡng dâm và rằng “sắc đẹp của một người đàn bà không chỉ thuộc về mình cô ta. Đó là một phần món quà cô ta mang đến thế giới này. Cô ta có bổn phận phải chia sẻ nó”.

Nhưng qua phản ứng lãnh đạm, thiếu hưởng ứng của nữ sinh kia, độc giả buộc phải đặt nghi vấn về bản chất thật của mối quan hệ này.

Mối quan hệ này cũng chính là điểm khởi suy của Lurie, vị giáo sư da trắng bị buộc tội quấy rối tình dục, bị đuổi việc và phải rời thành phố. Nhưng, tự coi mình là phiên bản nam của bà Bovary, David Lurie chối bỏ sự ô nhục, ông chấp nhận mọi hình phạt. Ở phân cảnh này, David Lurie hiện lên như một nhân vật của Dostoievski, với sự phỉnh lừa bản thân đầy chủ ý.

“Những lời thú tội, những lời xin lỗi: Tại sao bọn chúng lại thèm khát được làm nhục người khác thế nhỉ? Một sự câm lặng bao trùm”.

“Chúng bu xung quanh ông như đám thợ săn sau khi dồn một con mãnh thú xa lạ vào góc, chẳng biết nên kết liễu nó làm sao cho phải”.

Nhưng tới khi con gái ông bị cưỡng hiếp mà không chịu đi tố cáo, ông mới cảm thấy sự ô nhục từ chính vai trò bất lực của mình. Ông đặt ra câu hỏi: liệu con người ta có được sống theo bản năng mà không bị kiểm soát không?

Chính tại điểm này, ông liên hệ phận người với phận chó. “Điều nhục nhã là con chó tội nghiệp bắt đầu căm ghét chính tập tính của nó. Nó không cần ai đánh đập nữa. Nó đã sẵn sàng tự trừng phạt chính nó. Nó có thể thích điều này hơn những lựa chọn trước mắt: một mặt phủ nhận tập tính của nó, mặt khác dành toàn bộ thời gian còn lại dạo quanh phòng khách, thở dài, ngửi đít mèo và càng ngày càng béo ú lên”.

Đoạn văn này nói về một con chó hay đang nói về bố con Lurie?

Thế giới hậu thuộc địa u tối và tàn nhẫn
Nhà văn Salman Rushdie từng nhận xét rằng “nhân vật của Coetzee hoạt động đầy bản năng, theo những thôi thúc tăm tối. Có lẽ, anh ta có một trái tim điên dại, tin tưởng vào điều mà anh ta cho là ‘quyền có ham muốn’”. Điều này làm cho nhân vật của Coetzee nghe có vẻ là một người nồng nhiệt, nhưng sự thật là anh ta lạnh lùng, lơ đãng như người mộng du.

Sự lạnh lùng này thấm đẫm vào câu văn, khiến cho thế giới trong trang sách hiện lên với vẻ u tối, tàn nhẫn tựa như trong tiểu thuyết phản địa đàng, nơi con người đặt cạnh nhau mà không thể kết nối với nhau.

Không một ai trong cuốn sách hiểu được người quanh mình. Lurie không hiểu được Melanie, ông cũng chẳng hiểu được cô học sinh ông tìm cách quyến rũ. Ông không hiểu chính con gái mình và Lucy cũng thấy hành động của bố vượt ngoài tầm hiểu biết của cô. Lurie thậm chí còn không hiểu chính mình (ít nhất là ở đầu cuốn sách).

Kể từ khi Luigi Pirandello đặt ra câu hỏi về cách con người ta tự nhìn nhận bản thân mình trong Đi tìm nhân dạng đến khi J.M Coetzee viết Ô nhục đã gần 3/4 thế kỷ, câu hỏi về bản dạng thực của con người vẫn chưa có được lời giải thích đáng.

Sự thiếu kết nối của các nhân vật khiến độc giả đôi khi cũng khó hiểu về động cơ hay bản chất thật của những gì diễn ra trên trang giấy.

Cuốn sách được kể ở ngôi thứ 3, nhưng theo chân nhân vật Lurie. Vì vậy, độc giả nhìn thế giới Ô nhục qua con mắt của Lurie. Và có lẽ, thế giới tàn nhẫn, lạnh lẽo đó chỉ nằm trong tâm trí Lurie.

Nhưng Ô nhục không kể một câu chuyện viễn tưởng phản địa đàng, Ô nhục kể về một bối cảnh có thật – bối cảnh Nam Phi hậu thuộc địa – và đó là một xã hội hỗn loạn, đầy những phi lý, cực đoan và một dòng chảy xung đột sắc tộc ngầm.

Sự phi lý trong cung cách hành xử của nhân vật được lý giải như một điều hiển nhiên, theo một luật bất thành văn trong xã hội lúc bấy giờ. Như khi Lurie từ chối xin lỗi và chấp nhận mọi hình phạt đến từ cáo buộc của cô nữ sinh. Hay khi Lucy không chịu đi tố cáo những kẻ hiếp dâm mình mà cho đó là một hành vi “trả nợ” vì cô là một người da trắng sống trên mảnh đất của người da đen.

Nhưng sâu hơn bề mặt xã hội, Coetzee đào sâu vào tâm lý con người. Có lẽ chính trong bối cảnh u ám như trong truyện viễn tưởng ấy, con người phó mặc cho bản năng dẫn lối.

Cuốn sách đặt ra nhiều câu hỏi hơn là đưa câu trả lời. Chính vì vậy, gấp sách lại, độc giả sẽ không thể ngừng nghĩ về cuốn sách, không thể ngừng truy tìm lời giải cho hành vi của nhân vật, hành vi của con người.

Với Ô nhục, ngòi bút của Coetzee cho thấy rõ những ảnh hưởng từ Franz Kafka và Samuel Beckett. Và Ô nhục tựa như một điểm tiếp nối của dòng chảy văn chương, là một tác phẩm xứng đáng với danh xưng kinh điển.

J.M Coetzee biết cách kéo độc giả cuốn theo câu chuyện bi kịch ông viết, và không để họ thoát ra cho đến trang cuối cùng. Dù đề tài J.M Coetzee chạm tới u tối và tuyệt vọng, ông luôn tìm cách giữ được độ lạnh trong văn phong của mình, không sa đà vào ủy mị, sướt mướt. Tiểu thuyết Ô nhục là tác phẩm được nhào nặn bởi một bậc thầy ngôn từ

John Maxwell Coetzee đã giành giải Nobel văn học 2003 và 2 giải Booker (một trong số đó là cho tác phẩm Ô nhục). Được mệnh danh là một trong những nhà văn vĩ đại nhất sáng tác bằng tiếng Anh, J.M Coetzee đã sáng tác nhiều tác phẩm thuộc hàng kinh điển như Ô nhục, Đợi bọn mọi, Người chậm…

Nguồn: https://zingnews.vn/noi-o-nhuc-cua-mot-con-nguoi-post1346118.html

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Tue Feb 28, 2023 5:12 am

[Review] – Ruồng Bỏ (Disgrace) – J.M.Coetzee

Quidinh

Sau khi đọc hết một loạt truyện trinh thám thì mình cũng bắt đầu “đổi gió” với các thể loại khác. Cuốn sách “Ruồng bỏ” của Coetzee không hẳn là gu của mình nhưng mình được một người bạn tặng (bản tiếng Anh) nên mình cũng đọc thử cho biết. “Disgrace” (bản gốc) có khá nhiều nghĩa và các tầng nghĩa đó đều được thể hiện trong cuốn sách này. Tuy nhiên, theo bản Việt, cái tên “Ruồng bỏ” vẫn là phù hợp hơn cả vì nó sẽ xuất hiện xuyên suốt tác phẩm.

Câu chuyện xoay quanh David Lurie, 52 tuổi, đang là giáo sư tại một trường đại học, đã ly hôn 2 lần và luôn chìm đắm vào những cuộc tình với các cô gái điếm rồi trở thành “khách quen” của Soraya – người luôn che giấu cuộc sống riêng của mình. Mọi chuyện vỡ lỡ khi ông phát hiện cô ta có gia đình và con cái, đó là lần đầu tiên ông bị “ruồng bỏ”

Tiếp đến, ông lại say đắm cô sinh viên Melanie Isaacs và tiếp tục lao vào những cuộc làm tình với cô. Thế nhưng, cũng từ đó, sự “ruồng bỏ” đã bắt đầu xảy đến với ông nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Ông bị bạn trai cũ, người cha của Melanie tố cáo khiến ông trượt dài từ việc mất chức, bị nghỉ việc, bị sỉ nhục, bị người đời khinh miệt, ruồng bỏ.

Mới đầu mình cũng không hiểu nhân vật Melanie tại sao từ lúc ông bị tố cáo cứ im lặng vì lỗi không hoàn toàn ở vị giáo sư kia (theo mình nghĩ vậy). Cô chẳng giải thích, chẳng nói năng, chẳng một lời giải đáp khiến vị giáo sư kia cứ ngày càng sa chân vào vũng lầy của đời mình. Cho đến sau đó, nhân vật này hoàn toàn biến mất khỏi phần sau đó, giống như một “bàn đạp” để đưa David Lurie vào hành trình bị “ruồng bỏ” của mình.

Thế nhưng, với kinh nghiệm và tuổi đời của mình, David Lurie chẳng hề bị dao động dù ít nhiều cuộc sống của ông có thay đổi một ít. Sau đó, câu chuyện bắt đầu một chương mới khi ông chuyển đến sinh sống cùng Lucy – con gái ông – ở một trang trại thuộc một vùng nông thôn khá hẻo lánh. Dù uyên thâm học thức, dù kinh nghiệm nhưng đối với con gái ông, ông chẳng thể bắt kịp hoặc hòa nhập được thế giới nơi đây. Ông có chút khinh thường những con người xung quanh con gái ông và cho rằng họ “xấu xí”, “tệ nạn”, “nhục nhã”, “đáng khinh bỉ”…

Đỉnh điểm là khi Lucy bị cưỡng hiếp và có bầu, sự khác biệt giữa ông và con gái ngày càng rõ rệt khiến ông dường như bị chính cô con gái của mình “ruồng bỏ” – cô không muốn ở cùng với ông nữa, và cũng không muốn ôn can dự vào cuộc sống của mình thêm nữa.

Có lẽ vì mình tuổi đời còn trẻ nên chưa hiểu hết được tính cách lẫn suy nghĩ cuả David Lurie – người gấp đôi tuổi mình nhưng qua cách miêu tả của Coetzee, mình có thể dễ dàng mường tượng được hình ảnh, cuộc đời của nhân vật đầy bi kịch này. Trải qua rất nhiều biến cố, tác giả không qua miêu tả dài dòng sự đau khổ, dằn vặt, sợ hãi của nhân vật mà làm cho chúng vô cùng ngắn gọn, súc tích.

Những lời văn của Coetzee có chút gì đó khá thản nhiên, ung dung, có xen chút lạnh lùng, hờ hững nhưng càng đọc, bạn sẽ dễ thấy được sự khắc nghiệt và oái ăm của một hiện thực thế giới hoàn toàn khác, khắc nghiệt và tàn độc hơn nhiều. Nếu không phải là một giáo sư có kiến thức thâm sâu lẫn kinh nghiệm sâu sắc thì David Lurie khó mà trụ được mà đó cũng có thể là rào cản để ông tiếp nhận một thế giới mới – không như Lucy, người đã chấp nhận và vô tình yêu mến cuộc sống đó.

Tuy ông cũng dần dần làm quen với mọi thứ nhưng vẫn còn đang giằng co giữa phản kháng và thỏa hiệp khi mà ông cảm thấy bản thân mình không thuộc về nơi này. Là người da trắng đơn độc trong một xã hội man rợ, với cảnh tượng giết mổ động vật, cướp bóc, cưỡng hiếp, chế độ đa thê… David Lurie vừa bị cuộc sống văn minh ruồng bỏ rồi tiếp tục nếm trải những cảnh tượng như trên, để tiếp tục hành trình ruồng bỏ của mình – hành trình tự ruồng bỏ con người mình.

Đối với mình “Ruồng bỏ” giống như câu chuyện một con người bị đẩy vào một tình thế mà họ không có quyền quyết định hay thay đổi bất kỳ điều gì. Họ bị bủa vây bởi bệnh tật, hoang tàn, tệ nanjn, tình yêu – tình dục, nhân phẩm, danh dự… để ngắm nhìn, đánh giá rồi mới nhận ra đâu mới là con người thực sự. Giống như David Lurie vậy, ở độ tuổi 52 đắm chìm trong tình dục những thời khắc xuân cuối cùng, rồi chỉ một giây lát, tất cả mọi thứ từ danh vọng, tiền bạc, tên tuổi… đều mất hết.

Sự ruồng bỏ đeo bám ông khi chính những người thân còn lại – cụ thể là con gái ông- cũng muốn ông rời xa mình vì sự khác biệt về tư tưởng và lối sống. Rơi vào một thế giới khác, một định kiến khác, ông phải tập dần thích nghi với nó, nhớ lại những chuyện quá khứ, những lỗi lầm…. rồi ông mới nhận ra đâu mới là con người mình thực sự muốn trở thành.

Cách kể chuyện của Coetzee cũng khá khiến mình thấy hấp dẫn. Không chỉ bởi cách kể chân thực, điềm tĩnh và lạnh lùng mà nó còn khiến cho ta cảm nhận được nhịp suy nghĩ, tâm tư của mỗi nhân vật. Ngoài ra, mặc dù tràn ngập những điều tăm tối, sự tàn nhẫn của cuộc đời, những hoài nghi trong thâm tâm con người…

“Ruồng bỏ” còn có một chút gì đó luôn tươi sáng, mới mẻ, mát lành… khiến câu chuyện không quá ngập chìm trong không khí nặng nề. Trong cái vũng lầy đó, vẫn có những bông hoa tươi đẹp, vẫn có những câu chuyện đẹp về con người. Đặc biệt, qua sở thích của David Lurie, tác giả còn ưu ái dành rất nhiều câu văn thể hiện sự đam mê về âm nhạc, thơ ca hay các đoạn mô tả phong cảnh, về cuộc sống con người. Dẫu sao, vẫn còn chút gì đó tốt đẹp còn le lói….

Bởi vì mình chỉ mới đọc 1 tác phẩm này của Coetzee nên vẫn chưa thấm được tư tưởng lẫn phong cách của ông ấy nhiều lắm. Với lại thể loại này nó hơi khá khác biệt với mình vậy nên sau này khi mình đọc thêm vài tác phẩm nữa, mình sẽ đọc lại “Ruồng bỏ” một lần nữa để hiểu hơn và có cái nhìn khách quan hơn.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Wed Mar 01, 2023 4:38 am

Khải Đơn

Ruồng bỏ (J.M.Coetzee): Khi một giáo sư già lao vào một cuộc mây mưa với sinh viên

“Một ý nghĩ đau đớn làm nhức nhối lòng ông: các cô điếm chuyện trò với nhau về những khách hàng thường xuyên của họ ra sao nhỉ, nhất là về những người đàn ông lớn tuổi? Họ kể những câu chuyện, họ cười vang, nhưng họ cũng rùng mình như người ta rùng mình vì một con gián trong chậu rửa lúc đêm. Chẳng bao lâu nữa, ông sẽ bị họ rùng mình một cách duyên dáng, ác tâm như thế. Đây là một định mệnh mà ông không thể trốn tránh.”

disgrace

Đó là một ý nghĩ thoáng rơi qua đầu David Lurie, một giáo sư 52 tuổi thành đạt, dạy ngành Thông Tin trong trường Đại học Kĩ Thuật Cape – khi ông nhận ra cô gái điếm Soraya sẽ không còn đến gặp ông nữa.

Từ khoảnh khắc đó, David lao vào cuộc tình chán ngán với một cô đào khác, rồi nhanh chóng phát hiện ra Melanie Isaacs – một sinh viên học trong lớp của mình – để rồi chạy theo cô, dụ dỗ cô (hay bị dụ dỗ?) làm tình say đắm với cô ngay trong giường của con gái mình, chạy đến nhà cô đòi làm tình. Cũng từ lúc ấy, cuộc đời của David bắt đầu với cụm từ “Ruồng bỏ”.

Khác hẳn với các cốt truyện thông thường khác, nơi tác giả sẽ đào sâu vào mối giằng co, tranh chấp hay yêu đương của cuộc tình đó. Coetzee đẩy cái trục của câu chuyện trượt qua một quỹ đạo khác. David bị bạn trai của Melanie đe dọa, bị cha của Melanie tố cáo tại trường. Ông mất chức, bị thẩm vấn, bị trường cho nghỉ, bị cộng đồng giáo viên nhìn bằng con mắt khinh bỉ, bị ruồng bỏ trong thân bại danh liệt. Trong lúc gặp scandal đó, David có lần nghĩ: “Lẽ ra ông nên từ bỏ, rút khỏi cuộc chơi. Ông tự hỏi Origen tự hoạn vào lúc bao nhiêu tuổi nhỉ? Chẳng phải là giải pháp thanh nhã nhất, nhưng đang già đi đâu phải là một việc thanh nhã. Chí ít thì đó cũng là một hành động sẵn sàng, để con người có thể hướng tâm trí vào một việc đúng đắn của tuổi già: “Chuẩn bị để chết.

Có thể đến gặp một bác sĩ và hỏi ý kiến được không nhỉ? Chắc chỉ là một phẫu thuật đơn giản: Nếu con người bỏ qua dư vị chắc chắn của nỗi buồn, ngày nào họ chẳng thiến súc vật, à chúng vẫn sống đầy ra đấy thôi. Cắt phăng đi rồi buộc chặt lại: với loại thuốc gây tê bản xứ, một bàn tay vững vàng và một chút phớt lạnh, người ta có thể tự làm việc đó theo sự hướng dẫn của sách vở. Một người đàn ông ngồi trên ghế tự cắt bỏ: một cảnh tượng thô bỉ, nhưng trên một góc độ nào đó, cũng chẳng thô bỉ hơn là chính người đàn ông đó hì hục trên thân thể một người đàn bà.”

Nhưng David lại không bị tác động nhiều lắm bởi cuộc “thanh trừng” đầy màu sắc đạo đức ấy. Ông chỉ hơi choáng, và ông xếp hành lí đi về một trang trại nông thôn, nơi đứa con gái Lucy của ông đang sống một mình. Con người học cao, biết nhiều của David đã trở thành đôi đũa lệch với thế giới của con gái. Ông khinh bỉ bà bạn Bev Shaw của Lucy – một phụ nữ già, béo ị, có nọng mỡ ở cổ, làm ở một trung tâm bảo vệ động vật – với nhiệm vụ là giúp cho những con thú già, đau bệnh bị vứt bỏ được chết trong bình an. Ông thậm chí rẻ bỉ cả việc bà đang làm.

Ông nhìn những người đàn ông nông dân đang giúp đỡ Lucy như những gã cốt đột ngu dốt. Trong một lúc, dường như ông nhìn người phụ tá Petrus tại nông trại như một thằng da đen đáng ngờ. Và khi tranh cãi về tình dục và sai lầm trước đó của mình, ông đã lí luận với Lucy về mình bằng hình ảnh một con chó động đực và bị chủ nó đánh mỗi khi động đực đến mức sau này cứ ngửi thấy mùi con cái thì nó sợ hãi cụp đuôi chạy: “nhục nhã ở chỗ con chó khốn khổ ấy bắt đầu căm ghét nhu cầu tự nhiên của chính mình. Chẳng cần đến đòn roi làm gì. Nó đã tự trừng phạt rồi. Có lẽ tốt hơn hết là đem bắn nó đi.”

Có lúc, trong cuộc tranh cãi với Lucy, ông đã nghĩ về cuộc tình với cô nữ sinh 20 tuổi ấy như sau: “Ông nhìn thấy mình ttrong nhà Melanie, trong phòng ngủ của cô, tiếng mưa đổ xuống bên ngoài và lò sưởi trong góc tỏa mùi nến, ông quỳ lên người cô, lột quần áo cô ra trong lúc đôi tay cô buông thõng như tay một người đã chết. Bố là bầy tôi trung thành của Thần Eros, ông muốn nói thế, nhưng ông có đủ mặt dạn mày dày để nói không? Đấy là một vị thần đã hành động thông qua bố. Thật hão huyền! Tuy vậy không phải là một lời nói dối, không một chút nào. Trong toàn bộ sự việc tồi tệ ấy, có một cái gì đó thắm tươi đến mức làm bừng nở những đóa hoa rực rỡ nhất. Ông chỉ không biết thời khắc ấy lại ngắn ngủi đến thế!”

Sự việc trượt khỏi quỹ đạo. Nữ tình nhân sinh viên tan biến khỏi trí óc ông khi ông và Lucy bị 3 tên cướp tấn công tại nhà. Chúng giết hết 6 con chó, ném ông vào nhà vệ sinh và hãm hiếp Lucy, từng tên một thay nhau. David nghe con kêu: “Cứu con với” và không làm gì được.

Cả phần sau của quyển tiểu thuyết là cách David sống tiếp và thích nghi với cuộc sống đầy rẫy sự “ruồng bỏ” quanh ông. Ông giận dữ vì những kẻ đã hiếp con gái mình, ông ép cô phải tố cáo chúng, rồi ông thua cuộc, Lucy không còn muốn ở cạnh ông nữa. Cô vượt qua cuộc hiếp dâm bằng sự bình an tại nông thôn, bằng những người bạn quê kệch đang che trở và yên lặng ở cạnh cô. Chỉ có ông là người duy nhất cô càng rời xa bởi những cuộc tranh cãi không bờ bến với ông.

Những trang viết dài của Coetzee nhẹ bẫng như ý nghĩ, vài luận điệu, đôi chỗ tự hỏi, cũng có khi chỉ là cảm giác mà David thấy… trong thời gian dài ông thích nghi với một bản thân mới từ trong chính mình. Ông ngừng khinh bỉ cái vẻ xấu xí bẩn thỉu của Bev mà ông đã từng mô tả: “Bev Shaw, một phụ nữ bé nhỏ, chắc mập, có nhiều nốt tàn nhang đen, mái tóc dầy cộp, thô và xoắn, cổ rụt. Ông không thích những người đàn bà chẳng chú ý gì đến làm đẹp.” – Ông bắt đầu xắn tay áo giúp đỡ bà tiễn biệt và dành sự an tử cho những con vật bệnh tật. Ông bắt đầu hiểu ra bà làm điều đó vì không ai chịu làm cả, vì bà muốn những con vật tội nghiệp được vuốt ve, thương yêu trong giờ phút cuối cùng của chúng. Bà ruồng bỏ chúng theo cách tử tế nhất bà có thể dành cho chúng, khi tất cả những người khác đã ném chúng ra ngoài vì bệnh tật và bẩn thỉu.

Ông cũng bắt đầu cảm nhận lại cô tình nhân Melanie theo một cách khác, bằng chuyến đi dài đến gặp cha mẹ cô, ăn tối, hỏi thăm cô, và quỳ xuống dập đầu xin lỗi họ. Ông bắt đầu biết ngăn mình không xồ xộ lên để đòi tố cáo, giết chết kẻ đã cưỡng hiếp con ông, dù sau đó ông biết Lucy đã có thai với 3 kẻ hiếp dâm hôm đó, và cô quyết định không phá bỏ đứa con trong bụng này.

Nhân vật chính của Coetzee luôn làm tôi thấy bình lặng. Họ bị đặt vào một cuộc trớ trêu nào đó đến độ sinh tử, hoặc mất tất cả hoặc còn nguyên. Coetzee cũng không cố gắng tạo ra một người tốt hay xấu trong truyện, mà chỉ cố tạo ra một người, nơi họ đứng trong hoặc ngoài cái chết, bệnh tật, danh phẩm, tình yêu… ngắm nghía chúng, suy nghĩ lung lắm, rồi mới quyết định như thế nào thì là một người thực sự. Họ hành động chậm rãi, cũng đầy bảo thủ, cũng định kiến, thậm chí còn tự biện hộ cho cả những thứ sai rành rành ra đấy, theo cách mà bất cứ ai cũng có thể làm được trước những tình huống hàng ngày của họ.

Như David, hẳn người đàn ông nào ở độ tuổi 52 đọc quyển này cũng cảm thấy có chút xíu mình trong đó, một độ tuổi rực rỡ cuối cùng, khao khát nồng rực đến đau đớn, trút ra, hay bẽ bàng trong một cuộc lên giường ngắn ngủi yếu ớt và đáng xấu hổ, suy tư vô cùng về tương lai của con, về quá khứ với bà vợ cũ, về sự nghiệp đã đeo đuổi cả đời, về trăm thứ bình phẩm hầm bà lằng đang trát dán lên người xung quanh…

Sự điềm đạm trong từng câu văn khiến người đọc xúc động. Bởi chẳng có gì hân hoan quá đà hay kiệt quệ u sầu trong nhiều chục năm liên tiếp được cả, phần lớn người ta sống trong tĩnh lặng, giận dữ trong tĩnh lặng và đôi khi khóc thầm sướt mướt vì cái bóng hạnh phúc của quá khứ lướt qua… Đó là con người.

Quyển “Ruồng bỏ” chứa hàng mớ chủ đề trong nó: về nỗi tủi hổ của bản thân, về tình dục và tuổi già, về quyền của những con thú bên cạnh loài người, về thơ ca, về những người tốt đẹp.

Như Lucy nói về đứa con mình mang trong bụng bởi 3 kẻ hiếp dâm:

“Đứa bé ư? Không. Con yêu nó làm sao được? Nhưng con sẽ yêu. Tình yêu sẽ lớn lên, người ta có thể tin vào thiên chúc làm mẹ để yêu mà. Con quyết trở thành một người mẹ tốt, David ạ. Một người mẹ tốt và một con người tử tế. Bố cũng nên cố thành một người tử tế đi.”

Khải Đơn

“Ruồng bỏ” (Disgrace) của John Maxwell Coetzee – Một nhà văn hai lần đoạt giải Booker: Cuộc sống và thời đại của Michael K. (1983) và Ruồng bỏ (1999) – và đoạt giải Nobel Văn học năm 2003. Những tác phẩm của Coetzee được viết bằng giọng văn điềm đạm, ngắn gọn, ít phô diễn kĩ thuật, người mới đọc dễ nắm bắt được mạch tác phẩm của ông và hiểu được cốt truyện. Tất nhiên, để hiểu toàn bộ kĩ thuật hay dụng ý của Coetzee lại không đơn giản lắm 😀

Các tác phẩm của ông thường đi sâu vào cuộc sống và suy nghĩ riêng của một người nào đó đặt trong một bối cảnh có biến động, phức tạp vì chính trị hoặc bị xô đẩy bởi chiến tranh, như trong Cuộc sống và thời đại của Michael K. thì là hành trình của K. Ruồng bỏ là hành trình của David Lurie, hay Tuổi sắt đá là về bà Curren, một giáo sư sống và chết dần vì bệnh ung thư.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Wed Mar 01, 2023 4:43 am

[ Review sách] Túp lều bác Tom - Harriet Beecher Stowe Tâm hồn cao quý soi sáng hiện thực tăm tối

“Trên thế gian này, có những tâm hồn cao thượng biết biến những đau khổ của mình thành niềm vui sướng cho kẻ khác; biến niềm hy vọng...

maianhgl123 Viết Cùng Tiểu Hy - spiderum

“Trên thế gian này, có những tâm hồn cao thượng biết biến những đau khổ của mình thành niềm vui sướng cho kẻ khác; biến niềm hy vọng phải chôn vùi dưới nấm mồ cùng những giọt nước mắt thành hạt giống sẽ nở hoa vào mùa xuân và trở thành hương thơm để làm nhẹ bớt nỗi đau thương của những kẻ bị đọa đày cực nhục.”

Mình từng được một người bạn giới thiệu cuốn sách Túp Lều Bác Tom. Tuy vậy lúc đầu mình có chút e ngại, vì cuốn sách khá dày, và bản thân mình từ trước, là một người không hay đọc những tác phẩm liên quan lịch sử hay chế độ nô lệ.

Nhưng sau khi đọc xong, mình thầm biết ơn vì đã chọn Túp lều bác Tom vào những ngày bản thân muốn kiếm tìm vài điều ý nghĩa, lớn lao. Cuốn sách có văn phong đơn giản, dễ hiểu, khắc họa chiều sâu các nhân vật thông qua bối cảnh, lời nói, hành động. Cuốn sách không chỉ phản ánh chân thực chế độ nô lệ tàn khốc của nước Mỹ thời bây giờ, bên cạnh đó, Túp Lều bác Tom còn thể hiện được giá trị nghệ thuật, nhân văn vô cùng mạnh mẽ, sâu sắc.

Tác giả
Harriet Beecher Stowe (1811-1896) là nhà văn người Mỹ và là người tích cực ủng hộ phong trào bãi bỏ chế độ nô lệ. Tác phẩm Túp lều bác Tom được công bố lần đầu dưới dạng đăng dài kỳ trên tờ tuần báo theo chủ trương bãi nô The National Era vào tháng Sáu năm 1851 và xuất bản dưới dạng sách vào tháng Ba năm 1852. Trong không đầy một năm, cuốn sách đã bán được 300 nghìn bản.

Sơ lược nội dung
Túp lều bác Tom là câu chuyện về cuộc đời của những người da đen dưới chế độ nô lệ khắc nghiệt ở Mỹ, trong đó bác Tom là nhân vật chính. Bác Tom là một người nô lệ  thật thà, chất phác, trung thành, hơn thế bác là một người vô cùng ngoan đạo.

Từ nhỏ bác ở với gia đình Shelby- một gia đình người chủ tốt bụng luôn chăm sóc nô lệ của mình.
Tuy vậy vào một ngày nọ, ông Shelby vì làm ăn thua lỗ, nên buộc phải bán bác Tom. Từ đó bác Tom được xem như món hàng liên tục bị đem ra rao bán. Khi bị bán đi, may mắn bác Tom đã gặp người chủ tốt nhưng cuối cùng  rơi vào tay điền chủ độc ác ở miền Nam. Cuối cùng, bác bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn cho đến chết chỉ vì bác không chịu từ bỏ phẩm chất tốt đẹp của mình.

Sự tàn ác của chế độ nô lệ
Khi đọc tác phẩm, ta biết hơn bộ mặt đểu giả tàn ác của những kẻ chủ nô tàn độc, những kẻ nhân danh kinh thánh, lợi dụng sự bất công trong pháp luật để chuộc lợi. Như tên buôn người Haley, chủ đồn điền Legree. Chúng coi mạng người không bằng cỏ rác, xem những người da đen là những món hàng, thản nhiên làm giàu bằng việc buôn bán con người, bóc lột sức lao động hết sức tàn nhẫn.

Tên buôn người Haley không thấy xấu hổ về việc làm trơ trẽn của mình, ngược lại còn dương dương tự coi mình là người làm ăn nhân đạo “ Tôi vẫn là người được cái tiếng là đưa ra thị trường những món hàng da đen béo tốt nhất; bọn da đen của tôi béo mẫm, được ăn uống đầy đủ, thành thử chúng hao hụt rất ít. Thưa ngài, đó là cách làm ăn của tôi; cách làm ăn ấy dựa trên cơ sở lòng nhân đạo. Tôi là một người tốt bụng.”
Thật sự đáng xấu hổ

Những tâm hồn cao đẹp
Thế giới - với những kẻ mang linh hồn của quỷ dữ, chúng cùng với sự ác độc tồn tại đầy rẫy trong hiện thực, thì cũng chính nơi đây, những tâm hồn cao thượng, những con người có trái tim ấm nóng, sự có mặt của họ càng rạng ngời và ý nghĩa bấy nhiêu.

Bác Tom - dẫu đi qua biết bao thăng trầm, được đối đãi tử tế bởi người chủ tốt bụng, hay sự tàn ác của kẻ chủ nô. Bác vẫn giữ sự tay thẳng, hiền lành và trung thực. Ngay cả khi có cơ hội bỏ trốn, bác vẫn chọn ở lại. Bác sẵn sàng hi sinh thân mình để cứu người chủ tốt bụng, cứu cả trang viên lâm nguy, cả những người nô lệ khác.

Khi về đồn điền bông phía Nam, không những chịu sự lao động khổ sai, những kẻ xấu xa còn âm mưu làm vấy bẩn tâm hồn sáng trong của bác, nhưng dù chúng có man rợ đến đâu, chúng cũng không thể khuất phục một tâm hồn vững vàng, kiên định ấy, những điều quý giá mà bao nhiêu vàng bạc cũng không thể mua nổi. “ Thưa ông Legree, tôi không thể quỳ mà xin lỗi được. Tôi chỉ làm điều gì mà tôi cho là đúng. Nếu phải làm lại như tối qua, tôi sẽ làm. Không bao giờ tôi làm điều ác, dù có chết cũng cam.”

Đứng cạnh bác, những kẻ xấu xa dù có nhiều tiền của, sở hữu bao nhiêu ruộng đất, châu báu, ngọc ngà, trông chúng cũng thật tầm thường và hèn mọn.

Bác là người giàu tình yêu thương, giản dị, khiêm nhường. Sự tự tế, lương thiện bác đã cảm hóa những con người xung quanh bác, từ ông chủ giàu sang hay buồn bã, cho đến những người nô lệ tâm hồn bị đòn roi làm tê liệt. “Thỉnh thoảng, nhờ đêm tối, có những người nô lệ hy sinh một phần giấc ngủ của mình, đến săn sóc, nói với bác những lời an ủi mà chính bác trước kia đã nói với họ. Những con người ấy có gì đầu mà họ bác, nhưng một cốc nước lã là một tấm lòng. những giọt nước mắt hối hận của những con người mà tình yêu và lòng kiên trì của bác Tom đã cảm hóa.’

Bác âm thầm với nỗi nhớ thương vợ con, tài sản bác có trong tay duy nhất là cuốn kinh thánh. Dẫu cuộc đời biết bao lần trải qua đau đớn, trôi dạt khắp chốn, chân tay bị gông cùm những trái tim Bác Tom từ lâu đã thuộc về tự do.
Người ta đau đớn, thương tiếc một tâm hồn quý giá phải chết đi? Cái chết Bác Tôm thực sự quá thương tâm. Nhưng hẳn Bác đã ra đi một cách thanh thản. Dù bị hành hạ, đánh đập dã man, những bác chưa một lần từ bỏ nhân phẩm của mình. Bác là tấm gương sáng về sự trung thực cao đẹp hiện lên giữa hiện thực bao điều xấu xa.

Nhờ sự hy sinh của bác, nhiều thân phận nô lệ khác đã được giải phóng, bác cũng khơi gợi trong lòng họ ấm áp của tình yêu thương, sự đồng cảm từng bị chôn vùi. Dẫu thân xác đã trở về cát bụi, nhưng tấm lòng, những hạt mầm yêu thương bác gieo còn ở lại mãi cùng thế gian.

Các nhân vật khác
Xoay quanh bác Tôm, còn có các nhân vật khác, họ cũng mang những nét đẹp rất riêng.

Chị Eliza - người mẹ ngoan đoạn, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ để bảo vệ cậu con trai bé bỏng của mình.

Anh George, người thanh niên sáng dạ, thông minh khao khát tự do, đã quyết định tìm đến Canada để giải thoát chính mình, vợ là Elida, và cậu con trai.

Cô bé Eva, bà chủ - vợ ông Selley họ cũng là những người đại diện cho ánh sáng tâm hồn thiện lương, nơi họ trao tấm lòng nhân hậu, tử tế chăm sóc những người nô lệ của mình, và cả những người nô lệ như bác Sam, Andy, được nhắc đến ở phần đầu câu chuyện.

Khi biết đến từng nhân vật trong chuyện, ta sẽ nhận có thể cái xấu, cái ác vẫn luôn tồn tại, đôi khi chúng thực sự lớn mạnh. Nhưng dẫu vậy, chúng ta cũng đừng dễ dàng buông xuôi. Thay vì chán nản, thất vọng, muộn phiền, mỗi người trong hãy tiếp tục nuôi dưỡng và hãy chọn hành động tiếng nói lương tâm bên trong chính mình.

Từng người từng người một, dù chỉ cá nhân riêng lẻ, nhưng nhờ vào sự tốt đẹp đến từ mỗi cá nhân sẽ tạo thành làn sóng rộng lớn có sức mạnh cuốn trôi những điều xấu xa.
Và ta cũng hiểu ra rằng tâm hồn cao quý sẽ không bao giờ bị chia cắt bởi màu da, học thức, hay địa vị. Họ có thể không thể cấm súng lên, cũng chẳng hô hào những điều lớn lao. Họ có thể là những người nô lệ “thấp kém” hay người chủ “ cao quý ít quyền lực”. Dẫu thân phận họ ra sao, cuộc sống họ phải đối mặt nghịch cảnh thế nào, tất cả đều không thể ngăn họ sống tử tế, chân thành và giàu lòng yêu thương.

Lời nói, suy nghĩ, hành động của họ là minh chứng rõ ràng nhất.

Cảm nhận của mình

Dẫu câu chuyện diễn ra phương trời Tây, cứ ngỡ thật xa xôi, những tác phẩm khiến mình nhớ bài học lịch về bối đất nước ta, thế hệ ông cha ta cũng hy sinh biết bao xương máu để có được độc lập tự do hòa bình như hôm nay. Nó nhắc mình về lòng biết ơn, tinh thần yêu nước, trân trọng những gì có được ngày hôm nay, quyền tự do được sống, học hành, yêu thương và lớn lên. Những điều tưởng chừng chừng hiển nhiên, tuy vậy đã đánh đổi bằng rất nhiều mạng sống của biết bao thế hệ đi trước.

Mình từng người khá hời hợt với những vấn đề lớn lao, như vấn đề chính trị, môi trường, rác thải, bảo vệ động vật, chế độ phân biệt chủng tộc. Mình từng cho rằng đó là chuyện thế giới, không liên quan mấy đến bản thân là bao. Nhưng khi đọc Túp lều Bác Tôm, cuốn sách tác động đến mình điều gì đó mạnh mẽ, từ việc chẳng mấy để ý đến vấn đề lớn lao, dần dần mình tò mò, trong mình dấy lên khao khát được biết sự thật, tìm hiểu những điều từng diễn ra trong quá khứ.

Mình học được nhiều hơn sự tử tế, tốt bụng và thanh cao của bác Tom và cô bé Eva, tuy họ chỉ là những nhân vật hư cấu, được viết ra trong trí tưởng tượng của tác giả. Những câu chuyện họ vẫn để lại điều ý nghĩa trong trái tim về tâm hồn về sự cao thượng, trái tim giàu tình yêu thương, sự đối đãi chân thành, tử tế.

Còn điều gì tuyệt vời hơn khi cuốn sách giúp mời dậy những cảm xúc bên trong chúng ta, sâu sắc và xúc động.
Túp Lều Bác Tom cuốn sách vĩnh hằng sống cùng thời gian. Cuốn sách tái hiện lịch sử đầy đau đớn, thương tâm. Nhưng vẫn gieo vào lòng người đọc những điều tốt đẹp của những con người trung thực, tốt bụng, nhân hậu, không bị ngoại cảnh khuất phục.

“ Những người khốn khổ ấy, ai đã làm cho họ độc ác? Nếu tôi chịu khuất phục, tôi sẽ trở thành như họ, như họ hết. Không, không thể được. Tôi mất hết cả, nào vợ con, nào gia đình, và một ông chủ tốt nữa, ông ấy giá sống thêm được tám ngày nữa đã giải phóng được cho tôi.. Tôi mất sách, nhưng tôi không chịu để mất thiên đường.”

Cuốn sách hay, đọc để hiểu, để nhớ, để sống và để trân trọng, thiết tha cùng với cuộc đời.

                                                Mai Anh/ Viết Cùng Tiểu Hy

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Wed Mar 01, 2023 4:49 am

Review sách kinh điển Túp Lều Bác Tom: Thế giới đầy tủi nhục của nô lệ da màu

Bởi Caratdeul_17  - bloganchoi

Tiểu thuyết Túp Lều Bác Tom của tác giả Harriet Beecher Stowe không chỉ lên án mạnh mẽ chế độ độc ác mà còn để lại trong lòng người đọc cái nhìn khác về xã hội ở Mỹ đầu thế kỉ XIX.

Nội dung chính

Túp lều Bác Tom – chế độ nô lệ tàn độcVài nét về tác giả Harriet Beecher StoweNội dung chính cuốn sách Túp Lều Bác TomCảm nhận của độc giả về Túp Lều Bác TomNhững điều tâm đắc sau khi đọc Túp Lều Bác TomMua sách “Túp Lều Bác Tom” ở đâu? Giá bao nhiêu?

Túp lều Bác Tom – chế độ nô lệ tàn độc

Túp Lều Bác Tôm là tác phẩm nổi tiếng nhất của tác giả Harriet Beecher Stowe chống lại chế độ nô lệ của người da đen tại Hoa Kì. Vì vậy, độc giả có cơ hội cảm nhận và nhìn thấy một xã hội “bên ngoài là một màu hồng” nhưng bên trong lại thối nát và tàn độc qua tiểu thuyết đầy nhân văn này.

Túp lều bác Tom. (Nguồn: internet)Tác giả: Harriet Beecher StoweThể loại: Tiểu thuyếtNgày xuất bản: 06/2018Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Văn họcCông ty phát hành: Đinh TịGiá bìa: 80.000đSố trang: 464Kích thước: 14.5 x 20.5 cmLoại bìa: Bìa mềmĐánh giá trên Tiki: 4.5 (72 lượt đánh giá)nhận xét của khách hàng tại Tiki (Nguồn: BlogAnChoi)Vài nét về tác giả Harriet Beecher Stowe

Harriet Beecher Stowe (1811 – 1896) là một nhà văn người Mỹ gốc Âu tích cực ủng hộ chủ nghĩa bãi nô. Khi được gặp bà, tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã nói rằng: “Vậy ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách gây ra cuộc chiến vĩ đại này!”

Chân dung Harriet Beecher Stowe (nguồn: internet)

Dù đã dành cả đời mình cho sự nghiệp văn chương, xong, Harriet Beecher Stowe được biết đến nhiều nhất với tác phẩm Túp lều của Bác Tom (năm 1852). Khởi đầu, câu chuyện trong Túp Lều Bác Tôm chỉ là một truyện dài được đăng từng kỳ trên một tuần báo chủ trương bãi nô ở Washington – tờ National Era. Sau đó câu chuyện về nô lệ da màu này đã thu hút được sự chú ý của công chúng và bị cuốn vào các cuộc tranh cãi giữa 2 phe phản đối hay ủng hộ. Sau đó, Harriet Beecher Stowe đã dùng những hiểu biết của mình về chế độ nô lệ, về cuộc sống của họ để xuất bản cuốn tiểu thuyết Túp Lều Bác Tom, giúp bà trở thành nhân vật nổi tiếng, đi khắp nước Mỹ và Âu châu để diễn thuyết và cổ động phong trào bãi nô.

Nội dung chính cuốn sách Túp Lều Bác Tom

Tác giả lấy cảm hứng từ nơi có chế độ nô lệ tàn độc nhất – Ohio để viết nên tác phẩm này.

Túp Lều Bác Tôm kể về cuộc đời thống khổ đầy rẫy tủi nhục của bác Tom – người nô lệ da đen trung thực, trọng danh dự và thật thà. Bác phải lìa bỏ gia đình và vợ con để chịu cảnh bán từ nơi này đến nơi khác, chịu hết đòn roi này đến đòn roi khác để rồi bỏ mạng tại một cánh đồng bông như bao người da đen khác. Có những lần những tưởng bác đã được tự do nhưng số phận lại tiếp tục đẩy đưa bác đến nơi tăm tối hơn.

Tác phẩm còn kể về Eliza cùng đứa con bỏ trốn. Eliza là một người mẹ cao cả đã hi sinh tất cả để bảo vệ đứa con của mình khỏi tên buôn nô tàn ác; cô là một người phụ nữ yêu chồng tha thiết – một thanh niên thông minh nhưng cuộc đời cũng bị đày đọa trăm nghìn cay đắng tủi nhục.

Những điều tâm đắc sau khi đọc Túp Lều Bác Tom

Khi thấy những người nô lệ da đen phải làm việc vất vả, bị mua bán như những món hàng, chứng kiến cảnh chia lìa đau thương… Những điều ấy đã làm Harriet Beecher Stowe cảm thấy đau lòng và đã viết nên những dòng văn bằng chính cảm xúc của mình, để rồi cuốn sách ấy đã trở thành một tác phẩm kinh điển, để bà được lưu danh mãi hậu thế sau này với tiếng thơm để lại.

Câu chuyện xoay quanh các nhân vật và các nhân vật ấy liên kết một cách mạch lạc với nhau làm câu chuyện trở nên hấp dẫn và cuốn hút hơn bao giờ hết.

Cuốn tiểu thuyết Túp Lều Bác Tom. (Ảnh: Internet)

Khi đọc cuốn sách này, bản thân bạn sẽ như bị cuốn sâu vào cốt truyện đầy nhân văn ấy, đồng cảm với những người da đen với số phận đau khổ, trôi dạt như bác Tom. Đồng thời, tác phẩm cũng lên án những người xấu xa như bà Marie, tên chủ đồn điền Leegree… Xuyên suốt câu chuyện, trong những nơi bác Tom đi qua, không một nơi nào cho bác một cuộc sống hoàn toàn yên bình. Khi được ông chủ Augustine mua về và sắp được thả tự do thì lại có biến cố và đẩy bác Tom vào vòng đau khố để rồi phải chết để bảo vệ danh dự.

Ngoài bác Tom, tác giả còn lồng ghép vào ấy những con người nô lệ như bác Tom, bị đánh đập đến chết mà không chút xót thương… Thêm vào đó còn có cô bé Eva hay cô Ophelia đại diện cho những người có tư tưởng tiến bộ, đồng cảm với người nô lệ, như đốm sáng giữa cuộc đời của họ.

Với cốt truyện logic, đặc sắc, Túp Lều Bác Tôm đã lên án một cách mạnh mẽ chế độ nô lệ khốc liệt một cách trần trụi và chân thật nhất đến với người đọc. Đây chính là điểm mấu chốt làm nên thành công cho tác phẩm kinh điển này!

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Wed Mar 01, 2023 4:53 am

Túp lều bác Tom – Rúng động đến tận mai này!

Reviewsach.net

Ta trở về quá khứ, trở về cái thời kỳ ô nhục, chỉ độc trăm ngàn đắng cay. Ta xót xa trước những người nô lệ trung trực, khóc cạn nước mắt trước cảnh chia lìa xé ruột xé gan, và ta căm phẫn những đòn roi đêm ngày. Những người nô lệ da đen là những người giàu có, quả thật vậy. Họ giàu có về lòng lương thiện và đức tin, họ tràn trề khát vọng tự do dẫu phải sống với hai bàn tay trắng. “Túp lều bác Tom” là dòng sông của những số mệnh, của những mảnh đời bi ai. Bác Tom chân thành chính trực, dâng cả cuộc đời mình cho Đấng Tối cao định đoạt. Đến cuối cùng, bác chết ở một đồn điền phương Nam, trong vòng tay của cậu chủ nhỏ Shelby.Cuốn sách này là một chứng nhân bất diệt, một đứa con hoang tàn của nỗi nhục nhã nơi xứ sở tự do.

“Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại cùng nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ.

Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày vùng đất hoang mạc Mississippi, bức bối vì hơi nóng của bất công và áp bức, sẽ chuyển mình để trở thành ốc đảo của tự do và công bằng”

_Martin Luther King_

Bạn đọc làm quen với một người tốt bụng

Ta có thể ví cuộc đời bác Tom như một địa ngục trần gian, nhưng người đàn ông ấy lại có cặp mắt của thiên thần. Vốn là một người da đen ít học, những bài tập đọc của bác chỉ gói gọn trong những bài thánh ca, trong những lời nguyện mà bác đọc lên ê a như một đứa trẻ. Nhưng chính sự thiếu sót ấy có lẽ đã giữ lại lòng nhân ái của bác trong chốn bộn bề. Cả một đời làm nô lệ, chết đi trong bó buộc, trong cái mác một “thằng da đen”; nhưng bác thật tỏa sáng, cao đẹp hơn bất cứ người da trắng nào. Mặc cho chân tay bị xiềng xích, nhưng trái tim bác đâu bị cùm gông. Ta còn có thể nhục nhã hơn không, khi chính con người lại thú vật hóa con người; và ta còn có thể ngạc nhiên chừng nào, khi mà lòng nhân đạo vẫn sinh tồn nổi sau ngàn chông gai.

“Những người khốn khổ ây, ai đã làm cho họ độc ác? Nếu tôi chịu khuất phục, tôi sẽ trở thành như họ, như hệt họ. Không, không thể được! Tôi đã mất hết, nào vợ con, nào gia đình, và một ông chủ tót nữa, ông ấy giá sống thêm được tám ngày đã giải phóng được cho tôi.. Tôi mất sạch. Nhưng tôi sẽ không chịu để mất thiên đường”.

Vương quốc của những tên buôn linh hồn

Châu Phi là cái nôi của loài người, nực cười làm sao khi lòng tham lại triệt tiêu lấy phần người. Băng qua Đại Tây Dương là những con tàu của những bi kịch tuyệt vọng, những đại dương kỳ thú hóa nghĩa địa tự nhiên, và lòng biển cao rộng chất chứa trăm ngàn thống khổ. Cập bến ở một xứ sở dung túng cho lòng tham, cho bất công ngập tràn như cỏ dại thì còn đường thoát nào nữa. Một đất nước sản sinh ra những tay buôn linh hồn, đất nước dửng dưng trước công lý và danh dự nay tráo đổi được bằng đồng đô la. Có ai định nghĩa được hạnh phúc của một người nô lệ, hay ta luôn mặc định sứ mệnh của họ nằm dưới gót giày những người Anglo Saxon. Cùng có cặp mắt, đôi tay, chiếc mũi và khuôn miệng, chảy trong huyết quản là dòng máu đỏ tươi. Sự khác nhau thật sự ở đâu mà hạnh phúc cũng phải khác biệt đến thế?

Một chủng tộc với lòng yêu sống mãnh liệt như cái nắng quê hương, một dân tộc hết mình tin vào Chúa nay lại bị gắn mác như một món tài sản không có hạnh phúc riêng. Quả thật có lẽ chính con người mới là kẻ thù đáng sợ nhất của chính mình. Đất đồn điền bông giờ đây không bón bằng phân, hay nước, mà là máu, mồ hôi và xác người nhân công.

Ở đâu có địa ngục, tất sẽ có thiên đường

Đâu đó trong đống hỗn độn này, vẫn có tình người, còn chút ánh sáng của tình yêu và hy vọng. Thứ tình yêu đa chiều ấy rào quanh cuốn sách, thỉnh thoảng đến rồi đi ngay lúc nó nảy mầm, nhưng dẫu sao lòng nhân đạo vẫn còn tồn tại và dư chấn nó để lại còn ám ảnh hơn cả cái chết.

Cô bé Evangeline như một làn gió mới thổi đến áng văn chương đầy bụi bặm này. Gặp cô bé, lần đầu tiên môi ta có thể mỉm cười, chứ không còn mím lại vì căm phẫn. Lần đầu tiên kể từ khi dấn thân vào câu chuyện, con tim ta tan chảy chứ không thắt lại vì nỗi xót xa. Chỉ có tình yêu mới chiến thắng được hận thù, chỉ có ánh sáng mới thắp sáng được màn đêm. Những người Mỹ với tấm lòng nhân ái như bé Eva, bà Shelby đến tác giả Stowe là viên kim cương giữa đám sỏi đá, vượt xa cái hẹp hòi dốt nát của toàn thể nước Mỹ đương thời.

Giống như “Nhật ký Anne Frank”, người dân da trắng vẫn dám đứng lên đấu tranh  cái chế độ khát tàn đầy rẫy nơi xứ sở mình. Mới hôm nay họ còn thấy tự hào khi được là con dân xứ Mỹ, ngày nay và mai sau chỉ còn nỗi nhục nhã cho cả một dân tộc. 

Khi con người khát khao quyền làm người

Bạn có nghe thấy tiếng tàu không? Đúng vậy, tiếng tàu trở về báo hiệu ngày về quê hương chuẩn bị cập bến, trong tim bạn ngập tràn hạnh phúc. Đáng tiếc thay, bạn vui mừng bao nhiêu, thì tim những con người nô lệ dưới khoang tàu càng tan nát. Trong đám người bị xiềng xích ấy, có những người vợ, người chồng không thể nhìn nhau lần cuối, có các bà mẹ run rẩy giữ chặt lấy con mình, và có những người con lai da trắng. Trên con tàu thủy đến bến bờ xa lạ, đã có bao nhiêu sinh mệnh vùi dưới lòng sông, đã có bao đứa con thơ bị cướp khỏi tay mẹ trong giấc ngủ, đếm sao xuể bao đức tin đã bị dập tắt.

Ta đã biết về những người con lai như George, Eliza; những đứa con sản sinh từ những cuộc tình đầy trái đắng. Trong tim họ, là những khát khao tự do, ánh mắt tóe lửa của người dân Phi châu và đầu óc sắc sảo của dân da trắng. Chính dòng giống da trắng ấy sẽ cuốn họ nổi dậy, đòi lại những quyền lợi bị chôn vùi vì dòng giống da màu.

“Tôi ưa thích dòng giống của mẹ tôi hơn dòng giống cha tôi. Đối với cha tôi, tôi chẳng hơn một con chó hay một con ngựa xinh đẹp mấy tí. Chỉ đối với mẹ tôi, tôi mới là một đứa con, một đứa con của một tấm lòng tan nát… Nếu  tôi có thể phát biểu nguyện vọng, tôi mong ước da đen hơn thế này, chứ không muốn được trắng hơn”.

Harriet Beecher Stowe 

Sinh ngày 14 tháng Sáu năm 1811 tại ngôi làng nhỏ Litchfield, Connecticut. Sinh ra trong một gia đình mục sư lỗi lạc, Stowe thấm nhuần tư tưởng đạo lý Cơ Đốc Giáo (dù sau này bà trở thành thành viên của Giáo hội Tân Giáo) và ghê tởm chế độ nô lệ đang cai trị Hoa Kỳ.

Bà qua đời vào ngày mốt tháng Bảy năm 1896  bên những người thương yêu. Tương truyền lúc sinh thời, Tổng thống Lincoln đã ngợi ca bà rằng “quý bà nhỏ bé châm ngòi cho cuộc chiến vĩ đại”.

Gấu Mèo

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Wed Mar 01, 2023 4:55 am

REVIEW "TÚP LỀU BÁC TOM": TIẾNG NÓI CỦA NHỮNG NÔ LỆ DA ĐEN

Lê Hồng Quang - bila

Trong cái tối tăm của số phận sáng lên vẻ đẹp con người. Trong cái lạnh lẽo của hoàn cảnh vẫn ấm áp tình yêu thương. Cho dù nước da họ có đen đúa, cho dù số phận của họ có khốn khổ thế nào thì họ vẫn mặc. Họ vẫn là những con người với vẻ đẹp tâm hồn không thể khuất phục.

“Túp lều bác Tom” - Harriet Beecher Stowe ra mắt độc giả năm 1852 đã trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trong thế kỷ 19, trong tuần đầu tiên phát hành, 5.000 bản đã được bán sạch, trong năm đầu tiên sau khi xuất bản, 300.000 bản được bán hết chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ mặc dù cuốn tiểu thuyết bị cấm tại các bang miền Nam nước này. Cuốn sách quan trọng đến mức, khi Tổng thống Abraham Lincoln gặp tác giả Stowe vào năm 1862 đã chào mừng bà bằng câu nói nổi tiếng: "Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại".

Điều gì đã làm nên thành công vang dội cho tác phẩm này? Hãy cùng tôi khám phá nhé!

Câu chuyện của nô lệ da đen.

“Túp lều bác Tom” kể về cuộc đời của nhân vật bác Tom vì gia đình ông chủ Senbi túng quẫn mà phải bán bác đi. Bác là một người trung thực, ngay thẳng, biết trọng danh dự. Nhưng cuộc đời bác là một chuỗi ngày đen tối và đầy tủi nhục. Bác phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này qua nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng, vì bảo vệ nhân phẩm của mình, bác Tom bị đánh chết trong một đồn điền trồng bông khủng khiếp ở miền Nam nước Mỹ, nơi chôn vùi bao cuộc đời lầm than của những người nô lệ da đen.

Nhân vật bác Tom là nhân vật điển hình cho những người da đen vào thời kỳ đó. Họ không có quyền của một con người mà bị coi là một món hàng hóa để buôn bán, đổi chác và bóc lột sức lao động. Đọc tác phẩm, người đọc không khỏi thấy đau đớn và xót xa thay cho những hoàn cảnh tội nghiệp ấy. Đó là anh Gióocgiơ vì thông minh, nhanh nhẹn mà bị ông chủ ghen ghét, đố kị rồi đọa đầy anh. Đó là chị Êlida tội nghiệp phải bỏ trốn trong đêm vì sợ gã lái buôn sẽ đem Hari bé nhỏ của chị đi. Đó là bác Xlô và đàn con sớm phải lìa chồng, lìa cha khi bác Tom bị bán đi…

Và còn rất nhiều, rất nhiều những số phận khác nữa. Họ đều bị chèn ép, chà đạp và bóc lột. Họ bị tước đi cái quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền là một con người. Vì đâu mà lại bất công như vậy? Chỉ vì họ là người da đen. Chỉ vì màu da mà quyết định cả cuộc đời của một con người?!! Đây không chỉ là một câu chuyện, mà đó còn là bản tố cáo xã hội bất công, một chế độ nô lệ tàn bạo, không nhân tính, không tình thương!

Trong cái tối tăm của số phận sáng lên vẻ đẹp con người. Trong cái lạnh lẽo của hoàn cảnh vẫn ấm áp tình yêu thương.

Cho dù nước da họ có đen đúa, cho dù số phận của họ có khốn khổ thế nào thì họ vẫn mặc. Họ vẫn là những con người với vẻ đẹp tâm hồn không thể khuất phục.

Chị Êlida, đứng trước cái nguy hiểm gần kề khi tên lái buôn đã đuổi tới nơi, chị đã chẳng nghĩ ngợi gì mà nhảy trên những tảng băng trôi để vượt sông. Vâng, là nhảy trên những tảng băng trôi. Nghe thật khó tin. Nhưng chị đã vượt qua sông bằng cách ấy. Sức mạnh thần kì nào đã giúp chị làm được điều ấy? Không gì mạnh mẽ hơn là tình mẫu tử. Vì thương con, yêu con mà chị đã là được những điều tưởng chừng không thể.

Sức mạnh con người luôn tiềm tàng chỉ chực chờ cơ hội để bộc lộ ra.

Rồi cả bác Xam, cậu bé Ăngdi đã tạo đủ mọi trò để câu giờ với lão buôn nô lệ Halây để lão không thể tìm được mẹ con chị Êlinda. Những điều ấy đều bắt nguồn từ tình thương yêu đồng loại, tình yêu thương con người.

Bác Tom, biết trước mình sẽ bị bán đi. Bác có giấy thông hành, bác hoàn toàn có thể bỏ trốn cùng mẹ con chị Êlinda. Nhưng bác đã không làm vậy, bác quyết định ở lại. Vì “nếu không bán bác, ông chủ sẽ phải bán tất cả gia tài và người để trả nợ’. Vậy nên bác thà chịu đựng một tương lai đen tối phía trước một mình còn hơn để những người khác, và nhất là vợ con bác phải chịu khổ. Và cả vì lòng trung thành với ông chủ Senbi của mình. Dù bị coi là tận cùng của xã hội, là nô lệ nhưng con người ấy vẫn tràn ngập tình yêu thương và những phẩm chất đáng quý. Và cũng chính vì bảo vệ nhân phẩm của mình mà bác phải chịu cái chết đầy đau đớn. Con người ấy thà chết chứ không chịu là một người xấu. Một con người thật đáng khâm phục biết bao!

Ở "Túp lều bác Tom", mỗi người đọc có thể tìm thấy đâu đó trong cái xã hội tối tăm ấy vẫn tràn ngập ánh sáng của tình yêu thương con người, nơi người ta sống trong chế độ nô lệ nhưng không bị nó làm hoen ố tâm hồn. Mỗi nhân vật đều có những vẻ đẹp tâm hồn đáng ngưỡng mộ, và tất cả họ vẽ nên một cuộc sống thanh bình đẹp đẽ với những con người có phẩm chất tốt đẹp và khao khát những điều bình dị mà sao thật khó khăn! Những người nô lệ, dù là thân phận nô lệ, họ vẫn có quyền hạnh phúc với thân phận của họ. Tuy nhiên, hiện thực tàn khốc vẫn ập đến không bỏ sót một ai, khiến chúng ta ngậm ngùi thương cảm trong xót xa.

Hãy thử một lần đọc “Túp lều bác Tom” để trở về một xã hội bất công và tàn bạo thời xa xưa của nước Mỹ, để đồng cảm với những tiếng lòng khao khát cháy bỏng được là một con người thực sự, là một con người tự do!

Nội dung: Hồng Hạnh - Bila Team

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Thu Mar 02, 2023 5:02 am

Linh Sơn – Cuộc hành hương tìm về quốc hồn của một nhà văn “lưu vong” Trung Quốc

Reviewsach

Linh Sơn của Cao Hành Kiện là túi bửu bối thu thập hàng trăm khuôn mặt cách ta ngàn năm trước trong lịch sử Trung Hoa. Con người với ngàn khuôn mặt vẫn cô độc trong cuộc hành trình tìm lại cái hồn dân tộc, tìm bản ngã của chính mình trên nền móng văn hóa Trung Hoa vững chắc.

Như một lẽ vô tình hữu ý của tạo hóa, giải Nobel Văn học năm 2000 rơi vào tay nhà văn Trung Quốc (quốc tịch Pháp) đã chưng cất chất ảo mộng viễn chi xa lìa hiện thực trần thế này. Có người nói Cao Hành Kiện là kẻ gặp thời ăn may, trung dung nhất thời bởi Linh Sơn vừa rất hiện đại trong bút pháp, bố cục khi các chương về “ta” và chương về “mi” đối xứng phi thường hoàn mỹ vừa mang quốc túy, hồn cốt, khí phách của dân tộc Trung Hoa. Nhưng thực tế, đây là một huy chương xứng tầm với người dũng sĩ can đảm đối diện với tấm thảm đinh của sự thực cuộc đời.

Ban đầu, chúng ta cứ tưởng Linh Sơn là một thiên tiểu thuyết còi cọc bởi tác phẩm hoàn toàn không có nhân vật (theo như chuẩn văn học là phải có tên họ, xuất xứ, hoàn cảnh,…) thậm chí cả cái bóng ảo mị. Nhưng không, chính những “thiếu sót” ấy khiến tác phẩm nhuốm một màn sương ảo ảnh cuốn hút những người say mê tiểu thuyết hiện đại. Từ những ấn dấu của các di tích có thực, thần thoại về Nữ Oa, Phục Hy,…đến thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Ngũ Tứ,…hoặc từ những ảo ảnh nông thôn đến núi tuyết mênh mông đều xuất phát từ chuyến đi kéo dài 10 tháng xuyên qua 15.000 km thung lũng Tứ Xuyên, trung tâm lục địa Trung Quốc của Cao Hành Kiện. Nó bắt đầu từ hiện thực, nhưng tuyệt đối không phải là hiện thực.

Với 552 trang viết, tác giả không đánh rơi bất kì một khuôn mặt thấp thoáng, lấp ló đâu đó thuộc dạng thiểu số. Và theo lẽ dĩ nhiên, Linh Sơn là một tác phẩm huyền ảo đặc biệt kén người đọc. Chỉ khi gặp phải người ưa thích chăm bẵm tâm hồn, ham kiếm tìm chân dạng của cuộc sống giữa ngàn vạn giấc mơ phù phiếm xa hoa của cuộc sống thì nó mới sống đúng với giá trị của nó.

81 chương là 81 kiếp khổ nạn đi cho trọn cuộc du hành xuyên qua sương mù thời gian, không gian để gom góp, khảo sát lại những mảnh vỡ biểu tượng, di chỉ ký ức, truyền thống văn hóa và lịch sử Trung Hoa. Hay còn được ví von như 81 anh em mà Suy Vưu dẫn đầu để đánh lũ ma quỷ hiện hình ở mọi nơi trên thế gian nhằm đem lại trật tự cho cuộc sống con người.

Linh Sơn sống với tầm vóc là một tiểu thuyết đa bội điểm nhìn, phân mảnh góc quay nhằm soi chiếu vào câu hỏi mang tính thời đại: “Ta” là ai, “ta” cần gì, “ta” phải làm gì. Đồng thời, Cao Hành Kiện đã góp phần đổi mới ngôn ngữ và cấu trúc tiểu thuyết hiện đại Trung Hoa qua một cốt truyện mờ hóa, theo kết cấu kép và lồng khung xâu chuỗi. Một cốt truyện siêu tiểu thuyết. Nơi mà trong đó có các cuộc đối thoại giữa những đại từ nhân xưng như sau:

Đại từ “ta”-cái tôi trong cuộc hành trình đi tìm vật lý.

Đại từ “mi”-cái tôi trong cuộc hành trình đi tâm linh.

Đại từ “nàng”-cái tôi nữ tính trong một cơ thể nam tính.

Tất cả dường như chung sống trong một con người bằng xương bằng thịt hoặc cũng có thể tất cả chỉ là hư vô. Có mà như không, không mà như có. Linh Sơn chỉ là một địa danh ở Trung Quốc hay là núi hồn mang ý nghĩ ẩn dụ là cõi tâm linh sâu thẩm bên trong con người do tác giả vẽ ra? Có lẽ nào khi càng nỗ lực tìm kiếm thì càng không thấy được Linh Sơn? Cuộc hành hương tìm lại quốc hồn của nhà văn trở nên vô nghĩa, hóa thành công cốc rồi chăng?

Để trả lời cho những câu hỏi trên xin hãy nhớ đến câu nói của André Malraux: “Một đời chẳng bằng cái quái gì nhưng chẳng cái quái gì bằng một đời”. Một đời ngắn ngủi nhưng quý giá vô ngần. Một đời cũng có thể vô nghĩa dẫu dài và rộng bao nhiêu. Bởi đâu phải ai cũng tìm được núi hồn của chính mình và giữa đường đời gồ ghề, chông chênh ấy, ta đi tìm một người ra hồn ở đâu ra?

Bản lai chân diện mục

Cao Hành Kiện là một nhà văn “lưu vong” ưa sử dụng văn chương lạnh (cách dùng của ông) khi muốn khai phá một chủ đề mới. Vì ông là người không “mặn mà” với đất nước của chính mình theo như Thẩm Tùng Văn từng nói. Nhưng khi đọc văn ông, ta như chứng kiến sự tái hiện lịch sử Trung Hoa ngàn đời trước một con mắt thâm thúy và khốc liệt hiếm thấy với hàng trăm nhân vật góp mặt.

“Bản lai chân diện mục” là một từ ngữ nhà Phật khi chỉ về trạng thái con người trước khi cha mẹ sinh, trước khi trời đất phân cách, trước khi bạn nhận người thân. Đó là bộ mặt không màu sắc, không hình thể, không tướng mạo trong cõi hư không. Với tôi, trong Linh Sơn với 81 bậc thang ngắn ngủi mà sâu sắc kia, nhà văn họ Cao đã lôi ra cho bằng được “bản lai chân diện mục” của đất nước Trung Hoa cách ta mấy nghìn năm lịch sử bằng một giọng văn lạnh nhạt đến mức không màu, màu vị, không chủ nghĩa.

Đọc Linh Sơn ta sẽ bắt gặp những khuôn mặt quen thuộc đen nhẻm, lầm lũi, lam lũ đang chật vật tìm chỗ đứng trong cuộc sống bề bộn thường nhật. Không phải nhân vật thuộc về bề nổi của cuộc sống mà thuộc về bề mặt trầm tích.

Đó là một con thỏ lông trắng, mắt đỏ, bạn của “ta” trong truyện nổi lềnh bềnh, nhớp nhúa trong hố phân.

Đó là con cún chết đuối trong sông qua làng.

Đó cũng là con gấu trúc đói mò về xin ăn giữa khuya khoắt rừng sâu…

Hẩm hiu, khốn nạn và rủi ro đến tận cùng.

Những loài vật ấy dù chỉ sống tạm bợ, tồn tại thoáng qua nhưng khiến cõi lòng mỗi chúng ta nhức nhối không kém gì nhân vật dẫn chuyện “ta”. Họ sống trong sự tù túng, cô đơn, mặc cảm đến tận cùng. Đồng thời, nhân vật “ta” cũng có những lúc cô đơn đến mức như những loài vật ấy.

Trong chương 10, nhân vật “ta” mắc kẹt trong khu vực trắc địa hàng không 12M ở độ cao hơn ba nghìn mét mà không có bản đồ, không có âm thanh, chỉ có sương mù phủ quanh. Trong chương 18, nhân vật “ta” nhận ra kính viễn vọng của trạm quan sát không thấy rõ được mặt của anh ta, mặt hồ hoang vắng, vào buổi chiều tối, trời lạnh giá và bùn thì ngập đầy chân không rút ra được.

Lúc đầu, “ta” có chút hoảng hốt nhưng “khi mạch máu thái dương đập mạnh, ta hiểu ra rằng tự nhiên đã chơi ta một vố, chơi khăm kẻ không có tín ngưỡng, không biết sợ hãi gì như ta”. Nhân vật “ta” bình tĩnh đến lạ với suy ngẫm triết học vô cùng vì anh ta phát hiện ra “không có tiếng dế rúc, cũng chẳng có tiếng ếch nhái kêu. Chắc đây là cái tĩnh mịch nguyên thủy đã mất hết ý nghĩa mà ta đang tìm kiếm chăng”.

Nó nói về việc đôi lúc cuộc sống sẽ đặt bản thân ta vào tình huống khẩn cấp, bức bách ta phải làm gì đó ngay lập tức để giải quyết vấn đề nhưng hãy bình tâm lại và đừng để lạc mất chính mình. Cao Hành Kiện là một người “vô chủ nghĩa” khi không hướng con người đến một cách giải quyết hợp lí mà chỉ xây dựng cốt truyện rối rắm, không đầu không đuôi, không theo trật tự logic nào như thế để người đọc tự có cách lí giải riêng của chính mình về bản thể, bản ngã hoặc cuộc đời của một ai đó xa lạ.

Ông viết về Đại Vũ, Nữ Oa, Chu Nguyên Chương, về “nàng”-nhân vật nữ mang nét man mát buồn mà đẹp lạ thường, về những con vật tưởng tầm thường đến mức không đáng viết nhưng đặc biệt nhất vẫn là nhân vật “mi” với câu nói “Thế giới này không dung nạp kẻ thông minh tuyệt đỉnh, nên phải điên mới hòa nhập vào cái hoàn hảo của thế giới”. Trong khi nhân vật “ta” mất hút giữa khu rừng sương mù bao phủ” thì nhân vật “mi” lạc lối trong “dòng sông đen ngòm”, “dòng sông chết”, “khu rừng nguyên sinh tĩnh mịch”. Nhân vật “mi” giác ngộ bởi tiếng chuông mong manh khi bước tới hồ băng còn nhân vật “ta” thì giác ngộ bởi tiếng chuông trên chùa Quốc Thanh trong chương 69. “Mi” như cái bóng của “ta”. “Mi” là hồi ức khó tháo gỡ của “ta”. “Mi” là sự phản tư đối lập với “ta”.

Có lẽ nhân vật “mi” chính là người bạn tâm linh vỗ về cõi lòng của nhân vật “ta” trong cuộc hành hương tìm đến Linh Sơn. Như một lẽ tự nhiên nhất của nhà văn lưu vong Cao Hành Kiện tìm về hồn cốt của quê hương đất Bắc chính mình vậy.

Linh Sơn – PhanbookQuốc họa một đời, núi đợi người tìm hồn về

Trong Linh Sơn, chúng ta luôn cảm nhận được con người sống với sự hoài nghi về giá trị bản thân, hoài nghi về thực tại, hoài nghi về lịch sử dân tộc đậm nét. Nhà văn họ Cao luôn đặt quan niệm về tính không logic khi sử dụng ngôn ngữ của mình là bởi vì “tôi chỉ muốn kể lại từ đầu bằng thứ ngôn ngữ vượt quá nhân quả và logic. Thiên hạ kể nhiều chuyện chẳng đâu vào đâu, tôi cũng có thể như thế”.

Đột nhiên, bỗng nhớ đến câu nói trong “Cơm thầy cơm cô” của nhà văn hiện thực phê phán Vũ Trọng Phụng: “Tiểu thuyết kể những điều mà loài người bảo là không có thật. Sự đời, trái lại, lại có những điều mà tiểu thuyết không dám tin”. Thế nên không một ai trong chúng ta trông rõ thực trạng của cuộc đời và tiểu thuyết nếu chỉ thông qua thứ ngôn ngữ thuộc về nhân quả và logic ấy. Đôi khi những sai lầm to lớn đều là do con người quá tỉnh táo mà sa vào. Tiểu thuyết là một sự khác với sự đời, là anh em sinh đôi nhưng khác trứng. Trong cuộc hành trình đi tìm núi hồn, ta buộc phải hoài nghi triệt để và tường tận những góc khuất, khía cạnh mà cả cuộc đời và tiểu thuyết từng hướng ta tin tưởng. Nhà văn lại quay về với địa vị chứng nhân, nghi ngờ sự thật được ghi chép và tìm ra cái chân thật nhất để trả nó về vị trí vốn có của nó.

Cao Hành Kiện đã vận dụng nhuần nhuyễn cả bút pháp Á Đông(bản thân ông là người họa sĩ vẽ tranh thủy mặc) và Phương Tây trong một bức họa nhuốm màu hoài nghi mang tên Linh Sơn mà không hề nuông chiều thị hiếu của độc giả trên toàn thế giới dù chỉ một chút. Với những cái “ta”, “mi, “nàng” luôn đóng cửa cài then tình tự với chính mình.

Vậy, vì sao bạn phải đọc Linh Sơn? Thật nực cười làm sao, bởi không một ai trên thế giới hỏi vì sao họ phải đọc Shakespeare cả.

Linh Sơn cần thời gian để chứng minh được tầm vóc và giá trị nhân văn vượt thời gian của nó. Có lẽ là mười năm, hai mươi năm, một trăm hoặc ngàn năm sau Linh Sơn sẽ trở nên bất hủ như Hamlet của Shakespeare. Điều đó thuộc về bánh quay của số phận. Mọi phán xét về tác phẩm đều chỉ là “thầy bói xem voi”, quy chụp về “thứ văn hóa Trung Hoa” đã được học thuật nâng lên làm kinh sách. Nhưng dù sao thì cũng đừng để mọi con chữ mất đi giá trị bất tử của nó chỉ bởi sự không kiên nhẫn của chính bạn. Hãy đọc Linh Sơn một lần trong đời để sống với phiên bản bản tốt nhất của chính mình trong thế giới màu nhiệm này.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Fri Mar 03, 2023 4:59 am

TIỂU LUẬN

Linh Sơn”: Huyền thoại núi thiêng

by Con Lợn Con

Tự bản thân Linh Sơn đã là một huyền thoại. Cái huyền thoại về một con người chấp nhận thân phận lưu vong để thoát ra khỏi thế giới của sự hà khắc, trói buộc và kiểm duyệt tinh thần, để rồi sau đó đã trở lại chói lói trong ánh hào quang với ngọn cờ chiến thắng trên tay biểu dương “sự vật lộn của con người cá nhân thoát khỏi lịch sử của số đông”[1]. Hoặc ít ra đó cũng là cách mở đầu của chín chín phần trăm những bài giới thiệu, phỏng vấn, tìm hiểu, tọc mạch vào tâm hồn con người này, một con người vừa là đại diện của cái phương Đông vẫn còn lạ lùng và giàu chất exotic, vừa lại là kẻ đã từ bỏ quốc gia hùng mạnh nhất phương Đông để đến với vòng tay rộng mở chào đón của phương Tây. Phải, công chúng phương Tây hâm mộ cuộc đời của Cao Hành Kiện lắm. “Dịch giả của Ionesco ở Trung Quốc, những tác phẩm gây tức giận cho chính quyền Cộng sản, nạn nhân của cách mạng văn hóa, người tỵ nạn chính trị và nhận giải Nobel trong tư cách một công dân Pháp”, mấy chi tiết ấy hình như có một sức quyến rũ kỳ diệu, thậm chí các câu phỏng vấn thích xoáy vào “thân phận lưu vong”, “nghệ sĩ mất tự do”, “khái niệm Tổ quốc”… hơn là quan tâm đến bản thân Linh Sơn, một tác phẩm khó chịu và khó đọc mà người ta cũng hầu như chưa từng để mắt tới trước khi nó được gắn tấm huy chương sáng lóa.

Nhưng thôi, hãy để cho Cao một mình tự xoay xở với những vinh dự kiêm phiền toái mà một người nổi tiếng, hơn nữa là một nhà văn nổi tiếng phải chịu đựng. Chúng ta hãy tập trung vào chuyên môn và hạn chế tối đa để khỏi bước ra ngoài giới hạn của giấy trắng mực đen, của Linh Sơn như một tác phẩm văn học chứ không phải như một đối tượng thời thượng của thói hiếu kỳ.

*

Linh Sơn xuất hiện trong một câu chuyện bâng quơ giữa một cuộc gặp gỡ bâng quơ, mà người đưa tin cùng với cái vỏ hộp thuốc lá bản đồ của anh ta đều một đi không bao giờ trở lại (phảng phất bóng dáng xưa kia của đứa bé áo xanh/đỏ/trắng/đen xuống dạy lũ trẻ một bài sấm ca rồi biến mất?). Linh Sơn có gì? “Hắn ta… kể mọi thứ tuyệt vời về Linh Sơn”, nhưng tác giả không cho ta biết cái “tuyệt vời” ấy là gì. Thế nhưng câu chuyện mơ hồ ấy lại trở thành mối bận tâm, đối tượng kiếm tìm của nhân vật suốt trong tác phẩm. Những tín hiệu đôi khi lại xuất hiện, tạo ảo tưởng Linh Sơn chỉ ở đâu đây gần lắm. Này hai chữ linh sơn kết thúc câu đối của đại sư phụ Trần Tiên Ninh. Này Linh Nham. Nhưng còn Linh Sơn thật ở đâu thì mãi vẫn chưa thấy, mà cũng chẳng ai biết. Câu chuyện nhờ đó mà biến thành huyền thoại. Thì chẳng phải đẹp nhất vẫn là những huyền thoại chỉ nối với hiện thực bằng một sợi dây mỏng mảnh, chẳng thể tin mà cũng chẳng thể không tin đó sao? Tảng đá kia là nơi ông tiên từng ngồi đánh cờ đấy. Bài ca này là của cụ tổ mấy đời truyền lại đây. Rất thực mà cũng rất ảo, Linh Sơn phủ bóng xuống câu chuyện một không khí như thế, không khí huyền thoại nửa thực nửa hư trong một thị trấn nhỏ miền núi, xa rời Nhà nước, nơi linh hồn cổ xưa chưa chết hẳn trước sự xâm lược của văn minh.

Nhưng để nói về cách tồn tại của huyền thoại trong Linh Sơn cũng không đơn giản.

Hãy nhắc lại một đặc điểm dễ nhận thấy của Linh Sơn: nếu tiểu thuyết “truyền thống” kể một câu chuyện với những quá trình thì Linh Sơn là một sợi dây để người kể xâu vào đó những hạt gì tùy thích, một sợi dây Sêhêrazat của những câu chuyện (nếu tạm quy ước mỗi câu chuyện là một tập hợp tương đối trọn vẹn các sự kiện về một đối tượng nhất định và ít hay nhiều tách khỏi bối cảnh trực tiếp của người kể). Trong những câu chuyện ấy có đến ba phần tư là truyền thu‎yết. Những truyền thuyết địa phương vẫn bảo tồn được dạng sơ khai, không bị “luân lý‎ giáo hóa làm cho ô nhiễm”, và người kể lại cũng không làm như Trang Chu tỉa xén chúng cho vừa vặn với ‎ý mình mà chỉ như ngẫu nhiên trên đường nhặt lấy những bông hoa buông vào giỏ. Mà lạ thay những truyền thuyết đều gắn với con người. Có ma thuật có phù thủy có hàng nghìn năm trước nhưng tất thảy đều gắn với những con người, không phải con người chung chung mà những số phận cá nhân sinh động và bi kịch. Các truyền thuyết đều kết thúc bằng bi kịch, bằng những cái chết, những đám cháy, những tan vỡ, suy tàn, ấy là cách nhìn của trí tuệ dân gian đơn giản nhưng sáng suốt? Cũng lạ thay tất cả đều được kể lại hết sức bình dị tựa như chỉ là những chuyện đời thường. Hãy nói đến tính đạo đức, tính luân l‎ý, đến khuyến thiện trừng gian. Tất cả những điều đó chẳng phải suy cho cùng chỉ là do mỗi người chú giải cố đau đầu tìm kiếm cho ra, mà mỗi người chú giải lại có thể đi tìm những ‎ý nghĩa rất khác nhau tùy xem cái lương tâm của mình bị ố bẩn chỗ nào. Lời nhận xét của câu chuyện ni cô và viên tướng quân cũng nói một điều gần gần như thế. Còn tự thân câu chuyện chỉ là câu chuyện. Nó đẹp ai oán não nùng hay tối bưng như hũ nút là tùy vào người đọc, Bá Nha cũng đành lắc đầu buông đàn để chú trâu lững thững bỏ đi.

Vậy ta hãy nói Cao Hành Kiện, hay nhân vật của ông cũng được, chỉ nhặt lấy những bông hoa mà mình thích và hy vọng người đọc cũng thích, hay đúng hơn ông cũng chẳng thèm quan tâm đến người đọc[2]. “Mi chỉ muốn dùng ngôn ngữ kể lại nó một lần nữa mà thôi.”

Thế nên nghe kể về Vách đá Oan hồn chúng ta chỉ nhớ đến những cô gái “tế nhị nhất, đa cảm nhất”, đến tình yêu kích thước trời đất đã xúi cô gái bỏ trốn theo người yêu rồi gieo mình xuống bến. Những kết thúc bi kịch không đưa lại yếm thế hay bức bối. Chỉ có cảm giác thấm thía về cái phi thường vượt ra ngoài những số đo nhỏ mọn sẽ không còn bao giờ trở lại, và cái đó, tôi muốn gọi là huyền thoại. Huyền thoại là ánh chớp chỉ lóe lên một lần rồi tắt.

Huyền thoại không chỉ là sản phẩm độc quyền của lịch sử mà có mặt cả trong những k‎ý ức riêng, nhất là những k‎ý ức tuổi thơ. Ai chẳng có một thời tuổi thơ lấp lánh như kim cương khi ta là hoàng tử công chúa và khu vườn nhà bên cạnh là vương quốc thần tiên. Mi đi tìm tuổi thơ mình ở bất cứ đâu và kể chuyện tuổi thơ với cùng một niềm say mê như kể những truyền thuyết địa phương, tìm an ủi trong cái kỳ diệu của nó cũng như trong những huyền thoại “thật sự”. Và huyền thoại cũng chẳng cần phải tồn tại trong một câu chuyện lớp lang. Có lúc ở giữa cuộc đời trần tục bỗng nhiên xảy ra một khoảnh khắc huyền thoại. Một bóng núi giữa trời bất ngờ giương cánh biến thành con đại bàng đầy đe dọa. Chỉ cần là một cảnh tượng mang đến thứ cảm xúc có thể làm thi sĩ bật ra bài ca siêu phàm hay trào nước mắt vì thấy mình bất lực. Ngôn từ bất lực. Cao không thử làm thi sĩ, ông đưa ta đến trực tiếp trải nghiệm những cảm xúc trinh nguyên không cần nói ra lời:

“Giữa các thân cây, hai con chim to màu xám bạc, lổ đổ, chân đỏ nhon nhón bước vội trên dốc. Ta nhè nhẹ tiến lên và lập tức bầu im lặng bị tiếng vỗ cánh phần phật phá vỡ.

Chim trĩ tuyết, hắn nói.
Không khí trong một lát hình như lại đông cứng lại, cặp trĩ tuyết xám bạc, lổ đổ, chân đỏ, đầy sức sống, hình như chưa từng tồn tại bao giờ, y như một ảo giác. Chỉ có rừng bất động mênh mông vô cùng vô tận, cái giây phút ta qua ở đây, thậm chí sự tồn tại của ta, với ta, xem ra phù du vô nghĩa.”

Cái thanh cao mức ấy không bao giờ trở lại, nhưng người ta cũng sẽ không thể nào quên.

Nhưng thế giới của Linh Sơn không chỉ có thế giới của Linh Sơn mà còn có thế giới đời thường. Những câu chuyện trong thế giới đời thường cũng thường kết thúc bi kịch. Nhưng không trong sáng như huyền thoại, những bi kịch đời thường đục ngầu, dữ tợn, làm người ta ngạt thở; huyền thoại luôn là những cái đã qua, còn đời thường không rũ bỏ được, ta vẫn phải tiếp tục trả nợ cho nó, ta chạy trốn đến thế giới của Linh Sơn, nhưng đời thường vẫn cứ bám theo ta, không thể gột rửa nổi, như vết tro đã vạch trên trán.

Huyền thoại là điều kỳ diệu, đời thường là cái quái thai không tài nào hiểu được.

Huyền thoại lung linh, đời thường trần trụi. Cô gái ngày xưa gieo mình xuống bến sông. Cô gái ngày nay sẽ trương phình và trôi dạt vào bờ, chỉ gợi ra sự kinh tởm và xua đuổi. Huyền thoại bị phủ nhận triệt để trong đời thường.

Huyền thoại đưa linh hồn lên cao trong giấc mơ, đời thường làm ta xấu hổ, nhục nhã về bản thân mình.

Đời thường có thể giết chết huyền thoại bằng nhiều cách.

Bản thân những huyền thoại đã kể nhiều về sự ngu dốt của con người, tất nhiên kể một cách huyền thoại, cái đẹp nhất chịu đựng sự phá hủy kinh khủng nhất. Ngôi chùa cổ nổi tiếng chết cùng một ngày với nhà sư vì hai đồ đệ đã để dục vọng che mờ Phật pháp. Dinh cơ trong đêm hôn lễ tưng bừng bốc cháy. Người thợ tài hoa nhất tự hủy hoại bản thân mình vì hành động vô lương. Chẳng phải huyền thoại đã cảnh cáo trước ư? Nhưng con người vẫn tiếp tục nhắm mắt mù quáng mà đi tới thời đại mới.

Hãy nói đến sự ấu trĩ của cả một thời đại. Mười năm Cách mạng văn hóa đã để lại những vết sẹo sâu trong lòng dân tộc Trung Quốc. (Đến bây giờ chúng ta vẫn phải tiếp tục trả giá cho nó, không chỉ riêng có Trung Quốc; phương Tây vẫn tiếp tục xỉa xói vào đó như là bằng chứng sự ngu dốt của những người ôm tư tưởng cộng sản trong lòng. Nhưng thôi hãy quay lại với văn học.) Cách mạng văn hóa cũng sinh ra những câu chuyện của mình. Cũng bi kịch của những số phận cá nhân bị nghiến nát. Nhưng chúng không có khả năng trở thành huyền thoại, huyền thoại còn cho ta những cảm xúc trong sạch, những câu chuyện này chỉ là cho người ta ngạc nhiên và phẫn nộ, chúng không có cái đẹp của huyền thoại mà lại tầm thường đến mức đáng tức giận, chúng gây hậu quả còn hơn cái thời người ta nhân danh Đạo l‎ý của giai cấp thống trị mà đàn áp con người, tệ hơn nữa, chúng nhân danh những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân để phá hủy người dân.

Nhưng thực ra Cách mạng văn hóa chỉ là một điển hình. Từ quá khứ đến hiện tại, cùng lúc xây dựng và lưu truyền huyền thoại, người ta cũng xói mòn huyền thoại.

Có cách giết chết những huyền thoại của quá khứ, phần lớn do sự ngu dốt của con người. Nền văn hóa đồ sộ mà nhân dân Trung Quốc rất lấy làm tự hào bị sứt sẹo đi nhiều miếng lớn. Trong Linh Sơn nhan nhản những phế tích, phế tích vật chất và cả phế tích tinh thần. Những mảnh kiến trúc, những mảnh bài ca, những mảnh phong tục. Chấn thương nặng trên quan hệ người – người. Người ta cũng có thể dựng lại một công trình, nhưng ai sẽ trả lại những bài hát của ông tu sĩ già vừa mới qua đời, sẽ tìm lại những chữ khoa đẩu trên hòn đá đã nổ tung để lấy chỗ cho một cây cầu mãi mãi không xây được?

Lại có những huyền thoại chết yểu trước khi được sinh ra. Câu chuyện cũng thật là cổ điển. Chàng với Nàng kỳ ngộ ở một nơi sơn thủy hữu tình. Truyện cổ tích sẽ nói họ yêu nhau lấy nhau và hạnh phúc đến cuối đời với một đàn con. Huyền thoại sẽ nói họ yêu nhau rồi nàng bay về trời để cho chàng ngẩn ngơ nhớ tiếc. Còn hiện thực nói nàng mời yêu, khát yêu, chủ động yêu nhưng chàng quay đầu bỏ chạy. Có khi vì sợ, có khi vì thương, nhưng xét cho kỹ là vì ích kỷ. Vì không muốn mất tự do, vì sợ phải đèo bòng, sợ trách nhiệm với người hoặc với chính lương tâm mình. Đấy là con người ở thời đại “đã đánh mất sự ngây thơ” (Umberto Eco), không còn chỗ cho phiêu lưu, cho say đắm bất chấp ngày mai nữa, là sự thất bại của tình cảm với l‎ý trí tỉnh táo và tính toán. Không phải lý giải của tôi, đây là kết luận hiển ngôn của Cao Hành Kiện: “cái trầm trọng nhất chính lại là trái tim ta đã già nua, ta không thể yêu cuồng yêu điên lên mà không nghĩ tới bất kỳ cái gì. … Cho dù ta tìm kiếm khoái lạc trong chốc lát, ta cũng sợ phải gánh vác trách nhiệm.. Thế giới ấy, như một truyền kỳ cổ xưa, quá là xa vời với thế giới của ta.” Tình huống này không chỉ có một lần trong tác phẩm; lại kể tiếp ngay một câu chuyện về mối tình tự nhiên của đôi trai gái miền núi, nó càng nghiêm trọng hơn; l‎ý trí tưởng như đã chiến thắng, nhưng đó chính lại là thất bại của lý trí.

Còn con người làm gì trong thế giới huyền thoại và đời thường ấy? Với Cao, huyền thoại xuất hiện để làm gì?

Cũng phải nói thêm một chút về vị trí của huyền thoại trong Linh Sơn.

Sự trở lại của huyền thoại trong văn học thế kỷ XX là một đề tài đã cũ. Khi đưa huyền thoại vào trong tác phẩm của mình, hình như Cao cũng chỉ đi theo cái trào lưu đã lan tràn qua cả Âu Á Mỹ Latinh này.

Nhưng thực ra nó khác hẳn.

Thế giới trong Kafkaz, Marquez hay cả Mạc Ngôn là người cùng thời cùng nền văn hóa với Cao là một thế giới thực tại được nhúng ngập trong chất hoang đường. Những chuyện kỳ dị nhất xảy ra nhưng vẫn theo logic đàng hoàng và vẫn bắt cả nhân vật, cả người đọc chấp nhận rằng nó xảy ra trong bối cảnh thực tại. Chính vì thế người ta nói đến một chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo.

Trong Linh Sơn thì ngược lại. Có một, cứ tạm gọi là như thế, mạch chính của câu chuyện trong một bối cảnh thực tại. Còn tất thảy các câu chuyện đều được kể lại, hoặc nhớ lại qua hồi ức, và thời gian trở thành một ranh giới thật rõ ràng. Tác giả như muốn khẳng định: huyền thoại không dính dáng gì đến đời thường hết.

Mặt khác, theo như quy ước của tác phẩm, tất cả cuộc đi của mi và của ta đều có thể chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. “Ngay ta cũng không làm rõ được trong kỷ niệm của ta và ấn tượng của ta có bao nhiêu phần là mộng mị, thì làm sao mi lại có thể phân tách ra được kinh lịch và tưởng tượng của ta cơ chứ?” Nếu không thì làm sao giải thích được những câu chuyện, bất chấp logic hình thức, có bắt đầu mà không có kết thúc, đơn giản như những lần ta lạc giữa sương mù, giữa đầm lầy mà không biết được lối ra ở đâu?

Chỉ có thể giải thích, giống như phép ẩn dụ của Phật, hay của Trang Chu, ấy chỉ là những câu chuyện mang hình thức ít nhiều huyền thoại để diễn đạt cảm giác về bản thân, khi Cao đã chán nói thẳng toẹt ra những ‎ý nghĩ của mình.

Ví dụ như, quay lại những lần đi lạc, ta chỉ đi lạc những lúc cố tách ra khỏi con người, và đến lần thứ ba thì lạc hẳn, lạc xuống địa ngục, không còn cách nào thoát ra được. Nhưng nếu Cao đã phải dùng đến hình thức huyền thoại, thì chúng ta cũng cứ chấp nhận nó như là một huyền thoại, có được không? Phiên dịch giữa các ngôn ngữ của thực tại cũng đã tam sao thất bản, tội gì phải dùng cách phiên dịch ngụ ngôn nó làm tầm thường văn chương đi. Huống chi Cao lại là người ghét tư biện, ghét ngụ ngôn, và hiển nhiên bản thân cũng đã gặp không ít phiền toái vì các tác phẩm của mình bị đọc theo cách phiên dịch.

Như vậy đồng ‎ý rằng huyền thoại chỉ là phương tiện để diễn đạt, ta hãy quay lại xem cả hệ thống huyền thoại ấy nói gì.

Có lẽ cần nhắc lại vài lời về những con người đã đến tụ hội ở Linh Sơn.

Cao sinh ra “Ta” để vợi bớt những đêm dài cô đơn 1982[3].

Ta sinh ra “mi” để đối thoại, hay đúng hơn là để quan sát, miêu tả, hy vọng nhờ đó mà hiểu được mình [4].

Mi lại sinh ra “nàng” vì không chịu nổi chặng đường dằng dặc đi tìm Linh Sơn mà không có bạn đồng hành.

Cả ba đều có cuộc tìm kiếm riêng của mình. “Khi mi đang tìm kiếm con đường đưa tới Linh Sơn thì ta.. ta tìm kiếm chân l‎ý.” Còn nàng có lẽ là đi tìm một cách giải thích để dứt khoát, chịu đựng hoặc rời bỏ, cuộc sống của mình. Nhưng cuộc sống của nàng chẳng qua là do mi gán cho, và cả chuyến đi của mi cũng chỉ là do ta tưởng tượng.

Nhưng với người đọc bình thường những tầng lớp ảo giác này có thể gây lúng túng. Mà chính Cao cũng đã phải vội vàng chú thích thêm rằng tất cả chẳng qua chỉ là bộ mặt của một ta. Vậy ta hãy theo Cao mà gọi tất cả những ta, mi, nàng, hắn bằng một chữ Người duy nhất, cái Người có thể đại diện cho bất cứ ai trong cuộc sống.

Vậy huyền thoại của Linh Sơn là huyền thoại về một cuộc kiếm tìm. “Mi đi tìm Linh Sơn, ta đi tìm chân l‎ý.” Cả hai đều đẹp đẽ như nhau. Và cùng xa vời không thực như nhau. Biết ở chốn nào mà tìm đến bây giờ?

Mặt khác, con đường của mi và của ta, càng đi xa thì càng tiếp cận. Mặc dù mi chỉ quanh quẩn bên trong cái thị trấn nhỏ Ô Y, còn ta, ta ngang dọc khắp vùng Tây Tạng theo sông Trường Giang rồi trở về với đô thị náo nhiệt, Thượng Hải, Bắc Kinh. Đi tìm Linh Sơn chẳng qua cũng chỉ là đi tìm chân l‎ý. Trí giả nhạo sơn, nhân giả nhạo thủy. Mà trí là để thức. Thức gì? Chẳng qua là thức cách sống làm người.

Như đã nói, trong những bi kịch huyền thoại có một phần lớn là bi kịch của những số phận đơn lẻ. Con người không đứng vững được trong những lớp thời đại cứ xô đẩy nhau như những lớp sóng dồi. Từ thời phong kiến đến lúc có chính quyền nhân dân, con người cũng chưa từng được sống yên bình. “Thời kỳ đại trị thái bình lớn là hiếm.” Trên con đường của mình ta cũng không đi tìm kiếm một thứ chân l‎ý phổ quát, một thứ chân l‎ý sáng chói trên đầu mọi con người, dắt dẫn một dân tộc, một quốc gia, một thứ chân l‎ý có nhãn hiệu. Ta chỉ đơn giản đi tìm một “hạo sơn”, một chân l‎ý nhỏ bé khả dĩ yên ổn được cái cuộc đời của một con người nhỏ bé là ta.

(Tôi nghĩ đây không phải là thứ chủ nghĩa cá nhân mà có những người muốn gán cho Cao, cũng không phải “sự vật lộn của con người cá nhân thoát khỏi lịch sử của số đông”. Cao không có ‎ý định đối lập cái ta/mi/nàng/hắn với cái “chúng ta”, ông chỉ ghê sợ cái “chúng ta” đã kiểm duyệt đến cả những ý nghĩ của cá nhân trong cái thời chưa xa vắng đó, bắt cá nhân phải im giọng nói của “tôi” để nói theo ý nguyện của “chúng ta” [5]. Cao không cần đứng lên thách thức cả xã hội mà chỉ đơn giản muốn được “yên ổn”, muốn tự do nghĩ cái điều mình muốn và nói cái mình nghĩ cho dù đúng hay sai.)

Trong một thời đại mà mọi thứ l‎ý tưởng như “Tôi đổ máu vì Hiên Viên” đều không thể làm điểm tựa được nữa, con người lại quay về với cái cô đơn muôn thuở của mình. Chẳng có ai giúp nó được cả, tự nó phải giúp mình thôi.

Quá trình tìm kiếm ấy cũng được thực hiện triền miên từ huyền thoại này qua huyền thoại khác, mà chẳng qua cũng chỉ là tìm trong nội tâm mình – chẳng phải mi vẫn kể cho nàng những sự tích vừa chợt đến trên đầu lưỡi đó sao? Người đi tìm thì ngơ ngác, người giải thích đều có vẻ như thông thái. Nhưng có lẽ ai thì cũng như ai thôi. Chẳng phải với nàng mi cũng tỏ ra thông thái đấy sao?

Rốt cuộc thì trong Linh Sơn chỉ có một lớp người có vẻ như đã tìm ra bí quyết cuộc sống của họ. Đó là những nhà tu hành. Họ hình như không có quá khứ, hoặc quá khứ không còn là một bộ phận hữu cơ của họ, họ đã tách khỏi quá khứ, dửng dưng nhìn ngắm nó bằng con mắt của người ngoài. Những người này, nhà sư hay đạo sĩ, những người mà ta hay mi đã gặp trong cuộc đời thật, họ đều tin tưởng vào Đạo, con đường của mình. Họ thanh thản, yên bình, tĩnh lặng.

Nhưng ta-mi lại không tiếp nhận được đạo lý của họ. Ta bỏ trốn khỏi đạo quán. Ta từ chối triết l‎ý của nhà sư. Ta cũng ngoảnh cổ khỏi cô gái đã tự tử dưới bánh tàu hỏa. Dù theo cách nào đi nữa, chạy trốn cũng không thể là giải pháp. “Tôi tuy không có mục tiêu nào rõ rệt nhưng cứ là không thể từ bỏ được. – Từ bỏ cái gì? – Thế gian.” “Ta còn yêu đắm say thế gian này, ta chưa sống đủ.”[6]

Hắn tìm một cái chìa khóa. Đấy là câu chuyện được kể ở chương 62. Để tìm chìa khóa hắn ta đã xới tung tất cả lên và cuối cùng không chịu nổi sự lộn xộn hắn bỏ ra ngoài. Hít thở không khí, đi dạo và ngạc nhiên nhận ra những người khác, như mình trước đây, chỉ biết mù quáng lao về phía trước mà không biết cách đi chậm lại mà hưởng thụ.

Cuối cùng hắn vẫn quay lại căn phòng và tìm thấy chìa khóa.

Chỉ cần thêm mấy chữ “cuộc đời” vào đoạn tóm tắt trên là ta có thể có một hình dung mới (như người ta thường nói, nâng cao về chất) về điều Cao có thể đã định nói. Nhưng e rằng như thế lại rơi vào phiên dịch.

Rốt cuộc thì vẫn là quay về với con người, và có lẽ đấy là kết luận quan trọng nhất. Chân l‎ý là gì thì chưa rõ, ở đâu thì chưa biết nhưng biết chắc là không thể thoát ly được cuộc sống con người.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa hết.

Nếu tin lời Cao thì ông viết Linh Sơn nhằm hai mục đích: “Cuốn sách này có hai tầng nghĩa: một là để tìm và hiểu chính mình, và thứ hai là tìm hiểu nguồn gốc của nền văn minh văn hóa Trung Hoa.”[7]

Cao Hành Kiện đi tìm nguồn cội của văn hóa Trung Quốc. Bản thân chối bỏ quốc tịch Trung Quốc, chối bỏ “chúng ta”,  chối bỏ “Tôi đổ máu mình..” như một cách chối bỏ hệ tư tưởng mà từ đó mặt khác đã sinh ra Cách mạng văn hóa và Thiên An Môn, Cao vẫn đi tìm nguồn cội văn hóa Trung Quốc hay nói cách khác, tâm hồn Trung Quốc. Mâu thuẫn không? Không. Vì Cao không đi tìm với tư cách một nhà văn, nhà trí thức đang đi tìm để nghiên cứu cách bảo tồn lại cho kho tàng nhân dân Trung Hoa. Cao chỉ giống một người đi du lãm, như đã nói, tham lam hái những bông hoa để giữ lấy cho mình. Cao là con người đang tìm hiểu thế giới chứ không phải một công dân với Tổ quốc. Và nếu có khao khát tìm ra câu trả lời về nguồn gốc văn hóa Trung Quốc thì cũng chỉ để thỏa mãn một nỗi tò mò có tính cách thẩm mỹ rất riêng tư mà thôi. Nhưng thôi đấy lại là việc khác.

Ta-mi cũng thực hiện chuyến đi này qua các huyền thoại. Dĩ nhiên ta không ấu trĩ đến mức lục những bài ca những câu chuyện đem bày ra rồi chỉ vào đó mà bảo đó là tâm hồn Trung Quốc cần gìn giữ. Những mảnh huyền thoại chắp vá lại phản ánh một thế giới mộng mị, hư ảo, là một người thông minh, ta thừa hiểu con người không thể nằm lì ở đó khi thời đại đã khác và nhận thức con người đã đi lên.

Nhưng cái thế giới mộng mị ma quái đầy chết chóc ấy hình như còn không đáng sợ bằng cái thế giới phản ánh trong một chắp vá khác: chắp vá các câu chuyện thời hiện đại mà Cách mạng văn hóa là tiêu biểu. Sự dốt nát trong thời đại mới còn tác hại gấp mười trong thời đại cũ. Điều này chúng ta đã nói rồi.

Lời giải của tôi là: Con người của thế giới mới quá tin vào sức mạnh của l‎ý trí, của khoa kỹ đến mức khinh nhờn thượng đế, coi rẻ linh hồn [8]. Nó ngỡ có thể vạch kế hoạch mà bắt tâm hồn vào khuôn khổ, mà quên rằng tâm hồn con người vốn là một thứ vô cùng mong manh dễ vỡ. Chính vì thế mà con người bị bỏ rơi, đất nước bị bỏ rơi. “Người ta không tôn thờ những thứ cần tôn thờ nữa, chỉ tôn thờ những cái ba lăng nhăng! Một đất nước vô hồn đến thế này! Một dân tộc đã đánh mất hồn của nó!” Chỉ có thể giữ lại tâm hồn dân tộc nếu bỏ thói kiêu ngạo xuẩn ngốc ấy mà biết hòa hợp giữa l‎ý trí với tâm linh. Cao cũng tìm ra Công Hiền trong thế giới những thiên tài cổ đại và nêu ông như một tấm gương sáng “Ông căn bản không nghĩ chống lại cái hồ đồ bằng cái được gọi là l‎ý trí, ông đã rút rất xa sang một bên, ngập chìm vào trong cõi mộng sáng láng.” Nhưng tấm gương này chỉ có thể cho cá nhân soi.

Dĩ nhiên, mỗi người đều có thể có cách giải thích riêng. Cũng có thể bản thân Cao không muốn chúng ta đi tìm một lời giải thích nào cả. Trong các cuộc phỏng vấn, Cao từ chối khái niệm bản sắc văn hóa: “Người Hoa đã sống tùy thuộc quá mức trong vùng giới hạn văn hoá của mình. Làm như họ đã tự ấn định một điều kiện nghiêm nhặt lên chính họ rằng họ phải cưu mang một bản sắc Trung Hoa trên mỗi đời sống. Đối với riêng tôi, văn hoá Trung Hoa nhìn chung chung không chứa đựng ý nghĩa gì. Tôi không là một người viết sử, tôi là một kẻ sáng tạọ; những kẻ sáng tạo không cố gắng đeo cứng vào một quan điểm đặc thù Trung quốc. Dĩ nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa tôi bác bỏ tôi là một người Hoa. Tôi là người Hoa và sẽ mãi là người Hoa. Tôi mang những dấu ấn văn hóa Trung Hoa, nhưng quan trọng không phải là những dấu tích Trung Hoa bên trong tôi mà là những gì sau cùng có thể tìm thấy trong các tác phẩm của tôi. Quan trọng nhất là đời sống sáng tạo của cá nhân tôi như một người cầm bút, và hiện hữu của tôi như một con người.”[9]

*

Câu chuyện huyền thoại Linh Sơn vẫn có một hồi kết, và là một hồi kết tích cực nhưng không lạc quan.

Linh Sơn ở bên này sông? Ở bên kia sông? Ở bên kia Ô Y. Luôn ở bờ sông bên kia… Có phải ông lão muốn nói cái đích ấy, cứ gọi là Linh Sơn, cứ luôn luôn “ở  bên kia sông”, không thể nào tới được?

Trong cuộc đi cuối cùng mi đã chìm ngập vào không gian phi thực, bỏ lại đằng sau những con người, từ những người bình thường, một đứa bé không biết nói, một ngôi làng chết. Rồi cô gái, người bạn đường cuối cùng mà mi đã tự nghĩ ra mi cũng bỏ lại nốt. Mi chỉ còn lại một mình đi tới đích và khi đó cũng là khi mi ngừng sống.

Điều đó có nghĩa cái Linh Sơn kia rốt cuộc cũng chỉ là hư ảo? Là không thể đạt đến?

Là ta chỉ cần mi trong công cuộc kiếm tìm? Còn khi đã kiếm được rồi thì mi cũng không còn l‎‎ý do tồn tại?

Hay có thể giải thích rằng khi ấy là con người đã thủ tiêu được cái tôi xấu xí, cái phân thân đáng ghét, để đạt tới trạng thái yên bình cho bản thân mình?

Cao Hành Kiện có lẽ cũng không chờ chúng ta tìm ra đáp số. Linh Sơn không phải một hai ngày mà nói được xong.

Nếu có gì cần than phiền thì chỉ có thể nói đây là một tác phẩm hơi lớn. Viết cho mình, Cao đã đưa tất cả k‎‎ý ức, suy tư, ghi chép vụn vặt vào, tất nhiên bên cạnh văn chương, làm cho nội dung của nó phình ra so với kích cỡ của nó. Tác phẩm này không phải để đọc từ đầu đến cuối, có thể đọc nó tùy theo ‎‎ý muốn của mỗi người muốn tìm ra ở nó điều gì.

Muốn hiểu được Linh Sơn có lẽ phải tìm cách giải mã từng huyền thoại nhỏ trong cái tổng thể của nó, một bài viết nhỏ thế này không cách nào làm được.

Và kể cả như thế chắc cũng không hiểu được Linh Sơn. Bởi vì Linh Sơn là Cao Hành Kiện, là (*) cuộc đời Cao Hành Kiện. Có lẽ để tới gần được một điều như thế, mỗi người phải tự viết lấy tiểu thuyết của chính mình.

[1] Diễn văn trao giải cho Cao Hành Kiện của Hội đồng Nobel.

[2] “Văn học đầu tiên nẩy sinh từ sự cần thiết của nhà văn làm tròn vẹn chính mình, còn có hiệu quả hay không với xã hội thì là chuyện sau khi tác phẩm đã hoàn thành. Thêm nữa, hiệu quả đó ra sao cũng không do ý nguyện của nhà văn mà quyết định.” – “L‎ý do của văn học”, diễn từ nhận giải Nobel của Cao Hành Kiện.

[3] “Khởi nguyên của Linh Sơn là tôi muốn viết một cuốn sách cho chính tôi. Buổi ấy, dù là tôi đã tự áp đặt những giới hạn nghiêm nhặt cho bản thân ở nhiều tác phẩm, thì chúng vẫn gây khó cho tôi về mặt chính trị. Tôi viết Linh Sơn để bày tỏ tôi một cách tự do, tôi không nghĩ một cuốn sách như vậy sẽ được xuất bản trong buổi tôi còn sống, và tôi không từng bao giờ có ý nghĩ sẽ định cư ở một nước Tây Phương.” – “Cao Hành Kiện: Hành trình một ngày dài” – Trò chuyện với Leslie Zhao năm 2000 ở Sydney.

https://damau.org/42846/cao-hanh-kien-hanh-trinh-mot-ngay-dai

[4] “Sử dụng “mi” tạo ra đổi thoại. Và tôi dùng ngôi thứ ba là để tạo ra chút khoảng cách.” – Cao Hành Kiện trả lời phỏng vấn David Der-Wei Wang ngày 26/2/2001 ở New York.

https://asiasociety.org/conversation-gao-xingjian

[5] “Ở đây, tôi muốn nói là văn học cũng chỉ có thể là tiếng nói của cá nhân, mà vốn xưa nay vẫn thế. Văn học một khi uốn thành tụng ca của quốc gia, kì xí của dân tộc, miệng lưỡi của chính đảng, hoặc phát ngôn của một giai cấp hoặc một tập đoàn, cho dù có thể vận dụng thủ đoạn tuyên truyền, mở rộng thanh thế, rợp trời kín đất chi nữa, cái loại văn học đó cũng chôn vùi mất bản tính, không thành văn học, mà biến thành công cụ của quyền lực hoặc lợi ích.” – “L‎ý do của văn học”, diễn từ nhận giải Nobel của Cao Hành Kiện.

[6] “Trong chuyến đi ông đã gặp một đạo sĩ mà, cách nào đó, đã từ xã hội trốn đến với thiên nhiên. Đã bao giờ ông tự thấy mình có thể theo con đường đó chưa? – Tôi đã từng muốn thế, nhưng dưới chế độ cộng sản điều đó là bất khả. Trong lúc viết Linh Sơn tinh thần tôi quả thật đã rơi vào trạng thái đó, và tôi cứ viết như vậy cho đến khi sự kiện Thiên An Môn xảy ra và tôi cảm thấy mình cần phải chấm dứt tình trạng này để trở lại với xã hội.” – Trả lời phỏng vấn ngày 29/10/2000.

[7] Trả lời phỏng vấn ngày 29/10/2000.

[8] “Con người thường tin rằng bản thân mình cũng là một nhà sáng tạo, như Thượng đế. Điều này càng đặc biệt đúng với giới trí thức, và trong thế kỷ vừa qua, trí thức thường có thói quen quên rằng họ cũng như mọi người khác.” – Trả lời phỏng vấn David Der-Wei Wang ngày 26/2/2001 ở New York.

https://asiasociety.org/conversation-gao-xingjian

[9] Cao Hành Kiện: Hành trình một ngày dài – Trò chuyện với Leslie Zhao năm 2000 ở Sydney.

https://damau.org/42846/cao-hanh-kien-hanh-trinh-mot-ngay-dai

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by LDN Sun Mar 05, 2023 5:12 am

Vietsciences- Phạm Văn Tuấn    

Cao Hành Kiện, nhà Văn Trung Hoa Lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương Năm 

1/ Sơ lược về Giải Thưởng Nobel Văn Chương.

Giải Thưởng Nobel Văn Chương được trao tặng hàng năm cho một tác giả thuộc bất cứ quốc gia nào đã sáng tác ra một tác phẩm xuất sắc nhất với nội dung mô tả cuộc sống của con người cùng với một lý tưởng cao đẹp. Tác giả đoạt giải là do tất cả công trình văn học nhưng thường khi một tác phẩm của tác giả được dẫn chứng và cơ quan cứu xét việc tặng Giải Văn Chương là Hàn Lâm Viện Thụy Điển (the Swedish Academy) đặt trụ sở tại thành phố Stockholm.

            Các Ủy Ban Nobel xét giải thông thường gồm từ 3 tới 5 nhân viên, ngoài ra còn có các chuyên gia am tường từng phạm vi học thuật để giúp đỡ Ủy Ban. Các Ủy Ban này cứu xét các ứng viên tranh giải rồi gửi đề nghị tới các cơ quan tặng giải. Sau khi cân nhắc cẩn thận các lời đề nghị và các ý kiến khác nhau, cơ quan tặng giải sẽ bỏ phiếu để chọn lựa cuối cùng rồi sau đó công bố người lãnh giải. Việc tranh luận và bỏ phiếu được giữ kín và các quyết định tặng giải không thể được xét lại.

            Vào mùa thu của năm trước kỳ tặng giải, các Ủy Ban Nobel gửi các thư mời tới các cơ quan tặng giải, các nhân vật đã đoạt giải thưởng trước kia và các giáo sư am tường các phạm vi học thuật thuộc một số trường đại học. Ngoài ra, các ứng viên của Giải Văn Chương Nobel có thể được đề nghị do các Hàn Lâm Viện Văn Chương hoặc các tổ chức uy tín. Các ứng viên này được chọn lựa trong vòng bí mật trước ngày 1 tháng 2 của năm tặng giải rồi sau đó, các Ủy Ban Nobel và các chuyên gia lại họp bàn nhiều lần để đánh giá sự xứng đáng của các ứng viên, rồi vào tháng 10, sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng, các nhân vật đoạt giải được công bố trên báo chí. Vào năm 1948, trị giá của mỗi Giải Thưởng Nobel là 32,000 Mỹ kim nhưng tới năm 1997, trị giá này tăng lên tới 1 triệu Mỹ kim. Các Giải Thưởng Nobel được coi là giá trị nhất trên thế giới.

            Từ năm 2000, các nhà văn, nhà thơ sau đây đã lãnh giải thưởng danh dự bậc nhất này:

Năm 2000    Cao Hành Kiện (Gao Xingjian)    gốc Trung Hoa, quốc tịch PhápNăm 2001   Vidiadhar Surajprasad Naipaul    gốc Trinidad, quốc tịch Anh.Năm 2002    Imre Kertész  nước Hungary.Năm 2003    John Maxell Coetzee   nước Nam Phi.Năm 2004    Elfriede Jelinek nước Áo.Năm 2005:   Harold Pinter nước Anh

            Các nhà văn, nhà thơ nữ đã lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương kể từ đầu thế kỷ 20 gồm có: Selma Lagerlof, Grazia Deledda, Sigrid Undset, Pearl S. Buck, Gabriela Mistral, Nelly Sachs, Nadine Gordimer, Toni Morrison, Wislawa Szymborska và Elfriede Jelinek. Ngoài ra là các nam văn nhân.

            Nhiều nhà văn, nhà thơ danh tiếng trên thế giới với các tác phẩm xuất sắc, với giá trị văn chương lâu dài nhưng đã không được tặng giải, danh sách này gồm một số tác giả như: Anna Akhmatova, Jorge Amado, Antonin Artaud, Georges Bataille, Maurice Blanchot, Jorge Luis Borges, Bertolt Brecht, Paul Celan, René Char, Anton Chekhov, Joseph Conrad, Julio Cortázar, Jacques Derrida, Theodore Dreiser, Lion Feuchtwanger, Robert Frost, Hans-Georg Gadamer, Graham Greene, Aldous Huxley, Henrik Ibsen, James Joyce, Nikos Kazanzakis, Arthur Koestler, D.H. Lawrence, William Somerset Maugham, Sándor Márai, Arthur Miller, Alberto Moravia, Robert Musil, Vladimir Nabokov, George Orwell, Fernando Pessoa, Ezra Pound, Marcel Proust, J.D. Salinger, Gertrude Stein, Wallace Stevens, Leo Tolstoy, Arnold Toynbee, Marina Tsvataeva, Mark Twain, Franz Werfel, Thornton Wilder, Tennessee William và Virginia Woolf.

2/ Tiểu Sử Nhà Văn Cao Hành Kiện.

            Cao Hành Kiện (Gao Xingjian) hiện nay mang quốc tịch Pháp, đã chào đời vào ngày 4 tháng 1 năm 1940 tại huyện Cam Châu (Ganzhou) tỉnh Giang Tây (Jiangxi) thuộc miền đông của nước Trung Hoa. Ông là tác giả viết tiểu thuyết, kịch phẩm, nhà phê bình văn học, nhà dịch thuật, nhà đạo diễn kiêm một họa sĩ có tài.

            Cao Hành Kiện lớn lên trong hoàn cảnh quân Nhật xâm chiếm nước Trung Hoa trong suốt 8 năm trường, từ 1937 tới 1945, và trưởng thành trong chế độ Cộng Hòa Nhân Dân, nơi mà mọi thứ quyền tự do căn bản của con người đều bị hạn chế tối đa. Cao Hành Kiện có người cha là một nhân viên ngân hàng và bà mẹ là một diễn viên tài tử, bà đã khuyến khích cậu con trai ưa thích sân khấu và văn chương. Sau khi tốt nghiệp từ trường trung học, Cao Hành Kiện đã theo học tiếng Pháp từ năm 1957 tới năm 1962 tại Phân Khoa Ngoại Ngữ của trường Đại Học Bắc Kinh.

            Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (the Cultural Revolution, 1966-76), các toán Vệ Binh Đỏ (Red Guards) và các nhân viên Cách Mạng xu thời đã nắm quyền hành, đưa nước Trung Hoa vào các hoàn cảnh hỗn loạn, hàng triệu người vô tội kể cả các nhân vật cao cấp đã bị tố cáo không đúng và hành hạ tới chết. Ông Cao bị coi là một nhà trí thức, bị người vợ tố cáo là đã lén lút "viết văn" mà ở vào thời kỳ này, sáng tác văn chương là một việc làm nguy hiểm, nên ông bị đưa tới trại lao động cải tạo (re-education camp, hạ phóng giáo cải), phải làm việc cực khổ trong 6 năm dài. Trước khi bị bắt, ông đã đốt đi một rương chứa đầy bản thảo của 10 vở kịch, nhiều bài thơ, một cuốn tiểu thuyết và nhiều bài nhận định văn học, đây là thứ công trình nghiên cứu trong nhiều năm trường. Sau khi được trả tự do, Cao Hành Kiện làm việc tại Ban Báo Chí Ngoại Ngữ (the Foreign Languages Press, Ngoại Văn Xuất Bản Xã) rồi sau đó, trở nên nhân viên phiên dịch cho Hội Nhà Văn Trung Hoa (the Chinese Writers Association, Trung Quốc Tác Gia Hiệp Hội), dù thế trong thời gian này, ông Cao không thể phổ biến các sáng tác của mình cho tới năm 1979 khi đi du lịch sang Pháp và Ý.

            Trong các năm từ 1980 tới 1987, Cao Hành Kiện bắt đầu sáng tác lại, trở thành nhà văn cải tiến và gây tranh cãi trên văn đàn. Mọi người đã nhận ra tài năng phê bình văn học của ông khi vào năm 1980, Cao Hành Kiện cho xuất bản cuốn tiểu thuyết nhỏ (novella) tên là "Các Ngôi Sao trong một Đêm Lạnh" (Stars on a Cold Night) rồi sau đó là các truyện ngắn, các bài luận văn (essays) và các kịch bản in trong các tạp chí văn chương tại Trung Hoa, cùng với 4 cuốn sách: "Thảo Luận đầu tiên về Nghệ Thuật của Tiểu Thuyết Mới" (Premier essai sur les techniques du roman moderne/A Preliminary Discussion of the Art of Modern Fiction, 1981), cuốn này đã gây nên một cuộc bút chiến về "chủ nghĩa cách tân" (modernism), "Con Chim Bồ Câu Mỏ Đỏ" (A Pigeon Called Red Beak, 1985), "Sưu Tập các Vở Kịch" (Collected Plays, 1985), "Đi Tìm một Hình Thức Mới cho Cách Trình Bày Kịch Nghệ" (In Search of a Modern Form of Dramatic Representation, 1987).

            Nhiều vở kịch thử nghiệm và mang tính chất tiền phong của Cao Hành Kiện đã được trình diễn tại Nhà Hát Nghệ Thuật Nhân Dân (the Theatre of Popular Art/Bắc Kinh Nhân Dân Nghệ Thuật Hí Viện) tại Bắc Kinh và đã mang lại thành công rực rỡ. Qua những vở kịch này, Cao Hành Kiện đã phối hợp nền nghệ thuật sân khấu cổ điển của Trung Hoa với ảnh hưởng kịch nghệ tiền phong (avant-garde) của phương tây, đặc biệt từ hai kịch tác gia Samuel Beckett và Eugene Ionesco, nhưng vở kịch "Trạm Xe Buýt" (Arrêt de bus/Bus Stop, 1983) đã bị một nhân vật uy tín của Đảng Cộng Sản Trung Hoa mô tả là một văn bản độc hại nhất kể từ khi thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân. Tác phẩm "Người Rừng" (L'Homme Sauvage/Wild Man/ Dã Nhân, 1985) của ông Cao cũng gây ra cuộc tranh luận nóng bỏng, khiến cho quốc tế phải chú ý.

            Vào năm 1986, tác phẩm "Bờ Kia" (L'Autre Rive/The Other Shore/Bỉ Ngạn) đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản coi là "phản cách mạng", bị cấm phổ biến và kể từ thời gian này, không một vở kịch nào của Cao Hành Kiện được phép trình diễn và tác giả bị Công An theo dõi. Để tránh khỏi các xách nhiễu của chính quyền, nhà văn họ Cao đã đi lang thang trong 10 tháng qua các miền rừng núi thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) rồi thả bộ dọc theo con sông Dương Tử (Yangzi) từ ngọn nguồn tới tận bờ biển. Vào năm 1987, nhờ thế lực của người bạn giữ chức Bộ Trưởng Văn Hóa, Cao Hành Kiện rời khỏi Trung Hoa theo giấy mời của cơ quan văn hóa Đức Quốc và qua năm sau, sang sinh sống tại thủ đô Paris, nước Pháp, với tư cách là một người tỵ nạn chính trị.

            Sau vụ Thảm Sát các sinh viên tranh đấu cho Tự Do tại Quảng Trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, xẩy ra vào năm 1989, nhà văn họ Cao đã tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng Sản Trung Hoa rồi sau đó, ông phổ biến tác phẩm "Các Kẻ Chạy Trốn" (La Fuite/Fugitives/Đào Vong) viết ra để chống đối cuộc tàn sát sinh viên kể trên, chính quyền Trung Cộng đã công bố Cao Hành Kiện là một người không được chấp nhận (persona non grata) và tất cả các tác phẩm của ông đều bị cấm đoán.

            Từ mùa hè năm 1982, nhà văn Cao Hành Kiện đã khởi công viết cuốn tiểu thuyết xuất sắc "Ngọn Núi của Tâm Hồn" (La Montagne de l'Âme/Soul Mountain/Linh Sơn) do tác giả đã tốn nhiều thời gian để đi khắp nơi trên đất nước Trung Hoa mà tìm ra ý nghĩa của cá nhân, cội nguồn, sự bình yên nội tại (inner peace) và sự tự do. Cuốn tiểu thuyết kể trên được xuất bản vào năm 1990 và được bổ túc bằng cuốn tự truyện "Thánh Kinh của Một Người" (Le Livre d'un homme seul/One Man's Bible/Nhất Cá Nhân Đích Thánh Kinh).   

            Một số tác phẩm của nhà văn Cao Hành Kiện đã được phiên dịch sang nhiều ngôn ngữ khác và nhiều vở kịch của ông cũng được trình diễn tại các nơi trên thế giới. Tại Thụy Điển, Goran Malmqvist đã giới thiệu và chuyển ngữ vài tác phẩm của ông Cao. Hai vở kịch của ông là "Mưa Hè tại Bắc Kinh" (Summer Rain in Peking) và "Các Kẻ Chạy Trốn" (Fugitives) đã được trình diễn tại Nhà Hát Kịch Nghệ Hoàng Gia (the Royal Dramatic Theatre) tại Stockholm.

            Cao Hành Kiện còn là một họa sĩ có tài, chuyên vẽ bằng mực tầu. Chính ông đã minh họa các hình bìa của những cuốn sách của mình. Các họa phẩm của ông đã được trưng bày tại hơn 30 cuộc triển lãm quốc tế trong nước Pháp, tại châu Âu cũng như ở Đài Loan và Hương Cảng. Tranh của ông chứa đựng nét vẻ giản dị và phóng khoáng nên đã hấp dẫn được nhiều người xem.  

            Do viết văn cả bằng tiếng Hoa lẫn tiếng Pháp, nhà văn Cao Hành Kiện được trao tặng Huân Chương Nghệ Thuật và Văn Chương (Chevalier de l'Ordre des Arts et des Lettres, 1992) của Bộ Văn Hóa Pháp vào năm 1992, Giải Thưởng Cộng Đồng Bỉ (Prix Communauté francaise de Belgique, 1994) vì tác phẩm Kẻ Mộng Du (Le Somnambule), Giải Thưởng Tết Trung Hoa 1997 (Prix du Nouvel An Chinois) vì tác phẩm Ngọn Núi của Tâm Hồn (Soul Mountain).

            Ngày 10 tháng 12 năm 2000, nhà văn Cao Hành Kiện được trao tặng Giải Thưởng Nobel về Văn Chương do các lời văn của tác giả được phát xuất từ cuộc đấu tranh của cá nhân để sống còn trong các tập thể. Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã nhận định rằng "Tác phẩm của ông Cao Hành Kiện mang tầm vóc ảnh hưởng quốc tế, chứa đựng các nhận thức chua chát và diễn tả bằng bút pháp tài tình, đã vạch ra các con đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết và kịch nghệ Trung Hoa". Đây là lần đầu tiên Giải Thưởng Nobel Văn Chương được trao về một nhà văn Trung Hoa. Ông Cao Hành Kiện là nhân vật của châu Á thứ tư lãnh Giải Thưởng Nobel cao quý này, sau các Văn Hào Rabindranath Tagore (1913) người Ấn Độ, Yasunari Kawabata (1968) người Nhật Bản và Kenzaburo Oe (1994) người Nhật Bản

Nhà văn Cao Hành Kiện rõ ràng là một nhân vật bi quan, đi tìm các ý nghĩa của đời sống cá nhân và diễn tả các suy tư của chính mình qua nhiều sáng tạo xuất sắc

3/ Các suy tư của Nhà Văn Cao Hành Kiện.

            Cao Hành Kiện là nhà văn luôn luôn tìm cách bảo vệ vị trí độc lập và tiếng nói cá nhân của mình trong mọi hoàn cảnh bởi vì theo ông, sáng tác văn học là cơn sóng trào từ tâm huyết của người viết văn. Vào năm 1981 sau khi xuất bản cuốn "Thảo Luận đầu tiên về Nghệ Thuật của Tiểu Thuyết Mới" (Hiện Đại Tiểu Thuyết Kỹ Xảo Sơ Thám), nhà văn Cao Hành Kiện bị gán cho nhãn hiệu thuộc về trường phái "hiện đại", rồi sau vở kịch "Các Kẻ Chạy Trốn" (Đào Vong) phổ biến vào năm 1990, tác giả bị xếp vào loại "phản cách mạng" (counterrevolutionary).

            Thông thường tại Trung Quốc cũng như tại nhiều quốc gia khác, người đời thường đặt ra nhiều thứ khuôn mẫu, trường phái, ấn định kẻ này trong giòng, người kia ngoài giòng, và theo thông lệ, những kẻ không nhập giòng chính (mainstream) liền bị phê phán, thanh trừng, có khi bị cầm tù, hủy diệt, nhất là dưới chế độ độc tài toàn trị hay trong xã hội theo chủ nghĩa cộng sản cực quyền. Cao Hành Kiện đã xác nhận rằng ông không thuộc về một "trường phái" nào, một "trào lưu" nào, bởi vì tác giả không muốn bị đóng chặt vào một cái khuôn nghệ thuật rất chật hẹp. Tác giả cho rằng chức năng chính trị, phép tắc luân lý... đã tìm cách biến "văn học" thành thứ "công cụ" cho phe đảng và đây chính là điều bất hạnh cho "văn học". Văn học của Trung Quốc qua nhiều thế kỷ đã bị mệt mỏi vì các cuộc đấu tranh chính trị, đã mang ý chí tập thể ra cưỡng ép kẻ khác, đặt ra nhiều hạn chế vì mang danh nghĩa chính đảng hay quốc gia.

Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch... là các cá nhân mềm yếu, trơ trụi một thân, khi giáp mặt với xã hội đã phát ra tiếng nói tự đáy lòng. Đây là điều xác nhận sự "tất yếu của tự thân tồn tại". Tác gia là người "có chuyện cần nói", rồi sau đó mới tìm cách "nói năng, diễn tả ra sao", đây là quan niệm hỗ tương giữa nội dung và hình thức. Người làm văn học cần tới tính "tự do bày tỏ" để trình bày cái "cảm nhận" của riêng mình.

          Do nghiên cứu sự khác biệt giữa Hán Ngữ và các ngôn ngữ phương tây, và nhờ các tác giả như Marcel Proust, James Joyce cùng các nhà văn thuộc trường phái Tiểu Thuyết Mới, Cao Hành Kiện đã chú ý tới ý thức và tiềm thức, khám phá ra việc kiến tạo các góc độ kể chuyện để có thể truyền đạt các ý nghĩa khó phổ biến. Vì ngôn ngữ là phương tiện bày tỏ của con người nên nhà văn đã dùng ngôn ngữ để diễn tả cảm xúc chân thật của chính mình. Cao Hành Kiện đã coi trọng thứ chân thật này bởi vì người đời thường hay sống theo cái bóng của kẻ khác trong khi nhà văn cần đến tính độc lập, tính không bị lặp lại, sao chép.

            Cao Hành Kiện rời khỏi Trung Quốc, sang Pháp vào năm 1989 và không trở về quê cũ. Là tác giả lưu vong, ông coi công việc sáng tác văn chương là một phương thức sống, một cách tự cứu mà không mưu cầu việc cải tạo thế giới. Ông đã từng nói "Tôi viết cho chính tôi, để làm dịu đi những khổ đau của tôi". Quả vậy, cuộc đời của ông bắt đầu trong bom đạn, tiếp diễn trong các hoàn cảnh xáo trộn, đàn áp, chống đối, trốn chạy... và ông cũng cho biết "tôi là một kẻ tỵ nạn từ khi lọt lòng mẹ". Do lòng say mê kịch nghệ, văn chương và hội họa, Cao Hành Kiện đã viết văn, viết kịch, là kẻ cô đơn trong hành trình đi tìm kiếm chính mình và còn là một nghệ sĩ dùng nghệ thuật để chống đối bạo quyền và hận thù, để nói lên tiếng nói của Tự Do.     

Lần đầu tiên tại châu Âu, Cao Hành Kiện cho trình diễn vở kịch "Tuyết Tháng Tám" tại Nhà Hát Opera Marseille. Nội dung vở kịch kể lại hành trạng của Huệ Năng, vị Tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Hoa. Vở kịch gồm 2 hồi, 9 cảnh, diễn ra trong 2 giờ 15 phút với âm nhạc của Xu Shuya. Tổ Huệ Năng dạy rằng mọi người đều có thể giác ngộ, trở thành Phật nếu biết phá chấp và sống hòa đồng với thế giới bên ngoài. Tổ báo tin cho các đệ tử biết rằng mình sẽ qua đời vào tháng Tám, ngài đã đốt bỏ chiếc áo cà sa, vì ai cũng có thể trở thành Phật nên không cần tới người kế nghiệp Tổ. Khi Tổ Huệ Năng mất, tuyết phủ trên núi. Tháng Tám mà đã có tuyết? Thời gian trôi qua, tư tưởng của Tổ Huệ Năng bị hiểu sai đi, nhà chùa trở nên một thứ thế giới hỗn loạn và cuối cùng, bị thiêu cháy. Đây có phải là ngọn lửa tẩy sạch không, rồi sau đó là bầu không khí êm đềm, tĩnh lặng, bao phủ tất cả. Màn kịch khép lại với đặc tính "vô thường" của Thiền Tông, truyền sang mọi khán giả tham dự.

            Vở kịch "Tuyết Tháng Tám" rất độc đáo, do sự phối hợp của Nhà Hát Opera Marseille, trường Cao Đẳng Biểu Diễn Nghệ Thuật Đài Loan, Dàn Nhạc Marseille, Dàn Nhạc Đài Loan với gần 200 diễn viên hát tiếng Hoa và tiếng Pháp. Dựng cảnh và trang trí do chính nhà văn Cao Hành Kiện, ông đã vẽ các bức phông lớn bằng mực tầu. Rạp hát rất rộng lớn mà không còn ghế trống, mọi người yên lặng, lắng nghe và theo dõi vở kịch từ khởi đầu tới màn cuối. Khi vở kịch đã kết thúc, tác giả Cao Hành Kiện còn gặp các đại biểu và một số khán giả hỏi han, trò chuyện, trong số này ngoài một số người thân quen còn có các ông Goran Malmqvist, thành viên của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, Mabel Lee, giáo sư Đại Học Sydney, Noel Dutrait, giáo sư Đại Học Provence, bà Tchen Tu-chiou, bộ trưởng cố vấn cho Tổng Thống Đài Loan...

            Cao Hành Kiện đã viết vở kịch "Tuyết Tháng Tám" theo nguyên tắc "bốn không": không hoàn toàn là một vở opera Trung Quốc, không hoàn toàn theo nghĩa opera của phương tây, không hoàn toàn là một vở kịch sân khấu, không hoàn toàn là một vở ballet. Đây là sự phối hợp của các hình thức thể hiện khác nhau.

            Tác phẩm quan trọng nhất của Cao Hành Kiện là cuốn tiểu thuyết "Ngọn Núi của Tâm Hồn" (Linh Sơn). Đây là cuộc hành trình của một tâm hồn qua thời gian và không gian trong các khung cảnh đồi núi, đồng cỏ, làng mạc Trung Hoa, để tìm kiếm cỗi rễ, sự an bình và tự do của nội tâm.  Đây cũng là câu chuyện của một người đi tìm ngọn núi thiêng, nơi cất dấu và chôn vùi thế giới cát bụi. Qua tác phẩm, tác giả đã trình bày nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa cùng với đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc sau nhiều thời đại, tại nhiều vùng địa dư khác nhau với nhiều chủng tộc và tệ nạn, và người đọc được dẫn vào kho tàng văn hóa rực rỡ, pha trộn cả thực tế hiện tại với quá khứ huy hoàng và trí tưởng tượng.

            Sau khi nhà văn Cao Hành Kiện đoạt Giải Thưởng Nobel Văn Chương, tờ báo Le Monde của nước Pháp đã giới thiệu tác phẩm "Ngọn Núi của Tâm Hồn" bằng đoạn văn mô tả như sau: "Một người với túi xách trên vai, đã ngược xuôi trên các cánh đồng lúa chín vàng hay những khu rừng tre xanh biếc, khi thì đi chân đất, khi thì ngồi trên xe đạp, để đi tìm một ngọn núi bí mật, một nơi lý tưởng để con người có thể rũ sạch bụi trần".

            Trong các năm về sau, Cao Hành Kiện còn viết ra các tác phẩm như "Giữa Sống và Chết" (Between Life and Death/Sinh Tử Chi Gian), "Bên Lề Cuộc Đời" (Au Bord de la Vie)(bằng tiếng Pháp), "Kẻ Mộng Du" (Le Somnambule) (bằng tiếng Pháp), "Bốn Khúc Tứ Tấu cho một Cuối Tuần" (Quatre Quatuors pour un Weekend)(bằng tiếng Pháp), "Không có Chủ Nghĩa" (Without isms)...

            Cao Hành Kiện là nhà văn đặc biệt công kích Friedrich Nietzsche bởi vì triết gia này đã gây kinh hoàng tại Trung Quốc. Nietzsche chủ trương rằng "Thượng Đế đã chết" và cổ vũ cho mẫu hình "siêu nhân", cho chế độ độc tài toàn trị mà nhờ vậy, Mao Trạch Đông đã hành xử như một kẻ thay thế Thượng Đế, để tước đoạt mọi quyền tự do của con người. Cao Hành Kiện đã thấy rõ các nỗi thống khổ của người dân lành dưới thời Cách Mạng Văn Hóa, do các bạo tàn của thứ Vệ Binh Đỏ. Tại Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông, văn học bị động viên vào những mục tiêu chính trị và các nhà văn phải là các bánh xe răng trong bộ máy lớn của cách mạng. Nhà văn như vậy đã trở thành thứ công cụ phi nhân của một chế độ áp bức và hệ thống tư tưởng đã bị áp đặt, kìm kẹp. "Bài Nói Chuyện ở Diên An" của Mao Trạch Đông vào năm 1942 đã trở thành một thứ kinh điển của chính sách văn học thống trị cho tới cuối thập niên 1970 và đã giết chết thứ văn học đích thực.

            Cao Hành Kiện muốn vứt bỏ mọi thứ "chủ nghĩa" bởi vì hiện nay, các hệ thống tư tưởng lớn đã hết thời do theo đuổi một thiên đường viễn vọng, không tưởng. Theo ông, thời Mao là một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Thế nhưng, với tư cách là một nhà văn, Cao Hành Kiện không coi nhiệm vụ của mình là đưa ra các giải pháp chính trị, ông dồn công sức vào việc cải biến tiếng Hoa. Ông không phản đối việc dùng bạch thoại thay cho văn ngôn nhưng chống lại sự tây phương hóa quá mức của thứ văn viết hiện nay. Ông coi trọng bản chất của tiếng Hoa với cú pháp đơn giản, với cách hạn chế tối đa việc dùng các công cụ ngữ pháp.

            Cao Hành Kiện đã lấy cảm hứng từ các truyền thống văn hóa Trung Quốc để viết ra nhiều tác phẩm xuất sắc và người đọc dễ dàng nhận ra điều này trong các vở kịch như "Người Rừng", "Tuyết Tháng Tám" và ngay cả trong cuốn tiểu thuyết kiệt tác "Ngọn Núi của Tâm Hồn"./.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach

Người ăn chay - Han Kang

https://www.nhomcho.com/t37281-sach-noi-nguoi-an-chay-han-kang#434073
LDN

LDN


Back to top Go down

Sách  - Page 46 Empty Re: Sách

Post by Sponsored content



Sponsored content


Back to top Go down

Page 46 of 50 Previous  1 ... 24 ... 45, 46, 47, 48, 49, 50  Next

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum